49. NHẤT NHƯ THỂ HUYỀN, NGỘT NHĨ VONG DUYÊN.
DỊCH : Một chữ "Như" thể tánh huyền diệu, cùng tột bình đẳng, bặt nhân duyên đối đãi.
LỜI KHAI THỊ
Thiền, thiền, thiền, lìa lý giải, Thích-ca chưa được một nửa, Đạt-ma còn thiếu tám ngàn. Lâm Tế hét tới mỏi miệng, Đức Sơn đánh tới phồng tay, mỗi mỗi kiểm điểm từ đầu, vẫn cách Trời đất xa xôi. Tiến tới như vạch sóng tìm nước, thối lui như đào đất tìm Trời, chẳng tiến chẳng lui cầu tương ưng, cần phải tham thêm ba mươi năm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "NHẤT NHƯ THỂ HUYỀN, NGỘT NHĨ VONG DUYÊN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Thể tánh của chữ "Như" huyền diệu lại thêm huyền diệu, chẳng vì nhân duyên mà có, chẳng do tự nhiên mà thành. Lìa tứ cú, tuyệt bách phi, Phật-nhãn chẳng thể thấy, Thánh-tâm cũng khó lường. Ném đại thiên thế giới ra ngoài mười phương, cuốn chặc Pháp-giới thành một mảy lông. Một không thì tất cả không, chẳng cần mổ xẻ; một có thì tất cả có, đâu cần đào tạo. Trần-sa chẳng thể dụ số nhiều, hào-ly chẳng thể dụ số ít. Nói "Bặt nhân duyên, tuyệt đối đãi", tức là thể tánh huyền diệu của một chữ như vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Nói thì nói gần đúng, ngươi nếu chứa lời nầy trong lòng, muốn tương ứng với thể tánh huyền diệu của chữ Như, chẳng khác gì ôm lửa trong lòng mà cầu cho đừng cháy.
KỆ KẾT THÚC
Nói NHƯ ngoài NHƯ đâu còn NHƯ ?
Núi khe trùng điệp ẩn nhà xưa.
Mặt-trời lên cao ngủ mới dậy,
Nhàn thấy mục đồng cưỡi ngược lừa.
50. VẠN PHÁP TỀ QUÁN, QUI PHỤC TỰ NHIÊN.
DỊCH : Muôn pháp cùng quán một lượt, tất cả trở về tự nhiên.
LỜI KHAI THỊ
Phật-pháp chẳng ở ngoài Tâm, Thiền-đạo đâu lìa Trung-đạo, nhị Biên ? Ngươi nếu khởi tâm tìm cầu, lại xa mười vạn tám ngàn. Có gì tam yếu tam huyền, toàn thân chẳng hình bóng, ngay đó lìa ngữ ngôn.
Đạo-nhân đâu cần cầu tương ưng,
Xưa nay chưa từng chẳng hiện tiền.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "VẠN PHÁP TỀ QUÁN, QUI PHỤC TỰ NHIÊN", Người-giải-nghĩa dẫn chứng Giáo-môn nói : "Tùy duyên nên Chơn-như là vạn pháp, bất biến nên vạn pháp là Chơn-như". Còn nói : "Ngoài Tâm chẳng có pháp để làm duyên với Tâm, vốn là Tự-tâm sanh lại làm tướng cho Tâm". Lời này so với cái lý "VẠN PHÁP TỀ QUÁN" của Tổ-sư, cũng chẳng cách xa vậy. Hoặc nói : "Tề Quán" cũng là cái bóng của "chẳng lựa chọn", nếu còn lựa chọn thì chẳng thể Tề Quán rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Dẫn chứng thì chẳng phải không đúng. Như Mặt-trời mọc, Mặt-trăng lặn, ban đêm tối, ban ngày sáng, rõ ràng chẳng thể lẫn lộn. Vậy thì có Đạo-lý gì để nói Tề Quán ? Lìa khỏi lời này, xin cho một tin tức tốt hơn thử xem !
KỆ KẾT THÚC
Vạn pháp làm sao khiến cho bằng ?
Đâu thể trở về lúc tự nhiên.
Xưa nay tri âm rất khó gặp,
Bá Nha, Tử Kỳ đi đâu tìm.
51. DẪN KỲ SỞ DĨ, BẤT KHẢ PHƯƠNG TỶ.
DỊCH : Bặt hết lý giải, chẳng thể thí dụ.
LỜI KHAI THỊ
"Cái trong điện, cái ngoài tường" của Triệu Châu; "Đánh xe đánh bò" của Mã Tổ; "Giơ nắm tay, giơ ngón tay" của Cửu Chỉ; "Ném ba trái banh gỗ" của Tuyết Phong. "Gởi ba tờ giấy trắng" của Huyền Sa. Nói Tánh nói Tâm nơi Linh-sơn, Nói da nói tủy nơi Thiếu-thất. Tào Động lập ngũ vị Quân-thần, Qui Ngưỡng lập Cửa-thiền Cha-con, "Đầy mắt núi xanh" của Đức Thiều (Quốc-sư), "Nước hồ trước cửa" của Vĩnh Minh... thả đi thì sáng khắp bầu Trời, chặn lại thì gió bay muôn dặm, trước lời không ngưng cơ-xảo, tiếng nói đâu cho chõ mỏ. Hứ ! Tất cả đều là mở mắt đái dầm, đốt nhang dẫn Quỷ, tại sao vậy ?
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "DẪN KỲ SỞ DĨ, BẤT KHẢ PHƯƠNG TỶ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Kinh Bát-nhã dùng 100 dụ để dụ Bát-nhã, có Kinh khác cũng dùng 100 dụ để dụ giải thoát; còn có người dùng 100 dụ để dụ Tâm-bồ-đề, ghi đủ trong Kinh-sách, đâu có cái lý "Chẳng thể thí dụ" ? Phải biết, Bát-nhã, Giải-thoát, Bồ-đề thì có thể thí dụ, giả sử bỏ hết tất cả danh tướng thì nhất tâm đều bặt. Ngay khi ấy, còn lập được thí dụ gì chăng ? Hoặc theo người xưa nói : "Cò trắng với tuyết chẳng đồng sắc, ánh trăng hoa lau chẳng giống nhau", lời này há chẳng phải thí dụ ư ?
TỊCH NGHĨA GIẢI
Ông muốn ở nơi tuyết trắng hoa lau tìm Đạo-lý, chẳng khác gì nhận màu đỏ của vỏ quít cho là lửa !
KỆ KẾT THÚC
Diễn tả sừng thỏ dài 3 thước,
So với lông rùa ngắn l phân.
Lại có hạng người tánh hàm hồ,
Tai mắt dường như chẳng thấy nghe.
52. CHỈ ĐỘNG VÔ ĐỘNG, ĐỘNG CHỈ VÔ CHỈ.
DỊCH : Ngưng động chẳng phải tịnh, động ngưng cũng chẳng phải ngưng.
LỜI KHAI THỊ
Muôn toa xe đồng ray, muôn sự việc đồng lý. Muôn dụng cụ đồng kim loại, muôn làn sóng đồng chất nước. Vạn tượng sum la, thảy đều là ông. Ông nếu không tin, hãy vào bụng của Thích-ca, Đạt-ma đi hành cước trăm ngàn vòng, mới biết tất cả vẫn y như cũ.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "CHỈ ĐỘNG VÔ ĐỘNG, ĐỘNG CHỈ VÔ CHỈ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Lòng từ bi thống thiết của Tổ-sư, đem hai bên động tịnh vò thành một khối, nói trắng ra cho nghe, đại khái đồng ý chỉ của Pháp-sư Tăng Triệu nói "Tức tịnh mà động, tức động mà tịnh", cũng là ý chỉ "VẠN PHÁP TỀ QUÁN". Chẳng những động tịnh như thế mà tất cả cảnh duyên cũng đều như thế. Tức tịnh là động. Hoa rụng là do gió xuân đưa; tức động là tịnh, băng tan cũng do Mặt-trời soi.
Người Trí quán pháp chẳng sai biệt,
Kẻ mê do đây khởi điên đảo.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Lời này tạm gác một bên ! Nếu như chẳng động chẳng tịnh, ngay khi ấy, còn có lý lẽ gì để thảo luận hay không ? Nói mau, nói mau ?
KỆ KẾT THÚC
Động tịnh mống khởi bệnh liền sanh,
Nắm tay kéo nhau vào lửa hồng.
Con voi xưa nay vẫn như cũ,
Bọn mù mò mẫm thảy đều sai.
53. LƯỠNG KÝ BẤT THÀNH, NHẤT HÀ HỮU NHĨ.
DỊCH : Hai đã chẳng thành, một làm sao có.
LỜI KHAI THỊ
Biển Phật không bờ, sông Thiền không đáy. Nước một thước, sóng một trượng, mãi mãi không thôi. Mã Tổ bảo Bàng Uẩn "một hớp hết nước Tây Giang"; "Tào Nguyên một giọt nước" của Pháp Nhãn, "Câu hết làn sóng" của Thuyền Tử, tất cả thị phi trước kia, chỉ liên lụy cho Hứa Do phải rửa lỗ tai mà thôi. Nước lớn đầy Trời, ngập khắp muôn dặm.
Lúc xưa chẳng biết bít nguồn suối,
Đến nay đất bằng nổi làn sóng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "LƯỠNG KÝ BẤT THÀNH, NHẤT HÀ HỮU NHĨ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Thị chẳng phi không thị, Phi chẳng thị không phi; vừa thấy có thị, trước đã có phi; vừa thấy có phi, trước đã có thị. Cho nên Thị chẳng tự lập, Phi chẳng độc tồn; Phi là cội của Thị, Thị là gốc của Phi. Cho đến chơn, vọng, ngộ, mê, v.v... Tất cả đều vậy. Thế thì, cái hai của Thị & Phi đã trừ, cái nhất của Trung-đạo đâu còn ? Tổ-sư đến đây thật là mổ bụng thấy Tâm, từ bi quá lố rồi !
TỊCH NGHĨA GIẢI
Nếu hai đã chẳng thành, một cũng không có. Vậy còn có kẻ biết chẳng thành, không có chăng ? Nếu nói "Không", thì ai biết sự chẳng thành, không có ? Nếu nói "Có", lại gọi là "Không Có" được chăng ? Tổ-sư đến chỗ này, chỉ có phần đớ lưỡi.
KỆ KẾT THÚC
Chẳng thả xuân về, xuân tự về,
Vườn cây mỗi mỗi hiện xanh tươi.
Bông tím hoa hồng biết đâu kể,
Bươm bướm từng đôi bay khắp nơi.
54. CỨU CÁNH CÙNG CỰC, BẤT TỔN QUY TẮC.
DỊCH : Cùng tột cứu cánh, chẳng còn qui tắc.
LỜI KHAI THỊ
Mười tấc là thước, mười thước là trượng. Bên đông Mặt-trời mọc, bên tây Mặt-trời lặn, hỏi khắp mọi người trong vô số Quốc-độ, có ai chẳng biết ? Tại sao nói đến Tổ-sư-thiền, mỗi mỗi ngơ ngác như vách sắt ? Còn có câu "Mạc-hậu-lao-quan" rất khó hiểu, chẳng ai che giấu cùng đưa ra một lượt. Ấy là cái gì ? Thật là oan uổng !
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "CỨU CÁNH CÙNG CỰC, BẤT TỔN QUỶ TẮC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Hư-không, sắc tướng, lớn nhỏ, dài ngắn trong mười phương Pháp-giới, tất cả đều là Tự-kỷ. Tùy chân bước, chẳng rời điền địa của Tổ-tông; tùy miệng nói, đều là Chơn-lý của cổ Phật. Cho đến ôm vợ mắng Thích-ca, say rượu đánh Di-lặc, đều thành nhất hạnh tam-muội, còn nói chi khai, giá, trì, phạm v.v... ? Nên Vĩnh Gia cũng nói : "Đại ngộ chẳng kẹt nơi tiểu tiết".
TỊCH NGHĨA GIẢI
Thôi, thôi ! Nói cũng nói được quá rõ ràng, nhưng Diêm-la-vương chỉ muốn bắt bọn nói những lời này đến cho ăn gậy sắt. Việc này lợi hại ở chỗ nào ? Mọi người về nhà tự kiểm điểm xem.
KỆ KẾT THÚC
Tùy tay đem ra tùy miệng bàn,
Phóng túng tung hoành kim chỉ nam,
Chẳng còn quy tắclại giữ niệm,
Tự-tánh bất nhị thành hai ba.
55. KHẾ TÂM BÌNH ĐẲNG, SỞ TÁC CÂU TỨC.
DỊCH : Khế hợp bản Tâm thì tất cả bình đẳng, năng tác sở tác đều tự dứt.
LỜI KHAI THỊ
Voi chúa quày đầu nhìn, Sư-tử chụp ngược lại, Chơn chẳng che ngụy, khúc (co) chẳng dấu trực (thẳng). Chỉ có Tôn-giả Kiều-trần-như suốt năm tỉnh tọa, tỉnh tỉnh tịch tịch, cũng chẳng màng đến tháng thiếu là 29, tháng đủ là 30, đêm khuya thi đậu Tâm-không, thấu qua gai gốc khắp Trời.
Nhàn dạo ngoài đồng mở mắt xem,
Hàn mai hoa nở tự tịch mịch.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "KHẾ TÂM BÌNH ĐẲNG, SỞ TÁC CÂU TỨC", Người-giải-nghĩa dẫn chứng trong Kinh nói : "Pháp ấy bình đẳng, chẳng có cao thấp, ví như thủy ngân rơi xuống đất, giọt lớn viên tròn lớn, giọt nhỏ viên tròn nhỏ, cả Đại-địa không có pháp nào chẳng tương ưng với Tự-tâm". Lúc Như-lai thành Đạo, quán lại hạnh nghiệp tu hành từ nhiều kiếp đều như mộng huyễn, chẳng có kẻ làm, cũng chẳng có kẻ không làm. Cho nên nói : "Tu tập Phạn-hạnh như hoa đốm trên không; tọa nơi Đạo-tràng như bóng trăng dưới nước, hàng phục quân Ma trong gương, thành tựu Phật-sự trong mộng". Bởi do Tâm này chưa thấu rõ, ở nơi bình đẳng thấy bất bình đẳng, vì bất bình đẳng nên tất cả sở tác do đó sanh khởi vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Kinh Viên Giác nói : "Tánh vốn bình đẳng, người bất bình đẳng nói là bình đẳng đã đáng ăn 30 gậy, còn dẫn chứng bao nhiêu tri giải lại càng thêm bất bình đẳng.
KỆ KẾT THÚC
Đã đến quê nhà còn về đâu ?
Nằm dài trong Am nắng giọi cao.
Trăm ngàn huyền diệu đều quên mất,
Suốt ngày cửa mở chẳng ai vào.
56. HỔ NGHI TỊNH TẬN, CHÁNH TÍN ĐIỀU TRỰC.
DỊCH : Hồ nghi dứt sạch, chánh tín vững chắc.
LỜI KHAI THỊ
Trâu cày cấy, chó giữ nhà, mèo bắt chuột, ngựa kéo xe, thấy lửa biết cháy, thấy nước biết ướt, tại sao đối với Tự-tâm, mỗi mỗi tối như dầu hắc ? Nơi nghi lại thêm nghi, nơi chấp chồng thêm chấp. Chẳng cần nghi, cũng đừng chấp, ai biết muôn ngàn sai biệt này, tất cả Thánh-hiền từ đây nhập.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "HỔ NGHI TỊNH TẬN, CHÁNH TÍN ĐIỀU TRỰC", Người-giải-nghĩa cho rằng : TIN có 2 thứ : Chánh-tín và tà-tín. Tin tự Tâm là Phật, chẳng cầu bên ngoài là Chánh-tín; chẳng tin tự tâm là Phật, khởi tâm tìm cầu bên ngoài, dù có làm việc lớn, đều gọi là tà-tín.
Phải biết, Chánh-tín cũng có nghi : Vì chưa chứng đắc nên phát nghi. Niệm nghi từ cạn vào sâu, lâu ngày không lui sụt, bỗng nhiên niệm nghi bùng nổ, tất cả thấu rõ, gọi là đại-ngộ. Nên biết ngộ là quả của tín, tín là nhân của ngộ. Pháp-sư Tăng Triệu nói : "Quả chẳng gồm nhân, vì nhân thành quả". Thế thì, lúc Tin tức là lúc ngộ, lúc ngộ chẳng khác lúc Tin.
Bài Minh gọi là Tín Tâm, chính là ý này vậy.
Phải biết, người Đại-căn-khí vừa nghe đề khởi, như gặp vật cũ, thấu rõ nơi Tâm. Quần áo có thể quên mặc, tánh mạng có thể xả bỏ mà muốn bảo người ấy bỏ Chánh-tín, dù chốc lát cũng chẳng thể được. Nên Cổ-nhân nói : "Giả sử bánh xe lửa, xoay chuyển đỉnh đầu tôi, cũng chẳng vì khổ này làm mất Tâm-bồ-đề. "Cái niệm Chánh-tín nếu thật vững chắc như thế thì đâu có lẽ nào chẳng được thân chứng ?
Ngoài ra, nếu do tà-tín mà sanh nghi, nghi mãi không thôi thì phải sanh khởi kiến-chấp điên đảo, đuổi theo cảnh duyên hư vọng, ắt đọa Địa-ngục Vô-gián.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Phải thì phải, nếu như Tin tức là ngộ, thì ngộ phải lộn vào Nguồn Linh (Tự-tánh), đã lộn vào Nguồn Linh thì cái chữ TIN này còn đặt để ở chỗ nào ? Nếu nói có chỗ để đặt thì xin chỉ ra xem ! Nếu không chỗ đặt thì lời Tổ-sư cũng thành lời thừa rồi.
KỆ KẾT THÚC
Gốc tin chẳng Chánh khởi hồ nghi,
Niệm nghi tan rã Chánh-tín khởi.
Lời nói rõ ràng được tương tự,
Cách xa Tổ-đình như chân Trời.
57. NHẤT THIẾT BẤT LƯU, VÔ KHẢ KÝ ỨC.
DỊCH : Tất cả chẳng lưu giữ thì không thể ghi nhớ.
LỜI KHAI THỊ
Đại-tâm rộng như hư-không, Đại-trí sáng như Mặt-trời, Đại-nghi như đống lửa hồng, Đại-pháp như vách tường sắt. Bị Lâm Tế tận sức hét cũng chẳng thối lui, bị Đức Sơn thẳng tay đánh cũng chẳng chịu ngừng. Cây cột dây dưa dựng sâu chắc, leo quấn nhánh dây không thôi dứt. Ở trong đó có một kẻ ló đầu ra nói : "Đêm qua bị tôi nhổ tận gốc rồi". Vậy, cây cột dây dưa đã nắm trong tay, tính đặt để ở chỗ nào ?
Trước lời ngoài câu chẳng biết chỗ,
Càng khiến đất bằng thêm lồi lõm.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "NHẤT THIẾT BẤT LƯU, VÔ KHẢ KÝ ỨC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Chỗ tâm hành diệt là "tất cả chẳng lưu", đường ngôn ngữ dứt là "không thể ghi nhớ"; Ngoài không có pháp để bỏ là tất cả chẳng lưu, trong không có Tâm để giữ là không thể ghi nhớ. "Liễu liễu kiến, không một vật, chẳng phải người, chẳng phải Phật, Hằng-sa thế giới như bọt biển, tất cả Thánh-hiền như điện chớp" cũng là tất cả chẳng lưu; "Đốt hương tỉnh tọa ở Nam Đài, suốt ngày tỉnh lặng muôn niệm quên, chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng, chỉ vì chẳng việc để suy lường" cũng là không thể ghi nhớ.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Vậy, dẫn chứng cũng được tương tự, dẫu cho ông đem hết ngôn giáo của Phật-tổ dẫn chứng đến cái thúng đựng nước không chảy, chỉ là càng ghi nhớ thêm nhiều mà thôi. Muốn tất cả chẳng giữ, há có thể được ư ?
KỆ KẾT THÚC
Tất cả chẳng giữ, càng sanh kiến (giải),
Trọn không ghi nhớ, vẫn còn tri.
Nếu chẳng đích thân về quê nhà,
Bệnh đói, bánh vẽ làm sao trị ?
58. HƯ MINH TỰ CHIẾU, BẤT LAO TÂM LỰC.
DỊCH : Rỗng sáng tự chiếu soi, chẳng lao nhọc Tâm-lực.
LỜI KHAI THỊ
Đạo cần mỗi ngày một bớt, học cần mỗi ngày một thêm. Bớt đến kiến chấp tiêu mất, thêm đến đầy bụng tức ngực, bỗng nhiên thêm bớt thảy đều quên, tay không về Chùa ngồi hướng vách, trong thành Trì Dương Vương-lão-sư lạnh lẽo khiến người tưởng nhớ mãi. Đừng tưởng nhớ, rỗng sáng tự chiếu soi, chẳng phải do Tâm-lực.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói như thế, Người-giải-nghĩa cho rằng : Trong sạch đã đầy tròn, chẳng dung nạp vật khác gọi là Hư, hạt Châu tự sáng tỏ, ánh Trăng tự chiếu soi gọi là Minh. Đã hư mà minh, vật đến liền hiện là công dụng của tự chiếu, chẳng cho lộn lời nói. Ở đây, nếu thêm một mảy may Tâm-lực thì chẳng thể cho là hư minh tự chiếu rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Dẫn dụ rất là đúng lý, vậy ông thấy hư-không phải là chẳng tướng mạo chăng ? Xưa nay chưa từng nghe hư-không tự nói : "Ta chẳng tướng mạo". Nếu hư-không có thể nói được thì chẳng thể gọi là hư-không, giả sử Tổ-sư đã biết có thí dụ này thì cái lỗi lỡ lời cũng khó tránh khỏi vậy.
KỆ KẾT THÚC
Con dấu vàng ròng Tâm ấn Tâm,
Cần phải chư Tổ truyền thọ nhau.
Lén lút lượm được cũng vô dụng,
Đâu thể bắt chước nói diệu huyền ?
59. PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC.
DỊCH : Chỗ lìa suy nghĩ, tình thức khó lường.
LỜI KHAI THỊ
Bột trắng trong tuyết dễ phân ra, Thức tức duy Tâm; Mực đen trong than khó biện biệt, duy Tâm tức Thức. Thức chẳng phải Tâm, Tâm chẳng phải Thức. Dưới ánh Mặt-trời xem trắng đen, trước đài gương sáng hiện xấu đẹp. Lời nói thế này, giống như lời giảng Duy-thức-luận của Pháp-sư, trước mặt Nạp-tăng làm sao hiển lộ tin tức thiệt ?
Chẳng phải Tâm, chẳng phải Thức, ban đêm Chó sủa thôn hoa, mùa xuân Oanh hót bờ liễu. Cá Kình hút cạn sóng đáy biển, con Rồng chạy vào Vô-sanh-quốc, khiến Đại-phạm-vương giựt mình thức dậy, thẳng lên đỉnh trời Sắc Cứu Cánh, tát cho hư-không một bạt tai, rải xuống Long-châu trăm ngàn hột, tia sáng lấp lánh rọi áo đẹp.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Thức là thức của nhà Tâm, Tâm là tâm của nhà thức, hai thứ này như nước với sữa rất khó phân biệt. Phải biết, Thức là nước, Tâm là sữa trong nước, nên Giáo-môn nói : "Vua ngỗng chọn sữa, đâu đồng loài vịt !". Trong nước đều có sữa, chỉ có Vua-ngỗng mới biết phân biệt, ngoài ra các thứ thủy tộc đều chẳng biết. Việc này dụ cho trong tất cả thức đều có Chơn-tâm, chỉ có Phật & Tổ mới rõ.
Cái Giác-chiếu-soi của Linh-tri gọi là Tâm, những suy tư, ghi, nhớ, thủ, xả, phân biệt v.v... gọi là Thức. Thức có 8 thứ : Lục Căn mỗi Căn một Thức, thứ 7 gọi Mạt-na, thứ 8 gọi A-lại-da cũng gọi là Như-lai-tạng, bảy Thức trước là nhánh lá, Thức thứ 8 là căn bản. Trong Kinh nói : "Lúc đầu thai thì đến trước, lúc chết thì đi sau, ngộ là Như-lai-tạng, mê là A-lại-da". Thức này nơi mê thì gìn giữ tất cả nghiệp thiện ác vô ký, xả thân thọ thân từ vô lượng kiếp; nơi ngộ thì giữ gìn tất cả hạt giống Bồ-đề, giải-thoát, trí-huệ từ lúc vô-thỉ. Thức này từ mê vào ngộ, chuyển thành Đại-viên-cảnh-trí, đổi tên mà chẳng đổi thể. Hiện nay ở trong tứ Đại, ngũ Uẩn, các pháp Thánh-phàm, ghi nhớ rõ ràng, tác dụng phân biệt, cho đến kiến văn giác tri, Tam-giới rộn ràng, vạn pháp thăng trầm, mỗi niệm khởi diệt đều nương nơi Thức này mà sanh. Cho nên nói "Vạn pháp duy Thức". Khuê Phong nói : "Pháp sanh vốn không, tất cả duy Thức".
Học giả ngày nay, chẳng thể đem mạng-căn một dao cắt đứt, đi khắp Tòng-lâm, chỉ biết đem cái thông minh của mình dùng để dẫn khởi tình-thức, ôm những huyền-giải ghi nhớ trong lòng, gặp duyên mống khởi, chẳng biết huyền-giải này là thuộc về "tình-thức y thông", lại chấp cho là khai-ngộ. Hoặc lầm nhận cái cảm giác linh động rõ ràng trước mắt này, biện luận thao thao cho là Tự-kỷ. Giống như Kinh Lăng Nghiêm nói : "Bỏ trăm ngàn biển lớn, chỉ nhận một bọt cho là nước cả biển". Kinh Viên Giác nói : "Đều là tập-khí vọng tưởng phan duyên lục Trần, chẳng phải Tâm-thể chơn thật". Hòa-thượng Trường Sa nói : "Những người học Đạo chẳng biết Chơn, chỉ vì xưa nay nhận Thức-thần",...
Vĩnh Gia nói : "Tổn pháp tài, diệt công đức, tất cả đều do Tâm, Ý, Thức" v.v... Chư Phật chư Tổ đã có chỉ bày rõ ràng, mà trong thời Mạt-pháp, bệnh này ngày càng nhiều thêm ! Nhưng kẻ mắc bệnh này là do lập chí học Đạo chẳng chơn chánh mà ra, nếu là quyết chí muốn rời khỏi biển sanh tử thì không chịu dấu mình trong tình-thức. Chỉ do ban sơ một niệm muốn hiểu Thiền, hiểu Đạo, hiểu Phật, hiểu Pháp mới thành bệnh này.
Thức này như núi Thiết-vi rộng lớn, bao vây họ từ vô-thỉ, cũng như thiên binh vạn mã ngày đêm ở trước cửa lục Căn, rình sơ hở của họ. Nếu không đủ chí quyết định liễu sanh tử, thì đi đâu cũng phải vào đó.
Tổ-sư làm bài TÍN TÂM MINH này là mở rộng cửa Thiền cho kẻ hậu học thoát bỏ tình-thức, chỉ tin Tự-tâm, cất bước liền vào. Nếu tình-thức của học giả còn một mảy may chưa sạch, đọc bài MINH này trở thành thuốc độc. Sự lợi hại như thế, nên 2 câu đầu nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH". Chỉ 2 câu này, đem Tâm với Thức phân giải rõ ràng. Tại sao ? Nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN" tức là chỉ Chơn-tâm; "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH" tức là phá tình-thức, kẻ tình-thức chưa quên, thấy người nói lời này, bèn nói : "Tôi chỉ chẳng lựa chọn". Đâu biết chỉ cái "chẳng lựa chọn" này đã là hiểu theo tình-thức rồi, huống là kẻ mỗi mỗi chấp có, gặp cảnh sanh tình ư ?
Nên ý bài MINH này từ đầu đến cuối, nói đi nói lại, chẳng rời Bản-tâm, chẳng qua vì giúp người học biện rõ Tâm với Thức mà thôi. Cho nên nói "PHI TƯ LƯỢNG XỨ, THỨC TÌNH NAN TRẮC".
TỊCH NGHĨA GIẢI
Theo lời nói duy hiềm giản trạch, nay lại ở trong pháp một Tâm, chỉ ra Tình và Thức, ấy là lựa chọn hay chẳng lựa chọn ? Nhưng Tình và Thức, với một Tâm quả là khác hay là đồng ư ? Người chơn thật học Đạo, ở đây nếu chẳng thể xác định, mà muốn thấy ý chỉ TÍN TÂM MINH của Tổ-sư, chẳng phải còn xa xôi ư ?
KỆ KẾT THÚC
Chỗ lìa suy nghĩ rất khó lường,
Môn đồ học Phật đều nên rõ.
Ngay đó chẳng biết thiếu vật gì ?
Thông minh lanh lợi lại bị lừa.
60. CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI, VÔ THA VÔ TỰ.
DỊCH : Chơn như Pháp-giới, chẳng người chẳng mình.
LỜI KHAI THỊ
Sư Khoáng không lỗ tai, Chí Thần (Tự-tánh) không bản thể, Nguồn Linh không có đáy. Đạt-ma truyền tủy đâu thể được ! Xưa kia ở chung chẳng biết tên, hôm nay gặp nhau chẳng phải ngươi. Bóng Trăng đẹp mà xuống nước chẳng chìm, gió lạnh lẽo mà sáu cửa tự mở. Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, dây dưa mục leo quấn trước kiếp-không; "Gió chẳng động, Phướn chẳng động", Huệ Năng đắc chí nơi phòng giã gạo. Linh-chiếu rõ ràng ta chẳng biết,
Mây trăng khe núi tự quen nhau.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI, VÔ THA VÔ TỰ", Người-giải-nghĩa cho rằng : CHƠN NHƯ PHÁP GIỚI là tổng danh của một Tâm. Ngoài Tâm chẳng pháp thì đâu có cái tên gọi Tự-Tha ? Không những tự tha chẳng lập, cho đến núi sông, đất đai, hữu tình vô tình, đều chẳng thể đắc lại thành có. Dù nói chẳng thể đắc mà có, cũng chẳng ngại an lập vật tượng tự tha. Tại sao ? Chơn-như Pháp-giới dụ như vàng, vật tượng tự tha dụ như bông tai, cà rá, dây chuyền... Phải biết vàng là thật thể, các đồ trang sức là quyền danh (tên gọi tạm). Thật chiều theo Quyền thì vật tượng tự tha chẳng ngại an lập, dung Quyền về Thật thì chỉ thấy chí thể của Nhất-chơn Pháp-giới. Vậy, giả danh của các thứ trang sức chẳng cần trừ mà tự mất rồi. Kẻ mê muội chẳng thông đạt ý chỉ viên dung của Tổ-sư, cho là đoạn diệt đọa nơi rỗng không, lập cái thuyết vô tha vô tự, ở đây cần phải biện bạch cho rõ.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Biện thì cứ biện, nhưng trong Chơn-như Pháp-giới còn dung nạp được lời biện bạch này chăng ?
KỆ KẾT THÚC
Trong chẳng Tự-kỷ, ngoài chẳng tha (người khác),
Cả gan nuốt trọn trái bí kia.
Thẳng tay tặng người, người chẳng nhận,
Rải cát quăng bùn vẫn y xưa.