13. NHẤT CHỦNG BẤT THÔNG, LƯỠNG XỨ THẤT CÔNG. DỊCH : Vốn một chẳng thông, thì đặt ra hai chỗ là uổng công.
LỜI KHAI THỊ
Nhận Nai là Ngựa, gọi lu là chuông, xưa nay đem sai chiều theo sai, chẳng khác đem hư-không lấp hư-không, ngồi rách năm ba cái bồ-đoàn, vỗ tay cười to; đi gãy bảy tám cây tích-trượng, mặt mày hớn hở, quét sạch bệnh chấp Phật & Tổ, diệt mất Thiếu-lâm-tông (Thiền-tông), lò rèn lâu năm lửa vẫn hồng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói "NHẤT CHỦNG BẤT THÔNG, LƯỠNG XỨ THẤT CÔNG", một số Thiền-giả bày đặt rằng : Hai câu này là lời kết trước dẫn sau, nói KẾT TRƯỚC là hiển bày Chơn-lý vốn một; nói DẪN SAU là trách cái vọng của có và không vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Nếu là Nạp-tăng chơn thật, dù nói một nói hai, câu nào cũng quy về tự Tông (bản thể), lời nào cũng là ứng dụng. Nếu chẳng như thế thì nói một đã lọt vào hang ổ rồi, huống là hai ư ?
KỆ KẾT THÚC
Nói một xưa nay không chỗ để,
Nói hai đâu có chỗ lập công ?
Chỉ vì bà mẹ dặn quá kỹ,
Liên lụy vợ tôi chấp thấy nghe.
14. KHIỂN HỮU MỘT HỮU, TÙNG KHÔNG BỘI KHÔNG.
DỊCH : Trừ bỏ Có thì kẹt nơi Có, đuổi theo Không lại trái với Không.
LỜI KHAI THỊ
Đầu chánh đuôi chánh, tâm không mắt không, gặp nhau trong đường hẹp, nói bậy cũng trúng. Cây Bách của Triệu Châu cắt đứt một dòng suối thế gian. Cái bánh sắt có nhân của Động Sơn, bóng nước bầu Trời hiện cây tùng. Voi lớn không đi đường con Thỏ, Sư-tử đâu chịu giẫm dấu Chồn.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói "KHIỂN HỮU MỘT HỮU, TÙNG KHÔNG BỘI KHÔNG". Những người đuổi theo lời nói giải rằng Có là vọng có, vì trừ nó mà bị kẹt; Không vốn tự không, do muốn đuổi theo nên trái. Có là cái có của nhà không; Không là cái không của nhà có, Không nhờ có mới hiển, Có nhờ không mà bày; vì hiển nên toàn Không là Có, vì bày nên toàn Có là Không, dung nhiếp với nhau mà chẳng sai, tương đối lẫn nhau mà chẳng khác. Do đó được biết, trừ nó hay theo nó đều là vọng.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Sư-tử cắn người, đâu chịu đuổi theo cục xương, y văn giải nghĩa, còn không bằng con chó đuổi theo cục xương nữa mà còn muốn nó rống lên chụp người ném cục xương ấy, thì đâu có thể được ?
KỆ KẾT THÚC
Chỉ vì lá Bùa dán quá cao,
Giữ cửa vẫn bị Quỷ-thần vào.
Đâu bằng ở dưới thềm nhà lá,
Suối, mây, Trăng, núi làm bạn nhau.
15. ĐA NGÔN ĐA LỰ, CHUYỂN BẤT TƯƠNG ƯNG.
DỊCH : Nói nhiều lo nhiều, càng chẳng tương ưng.
LỜI KHAI THỊ
Như nước vào nước, như gương soi gương, tẩy được Pháp-trần lại kết thành kiến-bệnh, làm cho tam thế chư Phật không nhà để về, lịch đại Tổ-sư chẳng có Đạo để chứng. Vì thương xót Quan-tuần mù mắt phải xem số mạng cho Không-vương, đêm khuya lật bàn quẻ ra xem, hư-minh lạnh lẽo tự soi nhau. Cho nên nói "ĐA NGÔN ĐA LỰ, CHUYỂN BẤT TƯƠNG ƯNG".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người-giải-nghĩa cho rằng : Nói nhiều cách Đạo càng xa. Lại nói "Diệu-tâm rỗng nhiên chiếu soi, lấy tịch lặng của bậc Thánh làm Tông. Còn dẫn chứng Tổ Đạt-ma dạy "Ngoài tuyệt các duyên, trong tâm không nghĩ tưởng". Ngoài tuyệt các duyên thì quên lời nói, trong không nghĩ tưởng thì hết niệm lo.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Ngươi dẫn chứng như thế rồi, vậy có tương ưng với Tự-tánh hay chưa ? Nếu chưa thì nói chi ngôn ngữ này nọ ?
KỆ KẾT THÚC
Do lời hiển Đạo, Đạo quên lời,
Quên đến không lời cũng vọng truyền.
Thị-phi thoát ra ngoài lời nói,
Hư-không chẳng miệng biết nói Thiền.
16. TUYỆT NGÔN TUYỆT LỰ, VÔ XỨ BẤT THÔNG.
DỊCH : Bặt nói bặt lo, chỗ nào cũng thông.
LỜI KHAI THỊ
Đạo Ngô múa Hốt (cây Hốt của quan Triều-đình), Thạch Củng giương cung, Tây Hà sư tử, Trường Sa mãnh hổ, chẳng những bấy giờ tiếng tăm lừng lẫy, cho tới ngày nay gia-phong vẫn còn lưu truyền, đến dưới cửa Tổ-sư phải khiến dấu chuột diệt mất. Tại sao như thế ? Há chẳng thấy nói "Dùng nia đong gạo khác với cái lít, bàn ủi nấu trà không giống cái ấm". Cho nên nói "TUYỆT NGÔN TUYỆT LỰ, VÔ XỨ BẤT THÔNG".
LỜI NGHĨA GIẢI
Hoặc có người y văn giải nghĩa rằng : Bặt nói thì đường ngôn ngữ dứt, bặt lo thì chỗ tâm hành diệt; đường ngôn ngữ dứt thì tịch mà chiếu, chỗ tâm hành diệt thì chiếu mà tịch. Đến đây, Như-lai-thiền và Tổ-sư-thiền có thể xỏ chung một xâu, cũng có Cổ-nhân bảo họ thôi đi nghỉ đi, khoé miệng lên meo, trên lưỡi mọc cỏ v.v... đều không ngoài lý này.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Lãnh hội như thế, giống như để nước đá trên ngọn lửa hồng, thật là không biết mắc cỡ. Nếu quả như lời nói ấy, thì đâu cần Tổ-sư từ Tây Trúc sang ?
KỆ KẾT THÚC
Bặt nói bặt lo đồng người gỗ,
"Khi nào thành Phật", Vĩnh Gia chê.
Chưa ngộ trước lời thông huyền-chỉ,
Đem một mảy lông ngăn thiết-vi.
17. QUY CĂN ĐẮC CHỈ, TÙY CHIẾU THẤT TÔNG.
DỊCH : Trở về cội gốc thì được ý-chỉ, đuổi theo chiếu soi lại mất Bản-tông.
LỜI KHAI THỊ
Như thế, như thế, cho Tây làm Đông; chẳng như thế, chẳng như thế, nhận có là không. Chẳng như thế ở nơi như thế, giống như dùng lưới bắt gió, như thế, ở nơi chẳng như thế, như dùng giấy ướt để nhốt cọp. Tại sao ? Há chẳng nghe nói "QUY CĂN ĐẮC CHỈ, TÙY CHIẾU THẤT TÔNG" ư ?
LỜI NGHĨA GIẢI
Một số người khéo suy lường rằng : "Bặt nói bặt lo" là trở về cội, "nơi nào cũng thông" là đắc tông-chỉ. Nếu ngươi lãnh hội theo nghĩa "về cội đắc chỉ" đó, thì lại đuổi theo chiếu soi làm lạc mất tông-chỉ rồi. Nhưng CỘI vốn không chỗ về, CHỈ cũng chẳng thể đắc, chẳng rõ nghĩa này, tự sanh vọng chấp, nói là TUỲ CHIẾU, nếu còn dấu tích chữ CHIẾU, thì Tâm-tông của chư Phật chư Tổ đã lạc mất quá lâu rồi.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Quả có lời nói này ư ? Nếu thật như thế, thì cũng như kêu những Phật & Tổ từ xưa đến đây ăn gậy sắt của Diêm-la-vương. Tại sao ? Vì họ QUY CĂN ĐẮC CHỈ vậy !
KỆ KẾT THÚC
Tùy Chiếu, Quy Căn đồng một việc
Chẳng cần đặc biệt hiển gia-phong.
Tâm trộm chưa chết trước cơ-xảo,
"Đắc Chỉ" đâu khác sự "Thất Tông".
18. TU DU PHẢN CHIẾU, THẮNG KHƯỚC TIỀN KHÔNG.
DỊCH : Phản chiếu chốc lát, hơn cả Không kia.
LỜI KHAI THỊ
Thấy đến, hành đến, Tông thông thuyết thông, hiển lộ con mắt Trời người, mổ ra tấm lòng Phật-tổ. Ngược với vật, đuổi theo vật, giống như khác chẳng phải khác, giết người cứu người, nói đồng chẳng đồng, đều cho đè ngang xuống một lượt, nửa đêm cửa biển Mặt-trời hồng.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "TU DU PHẢN CHIẾU, THẮNG KHƯỚC TIỀN KHÔNG", hạng người gượng nói Đạo-lý rằng : Đem sáng, tối, sắc, không, dẫn nghĩa quy về Tự-kỷ gọi là PHẢN CHIẾU. Phải biết không chẳng tự không bởi tâm nên không; có chẳng tự có, bởi tâm nên có, chúng sanh xa trái tự Tâm, vọng thấy Không và Có, mà muốn theo nó hay bỏ nó, đều gọi là điên đảo.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Lời nói đoán sai. Dưới cửa Thiền-tông, tìm Tâm trọn chẳng thể được, ai là người điên đảo ?
KỆ KẾT THÚC
Vốn chẳng phải chiếu đâu cần chiếu,
Nói chi chốc lát với lâu dài.
Hễ được kiến Tánh siêu danh tướng,
Hai việc lâu mau nghĩa đều sai.
19. TIỀN KHÔNG CHUYỂN BIẾN, GIAI DO VỌNG KIẾN.
DỊCH : Không kia chuyển biến, đều do vọng kiến.
LỜI KHAI THỊ
Lư hương Chùa xưa, lụa trắng một sợi, ngay đó siêu việt sanh-tử, đều là rơi vào phương-tiện. Xưa nay chẳng tin Tâm tự mê, lại nói Phật-pháp không linh nghiệm. Dù có linh nghiệm, ngay đó liền thành Phật thì vào Địa-ngục mau như tên bắn.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "TIỀN KHÔNG CHUYỂN BIẾN, GIAI DO VỌNG KIẾN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Có là vọng, Không cũng là vọng. Không và Có theo duyên thay đổi chẳng nhất định, muốn được lìa vọng, phải bài trừ cả hai.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Thôi thôi ! Trừ thì mặc tình cho y trừ, nhưng chẳng biết cái vọng sở trừ và cái tâm năng trừ đều chẳng lìa vọng. Nếu chẳng thể luôn cả cái "trừ" đều trừ sạch, muốn thoát khỏi cảnh duyên vọng, khó mong có ngày. Vậy có phương tiện nào để trừ luôn cái "Trừ" ?
KỆ KẾT THÚC
Không đâu có biến, biến phi Không,
Trong mắt đừng có chứa núi sông.
Ba tư đáy nước thổi đá lửa,
Mặt-trời bay lên cửa biển Đông.
20. BẤT DỤNG CẦU CHƠN, DUY TU TỨC KIẾN.
DỊCH : Chẳng cần cầu Chơn, chỉ cần dứt Kiến (tri kiến).
LỜI KHAI THỊ
Dựng đứng xương sống như sắt, cầm ngang cây kiếm dài như Trời, trong lúc động tịnh nhàn rộn, tất cả nhồi thành một khối. Đã tinh chuyên, lại dũng mãnh, đối với sự thành Phật làm Tổ, chẳng cách một hạt bụi, đụng nhằm Tam-tổ nói nhỏ với Ngài rằng "Khéo léo xem phương-tiện, chẳng cần cầu Chơn, chỉ cần dứt Kiến".
LỜI NGHĨA GIẢI
Người học Giáo-lý cho rằng : Kiến-chấp có 62 thứ, Pháp-số nêu ra đủ thứ, chẳng ra ngoài 2 kiến : Đoạn và Thường. Cầu Chơn rơi vào đoạn-kiến, theo vọng rơi vào thường-kiến. Kinh Lăng Nghiêm nói "Nói vọng để hiển chơn; Vọng & Chơn là hai vọng, Phi chơn phi chẳng chơn, nói chi kiến sở kiến". Hễ lìa được tất cả Kiến thì toàn thể tức Chơn, chẳng cần cầu vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Phải thì cố nhiên là phải, nhưng Tổ-sư nói "CHỈ CẦN DỨT KIẾN", vậy kiến làm sao dứt ? Nếu như có cái lý của dứt kiến, thì cái lý đó cũng trở thành kiến rồi !
KỆ KẾT THÚC
Tác ý cầu Chơn, chơn liền ẩn,
Tận tình dứt Kiến, kiến càng sanh.
Ngay cửa dù chẳng trồng gai gốc,
Nhưng đã không ai có lối đi.
21. NHỊ KIẾN BẤT TRỤ, THẬN VẬT TRUY TẦM.
DỊCH : Nhị kiến đối đãi chẳng trụ, chớ nên đuổi theo để tìm.
LỜI KHAI THỊ
Dùng mũi kim gọt sắt, nơi mặt Phật cạo vàng, nói Không thì mảy may chẳng cách, nói Có thì bậc Thánh khó tìm. Ban ngày không thấy đường, nửa đêm lại sáng tỏ. Tuyệt đối đãi, lìa cổ kim, người đời đều biết hồ biển rộng, xuất ngoại mới thấy nước bùn sâu.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "NHỊ KIẾN BẤT TRỤ, THẬN VẬT TRUY TẦM, Người-giải-nghĩa cho rằng : Đã chẳng trụ vọng, cũng chẳng trụ chơn, luôn cái chẳng trụ cũng không trụ, chính ngay khi ấy đủ thứ đại dụng, tất cả toàn chơn, đâu cần lìa cái này để tìm cái khác ?
TỊCH NGHĨA GIẢI, RẰNG
Ỷ ! Như những lời nói tương tự này, có ai không chứa một bụng hay nửa bụng, nhưng muốn gần bên cạnh Tổ-sư thì chưa được.
KỆ KẾT THÚC, RẰNG
Các pháp bổn lai vô-sở-trụ,
Nơi vô-sở-trụ bặt truy tầm.
Đêm qua Tây đỉnh Mặt-trời lặn,
Sáng nay y cũ chiếu rừng sâu.
22. TÀI HỮU THỊ PHI, PHÂN NHIÊN THẤT TÂM.
DỊCH : Vừa có thị phi, thì lăng xăng lạc mất Bản-tâm.
LỜI KHAI THỊ
Căn chẳng lợi độn, Đạo chẳng cạn sâu, Thiền-tông có một câu : "Phi cổ phi kim" mò không đụng đáy. Tỉnh-tọa nơi Đại-viên-cảnh-trí, dù được đụng đáy lại sâu vào rừng rậm tà-kiến. Di-lặc, Thích-ca tự biết chẳng có phần, con chồn con trâu ráng nín sự tức cười.
Đêm cưỡi ngựa sắt chìm đáy biển,
Mò được mũi kim hồi năm xưa.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói "TÀI HỮU THỊ PHI, PHÂN NHIÊN THẤT TÂM", người ở Tòng-lâm thường nói : Khắp mười phương thế giới là Sa-môn tự kỷ, khắp mười phương thế giới là cổ Phật Pháp-thân. Cho nên nói : lăng xăng chẳng phải vật khác, tung hoành đâu phải bụi trần, chẳng thị cũng chẳng phi, mỗi mỗi đều từ trong Tâm diệu minh chảy ra.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Những lời nói này, Tòng-lâm gọi là việc thương lượng bình thường, cũng gọi là câu nói chuyển thân (vô trụ), ai cũng dùng 2 câu này để dẫn chứng, xưa nay không biết đã làm ô nhiễm bao nhiêu Tâm-địa trong sạch, nên bậc Đạo-nhân chơn thật, quở nó là tạp độc, mắng nó là nước miếng con chồn, có người nào không chịu sự Ma-mị ấy chăng ? Cần phải mửa hết cho mau.
KỆ KẾT THÚC
Nói có thị phi, không thị phi,
Nhà lớn cửa mở đợi ai vào.
Gai gốc đầy Trời ngang đường cái,
Đi qua ai chẳng bị vướng y.
23. NHỊ DO NHẤT HỮU, NHẤT DIỆC MẠC THỦ.
DỊCH : Hai do một mà có, một cũng đừng nên giữ.
LỜI KHAI THỊ
Mặt-trời mọc, Mặt-trăng lặn, Trời đất lâu dài, chỉ có Châu Kim Cang (Đức Sơn) không việc làm. Cầm ngang cây gậy đi dọc đường, có ai hỏi ý Tổ-sư từ Tây Trúc sang, nếu chẳng đánh vào sống lưng thì chụp ngay ngực, rồi nói "Ngậm miệng chó lại", làm cho sum la vạn tượng híp mắt cười ha hả. Muốn đến nơi phải đợi ba mươi năm sau.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "NHỊ DO NHẤT HỮU, NHẤT DIỆC MẠC THỦ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Vừa theo hai, liền mê một, vừa giữ một, liền sanh hai. Nên biết : Hai là chơn - vọng, một là Tự-tâm, cái "HAI" của chơn - vọng đã trừ, cái "MỘT" của Tự-tâm chẳng trụ, gọi là giải thoát trên đường Đạo lớn vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Những lời nói này, ghi nhớ trong lòng cho là tham học, chẳng những chưa đủ tư cách để ăn gậy của Đức Sơn, mà gậy sắt của Diêm-la-vương lại không thể thiếu phần cho ông.
KỆ KẾT THÚC
Bảo y một pháp cũng đừng giữ,
Chẳng biết "Đừng giữ" chưa thật nghèo.
Đâu bằng say rượu nằm trên thảm,
Rải ném vàng ròng cho mọi người.
24. NHẤT TÂM BẤT SANH, VẠN PHÁP VÔ CỬU.
DỊCH : Một tâm chẳng sanh khởi, muôn pháp chẳng đúng sai.
LỜI KHAI THỊ
Tô Châu có, Thường Châu có, sáu lần sáu là ba mươi sáu, bảy lần bảy là bốn mươi chín. Am-chủ dựng lên nắm tay, Bá Trượng mở ra hai bàn (tay), sản xuất túi cơm (ám chỉ Tổ-sư) một ngàn bảy, hiện ra đầu Thần mặt Quỷ. Con tôm đâu từng ra khỏi lưới.
LỜI NGHĨA GIẢI
Tổ-sư nói : "NHẤT TÂM BẤT SANH, VẠN PHÁP VÔ CỬU", Người-giải-nghĩa dẫn chứng Kinh-luận rằng : "Tâm sanh mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt mỗi mỗi pháp diệt. Các pháp chẳng tự sanh, các pháp chẳng tự diệt, đều do một Tâm biến hiện, một Tâm không sanh, các pháp thường trụ". Cho nên người xưa có lời nói : "Trâu sắt không sợ sư tử rống, giống như người gỗ thấy chim, hoa" chính là nghĩa này vậy.
TỊCH NGHĨA GIẢI
Đúng thì đúng rồi ! Nhưng Ngài Vĩnh Gia lại nói : "Ai vô niệm, ai vô sanh ? Nếu thật vô sanh thì vô bất sanh, kêu người gỗ-máy đến hỏi thử, dụng công cầu Phật lúc nào thành ?" Vậy lời nghĩa giải trên dường như trái ngược; xin hỏi : Bất sanh là phải, hay vô bất sanh là phải ? Thử xác định xem !
KỆ KẾT THÚC
Vạn pháp xưa nay chẳng đúng sai,
Một Tâm đâu có sanh, bất sanh.
Lòng từ dặn dò dù tha thiết,
Tiếng sáo chăn Trâu khó hợp đàn.