Nguyên Bản
觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼識界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提僧莎訶
NỘI VĂN
Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ Uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách.
Xá-lợi-tử ! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.
Xá-lợi-tử ! thị chư pháp Không-tướng : Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố Không-trung : Vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức; vô Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý; vô Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; vô Nhãn-thức-giới cho đến vô Ý-thức-giới.
Vô vô-minh diệc vô vô-minh tận, cho đến vô lão-tử diệc vô lão-tử tận.
Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Vô Trí diệc vô Đắc. Dĩ vô-sở-đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố.
Viễn-ly 'điên đảo mộng tưởng', 'cứu cánh niết-bàn'.
Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa thị Đại-thần-chú, thị Đại-minh-chú, thị Vô-thượng-chú, thị Vô-đẳng-đẳng-chú. Năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư cố.
Thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa-chú, tức thuyết Chú viết : Yết-đế, Yết-đế, Ba-la-yết-đế, Ba-la-tăng-yết-đế, Bồ-đề-tát-bà-ha.
LƯỢC GIẢI
I. GIẢI THÍCH ĐỀ KINH :
Sáu chữ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sẽ được giải ở câu đầu tiên của phần nội văn, bây giờ giải đề Kinh chỉ giải hai chữ TÂM KINH :
Chữ TÂM nói ra thật rất khó nói, bởi vì Chân-tâm, Vọng-tâm cũng là nó, Chánh-tâm, Tà-tâm cũng là nó. Kinh Hoa Nghiêm nói : Tất cả do Tâm tạo, vậy vũ trụ vạn hữu và vạn vô, tất cả đều là nó. Nói Tâm bao gồm hư không Pháp-giới cũng còn chưa đúng, vì nếu nói như vậy thì Tâm là Tâm, hư không Pháp-giới là hư không Pháp-giới, thành ra hai rồi. Còn nói đến Bổn-tâm tức là Tự-tánh, Tự-tánh là Bất-nhị (không hai).
Hư không Pháp-giới tức là Tâm, Tâm tức là hư không Pháp-giới, chẳng phải là hai cái, không có khác biệt, như vậy mới đúng với cái nghĩa Bất-nhị của Tự-tánh. Nhưng Tâm của chúng ta hiện nay có muôn ngàn sai biệt, không những một mình có đủ thứ Tâm như tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm cống cao ngã mạn, tâm ác, tâm thiện, tâm tín, tâm nghi v.v... mà muôn ngàn người lại có muôn ngàn cái Tâm sai biệt bất đồng nữa.
Bây giờ TÂM KINH nầy là muốn làm cho tất cả muôn ngàn cái Tâm sai biệt đều đạt đến chỗ hoàn toàn không sai biệt, hồi phục lại cái Bất-nhị của Tự-tánh, cho nên Kinh này chỉ rõ đường lối tu hành cho chúng ta, dạy chúng ta y theo đó mà thực hành để đạt đến chỗ Bất-nhất Bất-nhị, chỗ hoàn toàn không có sai biệt, không những không có cái sai biệt của cá nhân, cũng không có cái sai biệt của chúng sanh, đây là ý nghĩa của hai chữ TÂM KINH vậy.
II- GIẢI THÍCH NỘI VĂN :
Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ Uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách.
Quán-tự-tại Bồ-tát : Nhiều người cho là Quán-thế-âm Bồ-tát, nhưng tôi nói là Quán-thế-âm Bồ-tát cũng được, nói Tự-tánh của tất cả mọi người đều vốn có cũng được, bởi vì Tự-tánh tức là Quán-thế-âm Bồ-tát, Tự-tánh tức là Quán-tự-tại Bồ-tát, cũng như Lục Tổ nói : "Tự-tánh tự độ", Quán-tự-tại Bồ-tát là Tự-tánh tự độ, cái Tự-tánh Quán-âm của mình cũng phải Tự-tánh tự độ mới được. Không những là Tự-tánh Quán-âm mà còn là Tự-tánh Phật nữa: Phật thuyết Bát-nhã Tâm Kinh nầy không những chỉ nói với hàng Bồ-tát, mà cũng là dạy cho tất cả chúng sanh, mỗi mỗi đều phải Tự-tánh tự độ, cho nên tôi nói Quán-tự-tại Bồ-tát là Quán-thế-âm hay là Tự-tánh của chúng ta cũng được.
Hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời.
Hành là thực hành. Thâm là hình dung Bát-nhã như Ma-ha Bát-nhã (Đại Bát-nhã), Kim Cang Bát-nhã và Thâm Bát-nhã trong Kinh nầy cái ý cũng giống nhau. Chữ Thâm nầy tức la siêu việt số lượng, không phải đối với cạn mà nói sâu, cũng như chữ Đại của Đại Bát-nhã, không phải đối với nhỏ mà nói lớn, mà là siêu việt số lượng, nếu có số lượng thì không gọi được là Thâm, nếu 'có số lượng' thì không phải là Bát-nhã.
Bát-nhã dịch là Trí-huệ, nhưng Trí-huệ nầy không phải như trí huệ của thế gian; trí huệ của thế gian cần phải qua sự tác ý mới dùng được, còn Bát-nhã của Tự-tánh thì không cần sự 'tác ý'. Cái dụng của Bát-nhã rất lớn, không có khuôn khổ, không bị tất cả hạn chế, do đó sức dụng của Bát-nhã với sự ứng dụng trí huệ của thế gian khác nhau, vì thế nên người dịch không dịch ngay là Trí-huệ mà chỉ y theo chữ Phạn (Ấn-độ) gọi là Bát-nhã. Tổ-sư nói : "Không có Bát-nhã không phải là Bát-nhã, có Bát-nhã cũng không phải là Bát-nhã". Không có Bát-nhã đương nhiên không phải là Bát-nhã rồi, nhưng tại sao có Bát-nhã cũng chẳng phải là Bát-nhã ? Bởi vì : Có đối với Không là tương đối, lọt vào tứ Cú (bốn câu : Có, không, chẳng có chẳng không, cũng có cũng không), còn Bát-nhã thì không thể lọt vào tứ Cú được, cho nên nói có Bát-nhã cũng chẳng phải Bát-nhã là lý nầy vậy.
Vậy muốn Hành thâm Bát-nhã để làm gì ? Để đạt đến Ba-la-mật-đa. Bốn chữ nầy từ chữ Phạn dịch ra : chữ đa là tiếng đệm không có nghĩa, còn ba chữ Ba-la-mật nghĩa là bờ bên kia. Chúng ta ở bờ bên nầy thì có khổ, có phiền não, không được tự do tự tại, nếu chúng ta phát huy được cái đại dụng của Bát-nhã thì được đạt đến bờ bên kia; bờ bên kia là thí dụ chỗ tự do tự tại, không có phiền não và khổ sở.
Bây giờ chúng ta Tham-thiền đề Câu-thoại-đầu, khởi lên nghi-tình tức là hành thâm Bát-nhã rồi, chỉ cần dũng mãnh tham cứu mãi, tương lai nhất định sẽ đến được bờ bên kia. Tham tới lúc Ngộ tức là chiếu kiến ngũ Uẩn giai không. Trong kinh Lăng Nghiêm nói đến quá trình phá ngũ Uẩn là từ Sắc-uẩn đến Thức-uẩn, y theo thứ lớp mà phá, khi phá được Thức-uẩn rồi là Kiến-tánh. Đến đây, tất cả chướng ngại đều bị quét sạch, cho nên Kinh nói giai không.
Phật-pháp nói chữ không là để hiện ra cái dụng tích cực của Tự-tánh, chứ không phải là cái rỗng không tiêu cực như người đời hay hiểu lầm, cũng không phải là cái không ngơ. Chữ không nầy kỳ thực nói ra rất dễ hiểu, ví như một căn nhà, nếu không có cái không (chỗ trống) thì không ở được, một cái bàn không có cái không thì chẳng thể đồ được; một cái tách nếu không có cái không thì chẳng thể đựng trà, đựng nước được,... cho nên có thể suy ra, bất cứ cái gì nếu không có cái Không thì chẳng thể dùng được. Muốn dùng thì phải có cái không, cái không đến cùng tột thì cái dụng cũng được đến cùng tột. Cái dụng của Tự-tánh cũng như vậy, hễ không đến cực thì dụng đến cực, mà dụng đến cực tức là Phật, cũng là hoàn toàn phát huy được cái dụng của Bát-nhã, đến lúc đó cái đại dụng của Bát-nhã cùng khắp hư không Pháp-giới, ánh sáng ấy chiếu đến đâu thì tất cả tai nạn khổ sở đều bị tiêu tan sạch. Chữ độ là độ thoát, tức là độ thoát nhất thiết khổ ách rồi. Đoạn thứ nhất nầy là nói tổng quát, văn sau sẽ lần lượt nói từ lớp.
Xá-lợi-tử ! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.
Xá-lợi-tử tức Ngài Xá-lợi-phất là đại diện đương-cơ của Kinh nầy. Phật mỗi lần thuyết Pháp đều có một vị đại diện đương-cơ, để đại diện người nghe đối đáp với Phật. Trong mỗi cuốn Kinh, Phật tuy chỉ nói với một vị đại diện đương-cơ, kỳ thực cũng là nói với đại Chúng cùng nghe.
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Theo sự hiểu biết thông thường, Sắc là tất cả vật chất có hình có tướng, Không thì không phải là vật chất, hai cái khác nhau, nhưng ý của Kinh nầy thì nói Sắc-Không bất nhị, chẳng có khác biệt.
Có người giải câu Kinh nầy rằng : Thí dụ như cái tách là Sắc, đập bể rồi thành Không, hoặc nói : Tướng là Sắc mà cái tánh vốn Không. Nếu giải thích như vậy thì thành ra hai rồi, bởi vì họ nói tánh với tướng bất đồng, Sắc với Không khác nhau. Nếu nói cái tách đập bể rồi thành Không cho là đúng đi, nhưng làm sao mà hợp cái Không đó lại thành Sắc được ?
Như kinh Lăng Nghiêm nói : Hợp Không chẳng thành Sắc, phân tách Không cũng chẳng thành Sắc được. Dẫu cho giải câu Sắc bất dị Không như thế là đúng đi, còn câu Không bất dị Sắc thì làm sao mà giải thích ?
Kỳ thực như kinh Hoa Nghiêm nói : Tất cả do Tâm tạo. Sắc là do Tâm tạo, Không cũng là do Tâm tạo, hai cái đều không có tự tánh thì đâu cần tiêu diệt Sắc rồi mới có thể thành Không. Cũng không cần phân biệt Tánh hay là Tướng. Lúc chúng ta thấy Sắc, Sắc vốn là Không, bởi vì cái Sắc đó do Tâm tạo, vốn không có thật, cho nên nếu không chấp cái Sắc là thật thì Sắc tức thị Không, không chấp cái Không là thật thì Không tức thị (là) Sắc. Hai cái vốn không khác biệt chỉ vì chúng sanh có bệnh hay chấp thật nên mới phân biệt có Sắc có Không, nếu không chấp thật thì không cần 'đập bể' hay 'phân tách', tự nhiên Sắc-Không bất nhị, không có khác nhau.
Có người giải Sắc-Không theo nghĩa nhân duyên cho là : Nhân duyên hòa hợp thì thành Sắc, nhân duyên tan rã thì thành Không. Nếu giải như vậy đã là hai rồi, là có khác biệt rồi. Kinh Lăng Nghiêm nói : Phi nhân-duyên, phi tự-nhiên.
Tất cả Kinh-liễu-nghĩa đều như vậy, chúng ta lấy Kinh để chứng Kinh thì được biết cái nghĩa của Kinh nầy không phải là nhân-duyên. Như vậy : Sắc với Không không khác thì Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, cũng là cái nghĩa bất nhị của Tự-tánh vậy.
Sắc-uẩn trong năm Uẩn như vậy thì bốn Uẩn kia cũng như vậy, cho nên nói diệc phục như thị. Cũng như lấy Thọ-uẩn để nói thì Thọ bất dị Không, Không bất dị Thọ, Thọ tức thị Không, Không tức thị Thọ; ba Uẩn (tưởng, hành, thức) còn lại cũng theo đó mà suy ra. Không những Thọ, Tưởng, Hành, Thức như vậy, mà Vũ-trụ vạn vật... tất cả đều phải như vậy. Ví như lấy cái Tách mà nói thì : "Tách bất dị không, không bất dị tách, tách tức thị không, không tức thị tách"; lấy Ta mà nói thì "Ta bất dị không, không bất dị ta, ta tức thị không, không tức thị ta"; lấy Phật mà nói thì "Phật bất dị không, không bất dị Phật, Phật tức thị không, không tức thị Phật". Nói tóm lại tất cả Pháp đều như vậy.
Cái nghĩa bốn câu ở trong Kinh nầy cũng như nghĩa ba câu trong kinh Kim Cang và cái nghĩa ly tứ cú, tuyệt bách phi mà tôi đã có giảng qua, cũng không khác biệt.
Xá-lợi-tử ! Thị chư pháp Không-tướng : Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không-trung : Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; Vô nhãn thức giới cho đến vô ý thức giới.
Đoạn nầy chữ Vô thí dụ như cây chổi để quét sạch tri kiến của phàm phu. Đoạn trên đã nói tất cả do Tâm tạo, cũng gọi là Không-tướng, cái Không-tướng đó chẳng phải chỉ Không những cái có hình tướng, mà cũng Không những cái chẳng có hình tướng. Như thấy có chẳng phải thật có là Không-tướng; thấy không chẳng phải thật không là Không-tướng; thấy chân chẳng phải thật chân là Không-tướng; thấy giả chẳng phải thật giả là Không-tướng.
Nói tóm lại : Không có một Pháp nào chẳng phải là Không-tướng. Cho nên Kinh nói chư Pháp Không-tướng là vậy. Cái Không-tướng nầy chẳng phải đối với có mà nói không. Nó không có đối đãi, không lọt vào tứ cú. Hai chữ Không-tướng cũng là biệt danh của Tự-tánh. Bởi vì nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt, cho nên nói Không-trung (trong Không-tướng) vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức là để phá ngũ Uẩn; vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý là để phá lục Căn; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là để phá lục Trần; vô nhãn-thức giới cho đến vô ý-thức giới là để phá lục Thức. Chữ Vô nầy chẳng phải là cái vô của tuyệt diệt mà là cái vô của Vô Thật (không thật). Như việc trong chiêm bao là vô thật, nhưng chẳng phải không có chiêm bao, chẳng có thực tế mà phàm phu chấp sự việc có thật, đó là tri kiến sai lầm. Nên đoạn nầy dùng chữ Vô để quét sạch tri kiến chấp thật của phàm phu.
Vô vô-minh diệc Vô vô-minh-tận, cho đến Vô lão-tử diệc Vô lão-tử-tận.
Đoạn nầy là quét thừa Duyên-giác. Trong 12 nhân duyên : Đầu tiên là Vô-minh, cuối cùng là Lão&Tử (ở giữa là : Hành, Thức, Danh, Sắc, lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh). Ở đây dùng hai chữ cho đến để thay thế cho mười nhân duyên ở giữa. Thừa Duyên-giác tu 12 nhân-duyên được chứng quả Duyên-giác.
Đoạn trên đã nói, tất cả pháp đều là Không-tướng, Không-tướng tức là chẳng phải thật, vô minh đã chẳng phải thật thì không có vô minh để hết (tận), lão-tử chẳng phải thật thì không có lão-tử để hết. Nhưng trước mắt chúng ta thấy có già, có chết thì làm sao nói chẳng phải thật được ? Làm sao nói vô lão tử được ? Hiện nay chúng ta thấy rõ ràng có sanh, có tử nhưng chẳng biết cái sanh tử đó là do cảm giác sai lầm của chúng ta sanh ra.
Trong kinh Viên Giác, Phật có nói bốn thứ thí dụ. Ở đây tôi chỉ nêu ra một : Do vọng tâm của chúng ta ngày đêm hoạt động không ngừng cho nên nhất định phải thấy có sanh tử luân hồi, cũng như thân mình xoay không ngừng thì nhất định phải thấy căn nhà xoay vậy. Căn nhà xoay dụ cho sinh tử luân hồi, căn nhà ngưng xoay dụ cho Niết-bàn. Cái xoay của căn nhà là do cái xoay của thân thể sanh ra cảm giác sai lầm như thế, căn nhà ngưng xoay dĩ nhiên cũng là do cảm giác sai lầm mà ra, bởi vì căn nhà có xoay hồi nào đâu mà nói căn nhà ngưng xoay ? Do vọng tâm hoạt động thấy có sanh tử luân hồi và do vọng tâm ngưng hoạt động mà hiển hiện Niết-bàn cũng là lý lẽ nầy vậy. Như thế chứng tỏ thập nhị nhân duyên chẳng phải thật, mà thừa Duyên-giác chấp đó là thật, cho nên đoạn nầy dùng chữ Vô để quét cái tri kiến chấp thật của thừa Duyên-giác.
Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Đoạn nầy là quét thừa Thanh-văn. Thừa Thanh-văn gọi khổ, tập, diệt, đạo là bốn Thánh-đế. Chúng ta ở trong sanh tử chịu đủ thứ Khổ, là do cái tâm tạp nhiễm tích Tập, phải tu ngũ đình Tâm Quán của Đạo mới có thể chứng quả A-la-hán, rồi cái khổ sanh tử được diệt, nên gọi là khổ, tập, diệt, đạo. Nhưng đoạn trên đã nói, sanh tử là do cảm giác sai lầm của vọng tâm hoạt động mà sanh ra, thì Khổ, Tập, Diệt, Đạo nầy chẳng phải là thật, cho nên ở đây lấy chữ Vô để quét cái tri kiến chấp thật của thừa Thanh-văn.
Vô Trí diệc vô Đắc. Dĩ vô-sở-đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố.
Đoạn nầy là quét Bồ-tát thừa, tức là Đại-thừa. Đối với Tiểu-thừa, Phật dạy là ngu si vì còn chấp Pháp, chấp quả A-la-hán là thật, chấp quả Duyên-giác là thật, không chịu buông bỏ để tiến lên Đại-thừa, cho nên bị Phật trách là tiêu nha bại chủng, như hạt lúa bị cháy rồi không thể dùng làm hạt giống được.
Đối với cái ngu si của Tiểu-thừa mà nói Đại-thừa là trí huệ, nếu người tu Đại-thừa chấp trí huệ là thật thì bệnh chấp thật vẫn còn, cho nên nói vô Trí diệc vô Đắc, ý là không có trí huệ cho mình đắc được (Vô-sở-đắc), vì vô-sở-đắc mới có tư cách làm Bồ-tát. Hai chữ Bồ-tát là tiếng Phạn, toàn danh là Bồ-đề-tát-đỏa, dịch là Giác hữu tình, tức là giác ngộ chúng sanh. Bổn phận của Bồ-tát là độ chúng sanh, muốn độ chúng sanh thì phải làm cho chúng sanh giác ngộ, nếu chẳng giác ngộ thì chẳng phải là độ, bởi vì chẳng giác ngộ thì chẳng thể rời khỏi căn nhà sanh tử trong mở mắt chiêm bao, chẳng thể giải thoát cái khổ của sanh tử luân hồi. Nếu Bồ-tát có sở đắc tức là còn chấp thật, đã tự mình còn chấp thì làm sao phá được cái chấp của chúng sanh ?
Nói đến ba chữ vô-sở-đắc thì chúng sanh rất khó tin, vì vậy Bát-nhã Tâm Kinh nầy tuy chỉ có 261 chữ, nhưng Phật cũng phải thêm mấy câu để giải thích cái vô-sở-đắc nầy : Nếu tất cả đều vô-sở-đắc thì Tâm được thanh tịnh, Tâm được thanh tịnh thì cái dụng của Bát-nhã tự hiện, dụng của Bát-nhã hiện ra thì đạt đến bờ bên kia, cho nên Kinh nói Y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố Tâm vô quái ngại, muốn làm cho Tâm vô quái ngại thì phải vô-sở-đắc, nếu có sở đắc thì sẽ bị cái sở đắc ấy quái ngại rồi. Đã được Tâm vô quái ngại tức là tự do tự tại thì đương nhiên vô hữu khủng bố rồi. Đoạn nầy là quét cái tri kiến chấp thật của Đại-thừa.
Viễn-ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.
Hai chữ viễn ly cũng là cây chổi, mấy đoạn trước lấy chữ vô làm cây chổi, đoạn nầy muốn quét cái tri kiến chấp Phật, nên dùng hai chữ viễn-ly để nhấn mạnh thêm cái tác dụng của cây chổi. Nhiều người giải đoạn nầy rằng: "Xa lìa cái điên đảo mộng tưởng thì chứng nhập cứu cánh Niết-bàn". Nếu chấp có cứu cánh Niết-bàn thật để chứng nhập thì cái tri kiến chấp thật nầy tức là điên đảo mộng tưởng, cho nên đoạn nầy cứu cánh Niết-bàn cũng phải quét luôn.
Đoạn trên đã nói, căn nhà xoay (sanh tử) là do cảm giác sai lầm sanh ra, thì căn nhà ngưng xoay (Niết-bàn) đương nhiên cũng là cảm giác sai lầm sanh ra, căn nhà vốn không có xoay thì làm sao nói ngưng xoay được ? Cho nên kinh Lăng Già nói : Vô hữu Niết-bàn Phật, vô hữu Phật Niết-bàn. Đoạn nầy quét luôn cứu cánh Niết-bàn tức là lý nầy vậy.
Trong Kinh nầy: Từ Phàm phu, Tiểu-thừa, Đại-thừa cho đến Nhất-phật-thừa, chia làm bốn đoạn để quét, quét tới sạch hết không còn gì để quét nữa rồi mới có tư cách thành Phật; như phần 17 trong kinh Kim Cang, quét tới quét lui A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề đến sáu, bảy lần : Bởi vì quét những cấp dưới Phật thì người ta dễ tin hơn, còn quét luôn cả Phật thì người ta cảm thấy rất khó tin, nên mới phải quét tới sáu, bảy lần là vậy.
Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Đoạn nầy mới chánh thức thành Phật, cứu cánh Niết-bàn của đoạn trên chưa phải thành Phật, phải quét luôn cứu cánh Niết-bàn, sau khi quét sạch Tri-kiến-phật rồi mới đủ tư cách thành Phật. Tam thế chư Phật đều phải quét như vậy. Tức là : Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều phải y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà thực hành; nghĩa là phải quét từ phàm phu, Tiểu-thừa, Đại-thừa cho đến Nhất-phật-thừa, quét sạch tất cả tri kiến, không còn một Pháp nào để chấp thật, rồi mới có thể đạt đến A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (Phật).
A-nậu-đa-la dịch là Vô-thượng, tam-miệu dịch là Chánh-đẳng, tam-bồ-đề dịch là Chánh-giác, tức là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Chánh-giác đối với Tà-giác mà nói; như Ngoại-đạo cũng có giác ngộ, nhưng vì còn chấp ngã, không được thoát khỏi sanh tử luân hồi, nên gọi là Tà-giác. Nếu phá được nhân ngã chấp, thoát khỏi sanh tử luân hồi thì gọi là Chánh-giác. A-la-hán, Duyên-giác vì phá hết nhân ngã chấp mà chứng được Chánh-giác. Nhưng cái giác ấy chưa bằng Phật, phải chứng quả vị Bồ-tát rồi cái giác ấy mới bằng Phật được, mới gọi là Chánh-đẳng Chánh-giác. Cái Giác-ngộ của Bồ-tát tuy Chánh lại bằng Phật, nhưng Diệu-dụng thì chưa thể bằng Phật, còn có Phật ở trên, không được xưng là Vô-thượng, phải chứng đến quả Phật rồi mới xưng là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, tức là đạt đến Giác-ngộ cao nhất không có quả vị nào cao hơn nữa.
Nếu đoạn ở trên không dám quét luôn cứu cánh Niết-bàn thì chỗ nầy không có tư cách thành Phật, như kinh Kim Cang nói : Phật Thích-ca nếu thật đắc được A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thì Nhiên Đăng Phật không thọ ký cho tương lai thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni. Nếu 'cứu cánh Niết-bàn' ở đoạn trên đã chứng nhập rồi, ở đây còn chứng nhập thêm nữa là trùng, cho nên 'cứu cánh Niết-bàn' ở trên cần phải quét. Đoạn sau tả cái sức dụng do sự quét Không mà hiện ra, như thế mới được phù hợp với thứ tự trong Kinh. Phàm tất cả Kinh Phật, từ đầu đến cuối nhất định phải đầu đuôi tương ứng, mạch lạc rõ ràng.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa thị đại thần Chú, thị đại minh Chú, thị vô thượng Chú, thị vô đẳng đẳng Chú. Năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư.
Đoạn nầy diễn tả cái dụng của Bát-nhã, ở đây thần Chú chia làm bốn cấp, tùy theo sự quét Không của từng trình độ cao thấp mà hiện ra cái dụng lớn nhỏ bất đồng, quét trống được bao nhiêu thì cái dụng hiện ra được bấy nhiêu. Bốn cấp thần Chú là đại diện cho sức dụng :
Quét sạch được tri kiến Phàm-phu thì hiện ra sức dụng bằng Đại-thần-chú.
Quét sạch được tri kiến Tiểu-thừa rồi thị hiện ra cái sức dụng bằng Đại-minh-chú.
Quét sạch được tri kiến của Đại-thừa rồi thì hiện ra cái sức dụng bằng Vô-thượng-chú.
Quét sạch được tri kiến Phật-thừa rồi thì hiện ra cái sức dụng bằng Vô-đẳng-đẳng-chú. Đến đây đã quét tới chỗ không còn gì để quét nữa thì sức dụng của Bát-nhã đã đạt được đến cứu cánh, không có gì có thể bằng được, nên gọi là vô đẳng đẳng.
Cuối cùng : Năng trừ nhất thiết khổ ách chân thật bất hư, đến đây cũng là đạt được đến chỗ tự do tự tại rồi.
Phật-pháp nói đến tự do tự tại là không bị thời gian, không gian và số lượng hạn chế. Cho nên sự tích cực của Phật-pháp rất triệt để, chẳng phải vì kiếp nầy hay kiếp sau, cũng chẳng phải trăm kiếp, ngàn kiếp, dẫu cho muôn triệu ngàn kiếp cũng không màng. Tại sao vậy ? Nếu muôn triệu ngàn kiếp sau, khổ còn trở lại nữa thì không được kể là tự do tự tại, vì đã bị thời gian muôn triệu ngàn kiếp hạn chế rồi thì làm sao gọi là tự do tự tại được ? Nên sự tích cực của Phật-pháp là vĩnh viễn, nếu muôn triệu ngàn kiếp sau khổ còn trở lại thì không được gọi là chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa-chú, tức thuyết Chú viết : Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, Bồ-đề-tát bà-ha.
Sau cuối nói đến Chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Thần-chú là đại diện mệnh lệnh hoặc sức dụng tự động của Tự-tánh, cho nên không cần dịch nghĩa, cũng không cần giải thích.
Mục đích Tôi giải Bát-nhã Tâm Kinh nầy là muốn chứng tỏ sự Tham-thiền tức là Trì-kinh. Nhiều người tưởng lầm Tụng kinh, Niệm kinh là Trì kinh. Nhưng kỳ thực đó chỉ là tụng niệm chứ không phải là trì, Trì là phải y Kinh mà tín thọ phụng hành mới được nói là Trì-kinh, cũng như tụng Giới không phải là trì Giới vậy. Bây giờ chúng ta đề khởi nghi-tình ấy là cây chổi tự động (automatic): Khỏi cần tác ý muốn quét mà tự nhiên quét sạch tất cả, cũng như Tâm Kinh nầy dạy chúng ta quét từ Phàm phu, Tiểu-thừa, Đại-thừa cho đến Nhất-phật-thừa; quét từng thứ lớp, quét tới không còn gì để quét nữa. Kết quả được Kiến-tánh thành Phật (biết rõ được chính mình, làm chủ cho mình) đạt đến tự do tự tại, cũng là đạt đến bờ bên kia (Ba-la-mật) rồi vậy.
Thích Duy Lực