Ngài thượng Đường rằng : - Tức-tâm là Phật, trên từ chư Phật, dưới đến sâu bọ hàm linh đều có Phật-tánh, đồng một Tâm-thể, nên Tổ Đạt-ma từ Ấn-độ đến chỉ truyền một Tâm-pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh vốn là Phật, chẳng nhờ tu hành, chỉ cần nhận lấy Tự-tâm, thấy tự bản Tánh, chớ nên tìm cầu cái khác. Thế nào là nhận lấy Tự-tâm ? Cũng như cái hiện đang nói năng chính là Tâm ngươi, nếu chẳng nói năng lại chẳng tác dụng thì Tâm-thể giống như hư-không, chẳng có tướng mạo cũng chẳng phương-sở cũng chẳng phải tuyệt không có, vì có mà chẳng thể thấy, nên Tổ-sư nói : "Tâm-địa tức Chân-tánh, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, ứng duyên mà giáo hóa, phương-tiện gọi là Trí". Nếu khi chẳng ứng duyên chẳng thể nói có hay không, đang khi ứng duyên cũng chẳng dấu tích, đã biết như thế nay chỉ cần đi theo đường vô trụ của chư Phật. Kinh nói : "Ưng vô-sở-trụ nhi sanh Kỳ-tâm".
Tất cả chúng sanh dùng ý căn phan duyên tạo tác, trôi lăn trong Lục-đạo, sanh tử luân hồi chẳng ngừng, uổng chịu đủ thứ khổ như Duy-ma-cật nói : "Người khó hóa độ tâm như con khỉ, phải dùng bao nhiêu thứ pháp kềm chế tâm họ rồi mới điều phục được". Nên nói Tâm-sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, Tâm-diệt thì mỗi mỗi pháp diệt. Phải biết tất cả các pháp từ Trời, người, A-tu-la cho đến Địa-ngục, Lục-đạo đều do Tâm tạo, nay chỉ cần học vô tâm, các duyên bỗng ngưng, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, vô nhân vô ngã vô tham sân, vô yêu ghét, vô thắng bại. Chỉ cần trừ bỏ đủ thứ vọng tưởng, bản tánh vốn tự thanh tịnh, tức là tu hành đúng theo Phật-pháp, Bồ-đề v.v... Nếu chẳng ngộ ý này dẫu cho ngươi siêng năng học rộng, khổ hạnh tu tập, ăn mặc cực khổ mà chẳng nhận thức Tự-tâm đều gọi là Hạnh-tà, đều thành Thiên-ma Ngoại-đạo, thủy lục chư Thần. Tu hành như thế có ích lợi gì ?
Bảo Chí Công nói : "Bản-thể là Tự-tâm làm, đâu thể cầu nơi văn tự. Nay chỉ cần nhận thức Tự-tâm, ngưng nghỉ tư duy, vọng tưởng trần lao tự nhiên chẳng khởi".
Duy-ma-cật nói : "Chỉ để một giường nằm bệnh dụ cho tâm chẳng khởi. Hôm nay nằm bệnh phan duyên đều dứt, vọng tưởng tiêu diệt tức là Bồ-đề".
Nếu trong Tâm lăng xăng tìm hiểu này nọ, dẫu cho ngươi học đến các bậc Tam-thừa, Tứ-quả, Thập-địa, chỉ là ham ngồi trên Thánh-phàm đối đãi. Chẳng biết chư hạnh đều quy vô thường, thế lực đều có ngày tàn, cũng như bắn tên trên hư-không, sức hết thì phải rơi xuống trở lại, vẫn về nơi sanh tử luân hồi. Tu hành như thế là chẳng hiểu ý Phật, uổng chịu cay đắng, sai lầm biết bao. Bảo Chí Công nói : "Chưa gặp Minh-sư ra đời, oan uổng Pháp thuốc Đại-thừa".
Bất cứ lúc nào đi đứng nằm ngồi hãy học vô-tâm, chẳng còn phân biệt, cũng chẳng nhờ cậy ai và dựa vào nơi nào, chẳng trụ chẳng chấp, suốt ngày thong thả tùy duyên, ngây ngây như người khờ ngốc. Người đời trọn chẳng biết được ngươi, ngươi cũng chẳng cần người ta biết hay không biết. Tâm như tảng đá chẳng có chút kẽ hở, tất cả pháp thấu Tâm ngươi chẳng lọt, ngây thơ chẳng dính mắc chỗ nào, như thế mới có ít phần tương ưng, mới thấu qua được cõi Tam-giới, gọi là Phật ra đời. Tâm tướng vô lậu, gọi là Vô-lậu-trí. Chẳng làm nghiệp Trời-người, chẳng làm nghiệp Địa-ngục, chẳng khởi tất cả tâm, các duyên đều chẳng sanh, ngay thân tâm này là người tự do, không phải luôn luôn chẳng sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói : " Bồ-đề có Ý-sanh-thân" là nghĩa này vậy. Nếu chưa ngộ Vô-tâm, chấp theo tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp Ma, cho đến làm Phật-sự nào cũng đều thành nghiệp, gọi là chướng Phật vì chướng ngại Tâm ngươi, bị nhân quả quản thúc, đi ở chẳng có phần tự do.
Nên nói : Các pháp Bồ-đề vốn chẳng phải có, Như-lai sở thuyết đều là lời của người huyễn hóa, cũng như lá cây vàng cho là vàng ròng để gạt trẻ con cho nín khóc, thực chẳng có pháp gọi là Vô-thượng Bồ-đề. Nay nếu đã ngộ ý này thì trong Tâm rõ ràng là phải tẩy sạch kiến-giải từ xưa nay, đâu cần bận việc lăng xăng, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chớ tạo thêm nghiệp mới. Kinh Pháp Hoa nói : "Trong hai mươi năm luôn luôn trừ phẩn" là trừ bỏ những kiến-giải trong Tâm, cũng gọi là quét trừ phẩn của hý luận cho nên nói Như-lai-tạng vốn tự không-tịch, chẳng còn để lại một pháp nào".
Kinh nói : "Quốc-độ chư Phật cũng đều là không", nếu nói Phật-đạo do tu học mà đắc, hoặc ở nơi một cơ một cảnh nhướng mày nháy mắt, vấn đáp ăn khớp cho là khế hội, cho là chứng ngộ lý thiền, kiến-giải như thế đối với Phật-pháp trọn chẳng dính dáng.
Có kẻ ham làm thầy dạy người, gặp người không hiểu thì nói họ ngu không biết. Nếu họ hiểu đúng ý mình thì trong tâm liền sanh hoan hỷ. Nếu không bằng họ, bị họ hàng phục, cãi không lại họ, liền sanh tâm sân hận, ôm tâm-ý như thế để học thiền dẫu cho ngươi ngộ được nhiều đạo lý, ấy chỉ là đắc cái pháp tâm-sở, đối với Thiền-đạo trọn chẳng dính dáng. Cho nên Đạt-ma xoay mặt hướng vách không cho người có chỗ thấy (kiến-giải), nên nói : "Quên cơ là Phật-đạo, phân biệt là Ma-vương". Tánh này dẫu cho ngươi khi mê cũng chẳng mất, khi ngộ cũng chẳng đắc, Tự-tánh thiên chân vốn chẳng mê ngộ. Hư-không khắp mười phương cõi vốn là một Tâm-thể ta, dẫu cho ngươi vận dụng tạo tác đâu thể lìa khỏi hư-không. Hư-không vốn chẳng lớn nhỏ, vô lậu vô vi, vô mê vô ngộ, liễu-liễu kiến, vô nhất vật, cũng vô chúng sanh vô chư Phật, cách tuyệt số lượng, chẳng có chỗ mảy may để y nhờ dính mắc.
Một dòng nước trong sạch ấy là Vô-sanh-pháp-nhẫn của Tự-tánh, đâu có chỗ để suy lường tính toán. Chân-phật chẳng miệng, không hiểu thuyết pháp, chân thính chẳng tai, ai mà nghe ư ?
Lại nói, hễ vô tất cả tâm tức là Vô-lậu-trí, ngươi mỗi ngày đi đứng ngồi nằm, tất cả ngôn ngữ chớ nên dính mắc pháp hữu vi thì nói nín, nháy mắt đều đồng như vô lậu. Nay thời Mạt-pháp kẻ học Thiền-đạo phần nhiều đều bị dính mắc tất cả thanh sắc. Tại sao không để cho ta tâm tâm đồng như hư-không, như cây khô tảng đá, như tro lạnh lửa tắt, mới có ít phần tương ưng. Nếu chẳng như thế thì ngày sau đều sẽ bị Diêm-la-vương tra khảo. Ngươi hãy lìa bỏ các pháp hữu và vô, Tâm như Mặt-trời thường ở tại hư-không, ánh sáng tự nhiên chẳng chiếu mà chiếu, ấy là việc ít phí sức biết bao. Khi đó thì chẳng có chỗ để trụ tức là hành cái hạnh của chư Phật, cũng là "Ưng vô-sở-trụ nhi sanh Kỳ-tâm". Đây là Pháp-thân thanh tịnh của ngươi, gọi là Vô-thượng Bồ-đề. Nếu chẳng ngộ ý này, dẫu cho ngươi học được nhiều tri giải, siêng năng cực khổ tu hành mà chẳng tin Tự-tâm thì đều gọi là Hạnh-tà.
Lại nói, nay ngươi bất cứ lúc nào chỉ học vô-tâm, lâu ngày sẽ được chứng đắc. Vì sức ngươi còn nhỏ chẳng thể đốn ngộ, phải trải qua năm, mười năm khi cơ duyên đến mới được ngộ nhập.
Vì có tham sân si mới lập giới định huệ, nếu vốn chẳng phiền não thì đâu có Bồ-đề, nên Tổ-sư nói : "Phật thuyết tất cả pháp, vì độ tất cả tâm, ta chẳng tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp". Nơi bản nguyên thanh tịnh Phật chẳng dính mắc một vật. Ví như hư-không dù dùng vô lượng thất bảo để trang nghiêm đều chẳng thể trụ, Phật-tánh đồng như hư-không dù dùng vô lượng công đức trí huệ để trang nghiêm cũng chẳng thể trụ. Vì mê Bản-tánh nên chẳng tự thấy mà thôi. Nói Pháp-môn Tâm-địa, vạn pháp đều y Tâm này kiến lập, gặp cảnh thì có, lìa cảnh thì không. Chẳng thể ở nơi Tánh thanh tịnh sanh ra tri giải để làm cảnh. Những lời nói như định huệ, chiếu soi, công dụng, sáng tỏ, tịch tịch, tỉnh tỉnh, kiến, văn, giác, tri v.v... đều là đem kiến-giải làm cảnh, tạm vì người trung hạ căn thuyết thì được, đối với người muốn thân chứng thì chẳng nên có kiến-giải như thế.
Nói hai chữ Hoá-thành nghĩa là từ Nhị-thừa cho đến Thập-địa, Đẳng-giác, Diệu-giác đều là giáo pháp tùy nghi để tiếp dẫn hậu học, đều thuộc về Hóa-thành. Nói hai chữ Bảo-sở là bảo của chân tâm Tự-tánh bản Phật, Bảo này chẳng thuộc tình lượng (tình thức số lượng), chẳng thể kiến lập, vô Phật vô chúng sanh, vô năng vô sở.
Hỏi : Đây đã là Hóa-thành nơi nào là Bảo-sở ?
Đáp : Bảo-Sở chẳng thể chỉ, chỉ được thì có phương sở, chẳng phải chân Bảo-sở vậy. Nên chỉ có thể nói ở gần mà thôi, chẳng thể nói lời nhứt định, cần nên thể-cứu, ngay đó tự khế ngộ mới được.
Nói xiển-đề là kẻ lòng tin chẳng đầy đủ vậy. Tất cả chúng sanh trong Lục-đạo cho đến Nhị-thừa chẳng tin có quả Phật đều gọi là xiển-đề đoạn dứt thiện căn; những Bồ-tát tin chắc có Phật-pháp, chẳng thấy có Đại-thừa Tiểu-thừa, Phật với chúng sanh đồng một Pháp-tánh, gọi là xiển-đề thiện căn.
Người thường cho là cảnh chướng ngại tâm, sự chướng ngại lý, cứ muốn tránh cảnh để an tâm, bỏ sự để lập lý, chẳng biết thực ra là tâm chướng ngại cảnh, lý chướng ngại sự. Hễ khiến Tâm không thì cảnh tự không, hễ cho lý tịch thì sự tự tịch, chớ nên dụng tâm điên đảo vậy. Nhiều người thường chẳng chịu cho Tâm không vì e sợ đọa nơi rỗng không, chẳng biết Tự-tâm vốn không(*). Kẻ ngu trừ sự chẳng trừ tâm, người Trí trừ tâm chẳng trừ sự.
(*) Tâm-không : Tâm-không là bản thể của Tâm, chẳng thể thêm bớt. Nếu nói "Tri" thì là thêm, nói "Vô Tri" thì là bớt, vì Tri và Vô-tri là có năng sở đối đãi, thuộc về pháp sanh diệt, chẳng phải Tự-tánh vốn tịch diệt.
Tâm của Bồ-tát như hư-không, tất cả đều xả, làm nhiều phước đức đều chẳng tham nhiễm. Nhưng xả có ba bậc; thân tâm trong ngoài tất cả đều xả cũng như hư-không, không có lấy bỏ, rồi tùy nghi ứng vật, năng-sở đều quên, ấy là đại xả; nếu một bên vừa hành đạo bố đức, một bên vừa xả, chẳng có tâm hy vọng gì, ấy là trung xả; nếu rộng tu phước thiện, có sở hy vọng, nghe pháp biết vạn vật tánh không mới chẳng chấp trước, ấy là tiểu xả. Đại xả như đèn đuốc ở trước chẳng còn mê ngộ, trung xả như đèn đuốc ở một bên hoặc sáng hoặc tối, tiểu xả như đèn đuốc ở phía sau chẳng thấy hầm hố. Tâm Bồ-tát như hư-không là tất cả đều xả. Tâm quá khứ bất khả đắc thì quá khứ xả, tâm hiện tại bất khả đắc thì hiện tại xả, tâm vị lai bất khả đắc thì vị lai xả, nên nói tam Thế đều xả.
Từ hồi Như-lai phó Pháp cho Ca-diếp, lấy Tâm ấn Tâm, tâm tâm chẳng khác. Nếu ấn nơi không thì ấn chẳng thành văn, nếu ấn nơi vật thì ấn chẳng thành pháp, nên dùng Tâm ấn Tâm, tâm tâm chẳng khác. Năng ấn sở ấn đều khó khế hội nên kẻ đắc rất ít. Nhưng Tâm tức là vô tâm, đắc tức là vô đắc.
Phật có Tam-thân : Pháp-thân nói về pháp hư-thông (trống rỗng thông đạt) của Tự-tánh, Báo-thân nói về tất cả pháp thanh tịnh, Hóa-thân nói về pháp Lục-độ vạn hạnh. Pháp-thân thuyết Pháp chẳng thể dùng ngôn ngữ, âm thanh, văn tự, hình tướng để cầu, vô sở thuyết vô sở chứng, tự tánh hư-thông mà thôi, nên nói : "Vô pháp khả thuyết gọi là thuyết Pháp". Báo-thân, Hóa-thân đều tùy cơ cảm ứng mà hiện, pháp sở thuyết cũng tùy theo căn cơ để giáo hóa chúng sanh, đều chẳng phải Chân-pháp nên nói : "Báo, Hóa chẳng phải Chân-phật, cũng chẳng phải kẻ thuyết Pháp".
Hỏi : Bổn lai vô nhất vật, vậy vô vật là đúng chăng ?
Đáp : Vô cũng chẳng đúng. Bồ-đề chẳng có chỗ đúng cũng chẳng phải vô tri giải.
Hỏi : Như hư-không trước mắt đây là cảnh chăng ? Há chẳng phải đối cảnh thấy Tâm ư ?
Đáp : Tâm nào cho ngươi hướng trên cảnh để thấy ? Dẫu ngươi thấy được chỉ là cái tâm soi cảnh, như người lấy gương soi mặt, dẫu cho được thấy mặt mày rõ ràng chẳng qua chỉ là bóng tượng, đâu có dính dáng với ngươi.
Hỏi : Nếu chẳng nhờ nhân mà chiếu soi thì lúc nào mới được thấy ?
Đáp : Nếu nói nhờ nhân thì phải nhờ vật, vậy đến lúc nào mới hết ? Ngươi há chẳng nghe Cổ-đức nói : "Đưa tay trình ông chẳng một vật. Đâu cần lao nhọc thuyết ngàn lối" hay sao ?
Hỏi : Nếu biết rồi thì chiếu soi cũng vô vật chăng ?
Đáp : Nếu là vô vật thì đâu cần chiếu soi. Ngươi chớ nên mở mắt mà nói sàm. Nếu sanh kiến-giải cho là Phật thì bị Phật chướng, cho là chúng sanh thì bị chúng sanh chướng, cho là phàm là Thánh, là tịnh là uế, đều thành chướng cả. Vì chướng tâm ngươi nên thành luân chuyển.
Mười phương chư Phật thật ra chẳng có một chút pháp để đắc, gọi là Vô-thượng Bồ-đề. Ấy chỉ là một Tâm, thật chẳng tướng khác. Chẳng có thắng bại đối đãi, chẳng thắng nên chẳng có tướng Phật, chẳng bại nên chẳng có tướng chúng sanh.
Hỏi : Tâm đã vô tướng há chẳng có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để độ chúng sanh ư ?
Đáp : Ba mươi hai tướng thuộc về tướng, "Phàm có tướng đều là hư vọng". Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, "Nếu dùng sắc thấy ta, người ấy hành đạo tà, chẳng thể thấy Như-lai".
Hỏi : Vô biên thân Bồ-tát tại sao chẳng thấy đảnh tướng của Như-lai ?
Đáp : Thực chẳng có gì để thấy. Tại sao ? Vì 'Vô biên thân Bồ-tát' tức là Như-lai. Chỉ bảo ngươi chẳng cho là Phật-kiến thì chẳng lọt vào Phật-biên, chẳng cho là chúng sanh kiến thì chẳng lọt vào chúng sanh biên, chẳng cho là hữu kiến thì chẳng lọt vào hữu biên, chẳng cho là vô kiến thì chẳng lọt vào vô biên, chẳng cho là phàm kiến thì chẳng lọt vào phàm biên, chẳng cho là Thánh-kiến thì chẳng lọt vào Thánh-biên. Hễ dứt sạch tất cả tri kiến tức là vô biên thân vậy. Nếu có chỗ kiến tức là Ngoại-đạo vì Ngoại-đạo ham thích tri kiến. Bồ-tát ở nơi tri kiến mà chẳng động.
Như-lai tức là các pháp như nghĩa, cho nên nói Di-lặc cũng là Như, Thánh-hiền cũng là như, như tức vô sanh, như tức vô diệt, như tức vô kiến, như tức vô văn. Đảnh tướng của Như-lai tức là viên-kiến, cũng chẳng thật có viên-kiến nên chẳng lọt viên biên, nên nói : "Thân Phật vô-vi, chẳng đọa số lượng", tạm dùng hư-không để thí dụ : "Viên (tròn) đồng Thái-hư chẳng thiếu chẳng dư". Hàng ngày vô-sự, đối cảnh chớ nên phân biệt. Phân biệt liền lọt vào ý thức, trôi lăn trên biển ý thức thì chẳng thể chứng ngộ.
Người học Đạo chớ chấp tứ Đại làm thân, tứ Đại vô ngã, ngã cũng vô chủ, phải biết thân này vô ngã cũng vô chủ. Người học Đạo chớ chấp ngũ Uẩn làm tâm. Ngủ Uẩn vô ngã cũng vô chủ. Phải biết Tâm này vô ngã cũng vô chủ. Lục Căn, lục Trần, lục Thức hòa hợp sanh diệt nghĩa cũng như thế. Vậy thập bát Giới đã không thì tất cả đều không, chỉ có Bản-tâm trong sạch khắp nơi.
Người học Bát-nhã chẳng thấy có một pháp để đắc. Chân thật duy nhất của Tam-thừa chẳng thể chứng đắc. Nếu nói ta năng chứng năng đắc đều là kẻ Tăng-thượng-mạn. Trên hội Pháp Hoa quay đầu bỏ đi đều là bọn này vậy. Nên Phật nói : "Ta ở nơi Bồ-đề thực vô-sở-đắc, mặc khế mà thôi".
Con người khi lâm chung hễ quán được ngũ Uẩn giai không, tứ Đại vô ngã, Chân-tâm vô thường, bất khứ bất lai, khi sanh tánh cũng chẳng đến, khi chết tánh cũng chẳng đi, trạm nhiên viên tịch, tâm cảnh nhất như, hễ được như thế ngay đó đốn ngộ, thì chẳng bị tam thế trói buộc, tức là người xuất thế gian vậy. Cần thiết là chớ nên có một hào ly xu hướng cũng như thấy tướng thiện, chư Phật đến rước và nhiều cảnh đẹp hiện tiền, cũng chẳng có ý đi theo, hoặc thấy những tướng hung ác cũng chẳng sanh tâm khiếp sợ. Hễ tự quên tâm, đồng nơi Pháp-giới, thì được tự tại, đây tức là tâm yếu.
Chỉ cần ngay đó đốn ngộ tự tâm vốn là Phật, chẳng có một pháp để đắc, chẳng có một hạnh để tu, ấy là Vô-Thượng-Đạo.
Hỏi : Kinh Lăng Nghiêm nói : "Tiêu điên đảo tưởng từ vô thủy, chẳng nhọc nhiều kiếp được Pháp-thân" là thế nào ?
Đáp : Nếu muốn trong ba vô số kiếp tu hành cầu chứng đắc thì dù trải qua Hằng-sa kiếp cũng chẳng đắc được. Nếu nói trong một sát-na kiến tánh chứng đắc Pháp-thân cũng chỉ là lời nói cao tột của Tam-thừa. Tại sao vậy ? Vì thấy có Pháp-thân để chứng đắc đều thuộc về pháp bất liễu nghĩa. Thiền-tông này truyền thừa từ xưa đến nay chưa từng bảo người cầu tri cầu giải. Nói hai chữ học Đạo chỉ là lời phương tiện tiếp dẫn, thực ra Đạo cũng chẳng thể học. Nếu còn ôm cái kiến giải học Đạo lại thành mê đạo. Đạo chẳng phương-sở gọi là tâm Đại-thừa. Tâm này chẳng ở trong, ngoài và chính giữa vì thực chẳng phương-sở, nên chẳng thể chấp thành tri giải. Tri giải là chỗ tình-lượng của ngươi. Nếu tình-lượng đã sạch, Tâm chẳng phương sở thì Đạo này thiên chân vốn chẳng danh tự.
Hỏi : Cổ-đức nói : "Tức-tâm là Phật", chưa rõ Tâm nào là Phật ?
Đáp : Ông có mấy cái Tâm ?
Hỏi : Tâm phàm là Phật hay tâm Thánh là Phật ?
Đáp : Ông thấy chỗ nào có tâm phàm Thánh ư ?
Hỏi : Trong Tam-thừa nói có phàm Thánh, tại sao Hòa-thượng lại nói không ?
Đáp : Trong Tam-thừa nói rõ ràng tâm phàm Thánh là vọng, nay ông chẳng hiểu lại chấp thành có, chấp vọng là thật, há chẳng phải vọng ư ? Vì vọng nên mê Tâm. Ông hễ trừ bỏ Thánh cảnh phàm tình thì ngoài Tâm đâu còn Phật nào khác. Tổ-sư từ Ấn-độ đến chỉ thẳng tất cả mọi người đều là Phật. Nay ông chẳng biết, chấp phàm chấp Thánh, đuổi theo cảnh bên ngoài, lại mê tự Tâm, nên Tổ-sư nói với ông "Tức-tâm là Phật".
Sanh một niệm chấp thật liền đọa luân hồi. Pháp từ vô thủy chẳng khác hôm nay, vì chẳng có pháp khác biệt, nên gọi thành Đẳng Chánh Giác.
Hỏi : Lời nói của Hòa-thượng là nghĩa lý gì ?
Đáp : Còn tìm nghĩa lý gì ? Hễ có nghĩa lý liền thành khác biệt.
Hỏi : Nãy nói Pháp từ vô-thủy chẳng khác ngày nay, lý này thế nào ?
Đáp : Vì muốn tìm nghĩa lý mới thành khác biệt. Ông nếu chẳng tìm thì chỗ nào có khác.
Hỏi : Đã là chẳng khác, sao còn nói "Tức-tâm là Phật".
Đáp : Nếu ông chẳng chấp phàm Thánh còn ai nói "tức" Tâm. Tức nếu chẳng tức, Tâm cũng chẳng Tâm. Nếu Tâm với tức cùng quên thì ông còn muốn tìm ở nơi nào.
Hỏi : Vọng hay chướng Tự-tâm, nay chưa rõ dùng cách nào để trừ vọng ?
Đáp : Khởi tâm trừ vọng cũng thành vọng. Vọng vốn chẳng gốc, chỉ vì phân biệt mới có. Ông hễ ở nơi hai chỗ phàm Thánh tình-chấp tẩy sạch tự nhiên chẳng vọng. Vậy còn muốn trừ nó để làm gì ?
Nói tóm lại chẳng có chút gì để dựa, để chấp, gọi là ta xả bỏ hai tay (pháp tương đối), ắt sẽ đắc Phật.
Hỏi : Đã chẳng có chỗ dựa, chỗ chấp, thì Tổ Tổ làm sao truyền-thừa nhau ?
Đáp : Dùng Tâm truyền Tâm.
Hỏi : Nếu có Tâm truyền nhau sao lại nói Tâm cũng không ?
Đáp : Chẳng đắc một pháp gọi là truyền Tâm. Nếu liễu ngộ Tâm này tức là vô tâm vô pháp.
Hỏi : Nếu vô Tâm vô pháp sao gọi là truyền ?
Đáp : Ông nghe nói truyền Tâm tưởng là có pháp để đắc sao ?
Tổ-sư nói :
Khi nhận được Tâm-tánh,
Nên nói bất tư nghì.
Liễu-liễu vô-sở-đắc,
Khi đắc chẳng nói "Tri".
Việc này làm sao bảo cho ông hiểu được ?!
Hỏi : Phật độ chúng sanh chăng ?
Đáp : Thực chẳng chúng sanh cho Như-lai độ. Ngã còn bất khả đắc, phi ngã làm sao đắc. Phật với chúng sanh đều bất khả đắc.
Hỏi : Hiện có ba mươi hai tướng tốt và độ chúng sanh sao lại nói không ?
Đáp : Phàm có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy chư tướng phi tướng tức thấy Như-lai.
Hỏi : Hòa-thượng hiện đang thuyết Pháp đâu thể nói vô Tăng cũng vô pháp ?
Đáp : Ông nếu thấy có pháp để thuyết tức là dùng âm thanh cầu ta. Nếu thấy có ta tức là có xứ sở. Thật thì Pháp vốn vô pháp, pháp tức là Tâm, nên Tổ-sư nói :
Phó chúc Tâm-pháp này,
Pháp-pháp đâu là pháp.
Vô pháp vô Bản-tâm,
Mới rõ Tâm-tâm-pháp.
Thật chẳng một pháp để đắc gọi là tọa đạo-tràng. Nói Đạo-tràng chỉ là chẳng sanh khởi kiến-chấp. Ngộ pháp vốn không gọi là Không Như-lai-tạng.
Xưa nay chẳng một vật
Nơi nào có bụi trần
Nếu thấu rõ ý này
Tự tại chẳng gì bằng.
Hỏi : Chư Phật đại từ bi vì chúng sanh thuyết Pháp là thế nào ?
Đáp : Nói Phật đại từ bi là : Chẳng thấy có Phật để thành, gọi là Vô-duyên-từ, chẳng thấy có chúng sanh để độ, gọi là Đồng-thể-bi. Pháp của Phật thuyết vô thuyết vô thị (khai-thị), kẻ nghe thuyết Pháp vô văn vô đắc. Ví như người huyễn thuyết Pháp cho người huyễn, vậy thì có pháp gì để thuyết, ai thuyết, ai nghe ?
Ta nghe Thiện-tri-thức khai-thị, ngay đó ngộ được Tâm-từ-bi này. Nếu ông khởi tâm động niệm muốn học kiến-giải ấy là chẳng ngộ Tự-tâm, rốt cuộc vô ích.
Hỏi : Thế nào là ra khỏi Tam-giới ?
Đáp : Thiện ác đều chẳng suy lường, ngay đó liền ra khỏi Tam-giới. Như-lai ra đời vì phá Tam-giới. Nếu chẳng tất cả tâm, Tam-giới cũng chẳng có. Ví như một vi trần đập phá thành trăm phần, chín mươi chín phần là không, một phần là có, thế thì Đại-thừa cũng chưa thể siêu thoát. Cả trăm phần đều không, Đại-thừa mới có thể siêu thoát.
Tổ-sư trực chỉ Bản-tâm bản thể của tất cả chúng sanh vốn là Phật, chẳng nhờ tu thành, chẳng thuộc thứ lớp, chẳng phải minh ám. Vì chẳng phải minh nên nói vô minh, vì chẳng phải ám nên nói vô ám, cho nên Kinh nói "Vô vô minh diệt vô vô minh tận" là vậy. Người vào cửa Thiền-tông ta cần nên để ý. Thấy được như thế gọi là thấy Pháp. Vì thấy Pháp nên gọi là Phật. Phật với Pháp đều không, nên gọi là Tăng, cũng gọi Vô-vi Tăng, cũng gọi Nhất-thể Tam-bảo.
Kẻ cầu pháp chẳng chấp cầu Phật, chẳng chấp cầu pháp, chẳng chấp cầu Tăng, ưng vô-sở-cầu. Vì chẳng chấp cầu Phật nên vô Phật, chẳng chấp cầu Pháp nên vô Pháp, chẳng chấp cầu Tăng nên vô Tăng.
Hỏi : Thế nào là Đạo, thế nào là tu hành ?
Đáp : Đạo là vật gì mà ông muốn tu hành ?
Hỏi : Những Tông-sư ở các nơi kế tiếp nhau dạy tham-thiền học Đạo là thế nào ?
Đáp : Ấy là lời tiếp dẫn người hạ-căn, không thể lấy làm căn cứ.
Hỏi : Đây là lời tiếp dẫn người hạ-căn. Vậy chưa rõ tiếp người Thượng-căn là thuyết Pháp nào ?
Đáp : Nếu là người Thượng-căn thì đâu còn muốn tìm của người khác. Họ tự mình còn bất khả đắc huống là còn có pháp nào để dính mắc họ.
Hỏi : Nếu như thế thì chẳng cần tìm cầu ?
Đáp : Nếu được vậy thì khỏi phí sức.
Hỏi : Như thế tức là trọn thành đoạn tuyệt, tất cả đều "vô" ư ?
Đáp : Ai bảo nó "vô". Nó là ai mà ông muốn tìm nó ?
Hỏi : Đã không cho tìm tại sao còn nói chớ đoạn dứt nó ?
Đáp : Nếu chẳng tìm thì xong rồi, còn ai bảo ông đoạn dứt. Ông thấy hư-không trước mắt làm sao đọan dứt được ?.
Hỏi : Pháp này có thể đồng như hư-không chăng ?
Đáp : Hư-không lúc nào nói với ông có đồng có khác ? Ta tạm nói như thế, ông liền hướng vào đây sanh kiến-giải.
Hỏi : Vậy không nên cho người sanh kiến-giải ư ?
Đáp : Ta đâu từng chướng ngại ông. Ông phải biết kiến-giải thuộc về tình-thức, tình sanh thì Trí bị ngăn cách.
Hỏi : Hướng vào đây chớ sanh tình phải chăng ?
Đáp : Nếu chẳng sanh tình còn ai nói phải ?
Hỏi : Lục Tổ không biết đọc Kinh-sách sao lại được truyền Y làm Tổ. Thần Tú là Thủ-tọa, làm Giáo-thọ cho cả Chúng, giảng được tất cả Kinh-luận, sao lại chẳng được truyền Y ?
Đáp : Vì Thần Tú có tâm chấp thật, đó là pháp hữu-vi, cho là thật có sở tu sở chứng. Còn Lục Tổ chỉ là mặc-khế, mặc thọ ý thâm sâu của Như-lai, cho nên được Ngũ Tổ phó Pháp.
Ông phải biết bài Kệ truyền Pháp của Phật rằng :
Bản-pháp vốn vô pháp,
Vô pháp cũng là Pháp.
Nay phó chúc vô pháp,
Pháp-pháp đâu là Pháp ?.
Nếu ngộ ý này mới gọi là kẻ xuất gia, mới là kẻ tu hành. Ông nếu chẳng tin hãy xem việc Thượng-tọa Minh đuổi theo Lục Tổ để đoạt Y&Bát.
Lục Tổ hỏi : " Ngươi vì Y đến hay vì Pháp đến ?"
Minh nói : "Chẳng vì Y đến, chỉ vì Pháp đến". Lục Tổ nói : Ngươi tạm nhiếp niệm, thiện ác đều chớ suy nghĩ.
Minh vâng lời. Lục Tổ hỏi liền : Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, ngay khi ấy thế nào là bổn lai diện mục của Thượng-tọa Minh ?
Minh ngay đó hoát nhiên mặc-khế, liền lễ bái rằng : Minh ở trong Thiền-hội Ngũ Tổ oan uổng dụng công ba mươi năm, hôm nay mới biết trước kia là sai.
Lục Tổ nói : Đúng thế !
Khi ấy Minh mới biết "Tổ-sư trực chỉ Nhân-tâm Kiến-tánh thành Phật", chẳng ở nơi ngôn thuyết. Cũng như A-nan ba mươi năm làm Thị-giả của Phật, chỉ vì trí huệ đa văn, lại bị Phật quở rằng : "Ngươi ngàn ngày học Huệ chẳng bằng một ngày tu Đạo. Nếu chẳng tu Đạo, giọt nước cũng khó tiêu".
Hỏi : Bậc Thánh vô-tâm tức là Phật, phàm phu vô-tâm lại chìm nơi không tịch chăng ?
Đáp : Pháp chẳng Thánh-phàm, cũng chẳng không tịch. Pháp vốn chẳng hữu chớ cho là vô, pháp vốn chẳng vô chớ cho là hữu, vì hữu với vô đều là tình chấp, cũng như huyễn hóa, nên Kinh nói : "Kiến văn như huyễn hóa, tri giác là chúng sanh". Trong cửa Tổ-sư chỉ cần ngưng cơ xảo, quên kiến-giải, nên nói : "Phân biệt thì Ma-vương thịnh, quên cơ thì Phật-đạo thành".
Hỏi : Tâm đã vốn là Phật còn tu Lục-độ vạn hạnh chăng ?
Đáp : Ngộ ở nơi Tâm, chẳng dính dáng với Lục-độ vạn hạnh. Lục-độ vạn hạnh thuộc bên việc giáo hóa độ sinh. Những danh từ như Bồ-đề, Chân-như, Thực-tướng, Giải-thoát, Pháp-thân, cho đến Thập-địa, Tứ-quả, Thánh-vị... đều thuộc về phần hóa độ, chẳng phải Tâm-phật. Tâm tức là Phật nên trong tất cả các môn hóa độ thì Phật là bậc nhất. Nếu chẳng có những việc sanh tử, phiền não... thì chẳng cần những pháp Bồ-đề, Giải-thoát.
Hỏi : Nếu vô-tâm hành Đạo này được chăng ?
Đáp : Vô-tâm là đã hành Đạo này rồi, còn nói chi được hay không được ? Lại bỗng khởi nhất niệm liền thành cảnh, nếu vô nhất niệm tức là : Cảnh mất tâm tự diệt, Còn gì để truy tìm.
Hỏi : Thế nào thì được chẳng lọt giai cấp ?
Đáp : Suốt ngày ăn cơm chưa cắn một hạt gạo, suốt ngày đi đường chưa đạp một tấc đất, suốt ngày chẳng lìa tất cả việc mà chẳng bị các cảnh mê hoặc, lại thời thời niệm niệm chẳng chấp tất cả tướng, chẳng chấp không-gian thời-gian, quá khứ chẳng đi, hiện tại chẳng trụ, vị lai chẳng đến, như-như bất động an nhiên tự tại, đang khi ấy vô các tướng nhân ngã, như thế mới gọi là người tự tại giải thoát. Nỗ lực ! Nỗ lực !
Trong cửa này muôn ngàn người chỉ được năm ba người. Nếu không nỗ lực công phu thì có ngày phải chịu tai họa.
Nên nói : Nỗ lực liễu ngộ ngay kiếp này, khỏi chịu tai ương nhiều kiếp sau.
Hỏi : Vốn đã là Phật sao lại còn có Tứ-sinh Lục-đạo mỗi mỗi hình dạng chẳng đồng ?
Đáp : Chư Phật bản thể viên tròn, chẳng thể tăng giảm, chảy vào Lục-đạo mỗi mỗi đều tròn, ở trong muôn loài mọi mọi là Phật. Ví như một giọt Thủy-ngân phân tán nhiều nơi mỗi mỗi đều tròn, nếu chẳng phân tán chỉ là một khối. Một này là tất cả, tất cả là một. Mỗi mỗi hình dạng dụ như nhà cửa, bỏ nhà thú vào nhà người, bỏ thân người sang thân Trời, cho đến những nhà cửa Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát với Phật, đều tại ông có lấy có bỏ nên mới có khác, bản nguyên Tự-tánh đâu thể có khác ?.
Niên hiệu Đại Trung, triều Đường, Ngài viên tịch nơi bổn sơn (núi Hoàng Bá), được Vua sắc phong là Đoạn Tế Thiền-sư./.