03:38 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Đại Huệ

Đại Huệ Thiền-sư (1088 - 1163) đời thứ 12 phái Lâm Tế là một Thiền-sư triệt ngộ, phương tiện cơ xảo rất xuất sắc nổi tiếng từ lúc đương thời cho đến ngày nay. Các bậc Sĩ-phu, Quan lại triều đình từ Thừa-tướng, Thượng-thư... đều quy y học thiền với Ngài và có nhiều người đã được Chứng-ngộ. Ngữ-lục...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS NGUYET KHE
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Lâm Tế Ngữ Lục

Lâm Tế Ngữ Lục - phần II

Thứ sáu - 29/03/2013 20:16 Xem: 2174

Phần 1

Phần 2 (đang xem)
Phần 3
Phần 4
Có vị Tăng hỏi : Thế nào là chơn Phật, Chơn Pháp, Chơn Ðạo xin Sư khai-thị ?

Sư đáp : "Phật là tâm thanh tịnh, Pháp là tâm quang minh, Ðạo là nơi nào cũng vô ngại. Ba tức là một, đều là giả danh mà chẳng thực có. Chơn-đạo-nhân niệm niệm tâm chẳng gián đoạn. Tổ Ðạt-ma đến Ðông-độ chỉ tìm người chẳng bị người ta mê hoặc, sau gặp Nhị-tổ chỉ nói một lời là xong; mới biết từ trước uổng dụng công phu. Hôm nay chỗ thấy của Sơn-tăng cùng với chư Tổ chư Phật chẳng khác. Nếu trong câu thứ nhất lãnh hội được thì kham làm thầy cho Tổ và Phật. Nếu trong câu thứ nhì lãnh hội được, thì kham làm thầy cho cõi người cõi Trời. Nếu trong câu thứ ba lãnh hội được thì tự cứu không xong".

Tăng hỏi : "Thế nào là câu thứ nhất ?"

Sư nói : "Ấn khai tam yếu điểm son hẹp, Chưa cho suy nghĩ chủ khách phân".

- Thế nào là câu thứ nhì ?

Sư nói : "Diệu-giải chẳng cho vấn vô trước (chấp trước), Phương tiện đâu phụ (cô phụ) triệt lưu cơ".

- Thế nào là câu thứ ba ?

Sư nói : "Hãy xem trên đài hát múa rối, kéo dây đều nhờ người bên trong".

Lại nói : "Một cú ngữ phải đủ tam huyền môn, một huyền môn phải đủ tam yếu, có quyền có thực, có chiếu có dụng các người làm sao lãnh hội !".

Ngài Lâm Tế ứng cơ thường hay dùng hét, người ta gọi là vào cửa liền hét. Bởi trong một tiếng hét sẵn đủ tam huyền tam yếu và tác dụng chủ khách.

Sư nói : "Có khi một tiếng hét như Sư-tử thế sắp chụp người, có khi một tiếng hét như cây trúc dọ thám hình bóng trong đám cỏ, có khi một tiếng hét chẳng cho là tác dụng một tiếng hét, các ngươi làm sao lãnh hội ?".

Có một vị Tăng toan tính hỏi Sư, Sư bèn hét.

Lúc bấy giờ, môn đồ tham học trong Thiền-hội đều học Sư hét.

Sư nói : "Các ngươi cứ bắt chước ta hét. Nay ta hỏi các ngươi : Có một người từ bên Ðông ra, một người từ bên Tây ra, hai người cùng hét một lượt, ở đây phân được chủ khách chăng ? Mà các ngươi làm sao phân biệt ? Nếu phân biệt chẳng được, thì không nên bắt chước lão tăng hét".

Một hôm, Sư thượng Đường, Thủ-tọa của hai Đường gặp nhau đồng thời cùng hét.

Tăng hỏi Sư : "Có chủ khách hay không ?"

Sư đáp : "Chủ khách rõ ràng".

Xong, Sư thị Chúng rằng  : "Muốn lãnh hội câu chủ khách của ta, xin hỏi hai vị Thủ-tọa trong Thiền-đường".

*****

Một hôm, Sư thượng Đường, có một vị Tăng ra đảnh lễ, Sư bèn hét.

Vị Tăng nói : "Lão Hòa-thượng chớ lộ đầu là tốt".

Sư nói : "Ngươi cho là lọt vào chỗ nào ?"

Vị Tăng bèn hét.

Thế rồi Tăng lại hỏi : "Thế nào là đại ý Phật-pháp ?"

Sư bèn hét. Tăng lại đảnh lễ,

Sư nói : "Ngươi cho là hét tốt hay không ?"

Tăng đáp : Thảo tặc đại bại.

Sư nói : Lỗi ở chỗ nào ?

Tăng nói : "Không cho tái phạm".

Sư bèn hét !

 

Trong Thiền-hội Lâm Tế có hai bạn đồng tham, vấn đáp với nhau.

Một người nói : "Lìa hai cơ trung hạ, xin huynh nói một câu đi".

Đáp : "Tính muốn hỏi là sai".

Một người nói : "Nếu vậy thì lễ bái lão huynh đi".

Nói : "Thằng cướp này".

Sư nghe rồi thượng Đường thăng tòa thị Chúng :

"Yếu hội Lâm Tế tân chủ cú. Vấn thủ đường trung nhị thiền khách".

Rồi xuống tòa.

*****

Sư thị Chúng rằng :

Người tham học cần phải kỹ càng, như chủ khách gặp nhau thì có ngôn luận qua lại hoặc ấn vật hiện hành hoặc toàn thể tác dụng, hoặc nắm cơ quyền hỷ nộ hoặc hiện bán thân, hoặc cỡi sư tử hoặc cởi tượng vương.

Như tiếng hét của người học chân chính là đưa ra cái chậu bằng mủ, Thiện-tri-thức chẳng biết là cảnh, bèn dính mắc cảnh, họ mà làm dáng làm điệu, liền bị người học hét thêm tiếng nữa, Thiện-tri-thức chẳng chịu buông xuống, ấy là bệnh tuyệt vọng chẳng thể trị gọi là "Khách nhìn chủ".

Hoặc là Thiện-tri-thức chẳng đưa ra vật gì, tùy chỗ hỏi của người học liền đoạt, người học bị đoạt thà chết chẳng chịu buông, ấy gọi là "Chủ nhìn khách".

Hoặc có người học tỏ một cái cảnh trong sạch ra trước mắt Thiện-tri-thức, Thiện-tri-thức biết là cảnh, liền quăng vào hầm sâu, người học nói : "Tốt lắm Thiện-tri-thức". Thiện-tri-thức liền nói : "Ngốc thay ! Chẳng biết tốt xấu". Người học bèn lễ bái, đây gọi là "Chủ nhìn chủ".

Hoặc có người học còng tay còng cổ ra trước mắt Thiện-tri-thức, Thiện-trí-thức lại cho còng thêm một lớp, người học hoan hỷ, hai bên đều chẳng biết, ấy gọi là "Khách nhìn khách".

Các Ðại-đức ! Sơn-tăng kể chuyện như thế đều là phân biệt ma quái để biết rõ chánh tà vậy.

*****

Sư dạy Chúng rằng : "Ta có khi chiếu (chiếu soi) trước dụng sau, có khi dụng trước chiếu sau, có khi chiếu dụng đồng thời, có khi chiếu dụng chẳng đồng thời".

- Chiếu trước dụng sau là còn có người.

- Dụng trước chiếu sau là còn có pháp.

- Chiếu dụng đồng thời là đuổi con trâu của người cầy ruộng, là giựt lương thực của người đói, gỡ xương lấy tủy thống hạ kim dùi.

- Chiếu dụng chẳng đồng thời là có vấn có đáp, lập khách lập chủ, nước đất hòa hợp, ứng cơ tiếp vật.

Nếu là người quá lượng (đã ngộ) thì hướng vào trước khi chưa đề ra lời nói, xách lên đi liền còn tốt một chút.

*****

Một hôm Sư thượng Đường rằng : "Trên cục thịt đỏ có một Chơn-nhân vô địa vị, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Kẻ chưa chứng ngộ hãy xem đi !".

Khi ấy có vị Tăng ra hỏi : "Thế nào là Chơn-nhân vô địa vị ?"

Sư bước xuống tòa nắm chặt vị Tăng ấy bảo : "Nói ! nói !"

Vị Tăng ấy ngơ ngác, đang do dự. Sư đẩy ông ta ra, nói : "Chơn-nhân vô địa vị là cục cứt khô gì ?" Rồi trở về Phương-trượng.

Một hôm Sư thấy một vị Tăng đến, Sư giơ cây phất trần lên.

Ông Tăng lễ bái.

Sư bèn đánh. Sau đó, một ông Tăng khác đến. Sư cũng giơ phất trần lên, ông Tăng không màng đến.

Sư cũng đánh.

Một vị Tăng khác đến. Sư cũng lại giơ cây phất trần lên. Vị Tăng này nói : "Tạ ơn Hòa-thượng khai-thị !"

Sư cũng đánh.

*****

Có một vị Tăng hỏi : "Thế nào là đại ý Phật-pháp ?"

Sư giơ cây phất trần lên.

Tăng bèn hét.

Sư bèn đánh.

Một vị Tăng khác hỏi : "Thế nào là đại ý Phật-pháp ?"

Sư cũng giơ cây phất trần lên.

Tăng bèn hét.

Sư cũng hét. Lúc ấy vị Tăng do dự, Sư bèn đánh.

Sư khai-thị rằng : "Đại-chúng, kẻ vì Pháp mà chẳng tiếc thân mạng, trước kia ta ở nơi Tiên-sư Hoàng Bá, ba lần hỏi đại ý đích xác Phật-pháp đều bị đánh cả ba lần như bị nhánh cây Hao phất qua. Hôm nay còn muốn thêm một trận, có ai vì ta mà hạ thủ chăng ?"

Khi ấy có một vị Tăng ra nói : "Ðể con hạ thủ cho".

Sư đưa cây gậy cho Tăng, vị Tăng đưa tay muốn lấy. Sư bèn đánh.

*****

Sư thăng tòa, có một ông Tăng ra. Sư bèn hét.

Vị Tăng cũng hét, Tăng lễ bái, Sư bèn đánh, rồi hỏi Tăng rằng : "Từ đâu đến ?"

Tăng đáp : "Từ Ðịnh Châu đến".

Sư lấy gậy, vị Tăng do dự, Sư bèn đánh. Tăng không chịu.

Sư nói : "Về sau gặp người mắt sáng sẽ biết".

Sau đó vị Tăng ấy đi tham vấn Tam Thánh và kể lại việc này.

Tam Thánh bèn đánh, Tăng toan muốn nói, Tam Thánh đánh nữa.

Có một Lão-tôn-túc đến tham vấn, hỏi : "Lễ bái là phải hay không lễ bái là phải ?"

Sư bèn hét. Tôn-túc lễ bái.

Sư nói : "Sơn-tặc này tốt".

Tôn-túc nói : "Tặc, Tặc !" rồi ra đi.

Sư nói : "Chớ nên cho là vô-sự".

Khi ấy Thủ-tọa đang đứng hầu, Sư nói với Thủ-tọa : "Thế có lỗi hay không ?".

Thủ-tọa nói : "có".

Sư nói : "Khách có lỗi hay chủ có lỗi"

Thủ-tọa nói : "Cả hai đều có lỗi".

Sư nói : "Lỗi ở chỗ nào ?"

Thủ-tọa bèn ra đi.

Sư nói  : "Chớ nên cho là vô-sự".

*****

Ðại Giác đến tham vấn Sư. Sư giơ phất trần lên, Ðại Giác trải tọa cụ.

Sư quăng phất trần xuống, Ðại Giác thu tọa cụ, Sư kêu : "Ðến Tham-đường đi".

Tăng-chúng thấy vậy nói : "Tăng này chắc là thân quyến của Hòa-thượng, không lễ bái mà cũng không ăn gậy".

Sư nghe rồi, cho người kêu Ðại Giác, Giác đến Sư nói : "Đại-chúng nói : Ông không lễ bái cũng không ăn gậy, chắc là thân quyến của Trưởng-lão".

Giác nghe, rồi cáo từ đi ra.

*****

Một hôm Sư hỏi Viện-chủ : Ði đâu về ?

Viện-chủ đáp : "Ði trong phố bán gạo vàng về".

Sư nói : "Bán hết chăng ?"

"Bán hết", Viện-chủ trả lời.

Sư dùng cây gậy quật một cái rằng : "Còn bán được cái này chăng ?"

Viện-chủ bèn hét, Sư bèn đánh.

Kế đó Điển-tọa (người quản lý nhà bếp trong tùng lâm) đến, Sư kể việc này, Điển-tọa nói : "Viện-chủ không lãnh hội được ý của Hòa-thượng".

Sư nói : "Ngươi cho là thế nào ? "

Ðiển-tọa lễ bái, Sư cũng đánh.

*****

Sư cùng Phổ Hóa đi dự Trai-tăng, Sư hỏi Phổ Hóa :

"Sợi lông nuốt cả biển lớn, hạt cải dung chứa Tu-di. Ấy là thần thông diệu dụng hay là pháp vốn như thế ?"

Phổ Hóa đạp đổ bàn ăn cơm,

Sư nói : Thô lỗ quá vậy ?

Phổ Hóa nói : Ðây là chỗ gì mà nói thô nói tế ?

*****

Hôm sau cũng cùng đi dự Trai-tăng, Sư lại hỏi : Sự cúng dường hôm nay đâu bằng hôm qua ?

Phổ Hóa cũng đạp đổ bàn ăn nữa.

Sư nói : Ðược thì được, sao thô lỗ quá vậy ?

Phổ Hóa hét rằng : Thằng mù, Phật-pháp nói gì thô với tế ?

Sư le lưỡi.

LỜI BÌNH PHẨM : Ðại Huệ Tông Cảo Thiền-sư nói : Công-án này, Lâm Tế hai lần bị bịt miệng, không biết còn có chỗ thương lượng hay không ? Nếu có thì làm sao thương lượng ?

Một hôm Sư cùng với Hà Dương và Trưởng-lão Mộc Tháp ngồi trong Tăng-đường đàm luận nói tới Phổ Hóa hàng ngày ở ngoài đường giả điên giả khùng, không biết ông ấy là phàm hay là Thánh. Lời nói chưa dứt thì Phổ Hóa vào, Sư bèn hỏi (Phổ Hóa) : "Ngươi là phàm hay Thánh".

Phổ Hóa nói : "Ngươi cho ta là phàm hay là Thánh ?"

Sư liền hét lên !

Phổ Hóa dùng tay chỉ rằng : "Hà Dương là cô dâu mới, Mộc Tháp là lão bà Thiền, chú tiểu Lâm Tế này lại đủ một con mắt".

Sư nói : "Kẻ tặc !".

Phổ Hóa nói : "Tặc! Tặc!". Bèn bỏ đi.

*****

Một hôm Phổ Hóa đương ăn rau sống trước Tăng-đường, Sư thấy vậy nói : "Giống như một con lừa". Phổ Hóa bèn làm ra tiếng lừa kêu, Sư nói với vị Tăng trực rằng : "Chăm sóc cỏ nuôi lừa cho kỹ nhé."

Phổ Hóa nói :

Danh vọng ít người biết,

Kỳ Lân lại đến nữa.

Lâm Tế một con mắt,

Chiếu soi khắp mọi nơi.

*****

Một hôm Triệu Châu đến viện Lâm Tế, lúc đang rửa chân ở nhà sau, Sư thấy bèn hỏi : "Thế nào là ý của Tổ-sư từ Tây-trúc đến ?"

Triệu Châu đáp : Gặp nhằm Sơn-tăng rửa chân.

Sư bước đến gần và làm thế lắng tai nghe,

Châu lại nói : Hội thì hội liền chứ cắn đắn làm gì ?

Sư liền trở về Phương-trượng.

Triệu Châu nói : Ba mươi năm hành cước, hôm nay chú-giải sai lầm cho người ta.

*****

Sư hỏi Hạnh Sơn : Thế nào là Lộ Ðịa Bạch Ngưu ?

Sơn nói : Hồng ! Hồng !

Sư nói : Câm sao ?

Hạnh Sơn nói : Trưởng-lão cho là thế nào ?

Sư nói : Súc-sinh này !

*****

Ma Cốc hỏi : "Ðức Ðại Bi Quán-thế-âm Bồ-tát có nghìn tay nghìn mắt, thử hỏi mắt nào là mắt chính ?"

Sư nắm chặt Ma Cốc nói : "Ðức Ðại Bi nghìn tay nghìn mắt, mắt nào là mắt chính. Nói mau ! nói mau !"

Ma Cốc kéo Sư khỏi tòa, tự ngồi lên tòa.

Sư vấn tín. Cốc do dự, Sư bèn hét rồi kéo Ma Cốc xuống tòa. Sư ngồi trở lại.

Ma Cốc bèn đi ra, nhưng lại hỏi : "Quán-âm mười hai mặt, mặt nào là mặt chính ?"

Sư xuống tòa nắm chặt Ma Cốc nói : "Quán-âm mười hai mặt đi đâu rồi ? nói mau ! nói mau !"

Ma Cốc xoay người lại muốn ngồi, Sư bèn đánh, Cốc nắm cây gậy, hai người cùng giành nhau đi trở về Phương-trượng.

*****

Sư khai-thị rằng : Sơn-tăng chẳng có một pháp cho người, chỉ là trị bệnh mở trói. Các ngươi cứ lấy lời nói trong miệng của Sơn-tăng chẳng bằng thôi nghỉ, vô sự còn tốt hơn !

Sư lại nói : Một niệm duyên khởi vô sanh, siêu việt quyền học Tam-thừa.

*****

Sư dạy Chúng : "Thời nay người học Phật-pháp cần phải có kiến giải chân chính. Nếu có được kiến giải chân chính thì chẳng nhiễm sanh tử, đi ở tự do, chẳng cần cầu thù thắng, mà thù thắng tự đến.

Này chư Đạo-hữu, các bậc Tiên-đức từ xưa đều có đường lối hướng dẫn mọi người; riêng lối chỉ dẫn người của Sơn-tăng đây, chỉ cốt giúp các ngươi không bị người ta mê hoặc, muốn dùng liền dùng chớ đừng chần chờ thắc mắc. Hiện nay kẻ học chẳng được khai ngộ là bệnh ở chỗ nào ? Chính là bệnh ở chỗ chẳng tự tin. Nếu chẳng có tự tin, tức thì các ông tự rộn ràng lan man theo cảnh, bị muôn cảnh lôi cuốn chẳng được tự do. Nếu các ngươi thôi nghỉ cái tâm niệm niệm tìm cầu thì với chư Tổ chư Phật chẳng khác. Các ông muốn nhận biết chư Tổ, chư Phật chăng ? Chính là ngươi đang nghe pháp trước mắt đây. Học nhân thiếu tự tin bèn hướng ngoại tìm cầu. Dẫu cho tìm được cũng đều chỉ là văn tự danh tướng trọn chẳng được ý của Tổ sống. Nếu thời nay không gặp, thì ngàn đời vạn kiếp luân hồi trong Tam-giới, trôi theo cảnh thiện ác, rồi phải vào thai trâu bụng lừa.

Các Đạo-giả, theo chỗ thấy của Sơn-tăng cùng với Thích-ca chẳng khác, mỗi ngày mỗi mỗi thứ dụng đều đầy đủ chẳng thiếu cái gì. Sáu thứ Thần-quang chưa từng gián đoạn, nếu thấy được như thế tức là người vô sự trên đời.

Chư Ðại-đức, Tam-giới không yên giống như nhà lửa. Ðây không phải là chỗ ở lâu của các ngươi. Con quỉ vô thường giết người trong khoảnh khắc, chẳng kể già trẻ sang hèn. Các ông muốn cùng Tổ và Phật chẳng khác, chỉ cần không hướng ngoại tìm cầu. Trên một niệm thanh tịnh sáng suốt chính là Pháp-thân-phật trong nhà ngươi. Trên một niệm vô phân biệt sáng suốt chính là Báo-thân-phật trong nhà ngươi. Trên một niệm vô sai biệt sáng suốt chính là Hóa-thân-phật trong nhà ngươi. Ba thứ Thân này chính là người đang nghe Pháp trước mắt đây, chỉ vì chẳng hướng ngoại tìm cầu thì có công dụng này.

Theo các nhà Kinh-luận lấy ba thứ thân này làm chỗ lý cùng tột. Theo chỗ thấy của Sơn-tăng thì chẳng phải vậy. Ba thứ Thân này chỉ là danh tự, cũng là ba thứ y. Người xưa nói : "Thân y nghĩa lập, Độ y thể luận" (Thân do nghĩa mà lập, Quốc-độ dựa thể mà luận). Vậy Pháp-tánh-thân và Pháp-tánh-độ rõ ràng là quang-ảnh (những phản ảnh của ánh sáng).

Chư Ðại-đức, các ông phải nhận biết người làm quang ảnh này là cội nguồn của chư Phật, cũng là quê nhà của các ông. Sắc-thân tứ Đại của các ông không hiểu thuyết Pháp, nghe Pháp; tì, vị, gan, mật của các ông cũng không hiểu thuyết Pháp, nghe Pháp; hư không cũng không hiểu thuyết Pháp, nghe Pháp. Vậy thì cái gì hiểu thuyết Pháp, nghe Pháp ? Ấy là cái chẳng hình dáng mà sáng tỏ rõ ràng trước mắt của các ông đó ! Nếu thấy được như thế, thì cùng với Tổ và Phật chẳng khác. Chỉ có điều, trong mọi thời đừng để gián đoạn (khắp thời gian) chạm mắt đến đâu là thấy nó ở đó (khắp không gian). Chỉ vì tình thức sanh khởi thì Trí-tuệ bị ngăn cách và tư tưởng biến đổi thì thân thể cũng trôi theo, nên bị lăn lóc luân hồi trong Tam-giới chịu đủ thứ khổ não. Nếu theo chỗ thấy của Sơn-tăng thì không có chỗ nào là chẳng phải giải thoát.

Chư Đạo-hữu ! Các ông phải biết, Tâm-pháp vô hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là lời nói, ở tay gọi là nắm bắt, ở chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp. Một tâm đã không thì mọi nơi đều giải thoát. Sơn-tăng nói như thế, ý ở chỗ nào ? Chỉ vì tất cả tâm tìm cầu của các ông chẳng thể thôi nghỉ, mới lọt vào cái bẫy cơ cảnh (cảnh cơ xảo) của người xưa.

Chư Đạo-hữu ! Nếu các ông nhận được chỗ thấy của Sơn-tăng, các ông có thể ngồi ngay đó cắt đứt những đầu mối Báo-thân-phật, Hóa-thân-phật. Chư Bồ-tát Thập-địa, cho đến Ðẳng-giác, Diệu-giác là những kẻ gông cùm; La-hán, Bích-chi-phật là những thứ ô uế nhà cầu; Bồ-đề, Niết-bàn như cọc cột lừa. Tại sao như thế ? Chỉ vì các ông không thông đạt được cái "Không" của ba A-tăng-kỳ kiếp, nên mới có chướng ngại này. Nếu là Đạo-nhân chân chính, trọn chẳng như thế, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, cứ mặc tình mặc áo quần, muốn đi thì đi, muốn ngồi thì ngồi, tâm không một niệm mong cầu Phật-quả. Tại sao như thế ? Người xưa nói : "Nếu muốn tạo nghiệp cầu Phật, thì Phật là cái triệu chứng lớn của sinh tử !".

Chư Ðại-đức ! Thời giờ quí báu, cứ lê lết nơi này nơi nọ mà học Thiền học Đạo, nhận danh nhận cú, cầu Phật cầu Tổ, cầu Thiện-tri-thức. Chớ nên sai lầm như thế ! Các ông chỉ có một cha mẹ, còn cầu cái gì nữa ? Các ông hãy tự phản chiếu xem ! người xưa nói : "Diễn-nhã-đạt-đa quên mất đầu, tâm cầu dứt sạch liền vô sự". (*)

Chư Ðại-đức ! Chỉ cần giữ tâm bình thường, chớ làm dáng làm điệu. Có một bọn binh đầu trọc chẳng biết tốt biết xấu, thấy Thần thấy Quỷ, chỉ Ðông chỉ Tây, cầu mưa cầu tạnh. Bọn này, chắc chắn có ngày đến trước mặt Diêm-vương nuốt cục sắt nóng để đền nợ. Những Thiện-nam Tín-nữ bị bọn yêu tinh mê hoặc tác yêu tác quái thật là lũ mù quái gở ! Có ngày chúng sẽ bị đòi nợ tiền cơm tiền gạo. Các ngươi cần phải tìm lấy kiến-giải chân chính tung hoành trong Thiên-hạ, khỏi bị bọn yêu tinh này mê hoặc. Các người chớ nên tạo tác, chỉ giữ bình thường là tốt. Các ngươi vừa khởi tâm tính toán đã là sai lầm rồi vậy ! Chớ nên cầu Phật ! Phật chỉ là danh tự. Các ngươi biết được kẻ tìm cầu chăng ? Tam thế thập phương Phật ra đời cũng chỉ vì cầu Pháp. Nếu được Pháp thì mới xong, khỏi bị luân hồi trong ngũ đạo (Vì A-tu-la có 4 loài : Trời, người, súc sinh, quỷ. Nên trừ A-tu-la ra chỉ có ngũ đạo)".

Thế nào là Pháp ?

Pháp tức là Tâm-pháp, Tâm-pháp không hình, thông suốt mười phương, hiện dụng trước mắt. Vì con người chẳng thể tin được, bèn nhận danh, nhận cú, hướng trong danh tự, so đo tìm nghĩa; với Phật-pháp xa cách nhau như Trời với đất.

GHI CHÚ : (*) Diễn-nhã-đạt-đa sáng soi gương thấy cái mặt mình trong gương nhưng lại không nhận ra rằng cái bản mặt đó chính là mình, rồi tưởng mình mất đầu chạy khắp nơi tìm kiếm, nhưng khi biết đầu mình chưa hề mất, thành ra người-vô-sự.

*****

Các ông ! Sơn-tăng thuyết Pháp là thuyết Pháp gì, là thuyết pháp Tâm-địa. Ngộ pháp Tâm-địa thì hay vào tịnh vào uế, vào phàm vào Thánh, vào Chân vào tục. Nhưng chính các ông cũng không phải Chơn, tục, phàm, Thánh mà có thể đặt tên cho tất cả Chơn, tục, phàm, Thánh. Ngược lại, tất cả Chơn, tục, phàm, Thánh tự đặt tên chẳng được.

Chư Ðạo-hữu ! Các ông nắm được liền dùng, chớ nên sắp đặt mới khế hợp huyền-chỉ. Sơn-tăng thuyết Pháp khác với người thiên hạ. Ví như có Văn-thù, Phổ-hiền hiện thân hỏi Pháp, mới vừa nói "Thưa Hòa-thượng" thì ta đã biết rõ rồi. Tại sao như thế ? Chỉ vì chỗ thấy của ta khác hẳn : Bên ngoài chẳng lấy phàm-thánh, bên trong chẳng trụ căn-bổn, thấy suốt Bổn-pháp chẳng chỗ nghi ngờ.

Các Ðạo-hữu ! Phật-pháp chẳng có chỗ dụng công, chỉ là bình thường vô sự, mặc áo ăn cơm, đi tiêu đi tiểu, mệt thì đi ngủ, người ngu cười ta, người Trí mới biết ta. Người xưa nói : "Hướng bên ngoài làm công phu đều là kẻ ngu si". Các ngươi phải tùy thời làm chủ, chỗ đứng đều là chân, tất cả cảnh duyên lôi kéo chẳng được. Dầu cho có tập-khí từ xưa, có tạo nghiệp Địa-ngục vô-gián đều là biển giải thoát. Ngày nay kẻ học Thiền trọn không biết Pháp, như con dê gặp gì cũng ăn, không phân biệt chủ-khách, chánh-tà. Bọn này từ tà tâm nhập đạo chẳng được gọi là người Chơn-xuất-gia, chính là người Chơn-tục-gia. Người xuất gia phải phân biệt được kiến giải chơn chánh bình thường, phân biệt được Phật-ma, Chơn-ngụy, phàm-Thánh. Nếu được như thế, gọi là Chơn-xuất-gia. Nếu Ma, Phật chẳng phân biệt được tức là "xuất gia" này, "vào gia" kia, gọi là Chúng-sanh-tạo-nghiệp, chưa được gọi là Chơn-xuất-gia. Như hiện nay có cái Phật - Ma đồng thể. Nếu Đạo-hữu là người mắt sáng thì Ma, Phật đều đánh, nếu các ngươi yêu Thánh ghét phàm thì phải chìm nổi trong biển sanh tử, chẳng có ngày xong.

Lúc ấy, có một vị Tăng hỏi : "Thế nào là Phật là Ma ? Xin Ngài khai-thị".

Sư đáp : "Ngươi vừa khởi một niệm tâm nghi ấy là Ma-phật. Nếu ngươi thông đạt vạn pháp vô sinh, tâm như huyễn hóa, không còn một trần, một pháp, nơi nơi thanh tịnh, tức là Ma-phật. Phật với chúng sanh là hai cảnh nhiễm tịnh. theo chỗ thấy của Sơn-tăng, không Phật không chúng sanh, không xưa không nay, kẻ đắc bèn đắc chẳng kể thời tiết, cũng không tu không chứng, không được không mất, trong tất cả thời lại không có pháp riêng khác. Dầu rằng có một pháp hơn cả pháp này, thì ta nói như mộng như huyễn. Sơn-tăng sở thuyết chỉ là việc trước mắt, là kẻ hiện đang nghe Pháp rõ ràng sáng tỏ đó. Người này (Tự-tánh) cùng khắp mười phương Tam-giới tự do tự tại, không nơi nào, lúc nào bị chướng ngại, vào tất cả cảnh sai biệt cũng chẳng thể bị dính mắc, trong một sát-na thấu khắp Pháp-giới, gặp Phật thuyết Phật, gặp Tổ thuyết Tổ, gặp La-hán thuyết La-hán, gặp Ngạ-quỷ thuyết Ngạ-quỷ, đi tất cả chỗ, dạo các cõi nước, giáo hóa chúng sanh mà chưa từng lìa một niệm, tùy nơi thanh tịnh, ánh sáng thấu suốt mười phương, vạn pháp nhất như.

Các ngươi ! Kẻ Đại-trượng-phu, hôm nay mới biết bổn lai vô sự. Chỉ vì các ngươi chẳng tin Tự-tâm, niệm niệm tìm cầu, bỏ đầu tìm đầu, tự không thể thôi, như các vị Bồ-tát viên đốn vào trong Pháp-giới hiện thân hướng trong Tịnh-độ, chán phàm ưa Thánh, bọn người như thế chưa quên việc lấy bỏ, tâm nhiễm - tịnh vẫn còn. Như kiến-giải của Thiền-tông thì chẳng phải vậy, chỉ thẳng hiện tại lại chẳng kể thời tiết. Chỗ Sơn-tăng thuyết đều là thuốc với bệnh đối trị lẫn nhau, vốn chẳng có pháp thật. Nếu thấy được như vậy, mới là kẻ Chân-xuất-gia, mỗi ngày tiêu được muôn lượng vàng ròng. Các ông chớ nên bị Tông-sư các nơi ấn-chứng bậy bạ cho là ta hiểu Thiền hiểu Đạo, biện luận thao thao như suối chảy, đều là tạo Nghiệp-địa-ngục. Nếu là người học Đạo chân chính, chẳng thấy lỗi của thế gian, chỉ cần cầu kiến-giải chân chính, nếu thấu đạt Chân-tâm, ngộ Tự-tánh tròn đầy sáng tỏ, mới gọi là xong việc.

=> Phần 3

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn