Tổ Sư Thiền Media
Bạn đọc thân mến, trang viết này giới thiệu những trang mạng có tài liệu hướng dẫn tham thiền :-...
Bạn đọc thân mến, trang viết này giới thiệu những trang mạng có tài liệu hướng dẫn tham thiền :-...
Lúc Sư hoằng Pháp tại chùa Bửu Lâm (Tào Khê) ở miền Nam thì Thần Tú Đại-sư tại chùa Ngọc Tuyền (Kinh Nam) ở miền Bắc. Thời ấy hai Tông thịnh hành, người đời xưng là Nam Năng, Bắc Tú, nên có Nam Bắc đốn tiệm hai Tông, mà người học đạo chẳng biết tông-chỉ của Nam Bắc như thế nào.
Sư bảo Chúng : Pháp vốn một Tông mà người có Nam Bắc; Pháp chỉ một thứ nhưng sự thấy có nhanh chậm. Sao gọi là đốn, tiệm ? Pháp chẳng đốn tiệm, theo căn tánh con người thì có lợi độn, nên gọi đốn tiệm. Nhưng đồ Chúng của Thần Tú thường hay khinh chê Tổ-sư ở miền Nam là người chẳng biết chữ, đâu có gì hay ?
Thần Tú nói : Lục-tổ đắc Vô-sư-trí, triệt ngộ Pháp-tối-thượng-thừa, ta chẳng bằng được. Vả lại được Thầy ta Ngũ-tổ thân truyền Y&Pháp, đâu phải khi không mà được ? Ta tiếc chẳng thể đi xa để được thân cận, uổng chịu Quốc-ân. Các ngươi chớ bị kẹt nơi đây, nên đi đến Tào Khê để tham học. Một hôm, Thần Tú sai môn đồ Chí Thành : Ngươi thông minh có trí, hãy thay ta đến Tào Khê nghe Pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, về lập lại cho ta. Chí Thành vâng lời, bèn đến Tào Khê, theo Chúng tham học mà chẳng nói từ chỗ nào đến. Lúc đó Sư bảo Chúng : Nay có kẻ trộm Pháp đang ẩn trong Hội này. Chí Thành bèn bước ra lễ bái, bạch rõ nguyên do.
Sư nói : Ngươi từ Ngọc Tuyền đến tức là mật thám vậy.
Ðáp : Chẳng phải.
Sư nói : Sao lại chẳng phải ?
Ðáp : Lúc chưa nói ra thì phải, nói ra rồi thì chẳng phải.
Sư hỏi : Thầy ngươi lấy gì để dạy Chúng ?
Ðáp : Thầy tôi thường khuyên dạy Chúng 'trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi chẳng nằm'.
Sư nói : Trụ tâm quán tịnh là bệnh chứ chẳng phải thiền, ngồi mãi là trói thân, với Đạo có ích lợi gì ?
Hãy nghe kệ đây :
Lúc sống thì ngồi chẳng nằm,
Lúc chết thì nằm chẳng ngồi.
Vốn là đống xương hôi thối,
Ðâu thể thành lập công phu ?
Chí Thành lại lễ Sư : Ðệ-tử ở nơi Thần Tú Đại-sư học đạo chín năm mà chẳng được khế ngộ, nay nghe Hòa-thượng một lời liền khế ngộ Bản-tâm. Sanh tử của đệ-tử là việc lớn, xin Hòa-thượng từ bi chỉ dạy thêm.
Sư nói : Ta nghe nói Thầy ngươi dạy người học Pháp : Giới, định, huệ; chẳng biết hành tướng giới định huệ như thế nào, hãy nói thử xem.
Chí Thành nói : Thần Tú Đại-sư nói những điều ác chớ làm gọi là giới, những điều lành phụng hành gọi là huệ, ý căn tự trong sạch gọi là định. Đại-sư dạy như thế, chưa biết Hòa-thượng lấy Pháp gì để dạy người ?
Sư nói : Nếu nói có Pháp dạy người ấy là dối ngươi, Ta chỉ tuỳ theo căn cơ để mở trói, giả danh tam-muội. Như giới-định-huệ của Thầy ngươi thật là bất khả tư nghì, Giới-định-huệ của Ta lại khác.
Hỏi : Giới-định-huệ chỉ nên có một, sao lại có khác ?
Sư nói : Giới-định-huệ của Thầy ngươi độ người Đại-thừa, Giới-định-huệ của Ta tiếp người Tối-thượng-thừa, chỗ ngộ giải chẳng đồng nên sự thấy có nhanh chậm.
Hãy nghe Ta nói, xem có giống Thầy ngươi chăng ! Ta thuyết Pháp chẳng lìa Tự-tánh, lìa Tánh thuyết Pháp, khiến cho Tự-tánh thường mê, ấy là Tướng-thuyết. Nên biết tất cả pháp đều từ Tự-tánh khởi dụng, ấy là Chơn-pháp của Giới-định-huệ vậy.
Hãy nghe kệ đây :
Tâm-địa chẳng quấy Tự-tánh-giới,
Tâm-địa chẳng si Tự-tánh-huệ,
Tâm-địa chẳng loạn Tự-tánh-định.
Chẳng thêm chẳng bớt tự như-như,
Thân đến thân đi vốn tam-muội.
Chí Thành nghe xong cảm tạ, trình kệ rằng :
Ngũ Uẩn thân huyễn hoá,
Huyễn đâu có cứu cánh.
Trở về với Chơn-như,
Chấp pháp vẫn chẳng tịnh (chẳng thanh tịnh).
Sư cho là đúng, lại bảo Chí Thành : Giới-định-huệ của Thầy ngươi dạy người căn khí nhỏ, Giới-định-huệ của Ta dạy người căn khí lớn. Nếu ngộ được Tự-tánh, cũng chẳng lập Bồ-đề Niết-bàn, cũng chẳng lập 'giải thoát tri kiến', chẳng có một pháp có thể đắc, như thế mới được kiến lập vạn pháp. Nếu thấu lý này, cũng gọi là Bồ-đề Niết-bàn, cũng gọi là Giải-thoát-tri-kiến. Người Kiến-tánh lập cũng được, chẳng lập cũng được, đi lại tự do, chẳng trệ chẳng ngại, cần dùng liền làm, cần nói liền đáp (làm và nói đều chẳng tác ý), khắp hiện Hóa-thân chẳng lìa Tự-tánh, tức được thần thông tự tại, du hý tam-muội, gọi là Kiến-tánh.
Chí Thành lại bạch : Thế nào là nghĩa 'chẳng lập' ?
Sư nói : Tự-tánh chẳng quấy chẳng si chẳng loạn, niệm niệm quán chiếu Bát-nhã, thường lìa Pháp-tướng, tự do tự tại, thuận nghịch đều được, có gì để lập ? Tự-tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, cũng chẳng thứ tự, cho nên chẳng lập tất cả pháp, các pháp tịch diệt, đâu có thứ lớp ?
Chí Thành lễ bái, nguyện làm thị-giả hầu hạ sớm chiều.
*
- Tăng Chí Triệt, họ Trương tên Hành Xương, người ở Giang Tây, thuở nhỏ tánh hào hiệp. Lúc ấy Nam Bắc chia ra hai Tông, tuy Lục-tổ và Thần Tú Ðại-sư không phân chia bỉ thử, nhưng đồ chúng lại cạnh tranh với nhau sanh lòng ưa ghét, mà môn đồ bên Bắc Tông tự lập Thần Tú làm Tổ thứ 6, lại sợ người đời biết được sự truyền Y của Ngũ-tổ, nên sai Hành Xương đến ám sát Lục-tổ. Sư tâm thông đã biết việc này, bèn lấy mười lượng vàng để nơi ghế ngồi. Lúc tối Hành Xương lén vào Thất muốn ám sát. Sư đưa cổ cho chém. Hành Xương cầm kiếm chém ba lần, chẳng gây vết thương.
Sư nói : Chánh-kiến (kiếm) chẳng tà, tà kiến (kiếm) chẳng chánh (theo Hán tự, chữ kiến với chữ kiếm khác chữ đồng âm, ở đây là một lời hai nghĩa), chỉ nợ ngươi vàng, chẳng nợ ngươi mạng.
Hành Xương kinh sợ ngã xỉu, một hồi lâu mới tỉnh dậy, ăn năn cầu xin sám hối, bèn xin xuất gia.
Sư đưa vàng cho và dặn : Ngươi hãy đi, sợ đồ chúng biết được sẽ sát hại ngươi, để ngày khác ngươi thay đổi hình dạng rồi trở lại, Ta sẽ cho thỏa nguyện.
Hành Xương nghe lời, nửa đêm trốn đi, sau ở nơi khác xuất gia. Một hôm nhớ đến lời dặn của Sư, bèn từ xa đến tham lễ.
Sư nói : Ta chờ ngươi đã lâu, sao đến trễ vậy ?
Hành Xương nói : Ngày trước được Hòa-thượng xá tội, nay dù xuất gia khổ hạnh, nhưng khó mà báo ơn, chỉ mong được Hòa-thượng truyền Pháp để độ chúng sanh. Ðệ-tử xem Kinh Niết-bàn, chưa hiểu cái nghĩa 'thường' và 'vô thường', xin Hòa-thượng từ bi giải thích sơ lược.
Sư nói : Vô thường tức Phật-tánh, có thường tức cái tâm phân biệt tất cả pháp thiện ác vậy.
Hành Xương nói : Lời của Hòa-thượng rất nghịch lời văn trong Kinh.
Sư nói : Ta được truyền Tâm-ấn Phật, đâu dám nghịch ý Kinh !
Hành Xương nói : Kinh nói Phật-tánh là thường, Hòa-thượng lại nói là vô thường. Các pháp thiện ác cho đến Bồ-đề-tâm đều là vô thường, Hòa-thượng lại nói là thường, ấy là trái nghịch nhau, khiến đệ-tử lại thêm nghi ngờ.
Sư nói : Xưa kia Ta nghe Ni Vô-tận-tạng tụng qua một lần Kinh Niết-bàn, bèn vì Ni giải thuyết, chẳng có một chữ một nghĩa không đúng với lời văn trong Kinh, cho đến nay vì ngươi mà thuyết, trước sau chẳng khác.
Hành Xương nói : Ðệ-tử căn tánh ngu muội, xin Hòa-thượng khai-thị tỉ mỉ.
Sư nói : Ngươi biết chăng, Phật-tánh nếu thường còn nói gì về các pháp thiện ác; cho đến tận kiếp cũng chẳng một người phát Bồ-đề-tâm, nên Ta nói vô thường, ấy chính là cái đạo Chơn-thường do Phật thuyết vậy. Hơn nữa, tất cả các pháp nếu vô thường thì mỗi mỗi đều có Tự-tánh riêng biệt để lãnh thọ sanh tử, vậy thì tánh chơn thường khắp nơi lại có chỗ thiếu sót, nên Ta nói thường, ấy chính là nghĩa chơn vô thường của Phật. Phật vì kẻ phàm phu tà đạo chấp nơi Tà-thường, những người Nhị-thừa từ nơi thường, suy ra vô thường, cộng thành tám thứ điên đảo, nên trong Kinh Niết-bàn liễu nghĩa phá những thiên kiến của họ để tỏ bày bốn đức của Niết-bàn : Chơn-thường, chơn-lạc, chơn-ngã và chơn-tịnh. Ngươi nay theo lời trái nghĩa, lấy 'đoạn diệt vô thường' và 'chấp thường' là cố định, mà hiểu lầm lời nói sau cùng viên tròn vi diệu của Phật, dẫu cho xem Kinh ngàn lần, có ích gì đâu ?
Hành Xương hoát nhiên đại ngộ, nói kệ rằng :
Vì giữ tâm vô thường,
Phật nói tánh có thường.
Kẻ chẳng biết phương tiện,
Như mò sỏi tưởng vàng,
Nay ta chẳng tác ý,
Phật-tánh tự hiện tiền,
Chẳng phải do Thầy cho
Ta cũng vô-sở-đắc.
Sư nói : Ngươi nay đã triệt ngộ, nên đổi tên Trí Triệt. Trí Triệt lễ tạ lui ra.
LƯỢC GIẢI : Lời của chư Phật chư Tổ chỉ tạm dùng để phá chấp : Nói 'thường' là để phá chấp vô thường, nói 'vô thường' là để phá chấp thường, chớ không có nghĩa thật. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói : 'Hễ là lời nói thì đều chẳng có nghĩa thật'. Phẩm tựa đã chỉ rõ Phật-tánh phi thường phi vô thường, do đó mặc dù lời Tổ với lời Phật trái nghịch nhau, nhưng ý Tổ với ý Phật chẳng khác là nghĩa này vậy.
*
Sư thấy môn đồ các Tông tụ tập dưới Pháp-tòa, đều khởi ác ý vấn nạn.
Sư thương xót cho họ nên bảo rằng : Người học Đạo cần phải dứt trừ cho sạch tất cả thiện niệm ác niệm, cho đến chẳng còn chỗ để gắn tên, rồi lại gắn tên nơi Tự-tánh; Tự-tánh vốn bất nhị, gọi là Thật-tánh. Từ nơi Thật-tánh mới kiến lập tất cả Giáo-môn. (Như vậy, Pháp-môn của các Tông dù có khác, nhưng đều cùng xuất phát từ một nguồn, vốn chẳng cao thấp, người học đạo chớ nên tranh giành hơn thua mà trái nghịch với Đạo). Còn Pháp-đốn-giáo này thì cần phải ngay đó (chẳng tác ý) tự ngộ tự thấy mới được.
Đại Chúng nghe xong thảy đều đảnh lễ, thờ Sư làm Thầy.
>> Phẩm Hộ Pháp.
Tác giả bài viết: Liễu Phàm
Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn