6l. CHẲNG GIÁN ĐOẠN DỤNG.
Gián đoạn đều là thô tâm. Do miên mật mà thành chẳng gián đoạn. Đó là quá trình dụng công.
Công phu dụng đến chỗ ngoài không có trần cảnh để quên, trong không có thân tâm để giữ. Một câu thoại-đầu quên ngày tháng, tuyệt sớm chiều. Từ công phu mà ngủ, từ công phu mà dậy, mộng cũng từ công phu mà thức tỉnh, đây gọi là chẳng gián đoạn.
Người công phu đến chỗ chẳng gián đoạn thì Long-thiên chẳng thấy thân họ, Quỷ-thần chẳng thấy tướng họ. Họ không nghe như người điếc, không thấy như người mù, nghe tiếng mắng mà chẳng biết duyên cớ, bị đánh đập mà chẳng biết đau đớn. Thoại-đầu làm cho giận hờn chạy mất, nghi-tình làm cho yêu ghét trốn mất. Bất cứ cái gì hiện trước mắt đều chẳng màng đến. Dù Phật cùng ngồi với họ, họ cũng quên đó là Phật. Phật ma đều chém, phàm Thánh đều hất bỏ. Người đầu đồng trán sắt thấy được thì đầu trán cũng bị vỡ, người ba đầu sáu tai nghe được thì tâm ý cũng thành tro. Công phu chẳng gián đoạn thật có sự thần diệu như thế.
62. TẾ TÂM DỤNG.
Công phu chẳng gián đoạn, đầu tiên thần diệu, kế đó toàn chân, dù nói phi phàm song vẫn còn nhiều thô.
Nay nói tế tâm dụng, tất cả pháp dụng tâm trước kia như ném Đại-địa ra ngoài hư-không, như một chổi quét sách bụi bậm khắp thế giới. Ngước lên chẳng thấy hư không, cúi xuống chẳng thấy Đại-địa. Công phu của tế tâm có sức như thế, người mộ Đạo sao chẳng làm thử ?
Người sơ tham thường khi có thô niệm chưa dừng, lúc ấy đối với công phu tế tâm, miễn cưỡng dụng lưu tâm tế, hữu tâm tế, đè nén tế, tạo tác tế. Các tế dụng này đều do toàn thô làm thành. Do thô mà thành thì chẳng phải tế là chọi với cái chân tế.
Cái tế của người lão tham thì quên thô quên tế, tế đó lại thêm tế.
Mặc dù nói tế mà chẳng gọi là chân tế, vì chân tế tức là vô tế vậy. Người xưa nói : "Một niệm bất giác sanh tam tế, cảnh giới làm duyên sanh lục thô" là nghĩa này vậy. Cũng như đem Đại-địa chia làm bốn phần, bỏ ba phần còn lại một phần, rồi lại chia phần này làm bốn, bỏ ba phần còn lại một, cứ thế tiếp tục chia mãi cho đến thành lân-hư-trần, các Trần kia thảy đều bỏ hết. Lân-hư-trần này tức là tế tâm vậy. Cái tế của tế tâm đâu thể tỷ dụ, chỉ khi công phu dụng đến chỗ này mới biết lời tôi chẳng sai.
63. LÌA PHÁP DỤNG.
Trước dụng công phu tế tâm còn có một lân-hư-trần, đến đây phải lìa nó, cho nên gọi là lìa pháp dụng. Pháp này tức là pháp tham thoại-đầu, tại sao phải lìa nó ? Vì tâm tức là pháp, pháp tức là tâm. Ban đầu thì tâm pháp khó được nhất như, kế thì tâm pháp được nhất như. Nay tâm pháp chẳng được nhất như là vì câu thoại-đầu còn lạ. Ra sức tham-cứu, từ lạ thành quen, cứ đi thẳng đến chỗ cùng tột cội nguồn, đường về quê cũ sẽ chẳng còn xa. Do đây, dụng pháp của tự tâm, chẳng dụng pháp khác. Nói lìa pháp là lìa cái pháp ở ngoài câu thoại-đầu (lân-hư-trần), chứ chẳng phải lìa câu thoại-đầu. Như tự mình không có tiền, phải mượn tiền người khác dùng, tự mình đã có tiền, phải dùng tiền của mình. Cho nên lìa pháp bên ngoài, dùng pháp tự tâm (pháp thoại đầu), chứ chẳng phải lìa pháp mà không có pháp để dùng. Đến đây dù pháp quên mà người chưa quên. Pháp tức là thiền-tham, người tức là tâm tham. Chẳng nhờ pháp tham-cứu, chỉ dùng tâm tham-cứu. Tham thẳng chẳng ngừng, chẳng chút tạm trụ. Khi ấy, Diêm-la thấy liền chắp tay, Quỷ-thần thấy bèn quy-y. Ngàn Thánh muôn Hiền đều đi đường này mà thành tựu. Công năng của quên pháp làm kinh hãi Trời đất, ai chẳng hâm mộ ?
64. VÔ TÂM DỤNG.
Người xưa nói : "Hữu tâm dụng đến chỗ vô tâm, vô tâm còn cách một lớp rào". Trước lúc vô tâm thì mưa gió sấm chớp đều ở trong hư-không. Sau khi vô tâm thì gạch ngói sỏi đá đều quy về Đại-địa, đây gọi là chân vô tâm.
Nói vô tâm, chẳng phải không có Tự-tâm, cũng chẳng phải không có Đạo-tâm, chỉ là không có tâm muốn thành Phật làm Tổ, không có tâm muốn minh tâm kiến tánh, không có tâm thế gian, xuất thế gian, không có tâm yêu ghét lấy bỏ, không có tâm thế pháp, Phật-pháp, không có tâm hữu vi, vô vi, không có hai tâm, không có một tâm, tức là chỉ cái vô tâm dụng này, cũng là chỗ Thiền-tông nói "lìa tâm ý thức tham" vậy.
Cái công của vô tâm có trước khi Phật chưa thành, trước khi chúng sanh chưa sanh. Đạo vô tâm này là pháp Thiền-trực-tiếp truyền từ Phật Thích-ca, có thể khiến cho người gỗ nhảy múa, hổ đá nuốt dê, ẩn thân trong bầy trâu đất, cướp thức ăn trong động rắn sắt. Dẫu cho muôn Tổ đồng thanh ngợi khen Đạo-nhân vô tâm này, mà ngàn Phật ra đời cũng khó thấy được.
65. CHÂN TÂM DỤNG.
Chân-tâm cùng với giả tâm đều đồng một dụng. Ban đầu dụng công đến cuối cùng dụng công không có một chút thay đổi. Nên cái pháp sơ hậu đồng nhau, cái tâm sơ hậu chẳng khác, cái dụng sơ hậu cũng vậy. Như người đi đường vạn dặm, bước đầu tiên lên đường và bước cuối cùng đến nhà đều dùng chân đi, chẳng dùng cái khác, thế nên nói sơ hậu đồng nhau. Chẳng qua người căn khí lớn thì một bước đến nhà, dọc đường không bị trở ngại, niệm trước có thể nói là phàm phu, niệm sau có thể nói là bậc Thánh. Sự sai biệt của Thánh phàm chỉ cách một niệm, đâu nhọc đi xa, đây là Thượng-căn.
Người căn hơi cạn, sức tin nếu mạnh, tối sơ ôm chặt một câu thoại-đầu dù chết chẳng buông, cho đến chỗ tối hậu dụng tâm, dọc đường bị chướng ngại đều không màng đến, đây là Trung-căn.
Người căn nhỏ hơn nữa, đầu tiên từ trên câu thoại-đầu dụng tâm, gặp việc bị trở ngại, cử chỉ trái phạm, biến đổi như gió mây, thay đổi như Trời tạnh chuyển mưa, lúc tiến lúc thoái, mất hết ngày giờ. Dù cho ra sức tiến tới, sau cùng đến chỗ đầu sào trăm thước còn dễ, tiến thêm một bước nữa thì khó. Người tử thủ chỗ này xưa nay rất nhiều.
Chân-nghi, nghi là nhân của ngộ, ngộ là quả của nghi. Nhân tiểu-nghi khai quả tiểu-ngộ. Nhân đại-nghi khai quả đại-ngộ. Nhân Chân-nghi khai quả Chánh-ngộ. Nhân chẳng nghi cảm quả chẳng ngộ. Người phát Chân-nghi, lúc nghi giống như đi ngồi bất an, không ăn mà quên đói, không tỉnh mà quên ngủ, ngoài như ngu ngốc, trong như người si. Lúc thời tiết đến (đại ngộ), kinh Thiên động địa, cùng Phật, Tổ sánh vai, cùng chúng sanh bình đẳng, há chẳng vui ư ?
66. CHUYỂN THÂN DỤNG.
Như từ đất bằng đi lên núi cao, ngay lúc động chân, bùn đất dính giày, thân thể nhơ nhớp. Người sức tin đầy đủ chẳng màng đến thân. Người sức tin hơi yếu rửa sạch rồi mới đi. Lúc đi đường qua hầm qua hố, bị gai gốc, sỏi đá ngăn trở giữa đường, cất bước khó khăn. Đói khát bức ngặt, cô độc không có bạn bè, trông xa núi cao chót vót mà khiếp đảm chân run. Sức đi đường bằng không nhiều, tâm muốn lên cao lại yếu. Đi lâu ngày đến chân núi, bị cọp sói rắn beo đón đường làm cho kinh sợ. Bước từng bước một, tay chẳng thể buông, chân lại bước nhanh, có người ở giữa đường dừng nghỉ, có người đi thẳng lên trên, hễ gặp tảng đá chặn đường, đường đi chật hẹp, hễ tay buông thì thân lăn xuống đất bằng. Than ôi ! Đau đớn thay ! Trở lại y như cũ, uổng chịu cực khổ mà không tiến được bước nào. Nghĩ đến mà chẳng đau lòng ư ? Dù là bước lại dấu cũ cũng rất khó vậy.
Nếu có thể một phen dũng mãnh lên núi thẳng đến chót đảnh, nhìn ra bốn phương không có đường đi, đây gọi là :
"Người ngồi tại đầu sào trăm thước,
Mặc dù được nhập chưa phải chân".
Tự nghĩ : Ở lại lâu thì không thể được, ẩn giấu thân cũng không có chỗ, tiến thêm một bước nữa, ngay đó thừa-đương, đây gọi là :
"Đầu sào trăm thước tiến bước nữa,
Mười phương thế giới hiện toàn thân".
Lại như mang thai đủ tháng, đến lúc lâm-bồn, "Ồ" lên một tiếng (ngộ) như thùng sơn lủng đáy. Lỗ mũi trước khi chưa sanh cùng diện mục sau khi đã sanh cách nhau chẳng xa. Ngay đây chuyển thân rồi, rất cần lưu ý. Khi chưa chuyển thân là phàm phu, đã chuyển thân rồi thành bậc Thánh. Dẫu cho đổi phàm thành Thánh nhưng vốn là chính mình, chẳng phải người khác.
Hê ! Trên đầu còn thiếu ba mươi gậy !
67. ĐỔNG THỂ ĐẠI BI
Trước khi chưa ngộ cùng là phàm phu mà không biết, sau khi đã ngộ mới biết là chúng sanh. Như Đức Thế-tôn thấy sao mai mọc ngộ Đạo, ba lần than rằng : "Lạ thay ! Tất cả chúng sanh đều có Trí-huệ đức tướng Như-lai, đều do vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc" ! Rồi Ngài tuân theo nguyên tắc độ sanh của chư Phật quá khứ, việc mình đã xong, lấy hoằng Pháp lợi sanh làm sự nghiệp. Ngoài ra không có việc khác, ước mong hàng Bồ-tát từ Sơ-địa đến Thập-địa quét sạch vô minh, người trong quả La-hán mau hết tập-khí, các vị Thiên-vương bỏ thú vui mà cầu ngộ Đạo, các loài Tu-la bỏ sân hận mà phát thiện tâm. Xin thỉnh Tứ Thánh, chư Thiên bát bộ hải Chúng, tôi cùng mọi người đồng chung một thể phát tâm đại bi cứu khổ chúng sanh gấp chớ để huỡn.
Lại xin đồng học đại nguyện của chư Phật, hư-không-giới tận, chúng-sanh-giới không, tâm độ chúng sanh của tôi không có cùng tận. Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật, bi nguyện này của tôi bằng số chúng sanh, chúng sanh vô biên, nguyện của tôi vô biên. Vì độ chúng sanh, dù thường đi trong lục đạo, qua lại trong bốn loài, một ngày còn chúng sanh là một ngày còn nguyện của tôi. Xin thỉnh mười phương Đại-đức sao không vui lòng lái thuyền đại nguyện, cùng dạo biển chúng sanh, há chẳng vui ư ?
68. THAY CHÚNG SANH CHỊU KHỒ.
Kinh Phạm-võng nói : "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta". Đâu chẳng lo hiếu dưỡng, phải nên thay thế chịu khổ. Đã là cha mẹ, sao lại gọi là chúng sanh.
Phải biết, hai chữ "Chúng sanh" là đương nhiên để cho Phật, Bồ-tát gọi. Chúng ta gọi "chúng sanh" dường như chẳng cung kính, vì chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ là chư Phật vị lai. Từ nay, về sau, có ngưới đánh ta là cha mẹ quá khứ đánh ta, có người mắng ta là chư Phật vị lai mắng ta. Ta thấy người gánh không nổi cái gánh nặng, ta mau đến gánh giúp. Thấy người đẩy xe không nổi, ta mau đến đẩy giúp. Thấy người giết heo dê gà chó, ta khuyên người sát sanh hãy dừng tay. Nếu họ chẳng dừng ta có tiền thì chuộc con vật, nếu không tiền thì khuyên họ. Khuyên chẳng được thì dùng tâm cung kính quy-y cho con vật, tìm mọi phương tiện để cứu độ. Thấy người té xuống sông, mau đem thuyền bè cứu vớt. thấy người gặp tai nạn mau đem tiền giúp đỡ. Thấy trâu ngựa heo dê, lấy bi tâm truyền Giới, Quy-y cho chúng. Thấy con trùng con kiến, mau dùng tâm thống thiết Quy-y cho chúng. Thấy người phỉ báng Tam-bảo thì dùng lời lành an ủi họ. Thấy người khinh khi Tăng-ni, liền hết sức khuyên giải họ. Lại phát đại nguyện thay người ở Địa-ngục để họ thoát khổ sanh lên Trời, người, thay thế Ngạ-quỷ để chúng hết đói được no, thay thế mọi người chịu khổ để họ được vui. Đây gọi là thay thế chúng sanh chịu khổ.
69. ĐẠI TỪ TẠO VUI.
Phải biết một người dù có làm hết sức mình cũng chẳng dễ gì thực hiện được sự an vui trọn vẹn cho loài người. Sao vậy ? Vì gốc của sự an vui chẳng ra ngoài hai con đường đạo và đức. Ngoài đạo đức thì không có biện pháp nào khác. Đạo là lìa sự chống trái của đời. Đức là cảm được người sùng kính tin cậy. Người đủ đạo đức thì đối với người đời bất cứ lúc nào tâm cũng vô trụ (không bị dính mắc), nên gặp gì cũng vui.
Lại nữa, nghèo lấy tiền của làm vui, bệnh lấy mạnh làm vui, không có con lấy sanh con làm vui, đắm chìm lấy ra khỏi nước làm vui, bị tù đày lấy ra khỏi ngục làm vui, đói khát lấy no nê làm vui, xuất gia lấy ngộ Đạo làm vui, khổ lấy hết khổ làm vui. Đây là nhu cầu của con người ở thế gian, thật chẳng dễ gì có được cái vui lớn !
Nếu người được chí chân thường lạc, đối với tất cả người thế gian khiến cho bỏ ác làm thiện, tránh sự xảo trá giết hại, cứu giúp kẻ bệnh nghèo, cúng dường Tam-bảo.... Đây là khéo tạo vui cho người vậy.
70. XÓT THƯƠNG CHÚNG KHỒ.
Bậc La-hán và Bồ-tát từ Sơ-địa đến Thập-địa còn có cái khổ của sanh tử biến dịch, tất cả chư Thiên có cái khổ của năm tướng suy, A-tu-la có cái khổ của giận hờn tranh đấu, người khắp thế gian có cái khổ của sanh già bệnh chết, Địa-ngục có cái khổ của thiêu đốt, Ngạ-quỷ có cái khổ của đói khát, súc sanh có cái khổ của ăn nuốt lẫn nhau. Cái khổ của chín giới lớn nhỏ bất đồng. Sai biệt của một niệm đưa đến sự thăng trầm riêng khác.
Ở đây chỉ những điều người ta có thể thấy nghe trong loài người và loài súc sanh. Giàu có cái khổ sợ nghèo, nghèo có cái khổ muốn giàu, đi học có cái khổ khó tiến thân, làm ruộng có cái khổ thất mùa, buôn bán có cái khổ bán ế, làm thợ có cái khổ thất nghiệp. Lại, thú rừng có cái khổ bị bắt, gia súc có cái khổ bị vô nồi nước sôi, loài chim bay có cái khổ bị giăng lưới, loài dưới nước có cái khổ ăn nuốt lẫn nhau. Ta nghĩ chúng khổ, ai có thể làm chúng thoát khổ, lòng đau xót rơi lệ dầm dề !
Muốn làm cho tất cả thoát khỏi khổ, trước hết cần phải trị tận gốc. Pháp trị tận gốc là khuyến thỉnh chư Thượng-thiện-nhân tu pháp xuất thế gian, chứng quả xuất thế rồi dạy loài người, cùng loài chẳng phải người (phi nhân) vượt ra thế gian, đây là Thiện-pháp-tối-thượng. Pháp trị ngọn là người có trách nhiệm độ chúng sanh, mắt thấy cái khổ nào cũng hết lòng tìm cách cứu giúp, tai nghe đến cái nạn nào cũng liều mình thay thế cho người được thoát. Khuyên mọi người kính tin Tam-bảo, sau khi Quy-y trồng nhân xuất thế. Thấy tất cả sinh linh, đem Pháp-âm của Tam-bảo rót vào tai khiến cho chúng được nghe thì nhân xuất thế cũng trồng sâu dần. Đây là tận cùng đạo cứu khổ vậy.
71. HỌC HẠNH BỔ TÁT.
Ở địa vị phàm phu cứ lấy tham lam không chán cho là khoái, chẳng lấy biết đủ để làm vui. Tham lam là tổn người lợi mình, khoét thịt người để bồi bổ mình, chẳng màng đến ngưởi nghèo, chỉ lo ta giàu, cho đến tổn thương mạng người để nuôi dưỡng mạng mình. Do nhân ác này, mình người trả báo lẫn nhau. Nếu suy rộng ra, một Xứ như thế, một Nước như thế, cho đến phổ biến khắp nơi, khi nhân quả chín mùi, bỗng nổi một niệm hung ác tạo ra tai biến lớn lao, đây là do nhiều đời nhiều kiếp tạo nhân mà thành. Muốn tránh khỏi tai kiếp lớn trước hết phải bỏ tham lam. Cái hành vi tham lam đều do tâm niệm con người phát khởi. Muốn biến tai kiếp thành an vui phải học gương đức Phật ở trong nhân địa, lúc hành Đạo-bồ-tát đối với loài người đã xả bỏ đầu mắt não tủy, mặt mũi lưỡi răng để cứu người tai ách. Những tròng con mắt Phật xả bỏ, trải khắp đất của Tam thiên đại thiên thế giới đến nỗi chẳng còn chỗ trống để cắm mũi kim.
Đối với loài chim bay, Ngài đã cắt thịt cho chim Ưng ăn. Đối với loài thú chạy, Ngài đã xả thân cho Cọp đói. Có một đời vì thương loài côn trùng, Ngài biến thành một con Ếch để cho bầy Kiến bao vây ăn thịt. Lúc ấy, có một con Quạ vội quắp con ếch bỏ xuống nước. Con Ếch không chịu và nói : "Thà tôi chết để cho lũ kiến no. Tôi nếu xuống nước, cả bầy kiến đều chết". Đó là Ngài ở trong loài sống dưới nước hành Đạo-bồ-tát. Con Quạ lúc đó là tiền thân của ngài A-nan. Bầy Kiến là tiền thân của chúng La-hán. Con Ếch là tiền thân của đức Phật.
Ước mong người học Phật đều ra tay xung phong tiến tới học Hạnh-bồ-tát độ các hữu tình. Nếu có thể làm đến hai ngàn Bồ-tát để độ một ngàn chúng sanh thì có gì là khó ?!
72. BỐ THÍ.
Bố-thí là một hạnh trong Lục-độ. Muốn hành Đạo-bồ-tát độ tất cả chúng sanh, trước hết phải độ bằng cách bố-thí.
Phải biết, tâm bệnh của chúng sanh, dù là Phật sống hiện ra ở trước chúng sanh, nếu chúng sanh ấy vô duyên cũng chẳng muốn gặp Phật, dù Phật hiện các thần thông trước chúng sanh, chúng sanh cũng không muốn tin Phật. Sao vậy ? Vì họ tưởng rằng đối với gia đình họ vô ích, đối với bản thân họ cũng vô ích. Dẫu cho tướng hảo, thần thông của Phật mà gặp chúng sanh vô duyên, họ cũng khó sanh lòng kính tin nên bỏ qua chẳng màng đến. Người hành Đạo-bồ-tát đối với kẻ vô duyên thì gieo duyên cho họ, họ không tiền thì cho tiền, họ không vật thì cho vật, họ không áo thì cho áo, họ không có ăn thì cho ăn. Các chúng sanh ấy nhớ đến cái ân đức cứu giúp, chẳng những đời này không quên mà đời đời kiếp kiếp cũng khó quên. Thế nên muốn độ chúng sanh cần phải hành bố-thí để gieo duyên.
Người hành Đạo-bồ-tát phải dùng Vô Tận Thí :
Như có người hận ta thì bố-thí hoan hỷ. Có người phỉ báng ta thì bố-thí vui vẻ. Có người trộm cắp của ta thì bố-thí tiền của. Có người hại ta thì bố-thí thân mạng. Có người đánh mắng ta thì bố-thí nhẫn nhục. Thấy người không áo liền cởi áo trên thân mình để bố-thí. Thấy người đói liền đem phần cơm mình cho ăn. Thấy người không tiền xe liền đem tiền giúp đỡ. Thấy người đánh nhau bèn vội khuyên can. Thấy cha đánh con liền dùng lời khéo an ủi. Thấy con ngỗ nghịch với cha liền ngăn trở. Thấy mẹ chồng độc ác đánh nàng dâu liền khuyên can ra cho nàng dâu chạy thoát. Thấy nàng dâu hỗn với mẹ chồng liền ngăn cản. Người hành Đạo-bồ-tát không phân biệt Tăng tục, nam nữ, chỉ cần trong thân ngoài thân đều bố-thí hết. Ấy mới là cái Hạnh bố-thí của đại Bồ-tát.
=> Phần 7