17:01 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Giới Thiệu

Tổ Bồ-đề-đạt-ma

  Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát-lỵ, trước tên là Bồ-đề-đa-la, về sau khi đắc Pháp nơi Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, Tôn-giả nói : “Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt-ma là thông đạt đại nghĩa, nên Ta đổi tên cho ngươi là...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần V

Chủ nhật - 31/03/2013 09:19 Xem: 1705
từ bài 49 -> 60: 49. Tâm, pháp đều tịch, 50. Được chút ít cho là đủ, 51. Sanh tâm dụng, 52. Hữu tâm dụng, 53. Tán tâm dụng, 54. Nắm giữ dụng, 55. Đắc lực dụng, 56. Phóng tâm dụng, 57. Thân thiết dụng, 58. Gián đoạn dụng, 59. Thô tâm dụng, 60. Miên mật dụng.
49. TÂM PHÁP ĐỀU TỊCH.

Người dụng công phu, trước đã Tâm-pháp đi dôi, không còn đối đãi. Đường Đạo xa xôi, từng bước tiến hành, thẳng đến chỗ đường cùng, vắng vẻ, muôn tiếng đều lặng, quày đầu chẳng thấy thôn làng, nhìn quanh không biết xứ sở. Ngước lên nhìn Trời, Trời chẳng ở trên. Cúi xuống nhìn đất, đất chẳng ở dưới. Thấy vật như ánh sáng trong Mặt-trăng. Thấy mình như ánh sáng trong Mặt-trời. Tương tự như thân quang minh ngồi chỗ quang minh trọn không chỗ thấy cũng không chỗ nghe. Kiến-giải như vậy rất dễ mê hoặc người. Nên biết, trần hết thì quang minh sanh chẳng phải kỳ lạ, bụi sạch thì ánh sáng hiện ấy là việc bình thường. Tâm và pháp toàn ẩn chưa phải chơn liễu ngộ. Sao vậy ? Tịnh-niệm hiện tiền thì tâm tự tịch, cấu trần tạm sạch thì pháp tự quên, chớ nên vì chẳng thấy người mà vọng nói là nhân không, chẳng thấy pháp bèn nói là pháp mất. Tâm bị tịch làm mê, chỉ nhận cái tịch mà chẳng thấy Tâm, chẳng biết Tâm vẫn tồn tại. Pháp do tịnh mà ẩn, chỉ biết cái tịnh mà quên cái pháp, thực ra pháp đâu có mất. Cái đạo tâm pháp đều tịch, chẳng phải là tin tức đến nhà. Người hành Đạo cần phải mãnh tỉnh, đối với cảnh giới thâm sâu chớ nên có chút lưu luyến. Tham-thiền đến chỗ không có biệt niệm cần phải tiến thêm một buớc mới là Chánh-hạnh. Bằng không, lâu ngày nhơ cấu bỗng dậy trở tay không kịp.    

50. ĐƯỢC CHÚT ÍT CHO LÀ ĐỦ.

Công phu dụng đến lúc trần hết thì quang minh sanh, bụi sạch thì ánh sáng hiện, day mặt khạc nhổ đều là tự kỷ, chắp tay cúi đầu đều là Phật-sự. Mặc dù mỗi bước đều đi trên đỉnh đầu của Tự-tánh Phật, mỗi vật đều hiện dưới ánh sáng mặt trời của mình, đến chỗ này chẳng muốn tiến tới chính là được chút ít cho là đủ. Đức Thế-tôn quở hàng Duyên-giác, Thanh-văn rằng trên chẳng học Phật-thừa, dưới chẳng độ chúng sanh, tiêu dao ngoài Tam-giới, tự cho giữa đường là nhà ở, chẳng chịu bỏ Hóa-thành để đi đến Bảo-sở, trụ nơi Niết-bàn Tiểu-thừa, cam làm hạt giống cháy mà chẳng tự phát giác. Sao ngu vậy ?

Thử xem : Phật quở La-hán được chút ít cho là đủ, La-hán còn có mười tám thứ thần thông, có thể hiện ở hư-không, ẩn dưới đất, hiện ở trong nước, ẩn trong lửa, trên đầu phun nước, dưới chân phun lửa, cộng chung mười tám thần thông mà còn bị nói là phần ít ! Bị quở trách nặng là trên không có Phật-đạo để thành, dưới không có chúng sanh để độ, tự hưởng an lạc, chẳng cầu tiến lên, chán các khổ, chẳng nguyện độ chúng sanh, cho nên nói : "Chẳng đủ".

Huống chi chúng ta còn là phàm phu, thiền tham chưa thông, Đạo chưa tiến sâu, dẫu cho có nhập chút ít nhưng chưa đến cùng tột lại tự ngưng tu. Vậy được chút ít cho là đủ há chẳng hổ thẹn trong hổ thẹn ư ? Hãy mau đem cái công của được chút ít đó buông xuống đi, cái đạo của 'chẳng đủ' đó hành lại đi, thì sự lớn lao của tiền đồ, sau này sẽ tự biết.    

5l. KHỞI TÂM DỤNG.

Đã nhập thiền sâu, tâm pháp đều tịnh, trọn không trở ngại, làm không chỗ làm, muốn dụng tâm nữa lại sợ khó tiến bộ. Chẳng nghĩ tâm dụng công tham-thiền chính là pháp tham thoại-đầu. Pháp ấy, do nhiều đến một, do một đến chuyên. Tâm ấy, từ loạn đến định, từ định đến thiền. Pháp với tham đều hết, tâm với thiền đều tiêu, còn muốn khởi tu nữa, chính là trên đầu lại chồng thêm đầu. Một chữ Dụng từ đâu hạ thủ ?

Như người dụng công hiện nay biết được kẻ nghe tiếng trước mắt, kẻ thấy sắc trước mắt, cho là người chân thật bản lai (Tự-tánh) là sai lầm lớn. Vì một cử một chỉ nếu không có niệm thì không thể động, vì có nói mới có nín đều là tác dụng của vọng tâm, chẳng phải là vọng tâm không sanh khởi. Ấy là cái kiến chấp của tâm đã thâm sâu. Thực ra, bất cứ cử động nào cũng đều từ tâm sanh khởi, nếu chẳng do tâm thì làm sao có lý sanh khởi này ? Những việc kể trên đều là tương đối, có tương đối đều thuộc về kiến chấp, có kiến chấp thì làm sao dụng công ? Như thế, một bậc nhân tài rất tốt cam làm kẻ lỗ mãng. Cần phải mau đem tất cả những kiến chấp trước kia từ trong xương tủy nhổ ra, trừ sạch, diệt hết, rồi lại như người sơ học dụng tâm (giữ nghi-tình) cho nó (cái biết của bộ não) chết đi ba mươi năm rồi hãy trở lại gặp ta nói chuyện Phật-pháp.    

52. HỮU TÂM DỤNG.

Do trước dụng tâm, không có gì để mò nắm, sau thêm tham-cứu hình như khó vào cửa, cho nên lập chí bắt chước người sơ tham làm lại từ đầu như người mới học. Lúc ấy dụng công so với lúc sơ tham khó hơn gấp bội, vì trước kia chưa tham, thân tâm thô phù, chỉ là cái cảnh động trước mắt. Nay đã tham lâu năm rồi, tâm pháp đều tịch, lại thêm một lớp tịnh cảnh, do đó lúc dụng công phải lưu tâm nơi động tịnh, phòng ngừa khi chưa phát sanh. Dù là thượng Điện, Quả-đường cũng có tâm tham-cứu, mặc áo ăn cơm cũng dụng ý kiên trì, đi đường cũng khẩn thiết đề khởi, nói chuyện cũng lưu tâm vì sợ bị đánh mất, toan nằm xuống thiền-sàn, lấy công phu làm mền, sáng sớm thức dậy, lấy nghi-tình làm áo, dùng câu thoại-đầu rửa mặt, đem câu thoại-đầu uống trà. Nơi nào cũng có tâm dụng công, ngày nào cũng không có lúc ngưng nghỉ. Ngày kia đập vỡ khối nghi, chẳng những chẳng tham đắm tiểu ngộ mà đại ngộ cũng chẳng chịu trụ. Người hữu tâm dụng cần phải có tâm này.    

53. TÁN TÂM DỤNG.

Tán tâm dụng này chẳng phải là tâm tán loạn của người sơ tham dụng. Người tu hành cần phải kỹ lưỡng. Tuy sơ tham với lão tham có khác mà tán loạn vốn đồng, chỉ khác ở chỗ khéo dụng hay chẳng khéo dụng mà thôi.

Sơ tham dụng công, dụng thì có tâm dụng, tán thì không có tâm dụng. Tâm dụng đã không thì công phu làm sao có được, đây gọi là sơ tham. Công phu lão tham, dụng chẳng phải không, nhưng tán cũng vẫn có. Tán tâm đã có thì hữu tâm có thêm, đây gọi là lão tham.

Xét kỹ tán tâm chẳng ra ngoài hai thứ :

l. Tâm nghiệp thức thuần thục.

2. Tâm công phu thuần thục.

Tâm nghiệp thức thuần thục là tâm tán ở nơi nghiệp-thức. Tâm công phu thuần thục là tâm tán ở trên công phu. Tâm tán ở nơi nghiệp-thức thì tâm ấy khó thu nhiếp. Tâm tán ở trên công phu thì tâm ấy dễ thu nhiếp. Đem câu thoại-đầu, một miệng cắn chặt, một chân đè cứng, một tay nắm đứng, nhất tâm ghi nhớ, muôn ngàn sai khác đồng thời tiêu hết, muôn ngàn nhánh lá quét một chổi hoàn toàn sạch trơn. Quý ở chỗ tham-cứu thâm sâu chứ không tham luyến công phu đắc lực, một phen ló đầu ra (ngộ) thì hiện bậc Đại-nhân (Tự-tánh).    

54. NẮM GIỮ DỤNG.

Dụng công từ tán tâm đến nhất tâm, bỗng từ nhất tâm đổi ra tán loạn, vì không nắm giữ được.

Như người nuôi rắn, ban ngày đem đồ ăn cho nó ăn, ban đêm đem giường cho nó nằm, muốn cho nó tạm ở yên một chỗ cũng chẳng được. Vì rắn sẵn có tánh động, chẳng động chẳng được. Khi đi thì cùng tánh đi, khi ở thì cùng tánh ở, khi ngồi thì cùng tánh ngồi, khi nằm thì cùng tánh nằm, dẫu đánh chết vẫn e khó làm cho không động được. Cần phải bắt lại, nắm giữ nó thật chặt mới miễn cưỡng ngưng lại được, dù cho qua lại ra vào cũng chẳng rời chỗ nắm. Cái dụ nắm giữ này, với cái nắm giữ dụng công cũng giống như vậy.

Phải biết, tâm của dụng công còn độc hơn nọc rắn, nó có thể hại người xuống Địa-ngục, có thể hại người thành Phật, Tổ, có thể hại người trồng gốc phàm, có thể hại người gieo giống Thánh, có thể hại người liễu sanh tử, có thể hại người chứng Niết-bàn (xem lược giải). Cái hại của rắn rất lớn, cái độc của rắn rất sâu, nay đã bị ta nắm chặt trong tay, thề rằng : "Mi sống ta sống, mi chết ta chết, chẳng phải mi độc làm chết ta, mà là ta nắm chết mi". Một mai rắn chết, người mất, mới biết kẻ nắm giữ vốn là cái này (Tự-tánh). Hê ! Chớ nên nhận lầm !

Lược giải : Phật, Tổ là đối với chúng sanh, Thánh là đối với phàm, Niết-bàn là đối với Sanh-tử, đều là tương đối, tương đối là nhị, ấy là nghịch với Tự-tánh vốn bất nhị cho nên nói bị hại.    

55. ĐẮC LỰC DỤNG.

Được nắm giữ dụng, đi đứng ngồi nằm ngày đêm không có gián đoạn. Dù biết câu thoại-đầu công phu sâu nhưng chẳng biết hết được sự thọ dụng và chẳng biết đắc lực hay không ? Công phu như thế nào, nay cần phải xét kỹ xem !

Như thân ngồi ngay thẳng, nghi-tình tự khởi, vọng tưởng chẳng thể đến gần, hôn trầm cũng tránh xa, đây là công phu đắc lực. Lúc đi hương, trong tâm nghi-tình dù chẳng thân thiết song Chánh-niệm vẫn còn, nghi-tình niệm niệm chẳng gián đoạn là đắc lực. Lúc cùng người nói chuyện, trước động cái niệm dụng công, sau mới động cái niệm nhân sự là đắc lực. Lúc ăn cơm, niệm của công phu ở trước, niệm của cầm bát ở sau là đắc lực. Lúc ngủ, trước tiên biết có công phu, chẳng biết có mùng mền là đắc lực. Làm mọi việc, biết được cái niệm công phu ở trước, cái niệm làm việc ở sau, dù như thế cũng chỉ là đắc lực được một nửa. Nếu người thật đắc lực thì động tịnh, nhàn vội, thức ngủ, nói nín đều có công phu, cùng với việc làm không trái, cũng không có trước sau, cũng không uổng phí một chút thời giờ, đây là bằng chứng vững chắc của công phu đắc lực.

Người chẳng đắc lực, ban đầu nghi-tình được miên mật, bỗng nghe tiếng động hoặc nói chuyện với người liền bị âm thanh và người lôi kéo đi mất, mất rồi không biết đã qua bao lâu quày đầu tự hỏi : "Công phu miên mật ở chỗ đắc lực dụng, rốt cuộc bị ngoại cảnh lôi đi". Xét kỹ như thế mới biết là chẳng đắc lực. Câu thoại-đầu vừa đề lên, ngay đó chẳng nghe tiếng, chẳng thấy sắc, bỗng gặp gỡ người quen, chỉ biết nói chuyện nhà, chẳng còn nhớ đến công phu.

Buồn thay ! Người dụng công nên lấy chỗ đắc lực làm pháp thực hành mới được.    

56. PHÓNG TÂM DỤNG.

Công phu dù có đắc lực, song chưa dám buông tay đi thẳng. Sao vậy ? Như công phu thân thiết, khi làm việc sinh sống, một mặt lưu tâm công phu, một mặt lưu tâm làm việc. Nếu việc làm chẳng tốt sợ bị quở trách hoặc đánh hét, trong tâm bất an. Cho nên tạm buông công phu trong giờ khắc làm việc, đợi việc làm xong mới đề lại công phu, há chẳng lợi ích cả hai ư ? Nếu người thật nghĩ đến liễu thoát sanh tử thì chẳng phải như vậy. Vì sao ? Chúng ta vì liễu sanh tử mà tham-thiền, chứ chẳng phải vì làm việc mà tham-thiền. Sanh tử chẳng liễu thoát thì bị sanh tử làm chướng, khi đang dụng công tùy thuận sanh tử luân hồi chẳng có kỳ hạn.

Nay cần phải lập thệ : "Quyết thống thiết dụng tâm, không chút ỷ lại, thân thân thiết thiết, miên miên mật mật, gặp lúc làm việc, công phu càng thêm mật thiết. Dẫu cho việc làm không tốt, bị đánh bị mắng thì được, buông công phu thì không được. Ngày đêm tinh tấn, thề chẳng thay đổi, đem tâm đặt ở trên công phu mà dụng. Thân đến chỗ nào thì dụng cũng theo đến chỗ đó. Khi động, tịnh, nhàn, vội thì ở trong động, tịnh, nhàn, vội dụng công phu. Khi thấy sắc, nghe tiếng thì ở trong thấy sắc, nghe tiếng dụng công phu. Khi nói chuyện, ăn cơm thì ở trong nói chuyện, ăn cơm dụng công phu. Đây gọi là phóng tâm dụng.

57. THÂN THIẾT DỤNG.

Nhân vì trước dụng công nắm giữ đắc lực, dù có thể phóng tâm dụng, song còn chưa tránh khỏi gặp đâu thì chướng ngại đó. Cái tâm của dụng tâm duyên theo một tướng, dù chẳng bị lôi mất, nhưng có thể bị tướng ấy kích động hoặc làm ngăn cách, đâu bằng tịnh cũng như vậy, động cũng như vậy, sắc cũng như vậy, không cũng như vậy. Dầu cho sự vật lớn cũng chẳng thể ngăn cách, nhân sự quen cũng chẳng thể ngăn cách, tiếng của âm thanh, động của tâm, biến đổi sống chết của thân, cho đến thức ngủ khen chê đều chẳng thể ngăn cách, luôn cả cái chẳng thể ngăn cách cũng chẳng ngăn cách, chính cái ngăn cách ấy cũng chẳng thể ngăn cách.

Thế giới, thân, tâm, còn mất, mộng mị đều chẳng ngăn cách gọi là THÂN, chân thật làm được gọi là THIẾT. Hai chữ THÂN THIẾT, người chưa liễu ngộ nên theo đó thực hành, còn người dụng công đã đến cùng tột thì phải diệt trừ cho sạch. Sao vậy ? Phải biết, người hành Đạo nếu công phu cạn mà thường quên, ấy là chưa hành đến chỗ sâu, thì phải nhờ hai chữ này để hạ thủ công phu mới dễ nhập Đạo. Nếu công phu đã đến thoại-đầu thì thân thiết hay không thân thiết đều không màng đến mới có thể đi đến kiến Tánh. Việc này trong quá trình dụng công cần phải lưu ý.    

58. GIÁN ĐOẠN DỤNG.

Công phu dù rất thân thiết, song cũng có lúc gián đoạn mà chẳng tự biết. Vì sao ? Chính ngay lúc dụng tâm biết được thanh tịnh tự tại, hoặc biết được rỗng rang an nhàn, hoặc biết nghi-tình đắc lực hay chẳng đắc lực, biết chỗ đắc lực là chỗ nào, chỗ chẳng đắc lực là chỗ nào, cũng gọi là gián đoạn. Ngay trên câu thoại-đầu tham-cứu, biết tham đến chỗ tịnh, tham đến chỗ sáng sủa hoặc tham hiện ra tướng Phật, bảo Tháp, núi sông, đất đai, nam nữ, già trẻ, mình người, tất cả đều gọi là gián đoạn.

Sự gián đoạn trên khác hẳn với công phu của người sơ tham. Người sơ tham, đề thì có tham, quên thì hoàn toàn quên, chẳng biết quên ở chỗ nào.

Còn người lão tham, có lúc trong miệng nói chuyện, tâm biết tham-thiền, có lúc tâm đang tham-thiền, miệng biết nói chuyện. Hoặc thân làm việc, công phu vẫn còn, hoặc lúc dụng công, thân vẫn làm việc. Hoặc công phu với làm việc đều quên, hoặc công phu với làm việc đồng làm. Hoặc lúc ngủ, công phu thân thiết chẳng biết là mộng, đến khi thức giấc mới biết. Hoặc lúc mộng, trước thấy việc khác, sau thấy dụng công phu, do thiền mà tỉnh. Hoặc đang ngủ không công phu, không mộng tưởng giống như ban ngày. Ấy đều là sự gián đoạn của người lão tham.

Người tham-thiền phải khéo tự dụng tâm mới được.    

59. THÔ TÂM DỤNG.

Tâm có định loạn, thiền có đắc thất, sự gián đoạn đều do thô tâm này gây ra.

Thô tâm là gì ? Như gói nhiều đậu nành trong bao, dù để ở đâu, bên trong ắt cũng lỏng lẻo, hễ mở bao ra thì đổ vãi đầy đất. Nếu đem bao đậu ngâm nước, đậu nẩy mầm nở ra thì làm bao bị bể. Dụ như thô tâm duyên cảnh, tâm cảnh đồng thô, dù thu lại thành một khối, cũng chưa quên các Thức. Hơi có chút giãi đãi thì thân tâm tán loạn, nghi-tình tiêu mất, tâm thiền cũng tan.

Nếu đem đậu trong bao xay nát hòa với nước nhồi thành một khối, ắt từ bên trong bỏ được đậu, bên ngoài diệt được mầm, chẳng còn sanh ra đậu nữa. Cũng như vậy, các vọng lăng xăng thu về một niệm, ngay ở trên niệm ấy, dùng sức của câu thoại-đầu tham-cứu quét sạch hết trần lao, cặn cáu chẳng còn, tham thành một khối, ắt từ bên trong khử vọng, bên ngoài khử trần, tự chẳng phát sanh thô tâm vậy.    

60. MIÊN MẬT DỤNG.

Công phu gián đoạn ở trước rõ ràng là do thô tâm làm thành. Đã nói là thô tâm thì cần phải tiến thêm một bước nữa. Công phu miên mật, miên như sợi tơ, mật như vải bố. Do một sợi tơ mà thành miên, từ một đường chỉ mà thành mật. Công phu do một Pháp mà thành phiến, từ một niệm mà thành khối.

Cũng như đem tơ dệt thành vải bố, sợi dệt dày (MIÊN) chẳng thông gió tức là xuất thế vô lậu, như vải bố dệt kín (MẬT) chẳng lọt mưa tức là thế giới vô lậu. Nếu tham được đến chỗ pháp thế gian và pháp xuất thế gian cùng câu thoại-đầu đồng một pháp, tâm thế gian và tâm xuất thế gian cùng câu thoại-đầu đồng một tâm, là cái đạo MIÊN MẬT sâu vậy.

Người làm được công phu miên mật thì Quy-củ thuần thục, oai nghi nghiêm túc, cử chỉ đoan chánh, ngữ ngôn giản thiểu, người đời đều tôn là Thượng-tọa.

Xin gửi lời nói với người tham-thiền rằng : Chớ nghi tham-thiền có nhiều chỗ khó, chỗ vi tế của tham-thiền làm cho người ta sợ thế này thế nọ. Than ôi ! Nếu có thể như con tằm nhả tơ, bắt đầu từ một sợi cho đến cuối cùng làm thành một kén, khoảng giữa không có gián đoạn, đó là công phu miên mật rõ ràng. Bằng không, há người chẳng bằng vật ư ?  

=> Phần 6 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn