16:44 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Liễu Quán

Nhằm tăng cường lòng tin Pháp-môn, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn Thiền-sư Liễu Quán (1667 - 1743), đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, một người Việt Nam tham thiền đạt ngộ. Tư liệu này được trích trong sách "Lịch sử Phật giáo Đàng Trong VN" của Nguyễn Hiền Đức.          ...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Duy-ma-cật

Kinh Duy-ma-cật - phẩm Bất nhị

Thứ ba - 02/04/2013 16:42 Xem: 1813
PHẨM NHẬP PHÁP MÔN BẤT NHỊ 

Bấy giờ, Duy-ma-cật bảo các Bồ-tát rằng :

- Các nhơn giả ! Bồ-tát làm sao nhập Pháp-môn-bất-nhị ? Hãy tùy sở ngộ của mình mà nói ra.

Trong hội có Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói :

- Các nhơn giả ! Sanh diệt là nhị. Pháp vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt. Ðắc Vô-sanh-pháp-nhẫn này, gọi là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Ðức-thủ Bồ-tát rằng :

- Ngã với sở là nhị. Vì có ngã mới có sở. Nếu chẳng có ngã thì chẳng ngã sở. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Bất-thuấn Bồ-tát rằng :

- Thọ với chẳng thọ là nhị. Nếu pháp chẳng thọ thì bất khả đắc, vì bất khả đắc nên vô thủ xả, vô tác, vô hành. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

      Ðức-đảnh Bồ-tát rằng :

- Cấu với tịnh là nhị. Nếu thấy thật tánh của cấu, thì tướng chẳng tịnh, cũng là thuận theo tướng diệt. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Thiện-túc Bồ-tát rằng :

- Ðộng với niệm là nhị. Bất động thì vô niệm, vô niệm thì chẳng phân biệt. Thông đạt lý này là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Thiên-nhãn Bồ-tát rằng :

- Nhất tướng vô tướng là nhị. Nếu biết nhất tướng tức là vô tướng, cũng chẳng chấp vô tướng vào nơi bình đẳng. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Diệu-tý Bồ-tát rằng :

- Tâm Bồ-tát, tâm Thanh-văn là nhị. Kẻ quán tâm tướng vốn không, như huyễn hóa thì chẳng có tâm Bồ-tát, tâm Thanh-văn. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Phất-sa Bồ-tát rằng :

- Thiện với bất thiện là nhị. Nếu chẳng khởi thiện, bất thiện thì vào nơi vô-tướng. Kẻ thông đạt lý này là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Sư Tử Bồ-tát rằng :

- Tội với phước là nhị. Nếu thông đạt tánh tội thì với tánh phước chẳng khác. Kẻ dùng trí huệ Kim Cang thấu liễu tướng này vốn chẳng trói mở. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Sư-tử-ý Bồ-tát rằng :

- Hữu lậu vô lậu là nhị. Nếu chứng được các pháp bình đẳng thì chẳng khởi niệm lậu và vô lậu, chẳng chấp nơi tướng, cũng chẳng trụ nơi vô-tướng. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Tịnh-giải Bồ-tát rằng :

- Hữu vi vô vi là nhị. Nếu lìa tất cả số lượng, tâm như hư không, thì trí hụệ trong sạch, chẳng có chướng ngại. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Na-la-diên Bồ-tát rằng :

- Thế gian xuất thế gian là nhị. Thế gian tánh không tức là xuất thế gian, ở trong đó chẳng nhập chẳng xuất, chẳng trào chẳng tan. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Thiện-ý Bồ-tát rằng :

- Sanh-tử Niết-bàn là nhị. Nếu thấy tánh sanh tử thì chẳng có sanh tử, chẳng trói chẳng mở. Vậy chẳng sanh tử cũng chẳng Niết-bàn. Kẻ hiểu như thế là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Hiện-kiến Bồ-tát rằng :

- Tận với bất tận là nhị. Pháp nếu cứu cánh, thì tận và bất tận đều là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì chẳng có tướng tận và bất tận. Ngộ nhập như thế là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Phổ-thủ Bồ-tát rằng :

- Ngã với vô ngã là nhị. Ngã còn bất khả đắc, phi ngã làm sao đắc. Kẻ thấy thật tánh của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Ðiện-thiên Bồ-tát rằng :

- Minh với vô minh là nhị. Thật tánh của vô minh tức là minh. Minh cũng bất khả đắc, lìa tất cả số lượng. Ở trong đó bình đẳng chẳng khác. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Hỷ-kiến Bồ-tát rằng :

- Sắc với không là nhị. Sắc tức là không. Chẳng phải Sắc diệt rồi mới không. Tánh Sắc tự không. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng thế. Ngũ-uẩn với Không là nhị. Ngũ-uẩn tức là không. Chẳng phải ngũ Uẩn diệt rồi mới không. Tánh ngũ Uẩn tự Không. Thấu đạt lý này là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Minh-tướng Bồ-tát rằng :

- Tứ-đại khác với Không-đại là nhị. Tánh tứ Đại tức là tánh Không đại. Như quá khứ vị lai tánh Không thì hiện tại cũng không. Nếu biết thật tánh chư Đại như thế là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Diệu-ý Bồ-tát rằng :

- Nhãn với Sắc là nhị. Nếu ngộ biết tánh Nhãn, nơi Sắc chẳng khởi tham sân si gọi là tịch-diệt. Cũng thế, nhĩ -  thanh, tỷ -  hương, thiệt -  vị, thân -  xúc, ý -  pháp là nhị. Nếu ngộ biết tánh lục Căn, nơi lục Trần chẳng khởi tham sân si gọi là Tịch-diệt. An trụ trong đó là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Vô-tận-ý Bồ-tát rằng :

- Bố thí với 'hồi hướng nhất thiết trí' là nhị. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Cũng thế, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ với hồi hướng nhất thiết trí là nhị. Tánh của sáu Ba-la-mật tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Kẻ ở trong đó ngộ nhập Nhất-tướng là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Thâm-huệ Bồ-tát rằng :

- Không với Vô-tướng, Vô-tác là nhị. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác. Ba cửa giải thoát này : Không với vô-tướng, vô-tác nghĩa là vô tâm, ý, thức. Một cửa giải thoát tức ba cửa giải thoát. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Tịch-căn Bồ-tát rằng :

- Phật Pháp Tăng là nhị. Phật tức Pháp, Pháp tức Tăng. Tam-bảo đều là tướng vô-vi, bằng như hư không. Tất cả pháp cũng thế. Kẻ hành theo Pháp này là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Tâm-vô-ngại Bồ-tát rằng :

- Thân với thân diệt là nhị. Thân tức là thân diệt. Tại sao ? Kẻ thấy thật tướng của thân thì chẳng thấy có thân và thân diệt. Thân và thân diệt chẳng hai chẳng khác. Ðối với pháp chẳng khác này chẳng khiếp sợ. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Thượng-thiện Bồ-tát rằng :

- Thân khẩu ý nghiệp là nhị. Tam-nghiệp ấy đều là tướng vô tác. Vậy thân vô tác, tức khẩu vô tác. Khẩu vô tác, tức ý vô tác. Tướng vô tác của tam nghiệp này là tướng vô tác của tất cả pháp. Kẻ có trí huệ tùy thuận tướng vô tác như thế là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Phước-điền Bồ-tát rằng :

- Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là nhị. Thật tánh của ba hạnh tức là Tánh-không. Tánh-không thì chẳng phước hạnh, tội hạnh và bất động hạnh. Vậy, chẳng sanh khởi ba hạnh là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Hoa-nghiêm Bồ-tát rằng :

- Do ngã khởi nhị là nhị. Kẻ thấy được thật tướng của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Chẳng trụ nơi nhị pháp thì chẳng có năng biết và sở biết. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Ðức-tạng Bồ-tát rằng :

- Có tướng sở đắc là nhị. Nếu vô-sở-đắc thì chẳng thủ xả, cũng chẳng kẻ thủ xả. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Nguyệt-thượng Bồ-tát rằng :

- Tối với sáng là nhị. Chẳng tối chẳng sáng thì chẳng có nhị. Tại sao ? Như nhập định Diệt-thọ-tưởng thì chẳng có tối sáng. Tất cả pháp tướng cũng thế. Kẻ nhập nơi bình đẳng là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Bảo Ấn Thủ Bồ-tát rằng :

- Ưa Niết-bàn, chán thế gian là nhị. Nếu chẳng ưa Niết-bàn, chẳn chán thế gian thì chẳng có nhị. Tại sao ? Hễ có trói mới có mở. Nếu vố chẳng trói thì ai cần mở ? chẳng trói chẳng mở, thì chẳng ưa chẳng chán. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Châu-đảnh-vương Bồ-tát rằng :

- Chánh-đạo tà-đạo là nhị. Kẻ trụ nơi chánh-đạo thì chẳng nên phân biệt tà chánh. Lìa hai thứ này là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Lạc-thập Bồ-tát rằng :

- Thật với chẳng thật là nhị. Kẻ thấy thật tướng còn chẳng thấy có thật, huống là chẳng thật. Tại sao ? Thật tướng chẳng phải là sở thấy của Nhục-nhãn, có Huệ-nhãn mới thấy được. Mà Huệ-nhãn này thì chẳng có thấy với chẳng thấy. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Các Bồ-tát mỗi mỗi đã nói xong như trên, rồi hỏi Văn-thù : Thế nào là nhập Pháp-môn-bất-nhị của Bồ-tát ?

Văn-thù đáp :

- Theo ý tôi, nơi tất cả pháp vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Khi đó Văn-thù hỏi Duy-ma-cật rằng : Chúng tôi mỗi mỗi đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn-giả nói : "Thế nào là nhập Pháp-môn-bất-nhị của Bồ-tát ?"

Duy-ma-cật im lặng.

Văn-thù tán thán rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là chơn nhập Pháp-môn-bất-nhị.

Khi thuyết Phẩm này rồi, ở trong Chúng có năm ngàn vị Bồ-tát đều nhập Pháp-môn-bất-nhị, đắc Vô-sanh-pháp-nhẫn.

>> Phẩm Phật Hương tích. 

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn