PHẨM PHẬT ÐẠO
Bấy giờ, Văn-thù hỏi Duy-ma-cật rằng : Thế nào là Bồ-tát thông đạt Phật-đạo ?
Duy-ma-cật nói : Nếu Bồ-tát hành nơi phi đạo gọi là thông đạt Phật-đạo.
Hỏi :
- Thế nào là Bồ-tát hành nơi phi đạo ?
Ðáp :
- Nếu Bồ-tát gây tội ngũ nghịch mà chẳng có buồn giận, đến nơi Địa-ngục mà chẳng có tội cấu, đến nơi súc sanh mà chẳng có vô minh kiêu mạn, đến nơi Ngạ-quỷ mà đầy đủ công đức, đến cõi Sắc-giới và Vô-sắc-giới mà chẳng cho là thù thắng, thị hiện tham dục mà lìa các nhiễm đắm, thị hiện sân hận mà đối với chúng sanh chẳng có quái ngại, thị hiện ngu si mà dùng Trí-huệ điều phục tâm mình, thị hiện tham lam bỏn xẻn mà bỏ tất cả của cải, chẳng tiếc thân mạng. Thị hiện phá Giới mà an trụ Tịnh-giới, cho đến có tội nhỏ cũng rất sợ hãi. Thị hiện giận dữ mà thường từ bi nhẫn nhục, thị hiện giãi đãi mà siêng tu Công-đức, thị hiện tán loạn mà thường niệm Chánh-định, thị hiện ngu si mà thông đạt trí huệ thế gian và xuất thế gian, thị hiện siểm khúc giả dối mà khéo dùng phương tiện tùy theo Nghĩa-kinh, thị hiện kiêu mạn mà xem chúng sanh cũng như cầu đò độ người. Thị hiện phiền não mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện Nhập-ma mà tùy thuận trí huệ Phật chẳng theo đạo khác. Thị hiện Thanh-văn mà vì chúng sanh thuyết những Pháp chưa từng nghe, thị hiện Duyên-giác mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sanh, thị hiện nghèo nàn mà có công đức vô tận, thị hiện tàn tật mà đầy đủ tướng tốt để tự trang nghiêm, thị hiện hạ tiện mà sanh trong chủng tánh Phật, đầy đủ công đức. Thị hiện ốm yếu xấu xí mà được thân Na-la-diên (tướng đoan trang hùng mãnh) tất cả chúng sanh đều ham gặp, thị hiện già bệnh mà dứt hẳn gốc bệnh, siêu việt sanh tử. Thị hiện giàu sang mà quán pháp vô thường thật chẳng lòng tham, thị hiện có thê thiếp tỳ nữ mà thường xa lìa bùn lầy Ngũ-dục, thị hiện nơi ngu độn mà thành tựu biện tài, chẳng mất Tổng-trì, thị hiện vào tà đạo mà dùng tà đạo cứu độ chúng sanh, thị hiện vào khắp các đạo mà đoạn dứt các Nhân-duyên, thị hiện nơi Niết-bàn mà chẳng dứt sanh tử. Văn-thù ! Bồ-tát hành nơi phi đạo như thế gọi là thông đạt Phật-đạo.
Bấy giờ, Duy-ma-cật hỏi Văn-thù : Thế nào là hạt giống Như-lai ?
Ðáp : Có thân là hạt giống Như-lai. Vô-minh có Ái là giống, Tham-sân-si là giống, Tứ-điên-đảo là giống, Ngũ-cái (ngũ dục) là giống, Lục-nhập là giống, Thất-thức-xứ là giống, Bát-tà-pháp là giống, Cửu-não là giống, Thập-bất-thiện-đạo... là giống. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiến-não đều là hạt giống Phật.
Hỏi : Tại sao ?
Ðáp : Nếu kẻ thấy vô-vi vào Chánh-vị thì chẳng thể còn phát Tâm Vô Thượng Bồ-đề nữa. Ví như chỗ gò cao chẳng thể sanh hoa sen, mà nơi bùn lầy ẩm thấp mới sanh hoa sen. Cũng thế, kẻ thấy Pháp-vô-vi vào Chánh-vị thì chẳng còn có thể sanh khởi Phật-pháp, trong bùn lầy phiền não mới có chúng-sanh sanh khởi Phật-pháp thôi. Như gieo giống nơi hư không thì chẳng thể sanh khởi, ở đất phân bùn mới tốt tươi được. Cũng thế, kẻ vào vô vi Chánh-vị chẳng sanh khởi Phật-pháp, kẻ có ngã-kiến như núi Tu-di còn có thể phát tâm Vô-thượng Bồ-đề, sanh khởi Phật-pháp. Nên biết tất cả phiền-não là hạt giống Như-lai, ví như chẳng xuống biển cả thì chẳng được bữu châu vô giá. Cũng thế, chẳng vào biển phiền-não thì chẳng thể đắc ngọc báu Nhất-thiết-trí vậy.
Lúc ấy Ðại-ca-diếp tán thán rằng :
- Lành thay ! Lành thay ! Văn-thù ! Lời này rất đúng. Thật như lời ông nói, bọn trần lao mới là hạt giống của Như-lai, nay chúng tôi chẳng còn có thể phát tâm Vô-thượng Bồ-đề. Người mang tội ngũ vô gián còn có thể phát tâm sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi đây trọn chẳng thể phát, ví như những người ngũ căn đã hư, đối với Ngũ-dục chẳng còn cảm xúc. Cũng thế, hàng Thanh-văn đã dứt phiền não trói buộc, xem Phật-pháp chẳng còn ích lợi gì nên chẳng phát nguyện nữa.
Cho nên, Văn-thù ! Phàm-phu ở nơi Phật-pháp có biến chuyển mà Thanh-văn thì không. Tại sao ? Phàm phu nghe Phật-pháp được sanh khởi 'đạo tâm vô thượng' chẳng dứt hạt giống Tam Bảo. Dẫu cho Thanh-văn suốt đời nghe Phật-pháp và được sức vô úy v.v... chung qui chẳng thể phát đạo tâm vô thượng.
Khi ấy, trong Hội có vị Bồ-tát tên Phổ-hiện-sắc-thân hỏi Duy-ma-cật rằng :
- Cha mẹ, vợ con, thân nhân, quyến thuộc, thầy trò, tri thức của Cư-sĩ mỗi mỗi là ai ? Tỳ nữ, tôi tớ, voi ngựa, xe cộ nay ở nơi nào ?
Duy-ma-cật dùng bài kệ đáp rằng :
Trí là mẹ Bồ-tát,
Phương-tiện gọi là cha,
Ðạo-sư tất cả Chúng,
Ðều từ đó sinh ra.
Pháp-hỷ chính là vợ,
Tâm-từ-bi là gái,
Tâm-thành-thật là trai,
Không-tịch là nhà cửa.
Trần-lao là Đệ-tử,
Tùy-ý để giáo hóa,
Ðạo-phẩm Thiện-tri-thức.
Do đó thành Chánh-giác.
Pháp Lục-độ là bạn,
Tứ-nhiếp là ca nữ,
Xướng ngâm tụng lời Pháp,
Lấy đó làm âm nhạc.
Tổng-trì là vườn bông,
Vô-lậu là rừng cây,
Giác-tâm là Diệu-hoa,
Giải-thoát-trí-huệ quả.
Bát-giải là ao tắm,
Nước Ðịnh lặng trong đầy.
Bảy thứ hoa trong sạch,
Ðể tắm người không nhơ.
Ngũ-thông voi ngựa chạy,
Đại-thừa là xe cộ,
Nhất-tâm là phu xe,
Dạo nơi Bát-chánh-đạo.
Tướng tốt để nghiêm thân,
Và trang điểm dung mạo,
Hổ-thẹn làm quần áo,
Thâm-tâm làm tràng hoa,
Giàu sang đầy thất bửu.
Giáo-thọ sanh lợi tức,
Tu hành theo sở thuyết,
Hồi-hướng là lợi lớn.
Tứ-thiền làm sàng tọa,
Từ nơi Tịnh-mạng sanh.
Ða văn thêm trí huệ.
Ấy là tiếng Tự-giác.
Món ăn : Pháp-cam-lồ,
Nước uống : Vị-giải-thoát,
Tắm rửa là Tịnh-tâm,
Hương Hoa là Giới-phẩm,
Trừ dẹp phiền-não-tặc,
Dũng cảm chẳng ai bằng.
Hàng phục bốn thứ Ma,
Phướn-thắng (1) dựng Đạo-tràng,
Dù biết chẳng sanh diệt,
Phương-tiện hiện có sanh.
Hiện khắp các Quốc-độ,
Như mặt trời soi khắp.
Cúng dường khắp mười phương,
Vô lượng ức Như-lai,
Chư Phật và thân mình,
Chẳng có phân biệt tưởng.
Dù biết các cõi Phật,
Và chúng sanh tánh Không,
Mà thường tu Tịnh-độ.
Giáo-hóa khắp mỗi loài,
Bồ-tát vô úy lực,
Oai nghi và sắc thinh,
Cùng hiện trong nhất thời.
Biết rõ việc Ma-chúng,
Mà theo hành của họ.
Khéo dùng Trí-phương-tiện,
Mà tùy ý thị hiện.
Hoặc hiện già, bệnh, chết,
Thành tựu cho chúng sanh.
Liễu tri như huyễn hóa,
Thông đạt chẳng chướng ngại.
Hiện kiếp hỏa cháy tan,
Trời đất đều trống rỗng,
Nếu chúng sanh chấp thường,
Thì cho biết vô thường.
Vô số ức chúng sanh.
Cùng nhau thỉnh Bồ-tát,
Nhất thời đến nhà họ,
Dạy cho hướng đạo Phật,
Phép-chú và Kinh-sách,
Với công thương - kỹ nghệ,
Ðều hiện làm việc này.
Lợi ích cho chúng sanh,
Các đạo pháp thế gian,
Thảy xuất gia trong đó,
Ðược giải mê cho người,
Mà chẳng đọa Tà-kiến.
Hoặc làm Nhựt-nguyệt-thiên,
Phạm-vương chúa thế giới,
Hoặc địa thủy hỏa phong,
Hoặc gặp có bệnh dịch,
Hiện làm các dược thảo,
Người được uống thuốc đó,
Bệnh trừ, độc cũng tiêu.
Trong đời có đói khát,
Hiện làm đò ăn uống,
Trước cứu đói khát họ,
Sau giảng dạy Phật-pháp.
Trong đời có chiến tranh,
Khiến khởi tâm từ bi,
Hóa độ những chúng sanh,
Trụ nơi đất vô tranh.
Hai trận đang đánh nhau,
Mà giúp bên sức yếu,
Hiện oai thế Bồ-tát,
Hàng phục khiến giải hòa.
Trong tất cả Quốc-độ,
Chỗ nào có Địa-ngục,
Thì đi đến nơi đó,
Cứu vớt khổ não họ,
Trong tất cả Quốc-độ,
Súc sinh ăn nuốt nhau,
Thị hiện sanh nơi đó,
Giải oán thù cho họ.
Dù thọ nơi Ngũ-dục,
Mà cũng hiện tu Thiền,
Khiến Tâm-ma rối loạn,
Chẳng có dịp khuấy phá,
Trong lửa sanh hoa sen,
Ấy là việc hy hữu.
Thọ dục mà thành Thiền,
Hy hữu cũng như thế.
Hoặc hiện làm dâm nữ,
Dụ kẻ mê sắc đẹp,
Trước dùng dục lôi kéo,
Sau khiến vào Trí-phật.
Hoặc làm Chủ trong ấp,
Hoặc làm Thầy khách buôn,
Quốc-sư và Đại-thần,
Ðể lợi ích chúng sanh.
Chỗ nào có kẻ nghèo,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyên dạy họ,
Khiến phát Bồ-đề-tâm.
Gặp kiêu căng ngã mạn,
Thì hiện làm lực sĩ,
Ðể hàng phục cống cao,
Khiến trụ Vô-thượng-đạo.
Những người hay sợ sệt,
Trước thí Pháp-vô-úy,
Sau khiến phát Đạo-tâm,
Cho họ được an ủi.
Hoặc hiện lìa dâm dục,
Mà làm Tiên-ngũ-thông,
Dẫn dắt cho chúng sanh,
Khiến trụ Giới, Nhẫn, Từ.
Thấy người cần hầu hạ,
Hiện làm kẻ tôi tớ,
Cho họ được vui lòng,
Nhân đó phát Đạo-tâm.
Khéo dùng sức phương tiện,
Tùy theo nhu cầu họ,
Ðể giúp cho đầy đủ,
Ðể được vào Phật-đạo.
Ðạo-pháp nhiều vô lượng,
Sở hành chẳng bờ bến,
Trí-huệ lớn vô biên,
Ðộ thoát vô số chúng.
Giả sử tất cả Phật,
Nơi vô số ức kiếp,
Tán thán công đức ấy,
Cũng chẳng thể hết được,
Ai nghe Pháp như thế,
Chẳng phát Bồ-đề-tâm !
Trừ Xiển-đề chẳng tin,
Và ngu si vô trí.
(1). Phướn-thắng : Ở Ấn-độ, hễ biện luận Phật-pháp được thắng lợi thì dựng lập phướn-thắng. Ở nơi Đạo-tràng hàng Ma cũng dựng lập phướn-thắng để tỏ sự thắng lợi.
>> Phẩm Bất nhị.