02:47 ICT Thứ hai, 02/12/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Hoàng Bá

Hoàng Bá Thiền-sư pháp danh Hy Vận, người tỉnh Phúc Kiến. Thủa nhỏ xuất gia tại núi Hoàng Bá thuộc Hồng Châu, trên trán có một bướu thịt giống hạt Châu, giọng nói nhu nhuần trong sáng, ý chí đạm bạc. Ngài là đệ tử nối Pháp của Tổ Bá Trượng và là thầy truyền Pháp của Tổ Lâm Tế. Ngài từng được...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Trung Phong Pháp Ngữ

Trung Phong Pháp Ngữ - phần ba

Chủ nhật - 07/04/2013 15:56 Xem: 2172
16. KHAI THỊ THIỀN NHÂN DIỆU NHIÊN

Tham-thiền chỉ cần tin cho nổi và đến trên câu-thoại-đầu tham đi, chẳng cần đem ý thức hướng lên trên "Nhất" cùng "Vạn" suy nghĩ. Ông nếu suy nghĩ nói : "Nhất" là vật gì, "Vạn" là vật gì, dẫu cho ông chỉ điểm được rõ ràng minh bạch cũng chính là si cuồng chạy ở bên ngoài chẳng bao giờ cùng với Đạo tương ưng.

Ông nếu tin nổi thì chẳng cần hỏi Nhất là Nhất ở chỗ nào ? Vạn là Vạn ở chỗ nào ? Ông chỉ lo Nhất thì chỉ là Nhất, Vạn chỉ là Vạn. Chỉ cần nhằm dưới "Nhất quy về chỗ nào ?", đứng vững gót chân một niệm vạn niên tham đi ! Tham đến lúc Tâm-không thi đậu, đại triệt đại ngộ, thì ngay nơi Nhất mà Vạn, ngay nơi Vạn mà Nhất, Nhất chẳng phải Vạn, vạn chẳng phải Nhất rõ ràng ở trong lòng. Ông nếu chưa ngộ dù cho ông đem Nhất cùng Vạn nói được nhiều lời hay đẹp cũng đều chẳng ra ngoài vọng tưởng điên đảo. Thượng-nhân Nhiên hãy tin lấy !    

17. KHAI THỊ THIỀN NHÂN HUYỀN

"Triệu Châu vì sao nói chữ Không ?" Chỉ cần trong 24 tiếng đồng hồ miên mật đề khởi đại nghi-tình tham đi, chẳng cần nghi câu nầy cùng với các câu-thoại-đầu "Cây bách trước sân" và "Núi Tu-di" là đồng hay là khác. Nếu ông đem ý-thức hướng lên trên thoại-đầu so sánh thì sẽ dẫn vào trong lưới nghiệp-thức không bao giờ ông ngộ được.

Tham-thiền cần phải cắt đứt mạng-căn sanh tử, không có phương-tiện nào khác. Ông chỉ cần cắt đứt các thứ tri kiến giải hội, chỉ nắm chắc câu-thoại-đầu sở tham chẳng kể năm tháng, tận tình tham đi, chẳng sợ không ngộ. Ông nếu một niệm nắm không chắc thì thấy chỗ hạ thủ của ông chẳng tương ưng, phần nhiều sanh giải hội, đâu có lý nào cái tâm giải hội có thể cắt đứt được mạng-căn sanh tử ?!

Ở quê hương ông, từ trước đến nay không có người nói đến cách hạ thủ công phu, phần đông chỉ hướng lên con đường nghĩa lý tri giải mà đi. Dẫu có hiểu được rõ trong bụng Phật Thích-ca cũng chỉ là nghiệp-thức mênh mang. Ngài Qui Sơn nói : "Thiền-tông nầy khó được chỗ nhiệm mầu của nó, rất cần phải kỹ lưỡng dụng tâm"; thật chẳng phải dễ. Chỉ cần dốc lòng chân thật bền lâu tham đi, quyết chẳng dối gạt nhau đâu !

Ngài Triệu Châu nói  : "Vì y còn nghiệp-thức". Một lời nầy là con mắt kim cương của Triệu Châu, chẳng nói với người học là có nghiệp-thức. Ông nếu hướng lên trên nghiệp-thức hội thì con mắt kim cương của Triệu Châu đồng thời cũng bị mù mất.

Hôm nay ông chẳng cần hỏi có nghiệp-thức hay không nghiệp-thức, chỉ đề khởi câu-thoại-đầu nói trên chẳng quày đầu, chẳng khởi niệm, tham lâu ngày tự nhiên ngộ, chẳng cần sanh một chút tri kiến nào khác; cũng chẳng cần hỏi nghi lớn nghi nhỏ, khởi cùng chẳng khởi. Vừa có tri kiến nầy là quày đầu, khởi niệm rồi vậy.    

18. KHAI THỊ THƯỢNG NHÂN MỤC (trong lúc bệnh)

Kinh Di Giáo nói : "Ví như người chăn Trâu cầm roi trông nom chẳng cho nó phạm vào lúa mạ của người".

Ngài Qui Sơn nói : "Một khi vào đám cỏ, nắm mũi kéo ra". Tổ Bá Trượng khen : "Ông đúng là người chăn Trâu giỏi".

Phải biết tứ Đại là thân bệnh, lục Căn là Tâm-bệnh. Một câu-thoại-đầu muốn ông tham-cứu là Thiền-bệnh. Một niệm rỗng sáng ngay đó siêu việt là Phật-bệnh. Nói một cách vi tế thì hễ dính vào kiến văn giải hội đều là nguồn gốc của bệnh, huống là ăn uống thất thường, cơ thể sanh bệnh, cái nầy là bệnh ở trong bệnh. Nay muốn trị bệnh nầy cũng không khó, chỉ cần đem câu-thoại-đầu "Triệu Châu vì sao nói chữ Không ?" đặt ở trên chiếu, bên gối. Đây là thuốc thần đáng giá ngàn vàng. Muốn cho thuốc nầy linh nghiệm, không có cách nào khác hơn là khiến cho trong lòng lạnh băng băng, rỗng lặng lặng, trăm điều chẳng nghĩ, trăm điều chẳng lo, Phật đến, Tổ đến đều để các Ngài qua một bên, chẳng cần biết đến, trong lòng không nghĩ trước tính sau, trong ngoài như cây khô, tro lạnh, con Quỷ-vô-thường giết người hiện ra trước đều tọa đoạn một lượt. Hạ thủ như vậy ấy là chăn Trâu, ấy là lương y, ấy là Thiền trong Niết-bàn-đường, ấy là việc gốc của người xuất gia hành cước. Còn có một câu chưa chỉ bày, đợi ông thuốc bệnh đều quên sẽ nói cho ông nghe.

Thượng-nhân Mục trong khi bệnh cầu cảnh-sách, tôi viết như thế để cảnh-sách ông.    

19. KHAI THỊ THIỀN NHÂN DẬT

Nghi-tình không lớn nhỏ, hễ nghi nặng thì gọi đó là đại-nghi, nghi nhẹ thì gọi đó là tiểu-nghi.

Sao gọi là nặng ? Chỉ nghe nói đến việc lớn sanh tử liền tự mang ở trong lòng, muốn buông xuống buông chẳng được, tương tợ như người rất đói cầu miếng ăn, tự nhiên buông chẳng được, dẫu muốn chẳng khởi cũng chẳng tự do mà chẳng khởi, đây là nặng, cho nên gọi là đại-nghi. Có cái đại-nghi nầy thì tự nhiên bỏ ngủ quên ăn, thân tâm nhất như, cũng không biết là đại-nghi, tự nhiên nghi mãi chẳng thôi. Như người xưa đứng trước sân khán chữ Không mưa to đến toàn thân đều ướt chẳng biết thân mình ướt, nhân vị Tăng bên cạnh gọi, tỉnh lại mới biết trên thân bị mưa ướt. Đây là công phu thuần thục quên cảnh quên duyên, đây là đại-nghi. Đương lúc đại-nghi trong lòng ông vừa có một niệm biết là đại-nghi thì đã lầm rồi, cũng chẳng thành đại-nghi. Cảnh giới của đại-nghi nầy chẳng thuộc về ông. Ông muốn được cần phải có cái Chánh-niệm vì sanh tử trong tâm ông chân thật thống thiết, không có một điểm sắp đặt so sánh, lâu ngày chầy tháng đều không gián đoạn tự nhiên hiện tiền. Không có chỗ để ông ra sức, ông hạ thủ công phu đều không có phương-tiện, cũng không có chỗ thương lượng. Chỉ cần một cái Chánh-niệm vì sanh tử chân thật thống thiết lâu ngày tự nhiên siêu việt. Ông vì chẳng rõ cách hạ thủ cho nên mới sanh ra nhiều tri giải.

Hôm nay chẳng cần sanh tất cả giải hội, cũng chẳng cần nói tôi Căn-tánh hạ liệt, cũng chẳng cần nói tôi đối với Bát-nhã duyên cạn, cũng chẳng cần hỏi người khác để cầu phương-tiện khéo léo uyển chuyển khai-thị, hễ có một chút dị kiến đều là Tà ma, Ngoại-đạo. Trong suốt 24 tiếng đồng hồ chỉ nắm chặt câu-thoại-đầu "Triệu Châu vì sao nói chữ Không ?". Hôm nay tham chẳng được, hôm nay nắm chặt, ngày mai tham chẳng được, ngày mai nắm chặt, cho đến năm nay năm tới, đời nầy đời sau cũng chẳng cần hỏi bao lâu. Hễ tham chẳng thấu, chỉ thế ấy nắm chặt đi, trừ cái Chánh-niệm dốc cả thân tâm hạ thủ công phu lâu dài nầy ra thì dẫu Thích-ca, Đạt-ma có trút hết Thiền-đạo vào trong bụng ông cũng cứu ông chẳng được.

Hãy nhớ lấy ! Hãy nhớ lấy !

20. KHAI THỊ THIỀN NHÂN ANH

I. Thiền-tông có một hạng người thông minh linh lợi ngay dưới ngữ ngôn của Cổ-nhân giải hội được tương tự bèn nhận lấy. Lúc ấy Cổ-nhân chẳng có thời giờ nghiệm lại người ấy ngộ hay chẳng ngộ, nhất thời bỏ qua. Người ấy liền đem cái chỗ nhận của mình dạy người rằng chẳng cần tham thoại-đầu chỉ quý sẵn sàng lãnh hội, kéo nhau vào trong lưới tri kiến, lúc nói thì in tuồng như đồng, chỗ làm thì trọn không dính dáng.

Có một hạng người căn cơ ngu độn, thấy nói tham-thiền cần phải khán thoại-đầu khởi đại nghi-tình mới đốn ngộ nhập, ngay đó cứ nắm chặt câu-thoại-đầu sở tham hai ba mươi năm, đầu đuôi xâu suốt liền nhau chẳng chịu buông bỏ. Lâu ngày tình vọng tiêu hết, sau khi khai-ngộ hễ có người học đến hỏi, ắt muốn họ hạ thủ công phu khán thoại-đầu khởi nghi-tình. Những bậc thầy loại nầy dạy người tuy khó thấm vào, song trước sau chẳng làm hư hỏng Căn-tánh người học.

Từ khi có Thiền-tông đến nay tuy nói : "Trực chỉ nhân tâm", nhưng vào cửa có muôn đường ngàn lối bất đồng. Bởi vì các bậc thầy tuy đều căn cứ vào một cái lý "Trực chỉ" mà theo Căn-tánh người và chỗ ngộ nhập của chính mình chẳng đồng, vì thế dẫn dụ chẳng đồng, nhưng chỗ chí lý cứu cánh là một, đều là liễu thoát việc lớn Sanh-tử, ngoài ra không làm việc gì khác. Chúng sanh tâm-thức sai khác nhau rất nhiều chẳng thể một phen ỉa (ngộ) liền thôi.

Lại có thuyết nói : "Sau khi ngộ cần phải gặp Thiện-tri-thức", hoặc có thuyết nói : "Được chỗ ngộ nhập rồi cần phải thật tiễn bảo-nhậm". Đó đều là chỗ ngộ chưa triệt để, còn kẹt ở dị chấp, chẳng thể gỡ niệm cởi trói cho người, cho nên mới có nói : "Gặp Thiện-tri-thức và thật tiễn bảo-nhậm"; nếu ngộ triệt để thì không có nói như thế. Cổ-nhân tuy chẳng khán Công-án khởi nghi-tình, chỉ vì lúc chưa ngộ, các Ngài dụng tâm cùng với người thời nay khác hẳn. Nếu dạy người thời nay chẳng hạ thủ công phu thì họ đều ngồi trong cái lưới điên đảo.

Cổ-nhân có nói : "Dựa vào người khác để hiểu là làm chướng ngại cửa ngộ của mình". Kinh Viên Giác nói : "Chúng sanh đời Mạt-pháp hy vọng thành Đạo, chẳng cho cầu ngộ, chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến".

II. Việc lớn sanh-tử là từ vô lượng kiếp về trước trôi nổi đến ngày hôm nay, chẳng phải một sớm một chiều mà thành. Hôm nay muốn lật ngược lại cái sanh-tử căn trần trôi nổi từ vô lượng kiếp nầy chẳng phải là chuyện dễ !

Phải lấy chí khí quyết định đem hết cuộc đời nầy làm kỳ hạn. Đời nầy nếu chưa xong thì đời sau, kiếp tới tiếp tục làm nữa ! Phải biết việc nầy không có chỗ cho ông ra sức, không có chỗ cho ông nôn nóng, không có chỗ cho ông dụng tình; càng ra sức càng mê muội, càng nôn nóng càng lăng xăng, càng dụng tình càng hôn trầm tán loạn. Chỉ cần tất cả chỗ đều mật mật thiết thiết nắm chắc một câu-thoại-đầu sở tham, tất cả chỗ chẳng được buông bỏ, chẳng được gián đoạn, chỉ như thế mật mật thiết thiết như mèo chăm rình bắt chuột mà tham-cứu đi !

Thứ nhất, chẳng nên lập kỳ hạn.

Thứ hai, chẳng nên tránh huyên náo cầu yên tịnh.

Thứ ba, chẳng nên chọn lựa cảnh duyên.

Thứ tư, chẳng nên đem tâm chờ ngộ.

Thứ năm, chẳng nên tính kể công trình.

Thứ sáu, chẳng nên tìm phương-tiện khác.

Thứ bảy, chẳng nên gặp chướng nạn mà lo buồn.

Thứ tám, chẳng nên gặp thuận mà vui mừng.

Thứ chín, chẳng nên sanh tâm khiếp sợ.

Thứ mười, chẳng nên lấy bỏ, nương tựa, chống trái.

Lìa mười việc nầy, chỉ thận trọng giữ lấy câu-thoại-đầu : "Khi tứ Đại tan rã hướng vào chỗ nào an thân lập mạng ?". Hết cuộc đời nầy cho đến đời vị lai, chỉ như thế cứ hướng tới trước. Nếu hiện tại tham chẳng được cũng chẳng nên đổi câu-thoại-đầu sở tham. Thiền nhân Anh hãy cố gắng !.

21. KHAI THỊ THƯỢNG NHÂN KHÔNG Ở HẢI ĐÔNG

Phật Tổ chẳng nỡ thấy ông có sanh tử tình thức như ngọn đèn,tựa giọt nước không có lúc tạm dừng. Cái chỗ chẳng dừng ấy chẳng kẹt thanh thì kẹt sắc, chẳng kẹt không thì kẹt có, chẳng kẹt công dụng thì kẹt vô vi, chẳng kẹt thánh thì kẹt phàm, niệm niệm chẳng dừng gặp chỗ nào cũng dính mắc. Chỗ dính mắc ấy là cái sanh tử dao chặt chẳng đứt, cưa xẻ chẳng ra. Phải biết sanh tử tình thức nầy ở trong cứu cánh không biến thành cứu cánh có, tự trói, tự buộc chưa từng có chút gián đoạn.

Ngày nay thật muốn giải quyết xong một đoạn sanh tử chẳng chút gián đoạn nầy thì phải lập tức phát khởi tâm chân chánh, quyết định chẳng gián đoạn, đề khởi câu-thoại-đầu của Cổ-nhân một cách miên mật, cùng nó cứu cánh đi ! Một đoạn công phu nầy thật không có chỗ cho ông suy lý, không có chỗ cho ông tìm hiểu, không có chỗ cho ông hòa hội, cũng không có chỗ cho ông trốn tránh, chỉ có lòng tin chân thật nầy đưa ông nhập vào mà thôi.

Các vị Tôn-túc thời gần đây phần đông chẳng lấy việc lớn Sanh-tử làm điều thiết yếu cho người học. Thường thường chỉ muốn cho người học chóng hiểu Thiền-đạo cho nên hay đem những lời thiển cận ra dẫn dụ người học, làm tăng thêm tri giải của họ. Dẫu cho biết được hoàn toàn, hiểu được minh bạch, nếu chẳng từng ở trên việc sanh-tử tình thức ngộ một phen thì đều là kẻ si cuồng chạy ở bên ngoài. Huống là người học lại tự không có chí khí quyết định, thường thường hạ thủ công phu một thời gian mà không chỗ ngộ nhập bỗng khởi niệm khác mà tự không hay biết, không đủ tư cách làm Tông-sư mà muốn đi ra dạy người, chỉ biết nói sôi nước miếng trong miệng, dù nói được nhiều lời hay đẹp, cũng chỉ là cùng với Đạo toàn trái, đều không có chỗ đúng.

Người tham-thiền cần phải hai ba mươi năm chẳng đổi, chẳng khác, chẳng động, chẳng lay, cho đến hô hoán bất hồi đầu, la lung bất khẳng trụ (nghe réo cũng không quày đầu lại, cũi lồng cũng không trụ) nghĩa là dù cho lời nói cao siêu hơn Phật cũng chẳng nghe, đắc quả Phật cũng chẳng trụ, chẳng chấp đây, chẳng chấp kia, chẳng chấp Thánh, chẳng chấp phàm. Tuy nói chẳng chấp tất cả mà cũng chẳng cho là chẳng chấp tất cả, chỉ duy nhất có một câu-thoại-đầu sở tham niệm trước cũng thế ấy, niệm sau cũng thế ấy, chỉ có một cái tâm muốn giải quyết xong sanh-tử vô thường, dằng dặc sừng sững đuổi chẳng đi, lay chẳng động, đề khởi câu-thoại-đầu : "Khi tứ Đại tan rã, hướng vào chỗ nào an thân lập mạng. Chỉ ở ngay câu-thoại-đầu nầy hỏi để khởi nghi-tình, quyết định muốn biết chỗ an thân lập mạng". Chính đương lúc hạ thủ như thế, nếu bỗng có người đem trăm ngàn Thiền-đạo Phật-pháp rót vào trong tâm của ông, ông cũng phải lập tức mửa ra, thà có thể hết một Báo-thân nầy chẳng ngộ chứ cương quyết chẳng chịu trong lúc chưa ngộ nhiễm tập một mảy may tri kiến giải hội Thiền-đạo Phật-pháp, cũng chẳng ở lúc chưa ngộ khởi một mảy may tâm niệm muốn hiểu Thiền-đạo Phật-pháp. Bởi vì thiền-đạo Phật-pháp không có chỗ cho ông hiểu; kiến văn giác tri không có chỗ cho ông tránh; tình-thức hư vọng không có chỗ cho ông dứt; sanh-tử vô thường không có chỗ cho ông giải quyết xong. Ông nếu toan khởi một mảy may tâm niệm muốn hiểu, muốn tránh, muốn dứt, muốn xong thì càng chẳng tương ưng. Vì thế, việc nầy Cổ-nhân dụ như đống lửa lớn, trừ phi bậc Đại-trượng-phu chân thật gan dạ chẳng màng đến tánh mạng, phóng thân thẳng vào chẳng còn do dự, cũng không có một chút dị kiến, mà chỉ muốn giải quyết xong sanh-tử vô thường. Lâu ngày thuần thục bất giác bất tri nhồi thành một khối mở toang Chánh-nhãn thấy suốt cội nguồn, mới biết Thiền-đạo, Phật-pháp chẳng đợi hiểu mà hiểu, kiến văn giác tri chẳng đợi quên mà quên, tình-thức hư vọng chẳng đợi dứt mà dứt, sanh-tử vô thường chẳng đợi xong mà xong. Đây gọi là việc tham học xong, là thời tiết buông tay đến nhà. Đến đây còn muốn ông phải lật đổ lưới kiến chấp, đập vỡ hang pháp, quét qua bên kia, ném bỏ thân ra ngoài vũ trụ mới đủ tư cách là người gieo hạt giống Thiền-tông.

Ông nếu ngộ rồi lại còn ngồi ở chỗ ngộ, tất cả chỗ dính tay buộc chân thì ông không có phần đại giải thoát. Cổ-nhân một đời xong việc. Há chịu theo duyên cảnh che giấu tâm trộm cắp (thâu tâm), lén động biển Thức mà luống qua năm tháng ư ? Nói thì nhiều lời, hãy nhớ lời Cổ-nhân dạy :

Cố gắng đời nầy giải quyết xong,

Đừng cho muôn kiếp chịu tai ương.

Là đủ rồi !    

22. KHAI THỊ THIỀN NHÂN VIÊN

Giới tức là Giới ở trên Đạo. Đạo tức là Đạo ở trong Giới. Tên gọi tuy hai mà lý chẳng hai.

Tại vì sao trì Giới ? Vì Sanh-tử.

Tại vì sao học Đạo ? Cũng vì Sanh-tử.

Nếu là tâm vì sanh-tử thống thiết thì chẳng mong Giới mà Giới tự trì, chẳng hướng Đạo mà Đạo tự tấn. Ông nếu thật tâm chẳng vì việc lớn Sanh-tử thì trì Giới cũng chẳng phải, học Đạo cũng chẳng phải.  

23. KHAI THỊ THIỀN NHÂN VẬN

Tham-thiền chỉ cần thống thiết vì việc lớn Sanh-tử, đơn đề câu-thoại-đầu sở tham, ở trong động tịnh, rảnh rang, vội gấp đều tham, quyết chẳng nên chấp ngồi làm công phu. Ông nếu chấp ngồi, chấp tịnh, lại lầm nhận cảnh giới khinh an tịch tịnh trong thân, lâu ngày ắt sanh ra trăm ngàn thứ thiền-bệnh, Phật cũng chẳng thể cứu. Ông chẳng thấy Cổ-nhân vốn chẳng từng hướng trên bồ-đoàn, chỉ lấy các duyên động dụng cùng nó đối địch. Chỉ là cái Chánh-niệm muốn tham-cứu cho rõ việc sanh-tử nầy dằng dặc chẳng bỏ, đau đáu chẳng thôi. Lúc ấy bất tri bất giác hướng vào chỗ không biết phải làm sao ấy độc thoát (ngộ), bèn là lúc Tâm-không thi đậu. Trừ cái nầy ra, không có phương-tiện nào khác.

Thiền nhân Vận hãy như thế tham đi !

24. KHAI THỊ ĐẦU ĐÀ ĐẠO GIẢ CHÍ THÀNH

Muốn là người học Đạo chân chánh có bản sắc, cần phải chịu được sự lao nhọc, cam được sự đạm bạc, nhẫn được sự đói lạnh; giữ được sự nghèo khổ, đảm đương được nhiệm vụ nặng, quên được danh lợi, bỏ được ân ái, trì được Giới-luật, làm được công phu, liễu được Sanh-tử, tham được Thiền-đạo, ngộ được Phật-pháp. Những sự nghiệp nầy một vai gánh vác được rồi, lại còn cần ông chẳng thấy cái dở của người, chẳng ỷ cái hay của mình, chẳng khoe kiến văn của mình, chẳng bị thanh sắc làm mê hoặc, trong 24 tiếng đồng hồ đóng hai miếng da miệng lại, dựng đứng chí nguyện muôn năm một niệm, thường giữ Chánh-niệm, thủ hộ thân tâm chẳng rơi vào cảnh duyên, chẳng sanh yêu ghét. Nếu như hạnh đó chẳng dời, giữ đó chẳng đổi thì một cành hoa giơ lên trong hội Linh Sơn, sẽ chẳng nhường lão Ẩm Quang (Ngài Ca Diếp) mỉm cười ở trước trăm vạn Đại-chúng, mới chẳng cô phụ ông lìa cha mẹ, bỏ thế duyên, cạo râu tóc, mặc áo rách, hành khổ hạnh làm người học Đạo. Nếu như chẳng được như vậy thì miệng ăn cơm của người, thân mặc áo của người, đầu đội mái nhà của người, chân đạp trên đất của người, ngây ngây chẳng tỉnh, ngốc ngốc chẳng biết, một Báo-thân nầy bỗng kết thúc phải thay hình đổi dạng trả nợ cho thí chủ, lưu chuyển, luân hồi, có ích gì đối với lý đạo đâu.

Đạo-giả Chí Thành viết thư cầu Pháp-ngữ để cảnh-sách suốt đời.

Tôi nói Kệ khai-thị :

Tham-thiền học Đạo muốn mong thành

Kiếm bén băng trơn bước một mình

Đi đến cùng đường quay đầu lại

Nghe ba tiếng bảng xả tham-thiền.    

25. KHAI THỊ THỦ TỌA DƯỠNG TRỰC MÔNG

Sơ-tổ Thiếu Lâm nói : "Trực chỉ Nhân-tâm, Kiến-tánh thành Phật". Chữtrực của trực chỉ là lìa nói năng, có nói năng ắt chẳng phải trực. Bặt suy nghĩ, vừa suy nghĩ thì chẳng phải trực. Không tạo tác, toan tạo tác thì chẳng phải trực. Diệt tu chứng, có chút dính dấp đến tu chứng thì chẳng phải trực. Từ đó truyền xuống sáu đời đến Tổ Tào Khê, Ngài bảo : "Nói đến trực chỉ đã là quanh co rồi". Ngay dưới lời nói nầy còn dung được cái đạo lý nào ?

Cổ-nhân bất đắc dĩ dạy ông buông bỏ, thôi nghỉ. Lại dạy ông một niệm chẳng sanh, cho đến những lời như thiện ác đều chớ nghĩ v.v..., suy nghĩ như thế đều chẳng trực rồi.

Thủ-tọa Mông, hiệu Dưỡng Trực có chí muốn dưỡng cái trực của trực chỉ chỉ cần đem câu-thoại-đầu "Triệu Châu vì sao nói chữ không ?" đặt ở trong lòng, chớ hỏi một niệm sanh hay chẳng sanh, đạo lý trực hay chẳng trực, đứng vững gót chân, liều một đời thật sự dốc cả thân tâm lập chí, quyết định chỉ tham-cứu như thế. Nếu nghi chẳng khởi tham chẳng được, nắm chẳng chắc, dựa chẳng ổn, đều chẳng nên mống khởi một niệm thứ hai nào khác, phải ở chỗ hạ thủ chẳng được mà hạ thủ, chỗ làm chẳng được mà làm. Chỉ có cái Chánh-niệm chân thật thống thiết vì việc lớn Sanh-tử chẳng đổi chẳng khác, nói gì hai mươi năm, ba mươi năm, vách đứng muôn trượng suốt đời tham đi ! Tham đến tình vọng tiêu, tri giải hết, bất tri bất giác hoát nhiên khai-ngộ như người ngủ say tỉnh mộng thấy toàn thân đổ mồ hôi mới thấy Duy-ma-cật nói : "Trực-tâm là Đạo-tràng vì lìa các quanh co". Trên từ chư Phật, dưới đến chúng sanh, lớn như hư-không, nhỏ như hạt bụi không có một chút lý nào chẳng trực, đó là cái hiệu Dưỡng Trực. Cần phải một phen như thế ấy thì trực chẳng đợi dưỡng mà tự Trực. Như chẳng liễu ngộ, dẫu cho ông có ngàn thứ tri kiến cũng chỉ thêm quanh co mà thôi.

Hãy cố gắng lên !    

26. KHAI THỊ TÒNG THIỀN NHÂN Ở NAM TỪ

Tòng thẳng, gai cong, Hạc trắng, Quạ đen, nghĩ ngợi thì chẳng được ngộ, cách xa quê nhà trăm ngàn dặm.

Tăng hỏi Triệu Châu  : Vạn pháp quy về một, một quy về chỗ nào ?

Triệu Châu đáp  : Ta ở Thanh Châu có may một chiếc áo vải nặng bảy cân.

Toàn thể không còn chỗ che giấu

Đương-cơ từng chẳng kẹt ngữ ngôn.

Chỗ nầy, ông thông minh chẳng được, học giải chẳng được, suy lý chẳng được, tính lường chẳng được. Cần phải ba tấc mạng-căn của mình thình lình bị cắt đứt, bặt tri giải, quên năng sở, tự nhiên mỗi bước siêu việt, mỗi nhịp đều đúng. Nếu chưa đến chỗ chánh đáng chân thật thuần thục nầy thì chưa khỏi trong 24 tiếng đồng hồ ở trong ruộng tám Thức thường có hai người làm chủ. Một người nghĩ đến sanh-tử vô thường, muốn giải quyết cho xong Đạo-nghiệp. Còn một người bỏ cảnh giới thuận nghịch yêu ghét thế gian chẳng nổi. Muốn làm đến chỗ xong xuôi, mà hai người nầy còn ở trong Tự-tâm thì chỉ thấy công phu hôm nay làm chẳng được, ngày mai cũng làm chẳng được, năm nay cũng phí sức, sang năm cũng phí sức. Vì phí sức mà làm chẳng được nên dần dần thối lui. Trong Thiên-hạ, người hạ thủ công phu chẳng được mà thối lui phần nhiều đều như vậy. Vì thế Tiên-sư (Ngài Cao Phong) thường dạy người học Đạo, chẳng khởi niệm thứ hai, lâu ngày tự nhiên tương ưng.

Gọi cái gì là niệm thứ hai ?

Đó là ông mở to đôi mắt giữa thanh thiên bạch nhật mà ở trên thoại-đầu dựa chẳng vững, nắm chẳng chắc, nên ở trên niệm tham thoại-đầu, đối với các cảnh thế gian, thân-tâm, tình-thức v.v... chợt sanh một niệm nhỏ như hạt cải, chính đó là niệm thứ hai. Chỉ một cái niệm thứ hai nhỏ như hạt cải nầy bèn lập tức cùng với ngàn muôn ức sanh-tử giao tiếp, há tham-thiền là việc dễ dàng ư ?

Ngày nay học Đạo chính là vì mình có một thứ sanh-tử vô thường, hận chẳng thể một hơi thoát ra, lại đâu chịu chần chờ năm tháng, hao phí thời giờ, lấy tánh chạy theo tình, ngồi đợi chìm đắm ! Ngài Đức Sơn nói : "Mảy may hệ niệm là nghiệp nhân của Tam-đồ (Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh), chớp mắt tình sanh là gông xiềng muôn kiếp". Lời nầy nói đến chỗ tận cùng vậy.

Ông Tòng ở Nam Từ viết thư cầu Pháp-ngữ, tôi đáp như thế và nói bài Kệ  :

Một về chỗ nào thoại-đầu thông

Phật Tổ thảy đều đứng hạ phong

Tông-môn ai nói sẽ suy sụp

Ra tay chống đỡ có ông Tòng.    

27. KHAI THI THIỀN NHÂN VÔ ẨN HỐI

I. Pháp-pháp chẳng ẩn tàng (che giấu), xưa nay thường hiển lộ.

Ông tính dùng mắt để thấy thì đã ẩn tàng rồi. Việc nầy cần phải ngộ mới được.

Ông nếu chưa từng chân chánh liễu ngộ, nói ẩn tàng cũng chẳng được, nói chẳng ẩn tàng cũng chẳng được. Ông nếu quả nhiên thật có ngộ thì nói ẩn mà chẳng ẩn thì cũng được, nói chẳng ẩn mà ẩn cũng được. Nói ẩn mà chẳng bị sự che giấu câu thúc. Nói chẳng ẩn mà chẳng bị sự hiển bày làm ngại. Đây gọi là cấp cho, đoạt lại tự tại, cả hai đều xong xuôi tốt đẹp. Nếu chưa từng đích thân đến chỗ nầy, điều thiết yếu là chẳng nên gấp gáp ẩn núp trong ý-thức tình vọng. Chỉ cần đề khởi câu-thoại-đầu sở tham không nghĩa lý, không mùi vị ngay ở trước mắt, chẳng nên khởi cái niệm thứ hai nào khác. Thường khiến cho trong lòng lạnh như băng tuyết, ngốc như cây mục, rỗng như hư-không, bền như vàng đá, suốt cả một đời chẳng đổi thay, chẳng buông lung, chẳng cầu bên ngoài, chẳng gián đoạn, cho đến chẳng cách một niệm hướng tới trước làm đi. Lâu ngày nắm được chắc, hướng vào chỗ bất tri bất giác hoát nhiên rỗng sáng, ấy là Tâm-không thi đậu. Như thế mới chẳng cô phụ cái chí nguyện xuất gia hành cước.

Người học Đạo ngày nay phần nhiều chẳng chịu hạ thủ tử công phu như thế, chỉ muốn cướp giật đồ hư giả, nói càn về Thiền-đạo, hủy hoại Chánh-nhân, làm chủng tộc Ngoại-đạo, chẳng phải là chỗ Pháp-môn kỳ vọng.

Thiền-nhân Hối, hiệu Vô Ẩn hãy nói xem lúc ẩn là ẩn cái gì ? Lúc chẳng ẩn là chẳng ẩn cái gì ? Nếu mạng-căn chưa cắt đứt, rất kỵ thông tin tức bướng.

II. Tận mười phương thế giới dù muốn ẩn cũng chẳng được, muốn hiển cũng chẳng được, muốn nhận cũng chẳng được, cho đến muốn bỏ chẳng màng đến cũng chẳng được, tất cả dụng tâm đều chẳng được. Cần phải liễu ngộ, toàn thân thấu nhập, chẳng kẹt phương-tiện, chẳng nương tác dụng, chẳng còn tu chứng, chẳng trụ công dụng, cho đến chẳng nương tựa một vật, như nước nhập vào nước, như hư-không hợp với hư-không. Sau đó ngay cả cái dấu vết để nhập, để hợp cũng không có chỗ đặt để. Đây gọi là Pháp-môn nhất tướng tam-muội vô công dụng.

Ngày nay, thường thường người ta nghe nói đến vô công dụng, bèn muốn đem tâm lãnh hội. Nếu đem tâm lãnh hội cái vô công dụng thì thành ra trụ vào công dụng rồi. Ngay đó dùng một chút tâm cũng chẳng được. Duy có một câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị, chỉ muốn ông tin cho nổi, dựa cho ổn, nắm cho chắc tất cả chỗ chẳng khởi niệm thứ hai, chỉ như thế tham đi ! Nếu tham chẳng thấu cũng chẳng nên khởi cái niệm thứ hai nào khác để cầu phương-tiện, tìm sự trợ giúp, vì đều chẳng dính dáng ! Chỉ cần tin cho nổi, cứ như thế tham đi ! Lâu ngày tự nhiên bất tri bất giác ngộ nhập. Đã ngộ rồi gọi tối làm sáng cũng được, nói ẩn làm hiển cũng được, tất cả việc làm đều chẳng lầm lỗi.

Thiền-nhân Hối viết thư cầu cảnh-sách, tôi viết Pháp-ngữ nầy khai-thị. Chỉ cần dốc lòng tin, quyết chẳng gạt nhau.

28. KHAI THỊ THIỀN NHÂN BÁCH TÂY ĐÌNH

Tăng hỏi Triệu Châu : Thế nào là ý Tổ-sư từ Ấn-độ sang ?

Triệu Châu Đáp : Cây bách trước sân.

Thường thường người chẳng biết ý của Ngài Triệu Châu, chú giải rằng : "Ngay nơi sắc rõ Tâm, dựa vào Vật để hiển Lý". Tự nhiên tay cầm miệng nói đều có thể đáp, ngay lúc ấy nói : "Dưới suối dòng nước dài cũng được, trên bờ hoa đào đỏ cũng được". Ý Tổ-sư từ Ấn-độ sang nếu như thế chú giải được đi thì người có chút thông minh đều có thể đem văn tự ngữ ngôn lãnh hội qua. Ý Tổ-sư chỉ thành ngôn ngữ lưu thông, muốn giải quyết cho xong việc lớn Sanh-tử vô thường có khác nào ôm củi chữa lửa.

Ý Tổ-sư cần phải ngộ mới được. Nếu chưa từng chân chánh hướng dưới gót chân mà ngộ thì dẫu cho ông đem cái tư chất thông minh hiểu hết một ngàn bảy trăm tắc Công-án (nói được vẹn toàn như đựng nước trong bình không rỉ chảy) người có Chánh-nhãn xem : Quả cũng đâu khác gì kẻ si cuồng chạy ở bên ngoài.

Từ xưa, Phật & Tổ mắt chẳng nỡ thấy chúng sanh bị mê vọng tự che lấp nên bất đắc dĩ thốt ra một lời nửa câu như kiếm bén (suy mao kiếm), như vòng lửa bằng sắt nóng, chém thẳng vào mặt, muốn cắt đứt mạng mạch của người, độc thoát căn-trần, sạch trọi trơn, làm người Đạo-nhân tự tại chứ đâu chịu dạy người hướng lên trên ngữ ngôn nhai nuốt, trở lại càng thêm mê vọng, tự trói buộc mình ở trong Sanh-tử, chẳng những cô phụ Cổ-nhân mà cũng cô phụ chính mình, há là việc nhỏ ư ?

Người chân chánh tham học đem cả cuộc đời hướng đến công phu, nếu chẳng khai-ngộ thì cứ tiếp tục ở đời sau, kiếp khác quyết định phải ngộ, đâu chịu bị cỏ buộc, giấy gói, miệng nói tai nghe mà thôi ư ?

"Trước khi cha mẹ chưa sanh, cái gì là bản lai diện mục của ta ?". Người có chí muốn giải quyết xong việc lớn, phải lấy một đời nầy, chân đạp đến chỗ chân thật, vách cao muôn trượng tham đi ! Chỉ cần tâm không duyên theo cái nào khác, ý bặt hư vọng, lâu ngày chẳng lui sụt thì lo gì chẳng ngộ ý Tổ-sư từ Ấn-độ sang.

Thượng-nhân Bách Tây Đình hãy cố gắng ! Cẩn thận chớ tự phụ thông minh mà bị rơi vào ý-thức, Phật cũng chẳng cứu được !

Lão huyễn tôi viết như thế.    

 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn