Khi ấy Biện-âm Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :
- Đại bi Thế-tôn ! Pháp-môn này thật là hy hữu. Bạch Thế-tôn ! Theo những phương-tiện ấy, tất cả Bồ-tát muốn vào cửa Viên-giác phải có mấy thứ tu tập ? Xin Phật vì Đại-chúng trong Hội và chúng sanh đời Mạt-pháp dùng phương-tiện khai-thị, khiến ngộ-nhập Thật-tướng.
Ngài Biện-âm Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.
Bấy giờ Phật bảo Biện-âm Bồ-tát rằng :
- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì Đại-chúng và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về sự tu tập như thế, Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Khi ấy Biện-âm Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.
- Thiện-nam-tử ! Tất cả Như-lai Viên-giác trong sạch, vốn chẳng có sự tu tập và kẻ tu tập. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp nương theo tâm chưa giác, dùng huyễn lực tu tập, khi ấy thì có hai mươi lăm thứ Định-luân trong sạch :
1. Nếu những Bồ-tát tu pháp cực-tịnh, do sức tịnh được dứt hẳn phiền não, thành tựu rốt ráo nên chẳng rời chỗ ngồi liền vào Niết-bàn, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Sa-ma-tha.
2. Nếu những Bồ-tát tu pháp quán như huyễn, dùng sức Phật-tánh biến hoá thế giới và đủ thứ tác dụng để thực hành Diệu-hạnh trong sạch của Bồ-tát, nơi Pháp-tổng-trì chẳng lạc mất tịch-niệm và tịch-huệ, Bồ-tát này gọi là chuyên tu Thiền-quán Tam-ma-bát-đề.
3. Nếu những Bồ-tát chuyên diệt các huyễn, chẳng cần tác dụng mà tự dứt phiền não. Khi phiền não dứt sạch, liền chứng Thật-tướng, Bồ-tát này gọi là chuyên tu Thiền-quán Thiền-na.
4. Nếu những Bồ-tát trước tu cực tịnh dùng huệ tâm của tịnh để chiếu soi kẻ huyễn (vô minh), liền ở trong đó khởi hạnh Bồ-tát. Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Sa-ma-tha, sau tu thiền quán Tam-ma-bát-đề.
5. Nếu những Bồ-tát tu theo tịnh huệ, chứng được tánh cực-tịnh, liền dứt phiền não, lìa hẳn sanh tử, Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Sa-ma-tha, sau tu thiền quán Thiền-na.
6. Nếu những Bồ-tát tu theo huệ tịch-tịnh, lại hiện sức huyễn hoá biến hiện đủ thứ thân tướng để độ chúng sanh, sau mới dứt phiền não mà nhập tịch-diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Sa-ma-tha, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na.
7. Nếu những Bồ-tát dùng sức cực-tịnh, dứt phiền não rồi sau mới hành diệu hạnh trong sạch của Bồ-tát để độ chúng sanh, Bồ-tát này gọi là trước tu Sa-ma-tha, giữa tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề.
8. Nếu những Bồ-tát dùng sức cực-tịnh, tâm dứt phiền não rồi lại độ chúng sanh, kiến lập thế giới, Bồ-tát này gọi là trước Sa-ma-tha, sau đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na.
9. Nếu những Bồ-tát dùng sức cực-tịnh để sanh khởi biến hoá, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Sa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na.
10. Nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh để đưa đến tịch diệt, sau lại khởi tác dụng biến hoá thế giới, Bồ-tát này gọi là đồng thời tu hai thiền quán Sa-ma-tha và Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề.
11. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá tùy thuận đủ thứ cho đến cực-tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Sa-ma-tha.
12. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá biến hiện đủ thứ cảnh giới mới đến tịch-diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na.
13. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá để làm Phật-sự, an trụ tâm nơi tịch-tịch mà dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Sa-ma-tha, sau tu Thiền-na.
14. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá tác dụng vô ngại dứt phiền não, an trụ tâm nơi cực-tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Thiền-na, sau tu Sa-ma-tha.
15. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá tác dụng phương-tiện để tùy thuận hai thiền quán cực-tịnh & tịch-diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu hai thiền quán Sa-ma-tha và Thiền-na.
16. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá sanh đủ thứ dụng để đến cực-tịnh, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Sa-ma-tha, sau tu Thiền-na.
17. Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hoá để đưa đến tịch-diệt, sau an trụ nơi tịnh-lự trong sạch vô tác, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sau tu Sa-ma-tha.
18. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt mà sanh khởi cực-tịnh, trụ nơi thanh tịnh, Bồ-tát này gọi là trước Thiền-na, sau tu Sa-ma-tha.
19. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt mà sanh khởi tác dụng, tùy thuận công dụng tịch-chiếu để chiếu soi tất cả cảnh, Bồ-tát này gọi là trước Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề.
20. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt tùy đủ thứ tánh an trụ nơi tịnh-lự mà sanh khởi biến-hoá, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Sa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề.
21. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt và Tự-tánh vô tác nơi cảnh giới trong sạch sanh khởi tác-dụng rồi trở về tịnh-lự, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Sa-ma-tha.
22. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt mỗi mỗi thanh tịnh trụ nơi tịnh-lự mà sanh khởi biến-hoá, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau đồng thời tu hai thiền quán Sa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề.
23. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt để đưa đến cực-tịnh mà sanh khởi biến-hóa, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Sa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề.
24. Nếu những Bồ-tát dùng sức tịch-diệt sanh khởi biến-hoá, đưa đến cảnh huệ trong sạch sáng tỏ của cực-tịnh, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Tam-ma-bát-đề, sau tu Sa-ma-tha.
25. Nếu những Bồ-tát dùng trí huệ Viên-giác chiếu soi, đầy khắp tất cả các tánh các tướng mà chẳng lìa Giác-tánh, Bồ-tát này gọi là tùy thuận vốn trong sạch của Tự-tánh mà viên tu ba thứ Quán.
Thiện-nam-tử ! Những Thiền-quán kể trên gọi chung là hai mươi lăm Định-luân của Bồ-tát, tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp nếu tu theo định-luân này nên thực hành như thế : Phải trì Phạm-hạnh (thực hành thanh tịnh hạnh), im lặng quán tưởng thiết tha cầu sám hối trải qua hai mươi mốt ngày, ở nơi hai mươi lăm định-luân, mỗi mỗi đều ghi dấu cho rõ ràng rồi thành tâm khẩn cầu, rồi tùy tay lấy một dấu hiệu, y theo dấu hiệu đã ghi liền biết rõ các Pháp đốn-tiệm, pháp nào thích hợp với mình, nếu có một niệm nghi hoặc thì chẳng thể thành tựu.
Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :
Biện-âm ngươi nên biết,
Tất cả các Bồ-tát,
Huệ trong sạch vô ngại.
Đều nương Thiền-định sanh,
Gọi là Sa-ma-tha.
Tam-ma-đề, Thiền-na.
Theo ba Pháp đốn-tiệm,
Có hai mươi lăm thứ.
Mười phương chư Như-lai,
Tất cả người tu hành,
Đều do tu Pháp này,
Mà được thành Bồ-đề.
Chỉ trừ kẻ Đốn-ngộ (kẻ tham Tổ-sư Thiền)
Và Xiển-đề chẳng tin (kẻ chẳng tin Phật-pháp).
Tất cả các Bồ-tát,
Và chúng sanh Mạt-pháp,
Thường nên giữ Luân này.
Tùy thuận siêng tu tập.
Theo sức đại bi Phật,
Chẳng lâu chứng Niết-bàn.
Khi ấy Tịnh-chư-nghiệp-chướng Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :
- Đại bi Thế-tôn đã vì chúng con giảng rõ những hành tướng bất khả tư nghì nơi nhân địa của tất cả Như-lai, khiến Đại-chúng được Pháp chưa từng có, thấy những cảnh giới siêng năng khổ tu đã trải qua Hằng-sa kiếp của Phật, ví như trong một niệm sát-na thấy đủ tất cả công dụng của Như-lai, bậc Bồ-tát như chúng con thật tự cảm thấy hân hạnh biết bao !
- Bạch Thế-tôn ! Nếu Giác-tâm này bản tánh trong sạch, vì sao lại bị ô nhiễm, khiến những chúng sanh mê muội chẳng thể ngộ nhập ? Xin Như-lai vì chúng con khai-thị Pháp-tánh, để làm Đạo-nhãn cho tương lai, khiến Đại-chúng trong Hội này và chúng sanh đời Mạt-pháp dễ được ngộ nhập.
Ngài Tịnh-chư-nghiệp-chướng Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.
Bấy giờ Thế-tôn bảo Tịnh-chư-nghiệp-chướng Bồ-tát rằng :
- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về những phương tiện như thế, Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Khi ấy Tịnh-chư-nghiệp-chướng Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.
- Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay vọng chấp thật có bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh và thọ mạng, nhận lầm bốn tướng điên đảo này là thật thể của mình, do đó liền sanh hai cảnh yêu ghét, vậy nơi thể hư vọng lại chấp thêm một lớp hư vọng nữa. Hai thứ vọng nương nhau sanh ra vọng nghiệp, vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có luân hồi; kẻ nhàm chán luân hồi lại vọng thấy có Niết-bàn, do sự chấp thật ngã tướng này nên chẳng thể ngộ nhập Bản-giác trong sạch. Chẳng phải Bản-giác chống cự với những kẻ năng nhập, vì có kẻ năng nhập (ngã tướng) thì chẳng phải Bản-giác vậy. Cho nên động niệm và dứt niệm đều thuộc về mê muội. Tại sao ? Vì có bổn khởi vô minh đã làm chủ cho mình từ vô thỉ rất khó đoạn trừ, phải có Huệ-nhãn mới trừ được. Vì tất cả chúng sanh sanh ra chẳng có Huệ-nhãn, hiện tiền các tánh thân tâm đều là vô-minh, vô-minh chẳng thể dứt vô-minh, cũng như người có sinh mạng, sinh mạng chẳng thể tự dứt sinh mạng vậy.
Vậy ngươi nên biết, có người yêu ta tùy thuận với ta thì tâm sanh hoan hỷ, người chẳng tùy thuận thì liền sanh oán ghét. Có tâm yêu ghét để nuôi dưỡng vô-minh làm cho vô-minh tương tục mãi, nên cầu Đạo chẳng thể thành tựu.
Thiện-nam-tử ! Thế nào là ngã-tướng ? Những chúng sanh tu hành, tâm biết có sở chứng đều thuộc về ngã-tướng.
Thiện-nam-tử ! Ví như có người cơ thể điều hoà thư thái, tay chân thư giãn, bỗng quên mất thân ta, vì ăn uống thất thường sanh ra bệnh hoạn, nhờ thầy thuốc châm cứu thấy đau mới biết có ta còn đây, cho nên người chấp có sở chứng mới hiện ra ngã-tướng.
Thiện-nam-tử ! Nếu tâm liễu tri rốt ráo biết có sở chứng, dù chứng đến thanh tịnh Niết-bàn của Như-lai đều thuộc về ngã-tướng.
Thiện-nam-tử ! Thế nào là nhơn-tướng ? Như những chúng sanh tâm có sở chứng, cho kẻ năng chứng là ta, nay tiến thêm một bậc, ngộ biết chứng chẳng phải ta, ngộ này siêu việt tất cả chứng, nhưng còn giữ tâm-năng-ngộ tức là nhơn-tướng.
Thiện-nam-tử ! Những tâm biết có năng sở đều thuộc về ngã, tâm dù chỉ còn chút năng-ngộ để chứng lý cùng tột của Niết-bàn đều gọi là nhơn-tướng.
Thiện-nam-tử ! Thế nào là chúng-sanh-tướng ? Chỗ này là những chúng sanh có tâm biết năng-chứng năng-ngộ đều chẳng thể đến.
Thiện-nam-tử ! Ví như có người nói rằng ta là chúng sanh, thì biết kẻ nói chúng sanh kia chẳng phải ta cũng chẳng phải ngươi. Sao nói chẳng phải ta ? Vì ta là chúng sanh thì chẳng phải ta, sao nói chẳng phải ngươi ? Vì nói ta là chúng sanh thì chẳng phải ngươi cũng chẳng phải ta vậy.
Lược giải :Nói Ta Là Chúng Sanh vì chúng sanh là nhiều người nhiều loài. Nay nói Ta chỉ có một mình ta thì chúng sanh chẳng phải ta; nói Ngươi cũng vậy, chỉ một mình ngươi chẳng phải nhiều chúng sanh, nên nói Ta Là Chúng Sanh thì chẳng phải ngươi cũng chẳng phải ta vậy.
Thiện-nam-tử ! Nếu những chúng sanh có tâm biết năng chứng năng ngộ đều là ngã-tướng, nhơn-tướng. Nay tiến thêm một bậc, liễu tri chỗ này là ngã-tướng & nhơn-tướng chẳng thể đến, nhưng còn có sở liễu tri, biết có năng chứng năng ngộ để lìa, nên gọi là chúng-sanh-tướng.
Thiện-nam-tử ! Thế nào là thọ-mạng-tướng ? Những chúng sanh nay tiến thêm một bậc nữa, tâm-quán-chiếu sáng tỏ chiếu soi tâm-liễu-tri cũng bất khả đắc, chỉ còn một Giác-thể trong sạch; Giác-thể này tất cả nghiệp-trí trong luân hồi đều chẳng thể tự thấy được, cũng như con mắt chẳng tự thấy mắt, tất cả tịch-diệt. Vì trụ nơi tịch-diệt thì mạng-căn chưa dứt, nên gọi là thọ-mạng-tướng.
Thiện-nam-tử ! Nếu ta chiếu soi thấy tất cả người-giác-tri là cấu bẩn của trần lao. Có năng-giác, sở-giác là chẳng lìa được trần lao. Ví như canh làm tan băng, canh là năng tan, băng là sở tan; khi băng đã tan thì canh và băng đều thành nước, năng tan (canh) sở tan (băng) đều diệt, nếu còn có kẻ biết băng tan thì còn cái năng biết, cái biết đó là ngã. Nói "Còn thọ-mạng-tướng" thì nghĩa cũng như vậy.
Thiện-nam-tử ! chúng sanh đời Mạt-pháp chẳng rõ bốn Tướng không thật, dù trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ hạnh tu hành, chỉ gọi là pháp hữu vi, rốt cuộc cũng chẳng thể thành tựu tất cả Thánh-quả (pháp vô vi), cho nên gọi là "Chánh-pháp trong đời Mạt-pháp". Tại sao ? Vì lầm nhận tất cả ngã-tướng cho là Tướng-niết-bàn; cho có chứng có ngộ mới gọi là thành tựu. Cũng như có người nhận giặc làm con thì tài sản nhà họ chẳng thể thành tựu. Tại sao ? Như có người ái luyến ngã, cũng ái luyến Niết-bàn, đè nén gốc ái luyến ngã trở thành Tướng-niết-bàn; có người chán ngã, cũng chán sanh tử, chẳng biết gốc ái luyến ấy mới thật là chơn sanh tử vậy. Nay có tâm nhàm chán sanh tử, nên gọi là chẳng giải thoát.
Tại sao biết được pháp ấy chẳng giải thoát ?
Thiện-nam-tử ! Chúng sanh đời Mạt-pháp tu tập Bồ-đề, cho sự chứng của mình là tự trong sạch, chứng được chút ít cho là đủ, chưa dứt sạch cội gốc của ngã-tướng nên chẳng giải thoát. Nếu có người tán thán pháp mình thì liền sanh tâm hoan hỷ, muốn cứu độ họ; nếu phỉ báng pháp sở đắc của mình thì liền sanh tâm sân hận. Vậy thì biết cái tâm chấp ngã-tướng rất kiên cố, tiềm ẩn trong Tạng-thức, gặp ngoại cảnh kích thích thì phát khởi hiện hành nơi các Căn, mãi chẳng gián đoạn.
Thiện-nam-tử ! Người tu hành vì chẳng dứt sạch ngã-tướng nên chẳng thể ngộ nhập Bản-giác trong sạch.
Thiện-nam-tử ! Nếu biết ngã-tướng vốn không thì chẳng có cái bản ngã để cho họ tán thán và phỉ báng; nay thấy "Có ta thuyết pháp" thì ngã-tướng chưa dứt, nhơn-tướng, chúng-sanh-tướng, thọ-mạng-tướng đều cũng như thế.
Thiện-nam-tử ! Chúng sanh đời Mạt-pháp vì chưa dứt ngã-tướng, cho sự thuyết pháp là "Do ta thuyết", nên pháp của họ thuyết là thuyết cái bệnh của ngã-tướng, chẳng phải thuyết cái Pháp của Niết-bàn vậy, cho nên gọi là kẻ đáng thương xót ! Dù siêng năng tinh tấn, chỉ tăng thêm các pháp của bệnh, nên chẳng thể ngộ nhập Bản-giác trong sạch.
Thiện-nam-tử ! Chúng sanh đời Mạt-pháp vì chẳng thấu rõ bốn Tướng kể trên, chấp chỗ hành và kiến-giải của Như-lai cho là kiến-giải của mình, vì chẳng phải do tự mình tu chứng, nên rốt cuộc chẳng thể thành tựu. Hoặc có chúng sanh chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thấy người hơn ta thì sanh tâm ganh tỵ, ấy là do chúng sanh đó chưa dứt ngã-kiến, nên chẳng thể ngộ nhập Bản-giác trong sạch.
Thiện-nam-tử ! Chúng sanh đời Mạt-pháp muốn tu thành Đạo, chớ nên sanh tâm cầu ngộ; người sanh tâm cầu ngộ thì muốn học rộng nghe nhiều để hiểu thêm Giáo-lý, vậy chỉ thêm đa-văn, tăng trưởng ngã-kiến, chẳng phải người Chơn-tu.
Người Chơn-tu chỉ nên tinh tấn hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh; Niết-bàn chưa đắc khiến cho đắc, phiền não chưa dứt khiến cho dứt, những tâm tham sân si mạn, xiễm khúc ganh tỵ đối cảnh chẳng sanh, ân ái giữa mình và người tất cả đều tịch-diệt, Phật nói người ấy sẽ dần dần thành tựu Thánh-quả. Nương theo nhân-địa này tu hành để cầu Thiện-tri-thức thì chẳng đoạ tà-kiến, nếu có sở cầu khác với nhân địa phát tâm kể trên, lại sanh lòng yêu ghét thì chẳng thể ngộ nhập Biển-giác trong sạch.
Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :
Tịnh-nghiệp-chướng nên biết,
Tất cả những chúng sanh.
Đều do chấp ngã-tướng,
Luân hồi từ vô thỉ.
Chưa dứt sạch bốn Tướng,
Chẳng được thành Bồ-đề.
Yêu ghét sanh nơi tâm,
Xiễm khúc giữ trong niệm.
Cho nên bị mê muội,
Chẳng thể vào Giác-thành.
Nếu muốn về cõi Phật,
Phải bỏ tham sân si.
Tâm chẳng ái luyến pháp (pháp Niết-bàn),
Dần dần được thành tựu.
Thân ta vốn chẳng có,
Yêu ghét do đâu sanh ?
Cầu thầy bạn Chánh tu,
Thì chẳng đọa tà-kiến.
Nếu tâm cầu pháp khác,
Rốt cuộc chẳng thành tựu.
Mời xem tiếp => Quyển 1, Quyển 2, Quyển 3, Quyển 4, Quyển 5, Quyển 6