Ôi ‘sanh tử’, hai từ này diễn tả thuộc tính của vũ trụ vạn vật không gian và thời gian (tất cả pháp)... Triết học Đông-phương gọi là ‘dịch’, Tây-phương gọi là ‘vận động’, người Ấn gọi là ‘luân hồi’, ‘vô thường’, ‘nhân quả’. Vật lý học thì gọi là ‘tuần hoàn’… Thời gian mà một quá trình tuần hoàn diễn ra gọi là ‘chu kỳ’ (kiếp).
Theo nhà Phật-học thì sanh tử gồm hai phần : ‘phần đoạn sanh tử’ và ‘biến dịch sanh tử’.
- Phần đoạn sanh tử chỉ cho sự vận động của cảnh giới ‘nhất niệm vô minh’(hạt) bao gồm thân, tâm và thế giới (sắc, thọ, tưởng)_ Tướng.
- Biến dịch sanh tử chỉ cho cảnh giới ‘vô thủy vô minh’(trường) bao gồm sự tương tác giữa các trường sinh học…(hành, thức)_ Vô tướng (nghiệp lực).
Để cho dễ hiểu chúng ta có thể lấy nước trong đại dương làm ví dụ : Sự sanh diệt của các cơn sóng trên bề mặt gọi là phần đoạn sanh tử, còn dòng hải lưu chảy âm thầm bên dưới thì gọi là biến dịch sanh tử (dòng bộc lưu hay cuốn trôi Hương-tượng) vậy.
Nay chúng ta tham-thiền là để giải quyết hai thứ sanh tử này.