16:02 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Liễu Quán

Nhằm tăng cường lòng tin Pháp-môn, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn Thiền-sư Liễu Quán (1667 - 1743), đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, một người Việt Nam tham thiền đạt ngộ. Tư liệu này được trích trong sách "Lịch sử Phật giáo Đàng Trong VN" của Nguyễn Hiền Đức.          ...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
HUE NANG
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần IV

Chủ nhật - 31/03/2013 09:16 Xem: 2042
từ bài 37 -> 48: 37. Ngoài thân tạm quên, 38. Cảm thấy thân khinh an, 39. Trụ chỗ khô tịnh, 40. Bày đặc bậy bạ, 41. Ham thích thơ kệ, 42. Chẳng nguyện tiến sâu, 43. Cái dụng đề khởi, 44. Công năng trừ vọng, 45. Công năng trừ ngủ, 46. Công phu đến thoại-đầu, 47. Vọng tự thừa đương, 48. Giới-luật sai trái.
37. NGOÀI THÂN TẠM QUÊN.   

Nói ngoài thân tạm quên, thật trái với Đạo. Trong thân quên hết cũng trái với Đạo. Ở giữa còn khó rõ thì làm sao nói là trong là ngoài ? Người học Đạo nếu được quên thân thì trong, ngoài và giữa, ba cái đó còn đặt ở chỗ nào ?

Tuy nhiên, người mới dụng tâm đối với vườn tược, ruộng nương, danh lợi, tiền của muốn chẳng để nơi lòng, không chút động niệm cũng chẳng phải việc dễ. Còn kẻ Đạo-nhân ngày nay dù đã trụ Tòng-lâm ba năm, có cơ hội gần gũi thế tục, hoặc lấy cớ đi cúng mả, hoặc lấy cớ có việc về quê, một phen thấy mặt thì buồn vui lẫn lộn, thật là kẻ tục trọc đầu.

Lúc dụng công đắc lực, việc ở ngoài thân như mặc áo, ăn cơm, đi đại, đi tiểu không chút nhớ đến, chính là quên việc ngoài thân. Cho đến người ta hỏi trên Chánh-điện thờ bao nhiêu vị Phật, cũng chẳng thể đáp. Lại hỏi mỗi ngày đến Trai-đường mấy lần, cũng chẳng biết. Phương hướng của cửa chùa cũng chẳng rõ. Nhà cầu tiêu ai ở cũng chẳng biết. Chính ngay lúc công phu tất cả đều chẳng lưu ý. Cái tâm quên việc ngoài thân này chính là gần gũi với Đạo. Quên việc ngoài thân mới được thoát thế tục, dần dần trở về Đạo. Song cần phải dũng mãnh tinh tấn cho đến lúc cả cái tâm-quên cũng chợt vỡ, thân thế nghiễm nhiên, đâu còn gì trong ngoài nữa ?    

38. CẢM THẤY THÂN KHINH AN.

Người hành Đạo chẳng nên lấy cảnh ngoài thân hơi giảm bớt cho là Khinh, lấy tướng trong tâm tạm ẩn cho là An. Nếu cảm thấy thân mình khinh an là điều lầm lớn vậy. Cần phải ở tại nghi-tình chân thiết, chỉ đem một câu thoại-đầu để ở trong lòng, thắc mắc nơi tâm, ngoài tâm cũng là thoại-đầu, trong tâm cũng là thoại-đầu, chẳng cho gián đoạn trong khoảnh khắc. Ngoài chẳng thấy có cảnh, trong chẳng biết có tướng, chỉ một câu thoại-đầu rõ ràng minh bạch. Ngay trên một câu thoại-đầu này chẳng huỡn chẳng gấp, thân bình khí hòa thầm thầm tham-cứu. Ngoài có sắc tướng thì thâu Nhãn-thức. Ngoài có âm thanh thì thâu Nhĩ-thức. Thấy nghe chẳng quan tâm, sắc thanh tự tịnh. Ngay trong lúc tham, ngoài có thấy nghe thì Thức làm sao thâu ? Phương pháp thâu Thức là cứ một mạch tham đi, chẳng màng đến cái khác thì Thức tự thâu. Nếu đạt được đến chỗ tâm duyên bên ngoài chẳng thấy một vật, cũng chẳng phải không vật, tâm duyên bên trong chẳng thấy một niệm, cũng chẳng phải không niệm, đây tức là trong Thức không có phan duyên (đeo đuổi). Như thế mới là chân thật khinh an, tức là trong ngoài và giữa đều khinh an vậy. Một thân khinh an, mười phương thế giới thảy đều khinh an.    

39. TRỤ CHỖ KHÔ TỊNH.

Khô, như cây chết, nhánh lá khô héo, gió thổi chẳng lay động, không có bóng mát. Người thích tịnh, chấp lấy chỗ tịnh, cũng giống như cây khô vậy. Nếu cây tươi tốt, cành lá sum xuê, gió động thì nghe có tiếng, khi bóng người hiện thì thấy có sắc, khiến cho tai mắt không chút tịnh. Đây là chỗ người ưa động chấp lấy.

Nếu người lúc dụng công, Đạo-tâm kiên cố, nghi-tình thân thiết thì bên ngoài chẳng bị trần cảnh làm nhiễu loạn, bên trong chẳng bị thân làm biến đổi, ở giữa chẳng bị Thức trói buộc. Trong ngoài thanh u, an nhàn tự tại. Đây tuy do công phu làm đến, song chỗ này chẳng nên trụ. Nếu trụ ở chỗ này thì nghi-tình bị tịnh cảnh che lấp, công phu ngưng nghỉ chẳng tự biết. Lại còn tham đắm tịnh cảnh, ở chỗ rảnh rang tự cho đó là thù thắng. Chẳng những không biết chỗ khô tịnh là bệnh, trái lại còn cho là tốt. Thật ra là do đánh mất nghi-tình, chẳng theo động ắt trụ tịnh. Vậy người học Đạo có chí khí phải biết hổ thẹn, một phút không có công phu phải tự thống trách, tự đánh vào mình, tự tát vào mặt, hổ thẹn nói rằng : "Người xưa dụng công còn không có thời giờ cắt móng tay. Ta là người gì mà tệ thế này ?". Khóc lóc thảm thiết, ở trước Phật lập thệ : "Chẳng đến đại ngộ, dù chết cũng mang câu thoại đầu theo. Sau khi chết cũng chẳng bỏ tham".    

40. BÀY ĐẶT BẬY BẠ.

Tự bày đặt bậy bạ là bệnh lớn đối với Thiền-tông. Người mới vào Thiền-đường thấy câu "NIỆM PHẬT LÀ AI ?" liền nói : Chữ NIỆM là tâm, chữ PHẬT là giác, chữ LÀ là ta, AI chẳng hỏi ai. Lại thấy câu CHIẾU CỐ THOẠI ĐẦU, liền nói : CHIẾU tức là chiếu mà thường tịch, CỐ là chăm chăm không dời, THOẠI là trước lời nói tiến thủ, ĐẦU là trên đầu chồng thêm đầu. Bệnh bày đặt này rất sâu, thuốc của Dược-vương cũng khó trị.

Thấy đến cái bản bằng gỗ gọi là hương-bản, tưởng là để cảnh sách cho sự tọa-hương. Thấy đến cái bản bằng trúc gọi là trúc-bề, tưởng là đồ dùng của sự đi hương. Lại nói : Chuông treo trên là dọc, bản treo dưới là ngang, chẳng phải là dọc cùng tam tế, ngang biến thập phương sao ? Còn đối với Ban-thủ thì cho rằng đó là người cầm cái đầu của hương-bản. Đối với Duy-na thì cho rằng Duy là duy hộ, Na là na chấp. Tự mình tỷ dụ bậy bạ, bày đặt vô lý. Thật đáng thở than !

Nếu bảo họ ở trên câu thoại-đầu tha thiết tham-cứu, thì tâm họ lập tức buồn bực, thân họ mệt mỏi, trong lòng bất an. Nhưng nếu trụ lâu ở Thiền-đường, cuối cùng sẽ có ngày phát minh Đại-sự, mới biết sự bày đặt bậy bạ trước kia tức là diệu dụng của sai biệt trí mà thôi.

4l. CHUYÊN THÍCH THƠ KỆ.

Tham-thiền cực khổ nhiều năm, cảm thấy công phu tự nhiên thâm nhập, thình lình ngay nơi ngôn cú của Cổ-nhân có chỗ giải ngộ, hoặc ở trên bổn phận công phu cũng có chỗ thú vị. Người trước kia đã biết chữ nghĩa nhiều thì ngâm thơ, người biết chữ nghĩa ít thì làm kệ.

Người biết chữ nghĩa nhiều, thân ở chỗ thanh u, tâm đắm thiền-tịch, tình buông thả theo cảnh huyễn, nghĩa vị uyên thâm, ban ngày lấy vịnh thơ làm nghiệp, ban đêm lấy Lý Bạch, Đỗ Phủ làm thầy. Cho đến tọa-hương thì thân lay đầu lắc, ngâm thơ cũng có thể thành bài. Người chữ nghĩa ít, chữ nghĩa bị tắc nghẽn thì miệng đọc rồi tâm đuổi theo, kệ mới thành vần. Sao chẳng nghĩ thời giờ rất quý mà nỡ để trôi suông, nhân duyên lớn được ở Thiền-đường mà cũng để luống qua vô ích. Danh hèn của Thi-tăng sao chẳng tránh, nghiệp xấu của Văn-tăng sao lại tạo ?

Người xưa Đại-sự sáng tỏ, việc mình đã xong, sau đó mới quán sát căn cơ mà lập Giáo, dùng văn để tiếp hàng Trí-thức, dùng thơ để tiếp người học rộng hiểu sâu. Lấy thơ văn làm phương tiện để dẫn người nhập Đạo, đều do lòng từ bi làm lợi ích thế gian, chứ chẳng phải như bọn phù phiếm ưa thích ý vị của văn thơ mà tự xưng là người xong việc (đã ngộ).    

42. CHẲNG NGUYỆN TIẾN SÂU.

Người hành Đạo chí chưa kiên cố, gặp sự ràng buộc hơi nhiều, chẳng được lợi ích, chẳng nguyện tiến sâu thì có thể đúng. Người đã được lợi ích mà chẳng chịu tiến nữa, ắt có hai thứ chướng. Theo Thiền-tông, hai thứ chướng ấy là gì ?

l. Thân chướng là cái chướng trong thân, ngoài thân.

2. Tâm chướng là cái chướng trong tâm, ngoài tâm.

Chướng trong thân là lục căn khiếm khuyết, bệnh nặng dây dưa, tuổi già sức yếu, thường sanh bệnh hoạn, chẳng chịu nổi sự ăn uống cực khổ và sự lạnh lẽo.

Chướng ngoài thân là các việc lớn nhỏ phiền rộn, hoặc vì việc khác làm chướng ngại, hoặc vì thói quen từ trước lôi kéo, tuy thân đặt nơi Đạo mà bị chướng ngại nên khó tiến sâu.

Chướng trong tâm là Đạo-niệm đương đi thẳng, công phu thuần tịnh, ngẫu nhiên bị phiền não đến nhiễu loạn tâm, khiến cho vọng tâm tương tục sanh khởi, cảm thấy khó dừng nghỉ cho thanh tịnh.

Chướng ngoài tâm là lúc công phu đắc lực, nghe tiếng thì chạy theo tiếng, thấy sắc thì chạy theo sắc. Vì chẳng có thiền sâu, nên thiền lâu cảm thấy hơi động. Tuy phát giác được động đang nhiễu loạn nơi tâm, song vì mệt nhọc sức kém nên công phu khó dừng được niệm, ngày lại qua ngày chẳng nguyện tiến sâu, khó mong kiến Tánh.

Nếu tất cả chẳng màng, trong ngoài đều sạch, xả thân xông vào, thẳng đến chỗ huyền-vi thì mới biết công phu cần phải tiến sâu mãi mãi.    

43. CÁI DỤNG ĐỀ KHỞI.

Người tham-thiền dụng công đến chỗ tâm cùng lực tận, cảnh lui, thân nhọc, chẳng những công phu khó đề mà cho đến vọng tưởng cũng khó khởi. Nói chuyện với người, hỏi cái này thì đáp cái kia, làm việc trong Chúng thì nhớ trước quên sau, như si như ngốc. Người không biết, cho là Đạo-nhân vô tâm. Người biết thì cho đó là thiền-nhân cạn cợt.

Phải biết, công phu hành Đạo cũng giống như người đi đường, nếu một ngày siêng mười ngày lười thì ắt bị kẹt ở giữa đường không bao giờ đến nhà được. Nếu biết giữa đường chẳng phải chỗ an thân, chẳng cố gắng thì đâu hy vọng được về đến nhà ? Do đó đem Công-án sẵn sàng, tận sức đề khởi khiến cho quỷ lười biếng phải giấu hình, ra sức tham-cứu cũng như người xa quê dũng mãnh lên đường trở về nhà. Dẫu cho Trời long đất lở cũng luôn luôn đề khởi, luôn luôn tham-cứu, cho đến thân quên, tâm lặng. Người tham-thiền dù mười năm lạnh băng băng nhưng có thể một mai lửa phát dậy trong tro lạnh. Cái đạo dũng mãnh đề khởi công ở chỗ huân tập lâu dài, mới tránh khỏi sự lầm lỗi.    

44. CÔNG NĂNG TRỪ VỌNG.

Công phu trừ vọng tưởng chẳng phải là Chánh-hạnh. Vậy muốn trừ vọng phải dùng công phu gì ? Nếu lấy trừ vọng làm công phu, thật sai lầm lớn. Sao vậy ? Vì đối với vọng tưởng, người chưa liễu ngộ thì không thích, còn người đại ngộ thì không chê.

Tại sao không thích ? Vì lúc không dụng công, tâm cảm thấy thanh nhàn, niệm không phiều nhiễu. Công phu vừa khởi thì các vọng chạy đến, việc buồn vui yêu ghét lăng xăng hiện tiền làm cho nghi-tình bị vọng niệm đánh mất. Nghĩ đến giận mà phát khóc, tức nó hận mà rơi lệ, bệnh này nặng thấu xương, chẳng trừ thì không được. Thực ra, đối với việc này nếu giận nó là lầm vậy.

Phải biết, vọng tưởng hay tạo sanh tử mà liễu sanh tử cũng là nó. Vọng tưởng hay làm chúng sanh mà thành Phật cũng là nó. Vọng tưởng hay xuống Địa-ngục mà lên Thiên-đường cũng là nó. Sức của vọng tưởng hơn sức Phật. Công của vọng tưởng hơn công Phật. Xin mời các Thiền-sư muốn trừ vọng tưởng hãy suy nghĩ kỹ xem ! Đáp rằng : "Lời này rất đúng, vậy phải dụng công phu như thế nào ?". Mau đem cái công phu trừ vọng tưởng đổi ra tham câu thoại-đầu mới được.    

45. CÔNG NĂNG TRỪ NGỦ.

Công phu trừ ngủ này lại cũng lầm nốt. Như sáng là trời sáng, tối là trời tối, trong lúc đi đường, ban ngày đi chẳng đủ, tiếp tục đi luôn cả ban đêm. Lúc thức dụng công phu chẳng đủ, tiếp tục dụng luôn cả lúc ngủ.

Phải biết, niệm có dấy lặng, tâm có thức ngủ, chỉ lo dụng công, chẳng lo thức ngủ. Đi đường như vậy, dụng công cũng như vậy, cùng một cách thức, thì hai chữ trừ ngủ đặt ở chỗ nào ? Nếu nói ban ngày đi đường thì vui vẻ, ban đêm đi đường thì lo âu, toan muốn tìm cách trừ bỏ đêm tối để thấy trời sáng, có lý này ư ? Dụng công cũng vậy, thức ngủ vốn là điều tự nhiên, người ngu thì theo cái niệm dấy lặng, người trí thì thức ngủ đều là lúc dụng công. Thể dụng song song, đâu thức đâu ngủ ?. Thể dụng bất nhị, tức dấy tức lặng. Đừng lo lúc ngủ không có công phu, chỉ lo lúc thức không có nghi-tình. Lại, ngủ là ban đêm, thức là ban ngày, tối sáng qua lại đâu ngại hư không, thức ngủ thay nhau đâu quan hệ gì đến công phu tham-thiền. Nếu hiểu được như vậy thì ngủ cũng không ngại gì.    

46. CÔNG PHU ĐẾN THOẠI ĐẦU.  

Trước đã trừ vọng tưởng, kế lại trừ hôn trầm. Công phu "lạc-đường" thân tâm tự tại, nếu cảm thấy vui mừng là lầm lớn vậy. Như người mang gánh nặng tính về đến nhà mới buông gánh xuống, nhưng ngặt vì thân thể mỏi mệt, sức lực kiệt quệ cần nghỉ ngơi, nên ở giữa đường làm nhà, tự cho là thanh cao, thích thú trụ chỗ vui đó. Nhưng đây là giữa đường đâu phải là nhà. Muốn đi suốt con đường về nhà đâu thể dừng lại ở đây.

Người tham-thiền cũng vậy, ban đầu ở trong trần thế hạ thủ công phu, kế ở trong huyễn thân hạ thủ công phu, rồi ở trong phiền não hạ thủ công phu, từ thô đến tế thâm tâm trải qua đủ thứ cực khổ, như vậy được đến chỗ trần không, thân tịch, tâm tịnh, ý nhàn, nhìn trước không có đường đi, nhìn sau không gì lo âu, gọi là công phu "lạc-đường" thân tâm tự tại, lầm tưởng là chỗ buông thân an trụ. Phải biết, con đường phía trước rất lớn, lớn hơn núi sông, căn nhà thuở xưa rất rộng, rộng hơn hư-không. Hãy bỏ nhà lá, mau lên nhà xưa. Từ đây cúi đầu đi thẳng, chẳng chút quày đầu ngó lại, từ "Đầu sào trăm thước" (thoại đầu) tiến lên một bước liền được kiến Tánh. 

47. VỌNG TỰ THỪA ĐƯƠNG.

Công phu của người tu hành đã đến thân tâm tự tại, an thân ở chỗ vui, cho rằng không sai lầm. Nếu tiếp tục ở lâu nơi chỗ sai lầm, đương nhiên sẽ nổi lên rất nhiều vọng kiến, tự cho "Đại-địa chỉ là con mắt của ta", "Hư-không trong nắm tay ta", "Cá dưới đáy biển thò tay bắt được", "Chim ở trên Trời gọi nó liền đến", "Tay Phật cùng tay ta đồng nhau, mặt chó cùng mặt ta chẳng khác", "Nhướng mày là làm Phật-sự độ người. Trợn mắt là hoằng dương pháp chân truyền của Phật, Tổ", "Tằng hắng thì tiếng vang khắp mười phương, khiến người nghe ngộ đạo. Nhổ đàm thì tự - tha tánh không, khiến người thấy trở về Chân", "Lời nói đều là hiển Tánh, nín lặng ngay đó truyền Tâm". Buồn thay ! Lý luận sai lầm thật là to lớn, ý vọng thật là u mê, mà không biết hổ thẹn ! Đâu biết mình cùng với kẻ ăn xin làm bạn, bàn luận về vàng bạc châu báu, một lát nữa đây đói khát cũng y như cũ, vẫn phải đi từng nhà xin ăn. Thật rất là ngu mà không tự phát giác. Vậy cần phải phấn chấn tinh thần. Hễ còn một chút chưa liễu ngộ thì cả thân đều sai lầm, chẳng chết trong hầm thường-kiến, cũng rơi vào hố đoạn-kiến. Hãy mau đem bổn phận công phu ra sức cố gắng đề khởi tham-cứu đi, mới có thể đến chỗ không còn lo âu.    

48. GIỚI LUẬT SAI TRÁI.

Người dụng công đã thừa-đương được tự kỷ, lại có thể ngộ đến người khác, bỗng bị người mắt sáng quở là kẻ ăn xin, mắng là thằng ngốc. Đến đây không biết mình phải làm sao, hoang mang không biết đường tiến thối. Muốn tiến tới lại trở thành thối lui. Muốn thối lui lại sợ trở về quê hương dục vọng, làm cho tiến thối lưỡng nan. Như vậy, nghiệp cũ nổi lên thì yêu ghét rõ ràng, tâm dâm hơi động hai má đỏ bừng, phẫn nộ bùng dậy toàn thân tím ngắt, tự mình không biết, lại làm cho người khác sợ hãi chạy trốn. Phải biết, đã quét tâm trần từ lâu mà tro dâm dục vẫn còn, thường lau chùi bụi ý mà sân si chưa sạch, người chân thật cầu Đạo đến đây mới biết khi đèn sáng chiếu khắp một căn nhà, quay đầu nhìn lại mình, vẫn là người đen tối, mới rõ tâm thô dù hàng phục mà vọng vi tế còn ẩn sâu, do đó Tâm-giới bị tổn thương, rất sanh hổ thẹn. Từ đây chuyên tu tế hạnh, không cho mảy may ẩn giấu, tiếp tục dụng công, vùi đầu tiến tới.

Lại nghĩ : Chẳng nổi tâm-nghiệp thì đâu biết được mình quấy.

Cho nên nói : Chẳng nhờ ngư ông dẫn, đâu thể thấy sóng to.  

=> Phần 5

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn