06:57 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Nguyệt Khê

  Sư húy Tâm Viên, hiệu Nguyệt Khê, họ Ngô, tổ tiên là người Tiền Đường tỉnh Triết Giang (TQ), lập nghiệp ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, truyền được ba đời đến Sư, cha là Tử Trang, mẹ là Lục Thánh Đức, sanh được năm con, Sư là út. Sư yếu đuối nhưng thích học, sớm đã thông minh đĩnh ngộ, theo học...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Pháp Bảo Đàn

Kinh Pháp Bảo Đàn - phẩm Tọa thiền, Sám hối

Thứ ba - 02/04/2013 06:24 Xem: 1815
PHẨM TỌA THIỀN

Sư dạy Chúng rằng : Pháp-môn này nói Tọa Thiền vốn chẳng chấp Tâm, cũng chẳng chấp tịnh, cũng chẳng phải là chẳng động. Nếu nói chấp Tâm, Tâm vốn là vọng, biết Tâm như huyễn cho nên chẳng chấp. Nếu nói chấp tịnh, Tự-tánh vốn tịnh, chỉ do vọng niệm che khuất Chơn-như, nếu chẳng có vọng niệm, Tánh tự thanh tịnh; khởi Tâm chấp Tịnh, lại sanh vọng tịnh. Vọng chẳng xứ sở, kẻ chấp là vọng, tịnh chẳng hình tướng, lại lập tướng tịnh cho là công phu; kiến giải như vậy chướng tự Bản-tánh, lại bị tịnh trói.

Thiện-tri-thức, nếu người tu theo pháp chẳng động, khi thấy mọi người mà chẳng thấy tất cả thị phi, thiện ác, lỗi lầm của người, tức là Tự-tánh chẳng động. Thiện-tri-thức, kẻ mê thân dù chẳng động, mở miệng thì nói thị phi, tốt xấu, hay dở của người; như vậy là trái ngược với Đạo, nếu 'chấp tâm tịnh' tức là 'chướng đạo'.

Sư dạy Chúng rằng : Thiện-tri-thức, sao gọi là Tọa Thiền ? Trong Pháp-môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Tọa, bên trong thấy Tự-tánh chẳng động gọi là Thiền.

Thiện-tri-thức, sao gọi là Thiền Ðịnh ? Bên ngoài lìa tướng là Thiền, bên trong chẳng loạn là Ðịnh. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp cảnh thành loạn, nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chơn Ðịnh vậy.

Thiện-tri-thức, ngoài lìa tướng tức Thiền, trong chẳng loạn tức Ðịnh, ngoài Thiền trong Ðịnh gọi là Thiền Ðịnh. Kinh Phạm Võng nói : Bản tánh ta vốn tự thanh tịnh.

Thiện-tri-thức, niệm niệm tự thấy Bản-tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật-đạo. 


PHẨM SÁM HỐI

Lúc ấy Sư thấy các quan chức và dân chúng từ Quảng Châu, Thiều Châu các nơi tấp nập đến chùa nghe Pháp, nên thăng tòa dạy Chúng rằng :

Các Thiện-tri-thức, việc này phải ở trong Tự-tánh mà khởi, bất cứ lúc nào niệm niệm, tự tịnh nơi tâm, tự tu tự hành, tự thấy Pháp-thân, tự thấy Tâm-phật, tự độ tự Giới, như vậy mới chẳng uổng công đến đây. Ðã từ xa đến, gặp nhau nơi đây đều là có duyên. Nay các ngươi hãy quỳ xuống. Ta vì các ngươi truyền năm phần Hương-pháp-thân của Tự-tánh, kế đó thọ 'Vô-tướng Sám-hối'. Đại-chúng cùng quỳ xuống.

Sư nói :

- Một là Giới-hương : Tức trong tự Tâm chẳng quấy chẳng ác, chẳng ganh tỵ, chẳng tham sân, chẳng cướp hại gọi là Giới-hương.

- Hai là Ðịnh-hương : Thấy những cảnh tướng thiện ác tự Tâm chẳng loạn, gọi là Ðịnh-hương.

- Ba là Huệ-hương : Tự Tâm vô ngại, thường dùng trí huệ chiếu soi Tự-tánh, chẳng tạo điều ác, dù tu nhiều thiện mà tâm chẳng chấp trước, kính trên mến dưới, thương xót kẻ cô đơn nghèo nàn, gọi là Huệ Hương.

- Bốn là Giải-thoát-Hương : Tự Tâm chẳng phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại, gọi là Giải-thoát-hương.

- Năm là Giải-thoát-tri-kiến-hương : Tự Tâm đã chẳng phan duyên thiện ác, chớ nên 'trầm không trệ tịch', phải tu học Pháp-tối-thượng-thừa, nhận tự Bản-tâm, thông đạt lý Phật, hạ mình để tiếp người, vô nhơn vô ngã, thẳng đến Bồ-đề, Chơn-tánh chẳng đổi gọi là Giải-thoát-tri-kiến-hương.

Thiện-tri-thức, Hương này mỗi người tự huân tập trong Tâm, chớ tìm bên ngoài. Nay vì các ngươi truyền thọ 'Vô Tướng Sám Hối', diệt tội tam thế, khiến cho tam nghiệp thanh tịnh.

Thiện-tri-thức, hãy nói theo Ta : Ðệ-tử chúng con, từ tiền niệm, hiện niệm, hậu niệm, niệm niệm chẳng bị ngu mê nhiễm. Tất cả các tội ác nghiệp ngu mê đã có từ trước, thảy đều sám hối, nguyện nhất thời tan rã, trọn chẳng khởi nữa. Ðệ-tử chúng con, từ tiền niệm, hiện niệm, hậu niệm, niệm niệm chẳng bị kiêu căng dối trá nhiễm. Tất cả các tội ác nghiệp kiêu căng dối trá đã có từ trước thảy đều sám hối, nguyện nhất thời tan rã, trọn chẳng khởi nữa. Ðệ-tử chúng con, từ tiền niệm, hiện niệm, hậu niệm, niệm niệm chẳng bị ganh tỵ nhiễm. Tất cả các tội ác nghiệp ganh tỵ đã có từ trước thảy đều sám hối, nguyện nhất thời tan rã, trọn chẳng khởi nữa.

Thiện-tri-thức, trên đây là Vô-tướng Sám-hối. Thế nào là Sám ? Thế nào là Hối ? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là Sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ... nay đã giác ngộ, đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là Hối. Phàm phu ngu mê, chỉ biết sám trừ tội trước, chẳng biết hối cải lỗi sau, vì chẳng hối cải, nên tội trước chẳng diệt, tội sau lại sanh, tội trước đã chẳng diệt, tội sau lại tiếp tục, như thế làm sao gọi là Sám Hối được ?

Thiện-tri-thức, đã sám hối xong, nay vì Thiện-tri-thức phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, mọi người phải dùng Chánh-tâm để nghe :

Tự-tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

Tự-tâm phiền não vô tận thệ nguyện đoạn (dứt),

Tự-tánh Pháp-môn vô lượng thệ nguyện học,

Tự-tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Thiện-tri-thức, chúng ta há chẳng nói 'Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ' sao ? Nói như thế, nhưng chẳng phải là Huệ Năng độ đâu. Thiện-tri-thức, chúng sanh ở nơi Tự-tâm, cũng như tâm tà mê, tâm cuồng vọng, tâm chẳng thiện, tâm ganh tỵ, tâm ác độc... những thứ tâm kể trên đều là chúng sanh. Mọi người phải Tự-tánh tự độ, gọi là Chơn-độ. Sao gọi là Tự-tánh tự độ ? Tức là tà kiến, phiền não, ngu si trong tâm dùng Chánh-kiến để độ; đã có Chánh-kiến, dùng trí Bát-nhã để phá trừ ngu si mê vọng, tà đến chánh độ, mê đến ngộ độ, ngu đến trí độ, ác đến thiện độ, chúng sanh mỗi mỗi tự độ, độ như thế gọi là Chơn-độ.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn : Tức là đem trí Bát-nhã của Tự-tánh, dứt trừ tất cả tư tưởng hư vọng, gọi là Chơn-đoạn.

Pháp-môn vô lượng thệ nguyện học : Phải tự thấy Tự-tánh, thường hành Chánh-pháp, gọi là Chơn-học.

Phật-đạo vô thượng thệ nguyện thành : Ðã quyết tâm dùng công phu, thường hành nơi chơn chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát-nhã, trừ vọng trừ chơn, liền thấy Phật-tánh, tức ngay nơi đó thành Phật-đạo, gọi là Chơn-thành.

Thường nghĩ nhớ tu hành là phát nguyện lực.

Thiện-tri-thức, đã phát tứ hoằng thệ nguyện xong, nay vì Thiện-tri-thức truyền Vô-tướng Tam Quy-y Giới.

Thiện-tri-thức, Quy-y Giác lưỡng túc tôn, Quy-y Chánh ly dục tôn, Quy-y Tịnh Chúng trung tôn.

Từ nay trở đi, xưng Giác làm Thầy, trọn chẳng Quy-y Tà-ma Ngoại-đạo, dùng Tự-tánh Tam-bảo thường tự chứng minh. Khuyên các Thiện-tri-thức nên Quy-y Tự-tánh Tam-bảo : Phật tức là Giác, Pháp tức là Chánh, Tăng tức là Tịnh.

Tự tâm Quy-y Giác thì tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc, hay lìa tài sắc, gọi là Lưỡng Túc Tôn.

Tự tâm Quy-y Chánh, niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng tà kiến nên chẳng có nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.

Tự tâm Quy-y Tịnh, Tự-tánh đối với tất cả cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng Trung Tôn.

Nếu tu hạnh này là tự Quy-y. Phàm phu chẳng hiểu, từ sáng đến tối thọ tam Quy-y, nếu nói Quy-y Phật, Phật ở chỗ nào ? Nếu chẳng thấy Phật thì dựa vào đâu mà Quy-y ? Nói lại thành vọng.

Thiện-tri-thức, mọi người hãy xem xét kỹ, chớ lầm dụng tâm, trong Kinh rõ ràng nói là Quy-y Tự-tánh Phật, chẳng có nói Quy-y tha Phật. Tự-tánh Phật chẳng Quy-y thì đâu còn chỗ nào để Quy-y nữa ?

Nay đã tự ngộ, mỗi mỗi đều phải Quy-y Tự-tánh Tam-bảo, bên trong tự sửa tâm tánh, bên ngoài kính mến mọi người, tức là tự Quy-y vậy.

Thiện-tri-thức, đã Quy-y Tự-tánh Tam-bảo xong các ngươi chú tâm, nghe Ta nói  tất cả ba thân Tự-tánh Phật, khiến các ngươi đều rõ ràng thấy ba thân Phật, tự ngộ Tự-tánh.

Nay nói theo ta :

Nơi tự Sắc-thân Quy-y thanh tịnh Pháp-thân Phật.

Nơi tự Sắc-thân Quy-y thiên bá ức Hóa-thân Phật.

Nơi tự Sắc-thân Quy-y viên mãn Báo-thân Phật.

Thiện-tri-thức, Sắc-thân là nhà trọ, chẳng thể nói Quy-y được. Xưa nay ba thân Phật ở trong Tự-tánh mọi người đều sẵn có, tại tâm mê nên chẳng thấy tánh bên trong, chỉ hướng ngoại tìm ba thân Phật mà chẳng thấy tự thân có ba thân Phật. Các ngươi hãy nghe, nay Ta khiến các ngươi ngay nơi tự thân được thấy Tự-tánh có ba thân Phật; ba thân Phật này từ Tự-tánh sanh ra, chẳng từ bên ngoài mà được.

- Sao gọi là thanh tịnh Pháp-thân Phật ? Người đời tánh vốn thanh tịnh, vạn pháp từ Tự-tánh sanh khởi. Suy lường điều ác tức sanh hạnh ác, suy lường điều thiện tức sanh hạnh lành. Như vậy các pháp ở trong Tự-tánh như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng; vì bị mây đen che khuất nên trên sáng dưới tối; thoạt được gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, vạn tượng đều hiện. Người đời tánh hay phù du lơ lửng như mây trên trời.

Thiện-tri-thức, trí như mặt trời, huệ như mặt trăng, trí huệ thường sáng; vì chấp cảnh bên ngoài, nên bị vọng niệm mây đen che khuất, Tự-tánh chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp được Thiện-tri-thức, nghe được Chánh-pháp, tự trừ mê vọng, trong ngoài đều sáng, vạn pháp đều hiện nơi Tự-tánh, người thấy Tánh cũng vậy. Ðây gọi là 'Thanh-tịnh Pháp-thân Phật'.

Thiện-tri-thức, Tự-tâm Quy-y Tự-tánh tức là Quy-y chơn Phật. Tự Quy-y tức là trong Tự-tánh trừ sạch những tâm bất thiện, tâm ganh tỵ, tâm quanh co, tâm chấp ngã, tâm cuồng vọng, tâm khinh mạn, tâm tà kiến, tâm cống cao và tất cả những hạnh bất thiện. Thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói tốt xấu của người, ấy là Tự Quy-y. Thường phải hạ mình, cung kính mọi người, tức là  thấy Tánh, thông đạt chẳng còn trệ ngại, ấy là 'Tự Quy-y'.

- Sao gọi là Thiên-bá-ức Hóa-thân ? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp, Tánh vốn như hư không. Một niệm suy lường gọi là biến hoá : Suy lường điều ác tức hoá ra Địa-ngục, suy lường việc thiện hoá ra Thiên-đàng, độc hại hoá ra rắn rồng, từ bi hoá ra Bồ-tát, trí huệ hoá ra tam thiện đạo, ngu si hoá ra tam ác đạo. Tự-tánh biến hoá rất nhiều, kẻ mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường đi trên đường ác, hễ nhất niệm hồi tâm hướng thiện, trí huệ liền sanh, đây gọi là 'Tự-tánh Hóa-thân Phật'.

- Sao gọi là Viên-mãn Báo-thân ? Ví như một ngọn đèn trừ được ngàn năm đen tối, một niệm trí huệ diệt được muôn năm ngu mê. Chớ nghĩ việc xưa, đã qua thì bất khả đắc, thường nghĩ về sau, niệm niệm viên tròn sáng tỏ, tự thấy Bản-tánh, thiện ác dù khác, tánh vốn bất-nhị, tánh bất-nhị gọi là thật Tánh, ở trong Thật-tánh chẳng nghĩ thiện ác, đây gọi là Viên-mãn Báo-thân Phật.

Tự-tánh khởi một niệm ác, liền diệt vạn kiếp thiện nhân, Tự-tánh khởi một niệm thiện, liền dứt Hằng-sa ác nghiệp, thẳng đến Vô-thượng Bồ-đề. Niệm niệm tự thấy chẳng mất Bản-niệm gọi là Báo-thân Phật.

Thiện-tri-thức, từ Pháp-thân suy lường tức là Hóa-thân Phật; niệm niệm Tự-tánh tự thấy tức là Báo-thân Phật; tự ngộ tự tu Tự-tánh công đức là Chơn Quy-y. Da thịt này là Sắc-thân, Sắc-thân là nhà trọ, chẳng thể Quy-y được. Hễ ngộ được Tự-tánh ba Thân, tức nhận được Tự-tánh Phật. Nay Ta thuyết bài Vô-tướng-tụng, nếu y theo Tụng này tu hành, ngay đó khiến các ngươi nhiều kiếp ngu mê đều nhất thời tan rã.

Tụng rằng :

Kẻ mê tu phước chẳng tu Đạo,

Chỉ cho tu phước tức là Đạo.

Bố thí cúng dường phước vô biên,

Trong tâm tam ác vẫn còn tạo.

Muốn dùng tu phước để diệt tội,

Kiếp sau được phước tội vẫn còn.

Nhân duyên tội ác trừ nơi Tâm,

Hướng vào Tự-tánh Chơn-sám-hối.

Hoát ngộ Đại-thừa Chơn-sám-hối,

Tà dứt Hạnh-chánh tức vô tội.

Học Đạo thường quán nơi Tự-tánh,

Thì với chư Phật đồng một loại.

Tổ-sư truyền Pháp-đốn-ngộ này,

Nguyện cùng Kiến-tánh đồng nhất thể.

Nếu muốn tương lai ngộ Pháp-thân,

Lìa các Pháp-tướng tâm trong sạch.

Cố gắng tu hành chớ nhởn nhơ,

Hậu niệm thoạt dứt một đời tiêu,

Muốn ngộ Đại-thừa thấy Tự-tánh,

Kính lễ Tri-thức chí tâm cầu(Cầu nơi chẳng cầu gọi là chí tâm cầu.)

Sư bảo : Thiện-tri-thức, cần phải theo Tụng này tu hành, ngay nơi đó được thấy Tánh, dù cách xa Ta ngàn dặm mà thuờng như ở bên cạnh Ta, nếu ngay nơi đó chẳng ngộ, dẫu cho đối diện cũng như cách xa ngàn dặm, uổng công từ xa đến đây. Các ngươi ra về bình yên.

Đại-chúng nghe Pháp đều được tỉnh ngộ, hoan hỷ phụng hành.

>> Phẩm Cơ duyên. 

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn