04:54 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Minh Bổn

Minh Bổn Thiền-sư (1263-1323), phái Thiền Lâm Tế đời thứ 19, họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả lót nữa và đã biết ngồi kiết-già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS NGUYET KHE
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Cội nguồn truyền thừa

Cội nguồn truyền thừa của Thiền tông - phần I

Thứ hai - 01/04/2013 07:05 Xem: 2283
Gia phong của năm phái thiền
VIII. GIA PHONG CỦA NĂM PHÁI THIỀN.

Dưới cửa Lục-tổ có bốn ba người đắc Pháp, mỗi mỗi hóa độ một phương, đều là Chánh-thống, trong đó có Nam Nhạc Hoài Nhượng, Thanh Nguyên Hành Tư và Hà Trạch Thần Hội nổi bậc nhất. Phái Nam Nhạc sau này sanh ra Lâm Tế và Qui Ngưỡng hai Tông, phái Thanh Nguyên sau này sanh ra Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động ba Tông. Mỗi Tông đều có phương pháp riêng để tiếp dẫn hậu học, gọi chung là 'Ngũ gia gia phong'. Phái Hà Trạch truyền đến Khuê Phong Tông Mật, vốn là người tông Hoa Nghiêm, thuộc Giáo-môn, chưa thể gánh vác Tông-chỉ Tào Khê mà mong điều hòa Thiền-tông với các tông Giáo-môn, lọt vào ngôn thuyết kiến giải, làm cho phái Hà Trạch Thần Hội tuyệt truyền, chỉ còn phái Nam Nhạc Thanh Nguyên được người đời sau công nhận là phái đích truyền của Tào Khê.

Nam Nhạc có Mã Tổ cũng như Thanh Nguyên có Thạch Đầu, Mã Tổ được sự thọ-ký “Dưới chân chà đạp khắp người thiên hạ”, còn Thạch Đầu thì có tiếng tăm “Thạch đầu đường trơn”. Mã Tổ chủ hóa Giang Tây, Thạch Đầu chủ hóa Hồ Nam, người tham học từ bốn phương đều tìm đến cửa hai Phái rất là thịnh vượng. Dưới cửa Mã Tổ có đệ tử 139 người ngộ đạo, trong đó có Bá Trượng Hoài Hải nổi bật nhất, ngài Bá Trượng là người bắt đầu sáng lập Thiền-viện, soạn Thanh-quicủa Tòng-lâm, đệ-tử bậc thượng là Huỳnh Bá Hy Vận, Qui Sơn Linh Hựu. Dưới Huỳnh Bá có Lâm Tế Nghĩa Huyền là Tổ của Lâm Tế tông.

Qui Sơn là Tổ của Qui Ngưỡng tông, dưới Qui Ngưỡng có Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, do thầy trò Qui Sơn, Ngưỡng Sơn xướng họa với nhau cùng phát dương mà thành gia phong của bản Tông.

Dưới Thạch Đầu người đắc Đạo cũng nhiều, trong đó Thiên Hoàng Đạo Ngộ, Dược Sơn Duy Nghiễm hai nhánh là chủ lưu, dưới Đạo Ngộ truyền qua Long Đàm Sùng Tín, Đức Sơn Tuyên Giám, đến Tuyết Phong Nghĩa Tồn, Thiền-phong chấn hưng, tứ Chúng nhiễu quanh thường hơn 1500 người, đệ-tử tiếp nối có Vân Môn Văn Yểm, Huyền Sa Sư Bị tất cả 56 người, Văn Yểm là Tổ của Vân Môn tông.

Dưới Huyền Sa truyền qua La Hán Quế Sâm, đến Pháp Nhãn Văn Ích là Tổ của Pháp Nhãn tông.

Dưới Dược Sơn Duy Nghiễm truyền qua Vân Nham Đàm Thạnh, đến Động Sơn Lương Giới với đệ-tử Tào Sơn Bổn Tịch cùng nhau sáng lập Tào Động tông. Ấy là cội nguồn thành lập của năm phái Thiền.

Nói gia phong là tác phong riêng biệt của mỗi Tổ dùng để phát dương Tông-chỉ biệt truyền của Thiền-tông. Chư Tổ minh Tâm kiến Tánh dù đồng nhau, nhưng cá tánh mỗi mỗi chẳng đồng, nên phương pháp tiếp dẫn hậu học mới có sự khoan hồng, oai mãnh, ôn hòa, gấp bách mỗi mỗi khác nhau. Nói tóm lại, gia-phong của các Phái trong Thiền-tông đều lấy “Niêm hoa thị Chúng” của Phật Thích-ca làm mô phạm.

Phương pháp phổ biến nhất của chư Tổ Trung Quốc là dùng gậy, dùng hét để tiếp dẫn hậu học. “Gậy” bắt đầu Lục-tổ đánh Thần Hội, “Hét” bắt đầu từ Mã Tổ tiếp Bá Trượng, tác dụng với 'niêm hoa' chẳng khác. Cho đến Ca-diếp giơ tay, A-nan hiệp chưởng, Nhị-tổ Huệ Khả lễ bái xong về đứng chỗ cũ, Mã Tổ dựng phất trần, quăng phất trần, Bí Ma giơ chĩa, Hòa Sơn đánh trống, Thạch Cũng giương cung, Tuyết Phong đá cầu, Quốc-sư để chén nước, Qui Tông kéo đá, La Hán vẽ chữ, Đại Tùy hầm khoai, Đức Sơn vào cửa liền đập, Lâm Tế vào cửa liền hét, “Là cái gì ?” của Bá Trượng, “Chớ vọng tưởng” của Vô Nghiệp, Triệu Châu uống trà, Vân Môn ăn bánh, tất cả đều chẳng khác với sự 'niêm hoa thị Chúng'của Phật Thích-ca. Ấy đều là chư Tổ tùy cơ phát huy dùng để tiếp dẫn hậu học, vốn chẳng qui tắc nhất định. Như Lâm Tế Nghĩa Huyền thiết lập các quan ải Tam Huyền Tam Yếu và Tứ-liệu-giản để khám xét đồ Chúng, tiếp dẫn hậu học, con cháu truyền thừa nhau tỏ ra thành gia-phong.

1. GIA PHONG LÂM TẾ TÔNG :

Truyện Lâm Tế trong Truyền Đăng Lục rằng : Tăng hỏi thế nào là câu thứ nhất ?

Sư nói : Ấn khai tam yếu điểm son hẹp, chưa cho suy nghĩ chủ khách phân.

Hỏi thế nào là câu thứ nhì ?

Sư nói : Diệu giải chẳng cho vô vấn trước (chấp trước), phương tiện đâu phụ (cô phụ) triệt lưu cơ.

Hỏi thế nào là câu thứ ba ?

Sư nói : Hãy xem trên đài hát múa rối, kéo dây đều do người bên trong.

Lại nói : Một cú ngữ phải đủ tam huyền môn, một huyền môn phải đủ tam yếu, có quyền có thực, các ngươi làm sao lãnh hội ?

Thủ Sơn Tĩnh Niệm Thiền-sư (đời thứ năm phái Lâm Tế) trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục rằng : Ngộ được câu thứ nhất làm thầy của Tổ và Phật, ngộ được câu thứ nhì làm thầy của người và Trời, ngộ được câu thứ ba tự cứu chẳng xong !

Còn Từ Minh Sở Viên Thiền-sư (đời thứ bảy phái Lâm Tế) vì Tăng hỏi 'Tam huyền tam yếu' mà thuyết Tụng rằng :

Đệ nhất huyền :

Tam thế chư Phật tính nói chi ?

Dạy bảo trong mộng sanh khinh rẻ,

Ngồi không lại thành đọa đoạn kiến.

Đệ nhị huyền :

Lanh lợi nạp Tăng mắt chưa sáng,

Lửa đá điện chớp là chậm trễ,

Nhướng mày nháy mắt càng cách xa.

Đệ tam huyền :

Vạn tượng sum la vũ trụ rộng,

Mây tan hang trống núi non lặng,

Nước chảy đất bằng đầy sông ngòi.

Đệ nhất yếu :

Thánh phàm nói chi diệu,

Suy nghĩ đường càng xa,

Mở mắt điên đảo nhiều.

Đệ nhị yếu :

Đánh kiểng gọi đỉnh núi,

Thần thông đến tự tại,

Đa văn kêu ngoài cửa.

Đệ tam yếu :

Ngồi nằm khiến người chê,

Bàn tay nắm thiên địa,

Chiếu soi đủ ngàn sai.

Về Tứ Liệu Giản, trong Lâm Tế Lục ghi rằng :

Như kiến giải Thiền-tông, tử hoạt dĩ nhiên, người tham học cần nên chú ý, cũng như chủ khách gặp nhau thì có ngôn luận qua lại, hoặc tùy vật hiện hình, hoặc toàn thể tác dụng, hoặc nắm cơ tùy phương tiện mà vui giận, hoặc hiện bán thân, hoặc cỡi sư tử, hoặc cỡi tượng vương.

Như tiếng hét của người học chơn chánh là đưa ra cái thau bằng keo, Thiện-tri-thức chẳng biết là cảnh, bèn dính mắc cảnh họ làm dáng làm điệu, liền bị người học hét thêm tiếng nữa, Thiện-tri-thức chẳng chịu buông xuống, ấy là bệnh tuyệt vọng chẳng thể trị, gọi là “Khách nhìn chủ”.

Hoặc là Thiện-tri-thức chẳng đưa ra vật gì, tùy chỗ hỏi của người học liền đoạt, người học bị đoạt thà chết chẳng chịu buông, ấy gọi là “Chủ nhìn khách”.

Hoặc có người học tỏ một cái trong sạch ra trước mắt Thiện-tri-thức, Thiện-tri-thức biết là cảnh, liền quăng vào hầm sâu, người học nói : “Tốt lắm Thiện-tri-thức”. Thiện-tri-thức liền nói : “Ngốc thay chẳng biết tốt xấu”. Người học liền lễ bái, đây gọi là “Chủ nhìn chủ”.

Hoặc có người học còng tay còng cổ ra trước mắt Thiện-tri-thức, Thiện-tri-thức lại cho còng thêm một lớp, người học hoan hỷ, hai bên đều chẳng biết, ấy gọi là “Khách nhìn khách”.

Các Đại đức ! Sơn Tăng kể chuyện như thế đều là phân biệt ma quái để biết rõ chánh tà vậy.

Lại nói :

“Có khi đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh,

Có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn,

Có khi nhơn cảnh đều đoạt,

Có khi nhơn cảnh đều chẳng đoạt”.

Tăng hỏi : Thế nào là đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh ?

Sư đáp : Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, hài nhi tóc dài trắng như tơ.

Hỏi  : Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn ?

Sư đáp : Lệnh Vua đã ban khắp thiên hạ, tướng quân biên thùy chẳng thấy nghe.

Hỏi  : Thế nào là cảnh nhơn đều đoạt ?

Sư đáp : Biên giới cách tuyệt tin tức, tự cô độc ở một nơi.

Hỏi  : Thế nào là nhơn cảnh đều chẳng đoạt ?

Sư đáp : Vua lên ngôi bửu điện, lão ẩn dật ca ngợi.

Lại nói : “Người học từ bốn phương đến, Sơn Tăng ở đây phân ra làm ba thứ căn cơ : Như người trung hạ căn đến thì ta đoạt cảnh họ mà chẳng trừ pháp họ; như người trung thượng căn đến thì ta cảnh pháp đều đoạt; như người thượng thượng căn đến thì ta cảnh pháp, nhơn đều chẳng đoạt; như có kẻ kiến giải xuất cách (siêu việt ba thứ căn cơ) đến thì Sơn-tăng ở đây bèn toàn thể tác dụng, chẳng tùy căn cơ”.

Ngài Lâm Tế ứng cơ thường hay dùng hét, người ta gọi là “Vào cửa liền hét”. Bởi trong một tiếng hét sẵn đủ tam huyền tam yếu và tác dụng chủ khách. Sư từng nói : “Có một tiếng hét như bửu kiếm Kim Cang Vương, có khi một tiếng hét như 'kim mao sư tử cự địa' (thế sắp chụp người), có khi một tiếng hét như cây trúc dọ thám hình bóng trong đám cỏ, có khi một tiếng hét chẳng cho là tác dụng một tiếng hét, các người làm sao lãnh hội ?”

Lúc bấy giờ, môn đồ tham học trong Hội cũng bắt chước Sư hét, Sư nói : “Các ngươi cứ bắt chước Ta hét, nay Ta hỏi các ngươi : Có một người từ bên Đông ra, một người từ bên Tây ra, hai người cùng hét một lượt, ở đây phân được chủ khách chăng ? Mà các người làm sao phân ? Nếu phân chẳng được, về sau chẳng nên bắt chước lão tăng hét”.

Đối với gia phong Lâm Tế, Thủ Sơn Tĩnh Niệm Thiền-sư từng nói : “Các Thượng-tọa ! Chẳng nên hét mù hét bậy, ở đây bình thường nói với các ông, khách thì rốt cuộc là khách, chủ thì rốt cuộc là chủ; khách chẳng hai khách, chủ chẳng hai chủ. Nếu có hai khách, hai chủ tức là hai thằng mù, cho nên nếu ta đứng thì ngươi phải ngồi, nếu ta ngồi thì ngươi phải đứng. Ngồi thì cùng ngươi ngồi, đứng thì cùng ngươi đứng, mặc dù như thế, đến đây con mắt phải nhìn nhanh cho rõ mới được, nếu con mắt do dự thì cách xa muôn ngàn dậm. Tại sao như thế ? Giống như cách cửa sổ xem cỡi ngựa, suy nghĩ tức chẳng dính dáng. Các Thượng-tọa đã lưu tâm việc này, cần phải chú ý, tốt nhất đừng bám vào chỗ giả dối, hôm nọ ngày sau ngươi sẽ bị gạt”.

Đây là gia-phong đại khái của Lâm Tế tông.  

2. GIA PHONG QUI NGƯỠNG TÔNG :

Qui Ngưỡng tông cho chín mươi sáu tướng tròn, gia-phong tương đối ôn hòa, chẳng giống sự mãnh liệt của Lâm Tế tông. Trong Nhơn Thiên Nhãn Mục nói về gia-phong Qui Ngưỡng tông là  “Cha từ con hiếu, lệnh trên thì dưới tùng, ngươi muốn ăn cơm thì ta liền bưng canh; ngươi muốn qua sông ta liền chèo thuyền, cách núi thấy khói liền biết là lửa; cách tường thấy sừng liền biết là trâu”.

Còn Pháp Nhãn Thiền-sư Thập Qui Luận rằng : “Qui Ngưỡng thì vuông tròn mặc khế, như tiếng dội trong hang, như phù hợp luật lệ thông qua quan ải”.

Truyền Đăng Lục Qui Sơn truyện rằng :

Phổ thỉnh hái trà, Sư (Qui Sơn) nói với Ngưỡng Sơn rằng : Suốt ngày hái trà, chỉ nghe tiếng ngươi, chẳng thấy hình người, xin hiện bổn hình ra xem !

Ngưỡng Sơn lắc cây trà.

Sư nói : Ngươi chỉ được cái dụng, chẳng được cái thể.

Ngưỡng Sơn nói : Chưa rõ Hòa-thượng thế nào ?

Sư giây lâu.

Ngưỡng Sơn nói : Hòa-thượng chỉ được cái thể, chẳng được cái dụng.

Sư nói : Cho ngươi hai mươi gậy.

Ngưỡng Sơn nói : Gậy Hòa-thượng con ăn, gậy con bảo ai ăn ?

Sư nói : Cho ngươi ba mươi gậy.

Ngữ-lục của Chơn Tịnh Thiền-sư khi trụ trì Đông Sơn có ghi : “Thượng đường kể : Thuở xưa Diêm Quan thường dạy Tăng về Pháp-môn kiến Tánh, nghe nói Qui Sơn cũng vậy, liền sai hai vị Tăng đi dọ thám, đến nơi tọa hạ, nghe trăm điều đề xướng đều chẳng hiểu, lại sanh tâm khinh mạn. Một hôm gặp Ngưỡng Sơn nói : “Ngươi chớ tâm thô”. Ngưỡng Sơn bèn làm một tướng tròn, hai tay đưa ra, hai Tăng cũng chẳng hiểu, Ngưỡng Sơn nói : “Ngươi chớ tâm thô” liền bỏ đi.

Sư Chơn Tịnh nói : “Ngưỡng Sơn tam-muội, hai vị Tăng chẳng biết, dưới cửa Động Sơn có kẻ nào biết chăng ? là tam-muội gì ?” Giây lâu, Ngài nói tiếp : “Làm mì cần xứ trồng lúa mạch, ca nhạc nên tôn Đế-hương” (Nhạc thần của Đế-thích).

3. GIA PHONG VÂN MÔN TÔNG :

Vân Môn tông người sáng lập là Tổ Văn Yểm, ban sơ tham vấn ngài Mục Châu phát minh Tâm-địa sau tham ngài Tuyết Phong, thấu được yếu chỉ gia-phong của Tuyết Phong, bèn nối pháp Tuyết Phong, Tuyết Phong thì ôn hòa, huyền ảo. Văn Yểm kế thừa sở trường của hai nhà, phát huy Tông-chỉ vi diệu đặc biệt, trụ núi Vân Môn (Thiều Châu), đồ Chúng thường hơn 1000 người, kẻ nối Pháp 61 người.

Gia-phong của Vân Môn thẳng tắt, thường dùng ba chữ Cố (nhìn), Giám (xem), Ỷ (chê) để khám xét xét người học; còn có Vân Môn Bát Yếu : Một Huyền, hai Tùng, ba Chơn-yếu, bốn Đoạt, năm Hoặc, sáu Quá, bảy Tán, tám Xuất. Pháp Nhãn Thiền-sư Thập Qui Luận xưng ngài Vân Môn là “Hàm cái triệt lưu”, nói gia-phong nhà họ giống như nước sông đang chảy gấp mà đột nhiên dừng lại.

Văn Yểm có tự làm bài kệ rằng :

Vân Môn chót vót trên đám mây,

Cá chẳng dám trụ, nước chẳng bay,

Vào cửa đã biết ôm kiến giải,

Đâu phiền kể lại sình bánh xe.

Đệ-tử ngài Vân Môn là Viên Minh Thiền-sư có bài kệ tụng ba câu của Vân Môn rằng :

1/ Hàm cái càn khôn :

Càn khôn và vạn tượng,

Địa-ngục với Thiên-đường.

Vật vật đều trực hiện,

Mỗi mỗi chẳng đúng sai.

2/ Triệt đoạn chúng lưu :

Đầy núi đầy biển lại,

Mỗi mỗi đều trần ai.

Lại muốn lập huyền diệu,

Ngói bể băng tiêu ngay.

3/ Tùy ba trục lãng :

Cách hỏi dù biện tài,

Cao thấp đáp chẳng sai.

Cũng như thuốc đúng bệnh,

Chẩn trị lúc lâm thời.

- Riêng hỏi ngoài ba câu :

Đương nhơn nếu đề xướng,

Ba câu đâu thể gồm.

Có hỏi việc thế nào,

Nam Nhạc và Thiên Thai.

Ngài Trí Môn làm bài tụng “Rút chữ Cố” rằng :

Vân Môn rút Cố cười hi hi,

Suy nghĩ bị nó cố,giám,ỷ.

Dẫu cho Trương Lương nhiều kế sách,

Cuối cùng ở đây cũng khó thi (hành).  

4. GIA PHONG PHÁP NHÃN TÔNG :

Người sáng lập là Thanh Lương Văn Ích Thiền-sư, Trụ-trì Kim Lăng Thành Vương Tự, học giả bốn phương tấp nập tìm đến tham học, hình thành một Tông-phái trong Thiền-tông.

Gia-phong của Pháp Nhãn tông có Lục Tướng và Tứ Liệu Giản dùng để tiếp dẫn hậu học. Tứ Liệu Giản tức là Văn văn (phóng), Văn bất văn (thu), Bất văn văn (minh), Bất văn bất văn (ám).  

5. GIA PHONG TÀO ĐỘNG TÔNG :

Tào Động tông đúng ra phải xưng là Động Tào tông, do Động Sơn Lương Giới Thiền-sư với đệ-tử là Tào Sơn Bổn Tịch Thiền-sư sáng lập. Ngài Lương Giới thọ Tâm-yếu nơi Vân Nham Thiền-sư, sau trụ trì Động Sơn Phổ Lợi viện ở Dự Chương, đề xướng Ngũ Vị để tiếp dẫn học giả. Ngũ Vị là : Chánh-trung-thiên, Thiên-trung-chánh, Chánh-trung-lai, Thiên-trung-chí, Kiêm-trung-đáo. Còn có bài Bửu Cảnh Tam Muội Ca.

Động Sơn gia-phong miên mật, trong số đệ-tử thượng thủ, ngài Tào Sơn Bổn Tịch đắc tâm truyền, trụ trì Tào Sơn Sùng Thọ viện ở Võ Châu, xướng dương yếu khuyết Ngũ Vị, người học đến tấp nập, người đời xưng là Tào Động tông.

Pháp Nhãn Thiền-sư Thập Qui Luận rằng : “Tào Động là xướng họa làm dụng”, bởi gia-phong một vấn một đáp, qua lại miên mật, so với cơ phong thẳng tắt của Lâm Tế ý thú khác xa. Nên người xưa có lời nói “Lâm Tế tướng quân, Tào Động nông dân”. Vì gia-phong Lâm Tế như tướng chỉ huy binh lính trăm vạn, mà gia phong Tào Động thì như kẻ nông phu canh tác ruộng đất rất chu đáo vậy.

Có Tăng hỏi Phần Dương Thiện Chiêu Thiền-sư : Thế nào là Chánh-trung-lai ?

Đáp : Bông sen nở đầy trên đất khô.

Hỏi : Sau khi nở thế nào ?

Đáp : Nhụy bông Kim Liên hứng sương ngọc, cao Tăng chẳng tọa đài Phượng Hoàng.

Hỏi : Thế nào là Chánh-trung-thiên ?

Đáp : Mặt trăng chiếu sáng đầu đêm rồi, gà gáy phải báo trước canh năm.

Hỏi : Thế nào là Thiên-trung-chánh ?

Đáp : Mầm nhỏ thành cây to, giọt nước làm sông ngòi.

Hỏi : Thế nào là Thiên-trung-chí ?

Đáp : Ý khí chẳng đắc từ thiên địa, anh hùng đâu nương thời thế thành.

Hỏi : Thế nào là Kiêm-trung-đáo ?

Đáp : Ngọc-nữ dệt vải thuyền ọt ẹt, người đá đánh trống tiếng đùng đùng.

Sư vì Tăng xin hỏi Ngũ Vị, bèn tụng ra từng Vị rằng :

Chánh-trung-lai :

Bửu kiếm Kim Cang vạch trời ra,

Một tia thần quang khắp thế giới,

Phẩm tánh sáng tỏ tuyệt trần ai.

Chánh-trung-thiên :

Cơ phong sấm sét nháy mắt nhìn,

Lửa đá điện chớp chậm trể thay !

Suy nghĩ đo lường xa ngàn dặm.

Thiên-trung-chánh :

Hãy xem Luân-vương ban Chánh-lệnh,

Bảy ngàn Thái-tử đều theo hầu,

Giữa đường một mình tìm gương vàng.

Thiên-trung-chí :

Sư tử ba tuổi oai thế sẵn,

Thiên tà bá quái ló đầu ra,

Rống lên một tiếng đều hàng phục.

Kiêm-trung-đáo :

Hiển bày vô công chớ tạo tác,

Trâu gỗ bước đi trong lửa hồng,

Thật là Pháp-vương diệu trung diệu.

Còn Ngũ Vị Tụng của Từ Minh Sở Viên Thiền-sư rằng :

Chánh-trung-thiên :

Gà đen nửa đêm gáy trong phòng,

Đáy biển đốt đèn thế giới sáng,

Tảng đá trồng bông mọc cây linh.

Thiên-trung-chánh :

Mặt trời lặn xuống hiện bóng lạ,

Ảnh tượng rõ ràng hiển Tông-thừa,

Lông mày chớ nhìn trăng trong giếng.

Chánh-trung-lai :

Ngựa gỗ sanh con khắp thiên hạ,

Mặt tình dẫn dắt đi đường chim,

Há chẳng người nương ổ chim ở.

Kiêm-trung-chí :

Mỗi mỗi trượng phu có ý khí,

Mâu thuẫn chống nhau chẳng vết thương,

Tung hoành khai triển chẳng lìa nhau.

Kiêm-trung-đáo :

Trắng đen chưa rõ chớ tạo tác,

Phải biết trụ cột chưa sanh con,

Chớ nhận lời cuồng ngưng giữa đường.

Trên đây là gia-phong đại khái của Tào Động tông. Người xưa có bình luận Ngũ gia gia phong rằng : 'Tào Động đinh ninh, Lâm Tế thế thắng, Vân Môn thẳng tắt, Pháp Nhãn linh xảo, Qui Ngưỡng trao nhau'.

Còn Bạch Vân Pháp Nhãn Thiền-sư trong Ngữ-lục có luận về Ngũ gia gia phong rằng :

Tăng hỏi : Thế nào là việc của Lâm Tế ?

Đáp : Ngũ nghịch nghe sấm sét.

Hỏi : Thế nào là việc của Vân Môn ?

Đáp : Cờ đỏ lấp lánh.

Hỏi : Thế nào là việc của Tào Động ?

Đáp : Gởi thơ chẳng đến nhà.

Hỏi : Thế nào là việc của Qui Ngưỡng ?

Đáp : Bia gẫy nằm đường xưa.

Tăng lễ bái.

Sư nói : Sao chẳng hỏi việc Pháp Nhãn ?

Tăng nói : Để giành cho Hòa-thượng.

Sư nói : Người tuần phạm Luật-giới nghiêm.

Sư nói tiếp : “Ngộ thì việc đồng một nhà, chẳng ngộ thì muôn ngàn sai biệt, một nửa ăn bùn ăn đất, một nửa ăn mạch ăn mè, hoặc là hàng long phục hổ, hoặc là lượm sò với tôm. Hòa Sơn chỉ biết đánh trống, Bí Ma luôn luôn giơ chỉa. Nói chung một tuồng hát cười, đều do mỉm cười niêm hoa, đồ bỏ trong đám Bạch Vân, gió xuôi xả đất, xả cát, nếu chẳng tâm cang thế này, sao được áo gấm vinh qui ! Vậy một tiếng Vinh Qui nên nói thế nào ? Vinh hoa hôm nay người chẳng biết mười năm trước là một thư sinh”.

Ngài còn thượng đường nói : “Đạt-ma từ bên Tây đến, việc lâu nhiều biến đổi, con cháu đời sau gia-phong vô hạn, nhiễu loạn thân tâm, một đống chỉ mành. Bạch Vân hôm nay thảy đều cắt đứt. Đại-chúng ! Một trăm lẻ năm ngày thanh minh, Thượng-nguyên nhất định là rằm tháng giêng”.

Nên biết nói gia-phong chỉ là phương tiện tùy nghi của chư Tổ dùng để tiếp dẫn hậu học. Gia-phong dù theo người mà khác, nhưng Phật-tánh thì ngàn xưa chẳng đổi, kẻ ngộ thì thấu qua như một, chẳng ngộ thì lại thêm lắm rồi.

Pháp Nhãn tông truyền sang Hàn Quốc, Vân Môn tông thất truyền đã lâu, nay chỉ còn ba tông Qui Ngưỡng, Tào ĐộngvàLâm Tế; nhưng con cháu của các Tôngchỉ lấy cội nguồn gia phổ để truyền thừa với nhau, ghi tên trên Pháp-quyển là Thiền-sư đời thứ mấy mà thôi, nếu hỏi về gia phong Tông-chỉ thì ngơ ngác chẳng thể trả lời. Nên khuyên người học đời nay, hễ được 'minh Tâm kiến Tánh' liền được liễu thoát sanh tử, nối tiếp huệ mạng của chư Phật chư Tổ, với chư Phật chư Tổ nắm tay cùng đi, đâu cần phân chia Tông-phái chi nữa ?  

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn