06:07 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Minh Bổn

Minh Bổn Thiền-sư (1263-1323), phái Thiền Lâm Tế đời thứ 19, họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả lót nữa và đã biết ngồi kiết-già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Pháp Bảo Đàn

Kinh Pháp Bảo Đàn - phẩm Hộ pháp, Phó chúc

Thứ ba - 02/04/2013 06:34 Xem: 1641
PHẨM HỘ PHÁP

Ngày rằm tháng giêng niên hiệu Thần Long nguyên niên, vua Trung Tôn và Võ Tắc Thiên ban Chiếu rằng :

- Trẫm mời An Quốc-sư và Thần Tú thiền-sư hai vị vào Cung cúng dường, thừa lúc muôn việc nhàn rảnh để nghiên cứu đạo Nhất-thừa. Hai Sư khiêm nhượng rằng : Ở miền Nam có Huệ Năng thiền-sư được Ngũ-tổ mật phó Y&Pháp, truyền Tâm-ấn-phật, xin mời Sư đến để hỏi. Nay sai nội thị Tiết Giản lãnh chiếu đến rước thỉnh, nguyện Sư từ bi thương xót, mau đến kinh thành.

Sư dâng biểu cáo bệnh khước từ và xin được trọn đời ở trong núi rừng.

Tiết Giản hỏi : Các Thiền-đức nơi Kinh-thành đều nói là muốn được ngộ đạo phải ngồi thiền tập định, nếu không nhờ thiền định mà mong được giải thoát thì chưa hề có vậy. Chưa biết cách dạy bảo của Sư như thế nào ?

Sư nói : 'Ðạo do tâm ngộ chẳng tại tọa', Kinh viết : 'Nếu nói Như-lai có nằm có ngồi, ấy là kẻ hành tà đạo'. Tại sao vậy ? Vì Tự-tánh chẳng có chỗ đến, cũng chẳng có chỗ đi, chẳng sanh chẳng diệt, gọi là Như-lai Thanh-tịnh-thiền. Chư pháp không-tịch là Như-lai Thanh-tịnh-tọa, cứu cánh chẳng có một pháp để chứng đắc, huống chi là ngồi ?!

Tiết Giản nói : Ðệ-tử về Kinh, Hoàng-đế ắt hỏi, xin Sư từ bi chỉ thị Tâm-yếu, để về Triều-đình tâu lại hai Vua và người học Đạo ở Kinh-thành, thí như một ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn, khiến kẻ tối đều sáng, dùng sáng truyền sáng, sáng mãi chẳng hết.

Sư nói : Ðạo chẳng sáng tối, sáng tối là nghĩa sanh diệt. Sáng mãi chẳng hết, cũng phải có lúc hết, vì sáng tối là đối đãi lập danh, nên Kinh Duy-ma-cật nói : Pháp chẳng thể so sánh, vì chẳng đối đãi vậy.

Tiết Giản nói : Sáng dụ cho trí huệ, tối dụ cho phiền não, người tu đạo nếu không lấy trí huệ để chiếu phá phiền não thì cái sanh tử đã từ vô thỉ, dựa vào đâu để ra khỏi ?

Sư nói : Phiền não tức Bồ-đề, chẳng hai chẳng khác. Nếu nói lấy trí huệ để chiếu phá phiền não, ấy là kiến giải của kẻ Nhị-thừa, người đại căn thượng trí thì chẳng như vậy.

Hỏi : Thế nào là kiến giải của người Đại-thừa ?

Sư nói : Sáng với chẳng sáng, phàm phu thấy có nhị, người Trí liễu đạt tánh ấy bất nhị, tánh bất nhị tức là Thật-tánh vậy. Thật-tánh ở nơi phàm ngu mà chẳng bớt, nơi Thánh-hiền mà chẳng thêm; trụ nơi phiền não mà chẳng loạn, ngay nơi Thiền-định mà chẳng tịch, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đi chẳng đến, chẳng phải ở giữa, cũng chẳng bên trong bên ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng biến đổi, ấy gọi là Đạo.

Hỏi : Sư nói chẳng sanh chẳng diệt, vậy đâu khác với Ngoại-đạo ?

Ðáp : Ngoại-đạo nói 'chẳng sanh chẳng diệt' là dùng diệt để dẹp sanh, dùng sanh để tỏ diệt, sanh nơi chẳng sanh, diệt nơi chẳng diệt. Ta thuyết chẳng sanh chẳng diệt là 'tự vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt' cho nên khác với Ngoại-đạo. Nếu ngươi muốn biết Tâm-yếu, nên đối với các pháp thiện ác đều chớ suy lường, tự nhiên được Tâm-thể thanh tịnh, trạm nhiên thường tịch, diệu dụng Hằng-sa.

Tiết Giản được chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ bái từ giã về Kinh, dâng biểu tâu thuật lại lời nói của Sư.

Ngày 3 tháng 9 năm ấy, Vua ban chiếu khen ngợi rằng :

"Thiền-sư cáo bệnh khước từ, đã vì Trẫm tu hành, làm phước điền cho chúng sanh. Sư như Ngài Duy-ma-cật, cáo bệnh ở thành Tỳ-da để xiển dương Đại-thừa, truyền Phật-tâm-ấn, thuyết Pháp-bất-nhị. Tiết Giản truyền đạt lại Tri-kiến-phật của Sư chỉ dạy, cũng là do Trẫm tích tụ phước đức, kiếp trước đã gieo trồng thiện căn, nên được gặp Sư xuất hiện cùng đời, đốn ngộ Pháp-tối-thượng-thừa, cảm đội ơn Sư chẳng thể nào quên. Nay dâng chiếc Cà-sa và bình bát thủy tinh, sai quan Thứ-sử Thiều Châu tu sửa lại chùa chiền, sắc phong cho nơi ở cũ của Sư (ở Tân Châu) là Quốc Ân Tự".

 

PHẨM PHÓ CHÚC

Một hôm Sư gọi các đệ-tử như Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Ðạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Ðạo, Pháp Trân, Pháp Như nói :

Các ngươi chẳng như người khác, sau khi Ta viên tịch, mỗi người làm Thầy một nơi. Nay Ta dạy các ngươi cách thuyết Pháp chẳng đánh mất Bản-tông. Trước tiên phải y theo Pháp-môn Tam Khoa, dùng ba mươi sáu Pháp-đối : Ra & vào (khai-thị bằng lời nói hay cử chỉ) thường lìa nhị biên, thuyết tất cả pháp chẳng lìa Tự-tánh. Thí như có người hỏi pháp, ý nghĩa lời nói song song, đến và đi làm nhân với nhau, đều dùng Pháp-đối. Nếu không có đối đãi thì ba pháp hai đầu và ở giữa đều dứt, chẳng còn chỗ để nương tựa.

Pháp-môn Tam Khoa là gì ? Là Ấm, Nhập, Giới :

Ấm là năm Ấm gồm : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Nhập có mười hai : Bên ngoài sáu Trần gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; bên trong sáu Căn gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

Giới có mười tám gồm : 6 Căn, 6 Trần, 6 Thức.

Tự-tánh bao hàm vạn pháp, gọi là Hàm-tạng-thức. Nếu khởi niệm suy lường tức là 'chuyển Thức', khiến sanh sáu Thức, ra cửa sáu Căn, tiếp xúc sáu Trần. Như vậy mười tám giới đều từ Tự-tánh khởi dụng, Tự-tánh nếu tà thì khởi mười tám tà, Tự-tánh nếu Chánh thì khởi mười tám Chánh, niệm ác dụng tức Chúng-sanh-dụng, niệm thiện dụng tức Phật-dụng. Dụng bằng cách nào là do Tự-tánh lập ra Pháp-đối :

Ngoại cảnh vô tình có năm đối : Trời đối đất, nhựt đối nguyệt, sáng đối tối, âm đối dương, thủy đối hỏa, ấy là năm đối.

Pháp-tướng ngôn ngữ có mười hai đối : Ngữ đối pháp, hữu đối vô, hữu sắc đối vô sắc, hữu tướng đối vô tướng, hữu lậu đối vô lậu, sắc đối không, động đối tịnh, thanh đối trược, phàm đối Thánh, Tăng đối tục, già đối trẻ, lớn đối nhỏ, ấy là mười hai đối.

Tự-tánh khởi mười chín đối : Dài đối ngắn, tà đối Chánh, si đối Huệ, ngu đối Trí, loạn đối Định, Từ đối độc, Giới đối quấy, Trực đối khúc, Thật đối hư, chông gai đối bằng phẳng, phiền não đối Bồ-đề, Thường đối vô thường, Bi đối hại, Hỷ đối sân, Bố-thí đối bỏn xẻn, tiến đối lui, sanh đối diệt, Pháp-thân đối Sắc-thân, Hoá-thân đối Báo-thân, ấy là mười chín đối vậy.

Sư bảo : Ba mươi sáu Pháp-đối này nếu biết dùng thì thấu Đạo và tất cả Kinh-pháp, ra vào thường lìa hai bên. Dụng của Tự-tánh chẳng cần tác ý, nói năng với người, ngoài thì ở nơi tướng lìa tướng, trong thì nơi không lìa không. Nếu trọn chấp Tướng thì sanh trưởng tà-kiến, nếu trọn chấp Không thì sanh trưởng vô-minh. Kẻ chấp Không hay phỉ báng Kinh-phật, cho là chẳng cần văn tự, đã nói chẳng cần văn tự thì con người cũng không nên có lời nói, cái lời nói tức là tướng văn tự. Lại nói 'Ðạo ngay thẳng chẳng lập văn tự', thật ra hai chữ 'chẳng lập' cũng là văn tự vậy ! Vừa nghe người thuyết Pháp, liền phỉ báng cho là dính mắc văn tự, các ngươi phải biết, tự mê còn đỡ, lại phỉ báng Kinh-phật. Chớ nên phỉ báng Kinh, để tạo nhiều tội chướng.

Nếu chấp Tướng bên ngoài mà vọng lập phương pháp để cầu Chơn, hoặc rộng lập Đạo-tràng, nói các lỗi lầm của Có và Không, những người như vậy nhiều kiếp chẳng thể Kiến-tánh. Các ngươi phải dạy người theo pháp tu hành, chớ nên trăm điều chẳng nghĩ làm cho Đạo-tánh bị ngăn ngại.

Nếu thuyết Pháp dạy người, chớ nên nói Tự-tánh vốn chẳng cần tu chứng, nói như vậy e rằng kẻ mê chẳng hiểu, lại sanh tà-kiến. Chỉ nên dạy người theo Pháp tu hành, hành Pháp-thí mà chẳng trụ nơi Pháp-tướng. Các ngươi nếu ngộ thì thuyết như vậy, dụng như vậy, hành như vậy, tác như vậy tức không đánh mất bản Tông.

Nếu có người đến hỏi nghĩa: Hỏi có thì đáp không, hỏi không thì đáp có, hỏi Thánh đáp phàm, hỏi phàm đáp Thánh, hai biên làm nhân với nhau, sanh nghĩa Trung-đạo. Hỏi nào đáp nấy, tất cả các câu hỏi khác đều đáp như thế thì chẳng mất cái chánh lý vậy. Như có người hỏi thế nào là tối ? thì đáp sáng, hỏi thế nào là sáng ? thì đáp tối. Vì sáng mất thì tối, tối mất thì sáng, dùng sáng để tỏ sự tối, dùng tối để tỏ sự sáng, trở đi trở lại làm nhân với nhau thành nghĩa Trung-đạo, tất cả câu hỏi đều phải như thế. Về sau các ngươi truyền Pháp, phải y theo đây mà dạy bảo, chớ đánh mất Tông-chỉ.

Vào tháng bảy năm Nhâm Tý, niên hiệu Thái Cực Diên Hoà (712), Sư sai môn đồ đến Quốc Ân Tự nơi Tân Châu để xây Tháp, đốc thợ làm gấp, đến mùa hè năm sau khánh thành.

Ngày mùng một tháng bảy, Sư tựu tập đồ Chúng bảo : Ðến tháng tám Ta sẽ rời thế gian, các ngươi có nghi cứ hỏi sớm đi, Ta sẽ phá nghi, khiến các ngươi hết mê hoặc, nếu Ta đi rồi thì chẳng ai dạy bảo.

Các môn đồ nghe nói thảy đều rơi lệ, chỉ có Thần Hội bình tĩnh chẳng động, cũng chẳng rơi lệ.

Sư nói : Chỉ có tiểu sư Thần Hội được sự thiện bất thiện đồng nhau, khen chê chẳng động, vui buồn chẳng sanh, ngoài ra các ngươi đều chẳng được, bấy lâu nay ở trên núi lại tu Đạo gì ? Nay các ngươi rơi lệ là lo buồn cho ai ? Nếu nói lo cho Ta chẳng biết sẽ đi về đâu, Ta tự biết chỗ đi, nếu Ta chẳng biết chỗ đi thì làm sao dự báo trước cho các ngươi ? Các ngươi rơi lệ vì chẳng biết chỗ Ta đi, nếu biết chỗ Ta đi thì chẳng nên rơi lệ. Pháp-tánh vốn chẳng sanh diệt tới lui. Các ngươi hãy ngồi, Ta nói với các ngươi một bài Kệ, gọi là 'Chơn Giả Động Tịnh Kệ', các ngươi giữ lấy kệ này, theo đó tu hành, chẳng đánh mất tông-chỉ, thì cùng Ta đồng một ý chí. Đại-chúng đảnh lễ, xin Sư làm Kệ,

Kệ rằng :

Tất cả chẳng có chơn,

Chớ nên cho là chơn.

Nếu người thấy có chơn,

Sự thấy đều chẳng chơn.

Nếu được tự có chơn,

Lìa giả, Tâm tức Chơn.

Tự-tâm chẳng lìa giả, (1)

Làm sao có chỗ chơn ?

Hữu tình tất phải động,

Vô tình thì bất động.

Nếu tu hạnh bất động,

Ðâu khác loài vô tình !

Muốn tìm chơn bất động,

Nơi động là bất động,

Bất động (vô tình) đã bất động,

Vô tình vô Phật chủng.

Nếu người khéo phân biệt,

Ðệ nhất nghĩa bất động.

Cái thấy được như vậy,

Tức là Chơn-như-dụng.

Báo cho người học đạo,

Siêng tu phải chú ý.

Chớ nên nơi Đại-thừa,

Lại chấp trí sanh tử.

Vừa nghe liền tương ưng,

Cùng nhau luận nghĩa Phật.

Nếu người chẳng tương ưng,

Chắp tay khiến hoan hỷ.

Tông này vốn vô tranh,

Tranh thì mất ý đạo.

Kẻ trái nghịch Pháp-môn,

Tự-tánh vào sanh tử.

GHI CHÚ :(1) Đúng với sai, chân với giả .. đều là giả. Kẻ trái nghịch Pháp-môn, Tự-tánh vào sanh tử.

Ðồ-chúng nghe xong thảy đều đảnh lễ, lãnh hội theo ý của Sư, mọi người tự nhiếp Tâm y Pháp tu hành, chẳng dám tranh luận nữa. Ðã biết Sư trụ thế chẳng bao lâu, Thượng-tọa Pháp Hải lễ bái hỏi : Sau khi Hòa-thượng viên tịch thì Y&Pháp nên trao phó cho ai ?

Sư nói : Tất cả khai-thị kể từ khi Ta thuyết Pháp ở chùa Ðại Phạn đến nay, ghi chép lại để lưu truyền cho đời sau, tựa là PHÁP BẢO ÐÀN KINH, các ngươi phải hộ trì trao truyền cho nhau để hoá độ chúng sanh, y theo Kinh này gọi là Chánh-pháp. Nay chỉ vì các ngươi truyền Pháp mà chẳng truyền Y&Bát, vì các ngươi tín căn đã thuần thục, quyết định chẳng nghi, đều có khả năng đảm nhiệm việc lớn của chư Phật chư Tổ truyền lại. Vả lại theo ý bài kệ truyền thọ của Tổ Ðạt-ma thì Y cũng chẳng nên truyền.

Kệ rằng :

Ta đến đất nước này,

Truyền Pháp cứu người mê.

Một bông nở năm cánh,

Kết quả tự nhiên thành.

Sư lại nói : Các ngươi nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí, phải thấu ngộ 'nhất tướng tam-muội' và 'nhất hạnh tam-muội'. Ở tất cả nơi mà chẳng trụ tướng, nơi mọi tướng chẳng sanh yêu ghét, cũng chẳng lấy bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích thành bại, trong tâm trống rỗng dung hoà, an nhàn đạm bạc, đây gọi là nhất tướng tam-muội. Ở tất cả nơi đi đứng nằm ngồi, duy nhất hành theo Trực-tâm, nơi nào cũng là bất động đạo tràng, như vậy mới thành chơn Tịnh-độ, đây gọi là nhất hạnh tam-muội. Nếu người đủ hai thứ tam-muội này, như gieo giống dưới đất, luôn luôn tưới nước và bón phân, cuối cùng sẽ được quả chín. Nhất-tướng, nhất-hạnh cũng như vậy.

Nay Ta thuyết Pháp dụ như mưa lớn, thấm nhuần đại địa, Phật-tánh của các ngươi giống như hạt giống, gặp mưa thấm nhuần liền được sanh trưởng. Nối theo tông-chỉ của Ta quyết thành Bồ-đề, hành theo Pháp Ta ắt chứng Diệu-quả, hãy nghe Kệ đây :

Tâm địa chứa nhiều giống,

Gặp mưa đều nẩy mầm.

Ðốn ngộ Tự-tâm rồi,

Quả Bồ-đề tự thành.

Sư thuyết kệ xong nói : Pháp chẳng có hai, Tự-tâm cũng vậy, Đạo vốn thanh tịnh (trong sạch), cũng chẳng các tướng. Các ngươi cẩn thận, chớ nên quán tịnh và chấp không nơi tâm, Tự-tâm vốn thanh tịnh, chẳng thể lấy bỏ. Mọi người cứ tùy duyên mà đi, hãy cố gắng tu hành !

Ðồ-chúng nghe xong đảnh lễ lui ra.

Ngày mùng 8 tháng 7, Sư bỗng gọi môn đồ : Ta muốn về Tân Châu, hãy mau lo ghe thuyền. Đại-chúng đều năn nỉ ở lại, Sư nói : Chư Phật ra đời còn phải thị hiện Niết-bàn, có đến thì có đi, lý thường như vậy, thể xác của Ta tất phải có chỗ về.

Chúng nói : Sư từ nay đi, chừng nào trở về ?

Sư nói : Lá rụng về cội, trở về chẳng nói.

Lại hỏi : Chánh-pháp-nhãn-tạng truyền phó cho ai ?

Sư nói : Người có Đạo thì được, người vô tâm thì thông.

Lại hỏi : Chưa biết xưa nay chư Phật chư Tổ ứng hiện, truyền thọ được bao nhiêu đời ? Xin Sư cho biết.

Sư nói : Cổ Phật ứng thế đã vô số lượng, chẳng thể tính được, nay từ 7 Phật bắt đầu : Quá khứ Trang Nghiêm Kiếp : Tỳ-bà-thi Phật, Thi-khí Phật, Tỳ-xá-phù Phật. Hiện tại Hiền Kiếp : Câu-lưu-tôn Phật, Câu-na-hàm Mâu-ni Phật, Ca-diếp Phật, Thích-ca Mâu-ni Phật, ấy là 7 vị Phật.

Thích-ca Văn Phật đầu tiên truyền cho  :

Tổ thứ 1       : Ma-ha Ca-diếp.

Tổ thứ 2       : A-nan Tôn Giả.

Tổ thứ 3       : Thương-na-hòa-tu.

Tổ thứ 4       : Ưu-ba-cúc-đa.

Tổ thứ 5       : Đề-đa-ca.

Tổ thứ 6       : Di-giá-ca.

Tổ thứ 7       : Bà-tu-mật-đa.

Tổ thứ 8       : Phật-đà-nan-đề.

Tổ thứ 9       : Phục-đà-mật-đa.

Tổ thứ 10     : Hiếp Tôn-giả.

Tổ thứ 11     : Phú-na-dạ-xa.

Tổ thứ 12     : Mã-minh Đại-sĩ.

Tổ thứ 13     : Ca-tỳ-ma-la.

Tỏ thứ 14     : Long-thọ Đại-sĩ.

Tổ thứ 15     : Ca-na-đề-bà.

Tổ thứ 16     : La-hầu-la-đa.

Tổ thứ 17     : Tăng-già-nan-đề.

Tổ thứ 18     : Già-gia-xá-đa.

Tổ thứ 19     : Cưu-ma-la-đa.

Tổ thứ 20     : Xà-da-đa.

Tổ thứ 21     : Bà-tu-bàn-đầu.

Tổ thứ 22     : Ma-noa-la.

Tổ thứ 23     : Hạc-lặc-na.

Tổ thứ 24     : Sư-tử Tôn-giả.

Tổ thứ 25     : Bà-xà-tư-da.

Tổ thứ 26     : Bất-như-mật-đa.

Tổ thứ 27     : Bát-nhã-đa-la.

Tổ thứ 28     : Bồ-đề-đạt-ma.

Tổ thứ 29     : Huệ Khả Đại-sư.

Tổ thứ 30     : Tăng Xán Đại-sư.

Tổ thứ 31     : Đạo Tín Đại-sư.

Tổ thứ 32     : Hoằng Nhẫn Đại-sư.

Tổ thứ 33     : Huệ Năng.

Từ trên chư Tổ, mỗi mỗi đều có truyền thừa. Các ngươi về sau cũng y theo thứ tự truyền thọ, chớ trái với truyền thống.

Ngày mùng 3 tháng 8 năm Quí Sửu (713), ở chùa Quốc Ân dùng trai xong, Sư bảo đồ Chúng : Các hãy theo thứ tự an tọa để Ta từ biệt.

Pháp Hải bạch : Hòa-thượng lưu lại Giáo-pháp nào khiến người mê về sau được thấy Phật-tánh ?

Sư nói : "Các ngươi hãy để ý nghe, người mê đời sau nếu nhận được chúng sanh tức Phật-tánh. Nếu chẳng nhận được chúng sanh, dẫu cho muôn kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay Ta dạy các ngươi nhận được tự tâm chúng sanh, thấy tự tâm Phật-tánh. Muốn được gặp Phật hãy nhận chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê lầm Phật-tánh, chẳng phải Phật-tánh mê lầm chúng sanh; Tự-tánh nếu ngộ, chúng sanh là Phật; Tự-tánh nếu mê, Phật là chúng sanh. Tự-tánh bình đẳng, chúng sanh là Phật; Tự-tánh tà hiểm, Phật là chúng sanh. Các ngươi nếu tâm hạnh quanh co thì Phật ở nơi chúng sanh. Nếu được 'nhất niệm bình đẳng' ngay thẳng thì chúng sanh là Phật.

Tâm ta tự có Phật,

Tự Phật là chơn Phật.

Nếu tự chẳng Phật-tâm,

Nơi nào tìm chơn Phật ?

Các ngươi Tự-tâm là Phật, chớ hồ nghi nữa. Vạn pháp đều từ Tự-tâm sanh khởi, chẳng phải vật bên ngoài có thể kiến lập. Nên Kinh nói : Tâm sanh thì mọi pháp sanh, tâm diệt thì mọi pháp diệt. Nay Ta để lại bài Kệ để làm lời từ biệt, gọi là : Tự Tánh Chơn Phật Kệ, người đời sau nhận được ý của kệ này, tự thấy Bản-tâm, tự thành Phật-đạo.

Kệ rằng :

Chơn-như Tự-tánh là chơn Phật,

Tà-kiến tam độc là Ma-vương.

Lúc tà mê khởi Ma tại nhà,

Khi có Chánh-kiến Phật tại Điện,

Tâm nổi tà-kiến tam độc sanh,

Tức là Ma-vương đến nhà ở.

Chánh-kiến khởi lên tam độc trừ,

Ma trở thành Phật thật chẳng giả.

Pháp-thân, Báo-thân và Hoá-thân,

Ba Thân vốn chỉ là một Thân.

Nếu được tự thấy nơi Tự-tánh,

Gieo nhân Bồ-đề tức thành Phật.

Vốn từ Hoá-thân sanh Tịnh-tánh,

Tịnh-tánh thường trụ nơi Hoá-thân.

Tánh khiến Hoá-thân hành Chánh-đạo,

Tương lai viên mãn vô cùng tận.

Dâm tánh vốn là nhân Tịnh-tánh,

Trừ dâm tức là Tịnh-tánh-thân.

Nơi Tánh thường tự lìa ngũ dục,

Sát-na kiến Tánh tức là Chơn.

Ðời nay nếu gặp Pháp-đốn-giáo,

Hoát ngộ Tự-tánh gặp Thế-tôn.

Người nếu tu hành cầu làm Phật,

Chẳng biết nơi nào để cầu Chơn.

Nếu ngay nơi Tâm tự thấy Chơn,

Có Chơn tức là nhân thành Phật.

Chẳng thấy Tự-tánh, ngoài tìm Phật,

Khởi tâm tìm Phật là si mê.

Pháp-môn Đốn-giáo nay đã truyền,

Cứu độ chúng sanh phải tự tu.

Báo cho tương lai người học Đạo,

Chẳng theo Chánh-kiến mãi mãi chìm.

Sư thuyết Kệ xong, bảo : Các ngươi phải tự hộ trì, sau khi Ta viên tịch, chớ nên theo tình chấp thế gian rơi lệ buồn sầu, nhận phúng điếu và để tang, làm như vậy chẳng phải đệ-tử của Ta, cũng chẳng phải Chánh-pháp. Chỉ nên nhận tự Bản-tâm, thấy tự Bản-tánh, chẳng động chẳng tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng lui chẳng tới, chẳng thị chẳng phi, chẳng trụ chẳng đi. Vì sợ các ngươi tâm mê, chẳng hiểu ý Ta, nay nhắc lại lần nữa, khiến các ngươi tự thấy Tánh. Sau khi Ta viên tịch, theo đây tu hành cũng như Ta còn tại thế, nếu trái với lời dạy của Ta, dẫu cho Ta còn tại thế, cũng đâu có ích lợi gì ? Lại thuyết Kệ rằng :

Ngây ngây chẳng tu thiện,

Bừng bừng chẳng tạo ác.

Tịch tịch dứt thấy nghe,

Luôn luôn chẳng dính mắc.

Sư thuyết Kệ xong, ngồi ngay cho đến canh ba, thoạt gọi môn đồ : 'Ta đi nhé', liền ngồi yên viên tịch. Ngay lúc ấy có mùi hương lạ thơm khắp núi, mống trắng mọc vòng cầu chấm đất, rừng cây biến thành màu trắng, cầm thú kêu vang thảm thiết.

Ðến tháng mười một, các Quan chức và Tăng tục ba quận Quảng Châu, Thiều Châu, Tân Châu tranh nhau giành rước nhục thân của Sư, chẳng quyết định được về đâu, bèn cùng nhau đốt hương nguyện rằng : Khói hương bay về đâu thì nhục thân của Sư về đó. Lúc ấy khói hương bay thẳng về hướng Tào Khê.

Ngày 13 tháng 11, dời khám thờ nhục thân và Y&Bát của Sư về Tào Khê.

Ngày 25 tháng 7 năm sau mở khám để nhập Tháp. Quan sở tại Thiều Châu dâng biểu tâu lên Triều-đình, Vua sắc chỉ lập Bia ghi đạo hạnh của Sư :

"Tổ-sư 76 tuổi, năm 24 tuổi được truyền Y&Pháp, 39 tuổi xuống tóc, thuyết Pháp lợi sanh 37 năm, người đắc tông-chỉ nối Pháp được 43 vị, người nghe Pháp ngộ đạo siêu phàm thì chẳng biết số lượng".

Tín Y truyền từ Tổ Ðạt-ma, với cái Y&Bát của vua Trung Tôn ban cho, cái chơn tượng do Phương Biện đắp và toạ-cụ của Sư, thảy đều giao cho Thị-giả giữ Tháp, đời đời thờ nơi BỬU LÂM ÐẠO TRÀNG.

Lưu truyền PHÁP BẢO ÐÀN KINH để hiển bày Tông-chỉ, hưng thạnh Tam Bảo, phổ biến lợi ích cho chúng sanh./.

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn