06:36 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Tổ Bồ-đề-đạt-ma

  Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát-lỵ, trước tên là Bồ-đề-đa-la, về sau khi đắc Pháp nơi Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, Tôn-giả nói : “Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt-ma là thông đạt đại nghĩa, nên Ta đổi tên cho ngươi là...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS NGUYET KHE
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Cội nguồn truyền thừa

Cội nguồn truyền thừa của Thiền tông - phần II

Thứ hai - 01/04/2013 07:11 Xem: 1709
Chương II
CHƯƠNG II  YẾU CHỈ THIỀN TÔNG

I. Ý NGHĨA “GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN, CHẲNG LẬP VĂN TỰ”.

Bích Nham Tập có bài bình xướng rằng : “Đạt-ma từ xa quán đất này có căn khí Đại-thừa, bèn vượt biển đến Trung-quốc, chuyên truyền Tâm ấn khai-thị cho kẻ mê, chẳng lập văn tự, trực chỉ nhơn Tâm, kiến Tánh thành Phật”.

Nói “chẳng lập văn tự”, vì văn tự phải nương bộ não suy nghĩ, suy nghĩ thì nương 'nhất niệm vô minh'; nhất niệm vô minh hư huyễn chẳng thật, nên suy nghĩ văn tự cũng hư huyễn chẳng thật. Do hư huyễn chẳng thật gọi là tương đối, tương đối thì có sanh diệt, chẳng thể hiển bày tuyệt đối chẳng sanh diệt của Bản-thể, vì văn tự chẳng thể hiển thị Phật-tánh, nên nói chẳng lập văn tự. Phật Thích-ca dùng lời nói văn tự để hoằng Giáo-pháp là do sự bất đắc dĩ, nên thí dụ ngón tay chỉ mặt trăng, vừa thuyết liền phá. Kinh Niết-bàn nói : “Bắt đầu từ Lộc-uyển, cuối đến sông Bạt-đề, khoảng giữa 50 năm, chưa từng thuyết một lời” là vậy.

Kinh Kim Cang nói : “Nếu nói Như-lai có thuyết Pháp tức là báng Phật, người ấy chẳng hiểu nghĩa sở thuyết của Ta”. Ý cho rằng phàm thuộc về lời nói văn tự đều chẳng có nghĩa thật, tương đối chẳng thể diễn tả tuyệt đối. Phật Thích-ca vì từ bi độ chúng sanh, dù tạm mượn lời nói văn tự để thuyết Pháp, chỉ gọi là phương tiện nên khi đang thuyết Pháp, thường cảnh cáo Đại-chúng chớ chấp lời nói là thật, để khỏi tự kẹt chẳng thông, đọa vào trong hầm sâu tương đối mà chẳng thể tự cứu.

Phật đối với lời nói và nghĩa thật phân ra rõ ràng, chẳng cho lẫn lộn, thật rất khổ tâm.

Kinh Lăng Già nói : “Đại Huệ ! Những kẻ si mê nói rằng : Nghĩa như ngôn thuyết, nghĩa với thuyết chẳng khác. Tại sao ? Vì nghĩa tự chẳng thân (không bản thể), ngoài ngôn thuyết chẳng còn nghĩa nào, nên nói nghĩa đúng như ngôn thuyết. Đại Huệ ! Họ nói vậy là Trí-huệ bị cháy khét, chẳng biết Tự-tánh ngôn thuyết, chẳng biết ngôn thuyết sanh diệt (pháp tương đối), nghĩa thì chẳng sanh diệt (pháp tuyệt đối). Đại Huệ ! Tất cả ngôn thuyết đều đọa nơi văn tự, nghĩa thì chẳng đọa, lìa tánh và phi tánh, cũng chẳng thân chẳng thọ. Đại Huệ ! Như-lai chẳng thuyết những Pháp đọa văn tự, vì văn tự có với không đều bất-khả-đắc, nên nói chẳng đọa văn tự. Đại Huệ ! Nếu nói Như-lai thuyết những pháp đọa văn tự, ấy là hư vọng, vì pháp lìa văn tự, cho nên chư Phật và chư Bồ-tát chẳng thuyết một lời, chẳng đáp một lời. Tại sao ? Vì pháp lìa văn tự (bản thể tuyệt đối chẳng dính dáng với văn tự). Dù ngôn thuyết là vọng tưởng của chúng sanh, nhưng cũng chẳng thể phế bỏ ngôn thuyết, nếu chẳng thuyết tất cả pháp thì Giáo-pháp sẽ bị hoại, nếu Giáo-pháp hoại thì chẳng còn chư Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, vậy ai thuyết cho ai ? Đại Huệ ! Đại Bồ-tát chớ nên chấp trước ngôn thuyết, chỉ dùng phương tiện tùy nghi rộng thuyết Kinh-pháp, vì phiền não và hy vọng của chúng sanh chẳng đồng, nên chư Phật vì sự hiểu biết mỗi mỗi khác nhau của chúng sanh mà thuyết Pháp, khiến lìa Tâm (thức thứ tám), Ý (thức thứ bảy) và Ý-thức (thức thứ sáu); vì tâm, ý, ý thức chẳng thể đạt đến chỗ 'Tự-giác Thánh-trí' vậy”.

Lời nói văn tự đối với bản thể của Phật-tánh dù chẳng có giá trị để nói, nhưng đối với sự thuyết Pháp độ sanh thì vẫn phải nhờ ngôn thuyết để làm công cụ chủ yếu, đến khi hội Linh Sơn, Phật niêm hoa thị Chúng, Ca-diếp tỏ ngộ, mới tuyên bố có Pháp-môn “Giáo ngoại biệt truyền, chẳng lập văn tự” để truyền cho Ca-diếp, Pháp-môn này là trực tiếp hiển bày thể dụng của Phật-tánh, khiến chúng sanh chẳng nhờ văn tự mà trực tiếp ngộ nhập Bản-thể của Chơn-như. Các Đại-đệ-tử được Thế-tôn dạy dỗ và huân tập đã lâu, Thế-tôn biết họ căn cơ đã thuần thục, nên đặc biệt truyền thị Pháp-môn vi diệu này, khiến Đốn-ngộ pháp Vô-sanh, thẳng siêu Phật-địa.

Suy nghĩ, lời nói, văn tự cùng xuất phát từ 'nhất niệm vô minh'. Khi một niệm chưa động, tịch nhiên trống rỗng, chẳng có tư tưởng cảm giác, dĩ nhiên cũng chẳng lời nói văn tự, đây gọi là 'vô thỉ vô minh'. Khi vô thỉ vô minh bị kích thích, một niệm đã động, suy nghĩ liền sanh. Do suy nghĩ có lời nói, do lời nói mà lập văn tự, suy nghĩ là lời nói chẳng có tiếng, lời nói là suy nghĩ có tiếng, văn tự là lời nói có hình, lời nói là văn tự vô hình, cả ba đều gom trong chữ “tên gọi”.

Nhiếp Đại-thừa Luận nói : “Tên gọi” có hai thứ, một là tên gọi ngôn thuyết, hai là tên gọi suy tư. Nhà triết học Rousseau cũng nói “tư tưởng là lời nói bên trong”, Lâm Tế Thiền-sư nói : “Tên gọi chẳng tự là tên gọi, chỉ do trước mắt ngươi cho là cái linh thiêng của kiến văn giác tri chiếu soi ấy, gắn cho tất cả tên gọi”. Nhưng cả ba đều khởi từ nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh có sanh có diệt, biến đổi vô thường, tên gọi văn tự cũng theo đó biến đổi vô thường. Vô thường thuộc tương đối, Phật-tánh thuộc tuyệt đối, tương đối chẳng thể hiển bày tuyệt đối, nên tuyệt đối của Phật-tánh chỉ có thể tự tu tự chứng mới có thể nhận biết được, chẳng thể dùng văn tự diễn tả, cũng chẳng thể dùng bộ não suy lường.

Kinh Lăng Già nói : “Đệ-nhất-nghĩa (Phật-tánh tuyệt đối) là sở đắc của Thánh-trí tự đắc, chẳng phải cảnh giới cảm giác của vọng tưởng ngôn thuyết, cho nên vọng tưởng chẳng thể hiển bày Đệ-nhất-nghĩa. Ngôn thuyết sanh diệt lay động do nhân duyên tương sanh với nhau, vì do nhân duyên tương sanh với nhau nên chẳng thể hiển bày Đệ-nhất-nghĩa”.

Kinh Giải Thâm Mật nói : “Ta nói Thắng-nghĩa (Phật-tánh) là sở chứng bên trong của bậc Thánh, việc làm suy tư (suy nghĩ đo lường) là sở chứng của chúng sanh”. Lại nói : “Sở hành của Thắng-nghĩa vô tướng, suy tư là hành theo cảnh giới có Tướng. Thắng-nghĩa chẳng thể ngôn thuyết, suy tư là hành theo cảnh giới ngôn thuyết; Thắng-nghĩa vốn tuyệt biểu thị, Thắng-nghĩa tuyệt cả tranh luận, suy tư là hành theo cảnh giới tranh luận”.

Theo các Kinh-điển kể trên, nên biết suy nghĩ văn tự với Chơn-như Phật-tánh chẳng thể tiếp xúc với nhau. Người ta thường nói : “Chỉ có thể ý hội, chẳng thể ngôn truyền”. Kỳ thật tuyệt đối của Phật-tánh dù muốn ý hội cũng chẳng thể được, huống là ngôn truyền ư ? Chẳng những Phật-tánh như thế, cho đến một kỹ thuật của thế gian chỗ huyền diệu của họ cũng chẳng thể ngôn truyền vậy. 

+ Như Trang Tử nói : “Hoàn Công đọc sách nhà trên, người thợ mộc đẽo bánh xe ở nhà dưới, buông chày đục đi lên hỏi Hoàn Công rằng : Xin hỏi sách Ngài đọc đó là sách gì ? Hoàn Công trả lời : Lời nói của bậc Thánh.

- Bậc Thánh ở đâu ?

- Chết rồi.

Người đẽo bánh xe liền nói : Thế thì sách của Ngài đọc đó chỉ là cặn bã của bậc Thánh mà thôi.

Hoàn Công nói : Quả nhân đọc sách, người thợ đẽo bánh xe sao được bàn luận ? Nến nói có lý thì ta tha tội, nếu nói không được thì chém đầu.

Người đẽo bánh xe thưa : Hạ-thần đem việc của hạ thần ra mà xem, nếu hạ thần đẽo bánh xe hơi lõng một chút thì xe chạy được nhưng không an toàn vì dễ rơi ra, nếu đẽo hơi chặt thì bánh xe khít mà quay không được, do sự tự ngộ của hạ-thần, tâm khiến tay, tay cầm búa đẽo vào bánh xe, chẳng lõng chẳng chặt, dùng miệng chẳng thể nói, nhưng có sự tự động ở trong đó. Dù con của hạ-thần cũng là một thợ mộc danh tiếng, nhưng hạ-thần chẳng thể đem sự ngộ ấy để truyền dạy cho con. Nay hạ-thần còn sống, có bánh xe, có búa, có tay mà còn truyền thọ chẳng được, huống là bậc Thánh đã chết, chỉ để lại lời nói không còn gì cả.

Do đó chứng tỏ lời nói văn tự là việc gián tiếp trong gián tiếp, sức diễn tả rất hạn chế, huống là muốn truyền đạt bảnthể của tuyệt đối ư ?

Nên Phật nói : “Bất khả thuyết ! Bất khả thuyết !” Còn Văn-thù Bồ-tát tán thán Duy-ma-cật rằng : “Cho đến chẳng có ngôn có thuyết, ấy là chơn nhập Pháp-môn bất-nhị”.

Lão-tử nói : “Cho nên bậc Thánh ở nơi việc vô vi hành giáo, Giáo-pháp vô ngôn”.

Khổng-tử nói : “Ta muốn vô ngôn”.

Tử-tư nói : “Văn chương qua Khổng-phu-tử có thể nghe mà Tánh với Thiên-đạo thì chẳng thể nghe”.

Liệt-tử nói : “Vì ngộ Bản-tánh nên chẳng thể bảo cho biết”.

Các nhà Nho và Đạo-giáo đều cùng một ý kiến này.

Thế-tôn vì cứu sự hạn chế hẹp hòi của lời nói văn tự, nên ở ngoài ngôn giáo biệt truyền phương pháp trực tiếp, tức là việc 'niêm hoa thị Chúng'vậy. Chẳng những niêm hoa mà thôi, phàm nhướng mày nháy mắt, tằng hắng, ngó nhìn đều là phương pháp tiếp dẫn hậu học, khiến cho ngộ nhập Bản-thể tuyệt đối.

Kinh Lăng Già nói : “Đại Huệ ! Chẳng phải tất cả thế giới đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ dùng để giả lập mà thôi. Hoặc có thế giới dùng ngó nhìn để thuyết Pháp, hoặc dùng hình tướng, hoặc dùng nhướng mày, nháy mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc lay động, hoặc ghi nhớ cõi Phật. Đại Huệ ! Những tác dụng kể trên đều khiến chư Bồ-tát đắc 'Vô-sanh-Pháp-nhẫn'và Tam-muội thù thắng, cho nên chẳng phải ngôn thuyết gồm có tất cả tánh. Đại Huệ ! Giống như những ruồi muỗi, con kiến, con trùng trong thế giới này, đều chẳng có ngôn thuyết mà mỗi mỗi làm xong việc hằng ngày”. Hét, gậy, chửi, mắng, dựng phất trần, giơ ngón tay của Tổ-sư Trung-quốc đều từ đây mà ra, chẳng phải khi không bày đặt, hoặc có người hỏi nói Thiền-tông là sáng lập từ Trung-quốc, ấy là do người chưa hiểu thấu vậy.

Mặc dù sự diễn tả của ngôn thuyết văn tự có nhiều hạn chế, nhưng chẳng thể phế bỏ. Kinh Viên Giác nói : “Kinh-giáo liễu-nghĩa như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng, tất cả ngôn thuyết của Như-lai khai-thị cho Bồ-tát đều cũng như thế”. Nên biết Giáo-pháp văn tự của Như-lai đều từ Bản-tánh chảy ra, muốn khiến chúng sanh theo đó tu hành để đạt đến Bản-thể tuyệt đối, lìa nhị biên có & không, chẳng phải lời nói văn tự của thế gian có thể so bằng.

Kinh Giải Thâm Mật nói : “Dù Pháp-tánh lìa ngôn, vì muốn khiến chúng sanh tự hiện Đẳng-giác, nên giả lập danh tướng”. Còn nói : “Dù Tự-tánh chẳng tánh, pháp sở chứng lìa những văn tự, nhưng chẳng thể bỏ ngôn thuyết văn tự mà được diễn thuyết”. Kinh nói : “Biết pháp chẳng do ngôn, người khéo diễn tả ở nơi vô ngôn, mà hiển bày ngôn thuyết, như tiếng vang khắp nơi”.

Kinh Hoa Nghiêm nói : “Tất cả chư Phật ra diệu âm thanh, vì chúng sanh làm Phật-sự; tất cả chư Phật tịch lặng vô ngôn cũng vì chúng sanh làm Phật-sự”. Nên biết một nói, một nín, một động, một tịnh của Phật đều là dẫn dắt chúng sanh đạt đến chỗ giải thoát, như thầy thuốc tùy bệnh cho thuốc, chỉ cần hết bệnh tức là toa thuốc hay, đâu cần phân biệt lộc nhung hay phân bò ?

Xưa nay các Tổ-sư Thiền-tông như ngài Đạo Tín, Huệ Năng, Đạo Nhất, Bá Trượng, Đại Châu, Lâm Tế, Tuyết Phong, Tuyết Đậu… dù gắn cái bảng hiệu “chẳng lập văn tự”, nhưng đều có Pháp-ngữ và Tác-phẩm lưu hành trên đời, chẳng phải hoàn toàn phế bỏ văn tự.

Nên biết nói “chẳng lập văn tự” là muốn chỉ rõ tìm Phật-tánh trong văn tự chẳng thể được (bất khả đắc), người tu hành chớ nên đọa vào vọng tưởng văn tự mà bị văn tự trói buộc, nếu cứ chấp thật sự 'chẳng lập văn tự'thì nghịch với bản ý của Phật với Tổ vậy.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói : “Kẻ chấp Không lại báng Kinh rằng, trực ngôn chẳng dùng văn tự; đã nói chẳng dùng văn tự thì con người cũng chẳng nên ngôn ngữ, vì ngôn ngữ tức là tướng của văn tự”. Lại nói : “Trực đạo chẳng lập văn tự, đâu dè hai chữ 'chẳng lập'cũng là văn tự, thấy người có lời nói, liền báng họ là dính mắc văn tự. Các ngươi nên biết, tự mê còn đỡ, lại báng Kinh Phật, chớ nên báng Kinh, tội chướng vô số kể”.

Tổ Đình Sự Uyển có nói : “Chư Tổ truyền Pháp, ban sơ tu hành gồm Tam-tạng Giáo-thừa, sau tổ Đạt-ma chuyên truyền Tâm-ấn, phá chấp Giáo để hiển Tông (Thiền), gọi là 'Giáo ngoại biệt truyền, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng Tâm người, thấy Tánh thành Phật'. Nhưng đối với sự chẳng lập văn tự, người hiểu lầm rất nhiều, thường cho là bỏ cả văn tự, lấy im lặng tĩnh tọa làm Thiền, ấy là con dê câm của Thiền-môn. Vả lại muôn pháp lăng xăng, đâu chỉ là văn tự chẳng lập thôi ? Họ chẳng biết đạo tức phải thông, sao lại cố chấp nơi một gốc ?”

Nên người thông thạo ngay nơi văn tự mà văn tự bất khả đắc, đối với văn tự như thế, đối với các pháp khác cũng vậy, hễ 'kiến Tánh thành Phật' là xong, đâu đợi bỏ văn tự mới xong ?

Cho nên văn tự dù thuộc về tương đối, nếu được nương ngón tay mà thấy mặt trăng thì văn tự chưa từng chẳng có công dụng, nếu được minh Tâm kiến Tánh, chứng nhập Nhất-hạnh, Nhất-tướng Tam-muội thì ngay nơi văn tự tức là Thật-tướng, tương đối biến thành tuyệt đối; nếu chấp ngón tay là mặt trăng thì văn tự chưa từng là chẳng hại.

Ba Tạng và mười hai bộ Kinh là do Phật Thích-ca giả lập, cũng do Phật phủ định; giả lập là vì độ chúng sanh, phủ định là vì khỏi làm hại chúng sanh. Nếu giả lập mà chẳng thể phủ định thì chẳng phải là Phật; nếu phủ định mà chẳng thể giả lập cũng chẳng phải là Phật. Vì hay giả lập cũng hay phủ định. Cho nên Phật-pháp mới được viên dung vô ngại, thuần túy trọn vẹn mà chẳng có chỗ khuyết điểm.

Phật từng thuyết “Vô-thường, Khổ, Không, Vô-ngã” rồi ngay đó phủ định liền; Phật từng thuyết “Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên” rồi cũng ngay đó phủ định liền, nói giả, chẳng thật, bất-khả-đắc. Phật thuyết Pháp như thế mới chẳng kẹt nơi danh-tướng, dẫn dắt vào nơi tuyệt đối mà chẳng có gì cả. Hoặc có người muốn dựa theo Kinh-điển Pháp-môn để vấn nạn Phật, mà chẳng biết những Kinh-điển, những Pháp-môn đó Phật đã mỗi mỗi tự phủ định rồi ! Phật vừa nói liền phá, cho đến chẳng lưu lại một chữ, chẳng còn dấu tích để tìm thì đâu còn gì để cho họ chỉ trích ư ? Nên người vấn nạn muốn báng Phật, cũng như dùng ngón tay đánh hư không, như ngữa mặt phun nước bọt lên trời, mong chẳng tự làm nhơ cho người cũng chẳng được. Được hiểu như thế rồi mới có thể học Phật, Tham-thiền.

II. SỰ KHÁC BIỆT CỦA TÔNG MÔN VÀ GIÁO MÔN.

Tông-môn, Giáo-môn phân ra riêng biệt bắt đầu từ Trung-quốc căn cứ nơi kinh Lăng Già. Phật bảo : “Đại Huệ ! Tất cả Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, có hai thứ tướng thông : gọi là Tông-thông và Thuyết-thông. Nói Tông-thông là do tự mình chứng đắc tướng thắng tiến, xa lìa ngôn thuyết văn tự vọng tưởng, rồi ngộ nhập Tự Tướng Tự Giác Địa nơi giới vô lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả bọn Ma-đạo, do tự giác phát huy ánh sáng, ấy là tướng Tông-thông. Thế nào là tướng Thuyết-thông ? Nói thuyết đủ thứ Giáo-pháp nơi chín bộ Kinh, lìa các tướng đồng, dị và có, không, dùng phương tiện tinh xảo để tùy thuận chúng sanh, ứng cơ thuyết Pháp khiến được độ thoát, ấy gọi là tướng Thuyết-thông. Đại Huệ ! Ngươi và các Bồ-tát nên tu học.

Phật nói “Tông-thông” là pháp Thiền thực tiễn do mình tự tham tự chứng; nói “Thuyết-thông” là Pháp-sư giảng giáo lý, thuyết Pháp tự tại, chẳng lìa Tự-tánh, chẳng đọa nhị biên. Một là trực tiếp, một là gián tiếp; một do tâm hành, một do khẩu thuyết, đức Phật hoằng Pháp lợi sanh, đại khái chẳng ra ngoài hai lối này. Hai thứ phương pháp dù chẳng đồng, nhưng mục đích cuối cùng chỉ là một, nếu xét kỹ lại thì Tông chẳng lìa Giáo, Giáo chẳng lìa Tông.

Xưa nay Tông-môn dù nói chẳng lập văn tự, chẳng trọng Kinh-điển, nhưng Thế-tôn sau khi niêm hoa thị Chúng rồi liền nói : “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn, Chẳng lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật”. Tám câu này tức là ngôn ngữ, tức là Giáo-lý, cho đến Tổ Đạt-ma lấy kinh Lăng Già truyền cho ngài Huệ Khả, N-tổ Hoằng Nhẫn lấy kinh Kim Cang truyền thọ ngài Huệ Năng, Tứ-tổ có Pháp-ngữ, Lục-tổ có Pháp Bảo Đàn, ấy đều chứng tỏ Tông chẳng lìa Giáo vậy.

Lại như trong Giáo-điển Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Viên Giác, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Lăng Già đều trực thị Tông-chỉ chẳng lìa Pháp-thân, ấy đều chứng tỏ Giáo chẳng lìa Tông vậy.

Nên Chứng Đạo Ca nói : “Tông cũng thông, Thuyết cũng thông. Định, Huệ sáng tròn chẳng kẹt Không”, chúng sanh đời Mạt-pháp chẳng rõ ý chỉ này, vì tiên nhập làm chủ, nên ít người thông suốt, lại mỗi mỗi tự lập cửa ải, bài xích lẫn nhau, kẻ học Thiền thì chấp Tông mà đè Giáo, kẻ học Giáo thì chấp Giáo mà khinh Tông. Thật ra Tông lìa Giáo thì đọa nơi rỗng không, Giáo lìa Tông thì thành ra tạp loạn; Tông với Giáo như hai bánh của xe, chẳng thể phế bỏ bánh xe nào.

Hành giả Tông-môn dụng công tham thiền, ngoài việc thân cận Thiện-tri-thức, hiểu rõ phương pháp dụng công đứng đắn, vẫn cần biết rõ cảnh giới chẳng đồng của bốn Thừa và sự khác nhau của phương pháp dụng công, mới chẳng lầm nhận cho Tiểu-thừa là Đại-thừa, lạc vào lối tẻ, chẳng thể đạt đến minh Tâm kiến Tánh.

Muốn rõ bốn Thừa cũng nên xem Kinh-điển,Giáo-lý; người học Giáo-lý đã rõ bốn Thừa rồi, cần phải chơn tham thật chứng mới được minh Tâm kiến Tánh. Nếu chẳng minh Tâm kiến Tánh, dù Kinh-điển văn tự chứa đầy bụng, biện tài như suối chảy, ngòi bút viết ra muôn ngàn văn chương, với Bản-thể của Phật-tánh đều chẳng dính dáng, thậm chí hiểu lầm ý Phật, tự ý phát huy để di hại cho kẻ hậu học.  

III. ĐẠI Ý CỦA BỐN THỪA.

Chữ Phật còn thuộc giả danh, huống là bốn Thừa ư ? Nhưng đức Phật đại bi cứu thế, phương tiện độ sanh, vì tùy căn cơ sâu cạn của chúng sanh nên giả thiết đủ thứ ngôn giáo Pháp-môn dùng để tu tập, theo thời ứng cơ, tùy nghi lập Giáo, như lương y trị bệnh, tùy bệnh cho thuốc, nên có những thí dụ như xe dê, xe nai, xe trâu (tam Thừa) và Hóa-thành (giữa đường), Bửu-sở (quả Phật)… Khổ tâm ấy thật là chiếu sáng muôn đời.

Tất cả pháp có thể nói ra đều thuộc về tương đối; pháp tương đối phải tùy theo không gian và thời gian mà biến đổi, vốn chẳng thật thể. Nên đức Phật thuyết Pháp vừa thuyết liền phá, ban sơ Phật đã từng vì chúng sanh thuyết diệu lý của Chơn-như Pháp-thân, ý chỉ huyền ảo vi diệu, Chúng đều bỏ đi, rồi trở lại thuyết Pháp-môn Tiểu-thừa, người nghe mới tin được.

Đến khi đồ Chúng tu Tiểu-thừa đã quen thuộc, ham thích Thiền-vị, chỉ tự độ thân mình, Phật lại quở rằng : “Đây vẫn chưa cứu cánh, chưa lìa hẳn sanh tử, nên tu Trung-thừa”. Đồ chúng mới chuyển tu Trung-thừa, đạt nơi Ngã & Pháp đều Không. Phật lại quở rằng : “Đây vẫn chưa cứu cánh, tập khí từ vô thỉ chưa sạch, cũng còn 'biến dịch sanh tử'nên tu Đại-thừa”. Từ đó Chúng mới chuyên tu pháp Đại-thừa, đến khi căn cơ thuần thục, Phật mới trực thị pháp Tối-thượng-thừa, kẻ tu hoát nhiên đại ngộ, thấu triệt Bản-tâm chẳng sanh chẳng diệt, chẳng biến chẳng khác, sẵn sàng viên mãn, chẳng do tạo tác, mới biết phi tâm, phi Phật, phi vật, cuối cùng chẳng có pháp nào để đắc, nói “Pháp-môn” chỉ là nói suông, nói bốn Thừa” đều là hý luận, khi ấy mới tin Phật nói “Chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp một chữ” là chẳng phải cố ý bày đặt sự huyền bí.

Nay lược thuật cảnh giới bốn Thừa như sau :

1. TIỂU THỪA : Cũng gọi là Thanh-văn-thừa, do nghe Thanh-giáo của Phật mà ngộ lý Tứ Đế, đoạn dứt Kiến-hoặc, Tư-hoặc, chứng nhập Niết-bàn Tiểu-thừa, ấy là lối tu hạ căn trong đạo Phật. Kinh Thắng Man Bửu Quật rằng : “Hai chữ Thanh-văn là kẻ hạ căn theo Giáo lập nên, Thanh tức là Giáo vậy”.

Pháp-môn Tứ Đế của thừa Thanh-văn sở tu tức là 'khổ, tập, diệt, đạo'. Khổ là cái quả của thọ báo, tập là cái nhân chiêu quả, diệt là đắc quả tịch diệt, đạo là lối tu để đoạn trừ cái nhân chiêu quả. Nói một cách khác, tu theo Tứ Đế tức là biết Khổ đoạn Tập, mộ Diệt tu Đạo; Đế là ý nghĩa xác thật. Cách tu của họ là đoạn dứt công dụng của lục căn, lắng tâm tĩnh lự, cho đến chỉ còn một chút niệm trong sạch, ấy là cảnh giới của Tiểu-thừa đạt đến, quả cùng tột gọi là A-la-hán.

Động cơ của người tu Tiểu-thừa là nhàm chán phiền não sanh tử mà cầu thanh tịnh Tịch-diệt, cho rằng trong linh tánh vốn chẳng có phiền não, tất cả khổ đều do lục Căn chiêu tập mới có, nên muốn được sự vui thanh tịnh tịch diệt chỉ có tu đạo làm cho công dụng của lục Căn dừng lại, chẳng sanh tác dụng chiêu tập, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, mũi chẳng ngửi, lưỡi chẳng nếm, thân chẳng xúc, ý chẳng tưởng, công dụng của lục Căn đã dứt sạch, sáu cửa đã đóng kín, trong linh tánh chỉ còn một niệm thanh tịnh, tịch tịnh an lạc, ấy là đạo quả sở chứng của Tiểu-thừa. Nhưng lục Căn dù tạm dứt, mà một niệm thanh tịnh chưa được buông bỏ, ắt chẳng phải cứu cánh.

2. TRUNG THỪA :Cũng gọi là Duyên-giác-thừa, do quán nhân duyên mà ngộ đạo. Xưa nay xưng Bích-chi-phật, dịch nghĩa là Độc-giác. Pháp-môn của Trung-thừa là 'Thập Nhị Nhân Duyên', tức vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Thập nhị chi (mười hai nhánh) này bao gồm quá khứ, hiện tại, vị laiba đờinhân quả tuần hoàn chẳng dừng. 

Ở đây Vô-minh là 'nhất niệm vô minh', cũng gọi là tánh nhất niệm vọng động, chẳng phải 'vô thỉ vô minh', vì bất giác khởi niệm, bèn sanh ra đủ thứ phiền não, tạo đủ thứ thiện ác nghiệp, gọi là Hành, hai chi này là nhân đời trước. Thức là nghiệp thức như Thân-trung-ấm bị lôi kéo mà đến đầu thai; Danh sắc là lúc ở trong thai Sắc-thân chưa thành, tứ Ấm (Thọ, Tưởng, Hành, Thức)chỉ có tên gọi, chưa có thật chất; Lục-nhập là nói ở trong thai lục Căn đã hoàn thành, là chỗ sở nhập của lục Trần; Xúc là sau khi sanh ra, lục Căn tiếp xúc lục Trần; Thọ là lãnh thọ các cảnh giới thuận nghịch, năm chi này là quả đang thọ ở đời này. Ái là đối với cảnh trần có sở ái; Thủ là chấp thủ việc mình ham muốn; Hữu là có quyền sở hữu, cho mình được tùy ý chi phối, ba chi này là nhân sở đắc của đời này, đời này tạo nghiệp nhân thì đời sau báo ứng nghiệp quả. Sanh là tùy theo sự gieo nghiệp nhân thành chủng tử để thọ sanh nơi kiếp sau. Lão & Tử là kiếp sau đã có sanh, ắt phải có lão-tử, hai chi này là quả báo phải thọ ở đời sau. Ấy là đại khái của Thập Nhị Nhân Duyên.

Kẻ tu pháp Trung-thừa quán xét chúng sanh trong tam thế đều bị Thập Nhị Nhân Duyên chi phối, mà Thập Nhị Nhân Duyên thì nương nhất niệm vô minh sanh khởi, cho rằng Tiểu-thừa chưa thể phá nhất niệm này, nên chưa đạt cứu cánh, nếu được đoạn dứt nhất niệm này thì vượt ra ngoài tam thế, liễu thoát sanh tử.

Nên cách dụng công của họ là muốn quét sạch nhất-niệm-vô-minh, đạt đến cảnh giới mênh mông trống rỗng chẳng có gì cả, tự cho đã chứng Niết-bàn, chẳng biết đã lọt vào 'vô-thỉ-vô-minh'. Cảnh giới trống rỗng chẳng có chi cả, cũng gọi là “Không-chấp”, linh tánh ám muội, chẳng khác gì gỗ đá ! Huống chi nhất-niệm-vô-minh dù tạm dừng, nếu bị kích thích vẫn có thể nổi lại, nên sở chứng của Trung-thừa vẫn chưa cứu cánh.

3. ĐẠI THỪA : Cũng gọi là Bồ-tát-thừa, pháp sở tu là sáu Ba-la-mật, cũng gọi là Lục-độ. Sáu Ba-la-mật là : Bố-thí, Trì-giới, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn, Thiền-na, Bát-nhã. Người tu Đại-thừa gọi là Bồ-đề-tát-đỏa, Bồ-đề dịch là Giác, Tát-đỏa dịch là Hữu-tình. Ý là 'Giác-ngộ chúng sanh hữu tình', gọi tắt là Bồ-tát, tức là chúng sanh phát đại Tâm-bồ-đề, lấy Tâm-bồ-đề làm thể để tự độ; lấy Tâm-đại-bi làm dụng để độ tha, tự tha kiêm lợi, nên xưng Đại-thừa. Phẩm Thí Dụ trong kinh Pháp Hoa rằng : “Nếu có chúng sanh nơi Phật Thế-tôn nghe Pháp tín thọ, tinh tấn tu hành, cầu Nhất-thiết-trí, Phật-trí, Tự-nhiên-trí, Vô-sư-trí, Vô-sở-úy, dùng sức tri kiến của Như-lai thương xót vô lượng chúng sanh, độ thoát tất cả Trời, người đều được lợi ích an lạc, ấy gọi là Đại-thừa.

Lục-độ bao gồm tam học Giới Định Huệ mà lấy pháp Thiền-na làm chủ yếu để dụng công, người tu Đại-thừa biết nhất-niệm-vô-minh chẳng thể phá, nên lợi dụng nhất-niệm-vô-minh để phá tan vô-thỉ-vô-minh mà được 'Kiến-tánh', ấy là phương pháp dùng tướng cướp (nhất niệm vô minh) để bắt vua cướp (vô thỉ vô minh) vậy.

4. TỐI THƯỢNG THỪA :Cũng gọi là Phật-thừa, khi đã minh Tâm kiến Tánh, hiển hiện Phật-tánh chơn-như, phát huy diệu lý tuyệt đối, chỉ có kẻ chứng với kẻ chứng mới biết nhau được. Nên Thế-tôn niêm hoa, Ca-diếp mỉm cười; Ca-diếp giơ tay, A-nan hiệp chưởng, dùng Tâm ấn Tâm, khế hợp ăn khớp, trình bày trước mắt, chẳng nhờ ngôn thuyết, là Pháp tối cao cùng tột, chẳng còn gì hơn nữa, ấy gọi là Tối-thượng-thừa thiền.

Tiểu-thừa đoạn lục Căn, Trung-thừa đoạn nhất-niệm-vô-minh, Đại-thừa đoạn vô-thỉ-vô-minh, Tối-thượng-thừa trực chỉ Chơn-như Phật-tánh, đây là đại ý của bốn Thừa. Kinh Pháp Bảo Đàn nói : “Pháp chẳng bốn Thừa, do tâm người tự có sai biệt mà hình thành; thấy, nghe, đọc, tụng là Tiểu-thừa; hiểu nghĩa ngộ pháp là Trung-thừa; y pháp tu hành là Đại-thừa; vạn pháp đều thông, vạn pháp sẵn sàng, tất cả chẳng nhiễm, lìa chư Pháp-tướng, trọn vô-sở-đắc gọi là Tối-thượng-thừa”. Thế thì, đại ý của bốn Thừa đã rõ ràng.

Triệu Châu Hòa-thượng nói : “Ta Chẳng thích nghe một chữ Phật”, còn nói : “Hễ lão Tăng niệm Phật một tiếng thì phải súc miệng ba ngày”. Nếu thấu rõ lời này thì chẳng bị bốn Thừa trói buộc.  

IV. MỤC ĐÍCH CỦA THAM THIỀN.

Mục đích của Tham-thiền là gì ? Là muốn minh Tâm kiến Tánh. Cái quả minh Tâm kiến Tánh như thế nào ? Là thấu triệt bổn nguyên, vượt ngoài Tam-giới, liễu thoát sanh tử, chẳng thọ hậu hữu, độ mình độ người, phổ lợi chúng sanh. Ấy là mục đích cuối cùng của loài người.

Nhưng muốn minh Tâm kiến Tánh, trước tiên phải rõ thế nào là Tâm-tánh. Tâm-tánh là bổn nguyên Tự-tánh của chúng sanh, cũng gọi là Phật-tánh, hoặc gọi Chơn-như, Như-lai. Thiền-tông gọi là 'Bổn-lai-diện-mục', Thanh-tịnh Pháp-thân; Duy Thức tông gọi là Tự-thân Tịnh-độ, Thường-tịch-quang Tịnh-độ; Tam Luận tông gọi là Thật-tướng Bát-nhã; Luật tông gọi là Bổn-nguyên Tự-tánh, Kim-cang-bửu-giới; Thiên Thai tông gọi là Tự-tánh Thật-tướng; Hoa Nghiêm tông gọi là Nhất-chơn Pháp-giới; Mật-tông gọi là Tịnh Bồ-đề-tâm… danh hiệu dù nhiều, Bản-thể chỉ một. Duy-thức-luận nói : “Chơn là chơn thật, tỏ chẳng hư vọng. Như là như thường, tỏ chẳng biến đổi. Nghĩa là cái chơn thật này, nơi tất cả pháp thường như bản Tánh, nên gọi là Chơn-như”. Kinh Duy-ma-cật nói : “Như là chẳng hai chẳng khác”. Kinh Kim Cang nói : “Như-lai là chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu”.

Theo những Kinh, Luận kể trên, nói “Tâm-tánh” là chỉ ngay Chơn-như Tự-tánh, chẳng phải tâm tánh của người đời. Người đời nói “tâm” ấy là vọng tâm, tức là vô minh, nay muốn minh Tâm là minh cái Tâm chơn thật cùng tột, nên gọi là Chơn-như.

Kinh Hoa Nghiêm phát huy cái lý Chơn-như Phật-tánh rất tường tận, trong phẩm Thập Hồi Hướng nói : “Siêng tu tất cả pháp xuất thế gian, đối với thế gian vô thủ vô y, đối với Diệu-đạo chánh kiến kiên cố, thấu pháp chơn thật, lìa chư vọng kiến, ví như chơn-như, khắp tất cả nơi, chẳng có ngằn mé; ví như chơn-như, chơn thật làm tánh; ví như chơn-như, thường giữ bản Tánh, chẳng có biến đổi; ví như chơn-như, nơi tất cả pháp, vô tánh làm tánh… (còn rất nhiều, nay lược bỏ chẳng kể xiết).

Đây là cảnh giới Chơn-như Phật-tánh do Phật với Tổ đích thân chứng nhập, rồi dùng ngôn ngữ phương tiện để khai-thị cho chúng sanh, chúng sanh nghe rồi, hoặc ngơ ngác chẳng hiểu gì, hoặc biết được đại ý nhưng chẳng thể cho là minh Tâm kiến Tánh; nghe rồi được hiểu gọi là giải ngộ, cần phải tự tham thực chứng, đích thân thấy rõ, mới có thể gọi là 'Chứng-ngộ', sở chứng với Phật chẳng khác, nên gọi là 'kiến Tánh thành Phật'.

Thường có kẻ thông minh lanh lợi, xem nhiều Kinh-điển mà được giải-ngộ, giảng giải cho người khác nghe, biện tài như suối chảy mà thật thì chẳng biết Chơn-như Phật-tánh là vật gì. Cũng như người chưa từng đến thắng cảnh Tây Hồ, chỉ xem du ký của người khác, lại diễn tả cho người khác nghe giống như đã từng đi qua, thật thì chưa từng đích thân thấy thắng cảnh ấy, nếu gặp người đã từng du lịch Tây Hồ, hỏi về chơn cảnh ấy thì ngơ ngác chẳng thể trả lời. Vì thế nên Thiền-tông chủ trương chỉ thẳng Tâm người, chẳng lập văn tự là vậy.

Nên biết, muốn minh Tâm kiến Tánh toàn nhờ chơn thực tham chứng, người khác chẳng thể thay thế được, chẳng quí đa văn, chỉ quí thấy ngay, từ ngoài cửa chẳng phải gia bửu, lời của người khác nói chẳng dính dáng với mình.

Xưa kia Hương Nghiêm Hòa-thượng ở trong hội Bá Trượng, thông minh lanh lợi, hỏi một đáp mười, bị Qui Sơn hỏi : “Khi cha mẹ chưa sanh nói thử một câu xem ?” liền ngơ ngác chẳng đáp được. Về liêu phòng tìm tra hết thảy văn tự xem qua, muốn tìm một câu để trả lời trọn chẳng thể được, than rằng : “Bánh vẽ chẳng thể cứu đói”, cứ xin Qui Sơn nói trắng ra. Qui Sơn nói : “Ta nói cho ngươi thì ngươi về sau sẽ mắng ta; ta nói là việc của ta, chẳng dính dáng với ngươi !” Hương Nghiêm bèn lấy tất cả ngôn giáo đốt bỏ, thẳng qua Nam Dương, nghỉtại di tích của Huệ Trung Quốc-sư, tham cứu lâu ngày, một hôm nhổ cỏ, ngẫu nhiên quăng miễng trúng nhằm cây tre phát ra tiếng, hoát nhiên tĩnh ngộ, liền về tắm gội đốt nhang, hướng về Qui Sơn lễ bái rằng : “Hòa-thượng đại từ, ân hơn cha mẹ, nếu lúc đó vì con nói trắng ra thì đâu có việc kiến Tánh hôm nay”.

Do đó, mà xem Thiền-tông chẳng lập văn tự, chỉ chú trọng tham chứng, mà được tôn là phương thuốc hay của minh Tâm kiến Tánh, pháp Thiền của Thiền-tông được phổ biến khắp Trung-quốc, đâu phải việc ngẫu nhiên ? 

V- CÁC LOẠI THIỀN.

Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật, các tông Đại, Tiểu-thừa đều có Pháp-thiền chuyên môn, Ngoại-đạo tà-sư cũng mỗi mỗi kiến lập pháp Thiền của họ, tà chánh lẫn lộn, tên gọi rất nhiều, cho nên người tu tập Pháp-thiền của Tông-môn, trước tiên phải hiểu rõ phápThiền của các Tông và phân biệt tà, chánh, chơn, ngụy, rồi mới chẳng bị lầm vào lối tẻ, phân biệt được trắng đen. Người xưa vì đáp sai một câu, đọa thân chồn năm trăm đời, hành-giả nên cẩn thận ! Phàm phá ngã chấp là chánh, chấp ngã là tà; lối tu theo ngã chấp là Ngoại-đạo, tu đúng Tông-chỉ là chơn, không đúng Tông-chỉ là ngụy, nay đại khái đưa ra các loại Thiền như sau :

1. Tối Thượng Thừa Thiền :

Hành-giả sau khi chứng ngộ, trong Tâm thất thông bát đạt, tùy tiện đề ra một Pháp đều là Phật-pháp, nói nghịch nói xuôi chẳng lìa Chơn-như, tất cả từ Chơn-tâm mình chảy ra, che Thiên ngập Địa, từ Thế-tôn niêm hoa thị Chúng cho đến Tổ-sư hét gậy, chửi, mắng, đều là trực chỉ Chơn-như, trọn mâm đem ra, kẻ hoát nhiên kiến Tánh thì chẳng cách tơ hào, nếu còn do dự bèn cách xa muôn dặm, ấy là Tối-thượng-thừa thiền.

2. Như-lai Thiền Với Tổ-sư Thiền :

Như-lai-thiền là Thiền Giáo-môn, chứng nhập từng bậc như : Thập-tín, Thập-trụ, cho đến Thập-địa, Đẳng-giác, còn có thể giải thích; Tổ-sư-thiền thì không có thứ bậc, thẳng vào Bản-thể Phật-tánh chẳng thể giải thích. Người xưa có một việc chứng tỏ :

Hương Nghiêm Hòa-thượng sau khi chứng ngộ, thuyết bài Kệ trình ngài Qui Sơn rằng : 

Tiếng trúc quên sở tri,

Chẳng cần nhờ tu trì.

Động dụng hiển lối xưa,

Chẳng đọa nơi vắng lặng.

Mỗi mỗi chẳng dấu tích,

Thanh sắc ngoài oai nghi.

Người đạt Đạo bốn phương,

Đều xưng Thượng-thượng-cơ.

Qui Sơn nghe rồi bảo Ngưỡng Sơn rằng : Ông này đã triệt ngộ. Sau Ngưỡng Sơn soát lại, Hương Nghiêm thuyết Kệ rằng :

Năm xưa nghèo chưa phải nghèo,

Năm nay nghèo mới thật nghèo.

Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi,

Năm nay nghèo dùi cũng không.

Ngưỡng Sơn nói : Như-lai-thiền thì cho Sư-đệ ngộ, Tổ-sư-thiền thì chưa.Hương Nghiêm lại nói bài Kệ khác :

Ta có một cơ,

Nháy mắt nhìn y.

Nếu còn chẳng ngộ,

Chớ gọi Sa-di.

Ngưỡng Sơn bảo với Qui Sơn rằng : Mừng cho Nhàn sư-đệ đã ngộ Tổ-sư-thiền.

3. Thiền-na Thiền và Bát-nhã Thiền :

Thiền-na-thiền là pháp Thiền thứ năm trong sáu Ba-la-mật, Bát-nhã-thiền là sau khi đã minh Tâm kiến Tánh, phát huy đại dụng để độ người, như việc 'niêm hoa thị Chúng'.

4. Nhất Vị Thiền Và Ngũ Vị Thiền :

Phá tan 'hầm sâu vô minh', minh Tâm kiến Tánh, đốn siêu Phật-địa, vào cảnh giới bất nhị, gọi là Nhất-vị-thiền. Ngoại-đạo-thiền, Phàm-phu-thiền, Tiểu-thừa-thiền, Đại-thừa-thiền, Tối-thượng-thừa-thiền, gọi chung là Ngũ-vị-thiền.

5. Ba Thứ Tịnh Quán Thiền :

Tức Sa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, như kinh Viên Giác có giải thích kỹ càng về ba thứ thiền quán này.

6. Khô Mộc Thiền (Thiền Cây Khô) :

Những phápThiền chấp ngồi suốt ngày đêm chẳng nhúc nhích như dựng cây khô, cho ngồi lâu là cao, gọi là Khô-mộc-thiền.

=>> Xem tiếp

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn