06:57 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Hoàng Bá

Hoàng Bá Thiền-sư pháp danh Hy Vận, người tỉnh Phúc Kiến. Thủa nhỏ xuất gia tại núi Hoàng Bá thuộc Hồng Châu, trên trán có một bướu thịt giống hạt Châu, giọng nói nhu nhuần trong sáng, ý chí đạm bạc. Ngài là đệ tử nối Pháp của Tổ Bá Trượng và là thầy truyền Pháp của Tổ Lâm Tế. Ngài từng được...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
HUE NANG
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Già

Kinh Lăng Già Quyển 1 - Phần 2

Thứ bảy - 06/04/2013 23:27 Xem: 1788
Phật nghe bài kệ hỏi về độ môn Đại-thừa và Diệu-tâm Chư Phật : "Lành thay những câu hỏi, Đại Huệ hãy lắng nghe, nay Ta vì các ngươi theo thứ lớp giải đáp" :

Pháp sanh và bất sanh,

Các loại đến Niết-bàn,

Sát-na chẳng tự tánh.

Từ Phật-tử, Ngoại-đạo,

Thanh-văn và Duyên-giác,

Bồ-tát Ba-la-mật,

Và hạnh cõi Vô Sắc.

Mỗi mỗi việc như thế,

Núi Tu-di, biển cả,

Các bộ Châu, Quốc độ,

Tinh tú và Nhựt Nguyệt,

Cõi trời A-tu-la,

Sức thiền Tam-ma-đề,

Giải-thoát được tự tại.

Giác-chi, Như-ý-túc,

Và các Phẩm-trợ-đạo;

Từ những thân ngũ Ấm,

Cho đến Diệt-tận-định,

Gồm vô lượng Thiền-định.

Phật từ Tam-muội khởi,

Thuyết Pháp độ chúng sanh.

Tâm (thức 8), Ý (thức 7) và Ý thức (thức 6),

Năm pháp và Vô-ngã,

Năng tưởng và sở tưởng,

Tự-tánh hiện nhị kiến.

Các Thừa và chủng tánh,

Vàng bạc, châu Ma-ni,

Cho đến Nhất-xiễn-đề,

Nhiều loại với nhất Phật,

Trí-nhĩ-diệm chứng đắc.

Chúng sanh hữu hay vô,

Những cầm thú voi, ngựa,

Tại sao bị bắt lấy,

Do nhân duyên thành tựu

Năng tác và sở tác,

Tòng-lâm cùng mê hoặc,

Tâm-lượng chẳng hiện hữu,

Chư Địa chẳng đến nhau.

Biến hiện thọ, vô thọ

Y phương và Công xảo,

Nội ngoại trong ngũ Minh,

Đại-địa, núi Tu-di,

Biển cả, Nhựt, Nguyệt, Tinh,

Chúng sanh thượng, trung, hạ

Quốc độ và Sắc thân,

Mỗi mỗi bao vi trần.

Thước tấc và số dặm,

Số ngắn đến số dài.

Nói chung những câu hỏi,

Danh từ các số lượng,

Diễn tả sự hiện hữu,

Không gian và thời gian,

Nên hỏi những việc này,

Đâu cần hỏi việc khác.

Thanh văn và Duyên giác,

Bồ-tát cho đến Phật,

Mỗi Thân bao nhiêu Trần,

Số lượng của bốn Đại,

Thân năm Uẩn con người,

Vua chúa trên Thế gian,

Cho đến Chuyển luân vương,

Đều ham giữ của cải,

Làm sao được giải thoát ?

Nghĩa hẹp và nghĩa rộng,

Như chỗ hỏi của ngươi,

Việc Phật-tử nên hỏi.

Muốn mỗi mỗi tương ưng,

Phải xa lìa kiến chấp.

Thành tựu lìa ngôn thuyết.

Nay Ta sẽ khai thị,

Kỹ càng từng lớp một,

Phật tử hãy lắng nghe.

Trăm lẻ tám câu này,

Như chư Phật sở thuyết.

"Cú sanh cú bất sanh, cú thường cú vô thường, cú trụ dị phi trụ dị, cú sát-na cú phi sát-na, cú Tự-tánh cú phi Tự-tánh, cú không cú bất không, cú đoạn cú bất đoạn, cú biên cú phi biên, cú trung cú phi trung, cú duyên cú phi duyên, cú nhân cú phi nhân, cú phiền não cú phi phiền não, cú ái cú phi ái, cú phương tiện cú phi phương tiện, cú xảo cú phi xảo, cú tịnh cú phi tịnh, cú thành cú phi thành, cú ví dụ cú phi ví dụ, cú đệ tử cú phi đệ tử, cú sư cú phi sư, cú chủng tánh cú phi chủng tánh, cú tam thừa, cú phi tam thừa, cú sở hữu cú phi sở hữu, cú nguyện cú phi nguyện, cú tam luân cú phi tam luân, cú hữu phẩm cú phi hữu phẩm, cú câu cú phi câu, cú duyên tự Thánh trí hiện pháp lạc cú phi hiện pháp lạc, cú sát độ cú phi sát độ, cú thủy cú phi thủy, cú cung cú phi cung, cú thật cú phi thật, cú số cú phi số, cú minh cú phi minh, cú hư không cú phi hư không, cú vân cú phi vân, cú công xảo kỹ thuật minh xứ, cú phi công xảo kỹ thuật minh xứ, cú phong cú phi phong, cú địa cú phi địa, cú tâm cú phi tâm, cú thi thiết cú phi thi thiết, cú ấm cú phi ấm, cú chúng sanh cú phi chúng sanh, cú huệ cú phi huệ, cú Niết-bàn cú phi Niết-bàn, cú nhĩ diệm cú phi nhĩ diệm, cú Ngoại-đạo cú phi Ngoại-đạo, cú hoang loạn cú phi hoang loạn, cú huyễn cú phi huyễn, cú mộng cú phi mộng, cú diệm cú phi diệm, cú tượng cú phi tượng, cú luân cú phi luân, cú Càn-thác-bà cú phi Càn-thác-bà, cú thiên cú phi thiên, cú ẩm thực cú phi ẩm thực, cú dâm dục cú phi dâm dục, cú kiến cú phi kiến, cú Ba-la-mật cú phi Ba-la-mật, cú giới cú phi giới, cú nhựt nguyệt tinh tú cú phi nhựt nguyệt tinh tú, cú đế cú phi đế, cú quả cú phi quả, cú khởi diệt cú phi khởi diệt, cú trị cú phi trị, cú chi cú phi chi, cú thiền cú phi thiền, cú mê cú phi mê, cú hiện cú phi hiện, cú hộ cú phi hộ, cú tục cú phi tục, cú tiên cú phi tiên, cú vương cú phi vương, cú nhiếp thọ cú phi nhiếp thọ, cú bảo cú phi bảo, cú ký cú phi ký, cú Nhất-xiễn-đề cú phi Nhất-xiễn-đề, cú nữ nam bất nam cú phi nữ nam bất nam, cú vị cú phi vị, cú sự cú phi sự, cú thân cú phi thân, cú giác cú phi giác, cú động cú phi động, cú căn cú phi căn, cú hữu vi cú phi hữu vi, cú vô vi cú phi vô vi, cú nhân quả cú phi nhân quả, cú sắc cứu cánh cú phi sắc cứu cánh, cú thiết cú phi thiết, cú tòng thọ cát đằng, cú phi tòng thọ cát đằng, cú tạp cú phi tạp, cú thuyết cú phi thuyết, cú Tỳ-ni cú phi Tỳ-ni, cú Tỳ-kheo cú phi Tỳ-kheo, cú xứ cú phi xứ, cú tự cú phi tự."

LƯỢC GIẢI : Từ CÚ SANH CÚ BẤT SANH cho đến CÚ TỰ CÚ PHI TỰ, chúng tôi lược giải chung như sau : Tất cả pháp thế gian, cho đến xuất thế gian, lời nói diễn tả được đều nằm trong tương đối; như sanh, trụ, dị, diệt, sáng, tối và sắc, không v.v... mỗi mỗi gồm có tứ cú, thật ra chẳng thể kể xiết. Như tứ cú của chữ SANH : Cú thứ nhất là SANH, cú thứ nhì BẤT SANH, cú thứ ba CHẲNG SANH, CHẲNG BẤT SANH, cú thứ tư CŨNG SANH CŨNG BẤT SANH. Chữ THƯỜNG cũng vậy : Cú thứ nhất THƯỜNG, cú thứ nhì VÔ THƯỜNG, cú thứ ba CHẲNG THƯỜNG CHẲNG VÔ THƯỜNG, cú thứ tư CŨNG THƯỜNG CŨNG VÔ THƯỜNG ... Những chữ khác cũng đều như thế cả.

Phật bảo Đại Huệ rằng :

- Đó là 108 câu Phật xưa đã nói, người và các Đại Bồ-tát cần nên tu học.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Các thức có mấy thứ sanh, trụ, diệt ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Các thức có hai thứ sanh, trụ, diệt, chẳng phải suy nghĩ biết được. Hai thứ sanh gọi là lưu chú sanh và tướng sanh; hai thứ trụ gọi là lưu chú trụ và tướng trụ; hai thứ diệt gọi là lưu chú diệt và tướng diệt.

- Đại Huệ ! Các thức có ba thứ tướng, gọi là chuyển tướng, nghiệp tướng và chơn tướng. Nói tóm tắt có ba thứ thức, nói rộng có tám thứ tướng. Ba thứ thức ấy là : Chơn thức, hiện thức và phân biệt sự thức. Đại Huệ ! Ví như gương sáng hiện những sắc tướng, chỗ hiện của hiện thức cũng như thế.

- Đại Huệ ! Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức này tướng hoại và chẳng hoại làm nhân với nhau. Đại Huệ ! Sự huân tập bất tư nghì và sự chuyển biến bất tư nghì là cái nhân của hiện thức. Nhận lấy các cảnh trần và huân tập vọng tưởng từ vô thỉ là cái nhân của phân biệt sự thức.

- Đại Huệ ! Nếu mỗi mỗi sự hư vọng chẳng thật che khuất chơn thức đều tiêu diệt thì tất cả căn thức đều diệt, ấy gọi là tướng diệt.

- Đại Huệ ! Sao nói Tương Tục Diệt ? Bởi cái nhân của tương tục đã diệt thì tương tục phải diệt; sở nhân diệt thì sở duyên cũng diệt. Sở nhân và sở duyên đều diệt thì tương tục phải diệt. Tại sao ? Vì có sở nương tựa. Nói "Nương tựa" là vọng tưởng huân tập từ vô thỉ; nói "Duyên" là tự Tâm hiện những cảnh vọng tưởng của Thức.

- Đại Huệ ! Ví như cục đất với vi trần có khác, cũng không có khác, dùng vàng ròng làm ra những đồ trang sức cũng vậy. Đaị Huệ ! Nếu cục đất với vi trần có khác thì cục đất chẳng do vi trần họp thành, mà thật thì do vi trần họp thành, nên nói chẳng khác. Nếu chấp thật chẳng khác thì cục đất với vi trần chẳng có phân biệt.

- Như thế, Đại Huệ ! Chơn-tướng của Chuyển-thức (mạt-na) với Tạng-thức (a-lại-da) nếu là khác thì Tạng-thức chẳng phải cái nhân của Chuyển-thức; nếu là chẳng khác thì Chuyển-thức diệt, Tạng-thức cũng phải diệt, mà Chơn-tướng của nó thật chẳng diệt. Cho nên Đại Huệ ! Chẳng phải tự thức của Chơn-tướng diệt, chỉ là nghiệp-tướng diệt. Nếu tự thức của Chơn-tướng diệt thì Tạng-thức cũng phải diệt. Đại Huệ ! Nếu Tạng-thức diệt thì chẳng khác gì đoạn kiến của Ngoại-đạo.

- Đại Huệ ! Các phái Ngoại-đạo lập luận như thế này : "Cảnh giới nhiếp thọ diệt thì sự lưu chú của thức cũng diệt". Nếu sự lưu chú của thức diệt thì sự lưu chú từ vô thỉ phải đoạn dứt. Đại Huệ ! Ngoại-đạo nói cái nhân sanh khởi của lưu chú, chẳng do nhãn thức, sắc không và sáng tối hòa hợp mà sanh, ngoài ra còn có các nhân khác. Đại Huệ ! Cái nhân của họ nói như thắng diệu, như sĩ phu(1), như tự tại, như thời gian, như vi trần v.v...

(1) SĨ PHU : Nghĩa Hán là bậc Trí-thức, ở đây ám chỉ Năng tác hoặc Sở tác.

- Lại nữa Đại Huệ ! Có bảy thứ chủng tánh của Tự-tánh, gọi là : Hòa hợp Tự-tánh, tánh Tự-tánh, tướng Tự-tánh, đại chủng Tự-tánh, nhân Tự-tánh, duyên Tự-tánh và thành tựu Tự-tánh.

- Lại nữa Đại Huệ ! Có bảy thứ Đệ Nhất Nghĩa, gọi là : Cảnh giới Tâm, cảnh giới Huệ, cảnh giới Trí, cảnh giới Kiến, cảnh giới Siêu nhị kiến, cảnh giới Siêu tử địa (siêu việt phiền não) và cảnh giới Như-lai tự tại. Đại Huệ ! Đây là Đệ Nhất Nghĩa Tâm của Tự-tánh, cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thành tựu pháp thế gian và xuất thế gian, cho đến xuất thế gian thượng thượng pháp, do huệ nhãn của bậc Thánh soi vào tự cộng tướng mà kiến lập, kiến lập này chẳng đồng với lập luận ác kiến của Ngoại-đạo.

- Đại Huệ ! Thế nào là lập luận ác kiến của Ngoại-đạo ? Ấy là cảnh giới vọng tưởng của tự kiến chấp, chẳng biết do chấp tự tâm sở hiện, vì chẳng thông đạt ngằn mé (Tự-tánh cùng khắp không gian thời gian, vốn chẳng có ngằn mé, vì khởi tâm chấp thật thành có ngằn mé). Đại Huệ ! Vì tánh ngu si của phàm phu, ở nơi bất nhị của Tự-tánh vô tánh (Đệ Nhất Nghĩa) lập ra nhị kiến luận (pháp tương đối).

- Lại nữa, Đại Huệ ! Cái nhân vọng tưởng khổ của tam Giới diệt thì các duyên của vô minh, ái nghiệp liền diệt. Nay ta sẽ thuyết những cảnh huyễn hóa tùy theo kiến chấp của tự tâm sở hiện.

- Đại Huệ ! Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn muốn khiến nhân quả của sự hữu chủng, vô chủng và sự vật thời gian có sở trụ... và những cái do chấp ấm, giới, nhập(1) nơi sanh và trụ biến hiện (hoặc nói sanh rồi thì diệt), như sự vật hoặc sanh hoặc hữu, hoặc Niết-bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc quả, hoặc chân lý, hoặc thường trụ đều là đoạn diệt luận. Tại sao ? Vì những sự việc kể trên vốn là vô thỉ (chẳng có sự bắt đầu), nên hiện tiền đều bất khả đắc.

(1) ẤM, NHẬP, GIỚI : Ấm là ngũ ấm, tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhập là lục nhập, tức lục căn nhiếp thọ lục trần, có sự cảm thọ, gọi là lục nhập. Giới là thập bát giới, tức lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức, gọi là thập bát (18) giới.

- Đại Huệ ! Ví như cái bình bể chẳng dùng được, như hạt giống cháy chẳng thể nảy mầm. Như thế, Đại Huệ ! Nếu tánh ấm, giới, nhập đã diệt, nay diệt, sẽ diệt điều do kiến chấp vọng tưởng của tự tâm vô nhân mà có, thì sự sanh khởi chẳng có thứ lớp.

- Đại Huệ ! Nếu lại nói cái thức Vô Chủng, Hữu chủng do ba duyên kiến, tướng, thức hòa hợp sanh khởi, thì con rùa nên mọc lông, ép cát phải ra dầu, tông họ ắt phải tự hoại, vì trái với nghĩa quyết định. Cái thuyết hữu chủng, vô chủng có lỗi như thế, nếu theo đó kiến lập sự nghiệp đều hư dối vô nghĩa.

- Đại Huệ ! Cái thuyết ba duyên hợp sanh của Ngoại-đạo, lập ra phương tiện nhân quả tự tướng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai, tưởng hữu chủng, vô chủng từ xưa đến nay đã thành sự thật, giác tưởng xoay chuyển, thừa kế với nhau là do lỗi tập khí tự sanh kiến chấp mà thuyết như thế.

- Đại Huệ ! Phàm phu ngu si, say mê tà tưởng, trí huệ bị ác kiến nuốt mất, đem cái thuyết vô trí lại vọng xưng là Nhất-thiết-trí.

- Đại Huệ ! Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn lìa kiến chấp Tự-tánh, biết trong ngoài tâm hiện như mây nổi, như vòng lửa, như thành Càn-thác-bà, như Dương-diệm, như bóng Trăng trong nước, như mộng huyễn, những vọng tưởng hư dối từ vô thỉ chẳng lìa tự tâm. Nếu nhân duyên vọng tưởng diệt hết, lìa năng thuyết sở thuyết, năng quán sở quán của vọng tưởng, kiến lập thân của Tạng-thức, nơi cảnh giới thức có thọ dụng, nhiếp thọ và kẻ nhiếp thọ v.v... Đối với những việc kể trên đều chẳng tương ưng, chẳng có tất cả cảnh giới ấy, lìa sanh trụ diệt, lìa tự tâm khởi, lìa tùy chỗ nhập mà phân biệt, Bồ-tát này được như thế thì chẳng bao lâu sẽ chứng đắc Sanh-tử và Niết-bàn bình đẳng, được đại bi phương tiện khéo léo mà chẳng thấy có sự mở mang phương tiện.

- Đại Huệ ! Nơi tất cả chúng sanh thảy đều như huyễn, chẳng do nhân duyên, xa lìa cảnh giới trong ngoài, ngoài tâm chẳng thấy pháp khác, lần lượt nhập chỗ vô tưởng, từ cảnh giới Tam-muội của Địa này đến Địa kia, phân biệt quán xét, thấu rõ ba cõi giới như huyễn, sẽ chứng đắc như huyễn Tam-muội, siêu việt tự tâm hiện, trụ nơi Bát-nhã Ba-la-mật, lìa bỏ phương tiện, lìa Kim Cang Dụ và Tam-ma-đề, liền vào thân Như-lai, liền vào thần thông biến hóa tự tại, từ bi phương tiện, đầy đủ trang nghiêm; vào tất cả cõi Phật và chỗ Ngoại-đạo, bình đẳng như như, lìa tâm, ý, ý thức, ấy là sự lần lượt chuyển thân của Bồ-tát, cho đến chứng đắc Pháp thân Như-lai, cuối cùng qui về Vô-sở-đắc.

- Đại Huệ ! Cho nên muốn đắc vào Pháp thân Như-lai, phải xa lìa ấm, giới, nhập và nhân duyên làm phương tiện của tâm, duy tâm thẳng quán xét lỗi vọng tưởng tập khí hư dối từ vô thỉ, sanh, trụ, diệt là vọng tưởng hư dối, Phật-địa vô sanh, tư duy ba cõi giới chẳng thật có, đến Tự-giác Thánh-trí, tự tâm tự tại, đến chỗ hành vô sở hành, như hạt châu Ma-ni tùy sắc (hạt châu tự chẳng có màu sắc, mà tùy màu sắc của người xem hiện ra màu sắc), nghĩa là tùy tâm lượng vi tế của chúng sanh mà biến hóa thân hình, nên chư Địa lần lượt được tương tục kiến lập. Cho nên, này Đại Huệ ! Việc tự thành tựu pháp thiện phải siêng tu học.

Khi ấy Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn nói tâm, ý, ý thức, tướng năm pháp Tự-tánh là tất cả chư Phật, Bồ-tát sở hành, cảnh giới sở duyên chẳng phải hòa hợp, hiển bày tất cả pháp do tự tâm hiện, thành tướng chơn thật. NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM là Phật thuyết cảnh giới Tạng-thức của Pháp thân, ở nơi trụ xứ của chư Đại Bồ-tát tại núi Ma-la-da trong biển thuộc nước Lăng-già.

Khi ấy, Thế Tôn bảo Đại Huệ Bồ-tát rằng :

- Do bốn nhân duyên mà nhãn thức chuyển. Thế nào là bốn ?

+ Tự tâm bất giác hiện ra nhiếp thọ.

+ Lỗi tập khí hư ngụy từ vô thỉ.

+ Chấp trước Tự-tánh của tánh thức.

+ Muốn thấy đủ thứ sắc tướng.

Ấy gọi là bốn thứ nhân duyên từ dòng suối chảy của Tạng-thức, sanh ra làn sóng của Chuyển-thức.

- Như nhãn thức chuyển thì tất cả vi trần, lỗ chân lông của tất cả các căn đều sanh, các cảnh giới khác theo đó sanh khởi cũng như thế. Ví như gương sáng hiện các sắc tướng, ví như gió lớn thổi nước biển thì gió cảnh giới bên ngoài thổi biển của tâm, nổi làn sóng thức cũng vậy. Bởi vì tướng sở tác khác hay chẳng khác, do nghiệp duyên hòa hợp sanh tướng, lại chấp trước sâu vào, chẳng thể liễu tri Tự-tánh của các sắc, nên cái thân năm thức theo đó mà chuyển.

- Đại Huệ ! Cái thân năm thứ Thức kia đều do cái biết của tướng phần đoạn sai biệt mà có, nên biết đó là cái thân của ý thức. Cái thân chuyển kia chẳng tự cho là tướng của Ta chuyển, vì tự Tâm hiện vọng tưởng chấp trước mà chuyển, nên mỗi mỗi tướng hư vọng cùng chuyển; do phần đoạn sai biệt, phân biệt cảnh giới gọi là chuyển. Như người tu hành vào thiền Chánh-định, chuyển tập khí vi tế mà chẳng tự biết, lại cho là Thức diệt rồi mới nhập thiền định, thật thì Thức chẳng diệt mà nhập Chánh-định. Vì chủng tử tập khí chẳng diệt nên cảnh giới chuyển mà Thức chẳng diệt, chẳng vì không nhiếp thọ mà diệt vậy.

- Đại Huệ ! Bờ bến cứu cánh của Tạng-thức vi tế như thế, ngoài chư Phật và Trụ Địa Bồ-tát ra, các Thanh-văn, Duyên-giác, Ngoại-đạo tu hành sở đắc, dù có sức Trí-huệ của Tam-muội, tất cả chẳng thể đo lường liễu tri được.

- Ngoài tướng Trí-huệ khéo léo phân biệt, phán đoán nghĩa cú, thắng tiến vô biên, thiện căn thuần thục, lìa vọng tưởng hư dối của tự tâm hiện, tĩnh tọa trong núi rừng, tu hành trải qua các bậc hạ, trung, thượng, được thấy vọng tưởng lưu trú của tự tâm, được vô lượng quốc độ chư Phật quán đảnh, được sức tự tại thần thông Tam-muội, được biết các Thiện-tri-thức, quyến thuộc Phật tử, những tâm, ý, ý thức kia, chúng sanh nghiệp ái vô tri vào biển sanh tử, cảnh giới tư tưởng hư vọng ấy v.v... đều do tự Tâm sở hiện. Đến đây, các thứ nhân duyên kể trên thảy đều đã siêu thoát. Cho nên Đại Huệ ! Những người tu hành nên gần gũi bậc Tri-thức Tối-thắng.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Ví như sóng biển cả,

Là do gió thổi mạnh.

Sóng to vỗ biển rộng,

Chẳng có lúc ngừng nghỉ.

Biển Tạng-thức thường trụ,

Gió cảnh giới lay động.

Mỗi mỗi sóng của Thức,

Ào ạt mà nổi dậy

Các thứ màu sắc đẹp,

Các thứ đồ ăn ngon,

Các thứ hoa quả tốt,

Ánh sáng của nhựt nguyệt,

Hoặc khác hoặc chẳng khác,

Như biển nổi làn sóng.

Bảy thức cũng như thế,

Tâm cảnh hòa hợp sanh.

Như nước biển biến chuyển,

Nổi đủ thứ làn sóng.

Bảy thức cũng như thế,

Tâm cảnh hòa hợp sanh.

Nói chỗ Tạng-thức kia,

Mỗi mỗi các thức chuyển.

Là do ý thức kia,

Suy nghĩ nghĩa các tướng.

Có tám tướng chẳng hoại,

Vô tướng vốn vô tướng.

Ví như làn sóng biển,

Nước biển chẳng sai biệt.

Thức tâm cũng như thế,

Chẳng thể có khác biệt.

Tâm gọi Tích tập nghiệp,

Ý gọi rộng Tích tập.

Thức do thức nhận biết,

Hiện cảnh nói có năm(1).

(1) HIỆN CẢNH NÓI CÓ NĂM : Tiền ngũ thức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt và thân hiện cảnh tiền trần là sắc, thanh, hương, vị và xúc.

- Đại Huệ Bồ-tát dùng Kệ hỏi Phật :

Những sắc tướng xanh đỏ,

Do các thức sanh khởi.

Nổi pháp như làn sóng,

Nghĩa ấy xin Phật thuyết.

- Thế Tôn dùng kệ đáp rằng :

Những sắc tướng xanh đỏ,

Làn sóng vốn chẳng có.

Đều do tâm tích tập,

Phàm phu nếu khai ngộ,

Nghiệp kia vốn chẳng có,

Do tự tâm nghiếp thọ.

Lìa năng nhiếp, sở nhiếp,

Đồng như làn sóng kia,

Kiến lập thân thọ dụng,

Là hiện thức chúng sanh.

Nơi các nghiệp hiện kia,

Đều như làn sóng nước.

- Đại Huệ Bồ-tát lại dùng Kệ nói rằng :

Tánh làn sóng biển cả,

Ào ạt vẫn biết được.

Tạng cùng nghiệp cũng vậy,

Tại sao chẳng hiểu biết ?

- Thế Tôn dùng Kệ đáp :

Phàm phu chẳng trí huệ,

Tạng-thức như biển cả.

Nghiệp tướng như làn sóng,

Theo đó dụ cho hiểu.

- Đại Huệ Bồ-tát lại dùng Kệ hỏi :

Mặt trời sáng soi khắp,

Chúng sanh thượng, trung, hạ.

Như-lai soi thế gian,

Khai-thị lời chơn thật.

Tại sao chia nhiều Thừa,

Thuyết pháp nói chẳng thật ?

- Khi ấy, Thế Tôn dùng Kệ đáp rằng :

Nếu nói lời chơn thật,

Tâm họ chẳng chơn thật.

Ví như làn sóng biển,

Như bóng gương, mộng huyễn.

Tất cả cùng lúc hiện,

Cảnh giới tâm cũng thế (bản thể của tâm cùng khắp không gian,thời gian, nên cùng lúc hiện, chẳng có trước sau).

Nay cảnh giới chẳng đủ,

Là do nghiệp chuyển sanh,

Thức do thức nhận biết,

Ý do ý cho vậy.

Năm thức tùy cảnh hiện,

Chẳng thứ lớp nhất định.

Ví như thợ vẽ khéo,

Và học trò thợ vẽ.

Bút màu vẽ hình tướng,

Thuyết ta cũng như thế.

Màu sắc vốn vô nghĩa,

Chẳng phải bút hay lụa.

Vì thỏa lòng chúng sanh,

Vẽ đủ thứ hình tướng.

Dùng lời nói khai-thị,

Thật nghĩa lìa văn tự.

Phân biệt tiếp sơ cơ,

Tu hành đến chơn thật.

Chỗ chơn thật tự ngộ,

Lìa năng giác, sở giác.

Đây vì Phật-tử nói,

Kẻ ngu vọng phân biệt.

Thế gian đều như huyễn,

Dù hiện chẳng chơn thật.

Thuyết Pháp cũng như thế,

Tùy sự lập phương tiện.

Lương y trị bệnh nhân,

Tùy bệnh mà cho thuốc.

Thuyết Pháp chẳng ứng cơ,

Nơi họ thành phi thuyết.

Tùy tâm lượng chúng sanh,

Như-lai ứng cơ thuyết.

Phi cảnh giới vọng tưởng,

Thanh-văn chẳng có phần.

Vì thương xót kẻ mê,

Thuyết cảnh giới Tự-giác.

- Lại nữa Đại Huệ ! Nếu Đại Bồ-tát muốn biết hiện lượng của tự tâm, nhiếp thọ và kẻ nhiếp thọ đối với cảnh giới vọng tưởng, phải lìa phong tục tập quán thế gian. Ngày đêm sáu thời thường tự cảnh tỉnh, phương tiện tu hành, phải lìa ngôn luận của người ác kiến và các tướng thừa Thanh-văn, Duyên-giác, thông đạt tướng vọng tưởng của tự tâm hiện.

- Lại nữa Đại Huệ ! Đại Bồ-tát kiến lập trí huệ, nơi ba tướng của Thánh-trí nên siêng tu học.

- Thế nào là ba tướng của Thánh-trí ? Ấy là tướng Vô Sở Hữu, tướng Nhất Thiết chư Phật tự nguyện xứ, tướng cứu cánh Tự-giác Thánh-trí. Tu hành được đến đây rồi, phải xả bỏ tướng bệnh của trí huệ tâm, được lên Bồ-tát đệ Bát Địa, ấy là do quá trình tu tập ba tướng kể trên mà sanh khởi.

- Đại Huệ ! Nói TƯỚNG VÔ SỞ HỮU là theo cách tu tập những tướng Thanh-văn, Duyên-giác và Ngoại-đạo mà sanh khởi. Nói TƯỚNG TỰ NGUYỆN XỨ là nói chỗ chư Phật xưa tự nguyện tu mà sanh khởi. Nói TƯỚNG CỨU CÁNH TỰ GIÁC THÁNH TRÍ là đối với tất cả pháp tướng chẳng chấp trước, được tiến hành đến đắc Tam-muội thân như huyễn của chư Phật mà sanh khởi. Đây gọi là ba tướng Thánh-trí. Nếu người thành tựu ba tướng Thánh-trí này thì được đến cảnh giới cứu cánh của Tự-giác Thánh-trí. Cho nên Đại Huệ ! Ba tướng Thánh-trí nên siêng tu học.

>> Quyển 1 phần 3

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn