52. Tâm Chú
- A-nan ! Ngươi hỏi cách nhiếp tâm, trước Ta đã nói về Pháp-môn vi diệu, tu tập Tam-ma-địa. Người cầu đạo Bồ-đề trước tiên phải giữ bốn thứ Luật-nghi kể trên, trong sáng như băng tuyết để làm căn bản, tự nhiên chẳng sanh tất cả nhánh lá; nhờ đó, ba ý nghiệp và bốn khẩu nghiệp ắt chẳng có nhân để sanh khởi. A-nan, nếu giữ kỹ bốn Giới chẳng bỏ sót, tâm còn chẳng duyên theo Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, thì tất cả Ma-sự làm sao còn sanh khởi được ?
- Nếu có tập khí xưa chẳng thể diệt trừ, ngươi dạy người ấy nhất tâm tụng trì "Phật Đảnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La (thuần trắng chẳng ô nhiễm) Vô Thượng Thần Chú" của Ta, ấy là cái Tâm-chú do Vô Kiến Đảnh Tướng Như-lai, từ nơi đảnh đầu hiện ra Vô Vi Tâm Phật, ngồi trên bửu liên hoa mà thuyết.
- Ngươi và Ma-đăng-già, do tập khí ân ái từ nhiều kiếp, Ta vừa tuyên thuyết Thần-chú, liền khiến Ma-đăng-già thoát hẳn lòng yêu, đắc quả A-la-hán. Nàng kia là dâm nữ, chẳng có tâm tu hành, nhờ thần lực thầm giúp, được mau chứng vô học, huống là hàng Thanh-văn các ngươi trong Hội, cầu Tối-thượng-thừa, nhất định thành Phật, cũng như bụi bay theo chiều gió, đâu có ngăn ngại gì ?
- Nếu người đời Mạt-pháp muốn ngồi Đạo-tràng, trước tiên phải giữ Giới cấm trong sạch của Tỳ-kheo, cần phải lựa chọn vị Sa-môn giữ Giới trong sạch bậc nhất để làm thầy mình, nếu chẳng gặp vị Tăng thật trong sạch, thì Giới-luật của người ấy ắt chẳng thành tựu.
- Khi Giới đã thành tựu, nên mặc y áo sạch sẽ, đốt hương an cư, tụng 108 biến Thần-chú do tâm Phật sở thuyết, rồi kết Giới dựng lập Đạo-tràng, cầu xin Vô Thượng Như-lai hiện ở các Quốc-độ mười phương, phóng hào quang đại bi đến chiếu soi đảnh đầu mình.
- A-nan ! Trong đời Mạt-pháp, những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Bạch-y, Đàn-việt, tâm diệt tham dâm, giữ Giới trong sạch, phát nguyện Bồ-tát, khi ra vào nơi Đạo-tràng, đều tắm rửa sạch sẽ, sáu thời hành Đạo chẳng ngủ, đến 21 ngày, Ta tự hiện thân trước người ấy, xoa đảnh an ủi, khiến được khai ngộ.
A-nan bạch Phật :
- Con nhờ lời từ bi dạy bảo vô thượng của Như-lai, tâm đã khai ngộ, tự biết con đường tu chứng thành đạo vô học. Nhưng người tu hành đời Mạt-pháp muốn lập Đạo-tràng, cần kết Giới thế nào, cho hợp với quy tắc trong sạch của chư Phật ?
Phật bảo A-nan :
- Nếu người đời Mạt-pháp muốn lập Đạo-tràng, trước tiên phải lấy phân nhuyễn mịn của loài trâu trắng ở Tuyết Sơn, hòa với đất vàng và mười thứ thảo mộc thơm như Chiên-đàn, trầm hương v.v... để làm nền Đạo-tràng; nơi đất bằng đào sâu 5 thước, xây Đàn hình bát giác, chu vi rộng 16 thước, chính giữa Đàn chưng một hoa sen bằng kim loại trong hoa sen để một bát đựng nước sương mù tháng tám, trong nước để nhiều lá sen; chung quanh bát sen đặt 8 cái gương tròn nơi 8 góc, bên ngoài gương đựng l6 bông sen, xen với l6 lư hương, trong lư đốt bột trầm hương và dùng các thứ đồ ăn quý làm bánh sữa, đựng 16 chén để cúng dường chư Phật và Đại Bồ-tát. Trước Đàn để một lư than nhỏ, đến mỗi bữa ăn hoặc nửa đêm, dùng mật ong và tô lạc đổ vào lư than, đốt lên cúng dường Phật Bồ-tát.
- Bốn phía bên ngoài treo phướn hoa, bốn vách trong đàn treo hình tượng của Chư Phật Bồ-tát, hai bên cửa treo tượng Hộ Pháp Long Thiên, lại lấy 8 cái gương treo úp hư không, chiếu thẳng vào 8 gương tròn trong Đàn, khiến thành hình bóng nhiều lớp xen nhau, trùng trùng vô tận.
- Trong thất đầu, chí thành đảnh lễ chư Phật Đại Bồ-tát và A-la-hán, sáu thời nhiễu đàn tụng Chú, chí tâm hành đạo; thất thứ hai, chuyên tâm phát nguyện Bồ-tát chẳng gián đoạn; thất thứ ba, mười hai thời luôn luôn trì Chú, đến ngày thứ bảy, mười phương Như-lai cùng hiện trong ánh sáng gương, được Phật xoa đầu, liền nơi Đạo-tràng vào Tam-ma-địa. Người đời Mạt-pháp tu học như thế, thì được thân tâm sáng tỏ, trong sạch như lưu ly, A-nan, nếu Bổn-sư truyền Giới của Tỳ-kheo này và mười Tỳ-kheo đồng tu trong Đàn, trong đó có một người giữ Giới chẳng được trong sạch thì Đạo-tràng này chẳng thể thành tựu.
- Sau thất thứ ba, tĩnh tọa an cư trải qua 100 ngày, nếu người lợi căn, có thể ngay đó chứng sơ quả, dẫu cho thân tâm chưa thành chánh quả, nhưng được tự biết nhất định sẽ thành Phật chẳng sai. Ngươi hỏi cách kiến lập Đạo-tràng là như thế.
A-nan đảnh lễ chân Phật và bạch rằng :
- Từ khi xuất gia, con ỷ lại nơi lòng thương của Phật, ham cầu đa văn, chưa chứng quả Vô-vi, nên bị kẹt vào Tà-thuật của Phạn Thiên, tâm dù rõ ràng, nhưng sức chẳng tự do, nhờ gặp Văn-thù, khiến con được giải thoát. Dù thầm nhờ sức Thần-chú của Như-lai, nhưng còn chưa nghe Chú ấy, xin nguyện Đức Thế Tôn Đại Từ tuyên thuyết lại cho, thương xót cứu giúp các hàng tu hành trong Hội này và những người đời sau còn trong luân hồi, nhờ Mật-âm của Phật mà thân tâm được giải thoát. Bấy giờ, Đại Chúng trong Hội thảy đều đảnh lễ, chờ nghe Thần-chú bí mật của Phật.
Khi ấy, Thế Tôn từ nơi nhục kế phóng ra trăm thứ hào quang, trong hào quang hiện ra bửu liên hoa ngàn cánh có Hóa-thân Phật ngồi trong liên hoa, trên đảnh phóng ra mười tia ánh sáng, trong mỗi tia đều hiện ra mười Hằng-sa Hộ Pháp Kim Cang, đội núi, cầm chày, khắp cõi hư không. Đại Chúng ngó thấy đều kính mến, cầu Phật gia hộ, một lòng nghe Phóng Quang Như-lai nơi Vô Kiến Đảnh Tướng của Phật tuyên thuyết Thần-chú.
CHÚ LĂNG NGHIÊM (lược qua)
- A-nan ! Những câu vi diệu, bí mật của "Phật Đảnh Quang Tụ, thuần trắng chẳng ô nhiễm" này, sanh ra tất cả chư Phật :
- Mười phương Như-lai do Tâm-chú này, được thành Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác.
- Mười phương Như-lai trì Tâm-chú này, uốn dẹp Tà-ma, chế phục Ngoại-đạo.
- Mười phương Như-lai vận Tâm-chú này, ngồi bửu liên hoa, ứng hiện trong vô số Quốc-độ.
- Mười phương Như-lai dùng Tâm-chú này, nơi vô số Quốc-độ, chuyển đại Pháp-luân.
- Mười phương Như-lai trì Tâm-chú này, hay ở nơi mười phương xoa đảnh thọ ký cho hàng Bồ-tát, Thanh-văn, cho đến người chưa chứng quả vị.
- Mười phương Như-lai nương Tâm-chú này, hay ở nơi mười phương cứu vớt các khổ như : Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sinh, đui, điếc, ngọng, câm và bát khổ, những tai nạn lớn nhỏ đồng thời được giải thoát; các nạn : Giặc, binh, Vua, ngục, bão, lụt, lửa, nước cho đến đói khát nghèo nàn, ngay đó tiêu tan.
- Mười phương Như-lai tùy theo Tâm-chú này, hay ở nơi mười phương phụng sự Thiện-tri-thức, trong tứ oai nghi được cúng dường như ý; nơi Pháp-hội của Hằng-sa Như-lai, được suy tôn là Đại Pháp-vương-tử.
- Mười phương Như-lai hành theo Tâm-chú này, hay ở nơi mười phương nhiếp thọ người có nhân duyên, khiến hàng Tiểu-thừa nghe Tạng bí mật, chẳng sanh kinh sợ.
- Mười phương Như-lai tụng Tâm-chú này, thành Vô-thượng-giác, ngồi dưới cây Bồ-đề vào Đại Niết-bàn.
- Mười phương Như-lai truyền Tâm-chú này, sau khi diệt độ, phó chúc Phật-pháp, trụ trì cứu cánh, nghiêm tịnh Giới-luật, thảy đều trong sạch.
- Như Ta thuyết Chú "Phật Đảnh Quang tụ chẳng ô nhiễm" này, từ sáng đến tối chẳng dứt tiếng, trong đó những chữ và câu cũng chẳng trùng điệp, nếu từ đây ngộ nhập, mới biết tất cả hữu tình vô tình cũng thường thuyết Chú này, nên gọi "Đảnh Như-lai" vậy.
- Hàng hữu học các ngươi chưa ra khỏi luân hồi phát tâm chí thành tu chứng quả A-la-hán, nếu chẳng trì Chú này mà ngồi đạo tràng, muốn khiến thân tâm xa lìa các Ma-sự thì chẳng có chỗ đúng.
- A-nan ! Nếu có chúng sanh trong các thế giới, tùy theo vật dụng trong đất nước, hoặc lá, giấy, vải trắng để biên chép Chú này, đựng trong túi nhỏ, nếu người ấy ngu muội chẳng thể tụng nhớ thì đeo trên mình, hoặc để trong nhà, nên biết người ấy trọn đời chẳng bị các thứ độc hại.
- A-nan ! Nay Ta vì ngươi thuyết Chú này, cứu giúp thế gian được đại vô úy, thành tựu trí xuất thế gian cho chúng sanh.
- Sau khi Ta diệt độ, chúng sanh trong đời Mạt-pháp, có người biết tự trì tụng, hoặc dạy người khác trì tụng Chú này, nên biết những chúng sanh trì tụng như thế, lửa chẳng thể đốt, nước chẳng thể chìm, độc chẳng thể hại, cho đến tất cả ác Chú của các Thiên Long, quỷ thần, yêu tinh, ma mị đều chẳng thể dính mắc, tâm được chánh thọ, tất cả bùa Chú, yểm cổ, kim ngân độc dược, cỏ, cây, sâu, rắn, độc khí muôn loài, vào miệng người ấy đều thành cam lồ. Tất cả ác tinh, quỷ thần, dù có độc tâm hại người, đối với người ấy cũng chẳng thể khởi ác; các ác Quỷ-vương Tần-na, Dạ-ca (đầu heo mũi voi) cùng các quyến thuộc, đều thọ ơn Phật, thường gia hộ người ấy.
- A-nan nên biết ! Chú này thường có tám vạn bốn ngàn vô số chủng tộc Bồ-tát Kim Cang Tạng Vương, mỗi mỗi đều có quyến thuộc, ngày đêm hộ vệ. Giả sử có chúng sanh nơi tâm tán loạn, chẳng thể vào Tam-ma-địa, miệng niệm tâm trì, thì các vị Kim Cang Vương thường theo ủng hộ Thiện-nam-tử ấy, huống là người có tâm quyết định vào Đạo Bồ-đề, các vị Bồ-tát Kim Cang Tạng-vương này, khiến người ấy phát ra thần thức, thân tâm tinh tấn, ngay đó được nhớ lại những việc từ tám vạn bốn ngàn Hằng-sa kiếp đến nay, đều rõ ràng chẳng có nghi hoặc. Từ kiếp thứ nhất cho đến thân cuối cùng, đời đời chẳng sanh vào các loài Dược-xoa, La-sát, quỷ bệnh tật, quỷ thúi, quỷ yểm mị, quỷ hút tinh khí, cùng các loài Ngạ-quỷ có hình vô hình, có tưởng vô tưởng và những xứ ác độc.
- Thiện-tri-thức ấy, hoặc đọc tụng, biên chép, hoặc đeo giữ và cúng dường Tâm-chú này thì kiếp kiếp chẳng sanh vào những nơi nghèo nàn hèn hạ và chỗ chẳng an lành.
- Các chúng sanh này, dẫu cho tự thân chẳng làm phước nghiệp, mười phương Như-lai cũng ban công đức cho họ, do đó được trong vô số kiếp thường với chư Phật đồng sanh một chỗ, vô lượng công đức như chùm quả ác xoa, đồng một chỗ huân tu, trọn chẳng chia cách. Cho nên, Tâm-chú này hay khiến người đã phá Giới được Giới-căn trong sạch, người chưa đắc giới khiến cho đắc Giới, người chẳng tinh tấn, chẳng trí huệ, chẳng trong sạch, chẳng Trai-giới, thảy đều thành tựu.
- A-nan ! Thiện-nam-tử ấy, giả sử trước kia có phạm Giới-cấm, thì sau khi trì Chú, các tội phá Giới chẳng kể nặng nhẹ, đều được tiêu diệt, dù đã uống rượu, ăn ngũ tân, và các thứ bất tịnh, tất cả chư Phật, Bồ-tát, Kim Cang, Thiên Tiên, quỷ thần, chẳng cho là có lỗi; dù mặc y áo rách rưới, khi đi khi đứng, đồng như trong sạch; dù chẳng lập Đàn, chẳng vào Đạo-tràng, cũng chẳng hành đạo, mà trì tụng Chú này, với công đức vào Đàn hành đạo, chẳng có sai khác.
- Nếu trước kia tạo các tội nặng ngũ nghịch, vô gián, những tội Tứ-khí, Bát-khí của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni (bằng như tử hình của người đời), thì khi tụng Chú này rồi, cũng như gió mạnh thổi tan đống cát, những nghiệp nặng như vậy đều trừ sạch, chẳng còn mảy may.
- A-nan ! Nếu có chúng sanh từ vô số kiếp đến nay, có tất cả những tội chướng nặng nhẹ, tuy trong các đời trước chưa kịp sám hối, nay nếu biết đọc tụng, biên chép Chú này, giữ đeo trên mình hay để nơi chỗ ở, thì những nghiệp tích chứa từ trước, đều tiêu như nước sôi làm tan băng tuyết, chẳng bao lâu sẽ được Vô-sanh-nhẫn.
- Lại nữa A-nan ! Nếu có người đàn bà chưa có con, mong cầu có thai, chí tâm tưởng niệm, hoặc đeo Chú này, thì được sanh những đứa con trai gái có phước đức trí huệ, cầu sống lâu được sống lâu, cầu phước báo được phước báo, cho đến cầu thân mạng sức mạnh đều được như thế. Sau khi chết, tùy nguyện vãng sanh trong mười phương Quốc-độ, chắc chắn chẳng sanh nơi biên địa, dòng hạ tiện, huống là các tạp hình !
- A-nan ! Nếu các Quốc-độ, châu huyện, làng xóm bị nạn đói kém, ôn dịch; hoặc những nơi bị bịnh loạn, giặc cướp đánh nhau và tất cả những nơi có tai nạn khác, viết thần Chú này dán nơi bốn cửa thành và những thấp miếu hoặc trên các tràng phan, khiến chúng sanh trong nước thừa phụng Chú này, cung kính lễ bái, nhất tâm cúng dường; khiến nhân dân mỗi mỗi đeo Chú trong mình, hoặc để nơi chỗ ở, thì tất cả tai nạn thảy đều tiêu diệt.
- A-nan ! Nếu chúng sanh nơi các Quốc-độ, hễ chỗ nào có Chú này, thì Thiên Long vui mừng, mưa gió thuận thời, ngũ cốc được mùa, dân chúng an vui; những tai chướng do tất cả ác tinh biến quái ở mọi nơi, đều chẳng sanh khởi, người chẳng chết yểu, gông, cùm, xiềng, xích, chẳng dính vào mình, ngày đêm ngủ yên, thường chẳng ác mộng.
- A-nan ! Cõi Ta-bà này có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh, do 28 đại ác tinh làm thượng thủ; lại có 8 đại ác tinh làm chủ, xuất hiện trên đời với nhiều hình dạng, hay gây các tai họa kỳ lạ cho chúng sanh. Hễ có Chú này thì thảy đều tiêu diệt, trong phạm vi 12 do-tuần, các tai biến hung dữ, trọn chẳng thể xâm nhập.
- Cho nên Như-lai thuyết Chú này, bảo hộ người tu hành sơ học đời vị lai vào Tam-ma-địa, thân tâm thư thái, được đại yên ổn chẳng bị tất cả Tà-ma, Quỷ-thần và những oán thù, nghiệp cũ nợ xưa từ vô thỉ đến quấy hại.
- Ngươi và hàng hữu học trong Chúng, với người tu hành đời vị lai, y pháp trì Giới trong Đạo-tràng, được vị thầy truyền Giới trong sạch, đối với Tâm-chú này chẳng sanh nghi hoặc, thì cái thân do cha mẹ sanh của người này, nếu chẳng được tâm thông, mười phương Như-lai bèn thành vọng ngữ.
Nói xong, vô số Kim Cang đều nhất thời đảnh lễ bạch Phật :
- Như lời Phật dạy, chúng con xin thành tâm bảo hộ người tu đạo Bồ-đề.
Bấy giờ, Phạn-vương và Đế-thích, Tứ Thiên-vương cũng đồng thời đảnh lễ bạch Phật :
- Nếu có người tu học như thế, chúng con xin hết lòng bảo hộ, khiến họ suốt đời việc làm thỏa nguyện.
Còn có vô số Quỷ-vương chắp tay đảnh lễ bạch Phật :
- Chúng con cũng thệ nguyện hộ trì cho người ấy, khiến tâm Bồ-đề mau được viên mãn.
Còn có vô số Nhật Nguyệt Thiên-tử, Phong-sư, Vũ-sư, Vân-sư, Lôi-sư, cùng với Điện-sư, Tuần-quan, chư Tinh và quyến thuộc đảnh lễ bạch Phật :
- Chúng con cũng bảo hộ người tu hành ấy an lập Đạo-tràng, được vô sở úy.
Còn có vô số Sơn Thần, Hải Thần, Phong Thần, cõi Trời Vô Sắc, tất cả Tinh-kỳ trên mặt đất, dưới nước và trên không, đồng thời đảnh lễ bạch Phật :
- Chúng con cũng bảo hộ người tu hành ấy được thành Bồ-đề, trọn chẳng Ma-sự.
Khi ấy, tám vạn bốn ngàn ức Hằng-sa Bồ-tát Kim Cang Tạng-vương trong Hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật :
- Như chúng con tu thành Bồ-đề đã lâu mà chẳng thủ chứng Niết-bàn, thường theo Chú này cứu giúp những người chơn tu Tam-ma-địa trong đời Mạt-pháp. Thế Tôn, những người tu tâm cầu Chánh-định như thế, dù ở Đạo-tràng hay lúc kinh hành, cho đến lúc đi dạo chơi, con và đồ chúng thường theo hộ vệ người ấy. Dẫu cho Ma-vương, Đại Tự Tại Thiên muốn tìm cách quấy phá, trọn chẳng thể được. Các Quỷ-thần nhỏ phải cách xa người ấy ngoài mười do-tuần, chỉ trừ khi họ đã phát tâm tu thiền Chánh-pháp thì mới được gần người ấy. Thế Tôn, nếu những ác Ma hay quyến thuộc Ma, muốn đến xâm nhiễu người ấy, thì con dùng chày Kim Cang đập nát đầu họ như vi trần, khiến người ấy việc làm thỏa nguyện.
LƯỢC GIẢI
Tâm tức là Chú, Chú tức là Tâm, Tâm và Chú bất nhị, nên gọi là Tâm-chú. Người muốn nhờ thần lực của Tâm-chú, trước tiên phải giữ giới trong sạch, chẳng khởi một niệm tham cầu, tức là quên cả sự đang tụng Chú và sự nhờ cậy Chú-lực, như thế mới gọi là "tâm niệm trong sạch, thuần trắng chẳng ô nhiễm", được đến chỗ bất nhị của Tâm-chú. Lúc ấy, sự diệu dụng của Tự-tánh (Tâm-chú) tự hiện thì tất cả đều được thành tựu như lời Kinh nói; nếu chẳng làm như thế, lại có thể trở thành tai họa, vì chư Hộ-pháp Long-thiên, tánh hay kính mến người thiện và trừng phạt kẻ ác vậy.
*****
53. Đẳng Giác
A-nan liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật :
- Chúng con ngu độn, ham được đa văn, chưa cầu thoát ly nơi tâm phiền não, nhờ Phật từ bi dạy bảo, tu theo Chánh-pháp, được lợi ích lớn, thân tâm an lạc. Thế Tôn ! Nếu tu chứng pháp Tam-ma-địa, chưa đến Niết-bàn thì thế nào gọi là chỗ Càn Huệ. Nơi 44 tâm, được tu đến cấp bậc nào và đến chỗ nào mới gọi là nhập Sơ Địa ?
- Thế nào gọi là Đẳng-giác Bồ-tát ?
Nói xong, năm vóc gieo sát đất, Đại Chúng đều nhất tâm chăm chú, mong đợi Từ-âm của Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn khen A-nan rằng :
- Lành thay ! Lành thay ! Các ngươi lại biết vì cả Chúng trong Hội này và tất cả chúng sanh tu Tam-ma-địa, cầu pháp Đại-thừa trong đời Mạt-pháp, xin ta chỉ rõ lối tu vô thượng chơn chánh, từ phàm phu đến Đại Niết-bàn. Nay các ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
A-nan và Đại Chúng chắp tay lắng lòng, yên lặng thọ giáo.
Phật bảo :
- A-nan nên biết ! Diệu-tánh sáng tỏ, lìa những danh tướng, vốn chẳng có thế giới chúng sanh. Do vọng có sanh, do sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chơn, ấy tức là Vô Thượng Bồ-đề và Đại Niết-bàn, cũng là hai hiệu chuyển y của Như-lai (chuyển vọng giác thành Bồ-đề; chuyển sanh diệt thành Niết-bàn, gọi là hai hiệu chuyển y).
- A-nan ! Nay ngươi muốn tu chơn Tam-ma-địa, thẳng đến Đại Niết-bàn, trước hết phải biết hai nhân điên đảo của thế giới và chúng sanh; nếu điên đảo chẳng sanh tức là chơn Tam-ma-địa của Như-lai.
- A-nan ! Sao gọi là Chúng Sanh Điên Đảo ? Do tánh sáng tỏ nơi Tâm, vì chấp tánh sáng tỏ, nên từ sáng tỏ ấy phát ra vọng tánh; tánh vọng thì kiến chấp sanh khởi, từ bổn lai vô, thành cứu cánh hữu. Cái năng hữu sở hữu này, chẳng có tướng năng nhân sở nhân và năng trụ sở trụ, trọn chẳng nguồn gốc. Từ chỗ vô trụ này, kiến lập thế giới và chúng sanh.
- Vì mê cái Bổn-tâm sáng tỏ, nên sanh ra hư vọng, tánh vọng chẳng tự thể, chẳng có chỗ nương tựa; toan muốn trở về chơn, thì cái "muốn chơn" ấy, đã chẳng phải là chơn tánh của Chơn-như. Chẳng chơn mà cầu trở về chơn, rõ ràng thành phi tướng, phi sanh phi trụ, phi tâm phi pháp, xoay vần phát sanh, sanh mãi không thôi, huân tập thành nghiệp, đồng nghiệp cảm nhau, do sự cảm nghiệp, nên có tương diệt tương sanh, do đó thành chúng sanh điên đảo.
- A-nan ! Sao gọi là Thế Giới Điên Đảo ? Do năng hữu sở hữu phân đoạn vọng sanh (phân đoạn sanh tử), từ đó an lập ''giới''(Không-gian); từ chỗ chấp năng nhân sở nhân, năng trụ sở trụ, dời đổi chẳng ngừng, nên vọng lập ''thế'' (Thời-gian). Tam thế tứ phương hòa hợp lẫn nhau, chúng sanh biến hóathành 12 loài.
- Vì Giác-tri của chúng sanh, nên trong thế giới, do động có thanh, do thanh có sắc, do sắc có hương, do hương có xúc, do xúc có vị, do vị biết pháp, sáu thứ vọng tưởng nhiễu loạn thành nghiệp tánh, nương theo tướng điên đảo luân chuyển này mà có 12 loài : Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, lưu chuyển chẳng ngừng.
l. A-nan ! Bởi do thế giới có hư vọng luân hồi, điên đảo về động, hòa hợp thành khối, vọng tưởng thăng trầm, vì thế nên có loài noãn sanh lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài cá, chim, rùa, rắn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
2. Bởi do thế giới có tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, hòa hợp thành sanh, vọng tưởng ngang dọc, vì thế nên có loài thai sanh lưu chuyển nơi Quốc-độ, như người, súc, rồng, tiên, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
3. Bởi do thế giới có chấp trước luân hồi, hướng về điên đảo, hòa hợp thành noãn (hơi ấm), vọng tưởng lăng xăng, vì thế nên có loài thấp sanh lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài côn trùng, sâu bọ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
4. Bởi do thế giới có biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, hòa hợp thành xúc, vọng tưởng mới cũ, vì thế nên có loài hóa sanh lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài thối xác phi hành, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
5. Bởi do thế giới có ngăn ngại luân hồi, điên đảo về chướng, hòa hợp thành trước, vọng tưởng tinh sáng, vì thế nên có loài hữu sắc lưu chuyển nơi Quốc-độ, như tất cả thần vật tinh sáng, đều hay dự đoán sự kiết hung, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
6. Bởi do thế giới có tiêu tán luân hồi, điên đảo về mê hoặc, hòa hợp thành ám (ám muội), vọng tưởng u ẩn, vì thế nên có loài vô sắc lưu chuyển nơi Quốc-độ, như cõi vô Sắc và Thần Hư Không, cho đến quỷ mị u ẩn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
7. Bởi do thế giới có mường tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, hòa hợp thành nhớ, vọng tưởng thầm kết, vì thế nên loài hữu tưởng lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài thần quỷ tinh linh, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
8. Bởi do thế giới có ngu độn luân hồi, điên đảo về si, hòa hợp thành ngu, vọng tưởng khô khan, vì thế nên có loài vô tưởng lưu chuyển nơi Quốc-độ, tinh thần hóa ra đất, gỗ, kim thạch, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
9. Bởi do thế giới có đối đãi luân hồi, điên đảo về ngụy, hòa hợp thành nhiễm, vọng tưởng ỷ nhờ, vì thế nên có loài phi hữu sắc lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài thủy mẫu, lấy tôm làm mắt, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
10. Bởi do thế giới có dẫn dụ luân hồi, điên đảo về tánh, hòa hợp thành chú, vọng tưởng kêu gọi, vì thế nên có loài phi vô sắc lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài chú nguyền rủa, yêu mị, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
11. Bởi do thế giới có hợp vọng luân hồi, điên đảo về mường tượng, hòa hợp thành dị, vọng tưởng xoay vòng, vì thế nên có loài phi hữu tưởng lưu chuyển nơi Quốc-độ, như loài tò vò, hay bắt con vật khác làm con mình, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
12. Bởi do thế giới có oán hại luân hồi, điên đảo về sát (hại), hòa hợp thành quái, vọng tưởng ăn thịt cha mẹ, vì thế nên có loài phi vô tưởng lưu chuyển nơi Quốc-độ, như con thổ cưu và chim phá kính, ôm trái cây độc làm con, khi con lớn lên thì ăn luôn cả cha mẹ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới. Ấy gọi là mười hai loại chúng sanh.