Khi Đại Huệ thiền-sư đang xiển dương Thiền-tông thì cùng thời ấy có một ông tự xưng Tôn-sư, thuyết pháp lấy Mặc-Chiếu im lặng để dạy người, khiến người như tro lạnh, như cây khô, nói rằng Pháp-môn đó làm cho người thân tâm được ngưng nghỉ. Sư cho kiến giải như thế là lọt vào hang quỷ dưới núi đen, mà chẳng biết nếu con khỉ (tâm phan duyên, ý thức phân biệt) chẳng chết thì làm sao ngưng nghỉ được ? Nên Sư thường bày xích rằng : “Tà-sư Mặc – Chiếu thiền đoạn dứt huệ mạng Phật, dù ngàn Phật ra đời chẳng cho sám hối”. Chúng ta hãy nghe thiền-sư Tông Cảo thị Chúng :
- Pháp chẳng thể kiến văn giác tri, nếu hành theo kiến văn giác tri ấy là kiến văn giác tri, chẳng phài cầu Pháp. Đã lìa kiến văn giác tri rồi thì lấy cái gì gọi là pháp. Đến đây như người uống nước lạnh nóng tự biết, chỉ riêng kẻ thân chứng thân ngộ mới thấy được. Nếu người đã thật chứng ngộ thì khi cầm lên một sợi tóc ắt cả Đại-địa trong nhất thời đều được rõ ràng. Nhưng đời nay, chẳng những các Sĩ-phu thông minh lanh lợi mà ngay cả những kẻ Thiền-giả mỗi mỗi đều có hai thứ bệnh, nếu chẳng phải hôn trầm thì là tán loạn. Hôn trầm thì đọa vào hang quỷ dưới núi đen, tán loạn thì tâm thức lăng xăng, một niệm tiếp một niệm, tiền niệm chưa dứt hậu niệm lại tương tục. Chẳng biết dưới gót chân của mọi người đều có "một Đại-sự nhân duyên" như Trời che khắp, như Đất hứng khắp, chẳng hôn trầm chẳng tán loạn. Khi chưa có Thế-giới việc lớn này đã có, khi Thế-giới hoại việc lớn này chẳng hoại. Thường thường các Sĩ-phu phần nhiều tâm hay tán loạn, mà hiện nay lại có một bọn Tà-sư, thấy các Sĩ-phu bị trần lao chướng ngại, tâm chẳng yên ổn, liền dạy họ thiền Mặc-chiếu, dạy họ như tro lạnh cây khô, nói làm như thế sẽ được ngưng nghỉ. Thực ra có ngưng nghỉ được chăng ? chẳng biết cái tâm như con khỉ này nếu không chết thì làm sao ngưng nghỉ được. Pháp Mặc-chiếu tà thiền này trước kia thịnh hành nơi tỉnh Phước Kiến. Khi ta mới đến Phước Kiến liền bài xích họ, vì họ làm đoạn dứt huệ mạng Phật, dù ngàn Phật ra đời cũng không cho sám hối. Trong đó có một Nho-sĩ tên Trịnh Thượng Minh, người rất thông minh, Phật-giáo, Nho-giáo... tất cả đều thông suốt.
Một ngày kia, ông ta đem một nén hương đến phòng ta, phẫn nộ lớn tiếng chất vấn :
"Minh có một nén hương chưa đốt, muốn thương lượng với Hòa-thượng một việc, cũng như mặc nhiên im lặng là chỗ được ngưng nghỉ hạng nhất trong Pháp-môn, tại sao Hòa-thượng lại hết sức phỉ báng; Minh nghi Hoà-thượng chưa đến được điền địa này, cho nên không thể tin nổi, như Phật Thích-ca nhốt mình trong phòng im lặng ba tuần lễ, há chẳng phải Phật mặc nhiên sao ? Ba mươi hai vị Bồ-tát nói về Pháp-môn bất nhị, sau cùng Duy-ma-cật im lặng, Văn-thù tán thán, há chẳng phải Bồ-tát mặc nhiên sao ? Tu-bồ-đề tĩnh tọa trong hang, há chẳng phải Thanh-văn mặc nhiên sao ? Đế-thích gặp thấy im lặng mà rải hoa cúng dường, há chẳng phải là phàm phu mặc nhiên sao ? Đạt-ma im lặng ngồi chín năm trong chùa Thiếu Lâm, há chẳng phải Tổ-sư mặc nhiên sao ? Lỗ-tổ thấy Tăng liền quay mặt vào tường, há chẳng phải Tông-sư mặc nhiên sao ? Nguyên do gì mà Hòa-thượng lại hết sức bài xích, cho mặc chiếu là sai lầm (tà phi) ?".
Sư hỏi : Ông có đọc qua Trang-tử không ?
Đáp : Có.
- Trang-tử nói : Ngôn ngữ mà đầy đủ thì suốt ngày nói mà thấu Đạo, ngôn ngữ chẳng đủ thì suốt ngày nói mà thấu Vật, Đạo và Vật đến chỗ cùng tột thì ngôn ngữ hay im lặng đều chẳng thể đạt đến, chẳng phải nghĩa của ngôn ngữ và im lặng có giới hạn. Tôi cũng chưa từng xem chú giải của Quách-tượng và các nhà chú giải khác, chỉ căn cứ theo ý tôi nói trắng ra cho ông biết về cái "Mặc nhiên" này. Há chẳng thấy Khổng-tử một hôm trân trọng nói rằng : "Tăng-tử ơi, Đạo ta chỉ một mà thấu suốt tất cả". Tăng Tử đáp : "Dạ". Đồ chúng mới nghe được chữ 'dạ', bèn chấp chữ dạ này cùng gốc với Trời-đất, nhất thể với vạn vật, khiến cho Đức của Vua được vượt trên đế Nghiêu, đế Thuấn; khiến tướng quân Thừa-tướng xây nước dựng nhà, cho đến đưa tay bước chân đều chẳng ra ngoài một chữ dạ này, nhưng kỳ thật thì không dính dáng gì cả. Ông đâu có biết cái Đạo-lý này ! ấy là ngôn ngữ của Tăng-tử đầy đủ, ngôn ngữ của Khổng-tử đầy đủ. Đồ chúng chẳng lãnh hội được, lại hỏi tại sao vậy. Tăng Tử thấy họ lãnh hội chẳng được, bèn hướng vào nghĩa thứ nhì mà trả lời rằng : "Đạo của Khổng-phu-tử chẳng thể không nói, cho nên nói : "Đạo của Khổng-tử chỉ là TRUNG và THỨ mà thôi" (TRUNG là trung thành đối với cấp trên, THỨ là khoan hồng đối với cấp dưới và đối với mọi người đều phải trung thứ như vậy).
Nói tóm lại, Đạo và Vật đến chỗ cùng tột chẳng ở trên ngôn ngữ, cũng chẳng ở chỗ im lặng; ngôn ngữ chẳng thể đạt đến, im lặng cũng chẳng thể đạt đến. Lời của ông còn chưa khế hợp với ý của Trang-tử, huống là muốn khế hợp với ý của Tổ Đạt-ma và Phật Thích-ca ư ? ! ông muốn lãnh hội cái nghĩa "Chẳng phải ngôn ngữ, im lặng có giới hạn" của Trang-tử không ? Ấy tức là Tổ Vân Môn cầm cây quạt lên nói : "Cây quạt nhảy lên cõi Trời, đụng nhầm lổ mũi Đế-thích, đánh một gậy cho con Lý Ngư trong biển thì mưa xuống tầm tả". Ông nếu lãnh hội được lời nói của Vân Môn, tức là lãnh hội được lời nói của Trang-tử, lời nói của Tăng-tử và lời nói của Khổng-tử vậy".
Minh ngay đó bít miệng.
Sư nói : "Ông tuy bít miệng mà tâm còn chưa phục, nhưng do đó được biết người xưa quyết định chẳng ngồi chỗ mặc nhiên là đã rõ ràng rồi. Ông vừa nói Phật Thích-ca tự nhốt mình trong phòng và Duy-ma-cật mặc nhiên v.v... Ông hãy xem thuở xưa có Pháp-sư Tăng Triệu, lấy chỗ vô ngôn thuyết ấy nói ra cho người biết. Thích-ca nhốt kín trong phòng, Duy-ma-cật im lặng, Tu-bồ-đề tĩnh tọa trong hang, Đế-thích tuyệt thính rãi hoa cúng dường, ấy đều là lý với chân tánh dung hợp, nên miệng do đó mà im lặng, đâu phải chẳng có biện tài, vì biện tài không thể nói được, đây là lý với chân tánh thình lình đụng nhau, bất giác đạt đến chỗ không thể nói được. Mặc dù im lặng mà tiếng nói như sấm sét ! nên mới nói : Đâu phải chẳng có biện tài, vì biện tài không thể nói được vậy. Ở đây thông minh và biện tài của thế gian một chút cũng không dùng được, đến được chỗ này mới là chỗ buông thân xả mạng, cảnh giới này phải tự chứng tự ngộ mới được. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói :
"Cung điện Như-lai chẳng phương sở, kẻ ngộ tự nhiên ở trong đó".
Đây là Pháp-môn đại giải thoát của chư Thánh, vô lượng vô biên, vô đắc vô thất, vô mặc vô ngôn, vô khứ vô lai, trần trần (mọi vật) như vậy, sát sát (mọi nơi) như vậy, niệm niệm như vậy, pháp pháp như vậy, chỉ vì chúng sanh căn tánh ngu độn, chẳng đạt đến cảnh giới Thánh-hiền tam Giáo, nên phân biệt cái này cái kia, mà chẳng biết cảnh giới này quảng đại mênh mông, lại hướng vào trong 'núi đen hang quỷ' mặc nhiên tĩnh tọa, nên bị các bậc Thánh xưa mắng rằng : "Mặc-chiếu là hố sâu của giải thoát, đó là nơi đáng sợ hãi ! nếu nhìn theo mắt Đạo, tức là ngồi trong đao sơn kiếm thụ, chảo dầu sôi, lò lửa than". Những Pháp-sư Giáo-môn còn không bị mắc kẹt vào chỗ mặc nhiên, huống là hành giả tham Tổ-sư-thiền ? mà lại cho rằng : "Hễ mở miệng là sai, kỳ thật không dính dáng gì cả".
Minh bất giác đảnh lễ, Sư nói : "Ông tuy đảnh lễ, nhưng còn có việc chưa xong".
Đến buổi tối Minh vào phòng, Sư hỏi : "Tuổi ông năm nay bao nhiêu ?".
Đáp : "Sáu mươi bốn".
Sư lại hỏi : "Sáu mươi bốn năm trước, ông từ đâu đến nhà họ Trịnh đầu thai ?"
Minh bít miệng. Sư cầm cây gậy đuổi ra. Hôm sau lại đến phòng nói : "Sáu mươi bốn năm trước chưa có Minh, tại sao Hòa-thượng hỏi Minh từ đâu đến ?"
Sư nói : "Sáu mươi bốn năm trước chẳng lẽ đã ở nhà họ Trịnh ? Nay trước mắt cái biết được nghe Pháp, thuyết Pháp sáng tỏ rõ ràng này lúc chưa sanh là ở chỗ nào ?"
Minh đáp : "Không biết".
Sư nói : "Ông đã không biết tức là sanh-đại. Một đời chỉ được trăm năm, trăm năm sau ông muốn bay ra khỏi 'Tam thiên đại thiên thế giới' này là phải đợi ông vào hòm rồi mới được, đến lúc ấy tứ Đại ngũ Uẩn nhất thời tan rã, có mắt không thấy vật, có tai không nghe tiếng, cái tâm bằng khối thịt này (bộ não) chẳng thể phân biệt được, cái thân mà lửa đốt, dao chém cũng chẳng biết đau, đến lúc ấy cái 'sáng tỏ rõ ràng' này lại đi về đâu ?"
Đáp : "Minh cũng không biết".
Sư nói : "Ông đã không biết tức là tử-đại. Cho nên nói vô thường nhanh chóng, "sanh tử sự đại" tức là lý này vậy. Ở chỗ này dẫu có thông minh cũng chẳng dùng được, có trí nhớ cũng chẳng dùng được. Tôi lại hỏi ông : Ông bình thường hay làm đủ thứ văn chương, đến lúc lâm chung lấy câu văn nào để đối phó với sanh tử ? phải biết rõ ràng chỗ sanh từ đâu đến, chết đi về đâu mới được, nếu không tức là kẻ ngu" (Ngài Trung Phong nói : "Dẫu cho biết chỗ đến chỗ về, nhưng cần phải tự Chứng-ngộ mới được").
Đến lúc ấy Minh mới khâm phục, mới biết chỗ mặc nhiên và vô ngôn thuyết ấy..., tất cả đều sai lầm, bèn ra sức tham-cứu, chẳng bao lâu được khai-ngộ.