43. Công Đức Của Lục Căn. - A-nan ! Người tu đạo Bồ-đề, nếu chẳng suy xét cội gốc phiền não, thì chẳng thể biết căn trần hư vọng đó điên đảo ở chỗ nào; chỗ còn chẳng biết thì làm sao uốn dẹp được nó, để chứng nhập quả vị của Như-lai ?
- Cũng như người thế gian, khi muốn mở cái thắt kết, nếu chẳng thấy cái chỗ thắt kết thì làm sao biết mở ? Nhưng chưa từng nghe nói hư không bị người ta phá hủy. Tại sao ? Vì hư không chẳng hình tướng, chẳng thể thắt mở. Vậy thì hiện tiền lục căn của ngươi làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, vọng thành sự thắt kết (phiền não). Do sự thắt kết này nên thế giới chúng sanh tự sanh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy.
- A-nan ! Sao gọi là thế giới chúng sanh ? Thế là dời đổi, Giới là phương vị, nên biết : Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên phương dưới là Giới; quá khứ, hiện tại, vị lai là Thế. Về phương vị của không gian có mười, về sự lưu chuyển của thời gian có ba. Không-gian, Thời-gian cùng với sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sanh giao lộn lẫn nhau, nên thành thế giới chúng sanh. Tánh-giới (không gian) dù thiết lập thành mười phương, nhưng phương vị nhất định mà người thế gian có thể rõ được, chỉ có Đông, Tây, Nam, Bắc tứ phương, còn phương trên, phương dưới và chính giữa thì chẳng có vị trí nhất định.
- Tứ phương nhân với tam thế, thành số mười hai, rồi nhân với lớp thứ ba, thành 12 x 100 = 1200 (Nguyên văn có nêu ra 4 lớp : l, l0, l00, l000). Tổng quát lại, trong lục Căn mỗi mỗi có đến một ngàn hai trăm công đức.
- A-nan ! Ngươi nên ở trong lục Căn xác định chỗ hơn kém của mỗi Căn.
- Như Nhãn-căn chỉ thấy phía trước, chẳng thấy phía sau, ngó qua hai bên thì ba phần chỉ thấy được hai. Tóm lại, công đức của Nhãn-căn chỉ được hai phần ba, vậy biết Nhãn-căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Nhĩ-căn nghe khắp mười phương chẳng sót, lúc động thì tựa như có xa gần, lúc tịnh thì chẳng bờ bến, vậy biết Nhĩ-căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Tỷ-căn ngửi biết khi thở ra hít vào, có ra có vào mà sót khoảng giữa khi ra vào giao tiếp, vậy ba phần thiếu một, nên biết Tỷ-căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Thiệt-căn tuyên dương cùng tột trí thế gian và xuất thế gian; lời nói dù có chừng ngằn, nhưng nghĩa lý thì vô cùng, vậy biết thiệt căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Thân-căn ở nơi thuận nghịch sanh ra xúc giác; (khi hợp thì năng giác có xúc giác), khi lìa thì bất tri (chẳng xúc giác), lìa chỉ có một, hợp thì thành hai, (khi lìa chỉ có một năng hoặc một sở chẳng định, khi hợp thì gồm đủ năng sở thành có hai), vậy ba phần thiếu một, nên biết Thân-căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Ý-căn thầm lặng mà cùng khắp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương tam thế, cùng tột thánh phàm, đều bao gồm trong đó, vậy biết Ý-căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- A-nan ! Nay ngươi muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục Căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông, cái nào chẳng viên thông. Nếu ngươi ngay nơi những Căn này ngộ được Căn nào viên thông, nương theo Căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các Căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp.
- Nay Ta đã hiển bày một số công đức của lục Căn như vậy, tùy ngươi lựa chọn Căn nào dễ nhập, thì Ta sẽ phát minh, khiến ngươi được thêm tinh tấn. Mười phương Như-lai nơi thập bát Giới, mỗi người mỗi chọn một Giới theo đó mà tu hành, đều được Vô-thượng Bồ-đề, trong đó vốn chẳng hơn kém. Vì ngươi nay còn thấp kém, chưa thể phát huy trí huệ tự tại, nên Ta khai-thị Căn viên thông, khiến ngươi từ một cửa đi vào. Vào sâu một cửa đến chỗ chẳng vọng, thì tất cả lục Căn đều nhất thời trong sạch.
- Bạch Thế Tôn, tại sao ngược dòng sanh tử đi sâu vào một Căn, có thể khiến lục Căn đều nhất thời trong sạch ?
Phật bảo A-nan :
- Nay ngươi đã được quả Tu-đà-hoàn, diệt được Kiến-hoặc của chúng sanh ba cõi trên thế gian, nhưng còn chưa biết những tập khí hư vọng đã tích chứa trong Căn từ vô thỉ, tập khí ấy phải nhờ tu đạo mới được dứt trừ. Khi đã dứt trừ, tức là đến bậc vô học, chẳng những biết được quá trình dời đổi của sanh, trụ, dị, diệt nơi một chúng sanh, mà còn biết được những hành tướng vi tế, niệm niệm dời đổi của tất cả chúng sanh trong đại thiên thế giới.
- Nay ngươi hãy xét lục Căn này là nhất hay lục ? A-nan, nếu cho là nhất, thì tại sao chẳng thấy, mắt sao chẳng nghe, đầu sao chẳng đi, chân sao chẳng nói ? Nếu cho là lục, như Ta ở trong Hội vì ngươi chỉ dạy Pháp-môn nhiệm mầu, vậy lục Căn của ngươi Căn nào lãnh thọ ?
A-nan đáp :
- Con dùng tai nghe.
Phật nói :
- Tai ngươi tự nghe, có liên quan gì đến thân miệng, mà miệng thì hỏi đạo, thân tỏ cung kính ? Vậy biết phi nhất thành lục, phi lục thành nhất; kỳ thật Căn ngươi chẳng phải vốn nhất vốn lục. A-nan nên biết cái Căn phi nhất phi lục này, vì vọng chấp điên đảo, chìm nổi từ vô thỉ, nên ở nơi bản tánh viên thông, sanh ra cái nghĩa nhất lục. Ngươi là bậc Tu-đà-hoàn, dù được tiêu lục, nhưng chưa diệt nhất, ví như hư không đặt vào nhiều khuôn hình, do khuôn hình khác nhau nên nói hư không có khác, nếu trừ bỏ khuôn hình, xem lại hư không thì nói hư không là một, hư không làm sao lại vì ngươi mà thành đồng hay dị, huống chi còn gọi là một hay chẳng phải một ! Vậy biết, sự thọ dụng của lục Căn cũng như vậy.
LƯỢC GIẢI :
A-nan nghi : Sao một Căn sâu vào có thể khiến lục Căn đều nhất thời trong sạch ?
Phật giải thích rằng : Giả sử lục Căn vốn một, vốn tự trong sạch, thì chẳng cần nói chi "lục tặc", giả sử lục Căn vốn lục, chẳng hỗ dụng nhau, làm sao có thể nhất thời trong sạch ? Như hư không vốn chẳng khác biệt, do đặt nhiều khuôn hình thành có khác biệt; vì khuôn hình khác biệt, bèn cho hư không cũng khác biệt, nên nói sáu chẳng phải một, nếu trừ bỏ khuôn hình, xem lại hư không, thì nói hư không là một, tức là sáu tiêu một còn, đây là dụ cho sanh ra nghĩa nhất lục. Thật ra, hư không và khuôn hình chẳng thể hòa hợp, tất nhiên chẳng có đồng dị, đã chẳng đồng dị thì có chỗ nào để gán cái tên nhất lục ư ? Đây là dụ cho vốn chẳng nhất lục. Thấy được chỗ vốn chẳng nhất lục, thì tánh viên thông thường tịch hiện tiền, đâu còn chỗ nào chẳng trong sạch ?
Tu-đà-hoàn gọi là "nhập lưu", mà chẳng có sở nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tức là lục tiêu, nhưng còn chấp thật có Niết-bàn, nên chưa diệt nhất. Kỳ thật, Nhất từ đâu đến, Không từ đâu khởi ? Chỗ này cần phải tham cứu đến tự ngộ mới được rõ.
*****
44. Khai Thị Thắng Nghĩa Căn.
- Nhãn-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ sáng và tối tỏ bày lẫn nhau, dính bụi thành cái thấy; cái thấy gặp sắc trần, kết sắc trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại gọi là bản thể con mắt như trái nho tươi. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo sắc trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Nhĩ-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ động và tịnh đối chọi lẫn nhau dính bụi thành cái nghe, cái nghe gặp thanh trần, cuốn thanh trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại gọi là bản thể lỗ tai như lá cây cuốn. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo thanh trần tạo đủ thứ nghiệp.
- Tỷ-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ thông và nghẽn phát hiện lẫn nhau, dính bụi thành cái ngửi, cái ngửi gặp hương trần, thu nạp hương trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại gọi là bản thể cái mũi như hai móng tay rũ xuống. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo hương trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Thiệt-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ lạt và vị xen lộn lẫn nhau, dính bụi thành cái nếm, cái nếm gặp vị trần, thu hút vị trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại gọi là bản thể cái lưỡi như trăng lưỡi liềm. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo vị trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Thân-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ ly và hợp xoa nhau, dính bụi thành xúc giác, xúc giác gặp xúc trần, nắm xúc trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại gọi là bản thể cái thân như dáng trống cơm. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo xúc trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Ý-căn nơi Diệu-viên tánh vốn trong lặng, do hai thứ sanh và diệt tương tục lẫn nhau, dính bụi thành cái biết; cái biết gặp pháp trần, ôm pháp trần thành Căn, gốc Căn thuộc nơi thanh tịnh tứ Đại, gọi là cái ý suy tư như sự thấy trong phòng tối. Phù Căn tứ trần lưu chuyển theo pháp trần tạo đủ thứ nghiệp.
- A-nan ! Lục căn như thế, do giác minh kia có năng minh để minh cái giác, thì đánh mất cái tinh minh liễu triệt ấy (Tự-tánh), thành ra dính mắc nơi hư vọng, rồi phát ra ánh sáng (cái ánh sáng do hư vọng phát ra, thì sáng chẳng phải sáng thật). Cho nên ngươi hôm nay, lìa tối lìa sáng thì chẳng có cái thấy; lìa động lìa tịnh thì vốn chẳng cái nghe; không thông không nghẽn thì cái tánh ngửi chẳng sanh; không vị không lạt thì sự nếm chẳng ra; bất ly bất hợp thì xúc giác vốn chẳng có; không sanh không diệt thì sự liễu tri đặt ở chỗ nào ?
- Ngươi chỉ cần chẳng duyên theo sự động tịnh, hợp ly, vị lạt, thông nghẽn, sanh diệt, sáng tối, mười hai tướng hữu vi này, tùy tiện nhổ ra một Căn, thoát khỏi sự dính mắc, trở về bản tánh chân thật, hiện ra sự chiếu soi của Tự-tánh. Tánh chiếu soi phát ra ánh sáng, thì sự dính mắc của ngũ Căn kia liền cùng được giải thoát và tri kiến khởi lên, chẳng do cảnh trần. Chiếu soi chẳng duyên theo lục Căn, mà nhờ lục Căn phát ra ánh sáng, do đó, sự dụng của lục Căn dung thông lẫn nhau.
LƯỢC GIẢI
Bản tánh diệu viên trong lặng, gặp sắc trần thì thành cái thấy, gặp thanh trần thì thành cái nghe, v.v... nên gọi là Diệu-viên. Nước trong lặng vốn chẳng dính mắc, do bụi trần lọt vào thành có dính mắc. Tánh của địa, thủy, hỏa, phong vốn đều không tịch, nên gọi là thanh tịnh tứ Đại, gốc Căn ẩn bên trong, trần phù bên ngoài, nên gọi là phù căn, tướng của địa, thủy, hỏa, phong vốn đều lay động, nên gọi là tứ trần. Nếu như sự thấy trong phòng tối thì đâu thể có phù căn tứ trần ? Vì tánh "không" lìa Bản-giác thành ám muội, cái ám muội này kết với tối đen thành sắc trần; tối đen và sắc trần xen lộn với vọng tưởng, lay động bên trong thành có đen tối để thấy, cũng có thể gọi là 'phù căn tứ trần' vậy, nên nói như sự thấy trong phòng tối.
'Thanh tịnh tứ Đại' là một danh từ để tỏ rõ cái nghĩa của thắng-nghĩa-căn, hai chữ Thắng-nghĩa là để hiển bày cái nghĩa lý siêu việt hơn nghĩa lý thông thường. Vì hay chiếu soi cảnh trần, phát ra cái thức phân biệt, cũng gọi là Tịnh-sắc-căn (gốc Căn chẳng có hình sắc để đối với mắt, nên gọi Tịnh-sắc-căn). 'Phù căn tứ trần' là một danh từ để tỏ rõ cái nghĩa của 'phù-trần-căn', vì hay lưu chuyển theo cảnh trần, tạo đủ thứ nghiệp vậy.
- A-Nan ! Ngươi há chẳng biết hiện trong hội này, A-na-luậtchẳng mắt mà thấy; rồng Bạt-nan-đà chẳng tai mà nghe; thần nữ Căng-già chẳng mũi mà ngửi hương; Kiều-phạm-bát-đề lưỡi trâu mà biết vị; thần Thuấn-nhã-đa bản chất là gió, vốn chẳng tự thể, do ánh sáng Tự-tánh tạm hiện hình bóng, nên chẳng có thân mà biết xúc; các hàng Thanh-văn được diệt tận định trong hội này như Ma-ha-ca-diếp, Ý-căn đã diệt từ lâu mà vẫn rõ biết khắp nơi, chẳng do tâm niệm.
- A-nan ! Nếu các Căn của ngươi đều đã được giải thoát, thì sự dụng của Tự-tánh tự hiện, như trong lặng mà phát ra ánh sáng, vậy phù trần và các tướng biến hóa trong thế gian đều tiêu, như nước sôi làm tan băng đá, ngay đó liền hóathành Vô Thượng Tri Giác.
- A-nan ! Như người thế gian cho sự thấy do con mắt, nếu bỗng nhắm mắt lại thì tướng tối hiện ra, lục Căn mịt mù, đầu và chân giống nhau. Người ấy dùng tay rờ thân người khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, tánh biết vẫn đồng. Nếu duyên sáng mới có thấy thì khi tối thành chẳng thấy, nếu chẳng duyên sáng mà phát ra tánh thấy, thì các tướng tối chẳng thể làm mờ được. Căn trần đã tiêu, thì Giác-tánh đâu thể chẳng thành diệu viên ?
A-nan bạch Phật rằng :
- Như lời Phật dạy, nếu muốn cầu được quả thường trụ, thì chỗ phát tâm của nhân địa và quả địa phải cân xứng với nhau. Thế Tôn, trong quả vị Như-lai, bảy thứ : Bồ-đề, Niết-bàn, Chơn-như, Phật-tánh, Am-ma-la-thức, Không Như-lai-tạng, Đại-viên-cảnh-trí, tên gọi dù khác, nhưng thể tánh trong sạch viên mãn kiên cố như Kim Cang Vương, thường trụ chẳng hoại.
- Nếu cái thấy nghe này lìa những tướng sáng tối, động tịnh, thông nghẽn vốn chẳng tự thể; cũng như tâm niệm lìa nơi tiền trần vốn chẳng có gì cả, thì tại sao lại có thể đem sự đoạn diệt này làm nhân tu, mà mong cầu bảy quả thường trụ của Như-lai.
- Thế Tôn, nếu lìa sáng tối thì cái thấy thành không có; nếu chẳng có tiền trần thì tâm niệm tịch diệt, nghĩ tới nghĩ lui, suy xét tỉ mỉ, vốn chẳng có cái tâm và tâm sở của con, vậy lấy gì làm nhân để cầu quả Vô Thượng Giác ? Như-lai trước kia đã nói Tánh-giác trạm nhiên thường trụ, vậy lời nói trái với lẽ thường thì chỉ thành hý luận, làm sao nhận được lời nói của Như-lai là chơn thật ? Xin Phật từ bi khai mở chỗ mê muội của con.
Phật bảo A-nan :
- Ngươi chỉ học rộng nghe nhiều, chưa dứt sạch tập khí phiền não, trong tâm dù biết rõ cái nhân điên đảo, mà điên đảo thật hiện tiền thì chẳng biết, e rằng ngươi còn chưa thiệt lòng tín phục, nay Ta thử đem những việc trần thế để phá trừ cái nghi của ngươi.
45. Khai Thị Về Càn Loạn.
Tức thời, Như-lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan :
- Nay ngươi nghe chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Có nghe !
Khi tiếng chuông dứt rồi, Phật lại hỏi :
- Các ngươi nghe chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Chẳng nghe !
Khi đó La-hầu-la lại đánh thêm một tiếng, Phật lại hỏi :
- Các ngươi nghe chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Có nghe !
Phật hỏi A-nan :
- Ngươi cho thế nào là có nghe, thế nào là chẳng nghe ?
A-nan và Đại Chúng đều bạch Phật rằng :
- Khi tiếng chuông đánh lên thì chúng con được nghe. Khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt thì chẳng nghe.
Như-lai lại bảo La-hầu-la đánh chuông, rồi hỏi A-nan :
- Nay có tiếng chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Có tiếng.
Ít lâu tiếng ngưng, Phật lại hỏi :
- Nay có tiếng chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Không tiếng.
Lát sau, La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Phật lại hỏi :
- Nay có tiếng chăng ?
A-nan và Đại Chúng đều đáp :
- Có tiếng.
Phật hỏi A-nan :
- Ngươi cho thế nào là có tiếng, thế nào là chẳng có tiếng ?
A-nan và Đại Chúng đều bạch Phật rằng :
- Khi tiếng chuông đánh lên thì gọi là có tiếng, khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt, thì gọi là chẳng có tiếng.
Phật bảo A-nan và Đại Chúng :
- Lời nói các ngươi sao tự càn loạn với nhau !
Đại Chúng và A-nan đồng thời bạch Phật :
- Sao gọi chúng con là càn loạn ?
Phật nói :
- Ta hỏi về nghe thì các ngươi nói nghe, Ta hỏi về tiếng thì ngươi nói tiếng, cái nghe và tiếng trả lời chẳng định như thế, không phải càn loạn là gì ?
- A-nan ! Tiếng dứt chẳng âm vang thì ngươi nói là chẳng nghe, nếu thật chẳng nghe thì Tánh-nghe phải diệt, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, thì ngươi làm sao biết được ? Biết có biết không ấy là thanh trần, hoặc có hoặc không đâu phải Tánh-nghe vì ngươi mà thành có thành không ? Nếu Tánh-nghe thật không thì ai biết không nghe ?
- A-nan ! Thanh trần ở trong Tánh-nghe tự có sanh diệt, chẳng phải Tánh-nghe của ngươi theo thanh trần sanh diệt khiếnTánh-nghe thành có thành không. Ngươi còn điên đảo nhận lầm thanh trần là Tánh-nghe, lạ gì chẳng mê muội cho Thường là Đoạn ?
- Tóm lại, chẳng nên cho rằng lìa các tướng động, tịnh, thông, nghẽn, nói chẳng có Tánh-nghe.
Như người đang ngủ mê trên giường, trong nhà có người giã gạo, người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, tưởng thành tiếng khác, hoặc cho là tiếng trống, hoặc cho là tiếng chuông, trong chiêm bao liền lấy làm lạ, sao tiếng chuông lại như tiếng cây đập vào đá, khi chợt tỉnh dậy nghe tiếng chày, bảo với người nhà rằng, trong lúc chiêm bao đã lầm tiếng chày cho là tiếng trống. A-nan, người đó trong chiêm bao đâu nhớ những sự động, tịnh, thông, nghẽn. Thân hình dù ngủ, nhưng Tánh-nghe chẳng mất, vậy dẫu cho hình tướng tiêu tan, thân mạng dời đổi, làm sao Tánh-nghe này lại vì ngươi mà tiêu diệt ?
- Do các chúng sanh từ vô thỉ, nương theo sắc thanh, đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ Bản-tánh trong sạch thường trụ, chẳng theo tánh chơn thường, lại đuổi theo sanh diệt, do đó đời đời bị xoay vần trong vòng tạp nhiễm.
- Nếu bỏ sanh diệt, giữ tánh chơn thường thì ánh sáng của Chơn-thường tự hiện, căn, trần, tâm thức, ngay đó liền tiêu; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, cả hai đều xa lìa, thì Pháp-nhãn của ngươi liền được trong suốt, làm sao lại chẳng thành Vô Thượng Tri Giác ?