Phẩm Thứ Mười Ba : Phá "Hành".
Hỏi : Như kinh Phật sở thuyết
Hư vọng chấp lấy tướng
Vì vọng chấp chư hành
Nên gọi là hư vọng
Phá : Kẻ hư vọng chấp lấy
Trong đó lấy cái gì
Phật thuyết những việc này
Muốn hiển bày nghĩa không
Vì các pháp khác nhau
Biết đều là "vô tánh"
Tánh vô pháp cũng vô
Vì tất cả pháp không
Ðại thánh thuyết pháp không
Vì lìa chư kiến chấp
Nếu lại thấy có không
Phật chẳng thể giáo hóa.
Giải thích :"Hành" là sự hành vi biến hóa. Hành vi biến hóa là sát-na sinh diệt, nên Phật nói chư hành vô thường. Vô thường thì chẳng thật, chẳng thật nên hư vọng. Hư vọng thì chẳng thể chấp lấy. Phật nói hư vọng chẳng thể chấp lấy là muốn hiển bày nghĩa không vậy. Vì các pháp khác nhau thì mỗi mỗi chẳng có Tự-tánh. Pháp chẳng Tự-tánh thì pháp chẳng có, nên nói tất cả pháp không. Phật thuyết pháp không là dùng để phá 62 thứ kiến chấp và phá phiền não của nghiệp ái vô minh. "Không" là công cụ dùng để phá chấp, nếu trở lại chấp "không" thì người ấy chẳng thể giáo hóa. Như có bệnh mới cần uống thuốc, nếu chấp thuốc thành bệnh, thì chẳng thể trị. Cũng như lửa từ củi ra, dùng nước có thể diệt lửa. Nếu lửa từ nước ra, thì phải dùng cái gì để diệt ? "Không" dụ cho nước, có thể dẹp tắt những lửa phiền não. Nếu lại ở nơi "không" mà sanh khởi kiến chấp, hoặc cho là có cái "không", hoặc cho là chẳng có cái "không", vì tranh chấp "hữu" "vô" lại sanh khởi phiền não nữa. Nếu dùng "không" để giáo hóa người này, thì họ nói tôi biết "không" đã lâu. Nếu lìa "không" thì chẳng có đạo Niết-bàn. Như kinh nói : Không, vô tướng, vô tác nơi ba cửa này được giải thoát. Ðấy chỉ là ngôn thuyết mà thôi. (Không, vô tướng thì chẳng thể tu; vô tác thì không có tu, vậy đâu thể giải thoát ?).
Phẩm Thứ Mười Bốn : Phá "Hợp".
Kiến, sở kiến, kẻ kiến
Ba thứ này khác chỗ
Ba pháp khác như thế
Chẳng lúc nào hợp được
Khác biệt nên có hợp
Ba thứ "kiến" chẳng khác
Vì tướng khác chẳng thành
Ba kiến làm sao hợp ?
Khác, vì khác có khác
Khác, lìa khác chẳng khác
Nếu từ sở nhân ra
Pháp chẳng khác với nhân
Trong khác, chẳng tướng khác
Trong chẳng khác, cũng không
Vì chẳng có tướng khác
Cái này chẳng khác kia
Pháp đồng chẳng tự hợp
Pháp khác cũng chẳng hợp
Kẻ hợp với lúc hợp
Pháp hợp đều chẳng có.
Giải thích :"Kiến" là nhãn căn, "sở kiến" là sắc trần, "kẻ kiến" là ta, chỗ của ba thứ khác nhau. Nói khác chỗ là : Nhãn căn ở trong thân, sắc trần ở ngoài thân, còn "tôi" hoặc nói ở trong thân hoặc nói ở khắp nơi, cho nên chẳng thể hợp (hợp chẳng được). Tự thể của các pháp chẳng thể hợp, như ngón tay chẳng thể hợp với ngón tay, mỗi pháp cách biệt ở mỗi nơi, cũng chẳng thể hợp, nên "pháp hợp" bất khả đắc. "Pháp hợp" đã bất khả đắc, thì "kẻ hợp", "lúc hợp" đều bất khả đắc.
Phẩm Thứ Mười Lăm : Phá Hữu Vô.
Hữu nếu chẳng thể thành
Thì vô làm sao thành
Vì đã có "pháp hữu"
Hữu hoại gọi là vô
Nếu người thấy hữu, vô
Thấy Tự-tánh, tha tánh
Như thế thì chẳng thấy
Phật pháp chân thật nghĩa
Ðịnh hữu là chấp thường
Ðịnh vô là chấp đoạn
Cho nên người có Trí
Chẳng nên chấp hữu, vô.
Giải thích :Nếu pháp là thực hữu, thực hữu thì chẳng thể hoại diệt mà thành vô. Nếu thực vô, thực vô thì chẳng thể sanh hữu. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều là pháp sanh diệt. Sanh diệt thì chẳng thuộc về hữu vô. Nếu chẳng sanh diệt là pháp vô vi, lại chẳng dính líu đến sự hữu vô. Cho nên chấp hữu, chấp vô đều chẳng phải nghĩa chân thật của Phật-pháp vậy.
Phẩm Thứ Mười Sáu : Quán Trói Mở.
Chư hành có vãng lai
Thường chẳng có vãng lai
Vô thường chẳng vãng lai
Chúng sanh cũng như thế
Nếu chúng sanh vãng lai
Tìm cùng hết năm thứ (1)
Trong các ấm giới nghiệp
Ðâu có ai vãng lai
Nếu từ thân đến thân
Vãng lai, tức vô thân
Nếu mà chẳng có thân
Thì chẳng có vãng lai
Chư hành tướng sanh diệt
Chẳng trói cũng chẳng mở
Chúng sanh như lời trên
Chẳng trói cũng chẳng mở
Nếu thân gọi là trói
Có thân thì chẳng trói
Vô thân cũng chẳng trói
Vậy nơi nào có trói ?.
Giải thích :Từ thân hài nhi đến thân tiểu đồng, cho đến thân thanh niên, thân lão niên, đều cùng một thân. Từ một thân đến một thân, tức là kẻ vãng lai vô thân (từ nhỏ tới già chỉ có một thân thì không có thân khác vãng lai). Nếu trước đã có thân thì chẳng nên còn có từ thân đến thân. Nếu trước chẳng có thân, làm sao có sanh tử vãng lai ? Nếu thân ngũ ấm gọi là trói, chúng sanh đã có ngũ ấm trước thì chẳng thể trói, vì một người chẳng có hai thân (trước có thân ngũ ấm, sau lại có thân nữa). Nếu chẳng có thân thì chẳng có ngũ ấm. Tại sao mà có trói ? Chẳng trói thì chẳng mở, nên trói mở đều chẳng thành lập.
(1). Năm thứ : Sanh, Tử, Ấm, Giới, Nhập.
Phẩm Thứ Mười Bảy : Quán Nghiệp.
Người khéo hàng phục tâm (ác tâm)
Lợi ích cho chúng sanh
Ấy gọi là thiện nghiệp
Là chủng tử quả báo
Ðại Thánh thuyết hai nghiệp (thiện và ác)
"Tư" với "từ tư" sanh
Nghiệp trong tướng khác biệt
Mỗi mỗi phân biệt thuyết
Nghiệp trụ đến thọ báo
Nghiệp ấy tức là thường
Nếu diệt tức vô thường
Ðâu thể sanh quả báo ?.
Giải thích :Nghiệp nếu từ trụ cho đến thọ báo, nghiệp ấy tức là thường (thường là pháp vô vi). Sự thực thì chẳng phải vậy, vì nghiệp là tướng sanh diệt. Nhất niệm còn chẳng trụ, huống là từ trụ đến quả báo, nếu diệt thì chẳng có nghiệp. Chẳng nghiệp làm sao sanh ra quả báo.
Ghi chú : "Tư" là suy nghĩ, là ý nghiệp, "từ tư" tức là sanh ra thân, khẩu nghiệp.
Phẩm Thứ Mười Tám : Quán "Pháp".
Phật thuyết các pháp từ nhân duyên sanh, thì mỗi mỗi chẳng có Tự-tánh, tức là vô ngã.
Nếu ngã là ngũ ấm
Ngã tức là sanh diệt
Nếu ngã khác ngũ ấm
Chẳng phải tướng ngũ ấm
Nếu là chẳng có ngã
Làm sao có ngã sở
Vì diệt "ngã" "ngã sở"
Ðược gọi "vô ngã trí"
Người đắc vô ngã trí
Ấy gọi là thực quán.
Giải thích :Thực quán thì được sáng tỏ "Tất cả các pháp vô sanh".
Phẩm Thứ Mười Chín : Quán "Thời".
Nếu do thời quá khứ
Có vị lai, hiện tại
Thì vị lai, hiện tại
Phải ở thời quá khứ
Nếu trong thời quá khứ
Chẳng vị lai, hiện tại
Sao nói do quá khứ
Chẳng do thời quá khứ
Thì chẳng thời vị lai
Cũng chẳng thời hiện tại
Cho nên chẳng tam thời.
Giải thích :Bởi vì có quá khứ mới biết có vị lai; do quá khứ, vị lai mới biết có hiện tại. Nếu thời gian đã quá khứ thì chẳng hiện tại, hiện tại chẳng có, vị lai cũng chẳng có. Cho nên tam thời đều không có. Cũng như sát-na vô trụ thì chẳng có hiện tại, quá khứ, vị lai vậy.
Phẩm Thứ Hai Mươi : Quán Nhân Quả.
Nếu chúng duyên hòa hợp
Mà có cái "quả" sanh
Trong hòa hợp đã có
Ðâu cần hòa hợp sanh.
Nếu chúng duyên hòa hợp
Trong đó chẳng có quả
Tại sao từ chúng duyên
Hòa hợp mà sanh quả.
Nếu chúng duyên hòa hợp
Mà lại có quả sanh
Năng sanh với sở sanh
Thì phải cùng một thời.
Nếu trong nhân vô quả
Nhân đâu thể sanh quả
Nếu trong nhân có quả
Sao lại còn sanh quả.
Giải thích :Trong nhân vô quả, thì chẳng thể sanh quả. Trong nhân đã có quả, cũng chẳng thể có thêm quả nữa. Tại sao ? Cũng như người chẳng có thai thì làm sao sanh con ? Nếu đã có thai trước, thì đâu thể còn có thai thêm mà sanh con nữa.
Phẩm Thứ Hai Mươi Mốt : Quán Thành Hoại.
Pháp nếu lìa nơi thành
Làm sao mà có hoại
Nếu pháp lìa nơi hoại
Thì làm sao có thành
Thành, hoại cùng một thời
Làm sao có thành, hoại.
Giải thích :Sanh tức là "Thành", chết tức là "Hoại". Nếu chia ra thì mỗi mỗi độc lập. Nghĩa là sanh chẳng có chết và chẳng cần sanh mà có sự chết. Nếu sanh tử hợp một, thì sanh với tử đồng thời (vô lý). Do đó, thành với hoại đều chẳng thể thành lập.
Phẩm Thứ Hai Mươi Hai : Quán Như-lai.
Phi ấm phi lìa ấm
Thử bỉ chẳng tướng tại (này kia chẳng có tướng tồn tại)
Như-lai chẳng có ấm
Nơi nào có Như-lai.
Ấm hợp có Như-lai
Thì chẳng có Tự-tánh
Nếu chẳng có Tự-tánh
Do đâu lập sự có.
Nếu chẳng có Tự-tánh
Tại sao có tha tánh
Lìa Tự-tánh tha tánh
Gọi gì là Như-lai.
Người tà kiến thâm sâu
Thì nói chẳng Như-lai
Tướng Như-lai tịch diệt
Sao phân biệt hữu vô.
Giải thích :Như-lai tức là giống như bổn lai, bổn lai thì vô thỉ vô sanh, vô sanh thì chẳng thể sanh "Hữu", cũng chẳng thể sanh "Vô", nên có Như-lai hay không có Như-lai đều sai. Chẳng thể kiến lập nghĩa Như-lai.
Phẩm Thứ Hai Mươi Ba : Quán "Ðiên Ðảo".
Hỏi : Từ tưởng nhớ phân biệt
Sanh khởi tham, sân, si
Tịnh, bất tịnh, điên đảo
Ðều từ chúng duyên sanh
Phá : Nếu nhân tịnh, bất tịnh
Ðiên đảo sanh tam độc
Tam độc tức vô tánh
Nên phiền não chẳng thật
Chẳng do nơi tướng tịnh
Thì chẳng có bất tịnh
Do tịnh có bất tịnh
Cho nên chẳng bất tịnh
Chẳng do nơi bất tịnh
Thì cũng chẳng có tịnh
Do bất tịnh có tịnh
Cho nên chẳng có tịnh.
Giải thích :Nếu phiền não do tịnh, bất tịnh, điên đảo tưởng nhớ phân biệt mà sanh, tức chẳng có Tự-tánh (do nhân duyên của tưởng nhớ phân biệt mới sanh, chẳng phải tự sanh, chẳng tự sanh thì chẳng có Tự-tánh). Cho nên phiền não chẳng thật. Phiền não đã chẳng thật, thì cái nhân điên đảo cũng phải chẳng thật.
Phẩm Thứ Hai Mươi Bốn : Quán Tứ Ðế.
Nếu tất cả "Bất không" (khổ, tập, diệt, đạo, nếu mỗi mỗi có Tự-tánh, tức là bất không)
Thì chẳng có sanh diệt
Như thế thì chẳng có
Pháp của Tứ Thánh Ðế
Nếu "Khổ" có định tánh (tánh nhất định)
Sao lại từ "Tập" sanh
Khổ nếu có định tánh
Cũng chẳng nên có "diệt"
Khổ nếu có định tánh
Thì chẳng có tu "Đạo"
Nếu "Đạo" tu tập được
Thì chẳng có định tánh.
Giải thích :Ðịnh và bất định đều chẳng thể thành lập, nên pháp Tứ Thánh Ðế cũng chẳng thể thành lập.
Phẩm Thứ Hai Mươi Lăm : Quán Niết-bàn.
Nếu các pháp chẳng không
Thì vô sanh vô diệt (vô Niết-bàn)
Nếu Niết-bàn là có
Niết-bàn thuộc hữu vi
"Hữu" còn chẳng Niết-bàn
Huống là nơi "Vô" ư.
Giải thích :Tất cả pháp, tất cả thời, tất cả chủng tử đều do nhân duyên sanh, nên cứu cánh không. Trong cứu cánh không, Tự-tánh tất cả pháp đều bất khả đắc. Do đó, các pháp có sở hữu đều ngưng, hý luận đều diệt. Hý luận diệt, nên thông đạt thực tướng vô tướng của các pháp.
Phẩm Thứ Hai Mươi Sáu : Quán Thập Nhị Nhân Duyên
Chúng sanh, si che lấp (vô minh)
Rồi mới khởi "tâm hành" (quá khứ, hiện tại, vị lai)
Vì từ "hành" duyên khởi
Tùy "hành" vào lục đạo
Do nhân duyên chư "hành"
"Thức" thọ "thân lục đạo"
Vì có chấp lấy thức
Tăng trưởng nơi "danh sắc"
Vì "danh sắc" tăng trưởng
Do đó sanh "lục nhập".
Giải thích :Vì có đại khổ ấm tụ tập, nên phàm phu vô trí, mà sanh khởi cái căn bản chư hành của sanh tử này, người trí thì chẳng có khởi. Do sự thấy như thực, thì vô minh diệt, vì vô minh diệt, thì chư hành cũng diệt, vì nhân diệt nên quả cũng diệt. Tu tập cái trí quán thập nhị nhân duyên sanh diệt như thế, nên cái sự ấy diệt. Vì sự ấy diệt, cho đến sanh, lão, tử, ưu bi (ưu sầu, bi thảm), đại khổ ấm đều như thực diệt hết. Nếu pháp có thể diệt, thì chẳng phải pháp thật, pháp thật thì chẳng có sanh diệt.
Phẩm Thứ Hai Mươi Bảy : Quán Tà Kiến.
Như trong đời quá khứ
"Hữu ngã" "vô ngã" "kiến"
Hoặc cộng hoặc bất cộng
Việc ấy đều chẳng phải
Ngã nơi đời vị lai
Hoặc tác hoặc bất tác
Người có kiến như thế
Ðều đồng đời quá khứ
Nếu Trời tức là người
Thì đọa vào bên "thường"
Nếu trời khác với người
Thì chẳng có tương tục
Nếu nửa trời nửa người
Thì đọa nơi nhị biên
Pháp nếu định có "lai"
Và nhất định có "khứ"
Thì sanh tử "hữu thỉ"
Thực thì chẳng việc này
Nếu thế gian "hữu biên"
Làm sao có "hậu thế"
Nếu thế gian "vô biên"
Làm sao có "hậu thế"
Ngũ ấm thường tương tục
Cũng như ngọn tim đèn
Do đó nên thế gian
Chẳng "hữu biên", "vô biên"
Vì nhất thiết pháp không
Những kiến chấp thế gian
Ở nơi nào lúc nào
Ai khởi những kiến chấp (hữu, vô, thường, biên v.v...)
Ðức Phật đại Thánh chủ
Thương xót (chúng sanh) thuyết Pháp này
Ðoạn tất cả kiến chấp
Nay tôi đảnh lễ Phật.
Giải thích : Lục đạo luân hồi là hiện tượng trong chiêm bao, dù có mà chẳng thật, nên người nào có chấp thật đều thuộc về tà kiến.
LỜI KẾT
Pháp-sư Diệu Nhân, ngày 22 tháng 12 năm 1983, khi đọc "Nhập Trung Luận", có bút ký rằng :
"Các đại Luận-sư Ấn-độ như Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt Xưng, Tịnh Mạng, đều kế thừa học thuyết Trung Quán của Long Thọ. Nhưng vì quan điểm chẳng đồng trong vấn đề cho với chẳng cho "Có ngoại cảnh" mà sanh ra học phái chẳng đồng.
Thanh Biện luận-sư phá Duy Thức Luận, trong danh ngôn kiến lập Tông phái cho "Có ngoại cảnh". Phái này gọi là Kinh Bộ Hạnh Trung Quán Sư.
Tịnh Mạnh luận-sư thì lập cái thuyết "Vô ngoại cảnh". Phái này gọi là Du-già Hạnh Trung Quán Sư.
Nguyệt Xưng luận-sư thì cho là Trung Quán Kiến của Phật Hộ luận-sư thù thắng nhất, mà theo phái Phật Hộ, lại nói đời sau phần nhiều Trung Quán sư đều tùy thuận học thuyết của Phật Hộ với Nguyệt Xưng. Còn các phái Tát-ca, phái Ca-cử và phái Cách-lỗ của Phật-giáo Tây Tạng cũng theo 'Trung Quán Kiến' của Nguyệt Xưng luận-sư, đồng thời kiến lập Nhập Trung Luận tụng & giải thích cũng cho biết danh hiệu phái Ứng Thành và phái Tự Tục của Trung Quán v.v...
Than ơi ! Tác-giả Trung Luận dùng Trung Quán để phá kiến chấp của nhị biên tương đối. Nếu nhị biên đã phá thì đâu có cái "Trung" để an lập, tại sao các đại Luận-sư Ấn Ðộ, mỗi mỗi đều có "Trung Quán Kiến" của họ, mà sanh ra nhiều học phái chẳng đồng như danh hiệu bốn phái kể trên. Thậm chí ảnh hưởng Phật-giáo Tây Tạng cũng sanh "Trung Quán Kiến". Nếu theo đó suy luận thì Phật-giáo các nước khác, cũng có thể bị truyền nhiễm kiến chấp của họ mà chẳng tự biết, khiến chư Phật chư Tổ muốn phá mà hơi sức đâu phá hết ?
Trung Luận là vị thuốc để phá trừ kiến chấp nhị biên. Nếu chấp thuốc thành bệnh thì chẳng thể trị, như trong phẩm Phá "Hành" đã ghi rõ vậy".
Nếu bút ký của Pháp-sư Diệu Nhân là thật, thì các đại Luận-sư kể trên cũng là thuộc về kẻ chư Phật chẳng thể giáo hóa ư ?