16:22 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Lâm tế

Sư họ Hình, hiệu là Nghĩa Huyền, quê quán ở Nam Hoa (TQ). Thuở bé, Sư đã có chí lớn xuất gia, sau khi xuống tóc và thọ Giới-cụ-túc, Sư liền ham mộ Thiền-tông.

Trong Thiền-hội Hoàng Bá, Sư là người có hạnh nghiệp thuần nhứt.

Một hôm ngài Mục Châu, một vị Thiền-sư đã kiến Tánh triệt để là Thủ-tọa thiền hội, gặp Lâm Tế hỏi :

- Thượng-tọa ở đây được bao lâu ?

Sư đáp : "Ba năm".

Mục Châu nói : "Từng đi tham hỏi Hòa-thượng chưa ?"

Sư đáp : "Chưa từng tham hỏi vì chẳng biết hỏi cái gì ?"

Mục Châu nói : "Sao không đi hỏi Hòa-thượng Thiền-chủ, thế nào là đại ý đích xác Phật-pháp ?".

Sư liền đi hỏi, chưa dứt lời thì bị Hoàng Bá đánh. Sư trở về gặp Mục Châu, Châu hỏi việc hỏi Pháp thế nào ?

Sư nói : "Tôi hỏi chưa dứt lời liền bị Hòa-thượng đánh và đuổi ra, tôi không hiểu gì hết".

Châu nói : "Ði hỏi lần nữa đi !"

Sư lại đi hỏi nữa, vẫn bị Hoàng Bá đánh đập như trước. Cứ như thế ba lần hỏi, bị ba lần đánh.

Sư bạch với Mục Châu : "Nhờ lòng từ bi khuyên bảo của Thầy dạy, tôi đến tham hỏi Phật-pháp với Hòa-thượng, ba lần hỏi ba lần bị đánh, tôi tự nghĩ, vì chướng duyên ngăn ngại, nên không lãnh hội được ý chỉ thâm sâu. Nay xin từ giã ra đi".

Mục Châu nói : "Nếu quyết định muốn đi, ngươi nên giã từ Hòa-thượng rồi hãy đi".

Sư lễ bái rồi trở về Tăng phòng.

Mục Châu đến gặp Hòa-thượng ngay và thưa : "Thượng-tọa hỏi Pháp kia, tuy hãy còn trẻ nhưng rất kỳ đặc, nếu y đến từ giã, xin Hòa-thượng dùng phương tiện tiếp y, sau này y sẽ thành một cây đại thọ che mát người trong Thiên-hạ".

Sư đến từ giã Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi : "Ði đâu ?"

Sư trả lời : Chưa quyết định.

Hoàng Bá bảo : Chẳng cần đi chỗ nào khác, cứ đến gặp Thiền-sư Ðại Ngu, ông ấy sẽ vì ngươi mà thuyết Pháp.

Sư đến gặp Ðại Ngu, Ngu Thiền-sư hỏi : Từ đâu đến ?

Sư thưa : Từ nơi Hoàng Bá đến.

- Hoàng Bá có lời gì dạy bảo ? Ðại Ngu hỏi.

- Con ba lần hỏi đại ý Phật-pháp, ba lần bị đánh, chẳng biết con có lỗi hay không có lỗi ?.

- Hoàng Bá có lòng từ bi thắm thiết như thế đối với ngươi mà ngươi còn đến đây hỏi có lỗi hay không lỗi.

Ngay câu nói ấy, Sư hoát nhiên đại ngộ, rồi thưa : Phật-pháp của Hoàng Bá vốn chẳng có nhiều.

Ðại Ngu nắm chặt Lâm Tế rồi nói : Con quỷ đái dầm, ngươi vừa mới nói có lỗi hay không lỗi, giờ lại nói Phật-pháp của Hoàng Bá không có nhiều. Ngươi thấy lý lẽ gì nói mau ! Nói mau !

Sư liền gõ vào hông Ðại Ngu ba cái.

Ðại Ngu xô Sư ra, nói : Thầy ngươi là Hoàng Bá, chẳng dính dáng gì đến việc của ta.

Sư từ giã Ðại Ngu trở về Hoàng Bá.

Hoàng Bá thấy Sư về, liền hỏi : Thằng này đi đi về về tới chừng nào mới thôi ?

Sư thưa : Chỉ vì lòng từ bi thắm thiết của Hòa-thượng.

Sư đảnh lễ rồi đứng hầu một bên.

Hoàng Bá hỏi : Vừa mới từ đâu về đây ?

- Hôm trước, thừa ý chỉ của Hòa-thượng đến tham hỏi Ðại Ngu, rồi trở về đây.

- Ðại Ngu có lời dạy gì ?

Sư bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện khi gặp Ðại Ngu.

- Lão-hán Ðại Ngu sao nhiều chuyện thế, sau này ta sẽ đánh cho một trận.

- Nói gì sau này, đánh ngay bây giờ.

Sư bèn tát Hoàng Bá một tát.

Hoàng Bá nói : Thằng điên khùng này dám đến đây vuốt râu cọp.

Sư liền hét lớn.

Hoàng Bá gọi : Thị-giả, dẫn thằng điên khùng này về Tham-đường.

LỜI BÌNH PHẨM :

Sau này, Qui Sơn kể Công-án này hỏi Ngưỡng Sơn : Lâm Tế lúc ấy ngộ được là nhờ sức của Ðại Ngu hay là được sức của Hoàng Bá. Ngưỡng Sơn nói : Chẳng những cỡi đầu hổ, cũng biết nắm đuôi hổ.

*****

Một hôm, Sư biết sắp tịch nên nói Kệ truyền Pháp rằng :

Theo dòng chẳng ngưng hỏi cái chi

Chiếu soi vô biên nói cho y

Lìa danh lìa tướng người không hiểu

Xuy-mao (*) dùng xong liền quên đi.

Rồi Sư dạy Chúng : "Sau khi ta nhập diệt, không được diệt mất Chánh-pháp Nhãn-tạng của ta".

Tam Thánh ra nói : "Ðâu dám diệt mất Chánh-pháp Nhãn-tạng của Hòa-thượng".

Sư bảo : "Về sau có người hỏi ngươi, ngươi nói với họ thế nào ?"

Tam Thánh hét !

Sư nói : "Ai dè Chánh-pháp Nhãn-tạng của ta đến bên con lừa mù này diệt mất". Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Hàm Thông nhà Ðường, năm thứ tám (868 Tây lịch), ngày 10 tháng 4 năm Ðinh Hợi. Vua ban cho Sư hiệu là Huệ Chiếu Thiền-sư. Toàn thân nhập Tháp nơi phủ Tây núi hướng bắc Trấn Châu.

(*) Xuy-mao là một thành ngữ ám chỉ một sợi tóc để trên lưỡi cây bảo kiếm, chỉ thổi một cái là đứt liền.
Ngữ lục của ngài được thầy Duy Lực dịch sang chữ việt có tựa là "Lâm Tế Ngữ Lục" các bạn tìm đọc.