06:05 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Lai Quả

  Sư tên Diệu Thọ tự Lai Quả, hiệu là Tịnh Như, con nhà nông họ Lưu, quê ở huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc.  Năm lên bảy, Sư nghe vị Tăng bên cạnh tụng câu "Vô trí diệc vô đắc" trong Tâm Kinh, Sư có tỉnh ngộ. Năm 12 tuổi, Sư có chí thoát trần, trốn đi xuất gia, bị người anh tìm bắt trở...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Già

Kinh Lăng Già Quyển 4 - Phần 1

Thứ bảy - 06/04/2013 23:53 Xem: 1779
QUYỂN BỐN

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Cúi xin vì chúng sanh thuyết Tam-miệu Tam Bồ-đề, khiến con và các Đại Bồ-tát đối với Tự-tánh của Như-lai, khéo tự giác và giác tha.

Phật bảo Đại Huệ :

- Cho ngươi tùy ý hỏi, Ta sẽ tùy sự hỏi của ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác là tác hay chẳng tác ? Là sự ư ? Là nhân ư ? Là tướng ư ? Là sở tướng ư ? Là thuyết ư ? Là sở thuyết ư ? Là giác ư ? Là sở giác ư ? Những từ ngữ như thế là khác hay chẳng khác ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đối với những từ ngữ này Phi-sự cũng Phi-nhân. Tại sao ? Vì đều có lỗi. Đại Huệ ! Nếu Như-lai là Sự, hoặc tác hoặc vô thường; nếu nói vô thường thì tất cả Sự đều là Như-lai, Ta và chư Phật chẳng cho như thế. Nếu chẳng phải sở tác là Vô-sở-đắc, pháp phương tiện thành không, đồng như sừng thỏ, như con của Thạch Nữ vì chẳng có gì cả. Đại Huệ ! Nếu Vô-sự Vô-nhân thì phi hữu phi vô. Nếu phi hữu phi vô thì lọt vào tứ Cú; tứ Cú là ngôn thuyết của thế gian, nếu lìa tứ Cú thì chẳng đọa tứ Cú, vì chẳng đọa tứ Cú là chứng đắc của bậc Trí, nghĩa Cú của tất cả Như-lai cũng như thế. Đại Huệ nên biết, như Ta sở thuyết tất cả pháp Vô Ngã. Nếu biết nghĩa Vô Ngã là tánh vô ngã. Tất cả pháp có Tự-tánh, chẳng tha tánh như trâu ngựa. Đại Huệ ! Ví như con trâu chẳng có tánh ngựa, con ngựa chẳng có tánh trâu. Kỳ thật phi hữu phi vô, nghĩa ấy chẳng phải không có tự tánh. Như thế, Đại Huệ ! Tất cả các pháp chẳng phải không có tự tướng, có tự tướng nhưng Vô Ngã, chẳng phải phàm phu dùng vọng tưởng có thể biết. Nói tất cả pháp Không, Vô Sanh và Vô Tự-tánh, nên biết nghĩa như trên.

- Như-lai nói ngũ Ấm chẳng phải khác chẳng phải không khác. Nếu chẳng khác tức là vô thường, nếu khác thì phương tiện thành không. Nếu cho là hai thì phải có khác, như sừng trâu, mỗi mỗi tương tự nên chẳng khác; có dài ngắn sai biệt nên có khác, tất cả pháp cũng như thế. Đại Huệ ! Như sừng trâu bên phải khác với sừng trâu bên trái, sừng bên trái khác với sừng bên phải, đủ thứ sắc tướng dài, ngắn mỗi mỗi khác nhau cũng như thế. Đại Huệ ! Như-lai nói Ấm Giới Nhập chẳng phải khác hay không khác. Do đó, pháp sở thuyết của Như-lai gọi là giải thoát. Nếu Như-lai khác với giải thoát, ắt phải do sắc tướng tạo thành. Nếu do sắc tướng tạo thành thì vô thường, nếu chẳng khác thì người tu hành được tướng giải thoát không thể phân biệt, mà người tu hành thấy có phân biệt, cho nên chẳng phải khác hay chẳng khác, cũng như Trí và nhĩ-diệm, chẳng phải khác hay chẳng khác.

- Đại Huệ ! Nói "Trí và nhĩ-diệm chẳng phải khác hay chẳng khác" là phi thường phi vô thường, phi tác phi sở tác, phi hữu vi phi vô vi, phi giác phi sở giác, phi tướng phi sở tướng, phi Ấm phi khác với Ấm, phi thuyết phi sở thuyết, phi nhất phi dị, phi đồng phi chẳng đồng. Vì phi nhất phi dị, phi đồng phi chẳng đồng, nên lìa tất cả lượng. Lìa tất cả lượng thì vô ngôn thuyết, vô ngôn thuyết thì vô sanh, vô sanh thì vô diệt, vô diệt thì tịch diệt, tịch diệt là Tự-tánh Niết-bàn, Tự-tánh Niết-bàn là 'vô sự vô nhân', vô sự vô nhân thì chẳng có phan duyên, chẳng có phan duyên thì siêu việt tất cả hư ngụy; siêu việt tất cả hư ngụy tức là Như-lai, Như-lai tức là Tam-miệu Tam Bồ-đề. Đại Huệ ! Tam-miệu Tam Bồ-đề của Phật-đà lìa tất cả Căn-lượng.

Khi ấy Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Pháp lìa chư Căn-lượng,

Vô-sự cũng Vô-nhân.

Đã lìa giác, sở giác

Cũng lìa tướng, sở tướng.

Ấm, duyên đồng Chánh-giác,

Nhất, dị chẳng thể thấy.

Nếu thật chẳng thể thấy,

Thì làm sao phân biệt ?

Phi tác, phi bất tác

Phi sự cũng phi nhân.

Phi Ấm phi lìa Ấm,

Cũng chẳng có pháp khác.

Chẳng phải có các tánh,

Như vọng tưởng họ thấy.

Mỗi mỗi pháp cũng thế,

Phi hữu cũng phi vô.

Vì hữu nên nói vô,

Vì vô nên nói hữu.

Nếu Vô chẳng thể lập,

Thì Hữu làm sao có ?

Hoặc nơi ngã, phi ngã,

Lưu luyến theo ngôn thuyết.

Chìm đắm nơi nhị biên,

Tự hoại, hoại thế gian.

Tạo lỗi chướng giải thoát,

Tướng thông Ta quán sát.

Chẳng báng Đại Đạo-sư,

Ấy gọi là Chánh-quán.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Như Thế Tôn sở thuyết Khế-kinh, nói nhiếp thọ bất sanh bất diệt; Thế Tôn cũng nói bất sanh bất diệt là biệt danh của Như-lai. Tại sao Thế Tôn vì vô tánh mà nói bất sanh bất diệt cho là biệt danh của Như-lai ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta nói tất cả pháp Bất sanh Bất diệt là chẳng hiện pháp Hữu và Vô.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Nếu tất cả pháp bất sanh thì pháp Nhiếp Thọ bất khả đắc, vì pháp nhiếp thọ bất sanh. Nếu tất cả pháp bất sanh thì làm sao trong danh tự có pháp ? Cúi xin Phật thuyết rõ.

Phật bảo Đại Huệ :

- Lành thay, lành thay ! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải thuyết.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng : Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta nói Như-lai chẳng phải vô tánh, cũng chẳng phải bất sanh bất diệt, nhiếp tất cả pháp, cũng chẳng đợi duyên mà bất sanh bất diệt, cũng chẳng phải vô nghĩa. Đại Huệ ! Ta nói ý sanh Pháp-thân là danh hiệu của Như-lai, nói Bất-sanh kia chẳng phải cảnh giới của tất cả Ngoại-đạo, Thanh-văn, Duyên-giác, cho đến Thất Trụ Bồ-tát.

Đại Huệ ! Nghĩa BẤT SANH kia tức biệt hiệu của Như-lai. Đại Huệ ! Ví như lưới báu Nhân-đà-la của Đế Thích và bất Nhân-đà-la, các vật ấy mỗi mỗi có nhiều tên gọi, nhưng chẳng phải có nhiều tên mà có nhiều tánh, cũng chẳng phải không có Tự-tánh.

- Như thế, Đại Huệ ! Ta ở nơi thế giới Ta-bà này có ba A-tăng-kỳ trăm ngàn danh hiệu, phàm phu thảy đều nghe, mỗi mỗi xưng danh hiệu Ta mà chẳng biết là biệt danh của Như-lai Ta. Đại Huệ ! Hoặc có chúng sanh biết Ta là Như-lai, hoặc biết Ta là Nhất-thiết-trí, hoặc biết là Phật, hoặc biết là Người Cứu Thế, hoặc biết là Người Tự-giác, hoặc biết là Đạo-ư, hoặc biết là Quảng-đạo, hoặc biết là tất cả Đạo, hoặc biết là Thiên Nhơn, hoặc biết là Phạn (người thanh tịnh), hoặc biết là Trời, hoặt biết là Tự-tại, hoặc biết là Thù-thắng, hoặc biết là Tiên Nhơn Tóc Vàng, hoặc biết là Chơn Thật, hoặc biết là Mặt Trăng, hoặc biết là Mặt Trời, hoặc biết là Chúa-tể, hoặc biết là Vô-sanh, hoặc biết là Vô-diệt, hoặc biết là Tánh-không, hoặc biết là Như-như, hoặc biết là Chơn-đế, hoặc biết là Thật-tế, hoặc biết là Pháp-tánh, hoặc biết là Niết-bàn, hoặc biết là Thường, hoặc biết là Bình-đẳng, hoặc biết là Bất-nhị, hoặc biết là Vô-tướng, hoặc biết là Giải-thoát, hoặc biết là Đạo, hoặc biết là Sanh v.v...

Đại Huệ ! Ba A-tăng-kỳ trăm ngàn danh hiệu như thế, chẳng thêm chẳng bớt, thế giới này và thế giới khác thảy đều biết Ta, như Mặt Trăng trong nước chẳng xuất chẳng nhập. Phàm phu chẳng thể biết Ta, vì đọa nơi nhị biên, nhưng đều cung kính cúng dường Ta, mà chẳng khéo biết từ ngữ danh cú, chẳng có tự thông, chẳng phân biệt được tên và nghĩa, lại chấp trước mỗi mỗi văn tự ngôn thuyết, nơi bất sanh bất diệt cho là Vô-tánh, chẳng biết danh hiệu sai biệt của Như-lai dù nhiều mà nghĩa vốn chẳng sai biệt, như một Đế-thích cũng có nhiều danh hiệu vậy. Vì chẳng biết tự thông hội về căn bản, nên đối với tất cả pháp, đuổi theo ngôn thuyết mà chấp trước.

- Đại Huệ ! Bọn ngu si kia nói như thế rằng : "Nghĩa như ngôn thuyết, nghĩa với ngôn thuyết chẳng khác. Tại sao ? Vì nghĩa chẳng tự thân, ngoài ngôn thuyết chẳng có nghĩa khác, chỉ là ngôn thuyết thôi". Họ bị ác kiến đốt Trí, chẳng biết ngôn thuyết Tự-tánh, chẳng biết ngôn thuyết là sanh diệt, nghĩa thì chẳng sanh diệt. Đại Huệ ! Tất cả ngôn thuyết đọa nơi văn tự, nghĩa thì chẳng đọa, vì lìa tánh phi tánh, nên chẳng thọ sanh, cũng chẳng tự thân. Đại Huệ ! Như-lai chẳng thuyết Pháp đọa văn tự, vì văn tự hữu và vô đều bất khả đắc.

- Đại Huệ ! Nếu có ai nói Như-lai thuyết Pháp đọa văn tự, ấy là vọng ngữ, vì Pháp lìa văn tự. Cho nên Đại Huệ ! Ta cùng chư Phật và các Bồ-tát chẳng thuyết một lời, chẳng đáp một lời. Tại sao ? Vì Pháp lìa văn tự chứ chẳng phải Ta thuyết cái nghĩa không lợi ích cho chúng sanh. Ta chỉ nói ngôn thuyết là vọng tưởng của chúng sanh. Đại Huệ ! Nếu Ta chẳng thuyết tất cả pháp thì Giáo-pháp sẽ hoại, nếu Giáo-pháp hoại thì chẳng có chư Phật, Bồ-tát và ThanhVăn, Duyên-giác, vậy còn ai thuyết Pháp cho ai ?

- Cho nên, Đại Huệ ! Đại Bồ-tát chớ chấp ngôn thuyết mà phương tiện tùy nghi rộng thuyết Kinh-pháp. Do chúng sanh phiền não hy vọng chẳng đồng, nên Ta và chư Phật vì mỗi mỗi hiểu biết khác nhau của chúng sanh mà thuyết các Pháp, khiến họ lìa tâm, ý, ý thức; chẳng thuyết chỗ đắc Tự-giác Thánh-trí.

- Đại Huệ ! Nơi tất cả pháp vốn Vô-sở-hữu, nếu giác được 'tự tâm hiện lượng' thì lìa được hai thứ vọng tưởng, chư Đại Bồ-tát dựa theo nghĩa này mà chẳng dựa theo văn tự. Nếu thiện nam tín nữ dựa theo văn tự là tự hoại Đệ-nhất-nghĩa, chẳng thể tự giác cũng chẳng thể giác tha, đọa nơi ác kiến tương tục mà vì chúng thuyết Pháp, chẳng khéo liễu tri tất cả pháp tất cả địa tất cả tướng, cũng chẳng biết nghĩa Cú. Nếu khéo biết tất cả Pháp, tất cả Địa, tất cả Tướng, thông đạt nghĩa Cú, tánh nghĩa đầy đủ thì họ được dùng sự vui vô tướng của Chánh-pháp mà tự thọ sự vui, kiến lập Đại-thừa bình đẳng cho chúng sanh.

- Đại Huệ ! Người nhiếp thọ Đại-thừa thì nhiếp thọ Chư Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác. Vì nhiếp thọ chư Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác thì nhiếp thọ tất cả chúng sanh, nhiếp thọ tất cả chúng sanh thì nhiếp thọ Chánh-pháp, nhiếp thọ Chánh-pháp thì Phật chủng chẳng dứt, Phật chủng chẳng dứt thì hay liễu tri chỗ đắc nhập thù thắng. Liễu tri chỗ đắc nhập thù thắng ấy là Đại Bồ-tát thường được ý sanh Hóa-thân, tùy nghi kiến lập pháp Đại-thừa bình đẳng, dùng sức thập Tự-tại(1) hiện nhiều sắc tướng, thông đạt hình loại phiền não, các tướng hy vọng của chúng sanh mà thuyết Pháp như thật. Nói 'như thật' tức là chẳng có khác biệt, tướng như thật là bất khứ, bất lai, tất cả hư ngụy đều dứt, gọi là Như-thật. Đại Huệ ! Thiện nam, tín nữ chẳng nên nhiếp thọ sự tùy ngôn thuyết chấp trước, vì nghĩa chơn thật lìa nơi văn tự.

(1) THẬP TỰ TẠI LỰC : Nói tắt là Thập Lực, là mười thứ sức tự tại của Như-lai.

Ấy là :

1. Chỗ tri giác chẳng phải chỗ trí lực. Sự biết nghĩa lý của các vật là do sức tự tại của tự tâm tự biết, chẳng phải do trí lực mà biết.

2. Sức tự tại biết nhân quả nghiệp báo của tất cả chúng sanh nơi tam thế.

3. Sức tự tại biết các thứ thiền định giải thoát Tam-muội.

4. Biết mỗi mỗi tri giải trí lực của tất cả chúng sanh.

5. Biết mỗi mỗi cảnh giới chẳng đồng cuả chúng sanh thế gian.

6. Biết phổ biến tất cả pháp đúng như thật tế.

7. Biết mỗi mỗi hành và nhân của các pháp thế gian hữu lậu và các pháp xuất thế gian Vô lậu từ Ngũ-giới, Thập-thiện cho đến Niết-bàn.

8. Có Thiên nhãn vô ngại, thấy biết nghiệp duyên thiện ác và sanh tử của tất cả chúng sanh.

9. Biết Túc mạng và Vô-lậu Niết-bàn của tất cả chúng sanh.

10. Biết tất cả tập khí mê vọng, dứt hẳn chẳng sanh, đúng như thật tế.

Gọi là Thập Tự Tại Lực.

- Đại Huệ ! Cũng như phàm phu dùng ngón tay chỉ vật, mà chỉ quán theo ngón tay thì chẳng được nghĩa thật. Cũng thế, nếu phàm phu tùy theo ngôn thuyết của ngón tay mà nhiếp thọ chấp trước thì rốt cuộc chẳng thể đắc Đệ-nhất-nghĩa thật lìa ngón tay ngôn thuyết. Đại Huệ ! Ví như nuôi trẻ nhỏ, nên cho ăn đồ chín, không nên cho ăn đồ sống, nếu cho ăn đồ sống thì có thể khiến nó phát bệnh. Người đuổi theo ngôn thuyết vì chẳng biết thứ lớp phương tiện của nghĩa pháp chín mùi cũng như thế. Do đó, Đại Huệ ! Đối với pháp bất sanh bất diệt, người tu chẳng biết phương tiện là chẳng khéo tu, cho nên hành giả phải khéo tu phương tiện, chớ tùy theo ngôn thuyết như xem ngón tay mà chẳng thấy chỗ ngón tay chỉ. Cho nên, Đại Huệ ! Người tu nên khéo biết phương tiện nơi nghĩa chơn thật, nghĩa chơn thật là nhân của Niết-bàn vi diệu tịch tịnh, ngôn thuyết là vọng tưởng hòa hợp, vọng tưởng là tích tụ sanh tử.

- Đại Huệ ! Nghĩa chơn thật là từ người đa văn mà đắc. Đại Hụê ! Nói 'đa văn' là thấu nơi nghĩa, chẳng phải ở nơi ngôn thuyết. Nói 'thấu nghĩa' thì chẳng theo Kinh-luận của tất cả Ngoại-đạo, tự thân chẳng theo, cũng chẳng khiến người khác theo, ấy gọi là Đại Đức Đa Văn. Cho nên người muốn cầu 'nghĩa' nên thân cận bậc đa văn thì thấu được nghĩa. Trái với nghĩa này tức là chấp trước ngôn thuyết, nên phải xa lìa.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại thừa oai thần Phật mà bạch rằng :

- Bạch Thế Tôn ! Pháp bất sanh bất diệt của Thế Tôn hiển thị chẳng có gì lạ. Tại sao ? Vì lập cái nghĩa Nhân của tất cả Ngoại-đạo, cũng nói bất sanh bất diệt, Thế Tôn cũng nói chẳng phải số lượng duyên diệt, là Niết-bàn bất sanh bất diệt. Thế Tôn ! Ngoại-đạo nói nhân duyên sanh thế gian, Thế Tôn cũng nói do vọng tưởng vô minh nghiệp ái làm duyên sanh khởi thế gian. Họ nói nhân, đây nói duyên, ấy chỉ là danh từ sai biệt thôi. Nhân duyên các vật cũng như thế, Thế Tôn với Ngoại-đạo lập luận chẳng có sai biệt. Ngoại-đạo nói vi trần, thắng diệu, tự tại, chúng sanh, Chúa v.v... Có chín sự vật bất sanh, bất diệt; Thế Tôn cũng nói tất cả tánh bất sanh, bất diệt, hữu và vô bất khả đắc. Ngoại-đạo cũng nói tứ Đại chẳng hoại, Tự-tánh bất sanh bất diệt, tứ Đại thường là tứ Đại, cho đến luân hồi lục đạo mà chẳng xa lìa Tự-tánh; Thế Tôn sở thuyết cũng như thế. Cho nên con nói chẳng có gì lạ. Nay cúi xin Thế Tôn vì Đại Chúng thuyết Pháp đặc biệt, kỳ lạ hơn các pháp Ngoại-đạo. Nếu pháp chẳng sai biệt thì tất cả Ngoại-đạo cũng đều là Phật, vì cùng nói bất sanh, bất diệt vậy. Lại, Thế Tôn nói nơi một thế giới mà có nhiều Phật ra đời là chẳng có chỗ đúng, nếu theo lời sở thuyết trên thì trong một thế giới phải có nhiều Phật, vì pháp Ngoại-đạo với Phật chẳng sai biệt vậy.

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta nói 'bất sanh bất diệt', chẳng đồng bất sanh bất diệt của Ngoại-đạo. Tại sao ? Vì các Ngoại-đạo họ chấp có tánh của Tự-tánh để đắc tướng bất sanh bất biến, Ta chẳng như thế mà đọa sự hữu và vô. Đại Huệ ! Pháp Ta nói lìa hữu và vô, lìa sanh diệt, phi tánh phi vô tánh, mỗi mỗi pháp như mộng huyễn hiện, nên phi vô tánh. Nói Vô-tánh là sắc tướng chẳng có tự tánh nhiếp thọ, hiện như chẳng hiện, nhiếp như chẳng nhiếp. Do đó nên nói tất cả tánh vô-tánh, cũng phi vô-tánh. Hễ giác được 'tự tâm hiện lượng' thì vọng tưởng chẳng sanh, yên ổn an lạc, dứt hẳn việc thế gian.

- Phàm phu ngu si, dùng vọng tưởng làm việc, chẳng phải Thánh Hiền, biết vọng tưởng chẳng thật như thành Càn-thác-bà và người huyễn hóa. Đại Huệ ! Như trong thành Càn-thác-bà, có người huyễn hoá, người buôn bán, đủ thứ chúng sanh ra vào, phàm phu vọng tưởng cho có người chơn thật ra vào, nhưng thật thì chẳng có kẻ ra người vào. Như thế, Đại Huệ ! Phàm phu ngu si, khởi tưởng mê hoặc bất sanh bất diệt, thật cũng chẳng có hữu vi vô vi, hoặc sanh hoặc diệt của người huyễn, kỳ thật người huyễn vốn chẳng có. Tất cả pháp cũng như thế, lìa nơi sanh diệt, tánh và vô tánh đều Vô-sở-hữu. Phàm phu ngu si, đọa kiến chấp bất như thật, khởi vọng tưởng sanh diệt; Bất Như Thật của các bậc Thánh Hiền thì chẳng như vậy. Nhưng tánh và phi tánh với vọng tưởng cũng chẳng có khác, nếu khác với vọng tưởng, chấp trước tất cả tánh của Tự-tánh thì chẳng thấy tịch tịnh. Nếu chẳng thấy tịch tịnh thì rốt cuộc chẳng thể lìa vọng tưởng. Cho nên Đại Huệ ! Chẳng có thấy tướng mà thấy vô tướng mới đúng. "Thấy Tướng" là cái nhân thọ sanh nên chẳng đúng, vô tướng thì vọng tưởng chẳng sanh, chẳng khởi chẳng diệt, Ta nói là Niết-bàn. Đại Huệ ! Nói Niết-bàn là thấy nghĩa chơn thật, lìa pháp tâm, tâm số của vọng tưởng, cho đến đắc Như-lai Tự-giác Thánh-trí, Ta nói là Niết-bàn.

Khi ấy Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Diệt trừ Nhân-sanh-luận,

Kiến lập Nghĩa-bất-sanh.

Pháp Ta thuyết như thế,

Phàm phu chẳng thể biết.

Tất cả pháp Bất-sanh,

Vô-tánh, Vô-sở-hữu.

Như thành Càn-thác-bà,

Và mộng huyễn vô nhân.

Bất sanh chẳng tự tánh,

Pháp Không có nhân gì ?

Vì lìa nơi hòa hợp,

Tánh-giác-tri chẳng hiện.

Nên pháp Không bất sanh.

Ta nói chẳng tự tánh.

Vì mỗi mỗi hòa hợp,

Dù hiện chẳng thật có.

Phân tích chẳng hòa hợp,

Kiến chấp của Ngoại-đạo.

Như mộng huyển hoa đốm,

Và thành Càn-thác-bà.

Mỗi mỗi việc thế gian,

Vô nhân mà tướng hiện.

Hàng phục Hữu-nhân-luận,

Hiển bày Nghĩa-vô-sanh.

Pháp-vô-sanh hiển bày,

Thì dòng pháp chẳng dứt.

Vô-sanh tức vô-nhân,

Các Ngoại-đạo kinh sợ.

- Khi ấy Đại Huệ Bồ-tát dùng Kệ hỏi rằng :

"Thế nào là Sở-nhân ?

Do nhân nào có sanh ?

Ở nơi nào hòa hợp,

Mà lập Vô-nhân-luận ?"

- Thế Tôn dùng kệ đáp rằng :

"Quán sát pháp Hữu-vi,

Chẳng nhân, chẳng vô nhân.

Ngoại-đạo sanh diệt luận,

Kiến chấp từ đây diệt".

- Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại thuyết Kệ hỏi rằng :

"Thế nào là Vô-sanh ?

Ấy là Vô-tánh ư ?

Hoặc vì quán các duyên,

Có pháp gọi Vô-sanh ?

Tên chẳng lẽ không nghĩa ?

Cúi xin phân biệt thuyết".

- Thế Tôn lại dùng Kệ đáp rằng :

"Phi Vô-tánh Vô-sanh,

Cũng phi quán các duyên,

Phi hữu tánh đặt tên,

Có tên phi vô nghĩa.

Phi cảnh giới Ngoại-đạo,

Thanh-văn và Duyên-giác.

Cho đến hàng Thất Trụ,

Đây gọi tướng Vô-sanh.

Xa lìa các nhân duyên,

Cũng lìa tất cả việc.

Vì duy tâm kiến lập,

Tưởng, sở tưởng đều lìa.

Sắc-thân tùy nghiệp chuyển,

Ta nói là Vô-sanh.

Vô tánh, vô ngoài tánh,

Cũng chẳng tâm nhiếp thọ.

Dứt tất cả kiến chấp,

Ta nói là Vô-sanh.

Phân biệt nhiều nghĩa Không,

Phi Không nên nói Không.

Vô-sanh nên nói Không,

Vô tự tánh như thế.

Do nhân duyên hòa hợp,

Thì có sanh có diệt.

Lìa các số nhân duyên,

Vốn chẳng có sanh diệt.

Lìa bỏ số nhân duyên,

Thì chẳng có tánh khác.

Nếu nói nhất và dị,

Là vọng tưởng Ngoại-đạo.

Tánh Hữu, Vô bất sanh,

Phi Hữu cũng phi Vô.

Ngoại trừ số chuyển biến,

Thảy đều bất khả đắc.

Chỉ có số thế tục,

Duyên nhau thành xiềng xích.

Lìa nhân duyên xiềng xích,

Phàm-phu chẳng thể hiểu.

Nếu lìa duyên xiềng xích,

Nghĩa Sanh bất khả đắc.

Tánh Vô-sanh chẳng khởi,

Lìa các lỗi Ngoại-đạo.

Chỉ nói duyên xiềng xích,

Phàm phu chẳng thể hiểu.

Nếu lìa duyên xiềng xích,

Mà có tánh sanh khác.

Ấy là Vô-nhân-luận,

Phá hoại nghĩa xiềng xích.

Như đèn hiển sắc tướng,

Xiềng xích hiện cũng thế.

Nếu lìa nghĩa xiềng xích,

Lại còn có các tánh.

Tánh ấy đều Vô-tánh,

Như tánh của hư không.

Lìa xiềng xích cũng thế,

Bậc Trí chẳng phân biệt.

Vô-sanh chẳng pháp khác,

Là Pháp của Thánh Hiền.

Người đắc pháp Vô-sanh,

Là chứng Vô-sanh-nhẫn.

Giả sử trong thế gian,

Người quán sát xiềng xích.

Lìa tất cả xiềng xích,

Do đó đắc Chánh-định.

Nghiệp ái tham, sân, si,

Là xiềng xích nội tâm.

Đất sình, cây dùi lửa,

Là chủng tử bên ngoài.

Trong ngoài duyên nhau sanh.

Giả sử có tánh khác,

Chẳng phải nghĩa xiềng xích,

Pháp ấy chẳng thành tựu.

Nếu Sanh chẳng Tự-tánh,

Ai làm nghĩa xiềng xích.

Vì lần lượt sanh nhau,

Nên gọi nghĩa Nhân-duyên.

Phàm phu vọng tưởng sanh,

Pháp địa, thủy, hỏa, phong.

Lìa số chẳng pháp khác,

Là cái thuyết Vô-tánh.

Như thầy thuốc chữa bệnh,

Vì bệnh có sai biệt,

Nên lập đủ thứ Luận,

Để trị mỗi mỗi bệnh.

Ta vì các chúng sanh,

Đoạn dứt phiền não họ.

Tùy trình độ cao thấp,

Thuyết Độ-môn cho họ.

Gốc phiền não chẳng khác,

Mà có đủ thứ pháp.

Đây thuyết pháp Nhất-thừa,

Cũng gọi là Đại-thừa.


>> Quyển 4 phần 2

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn