13:03 ICT Thứ ba, 05/11/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Liễu Quán

Nhằm tăng cường lòng tin Pháp-môn, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn Thiền-sư Liễu Quán (1667 - 1743), đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, một người Việt Nam tham thiền đạt ngộ. Tư liệu này được trích trong sách "Lịch sử Phật giáo Đàng Trong VN" của Nguyễn Hiền Đức.

Thiền sư Liễu Quán       

       Sư tên Lê Thiệt Diệu, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã,  nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (sông Cầu bây giờ). Lúc sáu tuổi, Sư mồ côi mẹ, cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giáo với Hòa-thượng Tế Viên (người Trung Hoa). Được  bảy năm thì Hòa-thượng tịch, Sư ra Thuận Hóa xin học với Giác Phong Lão Tổ (người Trung Hoa) ở chùa Báo Quốc. Ở đây được một năm, nhằm năm Tân Mùi (1691), Sư phải trở về phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi độ nhật. Qua bốn năm thân phụ mất, nhằm năm Ất Hợi (1695), Sư lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa-thượng Thạch Liêm. Năm Đinh Sửu (1697), Sư lại thọ giới cụ túc với Lão Hòa-thượng Từ Lâm (người Trung Hoa) ở chùa Từ Lâm.

       Năm Kỷ Mão (1699), Sư đi tham lễ khắp Thiền-lâm trải qua biết bao sự khó khăn khổ nhọc. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), Sư lại Long Sơn tham yết Hòa thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Hòa-thượng dạy Sư tham câu : Muôn pháp về một, một về chỗ nào ?

       Sư ngày đêm tham cứu đến bảy, tám năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.

       Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, thoạt nhiên Sư được tỏ ngộ. Nhưng vì núi sông cách trở, Sư không thể đến ngài Tử Dung để trình sở ngộ được.

       Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Sư trở ra Long Sơn cầu Hòa-thượng ấn chứng. Sư đem chỗ công phu của mình mỗi mỗi trình bày, đoạn nói đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Hòa-thượng liền bảo:

        - Bờ thẳm buông tay, tự nhận đảm đang,

        Chết rồi sống lại, dối người chẳng được. 

        Sư liền vỗ tay cười ha hả !

        Hòa-thượng bảo:

         - Chưa nhằm.

         Sư nói:

         - Trái cân vốn là sắt (bình thùy nguyên thị thiết).

       Hòa-thượng bảo:

       - Chưa nhằm.

*

       Hôm sau Hòa-thượng gọi Sư đến bảo:

       - Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem !

       Sư thưa:

       - Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi.

       Bấy giờ, Hòa-thượng mới chấp nhận và khen ngợi.

*

      Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa-thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện (?), Sư đem trình bài kệ Dục Phật (tắm Phật).

      Hòa-thượng hỏi:

      - Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật trao nhau, chẳng biết truyền trao cái gì ?

      Sư thưa:

       - Búp măng trên đá dài một trượng, phất tử lông rùa nặng ba cân.

      Hòa-thượng nói:

      - Thuyền chèo trên núi cao, ngựa đua dưới đáy bể.

      Sư đáp:

      - Cây đàn không dây trọn ngày gẩy, Trâu đất gãy sừng rống suốt đêm.

      Sư biện tài lanh lẹ, tâm cơ ứng biến, như nước với sữa rất phù hợp. Hòa-thượng rất vui mừng ấn khả.

      Chỗ hóa duyên của Sư rất rộng, thường ra vào Huế, Phú Yên để giáo hóa luôn, không nề khó nhọc.

      Năm Quí Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mão (1735), Sư nhận lời thỉnh của chư Tăng trong Tông-môn, cùng các tể quan, cư sĩ ở Huế, dự bốn lễ đại giới đàn. 

       Năm Canh Thân (1740), Hòa-thượng Liễu Quán được thỉnh mở giới đàn Long Hoa, rồi trở về Tổ đình Thiền Tông. Chúa Võ-vương Nguyễn Phước Khoát (1738 – 1756) mới lên cầm quyền nghe danh đức của Hòa-thượng Liễu Quán nên sai Quan đến mời Ngài vào Nội-phủ, Hòa-thượng Liễu Quán vẫn giữ chí “thích cảnh lâm tuyền” (thích cảnh rừng suối) nên Ngài từ tạ. Vì vậy chúa Võ-vương nhiều lần phải thân hành đến tận chùa Viên Thông nơi chân núi Ngự Bình để tham vấn Ngài.

       Mùa thu năm ấy, Hòa-thượng an trú ở chùa Viên Thông. Cuối mùa thu đó, Hòa-thượng bị bịnh nhẹ, gọi môn đồ đến di huấn rằng: “Nhân duyên đã hết ta sắp về quê xưa”. Các môn đồ đều khóc, Hòa-thượng lại dạy rằng: “Các ngươi khóc lóc mà làm gì chư Phật xuất thế cũng đều nhập Niết-bàn. Ta nay đi đến đâu rõ ràng, về đã có nơi, các ngươi không nên khóc và đừng nên buồn thảm lắm”.

       Tháng 11, vài ngày trước khi tịch, Hòa-thượng Liễu Quán ngồi dậy vững vàng, bảo thị giả mang giấy viết đến, tự tay cầm bút viết bài Kệ rằng:

Hơn bảy mươi năm trong thế giới,

Không không sắc sắc thảy dung thông,

Sáng nay mãn nguyện về quê cũ,

Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông.

(Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc duyệt dung thông,

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn man vấn Tổ tông).

       Sau khi viết bài Kệ xong, Hòa-thượng bảo môn đồ rằng : “Lời sau cùng lão tăng nói gì đây ? Vòi vọi nguy nga, sáng lạn rực rỡ, xưa đến nay đi. Muốn hỏi việc đến đi thế nào ? Trời xanh biếc lặng trong, trăng thu vằng vặc, đại thiên thế giới nhiều như cát đều hiển lộ toàn thân. Sau khi ta đi, các ngươi phải nhớ: Vô thường mau chóng, phải siêng năng tu học Bát-nhã (tham thiền), hãy tinh tấn ! Chớ quên lời ta”.

       Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ ba, sau khi cúng ngọ và thọ trai xong, Hòa-thượng Thiệt Diệu – Liễu Quán cùng ngồi uống trà với đệ tử. Bất ngờ Hòa-thượng hỏi: Bây giờ là giờ gì ?

       Đồ chúng thưa: Bạch thầy, giờ Mùi.

       Hòa-thượng Liễu Quán ngồi kiết già, an nhiên thị tịch, thọ 76 tuổi.

       Chúa Võ-vương nghe tin, sắc ban bia ký và ban cho Hòa-thượng Thiệt Diệu – Liễu Quán thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng.

       Lễ nhập Tháp được cử hành ngày 19 tháng 2 năm Quí Hợi (1743), Hòa-thượng Liễu Quán có hàng ngàn đệ tử xuất gia và cư sĩ, trong đó có 49 đệ tử nối truyền Tông-pháp.

      Tổ-sư Liễu Quán phát xuất bài Kệ truyền Phái mới lập thành chi phái thiền Liễu Quán còn truyền đến ngày nay. Sư là Tổ khai sơn chùa Thiên Thai Thiền Tông ở Huế. Sư có bài kệ Pháp-phái rằng:

 Thật Tế Đại Đạo 

 Tánh Hải Thanh Trừng 

 Tâm Nguyên Quảng Nhuận 

 Đức Bổn Từ Phong. 

 Giới Định Phước Huệ 

 Thể Dụng Viên Thông 

 Vĩnh Siêu Trí Quả 

 Mật Khế Thành Công. 

 Truyền Trì Diệu Lý

 Diễn Xướng Chánh Tông

 Hạnh Giải Tương Ưng 

 Đạt Ngộ Chân Không. 

       Tăng-đồ và Tín-đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế, mà người có công khai hóa hơn hết chính là Sư. Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v.v… Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu. (Từ Chiếu, húy Tế Căn. Khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên). Bốn ngài này đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương Chánh pháp lớn lao khắp đó đây ở đàng Trong. Từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền Phái Liễu Quán.

THÁP THIỀN SƯ LIỄU QUÁN

       Bảo tháp của Thiền-sư Liễu Quán được lập ở chân núi Thiên Thai, chùa Chánh Giác gần chùa Thiền Tôn, thuộc vùng rừng thông của làng An Cựu, Thành phố Huế.