04:38 ICT Thứ hai, 02/12/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Minh Bổn

Minh Bổn Thiền-sư (1263-1323), phái Thiền Lâm Tế đời thứ 19, họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả lót nữa và đã biết ngồi kiết-già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật. Phàm chơi đùa đều làm theo Phật-sự

- Chín tuổi, mẹ mất.

- Mười lăm tuổi, có ý muốn xuất gia. Nhân xem Truyền Đăng Lục, đến chỗ Am-ma-la nữ hỏi ngài Văn-thù : "Đã biết rõ sanh là lý bất sanh, tại sao lại bị sanh tử lưu chuyển ?". Do đó liền phát nghi.

Sau Ngài đi tham vấn Hoà-thượng Cao Phong - Nguyên Diệu  (1238 - 1295), chùa Thiên Mục ở Hàng Châu (TQ).

Tính ngài Cao Phong Diệu rất nghiêm khắc. Bình thường, khi nói chuyện, Ngài không biểu lộ tình cảm ra sắc mặt. Vậy mà, khi vừa gặp ngài Minh Bổn, thì ngài Cao Phong lộ vẻ rất vui mừng, hứa khả cho xuống tóc liền.

Nhân khi tụng Kinh Kim Cang, đến chỗ "Gánh vác Như-lai", trong tâm Ngài hoát nhiên mở mang, đến khi thấy nước suối chảy, bèn bừng tỏ ngộ. Ngài bèn chạy đến Hòa-thượng Nguyên Diệu cầu ấn chứng, bị Hoà-thượng đánh đập đuổi ra.

Một hôm, nhân có lệnh Vua tuyển đồng nam đồng nữ vào cung, ngài Minh Bổn đến hỏi Hòa-thượng Diệu :

Nếu bỗng nhiên có người muốn Hòa-thượng lấy mấy người đồng nam đồng nữ thì làm sao ?

Hòa-thượng Diệu đáp : Ta cứ đưa cây trúc-bề cho họ.

Sư ngay lời nói, ngộ triệt để.

Hòa-thượng Diệu liền tự đề chân dung, phó chúc Kệ cho Sư :

Ngã tướng bất tư nghì,

Phật, Tổ chẳng thể biết.

Chỉ hứa thằng du côn,

Được thấy nửa bên mũi,

Có người hỏi Hòa-thượng Diệu :

Trong các đệ tử của Ngài, ai hơn, ai kém ?

Hòa-thượng đáp : Thủ-tọa Nghĩa cố nhiên là cây trúc già, nhưng vẫn còn bảy tám đốt cong. Chỉ Duy-na Bổn mới thật là cây tre xuất sắc trong rừng tre. Sau này thành đạt không thể hạn lượng.

Sư không ở nơi nào nhất định. Khi thì dưới thuyền, lúc trong Am cỏ. Mọi người gọi Sư là "Huyễn Trụ". Tăng tục giành nhau chiêm lễ, tôn xưng Ngài là Cổ Phật miền Giang Nam.

Vua Nhân Tông nhà Nguyên thỉnh Sư về triều. Sư từ tạ không đến. Vua ban cho Sư áo cà-sa kim lan và phong hiệu là Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền-sư.

Sư thường quở người học chỉ quí ngôn thuyết, chẳng cầu thực ngộ.

Ngài nói : Nay người tham-thiền không được linh nghiệm là vì :

1. Không có chí khí chân thực như người xưa.

2. Không lấy sanh tử vô thường cho là việc lớn.

3. Tập khí từ nhiều kiếp đã không buông xuống được, lại không giữ được quyết tâm bền vững, không lui sụt.

Bệnh tại sao ?

Đó chỉ vì không nhận biết được căn bản của sinh tử.

Phàm gặp người học, Ngài hỏi : Ngươi gọi cái gì là sanh tử ?

Thì họ hoặc mịt mù không trả lời, hoặc trả lời sanh không biết chỗ đến, chết không biết chỗ đi là sanh tử.

Sư nói : Dẫu cho biết, cũng vẫn là sanh tử !

Hoặc có người nói : Một niệm khởi là sanh, một niệm diệt là tử.

Sư nói : Lìa một niệm khởi diệt cũng là sanh tử vậy. Phàm có lời nói đều là nhánh lá thôi, chẳng phải căn bản. Cái căn bản là tánh chân thật viên tròn sáng tỏ vốn chẳng có tướng sinh diệt khứ lai. Chỉ vì bất giác bỗng khởi vọng tâm, lạc mất bổn nguyên, uổng chịu luân hồi, cho nên nói "Mê thì sanh tử bắt đầu, ngộ thì luân hồi ngưng nghỉ". Nên biết sơn hà Đại-địa, sáng tối, sắc không, ngũ Uẩn, tứ Đại, cho đến các pháp động tịnh, đều là nguồn gốc của sanh tử. Nếu chưa từng hướng vào Pháp-chân-thực hoát nhiên siêu ngộ, lại còn ở ngoài ngộ tạo dựng cuộc sống ngồi trong hang ổ, đối với biển sanh tử hoặc còn mảy may chưa tẩy sạch thì khó tránh được sự mê hoặc của cảnh duyên thù thắng. Từ mê, sanh khởi dị khiến, dù nói đã rõ rồi, chứ thực ra thì chưa. Cần phải thống thiết vì Đại-sự sinh tử, cho đó là việc trọng đại nhất của mình. Tâm trộm cắp(*) chết sạch mới có thể hy vọng. Nếu còn mảy may kiến chấp thiện ác, lấy bỏ, yêu ghét, dứt nối, thì sanh ra nhánh lá rồi, cần phải cẩn thận.

Ngày 15 tháng 8 năm Quý Hợi, tức năm 1323 dương lịch, Ngài thuyết kệ từ giã Chúng rằng :

Ta có một câu

Phó chúc Đại-chúng

Lại hỏi thế nào

Vốn chẳng căn cứ.

Rồi Ngài buông bút ngồi mà tịch. Đệ tử xây tháp thờ Ngài nơi hướng Tây núi Thiên Mục.

Năm thứ hai niên hiệu Nguyên Thông (1334) vua Thuận Đế nhà Nguyên phong Ngài hiệu là Phổ Ứng Quốc-sư. 
Sư có trước tác bộ Quảng Lục 30 quyển, đã được biên vào Tích Sa Đại Tạng Kinh tập số 599. Tác phẩm của Ngài được chuyển sang Việt ngữ bởi thầy Duy Lực gồm có : Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải & Trung Phong Pháp Ngữ, các bạn tìm đọc.

(*) Tâm trộm cắp : Ý Ngài muốn nói người tham-thiền ngoài nghi-tình, hễ có nổi lên bất cứ một niệm nào, dù là Bồ-đề Niết-bàn, cũng đều chướng ngại cho sự kiến Tánh, đều gọi là Tâm-trộm-cắp.