Phật Thích-ca nói : "Mọi chúng sanh đều có Phật-tánh", tất cả Phật-tử đều tin được. Lại tin Phật-tánh chẳng thể giảm bớt, cũng chẳng thể gián đoạn, vì giảm bớt gián đoạn là sanh diệt luân hồi, nếu Phật-tánh còn phải luân hồi, thì kiến Tánh thành Phật cũng vô ích. Phật-tánh tức là tự Tâm, nếu người tin mình có Phật-tánh, tức là tin tự Tâm. Phật-tánh không thể giảm bớt, thì tất cả thần thông trí huệ năng lực sẵn đầy đủ bằng chư Phật. Phật-tánh không thể gián đoạn, thì mọi chúng sanh hiện đang làm Phật. Vậy, Phật-tánh tức là tự Tâm, thì tự Tâm của mọi người đã sẵn đầy đủ tất cả năng lực, bằng như chư Phật, thế thì việc lý giải đều là thêm bớt cho tự Tâm. Nên ngài Trung Phong làm bài TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI này, cố tẩy sạch lý giải để hiển bày Chánh-ngộ, cho bổn lai diện mục (tự Tâm) trọn vẹn hiện khắp không gian và thời gian.
Quyển TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI này trích từ Quảng Lục gồm 30 quyển của ngài Trung Phong, in trong tập số 499 của Tích Sa Đại Tạng Kinh. Vì có người chỉ đem phần nghĩa giải trong MINH này in ra phổ biến, mà lược bỏ những phần khai-thị và phủ nhận của ngài Trung Phong, thành điên đảo Phật-pháp, liên lụy Tổ-sư, nên chúng tôi dịch hết toàn bộ (gồm 4 phần : Khai-thị, Nghĩa-giải, Tịch-nghĩa-giải và Kệ-kết-thúc), để hiển bày ý chính của Ngài, mong độc giả xem xét cho kỹ !
Thích Duy Lực.
BÀI TỰA CỦA NGÀI TRUNG PHONG
Từng nghe Sơ-tổ Đạt-ma nói Đạo-trực-chỉ bất lập văn tự, nhưng vừa truyền qua hai đời đến đời thứ ba là tổ Tăng Xán, thì lại làm ra bài TÍN TÂM MINH gồm 584 chữ. Vậy có phải là biến gia phong của chư Tổ trở lại kiến lập văn tự chăng ? Hoặc nói chẳng phải, ấy chỉ là muốn hiển bày cái Đạo-trực-chỉ cho hành giả đời sau được đầy đủ Chánh-tín, phá tà chấp mà thôi.
TÍN là gì ? Là tin bản thể tự Tâm rộng lớn như chư Phật, cùng khắp không gian thời gian, khiến cho được tự tin mà ngộ nhập, chẳng nhờ tu chứng; nghĩa là hễ bước vào cửa tin, quyết chẳng lui sụt, nên bài TÍN TÂM MINH nầy với thuyết BẤT LẬP VĂN TỰ của Tổ-sư trải qua bao đời chẳng trái nhau. Như thế, sự lập ngôn của Tam-tổ thực là chí thành để gánh vácPháp thiền trực tiếp này. Nhưng tiếc rằng những học giả đời nay thường kẹt nơi nghĩa giải, chẳng thể hoát nhiên tự ngộ Diệu-tâm, thấu rõ nguồn gốc, hợp với Chánh-tín, lại đem bài TÍN TÂM MINH này làm dẫn chứng đàm luận, giống như mạt vàng rơi vào mắt, thành ra nghịch lại ý Tổ mà chẳng tự biết. Do đó, tôi soạn ra bài này, mỗi đoạn 2 câu, dùng lời và kệ để sáng tỏ bản ý của Tổ, không dám khoe khoang kiến văn cho là thù thắng. Thực ra chỉ muốn quét sạch nghĩa giải, hiển bày Chánh-ngộ, nhắc nhở người đồng tham, khích lệ chính mình mà thôi. Nếu có người cảm thấy không vừa ý, thì tội của tôi làm sao tẩy sạch, cho nên đặt tên bài này là "TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI".
Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6.
CHÁNH VĂN
Đạo cùng tột chẳng có gì khó, chỉ vì phân biệt mới thành khó.
Chỉ đừng yêu ghét thì rõ ràng minh bạch.
Xê xích mảy may, cách xa trời đất.
Muốn được tự tánh hiện tiền, chớ còn tập khí thuận nghịch.
Thuận nghịch tranh nhau, ấy là tâm bệnh.
Chẳng biết huyền chỉ, uổng công niệm tịnh.
Tròn đồng Thái-hư, không thiếu không dư.
Bởi do thủ xả, cho nên bất như (như là đúng như tự tánh).
Đừng theo nơi có, chớ trụ nơi không.
Trọn một bình đẳng, tuyệt nhiên tự sạch.
Ngăn động trở về tịnh, tịnh ấy càng thêm động.
Hễ kẹt hai bên, đâu biết vốn một.
Vốn một chẳng thông, thì đặt ra hai chỗ là uổng công.
Trừ bỏ Có thì kẹt nơi Có, đuổi theo KHÔNG lại trái với KHÔNG.
Nói nhiều lo nhiều, càng chẳng tương ưng.
Bặt nói bặt lo, chỗ nào cũng thông.
Trở về cội gốc thì được ý chỉ, đuổi theo chiếu soi lại mất bản tông.
Phản chiếu chốc lát, hơn cả KHÔNG kia.
Không kia chuyển biến, đều do vọng kiến.
Chẳng cần cầu chơn, chỉ cần dứt kiến (tri kiến)
Nhị kiến đối đãi chẳng trụ, chớ nên đuổi theo để tìm.
Vừa có thị phi, thì lăng xăng lạc mất bản tâm.
Hai do một mà có, một cũng đừng nên giữ.
Một tâm chẳng sanh khởi, muôn pháp chẳng đúng sai.
Chẳng đúng sai thì chẳng phải pháp, cũng chẳng sanh cái tâm chấp "chẳng phải tâm".
Năng theo cảnh diệt, cảnh theo năng mất.
Cảnh do năng thành cảnh, năng do cảnh thành năng.
Muốn biết "hai đoạn", vốn là "một-không".
Nói một cái KHÔNG đã đồng với hai, một và hai cùng bao hàm vạn tượng.
Chẳng thấy tinh tế thô sơ, đâu có thiên lệch một bên.
Bản thể đại đạo rộng khắp hư không, chẳng có khó dễ đối đãi.
Sự thấy nhỏ hẹp có chút hồ nghi, muốn gấp lại càng trễ.
Chấp thật thì lạc mất tông chỉ, ắt phải rơi vào đường tà.
Buông thì bản thể tự nhiên, vốn chẳng có đi và ở. (Buông : vô trụ).
Tự tánh là đạo, vốn chẳng phiền não.
Nổi niệm thì bị niệm buộc thành trái với chơn, không niệm thì hôn trầm chẳng tốt.
Tốt xấu không nên nhọc tinh thần, đâu cần phân biệt sơ hay thân.
Muốn chứng lấy Nhất Phật Thừa, chớ nên chán ghét lục trần.
Chẳng cho lục trần là tốt hay xấu, thì đồng như chánh giác.
Người trí tự tại vô tác, kẻ ngu dụng tâm tự trói.
Pháp chẳng là pháp, vọng tự chấp trước cho là pháp.
Đem tâm dụng tâm, há chẳng phải lầm lớn.
Mê sanh tịch lặng và tán loạn, ngộ chẳng tốt, xấu, yêu, ghét.
Tất cả nhị biên đối đãi đều do đo lường suy toán.
Việc mộng huyễn như hoa đốm trên không, đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc!
Đắc, thất, thị, phi, đồng thời buông bỏ.
Mắt nếu chẳng ngủ, chiêm bao tự dứt.
Nếu tâm chẳng cho là có khác, thì muôn pháp chỉ là một "NHƯ".
Một chữ "NHƯ" thể tánh huyền diệu, cùng tột bình đẳng, bặt nhân duyên đối đãi.
Muôn pháp cùng quán một lượt, tất cả trở về tự nhiên.
Bặt hết lý giải, chẳng thể thí dụ.
Ngưng động chẳng phải tịnh, động ngưng cũng chẳng phải ngưng.
Hai đã chẳng thành, một làm sao có.
Cùng tột cứu cánh, chẳng còn qui tắc.
Khế hợp bản tâm thì tất cả bình đẳng, năng tác sở tác đều tự dứt.
Hồ nghi dứt sạch, chánh tín vững chắc.
Tất cả chẳng lưu giữ thì không thể ghi nhớ.
Rỗng sáng tự chiếu soi, chẳng lao nhọc tâm lực.
Chỗ lìa suy nghĩ, tình thức khó lường.
Chơn như Pháp Giới, chẳng người chẳng mình.
Gấp muốn tương ưng, chỉ nói bất nhị.
Bất Nhị chẳng phải đồng, Nhị mới có bao gồm.
Người trí mười phương, đều vào tông này.
Tông chỉ chẳng có ngắn dài, muôn năm một niệm, niệm muôn năm.
Chẳng phải có chỗ, chẳng phải không chỗ, mười phương hư không, chính là trước mắt.
Cực nhỏ đồng lớn, quên hẳn cảnh giới.
Cực lớn đồng nhỏ, chẳng thấy bờ mé.
Có tức là không, không tức là có.
Nếu chẳng như thế, ắt chẳng cần giữ.
Một là tất cả, tất cả là một.
Nếu được như thế, lo gì chẳng xong.
Tin tự tâm là bất nhị, bất nhị phải tin tự tâm.
Đường ngôn ngữ chấm dứt, chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai../.
Giải : Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6.