06:52 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bá Trượng

Thiền sư Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ? Mẹ nói : Là Phật. Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật.  Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
HUE NANG
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Già

Kinh Lăng Già Quyển 1 - Phần 1

Thứ bảy - 06/04/2013 23:22 Xem: 2062
QU​YỂN MỘT

Ta nghe như vầy, một hôm Phật ở trên đảnh núi Lăng-già tại bờ biển Nam, có đủ các thứ hoa báu trang nghiêm, khi ấy các Đại Tỳ-kheo Tăng và Chúng Đại Bồ-tát từ các cõi Phật đến, những Đại Bồ-tát ấy đều đủ sức tự tại, vô lượng Chánh-định, du hý thần thông.

Bồ-tát Đại Huệ là bậc thượng thủ (đại diện đương cơ của Kinh này), được tất cả chư Phật đích thân làm phép quán đảnh, cảnh giới 'tự tâm hiện lượng' của Ngài đối với mọi chúng sanh, mọi tâm và sắc, vô lượng Pháp-môn, cho đến năm Pháp của Tự-tánh và hai thứ Vô-ngã đều được từng loại phổ hiện, khéo giải nghĩa lý, thông đạt cứu cánh.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ cùng Bồ-tát Ma-đế dạo khắp tất cả cõi Phật và thừa oai thần của Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, chắp tay quỳ gối, cung kính dùng kệ tán thán rằng :

Thế gian lìa sanh diệt,

Như hoa đốm trên không.

Trí chẳng trụ hữu, vô,

Mà khởi tâm đại bi.

Tất cả pháp như huyễn,

Xa lìa nơi tâm thức.

Trí chẳng trụ hữu, vô

Mà khởi tâm đại bi.

Xa lìa chấp đoạn thường,

Pháp thế gian như mộng.

Trí chẳng trụ hữu, vô

Mà khởi tâm đại bi.

Biết nhơn, pháp vô ngã

Phiền não và nhĩ-diệm(1)

Thường trong sạch vô tướng,

Mà khởi tâm đại bi.

Niết-bàn chẳng thể lập,

Chẳng có Niết-bàn Phật,

Chẳng có Phật Niết-bàn,

Lìa năng giác, sở giác.

Hoặc có hoặc không có,

Cả hai thảy đều lìa.

Pháp thiền quán tịch tịnh,

Vốn lìa sự sanh khởi.

Chẳng đời này đời sau,

Gọi là chẳng thủ xả.

(1) Nhĩ-diệm : Theo Thật Dụng Phật Học Tự Điển giải thích thì gồm có bốn nghĩa : Sở tri, cảnh giới, trí mẫu, trí cảnh. Bốn từ ngữ này cũng có tương tự cũng có hơi khác, như nghĩa Sở-tri và Cảnh-giới thì thông cả trí và ngu, còn Trí-cảnh và Trí-mẫu thì riêng cho bậc Trí, lại gồm cả năng sở : Mẹ của Trí là năng sanh, cảnh của Trí là sở sanh, vì bao gồm nhiều nghĩa như thế, nên người dịch chỉ dịch nguyên âm, chúng tôi cũng chỉ dịch nguyên âm mà tùy theo trường hợp ghi chú.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát nói kệ tán thán xong, tự xưng tên họ rằng :

Con tên là Đại Huệ,

Thông đạt pháp Đại-thừa.

Một trăm lẻ tám câu,

Dùng kệ hỏi Thế Tôn.

Đức Phật nghe kệ rồi quán sát tất cả Chúng, bảo các Phật tử rằng : Nay cho mặc tình hỏi, Ta sẽ vì các ngươi thuyết cảnh giới Tự-giác.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát kính vâng lời Phật, đảnh lễ chân Phật, chắp tay cung kính, dùng kệ hỏi rằng :

Thế nào niệm trong sạch ?

Thế nào niệm tăng trưởng ?

Tại sao thấy mê hoặc ?

Mê hoặc sao tăng trưởng ?

Cách giáo hóa cõi Phật,

Chúng sanh và Ngoại-đạo ?

Thế nào thọ, vô thọ ?

Tại sao gọi vô thọ ?

Phật-tử là nghĩa gì ?

Giải-thoát đến mức nào ?

Ai trói ai giải thoát ?

Cảnh-giới thiền ra sao ?

Tại sao có Tam-thừa ?

Mong Phật giải thích cho.

Duyên khởi từ đâu sanh ?

Sao nói tác, sở tác ?

Sao có pháp đồng dị,

Giảm bớt và tăng trưởng ?

Sao gọi Vô Sắc Định,

Và gọi Chánh-định diệt ?

Thế nào là tưởng diệt ?

Vì sao có xuất định ?

Tại sao sanh sở tác,

Tinh tấn và trì thân

Thế nào hiện phân biệt ?

Chư Địa từ đâu sanh ?

Phá ba Giới là ai ?

Thân này là thân gì ?

Vãng sanh đến nơi nào ?

Bồ-tát Tối Thắng Tử,

Nhân gì đắc thần thông,

Và tự tại Tam-muội ?

Sao gọi Tam-muội Tâm ?

Cúi xin vì con nói.

Chữ "Tạng" là nghĩa gì ?

Sao gọi ý và thức ?

Sanh diệt là thế nào ?

Sở kiến trả về được,

Năng kiến trả về đâu ?

Thế nào là tâm lượng,

Chủng tánh phi chủng tánh ?

Làm sao kiến lập tướng,

Nghĩa ngã và phi ngã ?

Sao nói chẳng chúng sanh ?

Sao gọi thuyết thế tục ?

Cách nào chẳng sanh khởi,

Đoạn-kiến và thường-kiến ?

Chư Phật và Ngoại-đạo,

Tại sao chẳng trái nhau ?

Phật-tánh vốn bất nhị,

Tại sao đời vị lai,

Nhiều bộ phái khác nhau ?

Nhân gì lập nghĩa không ?

Sao nói sát-na hoại ?

Thai tạng sanh là gì ?

Thế pháp sao chẳng động ?

Nhân gì như mộng huyễn,

Như thành Càn-thác-bà,

Như bóng trăng trong nước ?

Thế gian như dương-diệm,

Sao lại nói Giác-chi,

Và thất Bồ-đề phần ?

Quốc độ sao hỗn loạn ?

Tại sao chấp hữu kiến ?

Thế nào chẳng sanh diệt,

Thế pháp như hoa đốm ?

Cách nào giác thế gian,

Thuyết pháp lìa văn tự ?

Lìa vọng tưởng là ai ?

Sao dụ như hư không ?

Mấy thứ pháp như thật ?

Mấy tâm Ba-la-mật ?

Nhân gì độ chư Địa,

Đến nơi Vô Sở Thọ,

Và hai thứ Vô Ngã ?

Làm sao cảnh trí sạch ?

Trí huệ có mấy thứ ?

Giới tánh có bao nhiêu ?

Hạt chơn châu Ma-ni,

Thật tánh từ đâu sanh ?

Ai lập ra ngữ ngôn,

Và chủng tánh chúng sanh ?

Sáng sủa và kỹ thuật,

Do đâu mà hiển bày ?

Kệ tụng có mấy thứ,

Tụng dài và tụng ngắn,

Tất cả có mấy thứ ?

Thế nào gọi là Luận ?

Sao có sự ăn uống,

Và sanh những ái dục ?

Tại sao gọi là Vua,

Chuyển Luân và Tiểu Vương ?

Cõi Trời có mấy thứ ?

Hộ vệ quốc độ nào ?

Thế nào gọi là Địa,

Tinh tú và nhựt nguyệt ?

Người tu hành giải thoát,

Mỗi môn có mấy thứ ?

Đệ tử có mấy loại ?

Sao gọi A-xà-lê ?

Phật có bao nhiêu thứ ?

Sự sanh có mấy loại ?

Ma và các Ngoại-đạo,

Mỗi mỗi có mấy thứ ?

Tự-tánh và bản tâm,

Có mấy thứ riêng biệt ?

Những số lượng thi thiết ?

Niệm thông minh là gì ?

Cúi xin Phật khai-thị.

Hư không và gió mây,

Cây cỏ và rừng rậm,

Tất cả là thế nào ?

Tại sao lại bắt lấy,

Những loài voi, ngựa, nai ?

Thế nào là thấp hèn ?

Nhân gì mà thấp hèn ?

Làm sao dứt lục căn ?

Sao gọi Nhất-xiễn-đề ?

Nam nữ, phi nam nữ ?

Từ đâu mà sanh khởi ?

Thế nào phát tâm tu ?

Sao lại tu lui sụt ?

Thiền-sư dùng pháp gì ?

Dạy cho những người nào ?

Chúng sanh vào các cõi,

Tướng nào thuộc loại nào ?

Thế nào là giàu sang ?

Nhân gì được giàu sang ?

Thế nào là Thích Chủng ?

Nhân gì được Thích Chủng ?

Thế nào dòng Cam-giá(1) ?

Xin Thế-tôn giải thuyết.

Những Tiên nhơn khổ hạnh,

Truyền thọ như thế nào ?

Sao thân Phật hiển hiện,

Khắp thời gian không gian,

Có đủ loại chúng sanh,

Và Bồ-tát nhiễu quanh ?

Tại sao chẳng ăn thịt ?

Tại sao cấm ăn thịt ?

Những loại nào ăn thịt ?

Nhân gì phải ăn thịt ?

Sao hình thành nhựt nguyệt,

Tu-di và Liên Hoa.

Cõi nước rất thù thắng,

Trùm khắp cả thế giới ?

Như lưới báu Đế-thích,

Tất cả những trân bửu.

Cây đàn dáng trống cơm,

Và đủ loại hương hoa,

Sáng chói lìa nhựt nguyệt,

Mỗi mỗi đều vô lượng ?

Thế nào là Hóa Phật ?

Thế nào Báo-thân Phật ?

Thế nào Như Như Phật ?

Thế nào Trí Huệ Phật ?

Tại sao nơi Dục-giới,

Chẳng thành Đẳng Chánh Giác ?

Sao cõi Sắc Cứu Cánh,

Lìa dục đắc Bồ-đề ?

Chư Phật nhập Niết-bàn,

Ai duy trì Chánh-pháp ?

Như-lai và Chánh-pháp,

Được trụ thế bao lâu ?

Thành tựu và kiến chấp,

Mỗi loại bao nhiêu thứ ?

Từ Giới-luật Tỳ-kheo,

Thanh-văn và Duyên-giác,

Cho đến bậc Bồ-tát,

Nhân duyên gì kiến lập ?

Nhân gì nhiều biến đổi ?

Tại sao Vô Sở Thọ ?

Thế Tục Thông là gì ?

Tại sao xuất thế gian ?

Thế nào là Thất-địa ?

Cúi xin Phật diễn thuyết.

Tăng-già có mấy loại ?

Thế nào phá hoại Tăng ?

Y Phương Luận là gì ?

Bởi do nhân duyên gì,

Sao lại Phật Thế-tôn,

Thuyết những lời như thế  :

"Ca-diếp (Phật), Câu-lưu-tôn (Phật),

Câu-na-hàm (Phật) là Ta ?".

Cớ sao nói đoạn thường ?

Có Ngã và Vô Ngã ?

Sao không tất cả thời,

Đều diễn chơn thật nghĩa ?

Mà lại vì chúng sanh,

Phân biệt thuyết Tâm lượng ?

Tại sao cõi Ta-bà,

Núi Kim Cang, Thiết-vi,

Tất cả đều sung mãn,

Như trái Yêm-ma-la ?

(1) Dòng Cam-giá : Dòng họ Thích-ca, là con của vua Cam-giá, nên gọi là dòng Cam-giá.

>> Quyển 1 phần 2

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn