06:41 EDT Chủ nhật, 15/09/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Nguyệt Khê



 

Sư húy Tâm Viên, hiệu Nguyệt Khê, họ Ngô, tổ tiên là người Tiền Đường tỉnh Triết Giang (TQ), lập nghiệp ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, truyền được ba đời đến Sư, cha là Tử Trang, mẹ là Lục Thánh Đức, sanh được năm con, Sư là út. Sư yếu đuối nhưng thích học, sớm đã thông minh đĩnh ngộ, theo học Nho với Uông Duy Dần tiên sinh. Năm 12 tuổi đọc Lan Đình Tập Tự đến câu “Tử sanh là việc lớn, há chẳng đau khổ ư ?", bỗng nhiên có Giải-ngộ mới hỏi thầy rằng :
- Làm thế nào có thể sanh chẳng tử được ? 
Uông tiên sinh bảo : “Nhà Nho nói chưa biết sanh làm sao biết tử, lời này phải hỏi nhà Phật-học”. 
Bèn đến hỏi nhà Phật-học, nhà Phật-học bảo :
- Nhục thể và linh-tánh của kiến, văn, giác, tri đều ở trong lục đạo sanh tử luân hồi, Phật-tánh thì như-như bất động, bất sanh bất tử. Nếu chưa thấy Phật-tánh thì Phật-tánh luân hồi theo linh-tánh của kiến, văn, giác, tri; nếu thấy Phật-tánh tràn đầy hư không thì linh-tánh của kiến, văn, giác, tri biến thành Phật-tánh.

Sư hỏi : “Dùng cách nào mới thấy được Phật-tánh ?”
Nhà Phật-học không đáp được, mới trao cho Sư các kinh Bốn Mươi Hai Chương và kinh Kim Cang. Từ đó nhân dịp theo học trường ở Thượng Hải, Sư kiêm thêm Phật-học, cũng chuyên tâm nghiên cứu các sách của Lão & Trang, xem hết Lục Kinh của nhà Nho, tham học hết các danh Sư ở Giang Tô, Triết Giang, lễ bái các Đại-đức, trình câu của nhà Phật-học bảo “Dùng cách nào mới có thể minh Tâm kiến Tánh” ra hỏi, nhưng các đáp án Sư đều chưa thỏa mãn.

Bấy giờ Tôn-túc Diệu Trí dạy hãy khán-thoại-đầu “Niệm Phật là ai ?” và nghiên cứu Đại Trí Độ Luận. Năm 19 tuổi, Sư quyết chí xuất gia xiển dương Chánh-pháp, hồi nhỏ cha mẹ đã đính hôn cho Sư, Sư kiên quyết không lấy vợ. Vào năm ấy lễ Tỉnh An Hòa-thượng ở nơi đó xin xuống tóc thọ Đại-giới. Vừa xuất-gia đã tinh tiến dũng mãnh, nơi Phật tiền đốt hai ngón út và áp út tay trái, cùng cắt miếng thịt to bằng bàn tay, trên đó đốt bốn mươi tám liều cúng dường Phật, phát ba đại nguyện :

1.     Chẳng ham ăn ngon, mặc đẹp, siêng tu khổ hạnh chẳng bao giờ lui sụt.

2.     Tham duyệt khắp tất cả Kinh-điển, khổ công tham cứu.

3.     Đem hết sở đắc diễn giảng chỉ dạy để quảng lợi quần sanh.

Mỗi ngày trừ việc xem Kinh ra, Sư còn tụng Phật hiệu năm ngàn tiếng, luôn tụng Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Lăng Nghiêm. Lúc rãnh rỗi có khóa lễ bái kinh Viên Giác, Sư ông của Sư bảo rằng : “Tu như ngươi thì tại-gia cũng được, cần gì phải xuất-gia ?! Chẳng cần hiện Tăng-tướng, cần phải chuyên tu Pháp-môn hướng thượng (Tổ-sư-thiền) mới là việc lớn bổn phận người xuất-gia”, rồi dạy khán-thoại-đầu “Muôn pháp về một, một về chỗ nào ?” và trao cho Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Chỉ Nguyệt Lục; Sư xem qua có cái biết có cái không. Sư rất thích Lâm Tế Ngữ Lục, nhưng cách dụng công như thế nào vẫn còn chưa rõ. Sư về sau theo Ngộ Tham Pháp-sư học giáo lý của các tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân.

Năm 22 tuổi liền ra giảng Kinh thuyết Pháp, thính giả rất đông. Đáp lời mời của Pháp-hội Lăng Già ở Nam Kinh, Sư thị Chúng rằng : “Chúng sanh bản lai là Phật, chỉ vì vọng niệm vô minh nên không liễu thoát sanh tử được, nếu phá một phần vọng niệm vô minh thì được chứng một phần Pháp-thân, vọng niệm vô minh phá hết thì Pháp-thân hiển lộ”. 

Bấy giờ trong Pháp-hội có Tôn-túc Khai Minh hỏi rằng : Nếu vọng niệm vô minh từ ngoài đến, không có dính dáng gì với ông thì cần gì dứt nó ? Nếu vọng niệm từ bên trong sanh ra, ví như nguồn suối luôn luôn có nước chảy, dứt rồi lại sanh, sanh rồi lại dứt, đến khi nào mới hết ? Tu hành như thế thật chẳng có chỗ đúng ! Vọng niệm dứt là Phật-tánh, vọng niệm khởi là chúng sanh, vậy thành Phật cũng có luân hồi ư ?

Sư không trả lời được.

Lại hỏi tiếp : Pháp-sư chưa từng minh Tâm kiến Tánh, trong Kinh chẳng có những lời này, những lời này là có được từ các chú giải; người kiến Tánh chú giải thì chẳng sai, người chưa kiến Tánh chú giải nói Nam ra Bắc, lôi Đông bỏ Tây, thị phi điên đảo có phải không ?

Sư đáp : Phải. Sư đảnh lễ Tôn-túc và trình lời nhà Phật-học nói về “Dùng cách nào mới có thể minh Tâm kiến Tánh ?”

Tôn-túc bảo : Lời này Pháp-sư nên đến hỏi Tông-sư Thiết Nham ở Ngưu Đầu sơn là người đã chứng-ngộ.

Ngay đêm ấy, Sư đến hỏi Thiết Nham rằng : Lão Hòa-thượng ở đây làm gì ?

Nham bảo : Mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ, dạo núi, ngắm sông.

Sư nói : Đáng tiếc cho sự uổng qua ngày tháng của Ngài !

Nham nói : Ta uổng qua thì được, nhưng ngươi không thể học ta uổng qua. Nếu ngươi đến được miếng điền địa kia thì cũng có thể học ta uổng qua vậy !

Sư nói : Thế nào là miếng điền địa kia ?

Nham dựng một ngón tay lên.

Sư đáp lại : Con không biết ! Sư hỏi “Hiện nay con đem vọng niệm dứt sạch, chẳng trụ hữu vô, vậy có phải miếng điền địa kia không ?”

Nham bảo : Không phải, đó là cảnh giới vô thỉ vô minh.

Sư hỏi : Lâm Tế Tổ-sư nói đó là hầm sâu đen tối của vô minh thật đáng sợ, có phải vậy không ?

Nham bảo : Phải.

Sư trình câu nói của nhà Phật học về : Dùng cách nào mới có thể minh Tâm kiến Tánh được ?

Nham bảo : Ngươi chớ nên dứt vọng niệm, nên dùng nhãn căn nhìn thẳng vào chỗ hầm sâu đen tối chẳng trụ hữu vô ấy, đi, đứng, nằm, ngồi chẳng được gián đoạn, khi nhân duyên đến, “Ồ” lên một tiếng, hầm sâu đen tối của vô minh tan rã thì được minh Tâm kiến Tánh.

Sư nghe lời này như uống nước cam lồ, từ ấy ngày đêm khổ tham, hình dung tiều tụy, ốm như cây củi, một đêm nghe tiếng gió thổi lá cây ngô đồng thì hoát nhiên chứng ngộ, mồ hôi như tắm, rằng "Ồ là vậy, là vậy ! Chẳng xanh chẳng trắng cũng chẳng tham-thiền, cũng chẳng niệm Phật, cũng chẳng sanh tử đại sự, cũng chẳng vô thường tấn tốc", liền thuyết Kệ rằng :

Bản lai chẳng Phật chẳng chúng sanh,

Thế giới chưa từng thấy một người,

Thấu liễu cứu cánh là cái này,

Tự-tánh vẫn là tự mình sanh.

Nhìn ra ngoài cửa sổ chính là vào canh tư, trăng treo trên nền trời xanh tít không gợn chút mây. Mấy ngày sau Sư đến Thiết Nham, nói : Chẳng cầu Pháp-môn dụng công, chỉ cầu lão Hòa-thượng ấn chứng.

Thiết Nham đưa cây gậy lên ra thế đánh hỏi Sư rằng : Tào Khê chưa gặp Hoàng Mai, ý-chỉ như thế nào ?

Sư đáp : Lão Hòa-thượng muốn đánh người.

Thiết Nham lại hỏi : Sau khi gặp, ý-chỉ như thế nào ?

Sư vẫn đáp rằng : Lão Hòa-thượng muốn đánh người.

Nham gật đầu.

Sư đem sở ngộ trình Thiết Nham.

Nham bảo : Ngươi chứng ngộ rồi, nay ta ấn chứng cho, ngươi có thể đem Truyền Đăng Lục để ấn chứng thêm. Đại sự ngươi đã xong, có nhân duyên thì thuyết Pháp độ sanh, chẳng nhân duyên có thể tùy duyên qua ngày.

Sư bèn đem Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên và kinh Hoa Nghiêm để ấn chứng, tất cả thấu rõ như nói chuyện việc nhà vậy, chẳng có việc lạ.

Từ đó về sau, Sư giảng Kinh thì theo trong Kinh nói : “Thường giữ Phật-tánh, không có biến đổi, Phật-tánh chẳng nhiễm chẳng loạn, chẳng ngại chẳng chán, chẳng thọ huân nhiễm, chẳng khởi vọng niệm, vì vọng niệm sanh khởi từ linh-tánh của kiến, văn, giác, tri trừ bỏ bốn bệnh chỉ, tác, nhậm, diệt, chẳng dứt vọng niệm, dùng một niệm (nghi tình) để phá tan vô thỉ vô minh làm chủ yếu”.

Sư giảng Kinh thuyết Pháp đều trong Tự-tánh nói ra, chẳng xem chú giải của người khác. Về sau thể theo lời mời của các tỉnh Trung Quốc cho đến Hương Cảng, Áo Môn; Sư đăng Đàn thuyết Pháp liên tiếp mấy chục năm, giảng Kinh hơn hai trăm năm mươi Hội, cứ một Kinh là một Hội.

Tánh Sư siêu nhiên, hành cước các nơi như Chung Nam, Thái Bạch, Hương Sơn, Hoa Sơn, Nga Mi, Cửu Hoa, Phổ Đà, Ngũ Đài, Thái Sơn, Hoàng Sơn, Võ Đang, Lư Sơn, Mao Sơn, Mạc Can, Lao Sơn, Hằng Sơn, La Phù Sơn… Mỗi khi hành cước nơi rừng sâu núi cao mấy tháng quên về, đến danh sơn nào cũng có thi đối. Sư giỏi đàn thất huyền, hành cước đều mang đàn theo, Sư tiết tháo cao cả, độ lượng rộng lớn, chẳng ứng thú theo thói đời, hình dáng sáng suốt hùng vĩ, đến bậc túc Nho thông đạt cũng phục hạnh trang nghiêm đơn giản của Sư, trứ tác thi văn bày tỏ bản sắc siêu việt pháp thế gian.

Sư lúc già đưa một ngón tay vì môn đồ thuyết Pháp rằng : “Đến từ cùng khắp hư không đến, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca; đi từ cùng hư không đi, Quan-thế-âm, Phật Di-đà. Chư Phật cổ kim đều ở trên đầu ngón tay của Lão-tăng, chẳng đi chẳng đến; Lão-tăng cũng ở trên đầu ngón tay, chẳng đi chẳng đến. Các ngươi nếu nhận được thì đó là chỗ an thân lập mạng của các ngươi !”

Thuyết Kệ rằng :

Giảng Kinh thuyết Pháp mấy mươi năm,

Độ sanh, vô sanh muôn muôn ngàn.

Đợi khi một ngày thế duyên hết,

Đầy khắp hư không đại tự tại.

Sư phó chúc đệ-tử rằng : Tứ Đại theo nhân duyên, có sanh ắt có diệt; Tự-tánh vốn vô sanh, vô sanh cũng vô diệt. Nay nói có sanh ắt có diệt là tứ Đại phải có chỗ về. Chỗ về chọn trên đỉnh Bảo Mã Sơn, sau làng Đỗ Gia Dinh, ngoài cửa nam thành phố Côn Minh nhìn xuống, ngay hồ Côn Minh làm Cao-ngọa-xứ.

Suốt đời Sư chưa độ một đệ-tử xuất-gia, đệ-tử tại-gia hơn 160.000 người. Sư tùy theo căn cơ đệ-tử mà dạy tu Pháp-môn khác nhau, trong đó có tham-thiền ngộ đạo có tám người : Ngũ Đài Tịch Chơn, Minh Tịnh Tôn Túc, Cư-sĩ Lý Quảng Quyền ở Bắc Bình, Cư-sĩ Chu Vận Pháp ở Thượng Hải, còn bốn người đã qua đời từ trước. Trụ trì chùa Vạn Phật ở Sa Điền là Nguyệt Khê Lão Pháp-sư tịch lúc 21 giờ 00 ngày 23 – 4 – 1965 Âm lịch, trụ thế 87 năm. Sau khi Sư tịch, các đệ-tử đem nhục thân của Sư thiếp vàng, thờ trong điện Phật A-di-đà, nhục thân này hơi ốm, không mập mạp hồng hào bằng khi còn tại thế.

Sư có trứ tác : Duy-ma-cật Kinh Giảng Lục, Lăng Già Kinh Giảng Lục, Viên Giác Kinh Giảng Lục, Kim Cang Kinh Giảng Lục, Phật Giáo Nhân Sinh Quan, Phật-pháp Vấn Đáp Lục, Đại-thừa Bát Tông Tu Pháp, Đại-thừa Tuyệt Đối Luận, Nguyệt Khê Ngữ Lục, Tham Thiền Tu Pháp, Niệm Phật Tu Pháp, Vĩnh Phong Đường Cầm Khóa.

Những tác phẩm được thầy Thích Duy Lực dịch sang chữ Việt gồm có : Đại thừa tuyệt đối luậnCội nguồn truyền thừa của Thiền tông mời các bạn tìm đọc.