06:05 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Lai Quả

  Sư tên Diệu Thọ tự Lai Quả, hiệu là Tịnh Như, con nhà nông họ Lưu, quê ở huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc.  Năm lên bảy, Sư nghe vị Tăng bên cạnh tụng câu "Vô trí diệc vô đắc" trong Tâm Kinh, Sư có tỉnh ngộ. Năm 12 tuổi, Sư có chí thoát trần, trốn đi xuất gia, bị người anh tìm bắt trở...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần VIII

Chủ nhật - 31/03/2013 17:28 Xem: 1855
từ bài 85 -> 96: 85. Cúng-dường, 86. Tán-thán, 87. Ẩn giấu điều ác, phô dương điều thiện, 88. Trừ phỉ báng, 89. Dứt tranh cãi, 90. Ba điều thường không đủ, 91. Khuyến trụ Tòng-lâm, 92. Phát tâm làm việc, 93. Thích làm Thanh-chúng, 94. Tình nguyện nhận chức Hành-đơn, 95. Biết nhân biết quả, 96. Phát thệ nguyện lớn.
85. CÚNG DƯỜNG.

Cung phụng thức ăn nuôi dưỡng thân tâm cho nên gọi là cúng-dường. Lúc Phật tại thế, Ngài giáng sanh dưới cây Vô-ưu, thành Đạo dưới cội Bồ-đề, thị tịch ở giữa hai cây Sa-la, tiêu biểu một đời thành Phật chưa từng ở quá phòng tư của mình, Giảng-đường, Tịnh-xá đều do Vua-quan cúng dường. Mỗi ngày vào thành khất thực hiển thị một đời thành Phật tự mình chẳng dự bị bếp núc, mà đều do Cư-sĩ, Bà-la-môn cúng dường. Tự chẳng cất nhà ở, chẳng trồng trọt ăn, chẳng dệt vải mặc mà đều để cho người cúng dường cầu phước huệ,

Chúng ta là người học hạnh Bồ-tát phải cúng dường như thế nào ? Người không có cơm áo, giảng cho họ biết về báo ứng của không có cơm áo, ấy là chân cúng dường. Người chết yểu hoặc nhiều bệnh khổ, giảng cho họ biêt về nhân duyên giết hại. Người nhiều nghèo nàn khốn khổ, giảng cho họ biết về nhân duyên tham lam bỏn xẻn. Người nhiều ái dục giảng cho họ biết về quả báo thân thể xấu xí. Người nhiều tai nạn nước lửa giảng cho họ biết về quả báo giận hờn. Người phỉ báng Tam-bảo, giảng cho họ biết về quả báo đọa Địa-ngục. Người tin xuất-gia, giảng cho họ biết về nhân duyên tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai). Người chẳng tin trụ Tòng-lâm, giảng cho họ biết về nhân duyên bỏ mất cơ hội. Người nhiều niềm tin trụ Tòng-lâm, giảng cho họ biết về nhân duyên Phật-pháp.

Đã nói chân cúng dường, sao chẳng dạy người xả thân cúng dường, hoặc lóc thịt cúng dường. Phải biết, trong các sự cúng dường, Pháp cúng dường là hơn hết. Thân cúng dường chỉ đem lại cái vui nhất thời, còn Pháp cúng dường khiến thành Phật-đạo. Lại, La-hán thần thông rộng lớn vô cùng mà chẳng thể làm cho người liễu sanh tử, thoát luân hồi. Thế nên, thần thông chỉ có thể lợi mình mà chẳng thể lợi người. Bồ-tát thuyết Pháp, đã có thể lợi người, lại có thể lợi mình, mình người đều lợi, đây là Chân cúng dường vậy.

86. TÁN THÁN.

Tán là ca tụng công, Thán là ngợi khen đức, ấy gọi là tán-thán. Công của tán thán lớn không gì so bằng. Sao vậy ? Như Phật xuất hiện trên đời, người nếu chẳng tin, làm sao chịu cho Phật độ. Vì thế cần phải có người ca tụng công đức của Ngài, khiến cho người tin thì mới được độ. Dù Phật phải khổ hạnh trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp cho đến thành Phật, người đời cũng chẳng biết Phật là ai, làm sự nghiệp gì. Cho nên cần phải nhờ chư Thiên và loài người tán dương ca tụng, người đời mới biết tướng Phật tốt, tiếng Phật hay, do đó tin phục, rồi sau Phật chuyển Pháp-luân, những người có duyên mới được độ thoát.

Như hai người đi ra ngoài hóa duyên, đến chỗ dân cư đông đúc, phải có một người khen đạo của người này, đức của người này, sau đó mọi người mới Quy-y, kính tin, cúng dường, lễ bái. Lại như Tòng-lâm hưng thạnh cũng phải nhờ người mà thành, ví như có nhiều người khen lịch sử Tòng-lâm rất tốt, người trụ trì giỏi, dẫu cho có người muốn khuấy phá nhưng được nghe qua những điều hay đó ắt sanh chút lòng tin, phải ngưng ý xấu thì Tòng-lâm ắt được bảo toàn, đây đều do công tán thán.

Lại như chỗ dở của người kia như thế nào không biết, mà có người khen rằng : "Người đó tột như thế này, tột như thế nọ". Người ác nào nghe nói người kia, dù một điều tốt, thì việc ác của họ ắt bỏ, tâm ác ắt đổi. Dù nói vậy, nhưng hai chữ tán-thán không phải đụng ai cũng dùng, người có công thì tán thán, người có lỗi thì im lặng, chẳng nên đều tán thán. Như người muốn phá Giới làm ác chẳng nên tán thán, chỉ nên cản ngăn, chẳng nên chê bai, vì chê bai thì mình cũng có lỗi vậy.    

87. ẤN GIẤU ĐIỀU ÁC PHÔ DƯƠNG ĐIỀU THIỆN.

Ẩn giấu đều ác, phô dương điều thiện là thành tựu cái đức hạnh cao tột cho người. Duy có một mình Phật là người đại thiện, kế đến Bồ-tát, rồi La-hán còn những người khác dù tận thiện mà chẳng thể tận mỹ.

Như người có tâm ác, vội đem tâm ác ẩn giấu lâu ngày không cho nó động, hễ động đều là niệm thiện.

Một người như vậy, người khắp mười phương cũng như vậy, thì đâu có ngưới ác. Nếu một người có việc ác, mọi người thấy đều giấu cho, mọi người nghe đều ẩn cho lâu ngày thì chỗ người ta thấy đều là việc thiện, chỗ người ta nghe đều là tiếng lành. Một người như vậy, mọi người cũng như vậy thì đâu có việc ác. Việc ác của một người được người khác ẩn giấu thì việc ác của mọi người đều được ẩn giấu lẫn nhau, khắp thế gian chẳng thấy có một việc ác. Cái thiện của thế gian chẳng phải tự nó thiện mà trước tiên phải từ tâm người chuyển tâm ác thành tâm thiện, hóa việc ác thành việc thiện, do đó khắp Thiên-hạ đều được thiện vậy.

Chúng ta là người học hạnh Bồ-tát, như có người muốn bắt kẻ giết heo để định tội, người thân của mình để báo thù, kẻ giết heo trốn ở chỗ Bồ-tát. Người đi bắt hỏi : "Có kẻ giết heo trốn ở đây chăng ?". Bồ-tát đáp : "Không". Rồi hỏi : "Giết heo phạm tội gì ? Bắt hắn để làm gì ?". Người đi bắt đáp : "Giết heo quá nhiều, cho nên định tội". Bồ-tát đáp : "Tội giết nhiều heo thì nhỏ, tội giết một người thì lớn. Tôi khuyên ông chẳng nên bắt hắn thì mới khỏi có người khác bắt ông". Bồ-tát khuyên giải hai người như thế khiến họ hối cải xuất-gia tu Đạo. Đậy là đại Phật-sự ẩn giấu điều ác, phô dương điều thiện.

Người ở chốn Tòng-lâm thấy người có tập-khí xấu, ẩn giấu đi mà chẳng nhớ. Dẫu cho có người hỏi cũng chẳng nói. Người nếu trách thì cũng cứ ẩn giấu điều ác của người kia, mà chỉ phô dương điều thiện. Như vậy, người trên phô dương điều thiện của kẻ dưới, kẻ dưới ẩn giấu điều ác của người trên. Ẩn giấu lẫn nhau, phô dương lẫn nhau chẳng những Đạo thành, Tòng-lâm hưng thạnh, mà Đạo-bồ-tát được thực hành mãi. Lại thường nói : "Muốn được Phật-pháp hưng thạnh thì Tăng phải tán thán Tăng". Đây là yếu tố khiến cho Tam-bảo trụ lâu ở đời.    

88. TRỪ PHỈ BÁNG.

Phỉ-báng là điều bất thiện hơn hết. Đề-bà-đạt-đa phỉ báng Phật, chưa chết mà bị đọa địa-ngục A-tỳ, Tỳ-kheo Vô-văn phỉ báng Pháp đang sống mà bị đọa Địa-ngục, vua Lưu-ly hại Tăng chưa chết mà bị đọa xuống hầm lửa, Tỳ-kheo-ni Bửu-liên phỉ báng Giới, chưa chết mà bị đọa địa-ngục A-tỳ. Chưa chết mà bị đọa nghĩa là việc ác vừa làm xong, hoặc lời nói ác vừa nói xong thì ngay chỗ đang đứng đất nứt ra, rơi xuống đáy sâu vô biên, toàn thân xuống thẳng địa-ngục A-tỳ như quả cân rơi xuống biển một mạch thẳng đến đáy.

Luận về mức nặng nhẹ của sự phỉ báng, như thấy người thật có vi phạm cấm Giới của Phật, hoặc làm việc trái nhân quả, thấy rồi lại thấy, nghe rồi lại nghe, nhiều lần chỗ thấy nghe không chút lầm lẫn, im lặng chẳng nói thì không có lỗi. Nếu phỉ báng cũng chẳng phạm tội đọa, chỉ phạm tội phá hòa hợp Tăng, tội này nhẹ hơn tội đọa A-tỳ. Nếu người thật không vi phạm mà phỉ báng họ thì người phỉ báng ấy nhất định bị đọa Địa-ngục.

Tóm lại, nói lỗi của người nhất định phải mắt thấy tai nghe, mình mới chẳng bị lỗi. Nếu chỉ nghe qua việc thị phi của người liền nói càn lỗi của người tức là phạm cái tội phỉ báng, tự mang tội về mình. Đại khái, chỉ khen một câu bất luận như thế nào cũng có công. Hễ phỉ báng người thì rốt cuộc kẻ phỉ báng phải mang tội.

Phật-pháp hiện thời mọi người đều tán-thán còn có chỗ âm thầm lo lắng, huống là phỉ-báng mù quáng, khiến cho mình trong tương lai không có đất an thân. Xin người ưa phỉ báng hãy mau tỉnh ngộ.    

89. DỨT TRANH CÃI.

Dứt tranh cãi là việc làm cần kíp trước mắt. Hiện tại cách Phật sau hai ngàn năm trăm năm, chính là lúc mở đầu cho thời kỳ đấu tranh gay gắt, làm cho thế giới cùng thế giới tranh, người với người tranh, tranh lâu ắt loạn. Xét tận gốc của nó chẳng ngoài Tự-tâm, do vì tâm đạo đức càng kém, tâm nhân ngã càng to. Nếu có thể xem việc đời như mây trong hư-không lúc tụ thì có, khi tán thì không, quán mình & người như hoa mùa xuân, mới nở thì đẹp đẽ, tàn rụng thì như bùn nhơ, hễ đối xử người như mây như hoa thì người nào chẳng nhường nhịn được, việc nào chẳng bỏ qua được. Đến đây, có được bậc Thượng-sĩ xuất sắc khéo hòa giải đấu tranh, thấy người cãi cọ đánh nhau, dịu dàng khuyên giải. Hoặc người vu oan ta quấy, ta phải tùy họ để xử trí. Người cả đời chẳng thích đấu tranh, nếu người khác muốn tranh thì cho hết phần mình để họ khỏi đấu tranh. Người nói ta tốt, chẳng thấy vui, người nói ta xấu chẳng thấy buồn. Người chê bai ta, ta chẳng chê bai người. Người tìm ta đấu, ta chẳng tìm người đấu. Như vậy, danh tiếng lợi dưỡng đều nhường cho người, ta chẳng tranh giành. Danh tiếng lợi dưỡng của ta có, người muốn tranh với ta, ta đều cho họ. Hai bên nhường nhau, làm gì có tranh ?

Người nói ta phá Giới, ta chẳng đỏ mặt cũng chẳng giải thích, trái lại coi người ấy là bạn tốt giúp tăng Đạo-niệm cho ta. Người muốn y bát đồ đạc của ta, ta lượng sức xả cho. Người muốn tánh mạng ta, ta xả cho họ, nếu không thể xả thì cũng không động niệm. Buồn thay ! Do vì chấp ta nên mới chấp người, giả sử người tranh, ta cũng tranh, ắt bị thế gian chuyển. Người tranh ta không tranh thì chuyển được thế gian. Muốn đập vỡ sự tranh cãi, trước tiên phải vô ngã. Thử hỏi : Ngã làm sao mà vô ? Thực ra, chẳng phải diệt ngã rồi thành vô, mà chỉ cần xem mọi người như ruột thịt, nguyện người hữu ta vô, người giàu ta nghèo thì tâm ta mới an. Ngã là cái nhà của đấu tranh. Vô ngã là then chốt để dứt đấu tranh. Mọi người đều vô ngã thì đấu tranh làm sao có ? Người làm được như thế đến chết không thay đổi thì đến giai đoạn làm được như thế đến chết không thay đổi thì đến giai đoạn cuối của thời Mạt-pháp, trở lại thế gian này dùng Phật-pháp giáo hóa khắp nơi, dầu thời thế như thế nào cũng chẳng bị chuyển. Thật là đứa con ngoan của Phật Thích-ca.    

90. BA ĐIỀU THƯỜNG KHÔNG ĐỦ.

Ba điều thường không đủ là : Mặc không đủ, ăn không đủ. Ba điều này thường sung túc thì trái với Đạo. Ba điều này thường không đủ thì tương ưng với Đạo.

Người tham mặc đẹp là trọng thân, yêu thân. Cái thói quen thích đẹp mắt xưa nay chẳng thay đổi là cái tập-khí căn bản. Thử nghĩ :

Thời thượng cổ lấy vỏ cây, lá cây làm quần áo, mọi người đều như vậy, đối với thân sao mà nhẹ thế, đối với dục sao mà khinh thế ! Dẫu cho kiếp giảm, thân người yếu đuối cũng chỉ nên giữ cho thân chẳng bị lạnh nóng là đủ rồi. Như vậy chẳng những hợp với Đạo mà cũng ít tốn tiền, tốn công thế gian. Chẳng nghĩ, ta mặc đồ đẹp người thấy ta mừng, mừng rồi thì ra sao ? Ta mặc đồ xấu, người thấy, ta buồn, buồn rồi thì thế nào ? Buồn thay ! Con người thường tình chỉ biết cái vui trước mắt mà chẳng biết sau khi vui rồi ra sao ? Thật là một sự đau khổ lớn lao ở trong tương lai mà họ không hiểu. Nếu quả mượn thân này tạm dùng để lo hành Đạo thì đâu có ưa mặc đồ tốt !

Ăn chẳng đủ, chúng ta ở chỗ chẳng cấy trồng mà có ăn thì phải nghĩ đến chỗ sản xuất. Người xưa nói : "Hạt gạo của Thí-chủ lớn bằng núi Tu-di. Nếu người không liễu thoát mang lông đội sừng trả" việc này rất đáng sợ hãi. Nghĩ đến đó, chẳng những không ăn đồ ngon mà đồ dở cũng chẳng dám ăn nhiều. Sao vậy ? Ăn nhiều ắt phải trả nợ nhiều. Người hành Đạo suốt ngày chuyên tâm khắc khổ tham-cứu, lấy Đạo làm niệm, người xưa nói : "Tấc hương (tọa hương, đi hương) tiêu được đấu vàng" cũng chẳng hư dối. Bằng không thì mảy may hệ niệm là nghiệp nhân của tam-đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Than ôi !

Ngủ chẳng đủ, chính là phỏng theo Quy-củ Thiền-đường. Từ khởi nén hương dưỡng tức đến khai đại tịnh là đầu hôm, chẳng được ngủ. Từ sau khai đại tịnh đến đánh bốn bản là giữa đêm, được ngủ. Từ thời tụng niệm sáng sớm đến nén hương báo đã sáng là cuối đêm, chẳng được ngủ. Giữa đêm ngủ say một giấc, bằng không thì ngày đêm chẳng phân sẽ làm chướng Đạo. Nếu đúng lúc ngủ mà chẳng ngủ thì thân thể bị lao nhọc. Chẳng phải lúc ngủ mà ngủ là chướng Đạo. Cho nên ngủ phải đúng giờ mới hợp với Quy-củ, nếu trái phạm thì một giấc ngủ một ngàn năm cũng chẳng nghe được danh hiệu Phật. Buồn thay !    

91. KHUYẾN TRỤ TÒNG LÂM.

Tăng-sĩ khắp thế gian lênh đên lưu lạc không có chỗ ở cố định, thật đáng thương xót ! Phải biết, Tòng-lâm là hang Pháp hoằng đạo lợi sanh, là Đạo-tràng của minh tâm kiến tánh, như áo có bâu, như lưới có giềng. Thân tâm an lạc, ăn uống đều hòa, người có Đạo thì khuyến khích họ, dụng công sâu thêm, người không có Đạo thì cảnh sách họ tiến lên như tre đầy rừng, tranh nhau mọc cao, như cây tùng của rừng lớn, thi nhau hùng dũng vươn lên, chẳng phụ bốn ân, làm quang vinh ba cõi, thật là đất Tăng-bảo của Tăng-sĩ vậy.

Lý do khuyên chúng ta nên trụ lâu ở Tòng-lâm như sau :

Người tham-thiền ở Tòng-lâm cùng chúng Tăng làm bạn đồng tham, giúp ích lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau, một mai Ngộ-đạo, biết ta đã lìa thế gian khổ não. Do thế gian khổ trợ giúp ta khai-ngộ, nên ta chẳng bỏ Ta-bà. Ta lìa được khổ não là nhờ người khổ não giúp ta minh tâm, cho nên ta chẳng bỏ tất cả chúng sanh khổ não. Sau đó, lấy thế giới này làm chỗ hoằng Đạo, lấy loài người này làm Chúng hóa độ. Chúng sanh ở thế giới mười phương thì nhiều, chỉ cho dùng một chữ nhiều chứ không có số nào khác để nói. Trong Thiền-đường chúng ta, nếu một người minh tâm làm Giáo-chủ một thế giới, độ người của một thế giới, nếu hai người minh tâm, làm Giáo-chủ hai thế giới, độ người của hai thế giới. Thế giới nhiều, Giáo-chủ nhiều, cuối cùng phải tiến đến mức Giáo-chủ nhiều mà thế giới ít, thì muốn độ hết chúng sanh trong mười phương thế giới cũng chẳng khó.

Sự trọng yếu của Tòng-lâm rất sâu, rất lớn là ngọn đèn sáng của đời ô trược, là chỗ trụ của Tam-bảo. Đại-chúng Tăng-lữ ở đó tu hành, tuân theo Quy-củ Tòng-lâm, tất cả Chức-sự và Thanh-chúng quên lao nhọc thích Hành-đạo, người nào cũng có thể tu đến kiến Tánh thành Phật, các Chùa-tư không thể so bằng, thật là cột trụ vững chắc của dòng đời ô trược vậy.    

92. PHÁT TÂM LÀM VIỆC.

Làm việc tức là nhận lấy Chức-sự. Chức-sự ở Tòng-lâm tổng cộng có 48 đơn vị. Mỗi đơn vị đều có phạm vi riêng biệt, không được vượt qua phạm vi người khác. Làm mọi việc trong Chúng, cần phải bảo hộ Tòng-lâm như nhà mình, coi vật nhà chùa như vật nhà mình, xem Đại-chúng như ruột thịt. Người có chí này, ai chịu làm người tán gia bại sản. Mọi người đều có tri thức này thì Tòng-lâm ngày càng hưng thạnh, nhiều nhân tài giỏi cộng sự giúp nhau thì lo gì không có Đạo !

Điều khẩn yếu nhất là việc làm phải y theo pháp Tòng-lâm mà làm, lời giảng nói cũng phải y theo pháp Tòng-lâm mà giảng nói, chẳng nên nói chuyện thế tục, bàn về Chính-trị. Cảnh tỉnh Chúng như vỗ con thơ, điều phục Chúng nghiêm khắc như Diêm-vương. Dùng tâm Bồ-tát thương cái khổ của người, dùng mặt La-sát phá cái ngu của người. Trong tâm tròn mà ngoài mặt vuông, tâm hiền từ mà lời nói dữ mới có thể dứt việc, yên người, để khỏi trái phép loạn Chúng. Oai nghi tề chỉnh, tế hạnh tinh nghiêm, nói nín làm người kinh sợ, ngôn từ hòa nhã hay đẹp, lời nói ra đều đúng theo Quy-củ, thưởng phạt công bằng không có thiên vị. Đại-chúng thấy đó sợ mà kính mến. Nếu tất cả người thường trụ đều vui vẻ cho Chức-sự là quý báu, như thế, lâu ngày sẽ có nhân tài xuất sắc của Pháp-môn vậy.    

93. THÍCH LÀM THANH CHÚNG.

Người không làm Chức-sự nào trong Tòng-lâm gọi là Thanh-chúng. Thường thường người lập chí cao thượng phải phát tâm chẳng rời Tòng-lâm, lấy ngộ làm kỳ hạn, do đó trước tiên xả bỏ quần áo dư, rồi xả bỏ túi bát, tiền bạc để khỏi bận lòng, giảm trừ sự chướng ngại của vọng động. Quét một cái sạch hết, muôn thứ lo nghĩ đều không, nương thân nơi Thiền-đường, buông tâm ở trên Đạo. Dù cho Trời xoay đất chuyển cũng không dính dáng gì đến ta. Quên ngày tháng, quên ấm lạnh, đặt thế thái nhân tình ra ngoài thế giới. Lúc tinh-tấn thì không nhân không ngã, đâu biết đói khát. Lúc hơi biếng nhác thì có người sách tấn, đâu có lui sụt mà phải ăn năn. Dẫu sanh lên cõi Trời Tam-thiền cũng chẳng bằng một niệm chuyên tham. Thiền tham tới vô lậu, thân quên đất mà đất quên Trời. Giữ được nghi-tình thì tâm tự đúng như lý, lý tự đúng như sự. Mắt không rảnh để thấy người, đâu phân người đẹp người xấu. Tai không rảnh để nghe chuyện thì đâu biết chuyện dở chuyện hay. Xem Chức-sự như Phật-sống, xem người bên cạnh như ruột thịt. Cái đạo đại-vong (quên hết) hiện tiền, cái công Tiểu-ngộ chẳng kể. Thẳng đến đánh mất mặt mũi mẹ sanh (kiến Tánh), trâu trắng sờ sờ (Tự-tánh) chẳng từ người khác mà được. Ngộ rồi dựng Pháp-tràng làm Giáo-chủ ở thế giới phương khác độ chúng sanh khiến cho đức Phật vui cười ở trong Thường Tịch Quang.    

94. TÌNH NGUYỆN NHẬN CHỨC HÀNH ĐƠN(Người phục vụ việc ăn uống cho Tăng Chúng).  

Trách nhiệm hành-đơn thật là việc của Bồ-tát. Trách nhiệm nặng trong Tòng-lâm là chức hành-đơn. Người hành-đơn trước hết phải rõ cái đạo bồi phước, kế đến giữ cái tâm yêu vật. Chánh-pháp trụ lâu dài, công ở hành-đơn. Tòng-lâm an ổn lâu dài, đức quy về hành-đơn. Người ta thường nói : "Kẻ vô phước bồi phước, kẻ có phước cần phải bồi thêm nữa". Sao vậy ? Chỗ tụ tập của tất cả Thánh-hiền trong mười phương Pháp-giới mắt trần chẳng thấy, chứ chẳng chút dối nhau. Xưa có Phổ-hiền làm hành-đơn, Di-lặc làm đại hỏa (đun bếp), Quan-âm làm Phạn-đầu (nấu cơm), Văn-thù lượm giấy vụn, còn Qui Sơn thì làm Thái-đầu (rửa cải), Tuyết Phong làm Phạn-đầu, Lâm Tế làm Viên-đầu (trồng rau cải), Mã Tổ quét tước, Bá Trượng làm thị-giả. Các vị hành-đơn đều là Bố-tát, các vị Chức-sự đều là Tổ-sư, phát tâm làm việc, ra sức chịu khổ đều là cúng dường mười phương chư Phật, Chúng, Tăng, Hiền, Thánh.

Điều khẩn yếu nhất, muốn hành hạnh này, trước tiên phải dứt tâm giận hờn thì đồng sự với người mới hòa thuận được. Kế diệt trừ biếng nhác thì việc của nhà chùa mới có thể làm hoàn chỉnh được. Dù làm hỏng việc bị chỉ trích, phải quy lỗi về mình, chẳng nên đổ lỗi cho người. Ba mươi năm bồi phước, công lao lớn, khổ hạnh cao, thân tâm thuần thục, một mai vo gạo, chụm lửa hoặc thái rau, nấu nước, bỗng chạm nhằm cái này (kiến Tánh) mới biết hành-đơn không chướng ngại tham-thiền.

Nói chung, tất cả Tổ-sư đều từ khổ hạnh mà ra, tất cả Bồ-tát đều do khổ hạnh mà vào. Nhận chức Hành-đơn cũng chẳng khoái ư ?

Lược Giải : Chữ Đơn thường dùng trong Tòng-lâm : Mỗi Tăng-sĩ là một đơn vị trong Tăng-đoàn, cho nên Tòng-lâm thường dùng chữ Đơn để ám chỉ việc của Tăng-sĩ. Cũng như : Phục vụ sự ăn uống cho Thiền-đường gọi là Hành-đơn, giường nằm của Tăng-sĩ gọi là Sàng-đơn, giường nhiều Tăng-sĩ nằm gọi là Quảng-đơn, tiền của Tăng-sĩ gọi là Đơn-tiền, Tăng ở trọ gọi là Quái-đơn, Tăng-sĩ bị mời khỏi Chùa gọi là Thiên-đơn. Người nằm bên cạnh gọi là Lân-đơn.

95. BIẾT NHÂN BIẾT QUẢ.

Hai chữ NHÂN QUẢ, mười Pháp-giới đồng nhau. Bất cứ nơi nào lúc nào, người nào, việc gì đều chẳng ra ngoài nhân quả. Như cái nhân tham-thiền quyết định cảm cái quả đại-ngộ. Nhân niệm Phật quyết định cảm cái quả vãng sanh Tây-phương. Tạo nhân phá Giới quyết định cảm quả Địa-ngục. Tu nhân trì Giới quyết định cảm quả sanh lên Trời. Nhân trồng mè quyết định cảm quả mè, nhân trồng đậu quyết định cảm quả đậu. Tu nhân Tòng-lâm cảm quả ngồi Đạo-tràng. Tu nhân khổ hạnh cảm quả phước đức. Tu nhân thiền-định cảm quả Trí-huệ. Làm nghiệp nhân chúng sanh cảm quả chúng sanh. Tu nhân giải thoát cảm quả chư Phật. Muốn biết nhân đời trước thì xem chỗ hưởng thụ của đời này. Muốn biết quả đời sau thì xem việc làm của đời này. Tiền nhân hậu quả đều tự nơi mình, thay đầu đổi mặt đều do nhân quả. Một lời nói, một việc làm cần phải xét lợi hại, nhất cử nhất động đều chẳng ngoài nhân quả. Hễ có động niệm cho đến làm việc đều là tạo nhân, có gieo nhân thì phải gặt quả. Kẻ mang quả tu nhân thì nhân gồm biển quả. Kẻ tu nhân cảm quả thì quả suốt nguồn nhân. Ngàn Thánh muôn Phật cũng chẳng thể ra khỏi nhân quả. Thường có người chấp "khoát-đạt-không" (chấp cái không của tuyệt diệt) bác bỏ nhân quả, ấy là người mù dẫn cả bọn mù cùng vào hầm lửa. Sự bác bỏ nhân quả thật nguy hiểm thay !    

96. PHÁT THỆ NGUYỆN LỚN.

Thế gian và xuất thế gian đều có phát thệ nguyện lớn. Hai người tranh giành đất đai, người nào cũng cầu thắng, Bồ-tát ắt làm mãn nguyện cho người có đạo đức thành tâm tin Phật. Nếu người có đạo đức lại bại, người không đạo đức lại thắng, cũng là do cảm ứng của nhân quả chẳng đồng mà xảy ra như thế.

Chúng ta là người trụ Tòng-lâm, trước phát nguyện lớn quyết liễu sanh tử, kế phát nguyện lớn quyết thành Phật-đạo, lại phát nguyện lớn độ hết chúng sanh. Hoằng nguyện này là thường khóa hàng ngày chẳng chút gián đoạn ngừng nghỉ. Nếu ngừng nghỉ một chút, có thể bị đọa Địa-ngục, đây gọi là thệ. Đã lập thệ nguyện, thì không thể trái nguyện một chữ mới là đủ cả hạnh-nguyện, lời nói việc làm phù hợp với nhau. Chỉ nói ăn mà chẳng từng nếm thì chẳng thể no, đây là nói suông. Như phát nguyện mà chẳng hành thì chẳng thể đến, đây là nguyện suông, bất quá chỉ tu cái nhân phát nguyện mà thôi. Người tu hành chẳng nên chỉ tu cái nhân phát nguyện mà nhất định cần phải hành cái việc của phát nguyện mới đúng.

Lại, nguyện có tà chánh, cũng có lớn nhỏ. Thế nào là nguyện tà ? Như phát nguyện cầu tài, tham sắc, học Tiên đắc đạo, đây gọi là nguyện tà. Phát nguyện chánh là phát nguyện độ chúng sanh, phát nguyện liễu sanh tử, phát nguyện học Kinh-giáo, phát nguyện thành Phật-đạo, đây gọi là nguyện chánh. Nguyện lớn là chẳng vì tự độ, phải độ tất cả chúng sanh trên khắp quả đất, chẳng độ một loài mà phải độ tất cả chúng sanh trong Lục-đạo, chẳng độ chúng sanh trong một thế giới mà phải độ chúng sanh khắp mười phương thế giới, đây gọi là nguyện lớn. Nguyện nhỏ là phát nguyện độ chính mình, chẳng nguyện độ người khác, phát nguyện độ chúng sanh Địa-ngục, chẳng nguyện độ loài súc sanh, phát nguyện độ cha mẹ mình, chẳng nguyện độ cha mẹ người khác, đây gọi là nguyện nhỏ.

Chúng ta phát nguyện muốn độ chúng sanh, trước hết cần phải có đủ tài năng độ chúng sanh mới có thể làm như lời nguyện. Muốn có tài năng này mà chẳng trụ lâu ở Thiền-đường cho đến khai đại ngộ, liễu thoát sanh tử, thì chẳng thể hoàn thành công tác lớn này được. Thế nên, phát nguyện lớn độ chúng sanh, trước tiên phải độ mình. Chỗ để độ mình, nhất định là phải trụ Tòng-lâm, ở tại Đạo-tràng ban ngày dụng công tham-thiền, ban đêm dùng đại nguyện huân tu thì chúng sanh của Tự-tánh sẽ liễu hết, chúng sanh của Đại-địa có ngày độ xong. Xin mời chư Thiền-đức ở các nơi tấp nập kéo về cùng vào lò to (Tòng-lâm) rèn luyện thân tâm, một mai phát minh Đại-sự, dạo chơi trong biển đại nguyện. Ngày cuối cùng của chúng sanh sắp hết giờ thành Phật đã đến.

Lành thay ! Phật-sự viên mãn, đến đây thường Giác chẳng mê.

=> Phần 9

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn