04:25 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Diên Thọ

Thiền-sư Diên Thọ ở Vĩnh Minh, họ Vương, người Hàng Châu. Thuở nhỏ đã biết kính Phật-thừa, lớn lên một ngày chỉ ăn một bữa. Tụng kinh Pháp Hoa hai tháng đã thuộc lòng, cảm thông được bầy dê quỳ nghe. Đến tuổi hai mươi tám, làm quan chức Chấn Tướng xứ Huê Đình, gặp ghe lưới đều mua hết cá rồi thả xuống sông. Y-chỉ Thúy Nham học Pháp xuất thế gian, được vua Văn Mục khen ngợi và cho phép xuất gia, trì hạnh Đầu-đà rất tinh tấn; nhập Định ở núi Thiên Thai ba tháng, có loài chim làm tổ trên áo. Kế đó tham học với Đức Thiều Quốc-sư (Tổ thứ nhì của Pháp Nhãn tông), được ngộ và thọ Tâm-ấn. Ban đầu trụ trì chùa Tuyết Đậu, sau cùng chuyển đến chùa Vĩnh Minh, trụ trì mười lăm năm, học Chúng có hai ngàn vị. Người đời cho là Di-lặc hạ sanh.

 
- Tăng hỏi : Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh ?

Đáp : Đốt thêm nhang đi.

Tăng nói : Tạ Sư khai-thị.

Sư đáp : Chẳng dính dáng gì cả.

Tăng lễ bái.

Sư nói : Nghe bài Kệ đây :

Muốn biết Diệu-chỉ của Vĩnh Minh,

Trước cửa sẵn đầy hồ nước trong.

Mặt trời chiếu thì rọi ánh sáng,

Có gió thổi thì nổi làn sóng.

- Hai vị Tăng đến tham học, Sư hỏi một Tăng : Từng đến đây chăng ?

Tăng nói : Đã có đến.

Hỏi Tăng kia : Từng đến đây chăng ?

Đáp : Chưa từng đến.

Sư nói : Một đắc một thất.

Một hồi Thị-giả hỏi : Hai vị Tăng vừa rồi, chẳng biết vị nào đắc, vị nào thất ?

Sư hỏi : Ngươi biết hai vị này chăng ?

Đáp : Không biết.

Sư nói : Trong một hầm chẳng có đất khác.

 
- Về cốt tủy của chư Phật chư Tổ, Sư có nhắc đến ngài Ca-diếp vừa nghe Kệ sau đây liền được chứng Sơ quả, Kệ rằng :

Các pháp tùy duyên sanh,

Các pháp tùy duyên diệt.

Thầy ta đại Sa-môn,

Lời này luôn luôn thuyết.

Bồ-tát Long Thọ lại có bài Kệ rằng :

Chẳng vật tùy duyên sanh,

Chẳng vật tùy duyên diệt.

Sanh chỉ các duyên sanh,

Diệt chỉ các duyên diệt.

Do hai bài Kệ trên được biết, sắc sanh chỉ là không sanh, sắc diệt chỉ là không diệt. Ví như tánh của gió chẳng động, vì duyên khởi nên thấy động, nếu bản tánh của gió vốn động thì đâu có bao giờ tịnh được ?. Trong phòng kín nếu có gió sao gặp duyên liền khởi ? Chẳng những tánh gió như thế, tất cả pháp đều vậy, nghĩa là sắc với không chẳng khác.

Nên Duy-ma-cật nói với Bồ-tát Văn-thù rằng : “Tướng chẳng đến mà đến, tướng chẳng thấy mà thấy”.

Văn-thù nói : “Đúng thế, nếu đến rồi thì chẳng đến nữa, nếu đi rồi thì chẳng đi nữa. Tại sao ? Kẻ đến chẳng có chỗ xuất phát, kẻ đi chẳng có chỗ đến, cái sở thấy chẳng thể thấy nữa, ấy là ý chỉ của duyên khởi vô sanh vậy”.

- Hỏi : Bài Kệ của ngài Trường Sa rằng :

Sao người học Đạo chẳng biết Chơn ?

Chỉ vì xưa nay nhận Thức-thần.

Nguồn gốc sanh tử từ vô thủy,

Si mê cho là Bổn-lai-nhân.

Vậy lìa Tánh-thức riêng có Chơn-tâm ư ?

Đáp : Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật vì A-nan phân tích kỹ càng, ngươi còn chẳng tin. A-nan cho tư tưởng suy tìm là Tâm, đã bị Phật quở. Tư tưởng suy tìm là Thức, nếu dùng ý thức suy nghĩ, hành theo danh tướng thì sanh phiền não, ấy gọi là Thức, chẳng gọi là Tâm. “Ý” tức là ghi nhớ, tưởng nhớ cảnh xưa, sanh khởi nơi vọng đều là vọng-thức, chẳng dính dáng với Tâm. Bản-tâm phi hữu phi vô, hữu vô đều chẳng nhiễm, cho đến mê, ngộ, Thánh, phàm, đi, đứng, nằm, ngồi, đều là vọng-thức, chẳng phải Tâm vậy. Tâm xưa vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt. Nếu biết Tự-tâm như thế thì chư Phật cũng vậy, nên Duy-ma-cật nói : “Trực-tâm là đạo-tràng”, vì chẳng hư giả.

Sư vì Phật-pháp đương thời lưu truyền ở Trung-quốc chẳng được đầy đủ, mà ba Tông: Thiên Thai, Hiền Thủ, Duy Thức lại chấp Tánh chấp Tướng, bài xích lẫn nhau, nên mời Pháp-sư thông suốt Giáo-lý của ba Tông hội hợp lại vấn nạn với nhau, hễ khi bị kẹt nơi đại nghĩa cao tột thì Sư dùng yếu-chỉ của Thiền-tông để dung thông cùng vào nghĩa Trung-đạo. Do đó, Sư thu thập Bí Kinh Đại-thừa liễu-nghĩa sáu chục bộ và lời dạy của các bậc Thánh-hiền ba trăm nhà, gồm người Ấn-độ và Trung-quốc, soan thành bộ Tông Cảnh Lục một trăm quyển lưu truyền khắp thiên hạ và giúp cho Giáo-lý của ba Tông được đầy đủ hơn.

Tăng hỏi : Bộ Tông Cảnh của Hòa-thượng bàn luận, chỉ lập Nhất-tâm làm Tông-chỉ, cho là bao gồm vô lượng Pháp-môn. Vậy thì Tâm gồm tất cả pháp ư ? Nếu nói “sanh”, là tự-sanh hoặc tha-sanh, hoặc cộng-sanh, hoặc vô-sanh ư ?

Đáp : Tâm này chẳng tung chẳng hoành, phi tha phi tự, tại sao ? Nếu gồm tất cả pháp tức là hoành, nếu sanh tất cả pháp tức là tung. Nếu nói tự sanh thì Tâm lại sanh Tâm sao? Nếu nói tha sanh thì tự còn chẳng lập, huống là có tha ? Nếu nói cộng sanh thì tự tha còn chẳng có, lấy gì để cộng ? Nếu nói vô nhân sanh thì hữu nhân còn chẳng cho, huống là vô nhân ?!

Tăng nói : Nếu bốn thứ sanh đó đều không, tại sao Phật nói : “Ý-căn sanh ý-thức, tất cả do Tâm tạo !” thế há chẳng phải tự sanh ư ? Lại nói Tâm chẳng độc khởi, phải nhờ duyên mới khởi, có duyên thì tư tưởng sanh, không duyên thì tư tưởng chẳng sanh, há chẳng phải tha sanh ư ? Lại nói nhân duyên lục Căn tiếp xúc lục Trần, sanh ra lục Thức lãnh thọ, thành tất cả pháp, há chẳng phải cộng sanh ư ? Lại nói Thập-nhị-nhân-duyên tánh tự như vậy, chẳng do Phật, Trời, người hay A-tu-la, há chẳng phải vô nhân sanh ư ?

Sư cười nói : Chư Phật ứng cơ, tùy duyên sai biệt, mong chúng sanh làm thiện phá ác, khiến vào Đệ-nhất-nghĩa-đế. Nói bốn thứ sanh ấy chỉ là lời phương-tiện, như nắm tay không để gạt trẻ con, đâu có Pháp thật ?!

Hỏi : Thế thì tất cả pháp đúng là Tâm ư ?

Đáp : Nói đúng tức là hai.

Hỏi : Thế thì tất cả pháp đều lập sai ư ?

Đáp : Sai cũng thành hai. Kinh Lăng Nghiêm nói “Chơn Văn-thù chẳng phải Văn-thù, nếu có tức là hai Văn-thù, nhưng ta hôm nay phi chẳng Văn-thù, trong đó thật chẳng có hai tướng thị và phi”.

Hỏi : Đã chẳng hai tướng thì sùng nhất được chăng ?

Đáp : Thị phi đã nghịch Đại-chỉ, nhất nhì cũng trái Viên-tông.

Hỏi : Vậy dùng tâm như thế nào mới khế hợp Tông-chỉ này ?

Đáp : Cảnh và Trí đều quên, còn nói gì khế hợp nữa ?!

Hỏi : Thế thì ngôn ngữ và suy tư chấm dứt, Tâm-trí cắt tuyệt ?

Đáp : Ấy cũng là lời nói miễn cưỡng, xoay chuyển theo ý của người khác, dù muốn ẩn hình mà chưa quên dấu tích.

Hỏi : Thế nào được hình tích đều quên ?

Đáp : Vốn chẳng triệu chứng dấu tích, có gì để quên ?

Hỏi : Con biết rồi. Khi được Đại-ngộ mới được tự rõ, như người uống nước lạnh, nóng tự biết phải chăng ?

Đáp : Cửa ải chúng ta chẳng có lý rõ hay không rõ, cũng chẳng mê ngộ.

Xòe tay trình ông chẳng một vật,

Uổng công lao nhọc thuyết ngàn lối.

Chẳng phải người Thượng-căn (tin tự tâm) thì chẳng thể gánh vác việc này. Cổ-đức nói : “Khắp mười phương thế giới, tìm một người bạn chẳng ra, chỉ một người thừa kế ngôi Tổ, chẳng có người thứ hai”. Nếu chưa đích thân đến chỗ cứu cánh, chỉ làm nhọc tinh thần suy tư, dẫu cho nói huyền lại thêm huyền, diệu lại thêm diệu, cũng chỉ là lời phương tiện để giúp cho được vào cửa, đến khi nơi bổn phận được đích thân chiếu soi (kiến Tánh), xem lại những phương tiện huyền diệu đều là Ma thuyết, vọng tâm trôi nổi, đủ thứ kiến giải khôn khéo đều chẳng thể thành tựu Viên-giác, chỉ là dấu tích hình tướng ngôn ngữ, nếu chấp lời phương tiện thì mê Đạo chơn thật. Cần đến nơi đầu sào trăm thước, buông thân xả mạng mới được.

Tăng nói : Xin cho một lời dạy cuối cùng.

Sư nói :

Kẻ huyễn hóa hỏi người huyễn hóa,

Nước suối đáp tiếng dội trong hang.

Muốn thông đạt Tông-chỉ của ta,

Trâu đất bước đi trên nước bằng.

Người dạy đệ tử rằng : Chánh-tông của Phật-tổ là Chơn-duy-thức, hễ có chỗ tin (tin tự tâm) đều có thể dạy người. Nếu luận về cửa tu chứng, thì bậc Trưởng-lão các nơi đều nói “Công dụng chưa so bằng chư Thánh”. Nhưng trong Giáo-môn cũng cho rằng, sơ tâm Bồ-tát cũng có thể do so sánh mà biết, cũng do theo Ngôn-giáo của Phật mà hội, trước dùng văn giải tín nhập, sau dùng vô tư (chẳng suy tư) khế đồng, vừa vào cửa tín, bèn lên ngôi Tổ. Hiện nay, theo việc thế gian trong thế giới này, dù chưa chứng ngộ, cũng có ba thứ biết về Chánh-pháp : Một là so sánh biết, hai là hiện biết, ba là theo Ngôn-giáo mà biết.

Thế nào là so sánh biết ? Cũng như cái thân hữu lậu này đều có chiêm bao, trong chiêm bao thấy có cảnh giới tốt, xấu, vui, buồn rõ ràng, khi thức tỉnh mới biết nằm yên trên giường, tất cả đều do tư tưởng ý thức làm nên, đâu có thật. Đem việc chiêm bao so sánh với việc thức tỉnh thì khi thức tỉnh cũng như chiêm bao chẳng thật, cảnh giới quá khứ, vị lai, hiện tại vốn là thân tướng phần của Thức thứ tám, cảnh hiện tại là do minh liễu ý thức suy tư, đều do Bản-thức biến hiện ra, nên trong chiêm bao với lúc thức tỉnh dù khác, đều chẳng ra ngoài Ý-thức, thế thì ý chỉ của Duy-tâm do so sánh được bày tỏ rõ ràng.

Thế nào là hiện biết ? Tức là đối với cảnh phân minh, chẳng cần so sánh, cũng như hiện nay thấy các vật xanh, trắng, bản tánh các vật vốn tự trống rỗng, chẳng nói ta xanh ta trắng, đều do Nhãn-thức với đồng thời Ý-thức so đo phân biệt, cho là xanh là trắng, cho Ý-thức phân biệt là màu sắc, dùng ngôn thuyết làm xanh làm trắng, đều thuộc về dấu tích của Ý-ngôn (ngôn ngữ của ý thức) vọng tự đặt ra, vì lục Trần vốn lay động, thể chẳng tự lập, tên chẳng tự gọi, một Sắc đã vậy, thì muôn pháp cũng như thế, chẳng có tự tánh, đều là ý-ngôn, nên nói vạn pháp vốn thanh nhàn, do người tự náo động. Cho nên khi hữu-tâm sanh khởi thì vạn cảnh đều có, vô-tâm sanh khởi thì vạn cảnh đều không. Nhưng không chẳng tự không, do Tâm nên không; hữu chẳng tự hữu, do Tâm nên hữu; đã là phi không phi hữu, tức là Duy-thức, Duy-tâm. Nếu nơi Tâm thì vạn pháp đặt ở chỗ nào ? Cũng như cảnh quá khứ đâu phải có, tùy chỗ niệm khởi bỗng hiện, nếu tưởng niệm chẳng sanh thì cảnh cũng chẳng hiện, ấy đều là cuộc sống hằng ngày có thể hiện biết, chẳng nhờ tu tập, chẳng đợi công thành. Phàm loài hữu Tâm đều có thể chứng biết. Nên Cổ-đức nói : “Như người thượng-căn biết pháp Duy-thức, thường quán Tự-tâm, biết ý-ngôn làm cảnh, kẻ sơ quán dù chưa thành bậc Thánh, đã thấu nghĩa của ý-ngôn, tức là Sơ-tâm Bồ-tát”.

Thế nào theo Ngôn-giáo mà biết ? Kinh nói : “Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức, bản lý của vạn pháp hiện ra, hay giải thích kỹ càng về Chánh-tông vậy”.

Sư thừa đại nguyện lực, làm Pháp-thí-chủ nơi Trung-quốc, trụ trì chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ đệ tử 1250 người, vào núi Thiên Thai truyền Giới hơn 10.000 người, thường thọ Giới Bồ-tát cho 7 Chúng, ban đêm thí thực, ban ngày phóng sanh, 6 thời tán hoa, ngày đêm tu trì; đông, hạ chẳng ngừng, tiếng tăm truyền khắp nước ngoài. Vua Cao Ly sai Tăng vượt biển hỏi Đạo, trong số đó có 36 vị được Sư thọ Tâm-ấn. Vua Cao Ly gởi thư xin làm đệ tử đúng lễ.

Buổi sáng ngày 26 tháng Chạp năm thứ 8, niên hiệu Khai Bửu, Sư thị hiện có bệnh, đốt nhang báo cáo Đại-chúng, ngồi kiết già Viên-tịch, thọ 72 tuổi, hạ 42. toàn thân nhập Tháp núi Đại Từ.
Ngữ lục của Ngài được thầy Duy Lực trích dịch với nhan đề "Duy Tâm Quyết" rất xúc tích, các bạn ráng đọc nha.