Truyền tâm pháp yếu - phần đầu

Quý vị độc giả bắt đầu đọc những dòng đầu tiên sẽ cảm thấy những lời vấn đáp rất lạt lẽo, không có chút mùi vị gì cả. Ấy là cốt tủy của Thiền vốn như thế. Nếu độc giả đọc đến chỗ cảm thấy không hiểu không biết thì nên nhìn thẳng chỗ không hiểu không biết đó xem cái đó là tại sao ? Cái không biết tại sao đó Thiền-tông gọi là nghi-tình. Cái nghi-tình này nếu giữ được mãi sẽ đưa quý vị đến chỗ giác ngộ thành Phật. Xin chớ nên giải theo lời văn để đóng bít cửa ngộ. Nếu quý vị đọc tiếp thì sẽ phát hiện ra nhiều đều hay bất ngờ. Thích Duy Lực.


Một hôm Bá Trượng hỏi Sư : Đi đâu mới về đây ?

Sư nói : Dưới núi Đại Hùng hái nấm mới về.

- Có gặp con hổ không ?

Sư liền kêu tiếng hổ.

Trượng cầm búa làm cái thế chém.

Sư liền bạt tai Bá Trượng, Bá Trượng mỉm cười rồi về phòng liền, sau đó thượng đường nói :

- Dưới núi Đại Hùng có một con hổ, các ngươi hãy để ý xem, lão già Bá Trượng hôm nay đã đích thân bị cắn một cái.

*

Một hôm, Bá Trượng vì phổ thỉnh (mời tất cả Chúng cùng đi làm) đi khai khẩn ruộng về.

Trượng nói : Khai khẩn ruộng chẳng phải dễ.

Sư nói : Theo Chúng làm việc.

Trượng : Làm phiền dụng Đạo.

Sư : Đâu dám từ chối lao nhọc.

Trượng hỏi : Khai khẩn được bao nhiêu ruộng ?

Sư đem cuốc cuốc đất ba cái. Trượng liền hét, Sư bịt tai bỏ đi.

*

Sư ở thiền hội Nam Tuyền, lúc đang phổ thỉnh lựa rau cải.

Tuyền hỏi : Đi đâu ?

Đáp : Đi lựa rau cải.

Tuyền nói : Lấy gì để lựa ?

Sư giơ cây dao.

Tuyền nói : Chỉ biết làm khách, chẳng biết làm chủ.

Sư lấy dao điểm ba cái.

Tuyền nói : Đại-chúng lựa cải đi.

Một hôm, Sư bưng bát đến chỗ tòa của Nam Tuyền ngồi.

Tuyền nhìn thấy hỏi : Trưởng-lão hành Đạo từ năm nào ?

Sư nói : Trước Oai Âm Vương.

Tuyền nói : Vẫn còn là con cháu của ta. Đi xuống đi !

Sư bèn qua cái ghế thứ nhì ngồi, Tuyền bèn thôi.

Một hôm Tuyền nói : Lão-tăng có một bài ca chăn Trâu, xin Trưởng-lão xướng họa.

Sư nói : Ta đã có thầy rồi.

Sư từ giã Nam Tuyền.

Tuyền đưa đến cửa, chỉ cái nón của Sư nói : Thân của Trưởng-lão lớn vô hạn mà cái nón thì nhỏ quá đi !

Sư nói : Mặc dầu như thế mà Đại thiên thế giới trọn ở trong đó.

Tuyền nói : Còn cụ già này chứ ?

Sư đội nón đi liền.

*

Sư ở Thiền-hội Diêm-Quan, đang lễ Phật trên Chánh-điện, có Sa-di (sau này là vua Đường Tuyên Tông) hỏi :

- Chẳng chấp cầu Phật, chẳng chấp cầu Pháp, chẳng chấp cầu Tăng, Trưởng-lão lễ Phật để cầu cái gì ?

Sư nói : Chẳng chấp cầu Phật, chẳng chấp cầu Pháp, chẳng chấp cầu Tăng, việc thường lễ bái như thế.

Sa-di nói : Cần lễ làm chi ?

Sư bèn bạt tai.

Sa-di nói : Thô lỗ quá thế.

Sư nói : Đây là chỗ gì mà nói thô nói tế ?

Rồi bạt tai nữa.

*

Sư từng ẩn trong Chúng chùa Khai Nguyên ở Hồng Châu.

Một hôm có Thừa-tướng Bùi Hưu vào Chùa thấy bức tranh trên vách hỏi Trụ-trì : Đây là gì ?

Trụ-trì đáp : Chân dung của Cao-tăng.

Hưu nói : Chân dung thì thấy rồi, còn Cao-tăng ở đâu ?

Trụ-trì không trả lời được.

Hưu hỏi : Ở đây có Thiền-giả nào không ?

Đáp : Gần đây có một Tăng đến chùa công quả giống như Thiền-giả.

Hưu liền xin gặp và nói rằng : Hưu vừa có một câu hỏi mà chưa được ai trả lời, xin Thượng-nhân đáp.

Sư nói : Xin Thừa-tướng cứ hỏi.

Hưu hỏi lại câu hỏi trước.

Sư lớn tiếng gọi : Bùi Hưu !

Hưu : Dạ.

Sư nói : Ở đâu ?

Hưu ngay đó ngộ ý chỉ như được hạt Châu quý, liền mời Sư về Dinh rồi đảnh lễ xin làm đệ tử.

*

Một hôm Hưu bưng một tượng Phật quỳ trước mặt Sư xin Sư đặt tên.

Sư gọi : Bùi Hưu !

Hưu : Dạ.

Sư nói : Đã đặt tên xong.

Hưu lễ bái.

*

Một hôm khác Hưu mời Sư đến nhà đem một tác phẩm của mình để trình cho Sư.

Sư nhận xong để một bên tòa không mở ra xem, im lặng giây lâu rồi hỏi : Hiểu không ?

Hưu nói : Chưa hiểu.

Sư nói : Nếu hiểu liền như thế này còn tốt một chút. Nếu mà trình bày nơi giấy mực thì đâu còn Thiền-tông ta.

Hưu do đó tặng một bài thơ rằng :  

Từ khi Đại-sĩ truyền Tâm-ấn.

Trán có viên Châu, bảy thước thân.

Trụ tích mười năm ở Thục-thủy.

Hôm nay hành cước đến Chương Tân.

Một ngàn Long Tượng theo Cao-túc.

Vạn lý hương hoa kết Thắng-nhân.

Muốn xin lễ Sư làm đệ tử.

Chẳng biết đem Pháp trao người nào ?

Sư cũng không tỏ vẻ mừng.

Một hôm có sáu người mới đến. Năm người đảnh lễ, một người thì đem toạ cụ phác ra một tướng tròn.

Sư nói : Ta nghe có một con chó săn rất ác.

Tăng ấy nói : Tìm tiếng Linh-dương đây (linh dương là loại con hươu và cũng giống con dê, rất khó tìm tông tích) !

Sư nói : Linh-dương chẳng tiếng cho ngươi tìm.

Tăng nói : Tìm dấu Linh-dương đây !

Sư nói : Linh-dương chẳng dấu cho ngươi tìm.

Tăng nói : Tìm tích Linh-dương đây !

Sư nói : Linh-dương chẳng tích cho ngươi tìm.

Tăng nói : Vậy là Linh-dương chết.

Sư bèn thôi.

Sáng hôm sau, Sư thăng tòa nói : Tăng tìm Linh-dương hôm qua ra đây !

Tăng ấy ra.

Sư nói : Công-án hôm qua chưa xong mà lão tăng đã thôi. Ý ngươi thế nào ?

Tăng chẳng thể trả lời.

Sư nói : Tưởng là một Tăng xuất sắc, ai dè chỉ là một Sa-môn nghĩa học (tức là giải nghĩa theo lời văn).

Rồi đánh đập đuổi ra.

*

Một hôm Sư giơ nắm tay rồi nói :

Lão Hòa-thượng khắp Thiên-hạ đều ở trong này. Nếu ta buông thả một đường chỉ thì tùy ý ngươi tung hoành bốn phương. Nếu ta chẳng buông thả thì luôn cả cái nắm tay cũng không còn.

Tăng hỏi : Khi buông thả một đường chỉ là thế nào ?

Sư nói : Tung hoành bốn phương.

Hỏi : Lúc chẳng buông thả thì luôn cả cái nắm tay cũng không còn là thế nào ?

Đáp : Phổ (nghĩa là cùng khắp mọi nơi).

*

Sư thượng Đường. Đại-chúng mới vừa tụ tập, Sư lấy gậy đánh đập giải tán, rồi lại kêu : Đại Chúng !

Chúng quay đầu lại thì Sư nói : Mặt-trăng cong như cung, mưa ít mà gió nhiều.

Hỏi : Thế nào là ý Tổ-sư từ Ấn-độ đến ?

Sư bèn đánh.

*

Một hôm thượng Đường, Đại-chúng vân tập,

Sư nói : Các ngươi muốn cầu cái gì ?

Rồi dùng cây gậy đuổi ra. Đại-chúng không chịu giải tán.

Sư ngồi lại nói : Các ngươi đều là kẻ say rượu. Hành cước như thế này sẽ bị người ta cười, mà hễ thấy nơi có Chúng đông tám trăm, một ngàn thì chui vào, chẳng phải ham chỗ náo nhiệt hay sao ? Khi ta hành cước gặp trong đám cỏ có một vị nào liền cho một dùi trên đỉnh đầu xem họ nếu biết đau ngứa thì cung kính đem gạo cúng dường, đâu phải như các ngươi hành cước dễ dàng như thế, làm sao được việc ngày nay (kiến Tánh) ? Các ngươi đã xưng là người hành cước cũng phải phấn khởi tinh thần một chút. Các ngươi còn biết trong nước Đại Đường không có Thiền-sư chăng ?

Khi ấy có Tăng hỏi : Các nơi đều có Tôn-túc tựu Chúng khai-thị giáo hóa. Tại sao lại nói không có Thiền-sư ? Sư nói : Chẳng phải nói là không có thiền, chỉ nói là không có Sư. Các ông tham-thiền không nhìn thẳng chỗ hầm sâu vô minh, chỉ biết học theo ngôn ngữ để ghi nhớ chất đầy trong bụng, rồi đi khắp nơi tự xưng ta hiểu thiền. Hiểu thiền như thế có giải quyết được việc sanh tử của các ông chăng ? Cần phải nỗ lực tham-cứu chớ nên uổng qua một đời, bị người ta cười. Nếu ngộ thì ngay đó ngộ, nếu không ngộ thì cứ tham đi.

*


Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư