16:27 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bá Trượng

Thiền sư Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ? Mẹ nói : Là Phật. Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật.  Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Viên Giác

Kinh Viên Giác - quyển 3

Chủ nhật - 07/04/2013 01:38 Xem: 1871

Khi ấy Kim-cang-tạng Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

- Đại bi Thế-tôn ! Khéo vì tất cả Bồ-tát giảng dạy Viên-giác trong sạch đại tổng trì về nhân địa phát tâm đúng theo Chánh-pháp và phương-tiện thứ lớp tu theo Chánh-hạnh của Như-lai, khai phá ám muội cho chúng sanh, Pháp-chúng trong Hội nhờ sự từ bi chỉ dạy của Phật, được trí huệ trong sạch, mắt nhặm sáng tỏ.

1. Bạch Thế-tôn ! Nếu các chúng sanh bổn lai thành Phật, tại sao lại có tất cả vô minh ?

2. Nếu những vô minh chúng sanh sẵn có, do nhân duyên gì Như-lai lại nói bổn lai thành Phật ?

3. Nếu mười phương chúng sanh bổn lai thành Phật, rồi sau mới khởi vô minh, vậy tất cả Như-lai đến lúc nào sanh lại tất cả phiền não ?

Xin Phật rủ lòng đại từ, vì những Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp khi giảng Pháp-tạng bí mật, khiến người nghe được Pháp-môn liễu-nghĩa của Kinh này dứt hẳn tâm nghi ngờ.

Ngài Kim-cang-tạng Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Kim-cang-tạng Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về Pháp thâm sâu bí mật, phương-tiện rốt ráo của Phật, ấy là sự chỉ dạy tối cao của Đại-thừa liễu-nghĩa cho các Bồ-tát, hay khiến mười phương Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp đối với sự tu học được lòng tin quyết định, dứt hẳn tâm nghi ngờ. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết :

Lúc ấy Kim-cang-tạng Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe :

- Thiện-nam-tử ! Tất cả thế giới những sự thủy chung, sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng, cho đến đủ thứ thủ xả đều là đối đãi, xoay vần tương sanh với nhau, niệm niệm tương tục, đều là luân hồi. Kẻ chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt Viên-giác thì Tánh-viên-giác kia cũng đồng như luân hồi, vậy muốn khỏi bị luân hồi thì chẳng có chỗ đúng. Ví như mắt nháy thấy nước lặng dợn sóng, mắt ngó hẳn một chỗ thấy vòng lửa xoay tròn, do mây bay mau thấy mặt trăng đi nhanh, do thuyền đi thấy bờ trôi thì cũng như thế.

Thiện-nam-tử ! Sự xoay vòng chưa dừng mà muốn cảnh vật dừng trước còn chẳng thể được, huống là tâm cấu bẩn chưa từng trong sạch, còn ở trong sanh tử luân hồi mà muốn Quán-viên-giác của Phật chẳng xoay vần thì làm sao được ?! Vì thế các ngươi mới sanh ba điều nghi hoặc kể trên.

Thiện-nam-tử ! Ví như bệnh nhặm vọng thấy hoa đốm hiện trên hư không, nếu bệnh nhặm trừ, chẳng thể nói rằng nhặm nay đã diệt, vậy đến lúc nào tất cả bệnh nhặm mới sanh trở lại. Tại sao ? Vì hai pháp bệnh nhặm và hoa đốm chẳng phải đối đãi sanh nhau, cũng như hoa đốm diệt nơi hư không rồi, chẳng thể nói rằng hư không lúc nào sanh lại hoa đốm nữa. Tại sao ? Hư không vốn chẳng hoa đốm nên chẳng có sự sanh diệt. Sanh tử & Niết-bàn đồng như hoa đốm sanh diệt, nếu Diệu-giác hiện ra tròn đầy chiếu khắp thì hoa đốm và bệnh nhặm đều tự lìa hẳn.

Thiện-nam-tử ! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng tạm không, huống là bản tánh bình đẳng của hư không là tùy thuận Viên-giác của Như-lai, làm sao có thể dung nạp những đối đãi như : Có không, sanh diệt, trước sau, v.v... ở trong đó ?!

Thiện-nam-tử ! Như luyện quặng vàng, vàng chẳng phải do luyện mà có, khi đã thành vàng ròng thì dù trải qua vô lượng kiếp tánh vàng chẳng hoại, chẳng thể trở lại làm quặng nữa; vậy chẳng nên nói rằng vàng ròng vốn chẳng thành tựu, Viên-giác của Như-lai cũng là như thế.

Thiện-nam-tử ! Diệu-tâm Viên-giác của tất cả Như-lai vốn chẳng Bồ-đề và Niết-bàn, cũng chẳng só sự thành Phật hay chẳng thành Phật, cũng chẳng có vọng luân hồi và phi luân hồi.

Thiện-nam-tử ! Theo cảnh giới sở chứng của hàng Thanh-văn, thân tâm ngôn ngữ đều đã đoạn diệt còn chẳng thể đến chỗ Niết-bàn của tự mình chứng, huống là dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới Viên-giác của Như-lai; ví như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu-di thì làm sao cháy được ?! Nay dùng tâm luân hồi, sanh tri kiến luân hồi mà muốn vào biển Đại-tịch-diệt của Như-lai thì làm sao đến được ?! Cho nên Ta nói tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp, trước tiên phải đoạn dứt cội gốc luân hồi từ vô thỉ.

Thiện-nam-tử ! Những tác ý suy tư do có tâm mà sanh khởi, ấy đều là lục Trần, là nhân duyên của vọng tưởng, chẳng phải bản thể thật của Chơn-tâm, nên nói như hoa đốm; vậy nếu dùng tâm suy tư này để phân biệt cảnh giới của Phật, cũng như trông mong hoa đốm lại kết thành quả hư không, ấy đều là do vọng tưởng xoay vần, thật ra chẳng có chỗ đúng.

Thiện-nam-tử ! Vọng tâm trôi nổi sanh nhiều kiến chấp xảo trá, nên chẳng thể thành tựu phương tiện của Viên-giác, sự thưa hỏi của ngươi là do vọng tâm phân biệt như thế. Thật chẳng phải là câu hỏi đúng theo Chánh-kiến.

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Kim-cang-tạng nên biết,

Tánh-như-lai tịch-diệt,

Chưa từng có thủy chung.

Nếu dùng Tâm-luân-hồi,

Suy tư thành xoay vần.

Chỉ đến bờ luân hồi,

Chẳng thể vào biển Phật.

Ví như luyện quặng vàng,

Chẳng do luyện có vàng.

Dù vàng ròng sẵn có,

Nhờ luyện mới thành tựu.

Khi đã thành vàng ròng,

Chẳng trở lại quặng nữa.

Sanh-tử và Niết-bàn,

Phàm-phu với chư Phật,

Đồng như tướng hoa đốm.

Suy tư như huyễn hoá,

Huống sự hỏi hư vọng.

Hãy thấu rõ Tâm này,

Rồi mới cầu Viên-giác.

Khi ấy Di-lặc Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

- Đại bi Thế-Tôn ! Đã vì Bồ-tát khai-thị Pháp-tạng bí mật, khiến Đại-chúng thấu ngộ lý luân hồi, phân biệt được tà chánh, hay bố thí cho chúng sanh đời Mạt-pháp được Đạo-nhãn vô úy, đối với Đại-niết-bàn sanh lòng tin quyết định, chẳng còn tùy theo cảnh giới luân hồi mà sanh khởi tri kiến luân hồi.

1. Bạch Thế-tôn ! Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp muốn vào biển Đại Tịch Diệt của Như-lai, nên dứt cội gốc luân hồi như thế nào ?

2. Nơi các luân hồi có bao nhiêu chủng tánh ?

3. Người tu đến Bồ-đề của Phật có mấy bậc sai biệt ?

4. Bồ-tát trở vào trần lao nên thiết lập mấy thứ phương-tiện để giáo hoá chúng sanh ?

Xin Phật rũ lòng từ bi cứu thế, khiến tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp theo đó tu hành, được Huệ-nhãn trong sạch, tâm gương sáng tỏ, viên mãn ngộ nhập Vô-thượng-tri-kiến của Như-lai.

Ngài Di-lặc Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Di-lặc Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về những nghĩa lý vi diệu, thâm sâu bí mật của chư Phật, khiến các Bồ-tát huệ-nhãn trong sạch và tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp dứt hẳn luân hồi, tâm ngộ Thật-tướng, chứng vô sanh pháp nhẫn. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Lúc ấy Di-lặc Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

- Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay do có đủ thứ tham dục ân ái nên có luân hồi. Tất cả chủng tánh nơi các thế giới như noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, đều lấy dâm dục làm Chánh-nhân mới thành có sinh mạng, nên biết ái dục là cội gốc của luân hồi. Do có các dục làm trợ duyên, phát khởi tánh ân ái, vì thế khiến chúng sanh có sanh tử tương tục.

Dục do ái mà sanh, mạng do dục mới có, chúng sanh tham ái thân mạng là dựa theo cội gốc tham dục, vậy tham dục là nhân, tham ái thân mạng là quả. Do nơi cảnh dục mà sanh tâm yêu ghét; cảnh thuận với tâm ta thì yêu, cảnh nghịch với tâm ta thì ghét, nên theo đó tạo đủ thứ ác nghiệp thì sanh vào đạo Địa-ngục, Ngạ-quỷ.

Nếu bỏ ác mà ham thiện thì sanh vào cõi Trời, cõi người.

Lại nữa, nếu biết nhàm chán những tham ái, ưa xả bỏ tham ái, nhưng cái ưa ấy vẫn là gốc của tham ái, nên hiện tăng thượng (tăng thêm) thiện quả, đó đều là pháp hữu vi, nên còn phải chịu luân hồi, chẳng thành Thánh-quả. Cho nên chúng sanh muốn giải thoát sanh tử luân hồi, trước tiên phải đoạn dứt tham dục và trừ bỏ ân ái.

Thiện-nam-tử ! Bồ-tát thị hiện đủ thứ biến hoá nơi thế gian chẳng từ cội gốc của tham ái, chỉ dùng tâm từ bi giả làm tham dục để vào sanh tử khiến chúng sanh xả bỏ ân ái. Nếu tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp chịu xả bỏ tham dục và trừ sạch yêu ghét thì được dứt hẳn luân hồi, nơi tâm trong sạch, rồi cầu cảnh giới Viên-giác của Như-lai mới được khai ngộ.

Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh do cội gốc tham dục phát khởi vô-minh; sanh ra năm thứ chủng tánh khác nhau, vô-minh nương theo hai thứ chướng mà hiển hiện sâu cạn.

Thế nào là hai thứ chướng ?

Một là Lý-chướng làm chướng ngại Chánh-tri-kiến, hai là Sự-chướng, do chướng này làm cho sanh tử tương tục.

Lược giải : Hai thứ chướng : Pháp không sanh không diệt thuộc về Pháp-vô-vi gọi là Lý; tất cả pháp do nhân duyên sanh khởi đều thuộc về Pháp-hữu-vi gọi là Sự.

Tự-tánh bất nhị chẳng có đối đãi, nên hữu vi & vô vi đều tuyệt. Nếu kiến lập chơn lý thì phải có sự hợp lý và bất hợp lý; hợp với bất hợp là nhị, chẳng phải bản thể bất nhị của Tự-tánh, nên nói chướng ngại Chánh-tri-kiến gọi là Lý-chướng. Vì Chánh-tri-kiến là tri kiến bất nhị, tức là chẳng lập tri kiến gì cả.

Sự là sự tướng thực hành, bất cứ thực hành đúng lý hay không đúng lý đều gọi là sự chướng. Tại sao ? Nếu chấp thật đúng với chơn lý thì làm cho biến dịch sanh tử tương tục; nếu thực hành không đúng lý thì làm cho phần đoạn sanh tử tương tục, hai thứ sanh tử này cùng gọi là sanh tử tương tục.

- Thiện-nam-tử ! Thế nào là năm thứ chủng tánh ?

1. Phàm-phu chủng tánh : Nếu hai thứ chướng kể trên chưa được đoạn diệt thì gọi là chưa thành Phật.

2. Nhị-thừa chủng tánh : Nếu những chúng sanh bỏ hẳn tham dục, đã trừ được sự chướng chưa dứt lý chướng thì chỉ có thể ngộ nhập hàng Thanh-văn hay Duyên-giác, chưa thể trụ nơi cảnh giới Bồ-tát.

3. Bồ-tát chủng tánh : Thiện-nam-tử ! Nếu tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp muốn vào biển Đại-viên-giác của Như-lai, trước tiên phải phát nguyện siêng năng dứt trừ hai chướng, nếu hai chướng đã hàng phục thì được ngộ nhập cảnh giới Bồ-tát. Nếu hai chướng dứt hẳn thì được đến chỗ Đại-niết-bàn, Bồ-đề đầy đủ, thẳng vào Viên-giác vi diệu của Như-lai.

4. Bất định chủng tánh : Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh đều chứng Viên-giác, được gặp Thiện-tri-thức, tùy nơi nhân địa tự tu pháp gì hạnh gì của mỗi Thiện-tri-thức để dạy bảo môn đồ, người theo đó tu tập bèn có chủng tánh đốn tiệm khác nhau. Nếu gặp đường lối tu đúng Chánh-hạnh, thẳng đến Vô-thượng Bồ-đề của Như-lai thì chẳng kể căn cơ lớn nhỏ, đều thành quả Phật.

5. Ngoại-đạo chủng tánh : Nếu những chúng sanh muốn cầu Chánh-pháp mà lại gặp thầy bạn tà-kiến thì tu hành chẳng được Chánh-ngộ, đây gọi là chủng tánh Ngoại-đạo, ấy là lỗi của Tà-sư, chẳng phải lỗi của chúng sanh.

Những chủng tánh kể trên gọi chung là ngũ tánh sai biệt của chúng sanh.

- Thiện-nam-tử ! Bồ-tát chỉ vì tâm đại bi, tùy sự phương tiện vào các cõi thế gian, khai-thị cho kẻ chưa ngộ, cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng, tùy theo cảnh giới thuận nghịch cộng sự với họ, giáo hoá cho đến thành Phật ấy đều nương theo nguyện lực trong sạch đã sẵn từ vô thỉ.

Nếu tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp khởi tâm tăng thượng nơi Đại-viên-giác, nên phát đại nguyện trong sạch của Bồ-tát rằng :

"Nay ta phát nguyện trụ nơi Viên-giác của Phật, cầu Thiện-tri-thức, chớ gặp Ngoại-đạo và Nhị-thừa, theo nguyện tu hành, các chướng dứt dần, chướng dứt sạch thì nguyện thoả mãn, bước lên Pháp-điện trong sạch giải thoát, đến cõi Diệu-trang-nghiêm, chứng Đại-viên-giác".

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Di-lặc ngươi nên biết,

Tất cả những chúng sanh,

Chẳng được Đại-giải-thoát,

Đều do tâm tham dục,

Sa đọa nơi sanh tử,

Nếu dứt được yêu ghét,

Và độc tham sân si,

Chẳng kể tánh sai biệt,

Đều được thành Phật-đạo.

Hai chướng tiêu diệt hẳn,

Cầu Sư được Chánh-ngộ.

Tùy thuận nguyện Bồ-tát,

Y-chỉ Đại-niết-bàn.

Tất cả các Bồ-tát,

Đều theo nguyện đại bi,

Thị hiện vào sanh tử.

Người tu hành hiện tại,

Và chúng sanh Mạt-pháp,

Siêng dứt những ái kiến,

Bèn vào Đại-viên-giác.


Mời xem tiếp =>  Quyển 1Quyển 2Quyển 3Quyển 4Quyển 5Quyển 6

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn