06:53 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Nguyệt Khê

  Sư húy Tâm Viên, hiệu Nguyệt Khê, họ Ngô, tổ tiên là người Tiền Đường tỉnh Triết Giang (TQ), lập nghiệp ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, truyền được ba đời đến Sư, cha là Tử Trang, mẹ là Lục Thánh Đức, sanh được năm con, Sư là út. Sư yếu đuối nhưng thích học, sớm đã thông minh đĩnh ngộ, theo học...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Già

Kinh Lăng Già Quyển 4 - Phần 3

Thứ bảy - 06/04/2013 23:59 Xem: 1553
Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Như Thế Tôn sở thuyết nghĩa Cú, Hằng-sa chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng thuyết như thế. Thế nào ? Thế Tôn ! Là tất cả như thuyết tín thọ ư ? Hoặc còn có nghĩa khác ư ? Cúi xin Như-lai rũ lòng thương xót mà giải thích cho.

Phật bảo Đại Huệ :

- Chớ nói như thuyết tín thọ. Số lượng của tam thế Chư Phật chẳng phải như Hằng-sa. Tại sao ? Vì siêu việt hy vọng của thế gian, dùng thí dụ chẳng thể thí dụ. Vì phàm phu Ngoại-đạo vọng tưởng chấp trước, nuôi dưỡng ác kiến, đọa nơi sanh tử vô cùng tận, vì muốn khiến họ nhàm chán sanh tử luân hồi, siêng năng tinh tấn tu hành giải thoát, nên giả lập phương tiện nói với họ rằng "Chư Phật dễ thấy, chẳng như Ưu-đàm-bát hoa khó gặp". Như lập ra Hóa-thành, chỉ là phương tiện để thỏa mãn sự mong cầu của họ. Có khi quán theo căn cơ của người thọ giáo hóa, lại nói rằng : "Phật rất khó gặp như hoa Ưu-đàm. Thật ra hoa Ưu-đàm chẳng ai đã thấy, nay thấy và sẽ thấy, mà Như-lai thì khắp thế gian thảy đều được thấy". Chẳng vì kiến lập Tự-thông mà nói Như-lai ra đời như hoa Ưu-đàm. Đại Huệ ! Kiến lập 'tự thông', siêu việt hy vọng của thế gian, phàm phu chẳng thể tin nổi, cảnh giới Tự-giác Thánh-trí chẳng có gì để thí dụ, vì Chơn-thật Như-lai siêu việt tướng sở thấy biết của tâm, ý, ý thức, nên chẳng thể thí dụ. Đại Huệ ! Nhưng ta nói thí dụ "Phật như Hằng-sa" chẳng có lỗi lầm.

- Đại Huệ ! Ví như cát sông Hằng, mặc cho tất cả con cá, con ba ba, cho đến sư tử, voi, ngựa, người, thú dẫm đạp, cát ấy cũng chẳng nghĩ rằng họ nhiễu loạn Ta mà sanh vọng tưởng. Cũng thế, Tự-giác Thánh-trí dụ là sông Hằng, sức thần thông tự tại dụ là cát, tất cả Ngoại-đạo và người, thú v.v... dụ cho kẻ nhiễu loạn, Như-lai chẳng do đó mà khởi niệm sanh vọng tưởng. Vì Như-lai tịch diệt chẳng có niệm tưởng, do bản nguyện của Như-lai dùng Tam-muội khiến chúng sanh đoạn dứt tham sân, được sự an lạc, chẳng có sự nhiễu loạn trong đó. Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác Tự-tánh trong sạch chẳng có cáu bẩn, cũng như cát sông Hằng, chẳng có sai biệt vậy.

- Ví như cát sông Hằng là Tự-tánh của địa, khi hỏa kiếp đến thiêu hết tất cả địa đại mà địa đại chẳng xả Tự-tánh. Vì địa đại với hỏa đại cùng sanh nơi tứ Đại, nhưng phàm phu vọng tưởng cho là địa đại bị thiêu, mà thật thì chẳng bị thiêu, vì hỏa với địa đồng một nhân trong tứ Đại vậy. Như thế, Đại Huệ ! Như Hằng-sa chẳng hoại, vì cùng Như-lai ở trong một Pháp-thân vậy. (Vì Pháp-thân Như-lai cùng khắp hư không).

- Đại Huệ ! Ví như cát sông Hằng chẳng có hạn lượng, ánh sáng Như-lai cũng như thế, chẳng có hạn lượng, vì thành tựu cho chúng sanh nên phổ chiếu tất cả Đại Chúng trong cõi Phật. Đại Huệ ! Ví như cát sông Hằng, ngoài cát muốn cầu cát khác trọn bất khả đắc. Như thế, Đại Huệ ! Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chẳng có sanh tử sanh diệt, vì đã đoạn dứt nhân duyên sanh diệt vậy.

- Đại Huệ ! Ví như cát sông Hằng thêm bớt đều chẳng thể biết. Như thế, Đại Huệ ! Trí huệ của Như-lai thành tựu cho chúng sanh chẳng thêm chẳng bớt, vì chẳng phải Sắc-thân. Sắc-thân thì có hoại, mà Pháp-thân của Như-lai chẳng phải Sắc-thân nên chẳng thể hoại. Như ép cát sông Hằng chẳng thể được dầu. Cũng thế, Như-lai độ tất cả khổ não chúng sanh, do Tam-muội bản nguyện khởi tâm đại bi, chẳng xả Pháp-giới, dù chúng sanh chưa chứng Niết-bàn bức bách Như-lai đến mức nào cũng chẳng nổi sân hận.

- Đại Huệ ! Ví như cát sông Hằng trôi theo dòng nước, cát chẳng thể không có nước mà tự trôi được. Các Pháp của Như-lai thuyết trôi theo dòng nước Niết-bàn cũng như thế, Pháp chẳng thể lìa Niết-bàn mà tự ra, cũng như cát chẳng thể lìa nước mà tự trôi. Niết-bàn là Bản-tế của sanh tử, là tướng tịch diệt nên chẳng thể biết. Biết còn chẳng được, làm sao nói nghĩa đoạn dứt ư ?

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Nếu Bản-tế của sanh tử chẳng thể biết thì tại sao giải thoát của chúng sanh có thể biết ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Nếu cái nhân của vọng tưởng tập khí hư ngụy từ vô thỉ diệt thì biết được ngoài nghĩa tự tâm hiện, thân vọng tưởng chuyển thành giải thoát, giải thoát bất diệt tức là Tịch-diệt, tịch diệt chẳng có ngằn mé cho nên vô biên, chẳng phải vô sở hữu, như vọng tưởng Ngoại-đạo lại cho là có nhiều tên gọi khác biệt vô lượng vô biên v.v... Theo bậc Trí quán sát nội tâm ngoại cảnh, lìa nơi vọng tưởng thì chúng sanh chẳng có khác biệt, Trí và nhĩ-diệm, tất cả các pháp thảy đều tịch tịnh, vì chẳng biết vọng tưởng do tự tâm hiện, nên có vọng tưởng sanh khởi, hễ biết được thì tất cả tịch diệt, gọi là giải thoát.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Quán sát chư Đạo-sư,

Cũng như cát sông Hằng.

Chẳng hoại chẳng khứ lai,

Cũng chẳng có cứu cánh.

Ấy tức là bình đẳng,

Quán sát chư Như-lai.

Cũng như cát sông Hằng,

Thảy lìa tất cả lỗi.

Tùy lưu mà tánh thường,

Ấy là Chánh-giác Phật.

Khi ấy Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Cúi xin vì Đại Chúng thuyết tướng sát-na hoại của tất cả các pháp. Thế Tôn ! Thế nào là tướng sát-na của tất cả các pháp ?

Phật bảo Đại Huệ :

Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

- Đại Huệ ! Nói tất cả pháp là những pháp thiện, bất thiện, vô ký, hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian, có tội, vô tội, hữu lậu, vô lậu, thọ bất thọ v.v... Đại Huệ ! Lược thuyết tâm, ý, ý thức và tập khí là nhân của năm thứ thọ Ấm, cũng là tập khí của tâm, ý, ý thức nuôi dưỡng phàm phu sanh vọng tưởng thiện và bất thiện.

- Đại Huệ ! Người tu Tam-muội, Tam-muội chánh thọ, hiện pháp lạc trụ gọi là Thánh Hiền, thuộc về pháp thiện vô lậu. Đại Huệ ! Nói Thiện, Bất-thiện có tám thứ Thức. Thế nào là tám ? Ấy là Như-lai-tạng, gọi là Thức-tạng, tâm, ý, ý thức và tiền Ngũ-thức, chẳng phải như Ngoại-đạo sở thuyết.

- Đại Huệ ! Tiền Ngũ-thức và tâm, ý, ý thức đều hay phân biệt cảnh trần, tướng thiện hay bất thiện; hễ tâm động thì duyên khởi, duyên hội thì tâm sanh, lần lượt chuyển biến, Tiền Ngũ-thức chuyển biến theo thức thứ sáu thì có phân biệt thiện ác, chuyển biến theo thức thứ bảy thì có tánh chấp trước, chuyển biến theo thức thứ tám thì có chủng tử. Bảy thức trước tương tục thì có hoại, thức thứ tám lưu chú thì chẳng hoại. Nhưng thức thứ tám cùng bảy thức kia thể chẳng có khác, nên bảy thức kia sanh diệt thì thức thứ tám cũng phải theo đó hoặc sanh hoặc diệt. Vì chẳng biết cảnh trần do tự tâm hiện, vốn chưa từng sanh diệt mà chúng sanh thấy cảnh giới hư vọng, sanh tưởng chấp lấy, nên theo thứ lớp diệt rồi sanh, sanh rồi diệt, thấy hình tướng sai biệt là do ý thức nhiếp thọ, cùng Tiền Ngũ-thức tương ưng, sanh thời gian sát-na chẳng trụ, gọi là sát-na.

- Đại Huệ ! Nói sát-na là Tạng-thức trong Như-lai-tạng, đồng sanh tập khí ý thức sát-na, tập khí vô lậu thì chẳng phải sát-na, sát-na này chẳng phải phàm phu có thể biết. Ngoại-đạo chấp trước sát-na-luận, chẳng biết tất cả pháp sát-na là phi sát-na, chấp đoạn kiến phá hoại pháp Vô-vi. Đại Huệ ! Nhị-thừa đã dứt phiền não chướng nên thức thứ bảy chẳng lưu chuyển, chẳng thọ khổ vui mà chẳng phải cái nhân của Niết-bàn. Đại Huệ ! Nói Như-lai-tạng là có thọ sự khổ vui, cùng với nhân kia hoặc sanh hoặc diệt, Ngoại-đạo say đắm rượu của Tứ Trụ Địa Vô Minh(1), phàm phu chẳng biết là do vọng tưởng huân tập nơi tâm, nên thấy có sát-na.

(1) TỨ TRỤ ĐỊA VÔ MINH : Dục ái, sắc ái, hữu ái và kiến ái vô minh.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Như vàng ròng, kim cương, Xá-lợi của Phật có tánh đặc biệt, trọn chẳng thể hoại. Đại Huệ ! Người chứng Tự-giác Thánh-trí, đắc Chánh-pháp Vô-gián chẳng có tướng sát-na sanh diệt. Nếu có sát-na thì bậc Thánh chẳng phải Thánh, mà bậc Thánh luôn luôn là Thánh, như vàng ròng kim cương, dù trải qua vô số kiếp mà chất lượng chẳng giảm. Bởi phàm phu chẳng khéo hiểu pháp thuyết vi diệu ẩn mật của Ta, đối với tất cả pháp trong và ngoài tưởng có sát-na sanh diệt.

Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Như Thế Tôn nói "Sáu Ba-la-mật đầy đủ thì được thành Chánh-giác". Thế nào là sáu ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Ba-la-mật chia làm ba loại là : Thế gian, xuất thế gian và siêu việt xuất thế gian. Đại Huệ ! Nói thế gian Ba-la-mật là chấp trước ngã và ngã sở, nhiếp thọ nhị biên, là chỗ đủ thứ thọ sanh, ham sắc, thanh, hương, vị, xúc, đầy đủ Bố-thí Ba-la-mật và Trì-giới, Nhẫn-nhục,Tinh-tấn, Thiền-định, Trí-huệ cũng như thế. Phàm phu do đó đắc thần thông và sanh cõi Trời Phạm Thiên.

- Đại Huệ ! Nói xuất thế gian Ba-la-mật là vì Thanh-văn, Duyên-giác đọa nơi nhiếp thọ Niết-bàn, dù hành sáu Ba-la-mật mà ham trụ sự vui nơi Niết-bàn của chính mình.

- Nói Siêu việt xuất thế gian Ba-la-mật là giác được vọng tưởng nhiếp thọ nơi tự tâm hiện và biết tự tâm bất nhị, nên chẳng sanh vọng tưởng, đối với sự nhiếp thọ của các loài đều chẳng có phần. Chẳng chấp trước sắc tướng của tự tâm, nhưng vì khiến tất cả chúng sanh được an lạc mà tùy duyên giáo hóa, gọi là Bố-thí Ba-la-mật. Tạo phương tiện khéo léo, tùy duyên giữ giới thì vọng tưởng chẳng sanh là Trì-giới Ba-la-mật. Ngay nơi bị nhục mà vọng tưởng chẳng sanh, biết năng nhiếp sở nhiếp đều chẳng thật là Nhẫn-nhục Ba-la-mật. Ngày đêm tinh tấn, siêng năng tu hành, tùy thuận phương tiện mà vọng tưởng chẳng sanh là Tinh-tấn Ba-la-mật. Vọng tưởng dứt sạch, chẳng trụ Niết-bàn của Thanh-văn là Thiền-định Ba-la-mật. Trí-huệ quán sát tự tâm vọng tưởng phi tánh, chẳng đọa kiến chấp nhị biên, chuyển thân này thù thắng hơn trước mà chẳng đoạn dứt, đắc Tự-giác Thánh-trí là Bát-nhã Ba-la-mật.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Tánh-không chẳng sát-na,

Phàm phu vọng chấp có.

Như dòng sông, tim đèn,

Và chủng tử nẩy mầm.

Dời đổi rất nhanh chóng,

Đều do hành Ấm chuyển.

Nghĩa sát-na Ta thuyết,

Tịch-tịnh lìa sở tác.

Sát-na dứt phiền não,

Tất cả pháp chẳng sanh.

Có sanh thì có diệt,

Chẳng có kẻ ngu thuyết.

Tánh tương tục chẳng dừng,

Do vọng tưởng huân tập.

Bởi vô minh làm nhân,

Vọng tâm từ đó sanh.

Khi sắc tướng chưa sanh,

Có gì để phân biệt ?

Thấy sanh diệt tương tục,

Theo đó chấp tâm khởi.

Nếu chẳng trụ nơi Sắc,

Theo duyên gì để sanh ?

Sanh từ vật khác sanh,

Thì nhân sanh chẳng thật.

Chẳng thật thì chẳng thành,

Sao có sát-na hoại ?

Người tu hành Chánh-định,

Như kim cương, xá-lợi.

Việc đời còn chẳng hoại,

Huống là đắc Chánh-pháp !

Như-lai Cụ-túc-trí,

Cùng Tỳ-kheo bình đẳng.

Sao còn thấy sát-na ?

Tất cả cảnh huyễn hóa,

Sắc tướng chẳng sát-na,

Nơi sắc tướng chẳng thật,

Xem cho là chơn thật.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Bạch Thế Tôn ! Tại sao Thế Tôn thọ ký A-la-hán sẽ thành Vô Thượng Cháng Đẳng Chánh Giác, bằng với các Bồ-tát chẳng có sai biệt ? Nếu Phật vì độ tất cả chúng sanh mà chẳng nhập Niết-bàn thì ai đến Phật đạo ? Tại sao nói "Từ lúc mới thành Phật cho đến nhập Niết-bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một lời chẳng đáp một lời ?" Nói "Như-lai thường định" thì chẳng có niệm lự quán sát, tức là vô ngôn vô thuyết thì chẳng thể giáo hóa, sao lại nói Hóa-phật để làm Phật-sự ? Tại sao nói các thức sát-na chẳng trụ mà có tướng lần lượt biến hoại ? Nói "Như-lai thường định" tại sao lại cần có Kim Cang Lực-sĩ thường theo hộ vệ ? Bản-tế tịch diệt thì xa lìa phiền não, tại sao còn hiện đủ thứ quả báo ma nghiệp ác nghiệp như Ngoại-đạo Chiên-giá-ma-nạp giả có thai và Tôn-đà-lợi giết con gái để báng Phật, khất thực thì chẳng ai bố thí, bát không mà trở về v.v... ? Như-lai đã đắc Nhất Thiết Chủng Trí, sao chẳng lìa được những lỗi này ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Lành thay, Thế Tôn ! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta thuyết Vô Dư Niết-bàn để khuyến dụ phàm phu tiến đến bậc Bồ-tát, cũng khuyên các bậc tu hạnh Bồ-tát trong cõi này cõi kia và những người ham Niết-bàn của Thanh-văn thừa, khiến lìa Thanh-văn thừa tiến lên Đại-thừa, nên Hóa Phật thọ ký cho hàng Thanh-văn, chứ chẳng phải Pháp Phật thọ ký. Do đó, sự thọ ký Thanh-văn với thọ ký Bồ-tát chẳng khác. Đại Huệ ! Nói "Chẳng khác" là Nhị-thừa, chư Phật Như-lai đoạn dứt phiền não chướng, cùng là một mùi vị giải thoát, chẳng phải nói đoạn dứt trí chướng. Đại Huệ ! Nói "Trí chướng" là thấy pháp Vô Ngã, thù thắng thanh tịnh; nói "Phiền não chướng" là do trước kia tu tập thấy nhơn Vô Ngã. Nghĩa là : Dứt phiền não chướng thì chuyển được thức thứ bảy diệt, ý thức chẳng hành; nếu pháp chướng giải thoát thì chuyển được sự huân tập trong Tạng-thức diệt, cứu cánh thanh tịnh, vì pháp bản trụ nên trước sau đều phi tánh.

- Vì bản nguyện vô tận nên Như-lai Vô-niệm-lự, Vô-quán-sát mà thuyết Pháp, dùng Chánh-trí giáo hóa thì niệm chẳng vọng, nên Vô-niệm-lự, Vô-quán-sát. Vì tập khí của bốn trụ địa và Vô Minh Trụ Địa dứt thì hai thứ phiền não dứt, lìa hai thứ sanh tử, giác được nhơn và pháp Vô Ngã đồng thời cũng đoạn dứt hai chướng.

- Đại Huệ ! Vì lìa cái nhân sát-na tập khí của bảy thứ thức trước là pháp thiện vô lậu thì chẳng còn luân hồi. Đại Huệ ! Nói "Như-lai-tạng" là phàm phu Ngoại-đạo chấp nơi Không, do chấp Không mà nhiễu loạn ý thức, dù đắc Không-huệ nhưng chẳng biết Không là vô tri, vô tri thì chẳng có huệ, theo cái nhân khổ vui lưu chuyển. Nếu giác được Không mà chẳng Không, ấy là cái nghĩa sát-na chơn thật của Như-lai-tạng. Phàm phu Ngoại-đạo chẳng thể giác được, lại cho là Niết-bàn.

- Đại Huệ ! Nói Kim Cang Lực-sĩ thường theo hộ vệ, ấy là Hóa Phật thôi, chẳng phải Chơn Như-lai. Đại Huệ ! Nói Chơn Như-lai là lìa tất cả căn lượng, nghĩa là tất cả căn lượng của phàm phu, Nhị-thừa và Ngoại-đạo thảy đều diệt hết, chứng đắc Hiện Pháp Trụ Lạc, Vô Gián Pháp Trí Nhẫn, chẳng phải Kim Cang Lực-sĩ sở hộ vệ. Tất cả Hóa Phật chẳng từ nghiệp sanh, nhưng Hóa Phật chẳng phải Phật mà chẳng lìa Phật, như thợ gốm làm ra các đồ gốm, đồ gốm chẳng phải đất nhưng chẳng lìa đất, theo tướng sở tác của chúng sanh mà thuyết Pháp, chẳng phải chỗ Tự Thông mà thuyết cảnh giới Tự-giác.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Phàm phu dựa theo thức thứ bảy chuyển diệt mà sanh khởi đoạn kiến, do chẳng giác được Tạng-thức mà sanh khởi thường kiến, tất cả đều do tự tâm vọng tưởng chẳng biết Bản-tế. Nếu tự tâm vọng tưởng diệt thì được giải thoát, giải thoát thì tất cả lỗi tập khí của bốn Trụ Địa và Vô Minh Trụ Địa thảy đều đoạn dứt.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Tam Thừa cũng Phi-thừa,

Như-lai chẳng nhập diệt.

Tất cả Phật sở ký,

Lìa các lỗi nhiễm tịnh.

Vì khuyến dụ hạ căn,

Nên thuyết Pháp ẩn lấp.

Vì bậc Vô Gián Trí,

Thuyết Vô Dư Niết-bàn.

Chư Phật giả lập Trí,

Tùy cơ phân biệt thuyết.

Nếu chư Thừa phi Thừa,

Thì chẳng có Niết-bàn.

Dục, sắc, hữu, kiến ái,

Gọi là bốn Trụ Địa.

Do ý thức sanh khởi,

Chủng tử trụ Tạng-thức.

Căn, trần, sáu thứ thức,

Đoạn diệt nói vô thường.

Hoặc thấy có Niết-bàn,

Lại cho là thường trụ.

- Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát dùng Kệ nói rằng :

Các bậc Bồ-tát kia,

Lập chí cầu Phật-đạo.

Rượu thịt và ngũ tân,

Ăn uống như thế nào ?

Cúi xin Phật thương xót,

Vì Đại Chúng giải thích.

Do phàm phu tham dục,

Ham ăn đồ hôi thúi.

Sở thích như cọp sói,

Đồ gì mới nên ăn ?

Ăn thứ nào có lỗi ?

Cúi xin vì con nói.

Người ăn hoặc không ăn,

Có những tội phước gì ?

Đại Huệ Bồ-tát thuyết kệ xong, lại bạch Phật rằng :

- Cúi xin Thế Tôn vì chúng con nói công đức và tội lỗi của người ăn thịt và không ăn thịt. Con và các Bồ-tát nơi hiện tại vị lai sẽ vì những chúng sanh ham thích ăn thịt phân biệt thuyết Pháp, khiến họ hướng về Từ-tâm. Đắc Từ-tâm rồi, đối với các Trụ Địa phiền não, thanh tịnh thấu hiểu, chóng đắc Cứu Cánh Vô Thượng Bồ-đề. Thanh-văn, Duyên-giác nơi Địa tự chứng ngưng nghỉ đã rồi, cũng được tiến lên mau thành Vô Thượng Bồ-đề. Bọn Ngoại-đạo tác ác lập luận, chấp kiến đoạn thường, điên đảo so đo, còn có Pháp-giá (như Giá Giới của Phật) không cho ăn thịt, huống là Như-lai thành tựu Chánh-pháp, cứu hộ thế gian mà ăn thịt ư ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Lành thay, lành thay ! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Có vô lượng nhân duyên chẳng nên ăn thịt, nay Ta sẽ vì ngươi sơ lược giải thích. Tất cả chúng sanh từ xưa đến nay, lần lượt theo nhân duyên làm lục thân quyến thuộc với nhau, suy nghĩ thịt này là người thân kiếp trước của mình, do đó không nên ăn thịt.

- Thịt lừa, la, lạc đà, chồn, chó, trâu, ngựa, người, thú v.v... vì nhiều hàng thịt bán lẫn lộn, do đó không nên ăn thịt.

- Như thợ săn, đồ tể, cầm thú ngửi mùi họ liền sanh kinh sợ, chó thấy oán ghét sủa vang, do đó không nên ăn thịt.

- Vì khiến người tu hành chẳng sanh khởi Từ-tâm, do đó không nên ăn thịt. Phàm phu ham thích hôi thúi bất tịnh, có tiếng tăm xấu xa, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người trì Chú chẳng thành tựu, do đó không nên ăn thịt.

- Vì người sát sanh thấy hình súc sinh khởi thức phân biệt, ham đắm mùi vị, do đó không nên ăn thịt. Kẻ ăn thịt bị chư Thiên chê bỏ, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến miệng hôi hám, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người có nhiều ác mộng, do đó không nên ăn thịt.

- Vì đến chỗ rừng hoang vắng lặng, cọp sói ngửi được mùi hương gây sự nguy hiểm, do đó không nên ăn thịt. Vì làm cho ăn uống thất thường, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người tu hành chẳng sanh chán lìa, do đó không nên ăn thịt. Ta thường nói rằng : Khi muốn ăn uống, nên nghĩ đây là thịt của con mình hoặc nghĩ là thuốc độc, do đó không nên ăn thịt. Cho Phật-tử ăn thịt là không có chỗ đúng.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Xưa kia có Vua tên Sư-tử ăn đủ thứ thịt, dần dần cho đến ăn thịt người, dân chúng chịu không nổi, tụ tập mưu phản, vua liền bị lật đổ, người ăn thịt có lỗi như thế, do đó không nên ăn thịt.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Những người sát sanh vì ham tài lợi mà sát sanh buôn bán cá thịt, bọn ngu si ăn thịt chúng sanh, dùng tiền làm lưới mà bắt lấy các thứ thịt. Người sát sanh ăn thịt, hoặc dùng tài vật, hoặc dùng câu lưới bắt lấy những chúng sanh bay trên trời, lội dưới nước và đi trên bờ, đủ thứ giết hại, mua bán cầu lợi, gieo nhân chịu quả, sẽ thọ ác báo. Đại Huệ ! Ta dạy Phật-tử nên dùng Pháp-thực, không dạy ăn thịt, cho đến không mong cầu, không nghĩ tưởng đến những cá thịt, do nghĩa này không nên ăn thịt.

- Đại Huệ ! Ta có khi phương tiện nói Giá-pháp, cho ăn năm thứ tịnh nhục(1) hoặc là mười thứ, nay ở Kinh này xóa bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loài thịt chúng sanh, thảy đều đoạn đứt. Đại Huệ ! Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác còn chẳng ăn phi thời và tạp thực, huống là ăn cá thịt ư ? Tự không ăn cũng chẳng bảo người khác ăn. Dùng tâm Đại Bi dẫn đầu, xem tất cả chúng sanh như con một của mình, do đó chẳng ăn thịt con.

(1) NĂM THỨ TỊNH NHỤC : Tự chết, chẳng nghe giết, chẳng thấy giết, chẳng vì mình giết và thịt cầm thú ăn dư.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Tất cả thịt chúng sanh,

Xưa kia là quyến thuộc.

Hoặc hôi thối hỗn tạp,

Sanh trưởng nơi bất tịnh.

Hoặc ngửi mùi kinh sợ,

Uống rượu với giết hại,

Và ngũ tân vân vân,

Tu hành nên xa lìa.

Rượu thịt sanh buông lung,

Buông lung sanh mê đắm.

Mê đắm sanh tham dục,

Do đó không nên ăn.

Do ăn sanh tham dục,

Tham dục khiến tâm mê.

Say mê nuôi ái dục,

Sanh tử chẳng giải thoát.

Vì lợi giết chúng sanh,

Dùng tài bắt cá thịt.

Hai thứ gây ác nghiệp,

Chết đọa ngục Kêu La.

Ta thường dạy Phật-tử,

Nên dùng những Pháp-thực.

Chẳng dạy ăn chúng sanh,

Chẳng vô nhân tự có.

Ăn thịt gây thù oán,

Do đó không nên ăn.

Giết hại, ăn chúng sanh,

Người tu nên xa lìa.

Mười phương chư Như-lai,

Đều quở trách việc này.

Nếu người tin nhân quả,

Chớ ăn nuốt lẫn nhau.

Chết đọa loài cọp sói,

Thọ sanh thường ngu si.

Đồ tể và thợ săn,

Khiến cầm thú kinh sợ.

Ắt phải chịu ác quả,

Có tánh ham ăn thịt,

Phải đọa loài súc sinh,

Cũng như mèo chồn kia.

Trong các Kinh Đại-thừa,

Như Phược Tượng, Đại Vân.

Cho đến Kinh Niết-bàn,

Và Kinh Lăng Già này

Ta đều khuyến người tu,

Nên đoạn dứt ăn thịt.

Bồ-tát và Thanh-văn,

Chư Phật đều quở trách.

Người giết hại ăn thịt,

Ăn thịt chẳng hổ thẹn.

Đời đời thường ngu dốt,

Trước nói kiến, văn, nghi.

Đã dứt tất cả thịt,

Người vọng tưởng chẳng biết.

Thọ sanh loài ăn thịt,

Do lỗi họ tham dục.

Chướng ngại sự giải thoát.

Rượu thịt và ngũ tân,

Thảy đều chướng Thánh-đạo.

Chúng sanh đời vị lai,

Ngu si mới ăn thịt.

Hoặc có người chấp trước,

Ăn tịnh nhục vô tội,

Vì Phật đã cho ăn.

Họ lại quên lời Phật,

Ghi trong nhiều Kinh-điển.

Có lời nói như thế :

Ăn thịt như ăn con.

Cũng như uống thuốc độc.

Khiến người tu chán lìa.

Thường theo hạnh khất thực,

An trụ nơi Từ-tâm.

Những ác thú cọp sói,

Có thể cùng dạo chơi.

Nếu ăn loài máu thịt,

Chúng sanh đều kinh sợ.

Cho nên người tu hành,

Từ-tâm chẳng ăn thịt.

Ăn thịt mất trí huệ,

Trái hẳn Chánh giải thoát.

Nghịch tướng mạo bậc Thánh,

Do đó không nên ăn.

"Được sanh dòng Phạm-chí,

Và các chỗ tu hành,

Nhà giàu sang trí huệ,

Đều do chẳng ăn thịt".

Là lời Ta thường thuyết.

 

----- ____HẾT ____-----

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn