97. SỰ LÝ DỤNG. Sau khi liễu ngộ như trẻ sơ sanh thân thể trần truồng không có một vật, đói không có ăn, lạnh không có mặc, lục Căn dù chưa dùng được nhưng cần phải có đồ vật để nuôi thân, có người để săn sóc. Cũng như Kinh nói : "Lý thì đốn ngộ, sự phải tiệm tu", cho nên cần phải trải qua sự bảo-nhiệm để dứt tập-khí. Sự bảo-nhiệm này cũng giống như việc săn sóc nuôi dưỡng thân thể trẻ sơ sanh vậy. Cho nên người có Đạo như ngu như ngốc. Tại sao như thế ? Nói ra một lời ắt từ trong Tự-tánh lưu xuất, làm ra một sự ắt cùng với lý không trái. Cảnh duyên thuận nghịch đều từ quyền (phương tiện tạm thời) mà đạt biến (tùy cơ ứng vật). Hình thái mừng giận cũng từ vuông vào tròn. Mặc dù tâm rộng rãi nhưng cũng không ra ngoài Pháp-lý. Hằng ngày việc dù nhiều mà đều theo đúng Quy-củ. Trì Phật-giới thì làm cho cái dụng của Tự-tánh khắp cùng vô biên thế giới. Giữ oai-nghi thì làm cho Phật-pháp được quảng bá khắp nơi. Hễ niệm thì niệm Phật-tánh, Hễ trì Chú thì trì Tâm-chú. Bất cứ Pháp-môn nào cũng đều quy về Tự-tánh, tất cả Phật-sự đều nhập vào Quy-củ, khiến cho sự-lý nhất như, tánh-tướng bất nhị.
Điều thiết yếu là chẳng nên chấp Lý bỏ Sự, Thiền-tông quở là kẻ vác bản. Cũng chẳng nên chấp Dụng mà quên Thể, bị mắng là kẻ lỗ mãng. Thiên về Tánh thì chỉ chứng Nhị-thừa, thiên về Tướng lại thành phàm phu. Cần phải tánh-tướng song hành, sự-lý vô ngại, mới được gọi là Pháp-thân trang nghiêm vậy.
98. HÓA ĐẠO DỤNG.
Tự mình đã phát minh Đại-sự liễu sanh thoát tử, cái lớn của việc này cả thế gian không gì so bằng. Người đời chẳng những chẳng biết việc này mà còn chẳng biết việc này là việc của chình mình. Vì vậy, ngàn Phật ra đời cũng vì một việc này, muôn Tổ hiện thân cũng vì một việc này.
Muốn làm việc này, thâm sơn cùng cốc, Chùa-tư, Am-thất đều chẳng thể làm được chỉ có Tòng-lâm mới có thể đảm nhiệm việc này vì Tòng-lâm mới có thể tiếp Đại-cơ, hiển Đại-dụng, chuyên hoằng Đốn-giáo, chỉ đạo thiền-giả dụng công phu đề phòng lạc lối. Nếu không ai chỉ đạo, đi bậy, chẳng phải lầm nam là bắc thì cũng cho tây là đông, cho nên muốn lên núi, trước phải hỏi người xuống núi. Pháp-tắc của Tòng-lâm rất là chánh đại, rất hợp với người tu hành, có Đạo để hành, có người để hỏi. Kẻ biếng nhác thì dùng Quy-củ nghiêm khắc cấm chế ngay. Kẻ muốn thối lui thì cảnh-sách khuyến khích an ủi. Mặc áo ăn cơm có người lo dùm chẳng cần quan tâm, chỉ cần lo việc tham-thiền của tự mình. Phải biết, làm việc của chính mình, trừ Tòng-lâm của Thiền-tông ra thì người đủ căn khí lớn mới có thể tùy chỗ mà tu được.
99. THA THỌ DỤNG.
THA là chỉ tất cả loài hữu tình trong mười phương Pháp-giới. Thọ dụng là thọ dụng Pháp tham-thiền. Muốn thọ dụng ắt phải rõ Tự-tánh
Than ôi ! Cái mê do bất giác làm thay đầu đổi mặt khiến cho Diệu Thọ (pháp danh của Ngài Lai Quả) tôi đấm ngực dậm chân đau lòng khóc to, nguyện đem giọt nước mắt này rưới khắp thân tâm của chúng sanh trong lục đạo hóa thành nước cam-lồ khử mê.
Tôi thường nghĩ : Pháp của Thiền-tông là một Đại-pháp hiếm có, một Tâm-pháp rất quý. Nếu tự bỏ đi tu pháp khác, thì cũng như là người toàn thân đều là của báu lại bỏ của mình mà cầu báu của người khác. Thiền-tông tham-thiền tức là tìm của báu nơi chính mình, một mai tìm được, thành Phật còn có dư thừa. Cho nên một Pháp này, người Đạt-đạo bảo tôi chẳng thành Phật thì có thể được, chứ bảo tôi chẳng hoằng Đạo này thì chẳng được. Sao vậy ? Kẻ nghiệp nhẹ thì phí thời giờ ít. Kẻ nghiệp nặng cần phải tu thời giờ nhiều, cuối cùng là con ba ba trong lu chẳng thể chạy mất. Người hóa Đạo cần phải đem cái sở hữu của mình chia cho các loài hữu tình. Tự mình đã được thọ dụng cũng phải khiến tất cả chúng sanh đồng được thọ dụng, cho nên gọi là tha thọ dụng.
100. TỰ THỌ DỤNG.
Mười phương hư-không, tất cả vi trần số đồng hư-không, trong mười phương thế giới có tất cả chúng sanh, tất cả các Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh muốn thọ nhận sự giáo hóa của Pháp tôi, trước tiên ăn thịt thân tôi. Nếu có một chúng sanh chẳng thọ sự giáo hóa của Pháp tôi, chẳng ăn thịt của thân tôi, tôi thệ chẳng thành Phật. Cho nên ở trong nhân địa hỷ xả tất cả, chỉ biết có chúng sanh, chẳng biết có mình.
Tự nguyện dắt người mù qua cầu, thế người què mang đồ vật, thay người điếc truyền ngôn ngữ, nói chuyện với người câm. Thấy Kinh-phật và giấy chữ bỏ bậy dưới đất, lượm đem cất và quý trọng, thấy sách vở thế gian rơi rớt giữa đường, lượm cất và kính trọng, đừng cho đó là những việc nhỏ mọn phiền phức, công thu dù nhỏ, tích nhỏ thành to. Người xưa nói : "Ngộ Đại-thừa, hành Tiểu-thừa. Mỗi bước Tiểu-thừa tức Đại-thừa". Đến nay thấy người trong một thế giới thì dùng thân người trong nhiều thế giới để cúng dường. Thấy người của một hư-không, dùng thân người của hai hư-không cúng dường. Người ăn thịt tôi sẽ tin Pháp tôi. Người ăn thịt tôi là nuôi dưỡng chúng sanh của tôi. Xả bỏ thịt nhiều chừng nào thì độ chúng sanh rộng chừng ấy khiến cho hư-không-giới tận, chúng-sanh-giới không, độ tha viên tròn, tự độ cũng xong gọi là tự thọ dụng vậy.
101. THIỀN PHÁP(Tổ-sư-thiền).
Điều quan trọng nhất của người tham-thiền là trước tiên phải rõ tông-chỉ của Thiền, kế đó hiểu cách tham.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chư Phật và chúng sanh chỉ cách một cái vọng tưởng, hữu tâm thì thành chúng sanh, ly tâm thì thành chư Phật. Thiền này chính là ở sau tâm chư Phật, trước tâm chúng sanh. Chư Phật và chúng sanh chỉ cách một chữ Thiền, Thiền ở giữa Phật và chúng sanh. Cửa ải Thiền này chưa mở thì là chúng-sanh-giới, mười phương hữu tình vô tình bị một cửa ải Thiền này nhốt chặt. Cửa ải Thiền này bị đập vỡ thì thành cảnh giới chư Phật, mười phương chư Phật, Bồ-tát, Tổ-sư một vai chung gánh, một thể thừa-đương. Cho nên Thiền-tông lấy câu thoại-đầu làm viên ngói gõ cửa, đời này chẳng mở, đời này gõ; đời sau chẳng mở, đời sau gõ, đời đời kiếp kiếp chẳng làm việc thế gian, chẳng hành pháp thứ hai, chuyên môn tử thủ cái cửa ải Thiền này. Gõ tới một ngày nào cửa ải mở (ngộ) thì ông già Thích-ca và Long-thiên Hộ-pháp đều vui mừng khôn xiết, nhớ lại thuở trước rơi lệ khóc to, buồn vui lẫn lộn.
Lại, Thiền là một tờ giấy mỏng giữa định và loạn. Thiền là một mảy bụi giữa mê và ngộ. Thiền là một điểm nhỏ giữa Phật và chúng sanh. Thiền là một miếng giẻ lau giữa sạch và nhơ. Thiền là một thanh kiếm báu giữa Phật và Ma. Thiền là chiếc thuyền Từ trong biển khổ. Thiền là thuốc hay cho người bệnh. Thiền là cây đuốc sáng trong con đường tối tăm. Thiền là pháp lớn để liễu thoát sanh tử. Thiền đoạt lấy cái ổ Niết-bàn. Thiền là con đường lớn thành Phật. Thiền là cái búa bén đập phá hư không. Thiền là tảng đá nặng đè chìm Đại-địa. Thiền diệt tham sân si. Thiền quét kiến chấp nhân ngã. Thiền sanh mười phương Phật. Thiền nói Pháp nhiều như vi trần. Thiền nuôi dưỡng Thanh-tịnh-tăng.
Phải biết, tam thế chư Phật, chư đại Bồ-tát, lịch đại Tổ-sư, Thiện-tri-thức xưa nay đều từ Thiền này sanh. Người mê Thiền này thì thành chúng sanh. Người ngộ Thiền này thì thành chư Phật. Lại, Tổ Đông-độ, Tây-thiên trụ trong Thiền này. Mười phương Đại-địa trụ trong Thiền này. Mười phương Pháp-giới trụ trong Thiền này. Mười phương hư không trụ trong Thiền này. Sum la vạn tượng trụ trong Thiền này. Sự lớn lao của Thiền bao trùm hư không. Thiền là nhà ở của Phật, Tổ và chúng sanh. Người nghe được một chữ Thiền, thấy một chữ Thiền, nói một chữ Thiền đều gieo trồng hạt giống Phật. Cho nên Kinh nói : "Xưng một tiếng Nam-mô Phật đều đã thành Phật-đạo" tức là nghĩa này vậy.
102. TU TẠP HẠNH.
Người tham-thiền giữ chắc một môn làm công phu. Chuyên tham-thiền này hết một đời còn chưa dễ gì làm xong, đâu nên nay làm việc này mai làm việc khác. Phải như con chuột gặm quan tài, chỉ gặm một chỗ, hôm nay cũng gặm, ngày mai cũng gặm, đời này cũng gặm, đời sau cũng gặm, chịu khó lâu dài, một mai gặm thủng, được thọ dụng như ăn đồ ngon, như vậy mới là tay tài giỏi. Nếu gặm bên đông chẳng thủng, liền qua bên tây, gặm dưới đáy chẳng thủng, lại hướng lên trên nóc gặm, dẫu cho ông gặm ba mươi năm vẫn là một cái quan tài không thủng mà chỉ bị nát vỏ mà thôi. Ngay lúc gặm nếu tâm tư phiền não thì dẫu cho nhịn đói chịu khát, bò tới mà gặm, giỏng đít mà gặm, gặm đến chóng mặt trọn chẳng thể thủng, sau mà ngu si khổ não như thế ? Như nghe người nói lạy Phật hay, liền lạy Phật, nghe người nói niệm Phật hay, liền niệm Phật, nghe người nói xem Kinh tốt, liền xem Kinh, nghe người nói tham-thiền tốt, liền tham-thiền, nghe người nói đi hành-hương tốt, liền đi hành-hương, rốt cuộc là bị chuyển theo lời của người, chỉ làm uổng phí thời giờ, hỗn loạn Pháp-môn.
Như thế nào mới chẳng uổng phí thời giờ, chẳng hỗn loạn Pháp-môn ? Thử hỏi : "Lạy Phật là ai ?" biết chăng ? "Xem Kinh là ai ?", "Niệm Phật là ai ?", "Tham-thiền là ai ?", "Đi hành-hương là ai ?" biết chăng ? Ngộ được người lạy Phật, ngộ được người xem Kinh, ngộ được người niệm Phật, ngộ được người tham-thiền, ngộ được người hành-hương, chỗ hành như thế chuyển được tất cả, chẳng bị tất cả chuyển. Đây gọi là chẳng uổng phí thời giờ, cũng gọi là chẳng hỗn loạn Pháp-môn.
Nếu tu tất cả tạp hạnh, cần phải ngộ tâm tu, chẳng nên mê tâm tu. Ngộ tâm tu tạp hạnh thành lục độ vạn hạnh. Mê tâm tu tạp hạnh thành luân hồi sanh tử. Nếu ngộ tâm tu thì chẳng cần hỏi. Nếu mê tâm tu thì phải mau mau chạy vào cửa Thiền-tông đem tâm tu ngộ, rồi mới có thể tu tạp hạnh.
Có người hỏi : "Thế nào là mê tâm ? Thế nào là ngộ tâm ?"
Đáp : "Hễ hữu tâm đều gọi là mê tâm. Tâm vốn vô sanh mới gọi là ngộ tâm. Người tu hành cần phải xét kỹ !
103. CẦU THẦN THÔNG.
Người tham-thiền tham thẳng chẳng nghỉ, tham thông tự liễu ngộ. Ngay lúc tham, chẳng được có tâm chờ ngộ, chẳng được cầu huyền diệu, chẳng được chê Pháp chẳng linh, chẳng được sanh phiền não, chẳng được sanh hoan hỷ, chẳng được sanh sợ hãi, chẳng được cầu thần-thông.
Thường thường, người học pháp cầu thần-thông tính học thần-thông rồi có thể bảo hộ Quốc-gia, gìn giữ phú quý, có thể dạo chơi phương khác, có thể báo oán cừu, có thể được trường thọ, có thể làm phát đạt, có thể mưu sự nghiệp, có thể khỏi bị người hiếp đáp. Như thế đều bị gọi là kiến-giải của kẻ ngu. Sao vậy ? Quỷ-thần ở khắp nơi đều có, hễ cầu thì có thể được thần-thông, song rốt cuộc chẳng phải của mình có.
Như đời Đường có ngài Tam-tạng Đại-nhĩ đến Kinh-đô, tự xưng có thần-thông. Huệ Trung Quốc-sư lúc đó ở tại Triều, liền hỏi Tam-tạng Đại-nhĩ : Nghe nói Tam-tạng có thần-thông phải chăng ?
Vị Tam-tạng này đáp : Phải.
Xin hỏi ông : Tâm tôi ở tại chỗ nào ?
- Đại-sư là thầy của một nước, đâu nên ở trên cầu Thiên Tân xem hát xiếc.
Quốc-sư có nghĩ như thế, nên đáp : Đúng.
Rồi Quốc-sư nhập Na-già-định, hỏi Tam-tạng. Tam-tạng câm miệng, không đáp được.
Quốc-sư mắng rằng : Ông dã hồ tinh (con chồn hoang) này đến làm loạn Đường-triều.
Bèn đuổi ra.
Thử hỏi : Người đã có thần-thông còn bị trục xuất, chúng ta là người tu mù luyện đui, cầu thần-thông đã nuốt bao nhiêu khổ, đã tốn bao nhiêu tiền còn khó có lúc đến tay. Dẫu cho thần-thông đến tay còn chẳng bảo đảm được sự lâu dài của nó. Nghĩ như thế rồi, hãy mau mau tham-thiền, đem cái công phu cùng vốn liếng cầu thần-thông để cầu tham-thiền thì tương lai rất có triển vọng.
Lại nói, người khai đại ngộ đáng lẽ phải có thần-thông, thần-thông lộ bên ngoài không có thần-thông thầm bên trong cũng phải có. Nếu thật không có thần-thông mà nói khai đại ngộ thì người ta không tin. Thử hỏi : Thế gian lấy Pháp lợi sanh, chưa nghe nói lấy thần-thông lợi sanh. La-hán có thần-thông còn chẳng trụ Thế. Bồ-tát lấy Pháp lợi sanh thường trụ thế gian. Lại, chư Tổ đời trước đa số có thần-thông, chỉ tự chẳng nói tôi có thần-thông. Người Đại-thừa cho thần-thông là đồ bán ế đương-cơ.
Người Tiều-thừa thì cho thần-thông là kỳ đặc, hy hữu. Thật là chưa biết chỗ trọng yếu của Cơ-giáo vậy.
104. HIẾU THẮNG.
Người tham-thiền chỉ lo chân thật tham-thiền, nỗ lực công phu. Lúc đánh mất công phu, lấy đầu đập vào cột, hoặc đập đầu xuống đất, nước mắt tuôn dầm dề trên má, mới có tư cách tham-thiền.
Nếu chẳng ở trên bổn-tham gấp lo dụng công phu mà chuyển ở ngoài công phu khoe tài, tôi cao, ông thấp, tôi làm được, ông không làm được. Như vậy, thật là uổng phí thời giờ. Như tọa-hương, người ngồi hôn trầm, ta ngồi tỉnh táo. Người bảo-hương cúi đầu, ta bảo-hương ngay thẳng. Người đứng dậm chân, ta đứng thẳng như tường vách. Người ngủ duỗi chân, ta nằm kiết-tường. Người suốt ngày nói chuyện, ta suốt ngày không mở miệng. Người đi đường quay đầu, ta đi đường oai nghi. Người phạm Quy-củ bị phạt, ta giữ Quy-củ tu hành. Người gặp người chào hỏi, ta gặp người đụng phải mà không biết (có nghi-tình). Người thỉnh khai-thị nhiều, ta chưa từng thỉnh một lần. Người ngủ mê, ta chẳng nằm. Mỗi ngày người ăn bốn bữa, ta ăn ba bữa. Người thích ra ngoài làm ruộng, ta thích tịnh-tọa. Người này nhân cách tuy cường thắng, song chẳng phải tư cách của Đạo-nhân. Tâm hiếu thắng này, có người ở trên Đạo-tâm muốn thanh cao, có người ở trên nhân ngã giành hơn thua, cũng chẳng hoàn toàn là phải, cũng chẳng hoàn toàn là quấy. Nếu hoàn toàn là phải thì không có cơ hội khai-ngộ. Nếu hoàn toàn là quấy thì tuy hiếu thắng cũng là hiếu thắng ở trong Đạo-tràng, ở trong Chúng tu hành. Cho nên chỉ cho "hiếu tham-thiền" chứ không cho hiếu thắng, mới là người chân thật hiếu thắng.
Phải biết, lớn nhất trên trời, không ai bằng Thiên-vương, Thiên-vương lớn nhất cũng không qua khỏi cái chết. Điều lớn nhất của con người là sống. Điều lớn nhất của sống chẳng qua được cái chết. Dẫu cho người cường thắng nhất, anh hùng nhất của cõi Trời cõi người rốt cuộc chẳng lớn hơn sanh tử. Đã biết sự trọng đại của hai chữ Sanh-tử siêu cõi người cõi Trời, nếu ở tại cõi Trời cõi người giành cường giành thắng thì chẳng phải bậc Trượng-phu xuất cách. Cần phải trụ Tòng-lâm chuyên lo việc lớn sanh tử. Một mai việc lớn này làm xong, thật là thế gian không thể sánh được. Việc sanh tử này, dù ông tu Pháp-môn nào, muốn liễu sanh tử chỉ là gián tiếp, chỉ có một Pháp tham-thiền hợp cơ bậc nhất, rất là trực tiếp. Pháp tham-thiền không có đại dụng nào khác hơn là minh Tâm kiến Tánh, liễu sanh tử, thành Phật - Tổ, độ chúng sanh đó là Chánh-dụng của tham-thiền. Bỏ pháp tham-thiền này ra, đều là Pháp-môn hàng nhì.
105. DỤNG CÔNG PHU NGOẠI ĐẠO.
Người tham-thiền cần phải quyết tử giữ chặt Pháp-thiền. Người chẳng biết tham, chẳng chịu tham, chẳng thể tham, chẳng nguyện tham, cũng chẳng bao giờ rời bổn-tham.
Thế nào là bổn-tham ?
Bổn-tham, người đời có cái tham này, Tăng-sĩ có cái tham này, người nguyện tham có cái tham này, người chẳng nguyện tham có cái tham này. Thật vì mọi người vốn sẵn cái tham này (nghi-tình) nên mỗi người chưa từng rời cái tham này. Người không tham cũng có bổn-tham, người tham cũng có bổn-tham, chưa ngộ là bổn-tham, ngộ rồi cũng bổn-tham, sơ-tham là bổn-tham, lão-tham cũng là bổn-tham, đều do mọi người vốn đủ tâm này, vốn đủ tánh này, cho nên người hành Đạo-thiền chính là có đủ bổn-tham. Tâm của mỗi người như vậy, nghĩa của bổn-tham cũng như vậy, đây gọi là cội gốc của sự tham-thiền.
Lúc gần đây, có người tu thiền biết rõ tham-thiền là Pháp-môn bậc thượng, là hơn hết các Thừa, tự cảm thấy không đủ sức tham-thiền, trở lại dụng công phu Ngoại-đạo của lúc trước, thật đáng thương xót ! Tự bỏ Đại-thừa, lượm Tiểu-thừa, bỏ nhân địa Phật, lấy nhân địa thế gian. Người tham-thiền tại sao có cái lầm này ? Do người tham-thiền chẳng biết cội gốc của tham-thiền, cho nên chẳng dám dụng công sâu học Phật, vì càng học càngkhông. Hôm nay thấy được cái không này lại sanh hoảng sợ, vì nhớ lại lúc ở tục-gia thường nghe người ta nói : Xuất-gia là vàocửa không mà chẳng biết nghĩa không là gì ? Ta hôm nay nếu dụng công phu theo thế tục cảm thấy dường như có sức mạnh, lại còn cảm thấy có mùi vị nữa. Nếu dụng công tham-thiền, cái này cũng quét sạch, cái kia cũng quăng hết, khiến cho sắc thân một chút cũng chẳng trụ, vọng tâm một chút cũng chẳng dính mới thật là vào cửa không, chẳng bằng dùng công phu Ngoại-đạo của mình trước kia mới thực là đúng đắn. Người ấy nghĩ như vậy bỏ Chánh-đạo theo Ngoại-đạo. Tu theo Ngoại-đạo được sanh lên cõi Trời, lúc tuổi thọ ở cõi Trời hết trở lại đầu thai vào thân người, thân heo dê. Chánh-đạo thì thành Phật, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Ước mong người dụng công phu Ngoại-đạo hãy so sánh lại thử xem ! Lại nữa, công phu của Ngoại-đạo, người thế tục dụng có công, Tăng-sĩ dụng có lỗi. Vì sao có lỗi ? Xuất-gia tham-thiền là để liễu thoát sanh tử, công phu của Ngoại-đạo thêm sanh tử, chẳng phải lỗi là gì ?
106. HIỂU LẦM.
Người tham-thiền hoặc do trong đời quá khứ tạo nghiệp ác nặng, nghiệp thiện nhẹ hoặc chưa gieo duyên với Phật hoặc chưa tu tập Bát-nhã, dù được xuất-gia, nhưng khó nhập Đạo, một phen gặp nghiệp duyên đời trước, chẳng phải tâm cuồng thì thân cũng loạn. Như người đi lạc đường bỗng gặp đống vàng, hoang mang không biết phải làm sao, lượm thì chẳng được, bỏ thì thấy tiếc. Lượm thì sợ bị phạm pháp, bỏ thì sợ người khác lấy. Suy nghĩ trăm mưu ngàn kế cũng chưa biết phải làm sao, lâu ngày kết nơi tâm dần dần thành ra bệnh nặng. Việc khác cũng lấy đây suy ra mà biết. Do đó, thân điên cuồng, tâm rối loạn, người có ý bài xích Thiền-tông, thấy người đó dường như nhập Ma, dường như bệnh tâm thần, vội gán tội cho Thiền-tông, do tham-thiền mà có chứng bệnh này. Kỳ thật là do họ không có tri kiến chân chánh về Phật-pháp, mù quáng tạo nghiệp địa-ngục A-tỳ mà chẳng tự biết. Có bọn người tu Đại-thừa. Cho nên Chứng Đạo Ca nói là : "Nghe người nói môn Đốn-giáo của Như-lai (tức là Tổ-sư-thiền), hận thù muốn đập tan nát như ngói bể". Vừa nghe có người muốn tham-thiền, vội nói : "Tham-thiền e sợ nhập Ma", chận đầu đốn một nhát, khiến người nghe liền đổi pháp tu, như vậy cứ bài xích cái pháp khác mình. Cái tội phá Pháp không có cái tội nào lớn hơn tội phỉ báng Thiền-tông.
Nhưng bệnh này do hai nhân duyên phát khởi :
l. Trong tiền kiếp, tâm nhiễm yêu ghét quá sâu, tu hành Tà-đạo hoặc ngỗ nghịch với cha mẹ, hoặc phỉ báng Thánh-hiền, hoặc làm nhơ uế Già-lam, hoặc phá Giới-luật, xứng ý thì vui như điên, nghịch ý thì giận phát cuồng, khiến cho thân tâm thác loạn, đều do thức hôn mê thân vô chủ lạc mất Chánh-niệm, đuổi theo ác cảnh làm những hành vi trái lý, tục gọi là bệnh tâm thần, Tăng gọi là nhập Ma. Những việc này với việc tham-thiền thật chẳng có mảy may dính dáng.
Thường thường, có người sợ nói : "Tham-thiền dù tốt, nhưng sợ nhập Ma". Lời này thốt ra khỏi miệng, nhất định bị đọa Địa-ngục không cứu được. Sao vậy ? Tự mình lìa Đại-pháp tham-thiền lại dạy người lìa Đại-pháp tham-thiền như thấy người té xuống nước, tự mình chẳng chịu cứu, còn bảo người khác đừng cứu. Tội ấy thế nào ? Hãy nghĩ xem !
Lại như tự mình chẳng hành Phật-đạo, nói Phật-đạo sai, cũng khuyên người khác đừng hành Phật-đạo, nghiệp ác này cảm hai thứ báo :
a) Tự phỉ báng Chánh-pháp, bị đọa địa-ngục A-tỳ một đại kiếp mới ra, còn phải chịu ở địa-ngục Hàn-băng.
b) Đoạn hạt giống thiện của người khác khiến cho người sanh phỉ báng, phải đọa địa ngục A-tỳ bốn đại kiếp, ra khỏi Địa-ngục này rồi còn phải chịu các Địa-ngục khác nữa.
Sao chẳng nghĩ đến điều đó ! Chướng nặng đời trước chất chứa tới đời này đến nỗi thân tâm lúc nào cũng cuồng loạn, lạc mất Chánh-niệm, gánh chịu khổ sở. Nếu biết phải tự trách lấy mình, đâu dám phỉ báng Chánh-pháp. Cái bệnh nặng này chỉ có tham-thiền mới có thể trị, không có pháp nào khác để cứu, sao lại đặt điều vu khống là tham-thiền sanh ra cái bệnh nặng này ? Đây dù là lời nói không có căn cứ mà đã tạo tội lớn. Vì sao ? Người thế tục dù không tham-thiền cũng có bệnh tâm thần, có bệnh điên cuồng, nên các nơi đều có nhà thương điên để trị liệu, sao lại gán tội cho tham-thiền. Người phỉ báng tham-thiền không có nhà thương nào trị được.
2. Cần phải biết rằng thường thường người mắc chứng bệnh này, vì trong đời trước tạo nghiệp quá thuần thục chưa kịp chịu cái quả báo khổ kịch liệt. Do nhân cảm quả, nay bỗng gặp nhau khiến cho thân tâm đều tối, mờ mịt chẳng tự biết. Vì tạo nhân này nên cảm báo này, như sứt môi là do phỉ báng Tam-bảo, phỉ báng Thiện-tri-thức, lại như lúc còn ở thế tục lén làm tổn thương người vô tội, trộm vật của Chúng-tăng, dâm với người có Đạo, lừa gạt vật quý, phạm các Thánh-giới căn bản của Phật, nhẹ thì thổ huyết mà chết, nặng thì nhập Ma mà chết, có người bị mù mắt, có người bị chết bất đắc kỳ tử. Phạm tội thì phải chịu lấy quả báo, theo lý thì thọ báo đời sau, nhưng vì nghiệp ác quá nặng nên hiện đời bị giảm thọ. Có người nghiệp ác nặng hơn nên ngay nơi thân đang sống này bị đọa Địa-ngục.
Người ta thường nói : "Nhập-ma là Ma nhập tâm khiến cho tâm cuồng loạn". Điều đó chẳng đúng.
Trong kinh Đại Bát-nhã có đoạn Xá-lợi-phật hỏi ngài Văn-thù : Sức Ma rất lớn hay nhập vào Tâm-phủ của người đặng làm chủ phải chăng ?
Ngài Văn-thù đáp : Chẳng phải vậy. Này Xá-lợi-phất ! Phật, Bồ-tát có thể nhập vào tâm của Ma, Ma chẳng thể nhập vào tâm của Phật, Bồ-tát và người tham-thiền.
Lúc ấy, Ma tính nhập vào tâm Tỳ-kheo mà không nhập được. Bồ-tát Văn-thù nhập vào trong tâm Ma, liền hiện ra ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, thuyết pháp Bát-nhã, Trời, người nghe Pháp ngộ đạo rất đông. Sau khi ra khỏi tâm Ma, mà Ma chẳng biết vừa rồi là Bồ-tát Văn-thù khiến Ma làm Phật thuyết Pháp, Trời người khai ngộ cũng có, Tỳ-kheo đắc quả cũng có. Ngài Văn-thù lại nhập vào tâm của Xá-lợi-phất làm Phật thuyết Pháp như trước. Thế nên biết rõ ràng Ma chẳng thể nhập vào Tâm người. Tất cả Thánh-hiền có thể nhập vào tâm Ma khiến Ma cuồng loạn, khiến Ma già nua cũng có.
Ước mong mọi người hoặc niệm ác hoặc niệm thiện sau khi thọ quả báo thiện hoặc ác rồi đều có hy vọng liễu thoát sanh tử luân hồi. Nếu miệng nói một chữ Ma, tâm nghĩ một niệm Ma là lìa giòng giống Phật, dần dần thành quyến thuộc Ma-vương. Phật-tử chẳng làm việc Ma, làm thì thành con của Ma. Tôi thống thiết khuyên quý vị Tăng, tục là phải làm Phật-tử chân chánh.
Thế nào là người Phật-tử chân chánh ? Trì cấm Giới của Phật, hành Chánh-hạnh của Phật, nói lời của Phật, ăn thức ăn của Phật, mặc y của Phật, làm hạnh của Phật, ở chỗ của Phật, ngồi tòa của Phật, nằm giường của Phật, đây là việc lục độ vạn hạnh của người Phật-tử chân chánh vậy.
Pháp tham-thiền được coi là trên hết, tất cả pháp phàm phu Ngoại-đạo thì mê tâm, Pháp tham-thiền thì ngộ Tâm. Mặc cho thân bệnh, tâm bệnh, bệnh điên, một phen trị liền lành, khôi phục lại nguồn tâm, thuốc đến bệnh trừ, hiểu lầm đổi thành liễu ngộ. Người phỉ báng tham-thiền, gán tội cho tham-thiền là nhập Ma, đâu biết bệnh Ma ở thế gian chỉ có tham-thiền mới trị được. Kẻ phỉ báng tham-thiền chẳng phải là Ma thì là cái gì ? Nhưng cái bệnh phỉ báng tham-thiền, dù phương pháp nào cũng chẳng trị được, rốt cuộc thành ra bị đọa Địa-ngục.
107. CÔNG PHU CHẲNG BỊ THẾ GIAN CHUYỂN.
Người tham-thiền dụng công phu đến chỗ chẳng bị tất cả chuyển, chẳng bị thế gian chuyển, chẳng lẽ không ăn cơm thế gian, không uống trà thế gian ? Thực chẳng phải vậy.
Đã biết thế giới vô thường, các hành chẳng phải trường cửu, dù ở thế gian mà thường lìa thế gian, chỉ ở đất thế gian mà chẳng nhiễm tình thế gian. Vì sao nói chỉ ở đất thế gian ? Phải biết, đất là chỗ sanh là đồ dinh dưỡng con người, đất là chỗ chúng sanh tạo nghiệp, đất là chỗ chư Phật thực hành việc giáo hóa, đất là chỗ Bồ-tát hành Đạo, đất là chỗ nhân gian tạo ra vật dụng, đất là chỗ loài người và chúng sanh đứng chân. Ba tai nạn lớn đến thì quả đất bị hủy diệt. Người tu hành chí Đạo, cho đất là nhà lửa, cho đất là biển khổ. Cái hại của đất rất lớn mà cái lợi của đất cũng rất lớn. Người có sanh lão bệnh tử, đất có thành trụ hoại diệt. Đại tử của người, đại không của đất, đất cùng người đồng một bản tánh, đất cùng người chung một thứ sanh. Người tham-thiền ở nhờ nơi đất, vì đất cho người ở là trong bổn phận, chẳng phải là ngoài bổn phận, nên dù ở mà không có lỗi.
Tình thế gian là tất cả sự thấy nghe, thủ xả, cảm tình yêu ghét, nhân ngã thị phi, phiền não vô minh, quả báo thiện ác, Thiên-đường, Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh, tham sân, thập ác, ngỗ nghịch, bất thiện, cho đến tất cả hành vi trong cuộc sống hàng ngày... Nay chúng ta dụng công phu tham-thiền có ngày đập vỡ Lao-quan thì chẳng những tình thế gian không mà đất thế gian cũng không, vật ngoài bổn phận chẳng trụ mà vật trong bổn phận cũng chẳng trụ.
Hôm nay công phu chẳng bị thế gian chuyển là vì luôn luôn chuyên tâm nhất trí dụng công phu, không có mảy may dính mắc ngoại cảnh, nên ngước lên chẳng thấy bầu Trời, chẳng những chẳng thấy mà cái niệm ngước lên còn bất khả đắc thì đâu có bầu Trời để thấy, cúi xuống không thấy mặt đất, chẳng những không thấy mà cái kẽ hở để cúi xuống cũng bất khả đắc thì đâu có mặt đất để thấy. Thậm chí đi chẳng biết mình đi, ngồi chẳng biết mình ngồi, đứng chẳng biết mình đứng, nằm chẳng biết mình nằm, đều là quên thế gian. Các thứ của thế gian đã quên được sạch hết, ấy là công phu tham-thiền đã lìa thế gian. Nay còn ở thế gian là vì nuôi dưỡng tham-thiền, thân dù trụ ở thế gian bất quá là do nghiệp báo của thân tạo từ đời trước. Nghiệp báo còn một ngày thì thân trụ một ngày, lúc nghiệp báo hết thì thân trở về đất. Đất nuôi dưỡng thân ta, thân ta trụ ở trên đất. Cảm cái ơn của đất và nước vun bồi Đạo-niệm cho ta. Cảm cái đức của thế gian làm cho ta ngộ Pháp-thân. Mấy mươi năm công phu chỉ lo tham-thiền, ăn của thế gian, uống của thế gian mà chưa làm việc cho thế gian, nay mượn hương hoa thế gian để vun bồi phước huệ cho mình. Một mai công phu làm đến nơi đến chốn thì chuyển được thế gian.
Đó là :
Tương thử thân tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân.
Cũng gọi là tổng báo bốn ân (ân Phật, ân Sư-trưởng, ân Cha-mẹ, ân Chúng-sanh) vậy.
108. CÔNG PHU CHẲNG BỊ THÂN CHUYỂN.
Người tham-thiền làm được đến chỗ chẳng bị thế gian chuyển là công phu có tiến bộ rồi.
Thế nào là chẳng bị thế gian chuyển ? Như ngay lúc tham-thiền, bên ngoài có sắc tướng đẹp, không có tâm ngó ngàng tới, đây gọi là chẳng bị thế gian chuyển.
Chẳng bị thân chuyển : Thân là gốc của các khổ, thân là kẻ đầy tớ của thế giới, thân là nhang đèn của Thiên-đường, thân là hòn sắt nóng của Địa-ngục, thân là rượu ngon của Tu-la, thân là yết hầu của Ngạ-quỷ, thân là lông vẩy của Súc-sanh, thân là túi phẩn của loài người, thân là thiền định của Nhị-thừa, thân là hóa thân của Bồ-tát, thân là sự nghiệp của chư Phật, thân là tâm can của Tổ-sư. Một chữ Thân khổ phi thường mà vui cũng phi thường. Thân là dụng cụ của việc ác cũng là dụng cụ của việc thiện. Phải biết thân vốn vô tình, bị hữu tình sai khiến tạo nên thế giới, tạo nên nhân gian, cho nên chẳng có thân thì không tạo được. Ngày nay, tham-thiền chính là cần phải đập vỡ cái dụng cụ tạo nghiệp này. Sao nói là dụng cụ ? Thân dù vô tình, nếu bị người ác chi phối thì người ác làm chủ thân này, người ác muốn ăn cơm, sai khiến cái thân mau mau đi làm cơm, muốn tà dâm, sai cái thân mau mau làm việc xấu. Do đó, thân là người gỗ, người gỗ cho nên là dụng cụ của người ác.
Người tham-thiền ngay lúc dụng tâm nếu tùy thân (dụng cụ) chuyển động thì lúc đó công phu tham-thiền dễ dàng bị thân chuyển. Há chẳng thẹn ư ? Nếu thấy sắc đẹp thì xả con mắt, nghe tiếng hay thì xả lỗ tai, ngửi mùi thơm thì xả lỗ mũi, nếm vị ngon thì xả cái lưỡi, xúc giác êm ái thì xả thân căn, biết pháp hay thì xả ý căn. Thân dụng cụ tạo nghiệp này hoàn toàn xả được hết tức là chẳng bị thân chuyển. Nếu không có sức để xả hoàn toàn, chỉ xả một hai chỗ, rốt cuộc cũng bị toàn thân chuyển. Sắc-thân này rất là lợi hại, như người bị con mắt chuyển thì công phu tham-thiền bị đánh đổ, tham cái vui chốc lát của thế gian, muốn quày đầu dụng công lại thì tâm vẫn bị chi phối, dù dụng công thế nào đều chẳng nhập tâm như cách lớp giày gãi ngứa. Từ đây về sau uổng chịu khổ một đại kiếp, thân bị lửa đốt thành đống lửa, vào đất không cửa, kêu Trời chẳng thấu. Lúc này phải chịu đau khổ dài lâu, chỉ vì lúc trước thích vui chốc lát, bây giờ chịu khổ tâm nào nhớ đến công phu. Vì thế, người tham-thiền hận cái thân này đến thấu xương, vội lo tham-thiền, chẳng cho có một niệm nhỏ duyên ở trên thân. Một phen bị chuyển đi rồi khó mà trở lại, dù cho có trở lại cũng chỉ là một bộ mặt giả. Sao vậy ? Sau khi bị thân chuyển thì thân liền thọ quả báo hiện tại, vị lai ở nhân gian. Vì thế, dù thân có ngứa, có đau, có nhơ, có sạch cũng đừng màng đến nó là tốt nhất. Vừa để ý đến thân là bị thân chuyển. Ngay lúc bị thân chuyển, phải mau quở lấy mình, mới có thể cứu được.
=> Phần cuối