03:14 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Phật Thích-ca

Thích-ca Mâu-ni là Phật thứ tư trong Hiền kiếp, họ Sát-lỵ, cha là vua Tịnh-phạn, mẹ hoàng hậu Ma-da. Dòng Sát-lỵ làm Vua từ khi châu Diêm-phù-đề bắt đầu. Phật trải qua nhiều kiếp tu hành được Phật Nhiên Đăng thọ ký kế vị Phật Ca-diếp, thành Phật trong kiếp này. Phật xưa kia đắc đạo Bồ-tát, sanh...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
HUE NANG
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Pháp Hoa

Yếu Chỉ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - phần cuối

Chủ nhật - 07/04/2013 13:15 Xem: 1766
25. PHẨM PHỒ MÔN.

Phổ-môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của Tự-tánh.

Vô Tận Ý Bồ-tát hỏi Phật : "Quán-thế-âm Bồ-tát vì nhân duyên gì tên là Quán-thế-âm ?"

Phật bảo : "Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng Tự-tánh Quán-thế-âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán-thế-âm, cũng gọi là Tự-tánh tự độ".

Sức dụng của Tự-tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.

- VỀ PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH CỦA QUÁN THẾ ÂM CÓ NĂM THỨ QUÁN :

1. Chơn-quán là lập chơn để phá vọng. Trước tiên phải xoay cái tánh nghe trở về Tự-tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là "Phản văn văn Tự-tánh".

2. Thanh-tịnh-quán là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng-sở. Năng nghe sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.

3. Từ-quán là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.

4. Bi-quán là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi.

Khi Từ, Bi thể hiện thì ngã chấp đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong Pháp-giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được hòa quang đồng một (nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) Nên năng-sở đều diệt.

5. Quảng-đại-trí-huệ-quán là trí huệ chiếu khắp Pháp-giới, quảng đại siêu việt số-lượng. Tất cả năng-sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói : "Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng" vậy.

Phẩm này chỉ rõ sự diệu dụng của Tự-tánh tự độ "Quán-âm Diệu-trí-lực (diệu dụng của Tự-tánh), năng cứu thế gian khổ" là nghĩa này vậy !

ĐẠI Ý PHẨM PHỒ MÔN

Tại sao gọi là PHỒ MÔN ? Vì Tự-tánh của mình phổ biến khắp hư không Pháp-giới, nên gọi Phổ Môn.

Lúc Phật đang thuyết Pháp, Vô-tận-ý Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch tay áo bên phải, quỳ gối chân phải , bạch Phật rằng  :

- Thế-tôn, do nhân duyên gì mà Quán-thế-âm Bồ-tát được gọi là Quán-thế-âm ?

Phật bảo : "Nếu có vô lượng vô biên chúng sanh, đã chịu tất cả khổ, nghe được Quán-thế-âm Bồ-tát, nhất tâm xưng danh, thì Quán-thế-âm Bồ-tát sẽ quán được âm thanh khiến giải thoát".

Theo thế gian thì âm thanh phải dùng tai nghe, chẳng thể dùng mắt thấy, nhưng người kiến tánh triệt để rồi lục căn hổ dụng, tức dùng mắt nghe được, dùng lỗ tai xem thấy. Chữ QUÁN là dùng con mắt để nghe âm thanh, ấy là sự dụng của Tự-tánh, nên ba chữ QUÁN THẾ ÂM là chỉ về Tự-tánh của mình, chứ chẳng phải thật có một vị Bồ-tát tên Quán-thế-âm.

Quán-thế-âm Bồ-tát, nghe được xưng danh đến cứu giúp : Chẳng những thế giới này, kể cả Hằng-hà-sa số vô lượng vô biến vi trần thế giới, hễ chúng sanh nào cầu cứu cũng sẽ được cứu, Ví như đài phát thanh hiện nay có làn sóng mạnh, dù máy radio nhỏ, nếu bắt đúng theo làn sóng cũng có thể thu được. Sức dụng Tự-tánh của mình cũng vậy, khắp Hư-không Pháp-giới, nếu sự tu của chúng ta quét trống rỗng tất cả, ngũ Uẩn giai không, đến cái Không-tướng hiện ra, Tự-tánh tự hiện, tức Tự-tánh mình cứu mình, chứ chẳng phải Quán-thế-âm Bồ-tát hay một người nào đó.

Phải biết Quán-thế-âm Bồ-tát là dùng con mắt để nghe chứ không phải dùng lỗ tai, nếu chúng ta dùng con mắt nghe được mới là Quán-thế-âm, đạt đến cảnh giới này tất cả khổ đều được giải thoát.

Ở trên đã nói, ba chữ Quán-thế-âm là Tự-tánh của mình, mọi người đều sẵn đủ, sức dụng thần thông biến hóa chẳng kém hơn Phật, nên gọi Phật-tánh, Sở dĩ Phật phát huy ra hết mà chúng ta chỉ có thể phát huy được một ít, chưa bằng một phần triệu, do phát huy chậm nên gọi là nghiệp-lực; nếu được phát huy hết, gọi là thần-thông lực.

Sự biến hóa hiện nay của chúng ta chậm đến chính mình cũng chẳng thể biết được; ví như tóc, móng tay, tế bào mỗi giây phút biến đổi; thân thể mỗi giây phút biến đổi, ngày đêm chẳng ngừng, nhưng tự mình chẳng hay. Hễ biến đổi một chặng thì nhân quả bằng tam thế : Kiếp trước tạo kiếp này, kiếp này tạo kiếp sau, Vì nhất thiết duy tâm tạo, do tâm-lực tạo ra nghiệp-lực.

Ví dụ tâm-lực đến tột đỉnh là một triệu độ, nay tâm-lực chúng ta chỉ có một độ, tham Thiền mãi tăng lên mười độ, rồi trăm độ, ngàn độ.. Hễ tâm-lực tăng đến năm trăm ngàn độ (phân nữa tâm lực), lúc ấy có thể biến cái này cái kia, ấy gọi Thần-thông-lực. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói :Tâm như họa sĩ tài ba, khéo họa đủ thứ thế giới, họa ra Thiên-đàng, Địa-ngục.

Ở trong này nói đến "Trì danh hiệu của Quán-thế-âm Bồ-tát"; chữ Trì này nhiều người lầm tưởng cho tụng là Trì, mỗi ngày tụng Kinh Phổ Môn nói là trì kinh Phổ Môn, mà chẳng biết Trì là phải hành Trì. Ví như hàng Tăng-ni chúng ta phải trì Giới, mỗi nửa tháng Bố-tát (tức tụng Giới) một lần, nếu cho tụng Giới tức trì Giới là không đúng, phải theo Giới thực hành mới gọi là Trì. Trì Kinh cũng vậy.

Hễ hành Trì đúng Pháp thì đạt đến sự dụng như Quán-thế-âm Bồ-tát, Sức dụng của Tự-tánh tự động, không qua tác ý, đã đạt đến cảnh giới này thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, muốn gì được ấy, bởi do nhất tâm mà thần-lực được hiện ra, tất cả tai nạn đều được giải thoát. Do nhân duyên này nên gọi là Quán-thế-âm.

Nếu thực hành đúng Pháp-môn, khi Tự-tánh hiện ra sức dụng thì bị dao chém đầu mà đầu chẳng bị đứt, dao lại gẫy từng khúc; (Trước kia khi đọc đến đây, do chưa hiểu nghĩa này, cho rằng ấy là gạt trẻ con, nhưng nay thì tin được. Việc này giải thích ra thì vô lý, nhưng sự thật như thế).

Những Ma-quỷ, La-sát muốn ăn thịt người, hút tinh khí người, đều chẳng thể hại,

Chẳng những không thể hại được, kể cả con mắt chẳng thể nhìn thấy.

Trong Thiền-tông có một sự tích như sau :

Một vị Tổ-sư đã Kiến-tánh, làm Trụ-trì ở chùa hơn ba mươi năm mà Già-lam Bồ-tát không thể thấy mặt vị Trụ-trì ấy, vì Sư luôn có một hào quang bao phủ. Một ngày kia, Bồ-tát hỏi vị Chủ-sự trong chùa :

- Tôi muốn chiêm ngưỡng chân dung của Sư Trụ-trì, ông có cách nào không ?

Đáp : Dễ thôi, ngày mai, lúc ăn cơm trưa, ông làm đổ thùng cơm thì thấy được.

Già-lam Bồ-tát làm theo lời của vị Chủ-sự, Hòa-thượng Trụ-trì thấy vậy liền mắng : Cơm của Thí-chủ cúng dường, sao bất cẩn như thế ?

Ngay lúc la mắng, hào quang bị giảm xuống, Già-lam Bồ-tát mới có dịp đảnh lễ, nhưng sau đó hào quang của Sư lại phủ kín, chẳng thể thấy được nữa.

Mỗi người chúng ta đều có hào quang, chỉ cần tâm lực mạnh. Nên khi sức dụng của Tự-tánh hiện ra, Bồ-tát còn chẳng thể thấy được, nói chi Quỷ-thần ư ?

Bất kể người có tội, bị gông cùm xiềng xích, tất cả khủng bố, tai ương, do nhất tâm xưng danh hiệu của Quán-thế-âm Bồ-tát, đều được tan rã, được giải thoát.

Muốn đạt đến nhất tâm thì bình thường phải tu tập, lúc niệm phải nhất tâm, chẳng có một tạp niệm nào. Ví như tham Thiền, chỉ có một câu thoại-đầu, không có biệt niệm thì dụng của Tự-tánh được hiển hiện.

- Vô-tận-ý Bồ-tát, nếu chúng sanh ham dâm dục sẽ được hết dâm dục; ham sân giận cũng sẽ được hết, kẻ ngu si được trí huệ.

Nay đã có sự thật chứng tỏ, nhiều Phật-tử sau một thời gian tham Thiền, đối với những ham thích trước kia như ăn mặc đẹp, đi chơi, ca hát v.v. đều tự nhiên bỏ. Tự-tánh của mọi chúng sanh sẵn đủ tất cả, chẳng kém hơn Phật, do bị tham sân si che lắp nên chẳng thể phát huy, như bụi che lắp ánh sáng của chiếc gương, nếu quét sạch bụi bẩn thì ánh sáng của gương được hiện ra, quét trống bao nhiêu hiện ra sự dụng bấy nhiêu, tức dụng tức không, tức không tức dụng, không tới cực thì dụng tới cực, hoạt bát vạn năng, vô lượng vô biên. Ánh sáng gương vốn sẵn đủ, chẳng phải do chùi mới thành gương, Tự-tánh của chúng ta vốn sẵn thần-thông biến hóa như Phật, chẳng phải do tu mới thành,

Dụng của Tự-tánh có đại uy thần lực như thế, nên mới có thể lợi ích cho tất cả chúng sanh và tất cả chúng sanh đều phải hướng vào Tự-tánh mà ngộ, phải quét sạch tất cả chấp tâm của mình. Lúc Tự-tánh hiện ra, chẳng cần dụng cũng được, vì đã tự do tự tại rồi ! Nên muốn cầu nam được nam, cầu nữ được nữ, muốn gì được ấy, hễ còn một chút khổ là chẳng tự do tự tại vậy.

Phật bảo : Nếu có người thọ trì 62 ức Hằng-hà-sa số Bồ-tát, công đức của người ấy, với phước đức của người thọ trì danh hiệu Quán-thế-âm Bồ-tát bằng nhau không khác.

Tại sao nói số 62 mà chẳng phải 61 hay 60 ? Vì kiến chấp của chúng sanh có 62 thứ : Ấy là : Tứ cú x ngũ uẩn x tam thế = 60; 60 + Hữu + Vô = 62. Tất cả kiến chấp đều không ngoài 62 thứ này, nên lấy ước số 62 để đối trị 62 kiến chấp, chỉ cần một Quán-thế-âm là đủ rồi. Như trên đã nói, Tự-tánh vốn đầy đủ tất cả, cùng hư-không, khắp Pháp-giới, tất cả đều chẳng ở ngoài Tự-tánh. Nói "Tâm bao gồm hư-không Pháp-giới" vẫn chưa đúng, vì cho tâm là tâm, hư-không Pháp-giới là hư-không Pháp-giới, là nhị; Tự-tánh bất-nhị, hư-không Pháp-giới tức tâm, tâm tức hư-không Pháp-giới; Tự-tánh tức tâm, tâm tức Tự-tánh, chẳng hai chẳng khác. 62 ức, nói ra rất nhiều, nhưng gom lại chỉ là bất-nhị, chỉ là Tự-tánh Quán-thế-âm mà thôi, cho nên công đức với phước đức bằng nhau.

Công-đức và phước-đức của thế gian dù có số lượng nhiều, nhưng lâu ngày cũng hết, còn công-đức của Tự-tánh thì chẳng thể hết, vì bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm. Cho nên, chư Phật chư Tổ chỉ muốn chúng ta được ngộ, khi ngộ rồi sức dụng của Tự-tánh phát huy, nên phải thọ trì. Thọ trì là muốn quét cho sạch, nay quét chưa sạch thì năng lực ấy chỉ có thể gọi là tiềm năng, tức tiềm ẩn nơi Tự-tánh.

- Nói 32 Ứng thân của Quán-thế-âm Bồ-tát độ chúng sanh; chúng sanh nào cần Phật-thân để độ thì hiện Phật-thân, cần thân Bồ-tát để độ thì hiện thân Bồ-tát v.v... Nói tóm lại chỉ là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà độ như ngài Lục Tổ nói : "Tự-tánh tự độ". Quán-thế-âm Bồ-tát Tự-tánh tự độ, chúng sanh cũng Tự-tánh tự độ; Tự-tánh tự độ tức Quán-thế-âm Bồ-tát, chứ chẳng phải là người khác độ. Nếu người khác độ được thì Đức Phật đại từ đại bi đã độ hết chúng sanh rồi, đâu cần chúng sanh cực khổ mà tu ?

Lúc bấy giờ, Vô-tận-ý Bồ-tát muốn cúng dường Quán-thế-âm Bồ-tát bằng sâu chuổi Anh-Lạc quý báu, lúc đầu Quán-thế-âm Bồ-tát không chịu nhận và Vô-tận-ý Bồ-tát nói rằng :

- Hãy thương xót chúng tôi mà nhận lấy sâu chuổi.

Khi ấy Đức Phật cũng nói với Quán-thế-âm Bồ-tát rằng : "Hãy thương xót Vô-tận-ý Bồ-tát và Tứ-chúng cùng các cõi Trời, người, A-tu-la v.v. mà nhận lấy". Vì thế, Quán-thế-âm Bồ-tát đã nhận và chia sâu chuổi thành hai phần, một phần cúng dường Phật Thích-ca, một phần kia cúng dường Tháp Phật Đa Bảo.

Đây là hình dung cho Pháp-thí, nếu như chẳng nghe được Pháp bố thí thì chẳng biết tu hành, chẳng thể lìa khổ, Vô-tận-ý Bồ-tát vì muốn chúng sanh cung kính Tam Bảo, vì Ngài là đại diện đương-cơ, thay mặt cho tất cả người nghe Pháp, gồm Tứ-chúng : Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam nữ Cư-sĩ và Thiên Long Bát Bộ, cúng dường cho Quán-thế-âm Bồ-tát.

Tự-tánh thần lực của Quán-thế-âm Bồ-tát khắp thế giới Ta-bà và vô lượng vô biên thế giới. Khi ấy, Vô-tận-ý Bồ-tát hỏi Phật :

- Bạch Thế-tôn, Phật-tử do nhân duyên gì, hiệu Quán-thế-âm  ?

Phật bảo : Đức hạnh của Quán-thế-âm Bồ-tát khắp mười phương thế giới, tất cả Phật, Bồ-tát đều có đại nguyện sâu như biển cả, chẳng bị thời-gian, số-lượng hạn chế, chẳng thể dùng trí suy lường. Nay ta nói qua cho biết : Do nghe danh hiệu chẳng bỏ qua cái thân, tâm chẳng bỏ luống qua, đến khi Tự-tánh được hiện ra thì tất cả khổ đều diệt.

Ở đây nói : "Nghe danh hiệu thấy cái thân ,tâm chẳng bỏ luống qua", cũng như Kinh Lăng Nghiêm nói đến "Nghe" là Phản Văn Tự-tánh, chứ chẳng phải thật nghe cái danh hoặc thật thấy cái thân, Tự-tánh chẳng có hình tướng, như Kinh Kim Cang nói : "Không có thân mới là đại thân", nếu có hình tướng thì chẳng phải đại thân.

Giả sử có người muốn hại mình, xô vào hang lửa, do sức dụng Tự-tánh sẽ hóa hầm lửa thành nước cam-lồ, tất cả tai ương, ác thú, binh lửa v.v. đều do sức dụng Tự-tánh mà được hóa giải, tất cả khổ sanh lão bệnh tử, Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sinh... đều được tiêu tan.

Đạt đến cảnh giới đó gọi là Chơn-quán, không còn dính líu gì cả, không có vọng tưởng, tất cả đều trong sạch, luôn cả trong sạch cũng không, gọi là Thanh-tịnh-quán. Lúc đó, trí huệ ấy là Bát-nhã, chẳng như trí huệ thế gian, chẳng bị hạn chế bởi số-lượng, gọi là Quảng-đại-trí-huệ-quán. Quán cái khổ của chúng sanh và đem lại sự vui mà Tự-tánh của mình tự nhiên đạt đến Vô-duyên-từ và Đồng-thể-bi, tức chẳng có cái Ta để độ chúng sanh, chẳng có chúng sanh thọ nhận sự giúp đỡ của ta, ta và chúng sanh đồng một thể, gọi là Bi Quán và Từ Quán.

Năm thứ quán : Chơn-quán, Thanh-tịnh-quán, Quảng-đại-trí-huệ-quán, Bi-quán và Từ-quán, đều là sức dụng của Tự-tánh. Người thời nay thường nói "Từ bi bác ái", tưởng từ bi và bác ái giống nhau, kỳ thật là khác nhau như Trời với đất; BÁC ÁI là chấp ngã, có cái TA để ban bố cho Đại Chúng, còn TỪ BI là chẳng có ngã, chẳng có tự và tha : Chẳng có ta cho Đại-chúng và Đại-chúng thọ nhận sự từ bi của ta.

Bây giờ, chúng ta chưa đạt đến chỗ này, phải thường nguyện thường chiêm ngưỡng, ngày đêm tu hành chẳng gián đoạn, khi cấu bẩn của tập-khí quét sạch, ánh sáng trong sạch của Tự-tánh hiện ra, như Mặt-trời khiến tan rã mây đen, tất cả tai ương, gió lửa bão táp đều tiêu, thế gian được sáng tỏ, mọi chúng sanh đều được thọ nhận mưa cam-lồ, những phiền não trước kia được dập tắt. Ấy là do Diệu-âm Quán-thế-âm, Phạn-âm hải-triều-âm, cho nên phải thường Quán.

Phạn là thanh tịnh, còn 'Hải-triều-âm' là ngày đêm chẳng gián đoạn. Tự-tánh của mình cũng thế, mặc dù hiện nay là chúng sanh, nhưng Tự-tánh từ xưa nay vốn như thế, chưa từng gián đoạn, dù đầu thai thành con trâu con chó vẫn không gián đoạn, nên phải quán Tự-tánh của mình. Nay chúng ta tham thiền là trì về Tự-tánh của mình vậy.

Trì Địa Bồ-tát ở trong chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng :

- Thế-tôn, nếu chúng sanh nghe phẩm Quán-thế-âm Bồ-tát, tự tại thần thông lực của Tự-tánh tự hiện khắp nơi mà công đức chẳng thiếu xót.

Lúc Phật thuyết xong Phẩm Phổ Môn, trong Chúng có tám mươi bốn ngàn chúng sanh được phát Tâm-bồ-đề.

Tâm-bồ-đề tức tâm giác-ngộ, tâm giác ngộ tức tâm vô-sở-đắc, tâm vô-sở-đắc mới đến giác ngộ cao nhất, nếu còn sở-đắc tức còn chấp ngã, chẳng phải Tâm-bồ-đề, sẽ không đạt đến giác ngộ cao nhất.

26. PHẨM ĐÀ LA NI.

Dược-vương Bồ-tát hỏi Phật : "Người thọ trì Kinh Pháp Hoa được bao nhiêu phước ?"

Phật bảo : "Nếu có người cúng dường tám trăm muôn ức na-do-tha Hằng-hà-sa số chư Phật, dù được phước nhiều nhưng cũng chẳng bằng cái phước của người thọ trì một tứ cú kệ của Kinh này, đọc tụng, giải nghĩa, đúng như pháp mà tu hành". Nên Dược-vương Bồ-tát bạch Phật thuyết Chú để bảo hộ kẻ thuyết Pháp và trì Kinh; kế đó Dũng-thí Bồ-tát, Tỳ-sa-môn Thiên-vương, Trì-quốc Thiên-vương và mười La-sát nữ v.v... đều ở nơi trước Phật lập nguyện thuyết Chú để bảo hộ Pháp-sư và kẻ trì Kinh.

Phẩm này bảo đảm cho người chân thực tu hành được an toàn, chẳng sợ tà ma nhiễu loạn.

"Chú" là biểu thị cho mệnh lệnh và sức dụng của Tự-tánh. Người chân thật tu hành thì sức dụng của Tự-tánh tự hiện, mà được chư Phật (Tự-tánh Phật) hộ niệm, chớ chẳng phải do đọc Chú mới được bảo hộ.

27. PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỒN SỰ.

Diệu Trang Nghiêm Vương đã tin Ngoại-đạo và nhập tà kiến đã lâu, nhưng quá khứ từng gieo trồng thiện căn, hột giống chín mùi, nên được sanh hai đứa con làm Thiện-tri-thức cho mình, dẫn dắt bỏ tà về chánh, liền được Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí thọ ký tương lai sẽ làm Phật hiệu là Ta La Thọ Vương.

Phẩm này chứng tỏ nhân quả rõ ràng, đã gieo Chánh-nhân rồi ắt sẽ thành Chánh-quả. Dù sanh nơi nhà tà-kiến, nhưng thiện nhân chủng tử cũng chẳng thối mất.

28. PHẨM PHỒ HIỀN BỔ TÁT KHUYẾN PHÁT.

Phổ-hiền Bồ-tát bạch Phật rằng : "Sau khi Phật nhập diệt, thế nào mới đắc được Kinh Pháp Hoa ?"

Phật bảo : Nếu người thành tựu bốn pháp sẽ được Kinh này :

Một là được chư Phật hộ niệm,

Hai là trồng nhiều công đức,

Ba là vào trong Chánh-định,

Bốn là phát tâm cứu độ tất cả chúng sanh.

Thật ra kẻ tu Chánh-pháp vốn sẵn đầy đủ bốn điều kiện này.

Phổ-hiền Bồ-tát hứa với Phật là sau này ở trong đời ác trược, Ngài sẽ bảo hộ và giúp đỡ người trì Kinh này được tu hành thành tựu và Ngài thuyết Chú để bảo hộ.

Ý của phẩm này cũng là muốn cho người trì Kinh này được tăng cường lòng tin và khiến họ được an ổn để chuyên tâm tu hành.

Nói tóm lại, Phật vì một Đại-sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời, thuyết Pháp bốn mươi chín năm, giảng Kinh hơn ba trăm Hội, thiết lập phương tiện tám mươi bốn ngàn Pháp-môn, qui nạp lại thành bốn đại loại :

1. Tham thiền là Tổ-sư-thiền.

2. Niệm Phật là Tịnh-độ Tông.

3. Trì Chú là Mật-tông.

4. Quán tưởng là thiền quán của các Tông về Giáo-môn, như :

- Tông Thiên Thai có Chỉ-quán Thiền.

- Tông Hiền Thủ có Pháp-giới-quán Thiền.

- Tông Duy Thức có Duy-thức-quán Thiền.

- Tông Tam Luận có Tánh-không-quán Thiền.

Bất cứ tu Pháp-môn nào cần phải thực hành đúng theo Tông-chỉ của Pháp-môn đó, mới được thành tựu bất thối hoặc Chứng-quả. Tu đúng một trong tám mươi bốn ngàn Pháp-môn kể trên tức gọi là Trì-kinh. Đọc tụng chỉ gọi là đọc tụng chẳng phải là Trì-kinh.

29. PHỤ CHÚ:

Tông-chỉ là đường lối thực hành của mỗi Tông-phái do Phật dạy và được truyền cho chư Tổ từ đời này qua đời khác (Tổ Tổ tương truyền). "Hiểu đúng ý Phật" là phải phân biệt chánh tà và hiểu nghĩa bốn thứ tứ y.

A. Phân biệt chánh tà :

Phá ngã chấp là chánh, không phá ngã chấp là tà, phá chấp thật là chánh, chấp thật là tà, cũng như đi đúng đường chánh thì đi cạn cũng là chánh, đi sâu cũng là chánh, nếu đi lầm đường tà thì hiểu cạn cũng là tà, hiểu sâu cũng là tà.

B. Bốn thứ tứ y :

1. Hạnh-tứ-y là bốn thứ y về tu khổ hạnh.

a. Phấn tảo y.

b. Thường khất thực.

c. Thọ hạ tọa (ngồi gốc cây).

d. Hủ lạn dược (hủ lạn : mục nát).

2. Pháp-tứ-y là bốn thứ y đi đúng Chánh-pháp.

a. Y pháp bất y nhơn.

b. Y liễu-nghĩa bất y bất-liễu-nghĩa.

c. Y nghĩa bất y ngữ.

d. Y trí bất y thức.

3. Nhơn tứ y là bốn bậc người nên y chỉ.

a. Người biết đủ tất cả phiền não (ngũ trụ phiền não).

b. Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm.

c. A-na-hàm.

d. A-la-hán.

Những người này bên trong đã chứng Bồ-tát Đại-thừa mà bên ngoài hiện tướng Thinh-văn để truyền Pháp giáo hóa chúng sanh.

4. Thuyết tứ y là bốn thứ ý thú đều muốn chúng sanh thành Phật.

a. Ý thú bình đẳng (ý thú là được ý quên lời, bình đẳng là thuyết Pháp chẳng rời bất-nhị của Tự-tánh).

b. Ý thú thời khác biệt (*).

c. Ý thú tùy nghĩa khác biệt (+).

d. Ý thú tùy thuận theo tâm chúng sanh.

(*) Có 3 thời khác biệt  :

1. Giáo thời thứ nhất : Khi Phật mới thành Đạo vì muốn phá chấp trước của Phàm phu và Ngoại-đạo nên nói các pháp Tứ-đại, Ngũ-uẩn để sáng tỏ Nhơn - Ngã không thật, tức là những bộ Kinh Tứ A-hàm (Tăng Nhất A-hàm, Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm).

2. Giáo thời thứ hai : Phật vì phá sự chấp pháp của Tiểu-thừa nên thuyết tất cả pháp đều không thật là những bộ Kinh Bát-nhã.

3. Giáo thời thứ ba : Phật vì phá sự chấp có của Tiểu-thừa và chấp không của Đại-thừa nên thuyết pháp chẳng có chẳng không để sáng tỏ nghĩa bất nhị của Trung Đạo, như những bộ Kinh Thâm Mật, Pháp Hoa, v.v...

(+) Có ba loại nghĩa khác biệt :

1. Giải thích tất cả pháp "Có" là đệ nhất thời.

2. Giải thích tất cả pháp "Không" là đệ nhị thời.

3. Giải thích giáo pháp "Trung Đạo" bất nhị là đệ tam thời.

(Không kể thời gian trước hay sau mà chỉ phân theo nghĩa loại).  

Lược giải :

Tứ quả của thừa Thinh-văn :

Sơ-quả Tu-đà-hoàn : Người đã dứt hết tất cả kiến hoặc tam giới, vì chưa dứt được Tư-hoặc (tư tưởng mê lầm) của Dục-giới nên còn phải sanh cõi Dục-giới bảy lần, dịch là Nhập Lưu.

Nhị-quả Tư-đà-hàm : Người đã dứt được sáu phẩm Tư-hoặc trước của Dục-giới, còn ba phẩm sau chưa dứt được nên phải sanh lại cõi Dục-giới một lần nữa, dịch là Nhứt-lai.

Tam-quả A-na-hàm : Người đã dứt thêm được ba phẩm sau (nghĩa là dứt hết chín phẩm Tư-hoặc của Dục-giới) không trở lại sanh nơi cõi Dục-giới nữa, (chỉ sanh ở cõi Sắc-giới và Vô-sắc-giới) dịch là Bất-lai.

Tứ-quả A-la-hán : Người đã dứt hết tất cả Kiến-hoặc và Tư-hoặc của Tam-giới, đã ra khỏi "phần đoạn sanh tử" chẳng thọ sanh nơi lục đạo, dịch là Bất-sanh.

Tam giới, Cửu địa :

- Tam giới gồm có cửu địa cũng gọi là cửu hữu : Dục-giới một địa, Sắc-giới bốn địa, Vô-sắc-giới bốn địa. Mỗi địa chia làm chín phẩm Tư-hoặc cộng chung là tám mươi mốt phẩm.

- Cửu địa :

1. Dục giới ngũ thú địa (ngũ thú tạp cư địa)

2. Ly sanh hỷ lạc địa.

3. Định sanh hỷ lạc địa.

4. Ly hỷ diệu lạc địa.

5. Xả niệm thanh tịnh địa.

6. Không vô biên xứ địa.

7. Thức vô biên xứ địa.

8. Vô sở hữu xứ địa.

9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa.

Ngũ trụ phiền não :

1. "Kiến nhứt thiết trụ địa phiền não" tức là tất cả Kiến-hoặc của Tam-giới, dứt hết thì chứng quả Tu-đà-hoàn.

2. "Dục ái trụ địa phiền não" tức là tất cả Tư-hoặc của Dục-giới, dứt hết thì chứng quả A-na-hàm.

3. "Sắc ái trụ địa phiền não" tức là tất cả Tư-hoặc của Sắc-giới.

4. "Hữu ái trụ địa phiền não" tức là tất cả Tư-hoặc của Vô-sắc-giới, (dù không có xác thân nhưng còn chấp ngã nên còn có ái) dứt hết tất cả Kiến-hoặc và Tư-hoặc kể trên thì được chứng quả A-la-hán.

5. "Vô minh trụ địa phiền não" tức là chỗ nguồn gốc sinh khởi tất cả phiền não, phá được Vô-thủy-vô-minh (Căn-bản-vô-minh) thì được Kiến-tánh thành Phật./.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn