Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4 (đang xem)
Chương 5
CHƯƠNG IV
CẢNH NGỮ KHAI THỊ LÚC NGHI TÌNH PHÁT KHỞI
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, thấy cả Đại-địa sáng suốt không có mảy lông chướng ngại bèn muốn thừa-đương việc này, chẳng chịu buông tay, ngồi bên cạnh Pháp-thân, do đây mạng-căn chẳng cắt đứt, ở trong Pháp-thân dường như có kiến địa, có thọ dụng. Trái lại, chẳng biết toàn là con chứ chẳng phải cha, Cổ-nhân gọi đó là “Câu cách thân”. Mạng-căn chẳng cắt đứt, toàn thân là bệnh, chứ chẳng phải thiền. Đến chỗ này chỉ cần toàn thân ngộ nhập thừa-đương cái việc lớn, cũng chẳng biết có người thừa-đương. Cổ-đức nói : “Vực thẳm buông tay, tự nhận thừa-đương, chết đi sống lại chẳng dối được ai”. Nếu mạng-căn chẳng cắt đứt, toàn là tâm sanh diệt. Nếu mạng-căn cắt đứt rồi, chẳng biết chuyển thân nhả khí thì gọi là người chết, chứ chẳng phải cứu cánh. Mấy Đạo-lý này chẳng phải khó hiểu, chỉ tại hành-giả chẳng chịu Thiện-tri-thức. Nếu gặp Thiện-tri-thức đụng nhằm chỗ đau lập tức biết đường về, bằng không thì vùi thây muôn dặm.
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, khuấy đục thế giới được một đoạn thọ dụng như dậy sóng cuồn cuộn, hành nhân say đắm sự thọ dụng này, xô chẳng tới, kéo chẳng lui. Do đây, chẳng được toàn thân ngộ nhập như người nghèo gặp được một tòa núi báu, rõ ràng biết đó là vàng, song chẳng thể lấy dùng. Cổ-nhân gọi đó là người giữ kho báu, toàn thân là bệnh, chứ chẳng phải thiền. Đến chỗ này chỉ cần phải màng nguy vong mới cùng Pháp-thân tương ưng. Ngài Thiên Đồng nói : “Khắp cùng Pháp-giới thành cơm cả, tha hồ chúi mũi ních cho no”. Nếu chẳng tha hồ chúi mũi thì như ngồi bên thùng cơm mà chịu chết đói, ở trong biển cả chết khát, giúp được việc gì ? Vì thế nói, sau khi ngộ cần phải gặp Thiện-tri-thức là điều rất gương mẫu. Nếu tự thừa-đương việc này, chẳng chịu gặp Thiện-tri-thức nhổ đinh tháo chốt, đều là người tự dối vậy.
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, thấy núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước, cả Đại-địa lấp bít không một kẻ hở bằng mảy lông, chợt sanh tâm suy lường dường như che chướng trước mặt, ngần ngại thân tâm, đề cũng chẳng khởi, đập cũng chẳng vỡ; khi đề khởi dường như có, lúc buông xuống dường như không, mở miệng nhả khí chẳng được, dời thân đổi bước chẳng được, chính ngay lúc ấy cũng chẳng được, đến chỗ này toàn thân là bệnh chứ chẳng phải thiền. Trái lại, Cổ-nhân dụng tâm thuần nhứt, nghi-tình phát khởi thấy núi chẳng phải là núi, nước chẳng phải là nước, chẳng sanh tâm suy lường, chẳng khởi niệm khác, cứng cỏi bức bách; chợt một mai đập vỡ khối nghi, toàn thân là mắt, thấy núi vẫn y nguyên là núi cũ, nước vẫn y nguyên là nước cũ; sơn hà đại địa từ chỗ nào đến, tìm một mảy lông dấu vết ngộ trọn chẳng thể được. Đến chỗ ấy, cần phải gặp Thiện-tri-thức. Nếu chẳng gặp Thiện-tri-thức thì cây khô trước núi, trong đường tẻ lại có đường tẻ. Người nào đến đây mà chẳng dần dà, chẳng bị cây khô làm vấp ngã, thì Bác Sơn này cùng với người ấy kết bạn đồng tham.
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, bèn trầm trầm, tịch tịch, thôi đi, nghỉ đi, một niệm vạn niên đi, đem nghi-tình bỏ vào trong lý Pháp-thân chẳng được thọ dụng, luôn chết đi không hồi hổ, không quản đới, không khí tức toàn bị tử thủy ngâm chết, tự cho là cực-tắc, toàn thân là bệnh chứ chẳng phải thiền. Dưới hội Thạch Sương, người dụng công loại này rất nhiều, dẫu cho ngồi tịch đứng chết cũng chẳng được thọ dụng. Nếu nhận được kiền chùy, biết được đau ngứa, chuyển được thân, nhả được khí mới là người tham-thiền. Nếu chẳng biết đau ngứa, tuy hội được câu Pháp-thân, dẫu tọa-đoạn (quét sạch) mười phương, có dùng được cái gì ? Ngài Thiên Đồng nói : “Tọa-đoạn mười phương còn điểm trán, thầm dời một bước thấy rồng bay”. Cổ-nhân có nhiều cảnh-ngữ dạy người, có nhiều cát-đằng trao phó, tự người ấy chẳng chịu tham đến thấu triệt mà muốn bắt chước Thiện-tri-thức ở trong chỗ thiên quân vạn mã được ngàn tự do trăm tự tại, há chẳng phải là khó sao ?
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, ngồi chỗ lóng lặng chẳng lay động, sạch trọi trơn, không thể nắm bèn buông thân đi, chẳng biết được chuyển vị xoay cơ, nhằm chỗ này gắng gượng lập Chủ-tể, kẹt bên cạnh Pháp-thân, toàn thân là bệnh chớ chẳng phải thiền. Ngài Động Sơn nói : “Núi hiểm cảnh lạ, hạc chẳng dừng ở. Cây linh khác thường, phụng không nương gá”. Phải biết bốn chữ núi hiểm,cây linh rất là huyền áo, chẳng phải cứng nhắc. Bốn chữ chẳng dùng, không nương rất là hoạt bát, chẳng phải chết cứng một chỗ. Nếu chẳng tham-cứu đến chỗ huyền áo ắt chẳng biết chỗ sâu của sự nhập lý. Nếu chẳng đến chỗ diệu của xoay cơ. Đạo-nhân dụng tâm, dụng đến chỗ chẳng thể dụng, tốt nhứt nên gặp Thiện-tri-thức đập vỡ thùng sơn được chỗ triệt ngộ, đâu nên ôm cái ngu như ôm cây đợi thỏ, kẹt ở một bên, cam tâm làm con Hạt trong lồng, con Phụng rụng lông ư ?
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, trước mặt mơ hồ dường như có. Đem cái chỗ mơ hồ này nghi tới nghi lui định chắc cái tiền cảnh rồi tự cho là nhập lý Pháp-thân, thấy được Pháp-giới-tánh. Chẳng biết những thứ này là do dụi mắt tạo thành, toàn thân là bệnh chứ chẳng phải là thiền. Nếu thật là người nhập-lý thì thế giới rộng một trượng, gương xưa rộng một trượng, thân dọc ngang giữa vũ trụ, tìm căn, trần, khí thế giới trọn chẳng thể được. Lại lấy cái gì làm thân, lấy cái gì làm cảnh, lấy cái gì làm vật, lấy cái gì làm chỗ mơ hồ. Ngài Vân Môn cũng chỉ ra bệnh này trong một bài Pháp-ngữ dài. Nếu rõ được một bệnh này thì ba thứ bệnh kể trên đều tiêu hết. Bác Sơn tôi, thường bảo người học : Trong Pháp-thân bệnh rất nhiều, chỉ cần bệnh nặng một phen mới biết được gốc bệnh, giả sử người khắp cả quả đất này tham-thiền, chưa có một người nào chẳng bị bệnh Pháp-thân, duy trừ người điếc, đui, câm, ngọng, mới chẳng ở trong phạm vi này.
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, thấy Cổ-nhân nói : “Cả đại-địa là một mắt của Sa-môn, cả đại-địa là một điểm linh quang của chính mình”, lại dẫn lời trong Kinh nói : “Trong một hạt bụi bao hàm chân lý của vô biên Pháp-giới”, bèn nhằm vào chỗ này lãnh hội, chẳng chịu cầu tiến, sống chẳng được, chết chẳng được, lấy tri giải này cho đó là ngộ, toàn thân là bệnh chứ chẳng phải thiền. Trái lại, chẳng biết dẫu cùng lý Pháp-thân tương ưng, nếu chẳng thấu thoát thì toàn là lý chướng, đọa bên cạnh Pháp-thân, hà huống bị cái tâm tri giải kéo dắt, chẳng thể nhập lý sâu xa, con khỉ này nắm chẳng chết.Nó chẳng chết đi thì làm sao được chết rồi sống lại ? Phải biết, ban đầu phát khởi nghi-tình cần phải cùng lý tương ưng, đã cùng lý tương ưng cần được chỗ thâm nhập; đã được chỗ thâm nhập cần phải hướng trên đầu núi muôn trượng nhào lộn, buông thỏng tay xuống tận đáy sông Chương mới là bậc Đại-nhân dụng tâm. Bằng không, đều là kẻ nắm lấy sự hư vọng, chứ chẳng phải người gieo giống nhà thiền.
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, đi, đứng, ngồi, nằm như ở trong ánh sáng mặt trời, như ở trong bóng đèn, lạt lẽo không mùi vị. Hoặc toàn thân buông bỏ, ngồi đến lúc nước lóng ngọc sáng, lúc gió mát trăng trong, chính ngay lúc ấy, trong Y-báo, Chánh-báo đều thành một phiến cảnh thanh tịnh linh lợi, tự cho đó là cứucánh, chẳng được chuyển thân nhả khí, chẳng được thỏng tay vào chợ, lại chẳng chịu cầu người quyết trạch. Hoặc hướng vào trong chỗ bạch-tịnh riêng sanh ra niệm khác cho đó là ngộ, toàn thân là bệnh chứ chẳng phải thiền. Ngài Thiên Đồng nói : “Ánh sáng thanh tịnh chiếu vào mắt tợ mê không biết đường về, rõ ràng chuyển thân hãy còn rơi vào địa vị”. Bởi vì ánh sáng thanh tịnh chiếu vào mắt, há chẳng phải nước lóng ngọc sáng, gió mát trăng trong ư ? Rõ ràng chuyển thân còn tiến được một bước chỉ cần bốn chữ tợ mê, địa vị một Ấn ấn-định, hành-nhân đến chỗ này, làm sao xử trí, chỉ cần có cuộc chuyển biến lớn, cầm một cọng cỏ dùng làm thân vàng một trượng sáu, cũng chưa là ngoài bổn phận. Bằng không, là đóng cọc trên đất chèo ghe, leo cây bắt cá, gọi là người không khí huyết, dẫu có đánh chết ngàn người muôn người cũng không có tội lỗi gì !
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, ở bên cạnh Pháp-thân sanh ý tưởng kỳ đặc, thấy ánh sáng, thấy bông hoa, thấy các thứ tướng lạ, bèn cho là chứng Thánh, đem những việc lạ này khoe khoang mê hoặc người, tự cho rằng mình đại ngộ, chẳng dè toàn thân là bệnh, chứ chẳng phải thiền. Phải biết những cảnh tượng lạ này hoặc là vọng tâm của mình ngưng kết mà thành, hoặc là cảnh Ma thừa sơ hở mà vào, hoặc là trời Đế-thích biến hóa hiện ra để thử. Vọng tâm ngưng kết, như người tu Tịnh-độ quán tưởng chẳng dời niệm chợt thấy tượng Phật, tượng Bồ-tát… như trong kinh Lục Quán nói, đều cùng với lý Tịnh-độ hợp, chẳng phải là yếu môn tham-thiền. Thừa sơ hở mà nhập, như trong kinh Lăng Nghiêm lúc năm Uẩn không, tám hành nhân có chỗ chấp trước, Ma liền theo ý mà hiện. Biến hóa hiện ra để thử, như lúc Bồ-tát tu hành, trời Đế-thích hóa thân hiện ra quỷ không đầu, quỷ không ngũ tạng, Bồ-tát tâm không sợ hãi. Đế-thích hiện thân mỹ nữ, Bồ-tát không có tâm ái nhiễm. Lại hiện thân Đế-thích lễ bái rằng : “Núi Thái có thể sụp, nước biển có thể cạn, khó có thể làm động tâm bậc Thượng-nhân kia”. Cho nên nói : “Tội khéo của bọn người Tà-đạo kia có tận, còn cái chẳng thấy chẳng nghe của Lão-tăng vô cùng tận”. Nếu người thật sự tham học dẫu đao bén gí trước mặt, không chút động niệm, hà huống cảnh tướng không thật trong định ư ? Đã cùng lý tương ưng ắt ngoài tâm không có cảnh, tâm năng quán, cảnh sở hiện còn đặt để ở chỗ nào ?
Tham-thiền nghi-tình phát khởi cùng lý Pháp-thân tương ưng, cảm thấy thân tâm khinh an, động chuyển thi vi chẳng ngăn ngại nhau. Đây là đạo chánh thiên giao nhau, tứ đại điều hòa thơ thới chốc lát như vậy, chẳng phải cứu cánh. Người không biết kia bèn buông bỏ nghi-tình, chẳng chịu tham-cứu tự cho là được đại ngộ. Trái lại, chẳng biết mạng-căn chẳng cắt đứt, dẫu có thể nhập lý song toàn là Thức-tâm, vì dùng Thức-tâm suy lường, toàn thân là bệnh chứ chẳng phải thiển. Vì nhập lý chẳng sâu, chuyển thân quá sớm, tuy có tri giải sâu song chẳng được thật dụng. Dẫu được hoạt-cú, tốt nhất nên đến bên suốt dưới rừng bão dưỡng hàm súc, điều thiết yếu là chẳng nên nóng nảy muốn dạy người, dối trá tự tôn tự đại. Phải biết đầu tiên dụng tâm nghi-tình phát khởi, lúc kết thành một khối chỉ đợi nó tự vỡ tung ra mới được thọ dụng. Bằng không hơi có tri giải nhập lý liền buông bỏ nghi-tình, chỗ này quyết định là chết chẳng được, quyết định là tham chẳng triệt; một đời luống qua chỉ có danh tham-thiền mà không thật tham-thiền. Dẫu cho đến mức thỏng tay vào chợ đi nữa cũng chẳng ngại gì gặp Thiện-tri-thức. Bậc Thiện-tri-thức là Đại-y-vương có khả năng chữa được bệnh nặng, là Đại-thí-chủ hay cho Như-ý bảo châu. Điều thiết yếu là chẳng nên sanh cái ý tưởng tự đủ, chẳng muốn gặp Thiện-tri-thức. Phải biết chẳng chịu gặp Thiện-tri-thức là chấp cái kiến-giải của mình. Bệnh lớn trong thiền không bệnh nào nguy hại hơn bệnh này.