06:47 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Lời Bạt

Một lần gặp mặt một lần già, Một lần gió thổi một lần lạnh!          Khi lược qua trang này có bạn đặt câu hỏi với người biên tập rằng : Xin cho biết thầy hoằng pháp Giáo môn hay là Tổ Sư Thiền vậy ? Con nghĩ thầy hãy đề rõ ràng tin tức để tránh hiểu lầm!.  ...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần X

Chủ nhật - 31/03/2013 17:33 Xem: 1706
từ bài 109 -> 120: 109. Công phu chẳng bị tâm chuyển, 110. Công phu chẳng bị hôn trầm chuyển, 111. Làm chủ sanh tử, 112. Ðầu sào trăm thước, 113. Trên bờ vực thẳm buông tay, 114. Tuyệt hậu tái tô, 115. Qua Sơ-quan, 116. Phá Trùng-quan, 117. Thấu Lao-quan, 118. Buông Không xuống, 119. Khai Tòng-lâm, 120. Chánh-pháp trụ lâu.
109. CÔNG PHU CHẲNG BỊ TÂM CHUYỂN.

Người tham-thiền dụng tâm, trên tâm là thiền, trên thiền có tham. Có cả ba : Tâm, thiền, tham, mới là Chánh-tham. Người chẳng Chánh-tham, chẳng biết Tâm là vật gì, chẳng biết Thiền là vật gì, cũng chẳng biết Tham là vật gì. Nếu biết được tâm là gốc vô minh, vọng là gốc của biến đổi, nếu tâm vô sở trụ thì vọng chẳng có chỗ dựa, do đó phàm có tâm chỉ là một lời nói, phàm có vọng chỉ là thể hư vô. Nếu ở nơi tâm chẳng biết vọng, nơi vọng chẳng biết tâm, tâm và vọng đều chẳng biết gọi là nghi-tình, dùng nghi-tình này mà tham-thiền ắt sẽ thành Phật. Sao vậy ? Chư Phật ngộ Tâm này thành Phật, chúng sanh mê Tâm này thành chúng sanh, người tham-thiền ở giữa cửa mê ngộ của tâm này giống như tay trái nắm quyền chúng sanh, tay phải nằm quyền chư Phật. Người tham-thiền, tâm là thiền, thiền là tâm, có thiền tức tâm, có tâm tức tham. Ba chữ thiền, tâm, tham vốn là một, vì phương tiện mới phân thành ba. Tâm dụ cho tội của người huyễn. Thiền dụ cho vật của người huyễn. Tham dụ cho tay của người huyễn. Dùng tay người huyễn cầm vật huyễn để phá hoại thân huyễn, thật là lấy huyễn trừ huyễn. Phải biết, tội của người huyễn lớn hơn hư-không, tội của người huyễn lớn hơn Đại-địa, tội của người huyễn lớn hơn nghiệp chúng sanh, tội của người huyễn lớn hơn phước chư Phật. Người tội huyễn này ban đầu chẳng tin mình có tội, tự hỏi : "Tôi có tội gì ?". Sau này sống lâu trong thế gian, chịu sự bức bách của hoàn cảnh, rồi được người chỉ dạy mới biết thấy một chữ THẤY là gốc tội lớn, nghe một chữ NGHE là gốc tội lớn, giác một chữ GIÁC (cảm giác đau ngứa) là gốc tội lớn, biết một chữ BIẾT là gốc tội lớn. Tội trạng của Tâm, sơ lược có bốn điều là THẤY NGHE GIÁC BIẾT, rộng thì vô cùng vô tận. Muốn tránh những tội lớn kể trên thì phải an trụ nơi tâm. Sinh sống nơi tâm thì không gì sánh bằng, vì :

Chẳng vinh nhục, chẳng thân sơ, chẳng có ngày đêm và sáng tối,

Đầu đội Phật, chân đạp Phật, mỗi tiếng trong miệng đều là Phật,

Ngoài Phật ra, chẳng gì khác, tâm là cõi Phật Thường Tịch Quang,

Thiền-tâm chẳng vỡ khẩn thiết tham.

Tham thấu thiền tâm ngộ bản lai,

Bản lai vốn tự không tu chứng,

Tu chứng đâu ngại gì bản lai,

Chính người này, là thực chân,

Không đầu không chân không lục căn,

Không nhờ siêng năng khổ tham-thiền,

Khó tránh lầm lỗi nhận khía cân,

Dặn dò người chưa phá Thiền-quan,

Chẳng nên nhận giặc cho là con.

Đã quyết tham thiền phá Thiền-quan,

Chưa đến Thiền-quan cần khổ tham,

Khổ tham quên lời lại quên thân,

Cái đạo quên thân chưa phải Chân,

Phải mau nhận rõ cái người quên,

Một tay đấm ngã người dụng tâm,

Tâm tức người, người tức tâm,

Sau khi quên tâm chẳng sơ thân (xa gần),

Thẳng đến cõi Phật Thường Tịch Quang.  

110. CÔNG PHU CHẲNG BỊ HÔN TRẦM CHUYỂN.

Người tham-thiền dựng thẳng xương sống, để tay trên đùi, cổ dựa bâu áo, chẳng chút lơi lõng. Công phu đề khởi câu thoại-đầu mỗi chữ rõ ràng, niệm niệm sáng sủa, chẳng gấp chẳng hoãn, buông cũng chẳng xuống, đề cũng chẳng lên. Nói buông chẳng xuống là vì công phu thuần thục như vọng tưởng, vọng tưởng không đề khởi mà tự khởi, thoại-đầu muốn buông mà chẳng thể buông giống như dòng nước sông Dương Tử ngày đêm chảy mãi muốn ngưng nghỉ chẳng thể được. Nói đề chẳng khởi là công phu miên mật, sức tham dũng mãnh không một chút gián đoạn. Không có gián đọan thì công phu liên tiếp chẳng ngừng, nếu ngừng tức là buông xuống. Buông xuống rồi đề khởi lại thì công phu không khẩn thiết. Tóm lại, không thôi nghỉ thì không buông xuống, không buông xuống thì không đề khởi, vì công phu chưa bị đánh mất thì đề khởi cái gì ? Nên nói đề chẳng khởi là vậy.

Nói hôn trầm là hễ hôn liền đen tối khiến cho đánh mất công phu, hễ trầm thì liền chìm mất khiến cho ngủ gật không hay. Hôn trầm có hai nghĩa :

Thân hôn trầm là ở trong thế giới này ngày đêm hướng ra ngoài tìm cầu, tùy dòng thế tục sâu vào dòng thế tục không chút hay biết. Chẳng biết thân ta tồn tại không lâu, chẳng những không biết tồn tại không lâu luôn cái chẳng tạm có cũng không biết, giống như mở mắt chiêm bao thì lâu hay chậm, biết hay không biết đều chẳng thật.

Tâm hôn trầm : Bản-thể của Tâm cùng khắp không-gian và thời-gian, con người ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết. Dẫu cho biết nó lại lầm cho thân là sở hữu của Tâm và chẳng có người nào không màng đến thân. Cho việc làm của Tâm là chủ của thân, thân-hôn bất động thì liền chìm nơi giường chõng, cũng là do Tâm-hôn làm nên. Than ôi ! Đại-địa hôn hôn, nhân tâm hôn hôn, nghiệp-thức hôn hôn, đợi đến lúc nào mới tỉnh. Đau đớn thay !

Chúng ta là người tham-thiền biết rõ tâm là huyễn hóa, thân là bóng bọt, đều bị hôn trầm ràng buộc. Tự ta tham-thiền đắc lực, thân chẳng bị hôn trầm chuyển, tâm cũng chẳng bị hôn trầm chuyển. Thẳng đến chỗ sâu kín của Thiền, chẳng những thân tâm chẳng trụ hôn trầm mà dẫu cho chỗ thanh tịnh sáng sủa cũng chẳng thèm trụ. Lực lượng của công phu này chẳng bị hôn trầm chuyển. Dẫu cho chuyển đến chỗ nào thì ngay chỗ đó tiếp tục công phu. Lâu ngày, ở trong công phu, chẳng biết có hôn trầm, trong hôn trầm có công phu đắc lực. Công phu cùng hôn trầm lập thành một khối, mới cho là công phu chẳng bị hôn trầm chuyển, chuyển đi cũng có công phu.

111. LÀM CHỦ SANH TỬ.

Người tham-thiền tham đến thân bất khả đắc, tâm bất khả đắc, thân tâm đều bất khả đắc thì người nào tạo sanh, người nào tạo tử ? Nếu sanh tử không ai tạo thì sanh tử vốn không, như thế tức là nghĩa vô thủy vô sanh. Tâm đã vô sanh thì sanh từ đâu có ? Có tức là sanh, có sanh ắt có diệt, niệm niệm sanh diệt chẳng ngừng thì đâu phải là công phu vô tâm. Nếu cái tâm tham-thiền đến chỗ vô tâm thì chẳng cho có một tâm, cũng chẳng cho có hai tâm.

Có người hỏi : "Ngay lúc tham-thiền, nói hai tâm chẳng cho có thì đúng, tại sao một tâm cũng chẳng cho có ?".

Đáp : "Nếu biết có một tâm thì có năng biết sở biết, tức thành hai tâm. Do hai tâm này đã bất khả đắc nên một tâm đương nhiên cũng bất khả đắc. Sao vậy ? Trong Tín Tâm Minh nói : 'Hai do một mà có, một cũng chẳng trụ', đó mới là thật một tâm, là thật lìa sanh diệt, là thật lìa sanh tử. Phải biết, sanh diệt là nhân, sanh tử là quả. Trước liễu cái nhân sanh diệt, sau diệt cái quả sanh tử. Tại sao có người tâm diệt mà thân chưa diệt, có người thân diệt mà tâm chưa diệt. Ý ấy thế nào ? Tham-thiền đến chỗ không-tịch, vô niệm vô sanh, gọi là Tâm-diệt. Nhờ cái thân tạm có này hành cái hạnh vô lậu, đây gọi là thân chưa diệt. Có người thân diệt mà tâm chưa diệt, thân này là do cảm quả báo đời trước chịu các khổ vui, báo khổ vui hết thì thân diệt vong, đây gọi là thân diệt. Nhờ cái nhân thiện ác mà cảm cái quả thiện ác, đây gọi là tâm chưa diệt. Tâm diệt, thân diệt lại có hai nghĩa :

l. Tâm-diệt thì sanh cũng diệt, hễ có sanh thì mỗi mỗi đều sanh. Than ôi ! có sanh thì có luân hồi, có tánh mạng, có sanh tử, có thế giới. Hễ diệt được cái sơ sanh từ vô thủy thì đủ thứ sanh liền diệt.

2. Tâm-diệt thì thân cũng diệt, hễ tâm sanh thì đủ thứ thân sanh. Buồn thay ! thân Thiên nhân, thân A-tu-la, thân loài người, thân Địa-ngục, thân tất cả các loài chim bay thú chạy, nếu làm cho cái sơ tâm từ vô thủy này diệt thì đủ thứ thân liền diệt vậy. Tham-thiền dũng mãnh một mạch tham thẳng chẳng ngừng nghỉ, dẫu cho Phật khuyên ta đừng tham ta cũng chẳng tin, Ma buộc ta đừng tham ta cũng chẳng nghe.

Đến đây chẳng những được làm chủ sanh tử mà cũng được làm chủ sanh diệt, thủ phạm của sanh diệt bị cái đắc lực của tham-thiền bắt được. Vui mừng biết bao ! Người tu hành dụng công phu phải làm chủ sanh tử mới cho là công phu liễu sanh thoát tử, mới cho là công phu minh Tâm kiến Tánh, mới cho là công phu đại triệt đại ngộ, mới cho là công phu thành Phật làm Tổ. Nói tóm lại, chỉ có công phu tham-thiền mới có thể khiến mọi người làm chủ sanh tử. Cảm tạ Phật, Tổ và Đại-chúng.    

112. ĐẦU SÀO TRĂM THƯỚC.

Người tham-thiền nghĩ thế gian vô thường, quán thân rất khổ, tại sao ở chỗ khổ chịu cái thân khổ này ? Thật người tu giống như người đời. Đó là ông khổ, tôi khổ, toàn thân là khổ, cả thế giới là khổ, há chẳng thành cái biển khổ sao ? Người ta thường nói :

"Biển khổ mênh mông, ngày nào dứt. Sanh đến tử đi, bao giờ thôi". Do đây tức tối tràn hông, dũng mãnh lập chí lớn xuất trần, một chân nhảy ra khỏi cũi lồng phàm phu, xuất-gia thọ Giới, cầu Thầy học Đạo, chịu khổ tham-thiền ngày đêm không gián đoạn, không rảnh ăn cơm, đâu dám ngủ nghỉ, thu nhiếp thấy nghe, nỗ lực tham-thiền, dũng mãnh chẳng màng tất cả, quyết chí muốn thấu ba Quan, tế tâm truy cứu càng vi tế đến chỗ vô tâm, sau khi quên vô tâm thì chẳng sanh cái sanh. Cái sanh chẳng sanh, ấy là dụng tâm chân chánh. Chỗ dụng tâm được toàn chân.

Chân-tâm dụng, tuyệt sơ thân,

Chư Phật chẳng thể gần,

Chúng sanh chẳng thể biết,

Tự bước lên Quan-ải, đến đầu sào trăm thước,

Chưa đến nơi, chớ do dự, trên đường đầu sào nhiều lối tẻ.

Chân trước sình, chân sau bùn, dù bước khó khăn không thấy mệt,

Bắt đầu đông, dần dần ít, đến chỗ vắng người khó hỏi đường.

Chẳng sợ Quỷ, chẳng sợ Thần, từng bước từng bước tiến lên,

Đường-thiền trơn trợt cứ đi mãi,

Qua đất bằng, đến chân núi, chân trái đụng nhằm cọp, chân phải dẫm nhằm rắn.

Núi khó leo, đường khó đi, gai gốc rậm rạp tổn thương người,

Đi một bước, giở một chân, tay nắm chẳng kịp thân liền ngã.

Trong bụng đói, mắt rơi lệ, hễ tay buông lỏng mất mạng ngay,

Dũng mãnh chạy thẳng lên một mạch, chân đụng đá, chân đụng mây,

Nhân ngã chẳng màng còn ai thân, chẳng thấy trời, chẳng thấy người.

Chư Phật chư Tổ chẳng quan tâm,

Bồ-tát cũng khó độ thân ta.

Hoát nhiên thẳng lên đường hết lối.

Phóng mắt nhìn, không một trần,

Leo đến đầu sào cần tiến tới,

Từ chỗ này, tiến một bước,

Mười phương thế giới hiện Toàn-thân.    

113. TRÊN BỜ VỰC THẨM BUÔNG TAY.

Người tham-thiền cần phải đến chỗ tuyệt đỉnh của Thiền. Ước mong Tăng-sư trong Thiền-tông và tất cả người đời hãy tìm đường tiến lên, chân bước vào cửa mới được khen là bậc Cao-nhân cái thế. Nếu ở mãi trong trần ai bị bụi đóng khói xông thì chẳng phải là thượng sách của người tham-thiền.

Người có chút tri thức nghĩ trần thế như đôi dép rách, tưởng danh lợi như bùn dính chân, thế gian là lao ngục, gia đình là gông xiềng, con cái là Quỷ đòi nợ, vợ chồng là kẻ báo thù. Xem kỹ thế gian không có một cái gì là phải, sao chẳng quày đầu tự hỏi lấy mình. Hỏi rằng : "Cái gì là ta ?". Đáp : "Trừ cái đãy da thúi này ra, hãy truy vấn thật sâu, hỏi đến miệng ăn cơm mà chưa nhai một hạt gạo, thân mặc áo mà chưa dính một tấc tơ". Lại xét kỹ thêm, bậc căn khí lớn một bước lên núi, đã đến đỉnh núi, đều thiết yếu là chớ màng đến mình và người, chẳng nên nhìn các núi ở bốn phía. Cuộc sống trên núi cũng chẳng phải việc của mình huống là việc khác.

Theo sự hiểu lầm của người đời, cho : " Pháp tham-thiền là việc phiền toái, nào là lên núi, nào là đến đỉnh, nào là khởi nghi, nào là thâm nhập. Sao chẳng một ngày, hai ngày, một khắc làm xong, khỏi bị kéo tới kéo lui, cảm thấy dường như quá khó, khiến cho người nghe sợ mà lại ngán". Thật là lầm lớn vậy !

Phải biết : Thân ông sẵn có một vị Phật-sống, chẳng ở ngoài thân, chẳng ở trong thân, chẳng ở chặng giữa của thân, chưa lìa thân ông một chân nửa bước. Ông nghĩ có biện pháp nào để thấy được vị Phật-sống này ? Ông hãy suy xét kỹ lưỡng xem ! Nếu chẳng màng đến thì cô phụ Tánh-linh, chôn mất chính mình, chìm mãi trong Lục-đạo, không có ngày thoát khổ, có thể nào nhẫn tâm chẳng màng đến nó chăng ?

Hôm nay đã giảng đến trên đầu sào tiến thêm một bước, rất là trọng yếu, tại sao lại đem mấy lời thế tục này nói để làm gì ? Chính ngay khi nói, xin hỏi, người đã đến tuyệt đỉnh núi, lên núi không lối, xuống núi không đường, chính là chỗ miệng chẳng thể bàn, tâm chẳng thể nghĩ thì đâu có ngôn thuyết, đâu có tâm tư. Phải biết chỗ cùng tột của Thiền-tông là đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, không thể nghĩ suy. Nay nói trên bờ vực thẳm buông tay là chẳng phải việc thế gian và xuất thế gian có thể so sánh. Tôi hôm nay giảng đến chỗ này đều chưa nói rõ.

Tại sao vậy ? Ước mong người đọc chớ hiểu lầm mà trách rằng : "Cái cảnh-giới của khai-ngộ sao chẳng thố lộ ra hết". E tai hại cho tiến trình của người học, nên tôi y theo người xưa nói : "Nếu ta nói trắng ra cho ông nghe, đến khi khai ngộ, ông sẽ mắng ta".

Bởi vậy, tôi chẳng muốn bị Thiên-hạ mắng.  

114. CHẾT RỒI SỐNG LẠI.  

Người tham-thiền, trước tiên học tử Thế, rồi học tử Thân, lại học tử Tâm. Thế có thể chết, Thân chẳng thể chết; Thân có thể chết, Tâm chẳng thể chết. Phải biết, tử Thế tức là chết cái Sắc-không của thế gian; Tử thân tức là chết cái nghiệp chướng của thân; Tử tâm tức là chết cái mê chướng của Tâm. Thực ra chẳng phải tử thế vì tử thế thì không còn xứ sở, cũng chẳng phải tử thân vì tử thân thì không còn thế gian, lại chẳng phải tử tâm vì tử tâm thì không còn thân thể.

Từ địa vị phàm phu cho đến kiến Tánh thành Phật không có chút kỳ lạ, chỉ là lìa hết tất cả sự tương đối của thế gian như sắc-không, sáng-tối, lấy-bỏ, yêu-ghét.... Vậy thân, tâm, thế giới cả ba đều lìa sạch hết, tịch diệt không còn, luôn cả cái không còn cũng chẳng còn, ấy là đại tử (tuyệt hậu), rồi đại hoạt (sống) trở lại (tái tô). Khi ấy mới có thể chấn Đại-địa, động chư Thiên, mới có thể liễu sanh tử, mới có thể thành Phật, Tổ. Nay khuyên mọi người hãy làm con người này, hãy hành cái việc này, hãy tu cái nhân này, thì quyết định cảm cái quả này.

Hỏi : "Người phàm phu chết rồi sống lại được gọi là Thánh-nhân, từ đâu hạ thủ công phu ? Người thế gian có thể hành thử, nếu hành chẳng đến thì thân người phàm vẫn còn nguyên, nếu hành đến được thì trở thành Thánh-nhân, tốt biết bao !".

Đáp : Ông ngay chỗ Thân, Tâm, Thế mà hạ thủ công phu, vậy làm sao liễu được Thế ? Làm sao quên được Thân ? Làm sao không cái Tâm ? Những việc này đều là việc nhỏ, dù trình độ thấp kém cũng chẳng cần phí nhiều công phu, chẳng tốn nhiều tiền bạc, vai chẳng gánh nửa cân, tay chẳng xách bốn lượng, chỉ ôm chặt câu thoại-đầu, hôm nay cũng tham, ngày mai cũng tham, năm nay cũng tham, năm tới cũng tham, lâu ngày thuần thục tự có ngày đạt đến mục đích. Điều khẩn yếu là dù sống dù chết cũng chỉ hành Pháp này, chẳng hành pháp khác, dù nguy dù vong chỉ một tâm này, chẳng sanh tâm khác. Nơi một Tâm một Pháp khai ngộ thì chắc chắn sẽ được kiến Tánh dễ như ăn cơm uống nước vậy. Nếu nhiều tâm nhiều pháp thì khó như mò kim dưới đáy biển. Khó dễ đều do mình. Người tuyệt hậu tái tô chân thật, gặp người mắt sáng (người đã ngộ) giơ tay hạp chưởng, cử chỉ nói nín, cơ-phong qua lại đều ăn khớp nhau. Nếu lúc ở trên bờ vực thẳm vừa sanh lo nghĩ liền thành người đọa thân tử hán (thằng chết), nghĩa là người nửa chết nửa sống. Người này gặp Thiện-tri-thức ngữ ngôn vấn đáp thì đỏ mặt tía tai, nếu bị hỏi nữa, tâm sanh hoang mang. Học-nhân chẳng nên học người này.    

115. QUA SƠ QUAN.

Người tham-thiền căn khí lớn nhỏ bất đồng. Sức lớn thấu thẳng ba Quan, sức nhỏ thấu hai Quan, sức nhỏ hơn chỉ thấu Sơ-quan. Để thấu Sơ-quan, thật đã phải chịu biết bao gay go, nếm biết bao gian khổ mới tiến qua Quan này. Một phen tiến qua Quan này mới biết từ vô lượng kiếp làm thiện tạo ác, sanh tử luân hồi đều là một trường mê mộng. Nay tỉnh lại rồi, rất sanh hổ thẹn, có người buồn vui lẫn lộn, có người rơi lệ khóc to. Từ đây thay đầu đổi mặt chuyên làm công việc bảo-nhậm, ba thứ ác nghiệp nơi thân, bốn thứ ác nghiệp nơi khẩu, ba thứ ác nghiệp nơi ý sẽ dần dần tự sạch hết, còn tập-khí căn bản sâu nặng cũng sẽ từ từ tẩy sạch. Đối với bốn ác nghiệp khẩu, ba ác nghiệp ý từ xưa đến nay cử tâm tức lầm, động niệm tức trái, sức của Phật - Tổ, cũng chẳng thể trừ giúp ta được, Bồ-tát nguyện lớn cũng chẳng thể cứu ta được. Diêm-vương ác lớn cũng chẳng thể diệt giúp ta được. Phật, Tổ nếu trừ được tham sân si cho ta thì cũng trừ được cho người khác, ắt mọi người trong Thiên-hạ đều được độ hết. Bồ-tát chẳng cứu được ta thì ta làm sao được cứu. Nếu ta được cứu thì người thế gian cũng đều được cứu, vậy cả thảy đều vô ngã, vô ngã rồi thì làm sao có thế gian ? Diêm-vương nếu diệt được cho ta thì Địa-ngục, tam-đồ sẽ không có người đến, hạt giống Địa-ngục cũng không thì còn ai làm Diêm-vương ! Tham sân si của tâm là hạt giống của thế giới, hạt giống của Pháp-giới, hạt giống của lục-đạo, hạt giống của cõi u-minh. Muốn bứng cây, phải nhổ gốc. Hạt giống là cái gì ? Là tâm của chúng ta. Hôm nay tiến vào Quan khẩu câu thoại-đầu của Tổ-sư thiết lập rồi, chẳng những tiến vào Quan mà ở ngoài Quan này nghỉ ngơi cũng được vô cùng thọ dụng. Sao vậy ? Vì thân nghiệp bất tịnh, khẩu nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh đâu thể đạt đến biên giới của Sơ-quan. Người nào có thể nói ra một câu chuyển-ngữ (lời nói vô sở trụ) thì đã qua Sơ-quan, cũng gọi là Chứng-ngộ. Người chưa chứng-ngộ cần phải ba nghiệp trong sạch, rồi mới nói đến việc tiến vào Sơ-quan. Đến đây thì thành Phật chẳng xa. Chỗ tôi giảng đây đều là trình tự công phu, chứ chẳng phải chỗ thấy. Chỗ thấy, người đến tự biết, chẳng cần tôi giảng. Tôi giảng thành quấy.    

116. PHÁ TRÙNG QUAN.

Người tham-thiền cần phải nỗ lực tham, đừng có một chút do dự, vì do dự ắt ngừng nghỉ khó tiến. Người đã qua Sơ-quan thấy đến việc dưới cửa Tổ-sư, biết được cái tâm độ thế của Tổ-sư. Dù ở trong Cửa mà lẩn quẩn ở góc Điện. Người chưa nhập vào chỗ sâu kín trong Nhà thì có tình hình như thế. Có người còn chưa thấy đến tim phổi của Tổ-sư, chỗ sâu kín bên trong, vì thế sau khi ngộ lại phải nghi nữa là ý này vậy. Người xưa nói : "Trước khi chưa ngộ như mất cha nẹ, sau khi đại ngộ lại như mất mẹ cha". Đây là sau khi phá Sơ-quan lại khởi nghi-tình mạnh mẽ cầu tiến lên. Sau khi ngộ, dụng công có hai con đường : Một con đường vẫn y theo đường cũ tiến tới tức là con đường dụng công ban đầu. Đây là công phu của bậc Đại-nhân. Nếu sau khi ngộ tu hành, chỉ là tu mà vô tu, vô tu mà tu, có thể gọi là công phu bảo-nhậm. Đây là kiến địa chẳng trụ mà trụ. Nếu cầu Chân-trụ cần phải Chân-hành, đến chỗ phải tiến qua một lớp cửa nữa, Chân-hành chẳng hành, Chân-trụ chẳng trụ, đến đây cái Quan-ải của Tổ-sư thiết lập không ngăn trở được. Cái đại nghi sau khi đại ngộ so với người sơ học còn mãnh liệt hơn, vì chẳng cầu ngộ, chẳng cầu mê, chẳng thành Phật, chẳng độ chúng sanh, tâm tham, ý cũng tham, thức cũng tham, thế cũng tham, thân cũng tham, tinh tấn cũng tham, biếng nhác cũng tham, có Giới cũng tham, không Giới cũng tham, định cũng tham, loạn cũng tham, ngu cũng tham, trí cũng tham, hôn trầm cũng tham, vọng cũng tham, mê cũng tham, tỉnh cũng tham, đây gọi là đại tham sau khi ngộ. Đại tham tức là trùng-nghi (ngộ rồi nghi lại) vậy. Có công phu trùng-nghi chắc chắn sẽ phá Trùng-Quan. Người tiểu căn mặc dù sanh tử có thể liễu, luân hồi có thể ngừng, đây chỉ là nửa đường mà họ chẳng chịu tự bỏ để tiến lên, vì chẳng tự bỏ tức là có sở trụ rồi. Phải dũng mãnh tiến lên đến chỗ chẳng nghi thì Trùng-quan thật chẳng còn xa. Đợi khi công phu miên mật, người và pháp đều quên, phàm Thánh chẳng khác, dần dần thấu qua Trùng-quan.

Ba Quan của Thiền-tông chỉ nói chỗ hành, chẳng nói chỗ thấy. Chỗ thấy như người uống nước lạnh nóng tự biết. Chẳng phải tôi không nói, chớ nghi tôi không lời, mọi người đến đây rồi tự biết.    

117. THẤU LAO QUAN.

Người tham-thiền sau khi phá Trùng-quan, cần nhất không nên lìa công phu bước đầu. Như người dùng chân đi đường, chẳng phải tàu thủy, chẳng phải xe lửa, thí dụ như người ở Sài-gòn muốn đi Vũng-tàu, dùng chân đi đến địa phận Long-thành dụ cho phá Sơ-quan. Người sức nhỏ dừng lại lưu luyến mấy ngày hoặc trụ luôn ở đó. Đây là chỗ hành của người qua Sơ-Quan. Người sức lớn biết chỗ này chẳng phải là Vũng-tàu liền bỏ đi, trên đường không có gai gốc sỏi đá, đại lộ bằng phẳng, dụ cho sau khi phá Sơ-quan không còn chút trở ngại, vung tay đi thẳng, lại đến Bà-rịa (Trùng-quan) phạm vi rộng lớn hơn, Nhãn-giới mở mang, đa số người muốn trụ ở đây. Suy nghĩ thêm nữa, phía trước còn có đường đi nên tiếp tục tiến tới, càng đi càng thấy thù thắng hơn cho nên đi mãi đến tận Vũng Tàu. Phật-pháp vốn chỉ một Thừa, phương tiện mà nói thành ba. Thiền-tông vốn một Pháp ngộ, vì con người căn khí có lớn nhỏ, nên phương tiện nói có ba Quan. Nhưng ba Quan này có người sơ-tham dũng mãnh truy cứu thẳng phá Lao-quan. Có người sơ-tham thẳng phá Trùng-quan, về sau chịu khổ tu hành lâu ngày cũng phá Lao-quan. Lại có người sơ-tham hạnh chẳng tinh nhuệ, sức chẳng dũng mãnh, song cũng ráng sức qua Sơ-quan. Người sức lớn như Voi qua sông, chân đạp đến đáy. Người sức trung bình như Nai qua sông, chân ở giữa chừng. Người sức nhỏ như Thỏ qua sông, nổi trên mặt nước. Giả sử đều là bậc Thượng-căn tham-thiền thì cùng nhau đến Mạt-hậu Lao-quan, đồng thời đập vỡ ra khỏi Lao-quan. Tình trạng sau khi ra khỏi Lao-quan dù tất cả Kinh-giáo của chư Phật, Ngữ-lục của Tổ-sư, sự nghiệp độ sanh của Bồ-tát, Pháp-giới, Hư-không-giới, Thật-tế-giới, Chân-như giới, Niết-bàn-giới, bất cứ cảnh giới Phật - Thánh nào đếu nhất thời siêu việt. Ví như tất cả chư Phật và chúng sanh chưa ra ngoài hư-không một bước, Lao-quan chính là ở ngoài hư-không. Ra khỏi hư-không tức là ra khỏi Lao-quan, nếu lấy hư không dụ cho Lao-quan, vậy ai là người ra được cái Quan này ? Chỉ có người tham-thiền mới chẳng nhọc nửa bước mà chắc chắn ra được cái Quan này.

Người đọc hỏi : Nghĩa chánh sao chưa nói rõ ?

Đáp : Chẳng phải vậy. Nghĩa chánh của một Quan còn chưa nói, huống là ba Quan ư ?    

118. BUÔNG KHÔNG XUỐNG.

Người tham-thiền đối với thế giới thân tâm buông không xuống. Thân ở trong Tòng-lâm mà tâm ở ngoài thế gian. Tu không lợi ích, không chút tiến bộ, phải biết là do Tâm bị nghiệp-thức nhốt chặt, Thức bị ý mê hoặc nhốt chặt, ý bị tưởng trần nhốt chặt, tưởng bị thân thể nhốt chặt, thân bị gia đình nhốt chặt, gia đình bị sơn hà nhốt chặt, sơn hà bị Đại-địa nhốt chặt, Đại-địa bị hư-không nhốt chặt, hư-không bị vô-minh nhốt chặt, vô-minh bị bất giác nhốt chặt, bất giác bị chúng sanh nhốt chặt, chúng sanh bị Mê-luân (bánh xe mê lầm) nhốt chặt.

Cái Quan-ải lớn của Mê-luân này từ xưa đến nay chẳng biết đã nhốt biết bao nhiêu hữu tình vô tình như Thiên-địa, Nhật-nguyệt, người và phi người, nhà cửa, cây cối, cầm thú, nam nữ.... Quá-khứ đã nhốt trải qua vô lượng kiếp, rồi hiện-tại cho đến vị-lai cùng tột vô lượng kiếp chẳng biết nhốt đến khi nào mới thôi. Than ôi, đau đớn thay ! Xem đi xét lại đều do ba chữ buông không xuống mà ra, làm cho hồ đồ hỗn loạn.

Nếu Thức buông xuống suy lường, Thân buông xuống vọng tưởng, Hư-không buông xuống Đại-địa, gạch ngói buông xuống đất sình. Như thế, thức buông suy lường rồi thì tâm bất khả đắc, thân buông vọng tưởng rồi thì thân bất khả đắc, hư không buông đại địa rồi thì thế gian bất khả đắt, vậy ba thứ thân, tâm, thế hoàn toàn buông xuống thì muốn tìm một chúng sanh cũng không ra. Phải biết ba chữ 'Buông Không Xuống' bản lãnh rất lớn. Nó khiến "bất giác" thành chúng sanh, khiến "vọng tưởng" thành thân thể, khiến "hư không" thành Đại-địa, khiến thân xác nằm núi hoang, khiến đầu xanh thành đầu trắng, khiến đi bị ngồi, khiến chạy bị ngưng, ấy đều là sức lớn của Mê-luân. Nếu ta muốn có đủ sức làm cho cái Mê-luân được ngộ thì phải tìm ra một phương pháp buông xuống được. Phương pháp đó tức là Pháp tham-thiền. Hãy mau mau ôm chặt câu thoại-đầu tham mãi, dẫu cho phải chịu khổ năm ba mươi năm cũng phải đập vỡ cái Mê-luân này mới được đến chỗ thôi nghỉ của việc tham-thiền. Nay tôi dặn thêm một lời : "Thôi nghỉ thì được, chỗ thôi nghỉ thì chẳng thể được".    

119. KHAI TÒNG LÂM.

Người tham-thiền sau khi ngộ rồi, tự lợi đã xong ắt phải độ người. Cái pháp độ người lợi nhất, lớn nhất chẳng bằng mở Tòng-lâm dựng Đạo-tràng. Phật ra đời cứu thế, sáng lập rừng Cấp-cô-độc, Thiên-đà-la, núi Kỳ-xà-quật, Linh-thứu-sơn. Chư Tổ đời sau thì sáng lập Đại-tòng-lâm để cho mười phương chúng sanh có chỗ yên tâm tu tập. Chỗ này là chỗ của tất cả Hiền-thánh huân tập, có Long-thiên, thần Già-lam hộ trì, dung nạp nhiều Chúng, rộng độ nhiều người, Quy-củ trang nghiêm, so với các Pháp-môn khác không gì sánh bằng. Chư Phật chư Tổ đã như thế, ta cũng như thế, đây chính là thay Phật tuyên dương, giúp Phật hoằng hoá.

Muốn sáng lập Tòng-lâm ắt phải y theo Cổ-pháp. Cổ-pháp có hai :

Một là Chánh-pháp trụ lâu ở thế gian, chỗ Hoằng-pháp độ sanh đều là Tòng-lâm.

Hai là sau đời Đường (Trung Quốc), Mã Tổ khai Tòng-lâm, Bá Trượng thiết lập Thanh-quy như lò rèn lớn, như lò đúc tượng đúc ra tượng Phật, đúc ra tượng Tổ. Nếu người Trụ-trì giữ đúng pháp Tòng-lâm thì tất cả Chúng giữ Quy-củ. Trong Tòng-lâm, Trụ-trì tham-thiền thì tất cả Chúng đều tham thiền, Trụ-trì phạm pháp thì tất cả Chúng phạm Quy-củ.

Vậy muốn sáng lập Tòng-lâm việc trọng yếu nhất trước tiên là phải được nơi chốn thích hợp, kế phải được người thích hợp, có được cả hai mới thành tựu cơ sở để Hoằng-pháp. Muốn hoằng Đại-pháp phải nhờ Đại-nhân, có Đại-nhân hoằng Đại-pháp mới được gọi là cơ sở hoằng Đại-pháp. Thế nào là Đại-pháp ? Nay các ông hãy tận sức suy nghĩ thử xem cái nào là Đại-pháp. Hãy suy đi xét lại thì mới biết cái đại của thế gian chẳng qua nơi Tâm. Tâm trùm khắp hư-không, bao hàm Đại-địa. Tâm đại chẳng bằng Pháp đại của Đại-tâm, ấy là cái Đại-pháp bậc nhất, Đại-pháp này chính là tham-thiền. Có đất lập Tòng-lâm để cho người tham-thiền ở, hành cái pháp tham-thiền mới cho là bậc Đại-nhân ở Đại-tòng-lâm hoằng hóa Đại-pháp. Nếu sáng lập được Tòng-lâm khắp Đại-địa cho mọi người an cư, phổ biến học Đại-pháp, ấy mới là chân khai sáng Tòng-lâm là chơn trụ trì Tòng-lâm, là chơn hoằng Đại-pháp tham-thiền. Nguyện Tăng hành như thế, Tục cũng hành như thế mới không cô phụ lòng ta.    

120. CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU.

Người tham-thiền nên nghĩ Pháp đã cứu ta vậy phải làm sao cho Pháp cứu được người. Dùng cái Pháp cứu ta để cứu người mới không cô phụ người lập Pháp, cũng không trái ý của Đại-pháp. Pháp lợi người này chẳng phải pháp thế gian có thể sánh bằng. Tại sao ? Vì học pháp thế gian thì thành thế gian. Pháp này chẳng những thành thế gian còn muốn độ thế gian. Làm sao độ thế gian ? Phải biết mọi người có tâm, mọi người có Pháp.

Hỏi rằng : Không biết ta có Tâm gì, có Pháp nào ?

Đáp : Ngươi có đi đường chăng, nói chuyện, ăn cơm, giao thiệp chăng ?

Người hỏi nói : Những việc này ta thường làm đâu thể nói là Tâm-pháp.

Đáp : Lúc ngươi ngủ tại sao không làm, lúc chết tại sao không làm, ngủ cũng có ta, khi chết cái thây ở trên đất cũng còn ta, tại sao không nói chuyện, không đi đường.... Người hỏi vừa nghe lời này con mắt ngơ ngác không thể hỏi nữa. Thật rất đáng thương xót, ấy là ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết vậy. Người khắp thế gian chỉ biết có ta, chẳng biết có tâm nên cứ luân hồi mãi trong tứ sanh (noãn, thai, thấp, hóa) lục đạo.

Phật ra đời vì cái khổ của chúng sanh chẳng liễu tự tâm nên lập Đại-pháp để cứu Tâm người. Đại-pháp dù có ở Tòng-lâm, nhưng muốn trụ lâu dài thì phải trụ trong Tâm của người tham-thiền. Cái tâm-tham-thiền tức là Đại-pháp. Một người tham-thiền thì Đại-pháp trụ trong tâm một người, mười người tham-thiền thì Đại-pháp trụ trong tâm mười người, người khắp thế giới tham-thiền thì Đại-pháp trụ trong tâm người khắp thế giới, Pháp đồng như Tâm, Tâm đồng như Pháp, người ắt có Tâm, Tâm ắt có Pháp. Nếu người vô tâm thì không có Pháp này.

Hôm nay mới được phát minh chỗ Chánh-pháp được trụ lâu. Tại sao ? Cái lâu nhất của thế gian chẳng bằng cái tâm lâu của con người, cái chánh nhất của thế gian chẳng bằng cái Pháp-chánh của con người; thế gian có thể hoại, Tâm người chẳng thể hoại, Pháp cũng như thế; thế gian có thể không, Tâm người chẳng thể không, Pháp cũng như thế. Nên muốn Chánh-pháp trụ lâu cần phải có đất để trụ lâu, đất đó tức là Tâm-địa của con người vậy. Người hoằng dương Đại-pháp cần phải tự xét.

Người tu hành nên trừ sạch tập-khí thiện ác của tự thân, tẩy sạch cấu bẩn chơn-vọng của Tự-tâm, tướng đi hình dạng như Thần, tướng đứng như cây cột trụ, ngồi như Chuông, nằm như Cung, mới là có tướng tốt hoằng Đại-pháp./.

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn