PHẨM PHẬT QUỐC
Tôi nghe như vầy : Một thuở Phật tại Tỳ-da-ly, vườn cây Am-la với Chúng Đại Tỳ-kheo tám ngàn vị, Bồ-tát ba mươi hai ngàn vị là những vị có tiếng tăm, đều đã thành tựu trí hạnh Đại-thừa, do oai thần chư Phật kiến lập, làm hộ pháp thành, thọ trì Chánh-pháp. Pháp-âm oai hùng như sư tử rống, danh đồn khắp mười phương, người đời không cầu thỉnh, mà các Ngài sẵn sàng làm bạn, giúp cho an vui, khiến Tam Bảo hưng thịnh nối tiếp mãi. Hàng phục Ma-oán, ngăn dẹp các Ngoại-đạo, lìa hẳn tất cả các chướng ngại ràng buộc, tâm thường an trụ nơi vô ngại giải thoát, tổng trì định niệm, luôn luôn biện tài, sáu Ba-la-mật và sức phương tiện đều đầy đủ cả, cho đến vô sở đắc mà chẳng khởi pháp nhẫn, hay tùy thuận chuyển Pháp-luân bất thối, khéo giải Pháp-tướng, thấu biết căn cơ chúng sanh.
Các Ngài vì Đại-chúng đắc sức vô sở úy, dùng công đức trí huệ để tu Tâm, tướng tốt đệ nhất, xả bỏ tất cả trang sức tốt đẹp trong đời, danh tiếng cao xa vượt hẳn núi Tu-di, lòng tin vững chắc như kim cang, Pháp-bảo soi khắp như mưa cam lồ, âm thanh thuyết Pháp vi diệu đệ nhất, dứt các Tà-kiến và Nhị-biên, thâm nhập Duyên-khởi, chẳng còn Tập-khí. Liễu đạt Diệu-nghĩa các pháp, khéo biết tâm sở hành của chúng sanh, siêu việt số lượng, chẳng có gì để so bằng. Dùng thập lực vô úy, mười tám pháp bất cộng, sức tự tại huệ của Phật, đóng bít tất cả cửa nẻo ác thú, hiện thân sanh nơi Lục-đạo, làm Ðại-y-vương khéo trị các bệnh, khiến chúng sanh thành tựu vô lượng công đức, khiến vô lượng Phật quốc đều trang nghiêm trong sạch, kẻ nghe đều được lợi ích. Những việc làm của các Ngài đều chẳng uổng phí, các công đức như thế đều hoàn toàn viên mãn.
Bậc Bồ-tát như : Ðẳng Quán Bồ-tát, Bất Ðẳng Quán Bồ-tát, Ðẳng Bất Ðẳng Quán Bồ-tát, Ðịnh Ðại Tự Vương Bồ-tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ-tát, cho đến Di-lặc Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, v.v... tất cả ba mươi hai ngàn vị.
Còn có Phạm-thiên-vương cùng một tên Thi-khí mười ngàn vị từ bốn thiên hạ đến nơi Phật ở mà nghe Pháp. Còn có Đế-thích mười hai ngàn vị cũng từ bốn thiên hạ đến dự Pháp-hội. Ngoài ra còn có Ðại-oai-lực chư Thiên, Long-thần, Dọa -xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khán-na-la, Ma-hầu-la-già, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, v.v... đều đến dự Pháp-hội.
Lúc ấy, Phật vì vô lượng Đại-chúng thuyết Pháp, ví như chúa núi Tu-di hiện nơi biển lớn, trải tòa sư tử, oai đức che trùm tất cả Đại-chúng.
Bấy giờ, tại thành phố Tỳ-da-ly có một Trưởng-giả tên là Bửu-tích, cùng với năm trăm vị Trưởng-giả cầm Bửu-cái đến nơi Phật, cung kính đảnh lễ, mỗi mỗi đều dùng Bửu-cái của mình cúng dường Phật. Nhờ oai thần Phật khiến các Bửu-cái hợp thành một Bửu-cái, trùm khắp 'Đại thiên thế giới' tất cả núi sông đất đai, cho đến các Thiên-cung, Long-cung, Thần-cung và Nhật-nguyệt đều hiển hiện trong Bửu-cái và chư Phật thuyết Pháp trong mười phương cũng hiện trong Bửu-cái.
Lúc ấy, tất cả Đại-chúng thấy thần lực của Phật như thế, đều tán thán là việc chưa từng có, nên chấp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng chẳng nháy mắt. Trưởng-giả Bửu-tích liền tụng bài kệ trước Phật rằng :
Mắt trong dài rộng như hoa sen,
Tâm sạch đã vượt các Thiền-định.
Tịnh-nghiệp lâu đời chẳng kể xiết,
Tịch-diệt đảnh lễ dắt chúng sanh.
Ðã thấy thần biến của Đại Thánh,
Phổ biến hiển hiện mười phương cõi.
Chư Phật thuyết Pháp ở trong đó,
Tất cả chúng sanh đều thấy nghe.
Pháp-lực của Phật vượt quần sanh,
Thường dùng Pháp-tài thí tất cả.
Hay khéo phân biệt các Pháp-tướng,
Mà nơi Đệ-nhất-nghĩa chẳng động.
Ðối với các Pháp được tự tại,
Cho nên đảnh lễ Pháp-vương này.
Thuyết Pháp chẳng hữu cũng chẳng vô,
Vì do nhân duyên các Pháp sanh.
Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả,
Những nghiệp thiện ác cũng chẳng mất.
Phật-lực hàng Ma từ nay khởi,
Kẻ đắc cam-lồ Phật-đạo thành.
Vô tâm, vô úy, vô thọ hành,
Mà được dẹp hết các Ngoại-đạo.
Thường chuyển Pháp-luân nơi Đại-thiên.
Pháp ấy bổn lai vốn trong sạch,
Trời người đắc Đạo đó là chứng.
Tam Bảo vì thế hiện trong đời,
Dùng Diệu-pháp nầy độ chúng sanh.
Thọ rồi chẳng lui thường tịch lặng,
Ðộ thoát sanh tử Ðại-y-vương.
Kính lễ Pháp-hải đức vô lượng,
Khen chê chẳng động như Tu-di.
Ðồng bực thương xót kẻ lành dữ,
Tâm hành bình đẳng như hư không.
Ðược nghe Pháp-bảo ai chẳng kính,
Nay dâng Thế-tôn lọng mọn này.
Ðại-thiên-thế-giới hiện trong đó,
Cung điện chư Thiên và Long-thần.
Cho đến Càn-thát-bà, Dạ-xoa,
Mọi vật thế gian đều thấy rõ.
Phật hiện biến hóa đại bi này,
Chúng thấy hy hữu đề tán thán.
Nay con đảnh lễ Tam-giới-tôn,
Ðại Thánh chỗ nương của mọi loài,
Tịnh tâm quán Phật đều hoan hỷ,
Ðược gặp Thế-tôn ngay trước mình,
Ấy là thần lực Pháp-bất-cộng,
Phật dùng một âm để thuyết Pháp.
Chúng sanh hiểu biết theo mỗi loài,
Ðều cho Thế-tôn thuyết vì mình.
Ấy là thần lực Pháp-bất-cộng,
Phật dùng một Âm để thuyết Pháp.
Chúng sanh hiểu biết theo mỗi loài,
Phổ biến thọ hành được lợi ích,
Ấy là thần lực Pháp-bất-cộng,
Phật dùng một Âm để thuyết Pháp.
Hoặc có khiếp sợ hoặc hoan hỷ,
Hoặc sanh nhàm chán hoặc dứt nghi.
Ấy là thần lực Pháp-bất-cộng,
Ðảnh lễ Ðức Phật đại tinh tấn.
Ðảnh lễ bậc đặng vô sở úy,
Ðảnh lễ trụ nơi Pháp-bất-cộng,
Ðảnh lễ tất cả Ðại Ðạo-sư,
Ðảnh lễ hay dứt mọi trói buộc.
Ðảnh lễ đã đến bờ bên kia,
Ðảnh lễ hay độ những thế gian.
Ðảnh lễ lìa hẳn việc sanh tử,
Thấu tướng khứ lai của chúng sanh.
Ðối với các Pháp được giải thoát,
Chẳng nhiễm việc đời như hoa sen.
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch,
Liễu đạt Pháp-tướng vô quái ngại,
Ðảnh lễ hư không vô sở y.
Bấy giờ, Trưởng-giả Bửu-tích thuyết kệ xong, bạch Phật rằng :
- Bạch Thế-tôn ! Năm trăm Trưởng-giả này đều đã phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nguyện nghe sự trong sạch của cõi Phật, mong Thế-tôn giảng về hạnh Tịnh-độ của Bồ-tát.
Phật bảo : Lành thay ! Bửu-tích ! Khéo vì chư Bồ-tát hỏi Như-lai về hạnh Tịnh-độ. Lắng nghe ! Lắng nghe ! Khéo ghi nhớ lấy, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết. Lúc ấy, Bửu-tích và năm trăm vị Trưởng-giả vâng lời Phật dạy mà lắng nghe. Phật bảo Bửu-tích : Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Tại sao ? Bồ-tát tùy sự giáo hóa chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy sự điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo Quốc-độ nào vào trí huệ của Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo Quốc-độ nào phát khởi căn tánh Bồ-tát mà nhận lấy cõi Phật. Tại sao ? Bồ-tát nhận lấy cõi Phật trong sạch đều vì muốn xây dựng nhà cửa nơi khoảng đất trống thì tùy ý vô ngại, nếu xây dựng giữa hư không trọn chẳng thể được. Bồ-tát cũng thế, vì thành tựu chúng sanh, nên nguyện nhận lấy cõi Phật nơi hư không vậy. Bửu-tích nên biết :
. Trực Tâm là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sanh chẳng xiểm khúc đến sanh Quốc-độ đó.
. Thâm Tâm là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh công đức viên mãn đến sanh Quốc-độ đó.
. Bồ-đề Tâm là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh tu Ðại-thừa đến sanh Quốc-độ đó.
. Bố Thí là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh hay hỉ xả đến sanh Quốc-độ đó.
. Trì Giới là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh hành Thập Thiện đã mãn nguyện đến sanh Quốc-độ đó.
. Nhẫn Nhục là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh trang nghiêm ba mươi hai tướng đến sanh Quốc-độ đó.
. Tinh Tấn là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh siêng tu mọi công đức đến sanh Quốc-độ đó.
. Thiền Ðịnh là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh nhiếp tâm chẳng loạn đến sanh Quốc-độ đó.
. Trí Huệ là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh được Chánh-định đến sanh Quốc-độ đó.
. Tứ Vô Lượng Tâm là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh thành tựu Từ Bi Hỉ Xả đến sanh Quốc-độ đó.
. Tứ Nhiếp Pháp là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, nhiếp chúng sanh tu giải thoát đến sanh Quốc-độ đó.
. Phương Tiện là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh nơi tất cả phương tiện vô ngại đến sanh Quốc-độ đó.
. Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, người tu Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo đến sanh Quốc-độ đó.
. Hồi Hướng Tâm là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, được tất cả Quốc-độ công đức viên mãn.
. Giải Thoát Bát Nạn là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, trong Quốc-độ chẳng có tam ác, bát nạn.
. Tự Giữ Giới Hạnh, Chẳng Khinh Chê Người Phá Giới là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, trong Quốc-độ chẳng có danh từ Phạm Giới Cấm.
. Thập Thiện là Tịnh-độ của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành Phật, chúnh sanh chẳng chết yểu, lại được giàu sang, quyến thuộc chẳng chia lìa, thanh tịnh hạnh, lời nói thành thật, thường dùng lời dịu dàng, khéo giải hòa người kiện cáo nhau, lời nói ra ắt hữu ích, chẳng ganh tỵ, chẳng sân hận, đầy đủ Chánh-kiến v.v... đều đến sanh Quốc-độ đó.
Như thế Bửu-tích ! Bồ-tát tùy theo Trực-tâm mà khởi hạnh, tùy theo sự khởi hạnh thì được Thâm-tâm, tùy sự Thâm-tâm thì ý được điều phục, tùy sự điều phục thì được nói và hành như một, tùy sự nói hành như một thì hay hồi hướng, tùy sự hồi hướng thì có phương tiện, tùy sự phương tiện được thành tựu chúng sanh, tùy sự thành tựu chúng sanh thì cõi Phật trong sạch, tùy cõi Phật trong sạch thì thuyết Pháp trong sạch, tùy sự thuyết Pháp trong sạch thì trí huệ trong sạch, tùy sự trí huệ trong sạch thì tâm họ trong sạch, tùy tâm trong sạch thì tất cả công đức trong sạch. Cho nên Bửu-tích ! Nếu Bồ-tát muốn đắc Tịnh-độ, nên tịnh Tâm họ, tùy nơi Tâm tịnh thì Phật-độ tịnh.
Bấy giờ Xá-lợi-phất thừa oai thần của Phật mà nghĩ rằng : Nếu Bồ-tát Tâm tịnh thì Phật-độ tịnh. Vậy Thế-tôn khi còn làm Bồ-tát, tâm ý bất tịnh hay sao mà Phật-độ bất tịnh như thế ?
Phật biết Xá-lợi-phất nghĩ vậy liền bảo rằng : Ý ngươi thế nào ? Nhật nguyệt bất tịnh ư mà kẻ mù chẳng thấy ?
Bạch Thế-tôn ! Ấy là lỗi của người mù, chẳng phải lỗi của nhật nguyệt.
Xá-lợi-phất ! Vì chúng sanh có tội chướng nên chẳng thấy Quốc-độ nghiêm tịnh của Như-lai, chứ chẳng phải lỗi của Như-lai. Xá-lợi-phất ! Tịnh-độ của Ta đây mà ngươi chẳng thấy.
Lúc ấy, Loa-kế Phạm-vương nói với Xá-lợi-phất rằng : Chớ nghĩ như thế, cho cõi Phật đây là bất tịnh. Tại sao ? Tôi thấy cõi Phật của Thích-ca Mâu-ni thanh tịnh như Tự-tại-thiên-cung.
Xá-lợi-phất nói : Sao tôi thấy cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn đất đá, núi non nhơ nhớp đầy dẫy như thế ? Loa-kế Phạm-vương nói : Ðấy là do Tâm của Ngài có cao thấp, không nương theo trí huệ của Phật nên thấy cõi này chẳng thanh tịnh đó thôi. Thưa Ngài Xá-lợi-phất ! Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, y theo trí huệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh.
Lúc đó, Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, tức thì Tam Thiên Ðại Thiên Thế Giới liền hiện ra vô lượng thất bửu trang nghiêm, cũng như cõi 'Vô lượng công đức Bửu-trang-nghiêm' của Phật Bửu-trang-nghiêm. Tất cả Đại-chúng tán thán việc chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên Bửu-liên-hoa.
Phật bảo Xá-lợi-phất : Ngươi hãy xem cõi Phật này nghiêm tịnh chăng ?
Xá-lợi-phất bạch Thế-tôn : Vâng ạ ! Con xưa nay vốn chẳng thấy chẳng nghe, nay cõi Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.
Phật bảo Xá-lợi-phất : Cõi Phật Ta thường thanh tịnh như thế ! Nhưng vì muốn độ người thấp kém, nên thị hiện cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư Thiên ăn cơm chung trong một Bửu-bát mà tùy theo phước đức của họ thấy cơm có khác. Cũng thế, Xá-lợi-phất ! Nếu người Tâm-tịnh bèn thấy cõi này công đức trang nghiêm.
Khi Phật hiện ra cõi này nghiêm tịnh, năm trăm vị Trưởng-giả đều đắc Vô-sanh-pháp-nhẫn, tám mươi bốn ngàn người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Phật thu nhiếp Thần-túc thì thế giới trở lại như cũ, ba mươi hai ngàn chư Thiên và người biết 'pháp hữu vi' đều là vô thường, xa lìa trần cấu, được 'Pháp-nhãn thanh tịnh', tám ngàn Tỳ-kheo chẳng còn chấp thọ các pháp, kiết-lậu đã hết, tâm-ý được mở mang.
>> Phẩm Phương tiện.