42. KHAI THỊ : Ngày 1 tháng 12 (Thất thứ 7 ngày thứ ba). Chỗ ngộ của Thiền-tông có hai thứ : Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, không nghi thì không thể nói đến ngộ.
Hai chỗ đại và tiểu ngộ này trước hết phải tạm mượn thí dụ để nói qua thì các ông sẽ rõ đại ngộ ra làm sao, tiểu ngộ ra làm sao, trình tự của đại và tiểu ngộ cần phải rõ ràng một chút. Tiểu ngộ ví như chuột chui vào sừng trâu, đại ngộ ví như chó bò qua vách tường. Các ông có biết không ?
Lại nói thêm một thí dụ nữa : Như lúc người xưa đi học, tiểu ngộ là kẻ học được ba năm thì đỗ vào đại học, đại ngộ như người học được ba mươi năm mới vào trường đại học. Lý như thế này : Học ba năm thi vào được đại học ấy là do sức tinh tiến, nhưng thực tế chưa đọc được hết sách vở, vì vậy tuy ở đại học mà vẫn còn có sách chưa hiểu. Trái lại người học được ba mươi năm rồi thì Ngũ Kinh, Tứ Thư, Chư Tử Bách Gia quyển nào cũng đều hiểu được hết. Cả hai người này tuy cùng là tú tài nhưng trình độ học vấn đương nhiên khác nhau. Người học được ba mươi năm thì trong bụng cái gì cũng biết, dù không vào đại học cũng hơn người học được ba năm. Nếu so như vậy lại càng hiểu rõ quá trình của đại và tiểu ngộ.
Ta so sánh tiểu ngộ như chuột khoét sừng trâu, kể cho ông biết cách chui như thế nào ? Các ông xem, cái sừng ấy hết sức lớn, trong sừng còn có từng lớp, từng lớp thịt, chuột cắn từng lớp, từng lớp cảm thấy rất có mùi vị, chỗ lớn nhỏ gì cũng cắn tới từng lớp, từng lớp một, tuy có mùi vị nhưng nơi càng vào càng nhỏ lại, nhỏ thì nhỏ nhưng càng cắn càng có mùi vị, mặc dù vào trong càng chật hẹp mà lại rất có mùi vị, không chịu bỏ đi được.
Thêm nữa, lớn nhỏ gì chuột càng muốn ăn không thể không cắn được. Nơi cắn vào nhỏ lại càng muốn cắn, cắn cho đến lúc cùng muốn xoay người cũng xoay không được; cắn nữa lại càng cắn không được, lớn nhỏ gì cũng muốn ăn, tâm gấp như lửa cháy tràn, cứ liều mạng mà cắn.
Các ông thấy đó, vỏ sừng vừa dày, vừa cứng, cắn thì cắn không nổi, cắn nữa thì lại cắn không nổi mà không cắn thì không qua được. Trước thì miệng cắn, chân trước bò, sau nữa thì chân sau bò; bỗng nhiên cắn được một chỗ hơi lớn, quay mình lại tưởng là cắn thông rồi có lối rộng tốt để đi.
Tốt ! Thông rồi ! Khai tiểu ngộ là như vậy tức là chưa thông tưởng là thông. Câu thoại-đầu không hiểu được, lại truy cứu nữa; đáo để là ai, còn không minh bạch, cứu cánh là ai ? Hình như có chút ít mùi vị. Truy cứu nữa lại thấy có ít mùi vị, đã nếm được ít mùi vị đương nhiên sẽ không quăng bỏ. Lại truy cứu nữa : Đáo để là ai ?, phấn khởi tinh thần không truy cho thông thì không thôi. Cứ dụng công phu như vậy ba ngày, năm ngày, ba tháng, nửa năm đương nhiên có chỗ quay đầu lại.
Người xưa có nói : Dụng công đến chỗ sơn cùng thủy tận, đương nhiên sẽ có chỗ chuyển thân. Khi chuyển được thân này thì sẽ khác rồi; mặc dù lúc đi cũng đi còn đường này, về cũng về con đường này, đường tuy có một nhưng cách đi có khác. Có thể nói là tìm được bổn lai diện mục rồi đấy.
Tiểu ngộ này đã khai rồi, có loại người tưởng là vô sự : “Chỗ này là rất tốt lắm, xong cả rồi, hãy ở lại đây thôi !”. Đó là trình tự của tiểu ngộ. Họ tưởng là đường đi mình đã trải qua rồi, dù là đường núi hay đường sông đều đã đi hết, đâu còn đường nào đi nữa ! Có phải họ đương nhiên muốn nghỉ không ?
Cứ tưởng rằng : “Bổn lai diện mục cũng tìm được rồi, còn có việc gì đâu ?!”. Đúng đấy, nhưng ngộ này là do thân tâm họ dùng sức phấn dũng mà được ngộ; cũng như người mới học được ba năm, không phải nhờ đã học được nhiều mà vào trường đại học, mà là nhờ sức tinh tiến của họ vậy.
Công phu này của họ thô và tế đều có. Tại sao ? Do sự dũng mãnh của thân thể và công phu tinh vi trong tâm; công phu trên tâm là tế, dũng mãnh trên thân là thô, họ nhờ dụng cả thô và tế nên được ngộ. Cái ngộ này đã đúng chưa ? Không đúng ! Chưa tới nhà ! Tại sao lại không đúng ? Giáo-môn nói 'được ít cho là đủ', Thiền-tông lại nói 'nhận giặc làm con', hai câu này so sánh rất đúng.
Tại sao vậy ? Vì ngộ này của họ chưa đến nhà, họ cứ tưởng cái diện mục này là đúng. Cái tiểu ngộ này chỉ là phương tiện quyền, nói cho triệt để là “được ít cho là đủ”. Tại sao Thiền-tông nói “nhận giặc làm con” ? Dù tiểu ngộ không nên cho là giặc, mà cũng không nên cho là con; vì họ có được có chút thọ dụng thì đã ngưng nghỉ, chút ít thọ dụng này tuy cũng đúng đấy, nhưng cứ ngỡ mình đã hết khổ nên dừng lại ở chỗ này, lấy đó làm thỏa mãn. Cho nên Phật đã trách rằng hạt lúa đã cháy thì không còn làm giống được nữa. Vậy nếu lấy hạt lúa này để gieo thì tương lai sẽ thu hoạch được gì ? Nếu các ông muốn lấy tiểu ngộ này cho là đủ, một mình lo việc giải thoát, trên không cầu thành Phật-đạo, dưới không nghĩ độ chúng sanh, cho là đủ, thế không phải nhận giặc làm con sao ?
Tiểu ngộ đã không tốt thì còn muốn hay không muốn ngộ nữa ? Đương nhiên phải muốn ! Tại sao vậy ? Vì đại tiểu đồng một lý nhưng sự thì khác nhau.
Thể của đại ngộ và tiểu ngộ chẳng có hai, thể của tiểu ngộ, ngộ rồi với thể của đại ngộ là đồng. Sự thì lại không. Sự của đại ngộ lầy khổ của chúng sinh làm khổ của mình, tà kiến điên đảo của chúng sinh là gốc chiêu khổ, cần phải nhổ bỏ giùm họ; tùy loại tùy hình, đồng trần tiếp vật, đầy là sự của đại ngộ.
Sự của tiểu ngộ là chán sinh tử, sợ mọi ô nhiễm nên tu Đạo ở thâm sơn, xa lìa thế gian sinh tử, xem sinh tử như oan gia, xem thế giới như tù ngục, đó là sự của tiểu ngộ.
Đại ngộ, tiểu ngộ thể đã đồng thì sao lại có chỗ khác như vậy ? Vì trước khi chưa ngộ, công hạnh trên công phu có chỗ khác nhau, như người học ba mươi năm mới vào đại học với người học ba năm cũng vào đại học, hai người này cũng là tú tài, nhưng đối với việc làm thì đương nhiên trình độ có chỗ khác nhau. Vì sao ? Người học nhiều dù ông hỏi thế nào, chỗ nào họ cũng đều biết hết, kẻ học ít thì vấn đáp không được chu đáo như họ, tú tài thì đồng nhưng việc làm thì không. Sự của đại, tiểu ngộ có khác biệt là lý lẽ như thế.
Tại sao nói được tiểu ngộ rồi cần phải ngộ nữa ? Vì người sau khi tiểu ngộ việc làm tuy có hơn người chưa ngộ nhiều (người chưa ngộ đi đường một chân cao cũng không biết, một chân thấp cũng không biết, một chân đạp nhầm cứt chó, một chân dẫm nhầm cầu tiêu cũng hoàn toàn không biết, đi xuôi, đi ngang như người mù; người khai tiểu ngộ thì khác, dù con mắt đã sáng nhưng chưa thật sáng mà hình ảnh con đường đều thấy được cả, cứt chó, hầm cầu sẽ không đạp phải, đi đường so với người chưa ngộ mau hơn mấy lần), nhưng so với người đại ngộ thì khác nhau như người ở đất bằng nhìn sơn hà đại địa, một người trên đỉnh núi Tu-di xem sơn hà đại địa; sự thấy của hai người đương nhiên khác nhau, nên người tiểu ngộ cần phải ngộ nữa.
Người khai ngộ tại sao ví như con chó bò qua đầu tường ? Con chó nhốt trong sân, bốn phía là vách cao lắm không bò qua được. Ông đem chó nhốt vào trong, đương nhiên nó cần phải ăn, lâu không có ăn thì có phải sẽ bị chết đói không ? Nó đương nhiên phải trèo, trèo không ra cũng phải trèo, trèo ra thì mới sống, trèo không ra thì bỏ mạng, vậy cứ trèo mãi rồi cũng có thể trèo ra được không ?
Nhưng người đại ngộ trước khi chưa ngộ, hạnh dụng công thì hành như thế nào ? Họ đề lên câu thoại-đầu cũng có nghi-tình mà không đề lên câu thoại-đầu cũng có nghi-tình. Đương nhiên trên nghi-tình mà dụng công; không dụng công, thôi dụng công cũng ở trong nghi-tình. Cái tri thức của họ hiểu được cái đại nghi thuần nhất bất tạp này, từ cái đại nghi này cứ thẳng một đường mà nghi, thời gian lâu thì sẽ đạt đến “trần tận quang sinh !”. Đến khi ấy hoặc không ngộ, nhưng hễ ngộ thì quán triệt khắp cùng Trời đất.
Cái hành này cách dụng như thế nào ? Cần phải hiểu câu thoại-đầu này họ không dùng lời nói của người ta đâu. Ta cho các ông biết : Câu thoại-đầu này là câu ta giảng, cái dụng công của họ không phải theo câu của ta mà dụng đâu, mà là câu phát xuất từ trong tâm chính họ ra. Trong tâm họ biết câu thoại-đầu, cần phải biết trở về với chính mình, muốn từ trong tâm mình phát xuất ra câu thoại-đầu, do chỗ này mà phát sinh nghi-tình, nghi tức không hiểu niệm Phật là người nào ? Chung quy “Nghi” này không buông. Lúc đầu hoàn toàn ông không buông nó, dụng lâu rồi các ông tính buông nó cũng không buông được. Nếu các ông không dụng thì cảm thấy trong mình khó chịu, dụng công thì thân tâm dễ chịu.
Từ chỗ này buông xuống cũng là công phu, dụng công lại, lại càng có công phu; đi, đứng, ngồi, nằm, mặc áo, ăn cơm, tất cả chỉ là công phu. Dụng công được như thế là họ có tri thức khai được đại ngộ, không dụng như vậy thì không được; công đáo tự nhiên thành 'dưa chín cuống rụng, nước chảy thành dòng', không cần mượn sức dũng mãnh, cho nên công phu của họ là thuần tế vô thô.
Họ có cái tri thức này rồi họ cứ một mạch đi thẳng trên đường này thì đương nhiên sẽ có kết quả. Công phu dụng đến chỗ này 'chạm nhằm, đụng phải' đều được khai đại ngộ. Cũng như con chó muốn trèo qua chỗ ấy, muốn mãi thì bốn chân, mắt, mũi, tai, toàn thân, toàn tâm đều muốn trèo, trèo một lần, hai lần, ba lần thì có thể bò qua được. Đại ngộ cũng vậy, bởi công phu của họ dụng đến lúc này thì tự nhiên sẽ ngộ thôi.
Vậy thì tiểu ngộ như chuột chui sừng trâu, quay đầu trở lại, đường tuy có lớn nhưng vẫn còn là con đường, có đường ấy là có người, cho nên còn người là còn đường đi. Đại ngộ như con chó bò qua vách tường, bò ra được thì xong ngay. Nhưng cái việc bò qua thì từ từ ta sẽ giảng cho các ông nghe. Hãy tham đi !
43. KHAI THỊ : Ngày 2 tháng 12 (Thất 7 ngày thứ tư).
“Chính ngay lúc dụng tâm, ngay đó không tâm dụng; không tâm ngay đó dụng, thường dụng ngay đó không”. Bốn câu này là Vĩnh Gia Đại-sư nói ra. Người dụng công đối với công phu của mấy câu nói này cần phải lĩnh hội.
Các ông có hiểu được công phu của mấy câu nói này đến chỗ nào không ? Để ở chỗ nào không ? Các ông đều là người dụng công chẳng lẽ mấy câu nói về công phu này mà không lĩnh hội được sao ? E rằng các ông thật chẳng biết.
Nay ta giải thích qua cho các ông : Câu thoại-đầu đề lên đứng đắn, ngay khi dụng tâm quay lại xem thì thấy chẳng có tâm để mà dụng, lúc không có nổi tâm dụng thì ngay đó đang được dụng, dụng lâu rồi thì cái đang đó cũng không có. Nói như vậy đại khái các ông có thể hiểu rõ được một chút.
Nhưng ta nói thế muốn các ông công phu đến chỗ này thì mới có thể lĩnh hội được, nếu không, ông chỉ nghe ta nói mà lĩnh hội được hoặc từ chỗ học mà lĩnh hội thì đều vô dụng cả. Tại sao vậy ? Vì việc người ta có dính dáng gì với ông đâu ? Thí dụ ra cửa chùa đi Dương Châu trên đường có miếu Long-vương, đền Thổ-địa, có cầu có cống v.v… người đi qua mà không hiểu được chăng ? Cái mình học được, cái nghe người ta nói lại thì nói chung chẳng thể nào đáp cho trót lọt cả được. Cái chỗ hành của công phu chân chưa chạm đất đó, ta giảng sơ cho các ông nghe : Ngay khi có tâm dụng, ngay đó không có tâm biết, đều không ngoài cái hữu tâm dụng, vô tâm dụng.
Thế nào hữu tâm dụng ? Thế nào là vô tâm dụng ? Trước hết phải biết câu thoại-đầu ta tham là của chính ta, nếu là từ người mà đến thì hữu tâm và vô tâm đều dùng không được. Tại sao vậy ? Câu “Niệm Phật là ai ?” là câu của người ta, không phải thứ công phu này, đối với cái vô tâm hữu tâm thì còn xa lắm ! Cho nên mới nói là không dùng được.
Vậy làm sao mới được tương ưng ? Trước tiên phải từ trong tâm mình phát xuất cái không biết niệm Phật là người nào ?, nếu không tìm ra người ấy thì khổ hải vô biên rồi (khổ lắm); có tìm được người đó thì mới ra khỏi biển khổ này được. Cái khẩn thiết này, cái niệm không lo không được, câu thoại-đầu ở chỗ này đương nhiên sẽ đắc dụng; cái không rõ ràng (nghi-tình) này, niệm niệm có đắc dụng, tâm tâm có đắc dụng thì đều xuất phát từ trong tâm của chính mình ra cả. Đó là cái công phu do chính mình hành đến thì sẽ có công phu thâm nhập.
Nếu muốn nghe ta hoặc sư Ban-thủ giảng “người niệm Phật là ai ?” thì phải tham, tham cho thông, tìm đến được người này thì được ra khỏi biển khổ, nếu tham không thông, người này không tìm được thì biển không ra được. Các ông tưởng tham như thế là đúng, chúng ta tham như vậy thì chỉ là bề ngoài thôi, cái tham như thế không là hôn trầm thì là vọng tưởng. Vì ông là người dụng công ngoài mặt, chính mình thì chẳng làm việc gì, đương nhiên muốn nổi vọng tưởng; trong tâm không có dụng công khẩn thiết, dụng công ngoài mặt thì làm sao kéo dài được ? Cho nên không từ tâm của mình phát xuất ra thì là của người ta thôi. Giả sử là do tâm của các ông phát xuất ra thì đương nhiên sẽ đắc dụng, còn dùng không hết nữa.
Giống như mượn tiền tiêu vậy; mình không có tiền thì muốn mượn tiền của người ta, mình có tiền rồi khỏi đi mượn. Tự mình có tiền tiêu là trường hợp nào ? Mượn tiền người ta là trường hợp nào ? Có thể nói tóm lại như vầy : Tham câu thoại-đầu không có nghi-tình thì cũng giống như niệm thoại-đầu, đó tức là dùng câu thoại-đầu của người ta. Nếu khi tham câu thoại-đầu trong tâm cảm thấy thắc mắc nổi lên nghi-tình thì đây mới là câu thoại-đầu của chính mình. Tham câu thoại-đầu của chính mình tức là tiêu tiền của chính mình, tham câu thoại-đầu của người ta tức là mượn tiền của người ta tiêu vậy. Vì vậy nói : Sai một ly thì cách xa như Trời với đất.
Vậy công phu của mình đắc dụng rồi thì các ông còn chịu buông tay ư ? Đương nhiên cứ thẳng một đường hướng về phía trước mà dụng đi, thời gian dụng công lâu đi rồi, lúc đó các ông muốn nghỉ một chút cũng không được. Việc nghỉ ấy không phải do ông nữa, vẫn còn câu thoại-đầu, muốn buông mà buông không được; không cần các ông tìm nó niệm niệm đều hỏi không dứt; buông cũng không được mà đề cũng không cần đề, công phu không bị gián đoạn chút nào; hữu tâm cũng là dụng mà vô tâm cũng là dụng, hoàn toàn không cần ông có tâm.
Có được công phu như vậy thì mới kể là ông đến được lúc vô tâm dụng, cũng gọi là đến thoại-đầu. Cái vô tâm này lấy gì mà nghiệm được ? Ví dụ như đi cầu, lúc vào cầu tiêu, hay khi bước đi vẫn còn có công phu, chưa mở nắp hầm cầu cũng còn có công phu, kéo quần thì công phu bị mơ hồ rồi, đến khi ngồi xuống thì luôn cả cái mơ hồ cũng không còn. Đến đây thì nghi-tình không còn nữa, chỉ còn biết mình ngồi trên bàn cầu. “Cái biết” này… còn kể ông là vô tâm sao ? Vô tâm thì không có tâm để biết. Tại sao vậy ? “Chẳng thể dùng Trí biết, chẳng thể dùng Thức hiểu”. Nếu cứ có tâm để biết thì ấy là tâm sinh diệt. Việc từ vô tâm về sau, từ từ ta sẽ giảng cho các ông sau. Hãy tham đi !
44. KHAI THỊ : Ngày 3 tháng 12 (Thất thứ 7 ngày thứ 5).
“Hữu tâm dụng đến chỗ vô tâm, vô tâm không cho hữu tâm biết”. Hai câu nói về công phu này nếu các ông hành đến được thì đối với giai đoạn công phu này mới là thấy được xác thật. Con đường đi này đã gần đến đích, đã sắp ngộ rồi.
Dụng công chưa đến chỗ này thì đương nhiên nói đến tâm. Chữ tâm là tổng danh, nói sơ lược có ba thứ ấy là : Tán loạn tâm, hữu tâm và vô tâm; dù ông nói thế nào, người dụng công cũng chẳng thể lìa ba thứ tâm này.
Thế nào là tán loạn tâm ? Ấy là trước khi chúng ta dụng công, nào là tham, sân, si, nào là nhân ngã, nghiệp thức, phiền não v.v… những tâm này gọi chung là tán loạn tâm. Nhưng khi ông ở trong tán loạn tâm này ông lại không biết đó là tán loạn tâm. Thứ tâm này vì quá nhiều như cát vãi chẳng thể kết tụ lại. Hạt cát này không dính với hạt cát kia, tâm niệm chúng ta cũng giống như những hạt cát ấy, không dễ gì góp dính thành một khối được. Nếu ông có quyết chí không góp không được thì lâu ngày cũng có thể nén thành một khối vậy.
Ví như công phu của chúng ta ban sơ không hiểu dụng công, cứ ở trong tán loạn tâm cho qua ngày giờ. Những tán loạn tâm này tức là nghiệp thức trần lao thiện ác biến hóa, tạo thành những thứ nghiệp thế gian như sanh tử, Thiên-đường, Địa-ngục v.v… Hôm nay tham câu thoại-đầu muốn đem cái tâm tạo nghiệp sanh tử thế gian đều ngưng nghỉ hết, chỉ dùng cái Pháp-thiền xuất thế gian này để lìa khỏi sanh tử, ban sơ không dễ gì làm được cũng như muốn nén cát thành một khối vậy.
Dụng công tham lâu ngày những tạp niệm tán loạn sẽ bớt đi, tham lâu nữa sẽ hết, chỉ còn một câu thoại-đầu cũng như cát vãi đã được làm thành một khối vậy. Những tán loạn tâm đó đều thu nhiếp lại vào câu thoại-đầu này, câu thoại-đầu này tức là hữu tâm.
Lúc hữu tâm, chỉ thấy được lúc trước đó là tán loạn tâm, chẳng thể thấy được cái vô tâm sau này. Tại sao vậy ? Nếu ông không dụng công đương nhiên chẳng biết được hữu tâm. Có tán loạn hay không có tán loạn tất cả đều do chữ 'hữu' (có) này mới biết.
Hôm nay dụng công đề lên câu thoại-đầu, vọng tưởng liền đến, theo đó mà xem thì chỉ khi dụng công mới biết được cái tâm niệm trước kia là tán loạn lăng xăng, tức là nhờ câu thoại-đầu này mới thấy được cái tâm tán loạn kia.
Ví như một người xuất thân là kẻ cướp, ở trong hang ổ bọn cướp suốt ngày chỉ nghĩ cách cướp giựt tài sản của người ta, họ đâu có nghĩ mình là kẻ ăn cướp không tốt. Cần phải bảo họ lìa khỏi hang ổ cướp rồi họ mới biết được trước kia họ là ăn cướp, về sau đương nhiên không chịu đi làm việc cướp giựt nữa, cũng như trước kia chưa dụng công không biết tâm mình là tán loạn tâm, tham câu thoại-đầu rồi mới biết trước kia là tán loạn tâm không tốt vậy.
Tại sau nói vô tâm chẳng cho hữu tâm biết ? Cũng như kẻ ăn cướp này đã biết không tốt, không muốn đi cướp giật nữa thì phải xa lìa cái hang ổ của bọn cướp mới được.
Nếu ông không xa lìa họ, ông muốn làm người tốt cũng không được. Bởi vì họ thấy ông không đi làm ăn cướp cũng muốn ông đi, ông không đi họ cũng không cho ông tự do. Nếu ông xa lìa họ, họ không thấy ông đương nhiên được bình an vô sự. Giả sử bị họ thấy được ông thì ông muốn làm người tốt cũng không được.
Ông đã xa lìa hang ổ, bọn cướp không thấy ông, ông mới có thể làm người tốt. Cũng thế, vô tâm ví như người tốt, nếu muốn biết họ là người tốt thì cái năng biết này của ông, tức là hữu tâm, chính là thằng ăn cướp. Cho nên nói là vô tâm chẳng cho hữu tâm biết là vậy. Tóm lại có cái hữu tâm để biết thì không kể ông là vô tâm.
Vậy hiện tại các ông đều là lúc hữu tâm, công phu vô tâm thì chưa đạt đến, nhưng cũng không thể bảo nó là tán loạn tâm được, đây là lời nói sát với thực tế. Nếu nói các ông hãy còn là tán loạn tâm thì chèn ép các ông; dù có vài vị tán loạn tâm cũng không cần nói đến họ.
Chúng ta chỉ mới nói đến cái hữu tâm hiện tại này thôi; câu thoại-đầu vừa đề lên thì vọng tưởng cũng nổi lên, đã vọng tưởng thì đương nhiên phải có tướng mạo của vọng tưởng cũng như nổi vọng tưởng Thượng Hải thì tướng Thượng Hải hiện ra.
Hôm nay bảo các ông tham câu thoại-đầu, muốn các ông tự hỏi lại câu thoại-đầu trong tâm mình, khởi lên nghi-tình thì không tướng, thực tướng, phi không thực tướng, diệc không diệc thực tướng, tất cả đều không có. Lời nói của Giáo-môn hoặc Chân-như, hoặc Nhất-chân Pháp-giới v.v… Thiền-tông thì không nói như vậy, câu thoại-đầu thì không có tất cả tướng.
Ta nói thêm để cho các ông nghe, muốn các ông dễ dàng biết được về trình tự của công phu này : Trước khi đề lên câu thoại-đầu, vọng tưởng cũng có, nghiệp chướng cũng có, lần lần vọng tưởng cũng không nổi mà nghiệp chướng cũng khởi ra, công phu không ngừng đắc dụng, thuần thục thêm nữa, công phu thành phiến thì mới có thể gọi là 'lạc đường tự tại' được.
Nếu các ông đến được mức này, ta có bảo các ông buông bỏ công phu để nổi vọng tưởng thì dù các ông có muốn nổi vọng tưởng cũng không nổi lên được. Chỉ còn thuần một nghi-tình liên lục không gián đoạn, tất cả niệm khác đều bặt, có muốn nổi cũng nổi không được.
Như thế chân nghi hiện tiền đương nhiên tất cả tướng đều không còn. Chẳng những Quỷ-thần không thấy ông, Diêm-la-vương cũng không thấy ông. Diêm-vương đã không thấy ông thì sanh tử đặt ở chỗ nào ? E rằng Phật Thích-ca cũng không thấy, nếu bị Phật Thích-ca thấy đến thì chẳng những có sinh tử lại còn có Niết-bàn nữa.
Khi chúng ta chân nghi hiện tiền thì sanh tử chẳng trụ, Niết-bàn cũng chẳng trụ vậy. Các ông hãy phát tâm, tham đi !
45. KHAI THỊ : Ngày 4 tháng 12 (Thất 7 ngày thứ 6).
“Chớ nói vô tâm tức là Đạo, vô tâm vẫn cách khoảng đường xa”. Mấy lời nói này với các ông thì thật không có gì để giảng, vì các ông cũng hoàn toàn muốn nghe nữa, bởi trên tâm hạnh các ông còn thiếu xa lắm. Nhưng ta không thể không hết Thiên-chức của mình để giảng thứ tự lớp lang cho các ông nghe.
Người dụng công đối với danh lợi, vinh quang, oán thân, tham ái, sân hận trên đời v.v… gọi chung là việc thế gian sự cần phải cho nó chết, một tí cũng không còn. Người xưa có đại tử đại hoạt, tiểu tử tiểu hoạt tức là lý này. Sao gọi là tiểu tử ? Đó là biệt danh của tiểu ngộ. Đại hoạt là biệt danh của đại ngộ.
Vậy tiểu tử là thế nào ? Thân tử là tiểu tử, tất cả đau ngứa trên thân mình đều không biết, cũng giống như một hoạt tử nhân, thân tuy chết nhưng tâm không chết, tâm vẫn còn sống động, ấy tức là tiểu tử.
Thế nào là đại tử ? Tức thân tâm đều chết; tâm chết, chỉ cho câu thoại-đầu tâm tâm dụng, niệm niệm dụng, bận rộn cũng dụng. Tuy dụng như vậy mà không cho biết là ở trong cái dụng như thế; nếu biết được có câu thoại-đầu, có cái dụng trong lúc bận rộn thì tâm chưa chết.
Vậy lấy gì chứng cớ rõ ràng được ? Tâm ông đại tử rồi ta sẽ hỏi ông : Ông tên gì ? Nếu ông trả lời được thì ông chưa chết, nếu ông trả lời không được, không hiểu mình tên gì mới kể là tâm của ông chết rồi.
Ta hỏi các ông : Đại tử có không ? Nay Đả được bảy Thất rồi, công phu không dụng đến đại tử thì làm sao đạt đến đại hoạt được ? Đứng ngay đây các ông hãy tự hỏi lòng xem, cái chết đến được trình độ nào ? Nhưng những lời này không phải ta nói bậy, chính ta từng đi qua trên con đường này rồi.
Lời nói người xưa các ông không tin, ta cũng không tin, tại sao vậy ? Vì chưa thấy làm sao mà tin được ? Nay ta đem việc chính ta đã đi qua, nói cho các ông nghe, đại khái các ông sẽ tin.
Khi ta ở chùa Kim Sơn, bốn người cùng ở một căn phòng, gặp đúng tên bốn người đều chữ “Diệu”, trong đó có Sư-đệ ta là Diệu Phong. Ta một mình nằm dưới đất, ba người kia ngủ trên giường, họ cảm thấy ngại, thường bảo ta : “Này thầy ! Thầy lên giường nằm đi”. Ta cũng không để ý đến lời họ kêu ta hay không, ta cứ nằm dưới đất.
Sư-đệ của ta muốn nói chuyện với ta mãi, ta cũng không để ý đến.
Ông ấy nói : “Thầy là người Hồ Bắc phải không ?”.
Ta nói : “Niệm Phật là ai ?”.
Ông ta nói : “Thầy là Diệu Thọ, pháp hiệu Tịnh Như phải không ?”.
Ta nói : “Niệm Phật đáo để là ai ?”.
Ông ta nói : “Ông đại khái là Sư-huynh tôi !”.
Ta nói : “Niệm Phật cứu kính là ai ?”.
Làm cho ông ta không biết làm thế nào, một mùa Đông hỏi ta mấy lần như vậy, ta đều trả lời như thế, ông ta muốn ta nói một câu khác hơn, nhưng vẫn không được. Đến kỳ nghỉ tháng giêng ông ta trở về tiểu miếu (chùa Sư phụ), Sư-phụ hỏi đến ông ta : “Sư-huynh ông ở chùa Kim Sơn ông có biết không ?”.
Ông ta nói : “Con biết, khi nói chuyện với Sư-huynh thì Sư-huynh không trả lời đúng câu hỏi nên con không biết đích xác có phải hay không ?”.
Sư phụ nói : “Hãy mau kêu nó về đây !”.
Ông ta lúc đến Kim Sơn nắm chặt tay ta nói : “Tôi nói thầy là Sư-huynh của tôi sao thầy không trả lời cho tôi biết ? Đúng thầy là Sư-huynh của tôi !”.
Ta nói : “Niệm Phật là ai ?”.
Ông ta nói : “Không cần biết ai hay không ai, thầy hãy theo tôi về chùa !”.
Ta nói : “Niệm Phật là ai ?”.
Ông ta nói : “Sư-phụ bảo tôi đến kêu thầy về, thầy không thể không về được”.
Ta nói : “Niệm Phật là ai ?” làm cho ông ta không biết làm cách nào, chỉ lôi cánh tay ta mà nói : “Thầy sao kỳ cục quá, bảo về thăm Sư phụ đâu có bao xa, ở Câu Dung thôi, sao không chịu về ?”.
Ta nói : “Niệm Phật là ai ?”, ông ta thả ta ra nói : “Thôi ! Thôi đi !”, rồi bỏ đi về.
Các ông thử nghĩ, ta lúc ấy những việc cần thiết trong việc giao thiệp nhất đều làm chết tiệt hết, không còn có ta nữa. Các ông được mấy ai hành giống như ta ? E rằng các ông không những biết tên người ở quãng đơn phía đông, phía tây nữa. Các ông thử nghĩ : Ta làm người như thế này đến nay đã bốn mươi năm vẫn còn là người thường, các ông công phu chưa đạt đến chỗ này thì làm sao khai-ngộ được ? Thật đáng tiếc ! Các ông chưa có một ai bám chắc đến chết câu thoại-đầu mà nhận chân ôm chặc tử cú này (thoại-đầu) mà cắn mãi; không hỏi khai-ngộ hay không, cứ chỉ là dụng công phu, một mạch đi thẳng, chết với câu thoại-đầu, chết đến cùng còn sợ không sống lại ư ?
Nay các ông không những không chịu chết mà còn muốn suy nghĩ này nọ, suy nghĩ một vài câu để sắp đặt, thí dụ như tưởng rằng : “Đúng rồi ! Đây chính là công phu của ta !”. Các ông có khổ không ? Lại nữa, hoặc có thể chết được một lát, sáng chết đi, tối nghĩ lại : “Không phải ! Chết chẳng được danh giá gì, cũng chẳng thích gì câu thoại-đầu, cần phải sửa lại câu thoại-đầu !”. Ví như sáng gieo mạ, tối muốn gặt lúa ngay, không có lúa gặt, lại cày tiếp rồi lại trồng đậu thì cũng như vậy.
Các ông xem ! Công phu như vậy mà còn kể được là tham-thiền sao ? Đại đa số các ông là như vậy. Tự các ông hỏi lại mình xem có đúng hay không đúng.
Theo công phu các ông như vậy, ta còn muốn giảng gì cho các ông nghe nữa không ? Tại sao vậy ? Ta giảng đến chỗ nào thì muốn các ông hành đến chỗ đó. Cái hành của các ông tức là lời ta giảng, các ông phải hành như vậy mới đúng, mới gọi là “Ngôn hành tương ứng”. Ta giảng đến đâu các ông theo không kịp, đó không phải là phí công ta giảng sao ? Tuy nói như vậy các ông mấy chục người cũng phải có một vài người công phu thâm nhập; không cần nhiều, chỉ có một người công phu được đến chỗ ta giảng thì chẳng thể nói là không có người nào, đã có một người như thế, đương nhiên ta phải giảng tới nữa cho người đó nghe.
Các ông phải sống chết với câu thoại-đầu này, đến cả tên mình cũng không biết, có công hạnh như vậy thì hành ra sao ? Muốn các ông dụng câu thoại-đầu cho đến lúc không biết luôn là có câu thoại-đầu, người không biết, ta cũng không biết. Nhân, ngã tại sao cũng không biết ? Nhân tức là thế giới hư-không, ngã là cái thân bằng xương, bằng thịt này.
Giáo-môn nói : “Ngoài lục Trần, trong lục Căn, ở giữa là lục Thức”. Thiền-tông thì không như vậy, đầu tiên cả thế giới hư-không đều quên hết, chết hết. Vậy thì thế giới hư-không đã không có thì ta ở chỗ nào ? Thân thể này của ta đã chết rồi thì sự đau ngứa trên thân, mặc áo ăn cơm, đói lạnh có còn chăng ? Đã không có những cái đó thì nhất định tất cả đều không có. Vậy tên có còn không ? Các ông nghĩ xem có đúng không ?
Vậy thì trong cũng quên, ngoài cũng quên, chỉ còn câu thoại-đầu ở giữa trong chúng ta. Thoại-đầu thì cần phải tham, trước thì lịch lịch, minh minh mà tham, sau lại thanh thanh, triệt triệt mà tham, rồi thêm tinh tiến dũng mãnh mà tham.
Các ông tham đến lúc này liên tục không gián đoạn, ta hỏi các ông : “Thế-giới, nhân-ngã, hư-không có còn chăng ?”.
Ông nói : “Không có”.
Tốt lắm ! Ta lại hỏi : “Ngã có còn không ?”.
Ông nói : “Cũng không có !”.
Ta nói : “Tốt lắm !”. Ta lại hỏi thêm : “Tâm ông có còn không ?”.
Ông trả lời : “Không có”.
Ta lại hỏi : “Tâm đã không có thì lời nói trong miệng từ đâu lại ?”.
Nếu ông nói : “Có”, thì ta sẽ hỏi ông : “Cái chữ ‘Có’ này là ở trên câu thoại-đầu hay là câu thoại-đầu ở trên chữ ‘Có’ ?”.
Các ông thử nghĩ trả lời ta một câu xem ! Ta muốn xem công phu của các ông đạt đến trình độ nào ? Hãy phát tâm tham đi !
46. KHAI THỊ : Ngày 5 tháng 12 (Thất 7 ngày thứ 7).
"Căn trần thức đều bỏ, tâm ý thức đều quên, mười phương hư-không đoạn dứt, chẳng còn tên gọi Thánh-phàm”. Bốn câu này có liên hệ đến việc khai ngộ và tin tức khai ngộ trên đường dụng công phu, chúng ta nghiên cứu thử xem. Nếu người có chút công phu nghe rồi sẽ hiểu ngay. Còn những người không dụng công hoặc không nghe có thâm nhập tí gì, nghe những lời này thì một chút mùi vị cũng không có.
Theo các ông suy nghĩ thì : “Căn trần thức, tâm ý thức đều bỏ hết, quên hết rồi thì không làm gì được nữa”. Các ông nghĩ xem đúng hay không ? Khi căn trần thức quên rồi thì lúc ấy các ông sợ rằng đâu thể làm gì được nữa ? Các ông không những không muốn quên mà không chịu quên. Vậy đối với loại người như các ông không nên nói những lời này.
Cần giải thích cho các ông : Trong Thiền-tông căn là thân, trần là ngoại cảnh. Trong Giáo-môn căn là lục Căn, Trần là lục Trần, mỗi Căn đối với một Trần, trong đó lại có một Thức. Thiền-tông nói tâm ý thức tức là tâm biết khởi niệm, phân biệt tất cả; nói tóm lại là tâm ý thức. Giáo-môn lại không nói như vậy mà nói là tiền ngũ thức, rồi lục thức, thất thức, bát thức.
Người dụng công tại sao cần phải bỏ, cần phải quên ? Vì những thứ này đã làm ta bị bó buộc từ vô thủy kiếp đến nay; nếu ta không chịu bỏ hết, quên hết thì không biết bị bó buộc đến ngày nào nữa ! Nên cần phải bỏ cho sạch hết thì mới có thể làm việc trong nhà mình, mới có thể đi con đường về nhà của ta.
Những thứ này đối ta rốt cuộc có quan hệ như thế nào ? Cần phải biết rõ : Chúng ta sinh tử không dứt, bởi vì cáí tâm phàm phu hiện nay, vì có tâm nên có thân, có tâm thân nên mới có thế giới, lại bị thân tâm thế giới bó buộc chúng ta quá chặc chẽ. Cho nên muốn dứt thân, tâm, thế giới thì cần phải dứt nhãn, tỹ, thiệt, thân, ý (đây là căn mà căn ở trên thân mình), dứt sắc, thinh, hương, vị xúc, pháp (là trần mà trần lại ở trên thế giới), và dứt luôn thức (thức do tâm mà có), dứt được căn trần là dứt (liễu) được thân, tâm và thế giới. Trong Giáo-môn vậy là rất tốt và rất cao, trong Thiền-tông thì là việc chưa đáng kể.
Cái ta giảng hôm nay là của Thiền-tông chứ không phải Giáo-môn. Tại sao ? Thiền-tông còn có gì đặc biệt khác hơn ? Khác ở chỗ nào ? Sự liễu của Giáo-môn là cho họ đã dứt được rồi, nay Thiền-tông muốn liễu cái liễu của Giáo-môn. Thí dụ họ dùng tay để liễu thì ta cần liễu cái tay của họ, họ dùng chân để liễu thì ta cần liễu cái chân của họ.
Tại sao ? Cần phải biết : Dù lực lượng thân, tâm, thế giới có lớn thế nào cũng không lớn bằng lực lượng “liễu” của thân, tâm, thế giới; chữ “liễu” này của các ông không dễ gì hiểu được. Thí dụ : Tất cả đường đi đều như thân tâm và thế giới, muốn liễu những con đường này thì cứ dùng chân đi đến cùng tột thì liễu được thôi ! Những con đường liễu được đó là do chân đi mà liễu, hai chân này tức là chân để liễu con đường, cũng là chân để liễu thân tâm và thế giới. Lực lượng của hai chân này rất lớn, Thiên-đường Địa-ngục cũng do nó, thành Phật làm Tổ cũng là nó, luân hồi lục Đạo cũng do nó, làm trâu biến ngựa, thành côn trùng cũng không ngoài nó.
Trong Thiền-tông muốn liễu thì trước tiên phải liễu hai chân này. Các ông xem : Sự “liễu” này có phải đoạn dứt mười phương hư-không ? Các ông nghĩ xem công phu như vậy đã đến nhà được chưa ? Theo ta thì chưa được. Tại sao ? Công phu tuy có nhưng vẫn chưa khai-ngộ, gọi là giữa đường.
Những lời này vốn chẳng muốn giảng, có giảng cho các ông nghe là vô vị. Nếu như ta nói đến đâu các ông hành được thì ta cũng nói được, mới có thể nói là thuyết đến đâu hành đến đó. Ta thuyết được các ông hành không được thì còn đâu là tốt được ?
Tuy nói như thế, nhưng các ông tuy chưa hành đến, ta nói như vậy cho các ông nghe, tương lai các ông cũng sẽ y theo lời ta mà nói cho người khác nghe. Khi các ông hành đến chỗ lời ta giảng thì mới biết được tâm can của ta ! Nếu không thì ông nói ta là Diệu Thọ, ta nói không phải, ông nói ta là Lai Quả, ta cũng nói không phải, có thể nói là gặp mặt mà không biết người, vậy các ông còn biết chăng ? Đối với Thiền-tông những việc này cũng không coi là kỳ lạ.
Nay ta theo thứ tự giảng cho các ông nghe. Sự thật thì không có thứ lớp, không cần đôi chân để đi mới đúng, luôn cả chân cũng không cần đi, đâu còn thứ lớp gì nữa ? Không phải bốn mươi bốn cấp bực hay năm mươi lăm cấp bực của Giáo-môn, tu đến cấp bực nào chứng quả cấp bực đó, từ bước một mà bước, nếu muốn một bước lên hai cấp cũng không được. Thiền-tông chẳng những không có cấp bực mà luôn cả chân cũng không cần, nhưng vẫn ngồi trên cao được, so với họ vẫn cao hơn nhiều.
Vậy đoạn dứt mười phương bằng cách nào ? Cần phải biết nếu có thế giới thân tâm để liễu thì phải có ta năng liễu. Ấy đều là lời nói của Giáo-môn : “Có năng có sở, năng sở đều liễu, chính giữa cũng không trụ”, gọi là Tam-luân thể không. Thiền-tông thì không phải vậy, chỉ cần câu thoại-đầu một mạch tiến đến, không rơi vào cấp bậc.
Trong Thiền-tông có công phu được như vậy có thể gọi là đoạn dứt mười phương chưa ? Chưa đâu ! Trong Thiền-tông cho đó là chưa vào cổng, còn ở giữa đường, còn là kẻ đứng ở ngoài cửa.
Tại sao Thiền-tông lại có chỗ sâu xa kỳ lạ như vậy ? Các ông phải biết người sức yếu mà đến chỗ núi bạc vách sắt thì không có cách nào vượt qua ! Cứ cho núi bạc vách sắt này không có ngày mở ra được ! Nhưng những người có sức mạnh thì núi bạc vách sắt chẳng thể nhốt được, khi họ đến chỗ đó thì một tay đập bỏ núi bạc, một chân nhảy qua vách sắt mới là việc của họ.
Đợi khi các ông đập bể núi bạc, nhảy qua vách sắt rồi thì ta mới nói chuyện đoạn dứt mười phương cho các ông nghe ! Hãy tham đi !
=> Thất thứ tám