07:19 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Nguyệt Khê

  Sư húy Tâm Viên, hiệu Nguyệt Khê, họ Ngô, tổ tiên là người Tiền Đường tỉnh Triết Giang (TQ), lập nghiệp ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, truyền được ba đời đến Sư, cha là Tử Trang, mẹ là Lục Thánh Đức, sanh được năm con, Sư là út. Sư yếu đuối nhưng thích học, sớm đã thông minh đĩnh ngộ, theo học...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần I

Chủ nhật - 31/03/2013 09:09 Xem: 3375
từ bài 1 -> 12: 1. Phát tâm học Đạo, 2. Nguyện trụ Tòng-lâm, 3. Lập hạnh quyết định, 4. Đánh hét khó chịu, 5. Quy-củ khó học, 6. Thân tâm bất an, 7. Thiệt thòi khó chịu, 8. Tập-khí khó trừ, 9. Nhẫn khổ, 10. Lục-căn khó nhiếp, 11. Thỉnh cầu khai-thị, 12. Chán trụ Tòng-lâm.
1. PHÁT TÂM HỌC ĐẠO.

Chư Tăng cả thế giới có thể thọ Giới, có thể hành hương nơi các Thánh-tích, xong riêng đối với việc tu hành học Đạo thì không có thể. Tại sao kỳ quái như thế ? Vì từ khi sanh ra đến nay, chịu tập quán của gia đình trói buộc chẳng nghĩ xa lìa, lại thêm sự bức bách của các việc thuận nghịch, sự lấn hiếp của các cảnh khổ vui, thiện căn phát khởi là nhờ nhân lành của những kiếp trước đã chín mùi nên có tâm xuất tục, làm người xuất gia. Vừa vào Đạo gặp thầy truyền cho ứng phó Kinh-sám, lại thêm Phật-sự rộn ràng, ngày đêm đọc tụng bỏ ngủ quên ăn vì muốn tinh thông việc này, nghĩ muốn hơn người, mừng có nghề nghiệp nuôi sống trọn đời. Buồn thay ! Khổ thay, ai dè đã vào lầm cửa, lỡ theo bọn ấy, suốt ngày lăng xăng phí thời giờ một cách vô ích. Lại chẳng biết còn có con đường rộng lớn khang trang, Tòng-lâm thênh thang, mà cam chịu nhiễm theo thói quen của mấy ông Thầy-đám ở những Chùa-tư. Khi gặp nghịch cảnh khó khăn, quyết chí tìm Thầy học Đạo, một khi gặp Thầy, xin dạy Niệm-phật, Trì-chú, Giáo-môn hoặc Tham-thiền, tùy theo Môn-phái của Thầy. Đến nay người xuất gia khổ hạnh ở các Am-thất, Chùa-tư phần đông đều gặp cảnh này.

2. NGUYỆN TRỤ TÒNG LÂM

Trụ Tòng-lâm là điều thứ nhất trong 12 điều của hạnh Đầu-đà. Tòng-lâm, tiếng Phạn (Ấn-độ) gọi là A-lan-nhã, dịch là chỗ yên tịch, còn gọi là Tăng-già-lam là chỗ Thánh-hiền mười phương tu tập.

Người thọ Giới, đầu tiên do Bổn-sư khai-thị dẫn dắt nhiều cách, kế nghe bậc tiền bối ca ngợi sự trụ Thiền-đường, rồi phát tâm sửa soạn y áo, mua sắm giày dép, suy nghĩ hỏi thăm toan tính trăm thứ đều không ổn. Muốn học Kinh-giáo song không đủ trình độ, toan đi hành hương các Thánh-tích lại thiếu tiền đi đường. Vừa nghe cái tốt của chùa Thiên Ninh, lại nghĩ cái lạ của núi Thiên Mục, thường nghe chùa Kim Sơn việc ngồi thiền đau chân khó chịu, đã biết từ lâu, giờ tọa thiền ở chùa Cao Mân nén hương dài thật khó ngồi. Tòng-lâm rất tốt muốn trụ song Quy-củ quá khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, do dự suốt ngày. Chợt gặp vị Tăng lân cận chỉ cho con đường chân chánh và chỉ cho hướng đi, mới dám bạo gan cất bước. Vừa đến Sơn-môn tim đập chân run, bước vào Khách-đường đỏ mặt ngơ ngác. Vị Chức-sự gặp thấy, quát lên một tiếng : "Sơ tham", lại quát lên một tiếng nữa : "Thằng khốn nạn, bộ chưa nghe nói Quy-củ nghiêm khắc, Điện-đường nghiêm tịnh, qua lại không nghe tiếng động, ngồi nằm phải tuân lời dạy hay sao ?". Người có chí vì Đạo dần dần định tâm, kế bỏ kiến-chấp, thứ lớp của Quy-củ dần dần rõ biết, lòng gan dạ mà tâm khoan dung, việc làm thuần thục mà chí kiên cố. Nếu người không có tâm vì Đạo thì như chim bị nhốt vào lồng, thân khó ở yên, chỗ thấy đều chẳng vừa ý, chỗ nghe đều là giựt mình sợ hãi, tránh chỗ này đụng chỗ kia, Trời đất đen tối, muốn tìm cách chạy trốn lại càng thấy rất khó. Lúc ngồi xếp bằng, lòng rỗng rang như cái nồi không, thân thẳng đứng như cái bàn. Lúc bào-hương đi như nhảy múa. Lúc sống bình thường như phòng giặc. Theo Chúng qua ngày chịu khổ chịu cực, đi đến chỗ vắng khóc lén không cho người biết. Mỗi khi nghe tiếng quát của vị Chức-sự, đứng thẳng ngơ ngác, bỗng được bạn đạo khuyên nhắc, mặt mày vui vẻ. Những người đời trước có gieo nhân của Đạo nay gặp duyên này, quả sắp chín mùi, năm ba mươi năm sống như một ngày, hạt giống Bát-nhã, gốc rễ thành Phật càng thêm sâu dầy. Còn người đời trước không có gieo nhân của Đạo, nay gặp được trợ duyên ở Tòng-lâm này cũng giúp cho họ có cái nhân tốt để được quả chín mùi, huân tu rèn luyện ắt sẽ được thành tựu Pháp-khí lớn. Nay tu thắng nhân, vị lai chắc chắn được Thắng-quả, con đường sanh tử phải tu, con đường Niết-bàn mới rõ.

Như vậy chẳng trụ Tòng-lâm thì chẳng thể vun trồng Phật-nhân, chẳng trụ Tòng-lâm thì chẳng thể thành tựu Phật-quả. Bằng không, nhân địa chẳng chân, gặp quả cong queo. Phải biết Tòng-lâm là Chủ-thể của Tam-bảo, cũng là nền tảng Hành-đạo. Tòng-lâm suy, Chánh-pháp không làm sao trụ ở đời lâu dài được. Tòng-lâm hưng thạnh thì Tam-bảo là phước điền của thế gian. Người xưa nói :

"Người phát tâm trụ Tòng-lâm, năm ba mươi năm chẳng phạm Quy-củ, người này đủ phước báu lớn, có Chánh-nhân lớn". Lại nói : "Nếu ở núi sâu một mình hành Đạo chẳng bằng ở Tòng-lâm ngủ khò". Thật đúng thay lời này.

Đại khái, người đã trụ qua Tòng-lâm, xuất ngoại hành cước nơi xóm làng Thành-thị, oai nghi tế hạnh cử chỉ nói nín của người ấy khác hơn người thường khiến mọi người sanh lòng kính mến tin cậy, đáng làm mô phạm cho tất cả Thiện-nam Tín-nữ vun bồi phước đức, gieo trồng thiện căn vô lượng. Mong những bậc Trưởng-giả tin Phật tận sức hộ trì chẳng chút kỳ thị, công đức rất lớn.

Người nào sống được trụ Tòng-lâm, chết được nhập Tháp-viện, chẳng những cha mẹ quá khứ siêu thăng Tịnh-độ, cha mẹ hiện tại tăng phước sống lâu và chính mình cũng tiến sâu vào Đạo, sở nguyện đầy đủ.

3. LẬP HẠNH QUYẾT ĐỊNH.

Đã vì Đạo đến đây, đầu tiên ắt phải lập hạnh. Hạnh lập, Đạo ấy tuy hành mà tâm vẫn loạn. Sao vậy ? Vì từ vô-thủy đến nay tập-khí sâu dầy, cuộc sống hiện đời khiến thêm thuần thục, suốt ngày bị cuốn theo dòng thế tục lại cảm thấy thuận tâm thích ý, nay đã xuất gia, thói quen thuần thục trước kia đã bị kích thích, lại thêm lập hạnh, hạnh này với thói quen cũ trái nghịch. Trái nghịch như thế nào ? Như xưa thích ăn mặn, nay buộc phải ăn chay, rau cải thiếu dầu lại cơm ăn chẳng no. Mọi việc trái ý bức ngặt nơi tâm, mới biết hạnh lập, tâm tự rối loạn là lẽ tất nhiên, tất cả việc khác theo đó có thể suy ra mà biết.

l. Người lập hạnh, biết trước kia những điều lớn nhỏ mình làm đều không có ý nghĩa, nay có ý lập hạnh cần phải soi xét lại các việc, cái không có lý thì kiểm điểm mà sửa lại, cái có lý rồi thì canh tân cho hợp với hạnh mới lập. Việc làm so với trước có phương hướng, động niệm so với trước có chủ trương, cho đến động tịnh, rỗi rảnh bận rộn đều thuận theo hạnh đã lập. Nếu thọ dụng được cái hạnh đã lập thì tâm tự chẳng rối loạn, thân tự chẳng làm càn, việc tự chẳng lầm lẫn. Như thế, hạnh hay kiềm chế được việc làm.

2. Thêm một bước nữa là hạnh quyết định. Hạnh đã quyết định thì sống chết cũng chẳng dời đổi. Trời đất có thể lay động, chứ hạnh của ta chẳng lay động, hư không có thể không, chứ hạnh ta chẳng thể không, đây gọi là hạnh quyết định. Bất cứ việc làm nào cùng với hạnh đã lập đều không ngại nhau. Tâm càng loạn hạnh càng chắc, thân càng nguy hạnh càng thiết, việc càng hỏng hạnh càng cao. Hạnh chuyển được tâm ác thành niệm thiện. Hạnh chuyển được thân bệnh thành khỏe mạnh. Hạnh chuyển được hung hiểm thành an ninh. Đây gọi là hạnh quyết định kiềm chế được thân.

3. Hạnh quyết định, tuy nói hạnh kiềm chế được việc khiến cho chẳng rối loạn, hạnh kiếm chế được thân khiến cho an ổn, hạnh kiềm chế được tâm ở một chỗ, đâu bằng không có việc để loạn, không có thân để an, không có tâm để kiềm chế.

Từ chỗ quyết định này buông tay đi thẳng, chợt đến chỗ sơn cùng thủy tận, người và pháp cả hai đều quên, xoay mình lại (ngộ) mới biết ba điều của hạnh quyết định này làm cho thân, tâm, thế giới đều quét sạch (đạt đến chỗ tự do tự tại). Phải biết cái hay của hạnh quyết định là ở Tòng-lâm năm ba mươi năm khổ tâm vì Đạo, tôi dám bảo đảm kiến Tánh.  

4. ĐÁNH HÉT KHÓ CHỊU.

Người tu hành có chí thì trước tiên hỏi kỹ hướng đi, kế đó nghiên cứu chỗ ở, rồi lại xét kỹ gia phong, sau đó mới theo Đạo.

Nên nghĩ cái học của thế gian chẳng ra ngoài lời dạy bao quát của đức Khổng-tử và Bá-gia. Cái học của xuất thế gian phải lìa tình-thức, quét Thánh phàm, nên trước tiên phải rõ phương pháp lìa tình tuyệt thức. Phải biết tình bởi ái mà có, thức do vọng mà sanh. Hai chữ tình-thức là chỗ phân biệt của Thánh phàm.

Thật ra vì tình chẳng thể không nên lục phàm luân chuyển, thức chẳng thể liễu nên tứ Thánh rõ ràng. Nay đem hai chữ tình-thức này nói ra cho thế gian biết để cho bậc anh tài, cao minh giải thích nghĩa lý, thiết lấp một phương pháp dứt trừ để làm thử. Nếu có thể trừ được, liễu được thì tôi vui vẻ theo học pháp ấy.

Khắp thế gian đã không ai có cách nào để quét sạch được tình-thức, thì ắt phải y theo đạo đánh hét của người xưa mà làm mới chẳng phụ cái chí tu hành. Như vậy quyết tâm trụ tại Tòng-lâm, lấy ngộ làm kỳ hạn.

Muốn cầu cái học khử trừ tình-thức, ắt phải chịu cái đạo đánh hét (ăn gậy). Phải biết tình liên quan đến giận hờn, yêu mến, thức trói buộc ngộ mê. Người khắp thế gian dễ yêu dễ giận đều vì tình che lấp, chấp mê chấp ngộ cũng do thức buộc ràng. Như vậy, đánh đau một trận, tình bay ra ngoài hư không, giận hờn, yêu mến đâu còn; hét to một tiếng, bóng thức toàn tiêu, ngộ mê đâu có ?

Thường thường người mới học Đạo chẳng rõ pháp trợ Đạo nên nói :

"Có Đạo để học, có tâm để dụng, việc lớn một đời ắt xong, đâu cần hương-bản đánh như trẻ con, hét to như dọa con nít. Quy-củ khó là cái chướng của dụng tâm, khai-thị nhiều làm mất công ngồi nghe". Những người có kiến-giải này chỉ nên ở núi hay ở Chùa-tư hoặc Am-thất. Người hiểu lầm như thế, chư Phật nghe qua rơi lệ, Tổ-sư nghe đến đau lòng, Long-thiên biết rồi dậm chân, Quỷ-thần biết xong đấm ngực. Người học Đạo cần phải nghĩ kỹ, đức Thế-tôn tu đạo ở Tuyết-sơn, mỗi ngày ăn một hạt thóc hạt mè, trải qua sáu năm tinh tấn, cực khổ còn hơn cái đau của đánh hét, cái khó của Quy-củ, cái nhiều của khai-thị, đâu chỉ ngàn muôn lần ? Nhị-tổ cầu Pháp đứng suốt đêm dưới tuyết, tuyết lên đến lưng còn bị quở là tâm khinh mạn, chẳng đáng được nghe Đạo. Ngài bèn chặt tay dâng lên mới được nghe Sơ-tổ thuyết Pháp, há chẳng hơn sự khổ cực của Thiền-đường ngàn lần ư ?

Ở thế gian, gặp người tiếp vật thuận theo tình cảm, xưng hô lễ phép, ấy là Tình. Lời nói vấn đáp, kiến giải hiểu biết, ấy là Thức. Chính tình-thức làm cho Thiền-đường suy tệ. Dẫu cho có khả năng đập vỡ hư không cũng chẳng bằng một gậy của Thiền-đường, một gậy có thể phá tình này. Dẫu cho có sức đạp chìm quả đất cũng chẳng bằng một tiếng hét của Thiền-đường, một tiếng hét có thể lìa thức này. Cho nên nói : "Cây gậy bảy thước khai Chánh-nhãn, dưới một tiếng hét ngưng cuồng tâm". Lại nói : "Trên đầu hương-bản sanh Tổ-sư, trong tiếng hét lớn sanh ra Bồ-tát". Người có sự nhận thức đúng về Phật-pháp cầu Thiện-tri-thức đánh, thỉnh Thiện-tri-thức hét. Một gậy một hét có thể trừ sạch tình-thức trong nhiều kiếp. Muốn trụ Thiền-đường nếu sợ đánh hét thì khó trụ lâu. Nếu có Thiền-đường nào tạm bỏ đánh hét thì Thiền-đường ấy chẳng thể tồn tại. Thiền-đường là ghe thuyền của thế gian và xuất thế gian. Đánh hét là lợi khí để liễu thoát sanh tử. Muốn thành Phật-đạo phải ở Thiền-đường. Muốn thoát sanh tử phải chịu đánh hét. Đánh hét của Thiền-đường là mẹ, kiến Tánh thành Phật là con. Cho nên chư Phật chỉ quy về Thiền-đường, chư Tổ đều sanh ra từ Tông này. Há chẳng tin sao ?  

5. QUY CỦ KHÓ HỌC.

Quy-củ là Pháp-cương lớn nhất của thế gian và xuất thế gian. Quy là sợi dây mực. Củ là cây thước thợ (ê ke). Ngay thẳng chẳng dùng dây mực thì không có tiêu chuẩn. Vuông tròn chẳng dùng thước thợ thì không có khuôn phép. Cho nên, người xưa nói : "Chẳng y theo Quy-củ chẳng thành vuông tròn". Lại như xẻ cây muốn được ngay thẳng trước tiên phải dùng dây mực rồi mới cưa, cây được ngay thẳng hữu dụng là nhờ công của dây mực. Lại như làm thùng muốn cho nó tròn, trước hết dùng thước thợ làm vuông bốn góc, rồi tám góc, cái thùng tự tròn, cái thùng tròn hữu dụng là nhờ sức của cây thước thợ. Phải biết hư không cao biết bao, dây mực treo nó thẳng, quả đất rộng biết bao, thước thợ đo nó tròn. Một hư không, một quả đất chưa ra khỏi Quy-củ một bước. Lại như thẳng thì dọc suốt tam Thế (quá khứ, hiện tại, vị lai), tròn thì khắp giáp mười phương, phạm vi của Quy-củ lớn không gì so sánh được.

Người muốn trụ Tòng-lâm chẳng y theo Quy-củ thì chẳng biết đến đây là vì việc gì ? Phải biết thân tâm của chúng ta là do nghiệp chướng tạo thành, tập khí huân thành, nên trôi lăn trong lục đạo, cái tên "Quy-củ" còn chẳng được nghe huống là biết có Quy-củ thật. Vì không biết Quy-củ nên tùy tâm phóng túng, mặc ý muốn làm, trước không có ngăn cấm, sau không có cản trở, tham dục hoành hành, theo nghiệp thọ báo, trồi lên hụp xuống không biết đến lúc nào mới thôi.

Hôm nay may mắn xuất gia, lại gặp Quy-củ. Quy-củ là nền tảng của Tòng-lâm, là chỗ nương tựa của Tăng-chúng, là bước đầu của học Đạo, là thềm bậc của Thánh-hiền, là thầy lành của xuất thế, là người dẫn đường của sự thành Phật, là bè quý báu của biển khổ, là đèn sáng của đêm tối, là của báu cho người nghèo, là thuốc hay cho người bệnh, là cứu tinh của loài người, là khuôn mẫu của người học. Dầu cho miệng Phật ngợi khen cũng không hết được.

Học Đạo ở Thiền-đường, Quy-củ lớn, phép tắc nhỏ đều phải y theo đó mà làm. Kẻ phạm là theo nghiệp chuyển. Kẻ không phạm là không bị nghiệp lôi. Như vậy Quy-củ dẫu nhiều, phép tắc vi tế dù rất khó học song phải gắng học. Sau khi học thuộc, một ngày học ngàn ngày dùng. Nơi này chốn khác đều tôn là Thượng-tọa.

Nên biết Quy-củ cùng nghiệp chướng như băng tuyết với than lửa chẳng đồng một lò, phép tắc cùng tập-khí như nước với lửa chẳng chung một bình. Nghiệp chướng hiện thì Quy-củ mất. Tập-khí khởi thì phép tắt ẩn. Nghiệp chướng và tập-khí khởi lên thì phải luân hồi trong Lục-đạo. Thử hỏi người học Đạo giữ Quy-củ là phải hay theo nghiệp chướng là phải ? Cho nên Hòa-thượng, Ban-thủ, Duy-na, Chức-sự đều tận tâm lực giữ Quy-củ nghiêm minh để cho người học mỗi ngày thêm tốt, chẳng kẹt vào lưới trần tục. Lòng từ bi thiết tha rộng lớn, cả thế gian không gì hơn vậy. May thay !    

6. THÂN TÂM BẤT AN.

Thân tâm bất an chính là thứ lớp vào Đạo. Sao vậy ? Thân nếu rảnh rang, hiện nghiệp dễ tạo, tâm nếu an nhàn, tật xấu liền sanh. Nên biết, tâm nương thân mà trụ, dù tâm bất an cũng đâu thể lìa thân một khắc, thân nương đất mà trụ, dù thân bất an cũng đâu thể lìa đất một bước. Nếu hiểu như thế thì đâu còn bất an. Giả sử thân tâm an ở chỗ tham nhiễm, chỗ này tức là nhân khổ, chỗ này tuy an nhưng thuộc về cái an trong chốc lát, vì ác nhân đã gieo ắt ác quả phải đến, thân tâm sau này sẽ bị an ở chỗ Địa-ngục, ấy tức là ác quả vậy.

Ở Thiền-đường tuy khó an mà sẽ làm cho đạt đến cái an vĩnh cửu. Trụ ở Thiền-đường lâu ngày, thân tâm bất an tự an. Phải biết thân tâm chịu sự ràng buộc của thế gian, ràng buộc lâu ngày cũng có thể tự an. Nay đem thâm tâm ở lâu ngày nơi Thiền-đường, ở lâu cũng an, giống như đang ở nhà an ổn, bỗng phạm pháp luật bị bắt bỏ tù thì trong khoảnh khắc cũng khó an, nhưng sống trong tù lâu ngày quen rồi lại cảm thấy an, chẳng những không thấy khó chịu mà thậm chí còn muốn chẳng ra khỏi tù, chẳng những thân an mà tâm cũng an. Cái tệ của thân tâm, không luận là ở chỗ nào, ban đầu thật bất an, dần dần hơi an, kế đến có thể an, lâu ngày an luôn, đây là cái bệnh chung của lục đạo.

Than ôi ! Thân tâm của người tham-thiền trụ tất cả chỗ đều chẳng thể an là lý đương nhiên. Vì tất cả chỗ đều là chỗ trần lao nên chẳng thể an ổn lâu dài được. Nay ở Thiền-đường là Hạnh-chánh của người con Phật, là chỗ ở chánh của người hành đạo, nếu chẳng thể an thì nhất định là không thể được. Sao vậy ? Vì người tham-thiền mang cái thân hành đạo mà ở chỗ chẳng hành đạo thì đạo làm sao hành được, cho đến người có Tâm-đạo mười phần ở nơi Đạo-tràng hành đạo, Đạo còn khó hành huống là ở chỗ chẳng phải Đạo-tràng mà có thể hành Đạo được ư ? Giống như ở ngã tư đường nơi thành thị mà muốn lìa sự huyên náo, dứt sự nhiễu loạn của thế tục có thể được ư ?

Điều thiết yếu nhất là đem thân tâm trụ ở Thiền-đường lâu dài, thà bất an mà chết chứ chẳng chịu rời Thiền-đường tạm an mà sống. Người học Đạo nên xem xét kỹ.    

7.THIỆT THÒI KHÓ CHỊU.

Lời này là của người không biết mới nói, chứ người có chút trình độ chắc không nói như thế. Sao vậy ? Vì từ dưới chúng sanh lên đến chư Phật, hai chữ "thiệt thòi" này không ai tránh khỏi. Tại sao thế ? Đức Thế-tôn một hôm khất thực xong, trải tòa thuyết Pháp, đang ngồi trang nghiêm trước trăm muôn Đại-chúng, bỗng có một cô gái ôm bụng bước vào đứng trước mặt Đức Phật nói : "Ông nay thuyết Pháp thân tôi chẳng an, chẳng bao lâu sẽ sanh, sao ông chẳng màng đến ?". Lúc ấy Đại-chúng ngơ ngác hoang mang. Thương thay ! Đức Phật của chúng ta đang chịu thiệt thòi nặng nề. Khi ấy các vị vua trời Phạm-thiên sai một Thiên-nhân hóa làm một con chim ưng bay đến bên cạnh cô gái, mổ đứt sợi dây, trái bầu rơi xuống đất, Đại-chúng tiêu hết nghi ngờ. Sự thiệt thòi lớn lao có gì hơn điều này.

Lại nữa, một hôm Đức Phật dẫn Chúng vào thành theo thông lệ khất thực. Lúc ấy vua A-xà-thế cùng Điều-đạt muốn hại Phật và các Đại-chúng, ra lệnh cả thành cấm cúng dường thức ăn, như vậy Phật và Đại-chúng khất thực liên tiếp bảy ngày cũng không được một hột cơm. Về sau hai người hối cải, để cho dân chúng cúng dường trở lại. Đây là cái thiệt thòi bị bỏ đói, thế gian đâu thể chịu nổi. Lại nữa, một hôm các vị đại A-la-hán bận an cư ở nơi xa, chỉ có vài trăm người cùng Phật kiết hạ nơi chân núi. Điều-đạt sai nhiều lực sĩ lén lăn đá to từ trên núi xuống, làm Phật bị thương chân. Thương thay ! Đức Phật là Đại-sư của ba cõi, là cha lành của bốn loài, phải chịu sự thiệt thòi lớn như bị làm nhục, bị bỏ đói, bị hãm hại. Phật còn như thế, ta là người thế nào ?

Lại như ngài Từ Minh đến thỉnh Pháp nơi Phần Dương, mùa đông lạnh lẽo muốn được thân cận, Phần Dương tạt nước đuổi đi. Từ Minh đứng ở góc điện suốt một đêm. Sáng sớm hôm sau, Phần Dương trông thấy lại tạt nước nữa, như vậy hai ba lần. Thương thay cho Từ Minh vẫn vui vẻ nhận lấy, về sau khai ngộ, hiệu là Sư Tử Tây Hà.

Lại nữa, như ông già Kính Sơn (tức ngài Đại Huệ Tông Cảo) vì bốn câu kệ mà bị Vua đày đi biên thùy. Về sau hoằng hóa rộng lớn, xa gần đều khâm mộ sùng kính. Đây là sự thiệt thòi lớn không có gì sánh bằng.

Từ xưa chư Phật chư Tổ còn như vậy, nay ta đã ở Tòng-lâm, an trụ Thiền-đường, mặc cho thiệt thòi đủ thứ, nghịch đến thì dùng thuận thọ nhận, đánh đập cũng thọ nhận, giận ghét cũng thọ nhận. Phải biết, chịu được một phần thiệt thòi, tiêu được một phần nghiệp chướng, mở được một phần Trí-huệ. Dù cho người chặt đầu ta, cắt cơm ta, cũng chẳng màng đến, chỉ cần có Thiền-đường để trụ, có Quy-củ để giữ, có Đạo để hành là đủ rồi. Ngoài ra, trong thân ngoài thân đều thuộc về việc không quan trọng. Dẫu cho sự thiệt thòi to như núi cao, nếu có thể chịu nổi thì mới đáng gọi là bậc Đại-trượng-phu vậy.

8. TẬP KHÍ KHÓ TRỪ.

Chỉ có một mình Phật là trừ sạch được tập-khí, ngoài ra Bồ-tát Thanh-văn đều chưa trừ sạch, huống là phàm phu chúng ta ư ? Chủ-thể của tập-khí là ba thứ thân, tâm và thế giới. Tham nhiễm, xả bỏ là tập-khí, mặc áo ăn cơm, đi ỉa đi đái là tập-khí, nói nín động tịnh, ra vào tới lui là tập-khí, khởi tâm động niệm, chấp mê chấp ngộ là tập-khí, liễu sanh thoát tử, thành Phật làm Tổ là tập-khí, tham-thiền học Đạo, minh Tâm kiến Tánh đều là tập-khí. Tập-khí sâu như thế rất khó trừ, nếu chẳng phải bậc đạt Đạo e khó trừ được nó.

Hoặc có người hỏi : "Chúng tôi hàng ngày làm theo Quy-củ, thực hiện công phu tham-thiền, chắc chẳng phải tập-khí ?". Đáp : "Đây chẳng những không phải tập-khí, lại là pháp trừ tập-khí. Nhưng có người ở trong pháp trừ tập-khí sanh thêm tập-khí. Như buổi sáng trả nợ một trăm, buổi chiều vay nợ một ngàn, trừ nó thì ít mà thêm nó lại nhiều". Than ôi ! Đau đớn thay !

Tập-khí lớn lao, lấy gì để trừ khử ? Xét kỹ ắt phải nhờ đến Thanh-quy của Thiền-đường, phép tắc vi tế hằng ngày, sự giúp đỡ của đánh hét, sự dẫn dắt của Thiện-tri-thức, năm ba mươi năm chẳng xong, nếu kiếp này chưa sạch thì kiếp sau tiếp tục. Dẫu cho tập-khí lớn bao nhiêu, chỉ cần lập chí bền chắc thì rốt cuộc ắt phải trừ xong. Nếu như người không có lỗ mũi (đã ngộ) thì đối với cái lớn của Trời đất, cái cao của hư không, cái tôn quý của Phật - Tổ, cái rộng nhiều của chúng sanh, người này đều chẳng màng đến, ngoài ra tất cả các thứ khác cũng không nhiễm một chút. Nếu ông học được như người này thì bảo ông thành Phật cũng chẳng khó. Người này tuy hay, song cần phải lìa mê ngộ mới được. Nếu quả ông thấy được thì mới biết hư không có người này, Đại-địa có người này, hữu tình vô tình đều có người này, động chân gặp ngay người này, hả miệng cắn nhằm người này. Cái hay của người này không thể lấy gì để thí dụ.    

9. NHẪN KHỒ.

Người tham-thiền dụng công tham-cứu ngày đêm quên mệt, quên ăn cơm, uống trà, chẳng biết có đói khát, khó chịu, có bệnh cũng không màng đến. Dẫu cho chết ngay cũng không bỏ công phu, nếu chết cũng mang công phu theo mà chết. Có người phỉ báng ta là người xấu, người phá Giới, người đại ác, lại càng khiến ta công phu thêm miên mật. Hoặc có người khen ngợi ta, thương mến ta, cung kính, cúng dường ta, ta cũng phòng ngừa không để cho công phu bị đánh mất. Thường thường gặp cảnh nghịch công phu có thể không bị đánh mất, lúc gặp cảnh thuận dễ bị đánh mất.

Không bị đánh mất thì không phải vào hầm lửa phiền não, như thế gọi là nhẫn được cái khổ ngoài thân.   

10. LỤC CĂN KHÓ NHIẾP.

Lục căn là chỉ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Phạm vi của lục căn bất quá ở trên thân này sao lại nói khó nhiếp ? Ông muốn nhiếp, ta thì muốn buông. Vì cớ sao ? Vì nhiếp để giữ kín nó lại đó là hại lớn. Chẳng bằng thấy có tướng thì buông xả cái thấy, nghe có tiếng thì buông xả cái nghe, bốn căn kia cũng như thế. Người hành Đạo trước tiên quên thấy quên nghe, kế đến tịnh thân tâm, chẳng những lục căn lục trần được buông xả mà lục thức theo đó cũng dừng. Thường thấy người trụ Tòng-lâm đầu thân tay chân cứng như cây khô, đi như người gỗ, ngồi như ông địa, đây tuy chẳng hay, song so với người phóng đãng thì tốt gấp muôn lần. Như thế, chẳng qua chỉ là mắt nhắm không liếc ngó, nhưng bên trong còn động, hễ con ngươi chợt nhìn liền bị tướng nhiếp; tai dù không nghe, hễ cái đầu bỗng động liền bị tiếng thâu. Cách hành như thế thì đâu có nhiếp được các Căn.

Cách nhiếp chân chánh ví dụ như một cái phòng xung quanh có sáu cửa sổ, trong đốt một ngọn đèn thì ánh sáng từ sáu cửa chiếu ra ngoài. Muốn trừ bỏ một cửa thì dùng vải bố che lại ắt một cửa tự tối. Dùng vải che dụ cho giữ con mắt không cho nhìn bên ngoài. Muốn trừ bỏ cửa thứ hai, cũng dùng vải che, vải che tức là giữ cái tai không cho nghe bên ngoài. Bốn cửa kia cũng vậy.
Cách hành như thế tạm nhiếp thì được, song chưa phải là hạnh đốn (đốn ngộ). Cách hành của thiền tông không cần đóng sáu cửa sổ, trước tiên bỏ ngọn đèn ở giữa phòng, kế đến dẹp luôn cả cái phòng, chẳng những lục căn lục trần tự không, lục thức cũng tự xa lìa. Thực ra không cần dẹp bỏ, đèn và phòng đều tự tiêu tan. Thử hỏi: “Hồ ly tinh (ý thức phân biệt) nay đâu còn chỗ dấu thân nữa?”
Vậy cái đạo của thiền tông trước tiên dùng nghi tình để hàng phục tâm, tâm quên thì trong ngoài đều quên, chẳng đóng mà tự đóng, chẳng nhiếp mà tự nhiếp, thật chẳng đúng ư? Nhưng đương đầu (chổ triệt ngộ) còn thiếu một gậy.
    

11. THỈNH CẦU KHAI THỊ.

Nói về thỉnh cầu khai-thị thì lúc Phật còn tại thế cũng có. Việc này trọng đại, thế gian chẳng thể so sánh được. Như một hôm, Ngoại-đạo mang hoa đến cúng Phật, thỉnh Phật khai-thị. Phật bảo :

"Buông hoa xuống". Ngoại-đạo buông hoa xuống. Phật bảo : "Buông tay xuống". Ngoại-đạo buông tay xuống. Phật bảo : "Buông thân xuống". Ngoại-đạo do dự, Phật quở : "Buông chẳng được thì gánh lên đi !". Ngoại-đạo ngay đó đại ngộ. Lợi ích của sự thỉnh cầu khai-thị đâu thể kể xiết.

Phật lúc ở nhân địa làm một vị Tiên-nhân, ở trong núi sâu ngày đêm hành Đạo rất là chân thiết. Thiên-nhân muốn thử, hóa làm một con quỷ La-sát đến bên cửa động nói : "Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt". Tiên-nhân nghe qua liền bước xuống thiền-sàn, ra ngoài xem, thấy một con quỷ hình thù xấu xí, tóc đỏ rối nùi, mặt xanh như chàm, răng đen chỉa ra như đinh sắt, thân hình to lớn, cái bụng lép xẹp, trông qua đáng sợ.

Tiên-nhân hỏi : Hai câu Kệ vừa rồi do ông nói phải chăng ?

Quỷ La-sát đáp : Chính là tôi nói.

Tiên-nhân thưa rằng : Xin nói câu kế tiếp cho tôi nghe, tôi rất cảm tạ.

Quỷ La-sát liền nói : Tôi đang đói bụng, không có sức để nói tiếp. Ông có thể xả thân cho tôi ăn, tôi sẽ nói tiếp.

Tiên-nhân tự nghĩ : "Nếu bỏ thân này cho Quỷ ăn thì còn ai được nghe Pháp ?"

Liền bảo quỷ La-sát : Viết Pháp lên tảng đá, tôi xem rồi liền xả thân.

Quỷ viết tám chữ như vầy : "Sanh diệt đã diệt, tịch diệt làm vui".

Tiên-nhân liền từ trên vực nhảy xuống, quỷ La-sát đỡ lấy thân Tiên-nhân rồi hiện nguyên hình là Trời Đế-thích khen rằng :

"Lành thay ! Ngài sẽ thành đạo Vô-thượng Bồ-đề. Ngưỡng mong Tiên-nhân chớ quên độ tôi".

Hãy suy nghĩ xem ! Người xưa xả thân cầu Pháp vì tám chữ mà bỏ mạng cho Quỷ ăn, coi nhẹ thân, kính trọng Pháp như thế, e rằng người thời nay khó làm nổi.

Người hành Đạo trụ Thiền-đường dụng tâm chân thiết, muốn công phu thâm nhập nhất định cần phải rộng hỏi bậc Thiện-tri-thức, nên chân thành cung kính năm vóc gieo sát đất, trình bày cái kiến-giải trước kia và hiện tại của mình, thành thật thỉnh cầu khai-thị.

Nhờ Thiện-tri-thức ấy nhổ đinh tháo chốt, khiến cho đương-cơ cảm thấy trời xoay đất chuyển, được quay đầu chuyển não, có người ngay đó đại ngộ. Như đường đi ngàn dậm còn thiếu một bước mới được đến nhà, nhiều người ở chỗ thiếu một bước này, lầm nhận là nhà rồi trụ nơi đó, chẳng muốn tiến lên. Nếu là người Trí, ngay đây phải đi thưa hỏi các bậc Thiện-trí-thức, tự suy xét lại có đúng hay không, rồi ngay đó thừa-đương thì công phu mới được thâm nhập. Người tin được sự thỉnh cầu khai-thị thì động chân là đến nhà, việc dễ dàng như thế, người học Đạo nên lấy đó làm mô phạm.    

12. CHÁN TRỤ TÒNG LÂM.

Người trụ Tòng-lâm lâu năm thấy những điều chẳng đúng như Pháp, tâm sanh chán nản là lẽ tất nhiên.

Những sự lợi ích lớn lao ở Tòng-lâm, người ta chẳng dễ gì thấy, cho nên tôi đặc biệt chỉ ra. Sinh hoạt hàng ngày ở Thiền-đường, đi hương tọa hương ngày nào cũng vậy, tháng nào cũng vậy, năm nào cũng vậy. Phép tắc phải làm chẳng thêm chẳng bớt, một ngày làm như thế muôn ngày cũng làm như thế. Đây là dùng cái thân lay động để huân cái thói quen bất động, lâu ngày thân tự tịnh thì tâm cũng tự thanh. Đến chỗ tu sâu này phần nhiều chẳng phải dễ thấy.

Mọi người chỉ thích thay đổi, hôm nay thượng Điện, ngày mai tụng niệm, ngày mốt ra ngoài chơi thong thả, một ngày thay đổi hai ba việc càng hợp ý hơn. Nay cứ suốt ngày lạnh băng băng làm cho người ta cảm thấy phiền muộn, không ý vị, không hứng thú, nên chán trụ Tòng-lâm ấy là bệnh lớn bậc nhất.

Nếu người lập chí hành Đạo thì đối với các pháp lớn nhỏ của Tòng-lâm cần phải hiểu thấu, như vậy chỗ thấy đều có lợi, chỗ nghe đều có ích, chỗ học đều là Đạo, chỗ hành đều là Pháp. Từ đó lấy Thiền-đường làm thân, lấy Quy-củ làm hạnh, lấy Thiền-duyệt làm thức ăn, lấy tham-thiền làm Chánh-niệm, cứ vùi đầu công phu hai ba mươi năm, như thế chẳng những Diêm-la-vương không làm gì được, mà dẫu cho Phật Thích-ca cũng không làm gì được. Tự được sự lợi ích to lớn rồi chuyển dạy người khác cũng được sự lợi ích ấy. Được sự lợi ích sâu xa rồi mới rõ biết được nhân quả của sự trụ Tòng-lâm, cầm một cọng cỏ, đốt một nén hương đều là vun bồi Đức-tánh, nghe một tiếng, thấy một sắc đều là thiền-cơ.

Tòng-lâm là chỗ của thập phương tụ hội, là đất an cư của Thánh-hiền, Đại-chúng ở chung nương tựa lẫn nhau, một ngôn một hạnh đều có căn cứ, một đồng tiền một hột gạo đều không lãng phí. Người xưa nói : "Tòng-lâm sanh ra lịch đại Tổ-sư, Tòng-lâm sanh ra cổ kim Thánh-hiền". Cho nên phải tự kính Tòng-lâm như cõi Phật, quý tiếc vật Thường-trụ như vàng ngọc. Tự hận đến trễ, chẳng được trụ sớm hơn. Thà nguyện đời đời kiếp kiếp lấy Tòng-lâm làm nhà ở, lấy Quy-củ làm sở hành, ngoài ra Chùa-tư Am-thất, thâm sơn cùng cốc, Quan-phòng Tịnh-thất, quyết chẳng tạm trụ. Xin người trụ Tòng-lâm đọc thuộc đoạn này rồi ghi nhớ để có thể đề phòng sự lầm lạc ở mai sau.

Lại nữa, Phật là vị Giáo-chủ của thế giới Ta-bà, là người mà Phật-tử chúng ta phải dựng điện để thờ. Pháp là ngọn đèn sáng cho thế gian ô trược, cần phải cất lầu các để tàng trữ. Tăng là phước điền của thế gian, cần phải nên cúng dường. Tuy chí thành kính tin Tam-bảo song cũng chẳng bằng cái công to ủng hộ Tòng-lâm. Tam-bảo chẳng nhờ Tòng-lâm thì chẳng còn trụ ở thế gian. Tòng-lâm chẳng nhờ Tam-bảo thì chẳng tồn tại. Nếu muốn Chánh-pháp trụ lâu ở đời thì cần phải làm cho Tòng-lâm trụ lâu ở thế gian. Tòng-lâm chẳng còn thì Chánh-pháp làm sao trụ. Cho nên trước có Tòng-lâm rồi sau mới có Tam-bảo.

Mong sao người chán trụ Tòng-lâm đổi lại thành thích trụ Tòng-lâm. Người chán ắt rời Tòng-lâm. Người thích ắt trụ Tòng-lâm. Tiến trình tương lai của người ấy lớn lao chẳng thể ví dụ được.

=> Phần 2  

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn