- Lại nữa, Đại Huệ ! Có hai thứ giác là quán sát giác và Tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước kiến lập giác. Đại Huệ ! Nói QUÁN SÁT GIÁC là tướng Tự-tánh của giác tánh, nếu quán sát sự phân biệt, lìa tứ cú bất khả đắc, ấy gọi là quán sát giác. Đại Huệ ! Nói TỨ CÚ là lìa nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu vô, phi hữu phi vô, thường, vô thường gọi là tứ cú. Đại Huệ ! Lìa 'tứ cú' này gọi là Nhất Thiết Pháp. Tứ cú quán sát Nhất Thiết Pháp này cần nên tu học. - Đại Huệ ! Thế nào là TƯỚNG VỌNG TƯỞNG NHIẾP THỌ CHẤP TRƯỚC KIẾN LẬP GIÁC ? Là nói tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước, tướng vọng tưởng chẳng thật như điạ, thủy, hỏa, phong; tứ đại chủng và tướng tông, nhơn, thí dụ giác được chỗ kiến lập chẳng thật mà chấp trước kiến lập, ấy gọi là tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước kiến lập giác.
- Nếu Đại Bồ-tát thành tựu hai thứ giác tướng này, đến tướng cứu cánh của tướng Nhơn pháp Vô Ngã thì khéo biết phương tiện Vô Sở Hữu giác, quán sát Hành Địa, đắc Sơ Địa, vào trăm Tam-muội đắc sai biệt Tam-muội, thị hiện trăm Phật và trăm Bồ-tát, biết các việc trong trăm kiếp quá khứ và vị lai, ánh sáng tự tâm chiếu soi trăm quốc độ, biết tướng từng bậc của chư Địa Bồ-tát. Đại nguyện thù thắng, thần lực tự tại, đến Pháp Vân Địa quán đảnh, sẽ chứng đắc Như-lai Tự Đắc Địa, khéo dùng tâm Thập Vô Tận Cú(1) để thành tựu cho chúng sanh, đủ thứ biến hóa quang minh trang nghiêm, đắc Tự Giác Thánh Lạc Tam-muội Chánh Thọ.
(1) THẬP VÔ TẬN CÚ : Cũng là mười thứ bất nhị của Như-lai. Chư Phật có mười thứ quyết định bất nhị :
1. Tất cả chư Phật khéo thuyết lời thọ ký bất nhị.
2. Hay tùy thuận tâm niệm chúng sanh, khiến họ thỏa nguyện bất nhị.
3. Khéo biết tam thế tất cả Phật và Phật sở giáo hóa tất cả chúng sanh thể tánh bình đẳng bất nhị.
4. Hay biết thế pháp và pháp tánh của chư Phật chẳng sai biệt, quyết định bất nhị.
5. Khéo biết tam thế chư Phật đồng một thiện căn bất nhị.
6. Hay thấu rõ tất cả pháp, diễn thuyết nghĩa lý bất nhị.
7. Đầy đủ trí huệ của tam thế chư Phật bất nhị.
8. Biết tất cả sát-na nơi tam thế bất nhị.
9. Biết tam thế tất cả cõi Phật vào trong một cõi bất nhị.
10. Biết lời nói của tất cả tam thế chư Phật tức là lời nói của một Phật bất nhị.
- Lại nữa, Đại Huệ ! Đại Bồ-tát nên khéo tạo sắc tứ đại chủng. Thế nào là Bồ-tát khéo tạo sắc tứ đại chủng ? Đại Huệ ! Đại Bồ-tát giác được Chơn-đế thì tứ đại chủng chẳng sanh, ở nơi tứ đại chẳng sanh mà quán sát như thế, quán sát rồi giác được ngằn mé danh tướng của vọng tưởng, ngằn mé của tự tâm hiện và ngoài tánh phi tánh, gọi là tâm hiện vọng tưởng ngằn mé. Quán tam giới kia, tánh lìa tạo sắc của tứ đại chủng, thông đạt tứ cú, lìa ngã, ngã sở, tự tướng như thật tướng và lìa trụ phần đoạn sanh tử, thành tựu tự tướng vô sanh.
- Đại Huệ ! Tứ đại chủng kia làm sao sanh khởi tạo sắc ? Là nói vọng tưởng thấm nhuần đại chủng, trước sanh nội, ngoại thủy giới, rồi cái năng sanh của vọng tưởng đại chủng, sanh nội, ngoại hỏa giới. Vọng tưởng đại chủng phiêu động, sanh nội, ngoại phong giới, vọng tưởng đại chủng ngăn cách, sanh nội, ngoại địa giới. Do chấp sắc và hư không chấp trước lý tà thì có ngũ Uẩn tập hợp, sự tạo sắc của tứ đại chủng do đó sanh khởi.
- Đại Huệ ! Nói THỨC ẤM là do ham thích đủ thứ sự thích cảnh giới của lục trần dính mắc chẳng bỏ, nên phải tương tục thọ sanh nơi các loài khác. Đại Huệ ! Địa, thủy, hỏa, phong tứ đại chủng và sở tạo sắc pháp v.v... là do thức ấm duyên theo nghiệp mà sanh ra tứ đại, chẳng phải tứ đại tự làm duyên mà sanh ra thức ấm. Tại sao ? Vì hình tướng Tự-tánh, chỗ sở tác chỉ là phương tiện vô tánh, nên đại chủng chẳng sanh. Đại Huệ ! Hình tướng Tự-tánh là do chỗ sở tác phương tiện hòa hợp mà sanh, chẳng phải vô hình. Cho nên tướng tứ đại tạo tác là vọng tưởng của Ngoại-đạo, chẳng phải thuyết của Ta.
- Lại nữa, Đại Huệ ! Nay sẽ thuyết tướng Tự-tánh của các Ấm. Thế nào là tướng Tự-tánh của các Ấm ? Nói NGŨ ẤM là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bốn ấm phi sắc là thọ, tưởng, hành, thức. Đại Huệ ! Nói SẮC ẤM là tứ đại và tạo sắc mỗi mỗi có tướng riêng khác biệt. Đại Huệ ! Bốn Ấm vô sắc chẳng phải Vô Sắc mà có bốn số (thọ, tưởng, hành, thức) như hư không. Ví như hư không siêu việt tướng số mà lìa nơi số, chẳng có số lượng mà vọng tưởng nói là một hư không. Đại Huệ ! Như thế, bốn Ấm Vô Sắc cũng siêu việt tướng số mà lìa nơi số, lìa tánh phi tánh, lìa tứ cú. Nói TƯỚNG SỐ là ngôn thuyết của phàm phu, chẳng phải Thánh Hiền vậy.
- Đại Huệ ! Bậc Thánh như huyễn, mỗi mỗi sắc tướng lìa sự dựng lập, khác hay chẳng khác, cũng như thân bóng mộng của sĩ phu, lìa khác và chẳng khác. Đại Huệ ! Nói Thánh Trí đồng như tướng vọng tưởng của ngũ ấm hiện, gọi là tướng Tự-tánh của các ấm, ngươi nên diệt trừ. Diệt rồi thuyết pháp tịch tịnh, dứt tất cả kiến chấp của các Ngoại-đạo nơi tất cả cõi Phật.
- Đại Huệ ! Lúc nói tịch tịnh là thấy pháp Vô Ngã tịnh và vào Bất Động Địa (Đệ Bát Địa). Vào Bất Động Địa rồi, đắc vô lượng Tam-muội tự tại và đắc ý sanh thân, đắc như huyễn Tam-muội, thông đạt sự cứu cánh sáng tỏ tự tại, cứu giúp lợi ích tất cả chúng sanh, giống như đại địa nuôi dưỡng chúng sanh, Đại Bồ-tát phổ độ chúng sanh cũng như thế.
- Lại nữa, Đại Huệ ! Các Ngoại-đạo có bốn thứ Niết-bàn. Thế nào là bốn ?
1. Tánh của Tự-tánh phi tánh Niết-bàn.
2. Mỗi mỗi tướng của Tự-tánh phi tánh Niết-bàn.
3. Tướng giác của Tự-tánh phi tánh Niết-bàn.
4. Tương tục lưu chú của tự tướng cộng tướng nơi ngũ ấm đoạn dứt Niết-bàn.
Ấy gọi là bốn thứ Niết-bàn của các Ngoại-đạo, chẳng phải pháp sở thuyết của Ta. Đại Huệ ! Pháp của Ta thuyết là các thức của vọng tưởng diệt, gọi là Niết-bàn.
Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :
- Thế Tôn há chẳng kiến lập thức thứ tám ư ?
Phật đáp :
- Kiến lập.
Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :
- Nếu kiến lập thì tại sao chỉ lìa ý thức (Thức thứ sáu) mà chẳng lìa thức thứ bảy ?
Phật bảo Đại Huệ :
- Vì lìa sự phan duyên của thức thứ sáu thì thức thứ bảy chẳng sanh. Ý thức là phân biệt cảnh giới phần đoạn của Tiền ngũ thức, đang lúc phân biệt, liền sanh khởi chấp trước, thì những tập khí nuôi dưỡng nơi Tạng-thức, khởi hiện hành huân tập chủng tử, do thức thứ bảy truyền vào ý thức, tức là cùng trong thức thứ tám vậy. Chấp trước ngã và ngã sở thì nhân duyên tư duy sanh khởi, thân tướng chẳng hoại, Tạng-thức do ý thức phan duyên thì cảnh giới tự tâm hiện, tâm chấp trước liền sanh. Các thức lần lượt làm nhân với nhau, cũng như làn sóng biển, do ngọn gió của cảnh giới tự tâm hiện thổi, làn sóng các thức hoặc sanh hoặc diệt cũng như thế. Cho nên, ý thức diệt thì thức thứ bảy theo đó cũng diệt.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà thuyết rằng :
Ta chẳng trụ Niết-bàn.
Tướng năng tác, sở tác.
Tánh Niết-bàn ta thuyết,
Lìa vọng tưởng nhĩ-diệm.
Do thức phan duyên nhau,
Thành đủ thứ thân hình.
Gốc nhân chính là tâm,
Nơi nương tựa của thức.
Như dòng nước đã cạn,
Thì làn sóng chẳng khởi.
Vậy ý thức diệt rồi,
Thì các thức chẳng sanh.
- Lại nữa, Đại Huệ ! Nay ta sẽ thuyết tướng thông phân biệt của vọng tưởng Tự-tánh. Nếu đối với tướng thông phân biệt của vọng tưởng Tự-tánh mà khéo phân biệt, thì ngươi và các Đại Bồ-tát được lìa vọng tưởng, đến chỗ Tự-giác Thánh-trí, chẳng còn vọng tưởng thì mỗi mỗi tướng và hành duyên khởi từ vọng tưởng Tự-tánh và năng nhiếp sở nhiếp đều đoạn dứt, cũng là giác được kiến chấp thần thông của Ngoại-đạo.
- Đại Huệ ! Thế nào là Tướng Thông Phân Biệt của vọng tưởng Tự-tánh ? Là gồm ngôn thuyết vọng tưởng, sở thuyết sự vọng tưởng, tướng vọng tưởng, lợi vọng tưởng, Tự-tánh vọng tưởng, nhân vọng tưởng, kiến vọng tưởng, thành vọng tưởng, sanh vọng tưởng, bất sanh vọng tưởng, tương tục vọng tưởng, phược bất phược (trói chẳng trói) vọng tưởng, ấy gọi là tướng thông phân biệt của vọng tưởng Tự-tánh.
- Đại Huệ ! Thế nào là Ngôn Thuyết vọng tưởng ? Là chấp đủ thứ điệu âm nhạc, cho là vui thú, gọi là Ngôn Thuyết vọng tưởng.
- Thế nào là Sở Thuyết Sự vọng tưởng ? Là nói có sự sở thuyết của Tự-tánh, do Thánh-trí hiểu biết, theo đó mà sanh ngôn thuyết vọng tưởng, gọi là Sở Thuyết Sự vọng tưởng.
- Thế nào là Tướng vọng tưởng ? Là ngay nơi sự sở thuyết kia, như nai đang khát, tưởng dương-diệm là nước, mỗi mỗi chẳng thật mà chấp là thật, nói tướng của tứ Đại, tất cả tánh đều thuộc vọng tưởng, gọi là Tướng vọng tưởng.
- Thế nào là Lợi vọng tưởng ? Nói ham thích đủ thứ vàng bạc châu báu, gọi là Lợi vọng tưởng.
- Thế nào là Tự Tánh vọng tưởng ? Nói Tự-tánh có sự thật chấp trì như thế, chẳng khác với vọng tưởng ác kiến, gọi là Tự-tánh vọng tưởng.
- Thế nào là Nhân vọng tưởng ? Nói hoặc nhân hoặc duyên để phân biệt hữu và vô thì tướng nhân sanh, gọi là Nhân vọng tưởng.
- Thế nào là Kiến vọng tưởng ? Là đối với hữu, vô, nhất, dị, đồng, chẳng đồng, những vọng tưởng ác kiến của Ngoại-đạo, nổi vọng tưởng chấp trước, gọi là Kiến vọng tưởng.
- Thế nào là Thành vọng tưởng ? Là đối với tư tưởng ngã và ngã sở, lập thành luận quyết định, gọi là Thành vọng tưởng.
- Thế nào là Sanh vọng tưởng ? Nói duyên theo tánh hữu và vô, sanh khởi chấp trước, gọi là Sanh vọng tưởng.
- Thế nào là Bất Sanh vọng tưởng ? Là nói tất cả tánh vốn vô sanh vô chủng, do nhân duyên sanh cái thân vô nhân (chẳng có cái nhân bắt đầu), gọi là Bất Sanh vọng tưởng.
- Thế nào là Tương Tục vọng tưởng ? Là nói vật này vật kia liên hệ lẫn nhau, như kim và chỉ liền nhau mới có thể may vá, gọi là Tương Tục vọng tưởng.
- Thế nào là Phược Bất Phược vọng tưởng ? Nói trói chẳng trói là do nhân duyên chấp trước, như phương tiện của sĩ phu hoặc trói hoặc mở trói, gọi là Phược Bất Phược vọng tưởng.
- Đại Huệ ! Nơi tướng thông và phân biệt của vọng tưởng Tự-tánh này, tất cả phàm phu chấp trước cho là hữu và vô. Đại Huệ ! Do duyên khởi mà chấp trước mỗi mỗi vọng tưởng của Tự-tánh chấp trước, hiện ra đủ thứ thân hình như huyễn, phàm phu vọng tưởng, thấy mỗi thứ huyễn tướng khác nhau. Đại Huệ ! Mỗi thứ tướng huyễn chẳng phải khác, cũng chẳng phải không khác. Nếu nói Khác thì huyễn chẳng phải nhân của mỗi thứ kia; nếu nói Chẳng Khác thì huyễn và mỗi thứ kia chẳng sai biệt mà lại thấy sai biệt. Do đó, nói chẳng phải khác cũng chẳng phải không khác. Cho nên, Đại Huệ ! Ngươi và các Đại Bồ-tát, đối với vọng tưởng tự tánh, duyên khởi tướng như huyễn, khác hay chẳng khác, hữu hay vô, chớ nên chấp trước.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :
Trói tâm nơi cảnh giới,
Trí giác tưởng chuyển theo.
Thắng giải Vô-sở-trụ,
Trí huệ bình đẳng sanh.
Vọng tưởng thì tánh hữu,
Nơi duyên khởi thì vô.
Vọng tưởng và nhiếp thọ,
Phi vọng tưởng duyên khởi.
Mỗi mỗi phân biệt sanh,
Như huyễn lại chẳng thành.
Dù hiện đủ thứ tướng,
Vọng tưởng cũng chẳng thành.
Chấp trước là lỗi lầm,
Đều do tâm trói sanh.
Vọng tưởng vốn vô tri,
Nơi duyên khởi vọng tưởng.
Tánh các vọng tưởng này,
Tức là duyên khởi kia.
Vọng tưởng có đủ thứ,
Nơi duyên khởi vọng tưởng.
Tục-đế, Đệ Nhất Nghĩa
Ngoại-đạo chấp thành ba(1).
Cho là vô nhân sanh,
Dứt vọng tưởng Tục-đế,
Là cảnh giới bậc Thánh.
Ví như sự tu hành,
Một không (hư không) hiện nhiều mây.
Hư không vốn chẳng mây,
Lại hiện mây như thế.
Tâm cũng như hư không,
Vọng tưởng hiện nhiều sắc.
Do duyên khởi mà hiện,
Chẳng phải sắc phi sắc,
Ví như luyện vàng ròng,
Lọc bỏ các tạp chất,
Vàng thiệt liền hiện ra.
Vọng tưởng sạch cũng vậy.
Tự-tánh chẳng vọng tưởng,
Vì duyên khởi thành có.
Kiến lập và phủ định,
Thảy đều do vọng tưởng.
Vọng tưởng nếu vô tánh,
Mà có tánh duyên khởi.
Vô tánh sanh hữu tánh,
Hữu tánh sanh vô tánh,
Nương nhau nơi vọng tưởng,
Mà thành tướng duyên khởi.
Danh tướng thường theo nhau,
Mà sanh các vọng tưởng,
Độ thoát các vọng tưởng,
Rồi thành Trí trong sạch,
Gọi là Đệ Nhất Nghĩa.
Duyên khởi có sáu thứ,
Vọng tưởng có mười hai.
Tự-giác và nhĩ-diệm,
Vốn chẳng có sai biệt.
Năm pháp đều chân thật,
Tự-tánh có ba thứ.
Tu hành thấu nghĩa này,
Chẳng ngoài nơi Như-như.
Các tướng và duyên khởi,
Đều gọi "khởi vọng tưởng".
Các tướng vọng tưởng kia,
Từ duyên khởi mà sanh.
Giác huệ khéo quán sát,
Vô duyên vô vọng tưởng.
Thành tựu tánh vô sanh,
Thế nào giác vọng tưởng.
Do tự giác vọng tưởng,
Kiến lập hai tự tánh :
Là hiện cảnh vọng tưởng,
Và cảnh giới bậc Thánh.
Vọng tưởng như tranh vẽ,
Duyên khởi tức vọng tưởng.
Nếu nói khác vọng tưởng,
Là luận của Ngoại-đạo.
Do nhị kiến hòa hợp,
Sanh năng tưởng, sở tưởng.
Lìa hai năng, sở ấy
Thành trí huệ bình đẳng.
(1) TỤC ĐẾ ĐỆ NHẤT NGHĨA, NGOẠI ĐẠO CHẤP THÀNH BA : Ngoại-đạo nói Đệ Nhất là từ ban sơ sanh giác, Đệ Nhị từ giác sanh ngã tâm, Đệ Tam từ ngã tâm sanh ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, chẳng biết căn bản của duyên khởi, lại cho là Vô Nhân sanh, thành ra ở ngoài Nhị đế chơn và tục.
Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :
- Thế Tôn ! Cúi xin vì Đại Chúng thuyết tướng Tự-giác Thánh-trí và Nhất-thừa, khiến con và các Bồ-tát khéo tự giác, chẳng nhờ người khác mà thông đạt Phật-pháp.
Phật bảo Đại Huệ :
- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :
- Cúi xin thọ giáo.
Phật bảo Đại Huệ :
- Theo sở tri của bậc Thánh xưa là vọng tưởng vô tánh, từng đời truyền thọ nhau, nghĩa là đại Bồ-tát tự ở nơi thanh tịnh quán sát tự giác, chẳng do người khác mà được lìa kiến chấp vọng tưởng. Dần dần tiến lên, vào địa vị Như-lai, ấy gọi là TƯỚNG TỰ GIÁC THÁNH TRÍ.
- Đại Huệ ! Thế nào là TƯỚNG NHẤT THỪA ? Ấy là giác được đạo Nhất-thừa, ta nói là Nhất-thừa. Thế nào là giác được đạo Nhất-thừa ? Là nói nhiếp sở nhiếp của vọng tưởng, chỗ như thật thì chẳng sanh vọng tưởng, gọi là Nhất-thừa Giác. Đại Huệ ! Nói NHẤT THỪA GIÁC, trừ Như-lai ra, chẳng phải hàng Ngoại-đạo, Thanh-văn, Duyên-giác và vua Phạm Thiên có thể giác được, nên gọi là Nhất-thừa.
Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :
- Thế Tôn ! Tại sao nói Tam-thừa mà chẳng nói Nhất-thừa ?
Phật bảo Đại Huệ :
- Vì tất cả Thanh-văn, Duyên-giác đối với pháp Niết-bàn chẳng thể tự chứng, nên chẳng nói Nhất-thừa. Do Như-lai muốn điều phục tất cả Thanh-văn, Duyên-giác, truyền thọ pháp tịch tịnh, bọn họ nhờ phương tiện mà đắc giải thoát, chẳng phải do sức của chính mình chứng đắc, nên chẳng nói Nhất-thừa.
- Lại nữa, Đại Huệ ! Đối với người chẳng dứt tập khí nghiệp chướng phiền não, nên chẳng vì tất cả Thanh-văn, Duyên-giác nói Nhất-thừa. Đối với người chẳng dứt được pháp Vô Ngã chẳng lìa phần đoạn sanh tử, nên thuyết Tam-thừa. Đại Huệ ! Các bậc họ nếu dứt được lỗi tập khí và giác được pháp Vô Ngã, thì tất cả lỗi tập khí phiền não chẳng sanh khởi, đối với sự phi tánh chấp trước ham thích mùi vị của Tam-muội, bậc Vô-lậu đã giác được, giác rồi lại ra vào thế gian, dần dần từ bậc Vô-lậu đến chỗ Bồ-đề viên mãn, sẽ chứng đắc tự tại Pháp-thân bất tư nghì của Như-lai.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :
Chư Thiên và Phạm chúng,
Thừa Thanh-văn, Duyên-giác.
Chư Phật, Như-lai thừa,
Ta thuyết những Thừa này.
Cho đến tâm thức chuyển,
Các Thừa chẳng cứu cánh.
Nếu tâm thức diệt sạch,
Thì chẳng Thừa, vô Thừa.
Chẳng có "Thừa" kiến lập,
Nên ta nói Nhất-thừa.
Vì dẫn dắt chúng sanh,
Phân biệt nói các Thừa.
Giải thoát có ba thứ;
Nhân (người) và Pháp vô ngã.
Phiền não, sở tri chướng
Xa lìa được giải thoát.
Như gỗ nổi mặt biển,
Tùy làn sóng xoay chuyển.
Bậc Thanh-văn cũng thế,
Bị tướng gió thổi trôi.
Tu tập diệt phiền não,
Còn tập khí sót lại.
Ham mùi vị Tam-muội,
An trụ cõi Vô Lậu.
Chẳng đến chỗ cứu cánh,
Cũng chẳng có lui sụt.
Đắc các thân Tam-muội,
Bất giác (uổng) qua nhiều kiếp.
Ví như người say rượu,
Rượu tiêu rồi mới tỉnh.
Pháp "Giác" họ cũng thế,
Cuối cùng vẫn thành Phật.
>> Quyển 3 phần 1