17:44 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Diên Thọ

Thiền-sư Diên Thọ ở Vĩnh Minh, họ Vương, người Hàng Châu. Thuở nhỏ đã biết kính Phật-thừa, lớn lên một ngày chỉ ăn một bữa. Tụng kinh Pháp Hoa hai tháng đã thuộc lòng, cảm thông được bầy dê quỳ nghe. Đến tuổi hai mươi tám, làm quan chức Chấn Tướng xứ Huê Đình, gặp ghe lưới đều mua hết cá rồi thả...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
HUE NANG
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Duy-ma-cật

Kinh Duy-ma-cật - phẩm Phương tiện

Thứ ba - 02/04/2013 06:55 Xem: 1781
PHẨM P​HƯƠNG TIỆN

Lúc ấy trong thành Tỳ-da-ly, có vị Trưởng-giả tên là Duy-ma-cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, sâu trồng cội lành, được Vô-sanh-pháp-nhẫn, biện tài vô ngại, du hí thần thông, cho đến tổng-trì, được vô-sở-sợ, hàng phục Ma-oán, nhập 'Pháp-môn thâm diệu', khéo dùng trí huệ, thông đạt phương tiện, đại nguyện thành tựu, thấu rõ tâm chúng sanh, hay phân biệt các căn lợi độn, nơi Phật-đạo tâm đã thuần thục, quyết định Ðại-thừa, việc làm chẳng cần tác ý, Tâm-lượng như biển, oai nghi đồng Phật, chư Phật khen ngợi, các Vua-chúa Trời người thảy đều kính trọng.

Vì muốn độ người đời nên Ngài thị hiện phương tiện ở thành Tỳ-da-ly, dùng vô lượng của cải để nhiếp độ dân nghèo, giữ Giới-hạnh trong sạch để nhiếp độ kẻ phá Giới, dùng hạnh Nhẫn-nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ sân hận, dùng Đại-tinh-tấn để nhiếp độ kẻ biếng nhác, nhất tâm Thiền-tịch để nhiếp độ kẻ tâm loạn, dùng Trí-huệ để nhiếp độ kẻ vô trí.

Dù hiện thân bạch-y mà giữ Giới-hạnh trong sạch của Sa-môn, dù ở tại gia mà không đắm nhiễm cõi đời, thị hiện có vợ con quyến thuộc mà thường tu thanh tịnh hạnh, dù mặc đồ quí báu mà dùng tướng tốt để trang nghiêm, dù ăn uống theo người đời mà lấy Thiền-duyệt làm mùi vị, hoặc đến chỗ cờ bạc, xướng hát vẫn tùy cơ độ người, dù thọ pháp Ngoại-đạo mà chẳng hoại Chánh-tín, dù hiểu rõ Thế-pháp mà thường ưa Phật-pháp. Tất cả người gặp đều cung kính cúng dường, xưng Ngài là bậc nhất trong hàng người được cúng dường, hành đúng Chánh-pháp để nhiếp độ khắp kẻ sang, hèn, già, trẻ, kinh doanh sự nghiệp thế gian được lợi mà chẳng vui mừng. Dạo khắp thành phố để lợi ích chúng sanh, dùng Chánh-pháp để cứu giúp tất cả người, vào chỗ giảng thuyết Kinh-luận để dẫn dắt theo Đại-thừa, vào các học đường để mở mang trí huệ cho học trò, vào nhà dâm để thị hiện tội lỗi của dâm dục, vào quán rượu mà trí huệ chẳng bị nhiễu loạn.

Nếu ở hàng Trưởng-giả thì làm bậc Tôn-túc trong Trưởng-giả vì thuyết Pháp thù thắng cho họ. Nếu ở hàng Cư-sĩ thì làm bậc Tôn-túc trong Cư-sĩ vì đoạn dứt tham dục cho họ. Nếu ở hàng Sát-lỵ (dòng Vua-chúa) thì làm bậc Tôn-túc trong Sát-lỵ vì dạy nhẫn nhục cho họ. Nếu ở hàng Bà-la-môn thì làm bậc Tôn-túc trong Bà-la-môn vì trừ ngã mạn cho họ. Nếu ở hàng Đại-thần thì làm bậc Tôn-túc trong Đại-thần vì dạy Chánh-pháp cho họ. Nếu ở hàng Vương-tử thì làm bậc Tôn-túc trong vương tử vì chỉ thị trung hiếu cho họ. Nếu ở hàng Nội-quan (Thái-giám và Cung-phi làm quan chức trong Cung) thì làm bậc Tôn-túc trong Nội-quan vì giáo hóa Cung-nữ theo Chánh-pháp. Nếu ở hàng thường dân thì làm bậc Tôn-túc trong thường dân vì chỉ bảo làm việc phước đức cho họ. Nếu ở hàng Phạm-thiên thì làm bậc Tôn-túc trong Phạm-thiên vì dạy bảo trí huệ thù thắng. Nếu ở hàng Đế-thích thì làm bậc Tôn-túc trong Đế-thích vì thị hiện cho biết sự vô thường. Nếu ở hàng Tứ Thiên-vương thì làm bậc Tôn-túc trong Tứ Thiên-vương vì dạy họ hộ giúp cho chúng sanh.

Trưởng-giả Duy-ma-cật dùng vô lượng phương tiện như thế để lợi ích chúng sanh, phương tiện ấy là hiện thân có bệnh. Vì Ngài bệnh nên Quốc-vương, Đại-thần, Trưởng-giả, Cư-sĩ, Bà-la-môn v.v... cùng các Vương-tử, Quan-lại và quyến thuộc, vô số ngàn người đều đi thăm bệnh. Nhân dịp này, vì tất cả mọi người đến thăm bệnh, Ngài dùng phương tiện mà thuyết Pháp rằng :

- Này các Nhơn-giả ! Cái huyễn thân này thật là vô thường, nó không có sức, không mạnh, không bền chắc, là vật mau hư hoại, thật chẳng thể tin cậy ! Nó là cái ổ chứa nhóm những thứ khổ não bệnh hoạn. Các Nhơn-giả ! Người có trí sáng suốt không bao giờ nương cậy nó. Nếu xét cho kỹ thì thân này như đống bọt, chẳng thể cầm nắm. Thân này như bóng nổi, chẳng thể bền lâu. Thân này như dương-diệm, do ánh sáng mặt trời phản chiếu mà sanh. Thân này như cây chuối, chính giữa không bền chắc. Thân này như huyễn, từ điên đảo khởi. Thân này như mộng, do tâm hư vọng mới thấy. Thân này như bóng, do nghiệp nhân hiện. Thân này như tiếng vang, thuộc về nhân duyên. Thân này như đám mây, trong giây lát biến mất. Thân này như điện chớp, niệm niệm chẳng trụ. Thân này vô chủ như địa đại, vô ngã như hỏa đại, vô thọ như phong đại, vô nhơn như thủy đại. Thân này chẳng thật, nương tứ Đại làm nhà. Thân này vốn không, lìa ngã, ngã sở. Thân này vô tri như cây cỏ, miểng ngói. Thân này vô tác, tùy sức gió xoay chuyển. Thân này bất tịnh, chứa đầy những thứ dơ bẩn. Thân này giả dối, dù có tắm rửa ăn mặc rốt cuộc cũng phải tiêu diệt. Thân này là tai họa, vì sanh bệnh hoạn khổ não. Thân này như giếng khô trên gò, vì bị sự già yếu ép ngặt. Thân này chẳng định, vì có sanh ắt phải chết. Thân này như rắn độc, như oán tặc, như hư không tụ hợp, do ngũ Ấm, lục Nhập, thập bát Giới hòa hợp mà thành.

Các Nhơn-giả ! Nên vui thích thân Phật, nhàm chán thân này. Tại sao ? Thân Phật là Pháp-thân, từ vô lượng trí huệ công đức sanh; từ Giới-định-huệ, Giải-thoát, Giải-thoát-tri-kiến và Từ-bi-hỷ-xả sanh; từ Bố-thí, Nhẫn-nhục, Nhu-hòa, Siêng-năng, Tinh-tấn, Thiền-định, Giải-thoát, Tam-muội, Đa-văn, Trí-huệ, các Ba-la-mật sanh; từ Phương-tiện, Lục-thông, Tam-minh, 37 phẩm-trợ-đạo và Chỉ-quán sanh; từ Thập-lực, Tứ-vô-sở-úy, 18 pháp-bất-cộng sanh; từ đoạn dứt tất cả pháp bất thiện, tu tập tất cả pháp thiện sanh; từ chơn thật chẳng buông lung sanh; từ vô lượng pháp trong sạch kể trên sanh thân Như-lai.

Các Nhơn-giả ! Muốn đắc thân Phật, đoạn dứt tất cả bệnh chúng sanh, phải phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Như thế, Trưởng-giả Duy-ma-cật vì những người đến thăm bệnh mà ứng cơ thuyết Pháp, khiến tất cả đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

>> Phẩm Thanh văn. 

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn