Đạo Phật chẳng phải là Tôn giáo
- Thứ sáu - 29/03/2013 05:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tất cả Tôn giáo trên thế giới đều phải có các yếu tố : Oai quyền, nghi thức, suy lường, truyền thống, ân điển và thần bí ...
Về Tôn-giáo của nhân loại, sáu yếu tố này đã phát huy được tác dụng trọng yếu, nhưng chúng lại sanh ra các tệ đoan. Tệ đoan nầy làm cho thực cảnh của Tôn-giáo ngày càng hoang vu và lẩn quẩn trong mê tín.
Phật Thích-ca đã làm sạch sự hoang vu này để cho chân lý được hiển lộ. Trong Phật-giáo thật chẳng có sáu yếu tố trên :
I. Chẳng có oai quyền :
Đặc quyền của Bà-la-môn đứng trên các giai cấp ở Ấn-độ thời đó đều bị Phật từ chối. Ngài nói với mọi người chớ nên mê tín và ỷ lại thói quen của thế tục, chớ nên vì thấy một học thuyết ở trên kinh điển cho là phù hợp với tín ngưỡng của mình, hoặc vì lời khai thị của đạo-sư mình mà mình lại tin và mến nó, cho nó là ngọn đèn của mình.
Chúng ta ở hiện tại cho đến sau khi chết chỉ tin nơi chính mình, chẳng cần sự tiếp tay của người khác. Chỉ có khả năng của chính mình mới đạt được cảnh giới tối cao.
II. Chẳng có nghi thức :
Phật cho rằng tất cả nghi thức và tế lễ chỉ có hiệu lực bó buộc tinh thần của con người. Về điểm này, nhiều người đã hình dung Phật-giáo chẳng thuộc về lý tánh đạo đức của Tôn-giáo nào cả.
III. Chẳng có suy lường :
Lý do này rất đơn giản. Đối với sự cầu tri giải của tham dục, Phật cho là chẳng thể giúp cho sự khai mở trí huệ. Thí dụ như một người bị trúng mũi tên độc, anh ta không cho thầy thuốc chữa liền lại đi tìm hiểu mũi tên và người bắn ... Anh ta sẽ chết trước khi tìm hiểu được.
IV. Chẳng có truyền thống :
Phật kêu gọi tín đồ từ chỗ bị đè ép nặng nề mà tự thoát ra, chớ nên tôn sùng ỷ lại và giữ lấy những lời dạy bảo của đời trước truyền xuống. Nếu tín thọ phụng hành những giáo điều ấy, sẽ làm cho mình mê hoặc và đau khổ, biết đến khi nào tự giác ngộ được chính mình. Phật cho rằng : Nên cắt đứt truyền thống đời xưa là tốt nhất.
V. Chẳng cầu ân điển :
Vận mệnh của mình không do người khác định đoạt, dù là Thần Tiên cho đến Phật cũng không giải quyết thay cho mình được, mà phải nhờ tự lực mới giải thoát đến cùng tột.
VI. Chẳng có thần bí :
Phật hoằng dương một Tôn-giáo không có thần bí. Ngài dạy tất cả bói toán tiên tri ... đều là môn học thấp kém, không cho môn đồ làm những phép thần bí này.
“Người dùng tà thuật để hiển bày kỳ lạ đều chẳng phải đệ tử của ta, làm phép thần bí là một việc rất nguy hiểm”.
Khi còn tại thế, Phật luôn phòng ngừa sáu yếu tố có hại kể trên xâm nhập Tăng-đoàn. Vậy mà sau khi Phật nhập diệt rồi, những tệ hại của sáu yếu tố này dần dần tràn khắp.
Nhưng sự di hại này không làm mất bản chất chân thật của Phật-giáo mà chúng ta có thể nhận thức như sau :
1. Rất chú trọng kinh nghiệm trực tiếp :
Xưa nay, chưa có một Tôn-giáo nào hoàn toàn dùng cách phán đoán do kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân mới là sự khảo nghiệm cho mọi vấn đề. Chớ nên y cứ vào một yếu tố nào, một đệ tử chân chính cần phải tự mình chứng ngộ mới được.
2. Rất khoa học :
Kinh nghiệm trực tiếp dù cho là sự phán đoán sau cùng, nhưng mục đích của nó là làm sáng tỏ mối quan hệ nhân quả : Tôi tồn tại thì bạn tồn tại, tôi chẳng tồn tại thì bạn chẳng tồn tại.
3. Rất thực dụng :
Phật xóa bỏ tất cả suy lường và tìm cầu bên ngoài, mà tập trung chú ý về sự giải quyết vấn đề sinh tử. Lời dạy bảo của Ngài chỉ là phương tiện tạm thời, chẳng có giá trị nào khác, cũng như chiếc bè chỉ để qua sông.
4. Trị liệu :
Phật nói : Ta chẳng hỏi ý kiến của ngươi, Ta chẳng hỏi Tôn-giáo của ngươi, Ta chỉ hỏi ngươi có bệnh gì ? Ta chỉ khai thị cho ngươi việc này.
Phật nói khổ và cách dứt khổ, bệnh và cách dứt bệnh.
5. Nhân bản :
Phật thuyết Pháp chẳng từ sự bắt đầu của Vũ-trụ, chỉ nói về thực tế của con người, nói về vấn đề của con người, tánh chất và động lực phát triển của con người mà thôi.
6. Rất dân chủ :
Phật phê bình và đả kích chế độ giai cấp, nhất là sự thiết lập chế độ truyền thừa (*). Ngài sanh ra từ giòng Vua, lại còn là Tăng-sĩ Bà-la-môn mà vẫn quyết định đả phá giai cấp, lấy sự bình đẳng áp dụng cho Đại-chúng.
7. Tự độ :
Phật-pháp là vì lợi ích chung cho tất cả chúng sanh, nhưng rất chú trọng về phương diện tu tập của cá nhân. Đối tượng thuyết Pháp của Phật là mỗi cá nhân, Ngài muốn mọi người ngộ ngay chính mình để giải thoát : “Ngươi hãy là ngọn đèn sáng của chính mình, ngươi phải là nơi nương tựa của chính ngươi, chớ nên nương tựa bên ngoài, phải siêng năng tu tập để giải thoát cho mình”.
(*) Chế độ truyền thừa : Cha thuộc giai cấp nào thì con cũng thuộc giai cấp ấy.
*
Phật Thích-ca dạy bảo chúng sanh bước thứ nhất là muốn chúng sanh tin rằng : “Tự kỷ tức là Phật chẳng có Chúa-tể khác”. Chúng ta ngày nay sở dĩ thành con người là hoàn toàn do tự mình tạo thành theo Luật-nhân-quả : “Gieo nhân nào thì được quả ấy”, nếu chúng ta muốn thành Phật cũng chỉ nhờ tự mình nỗ lực tự tu tự chứng. Phật Thích-ca chẳng qua chỉ là một Đạo-sư mà chẳng phải Chúa-tể, Ngài chỉ có thể dẫn dắt ông đến trước cửa Tuyệt-đối, vào được hay không được là việc của ông, theo đó mà xem thì còn có ý gì gọi là thần bí và mê tín ?.
Một số truyện tích kỳ lạ trong Kinh-điển cũng chẳng phải mê tín hoặc thần thoại, ấy là hình thức văn học của dân tộc Ấn-độ. Người Ấn-độ từ xưa nay hay làm những tác phẩm ngụ ngôn tuyệt diệu như những sách cầm dụ, thú dụ v.v.... Bậc Thánh của Phật-giáo đem lý Phật nạp vào trong hình thức của truyền thống này để mong sự truyền bá thu hoạch được hiệu quả rộng lớn hơn, vì theo lý Tuyệt-đối vốn chẳng thể dùng ngôn ngữ để biểu thị chỉ có thể nhờ những truyện tích kỳ dị mong cho con người được khai phát trí huệ phần nào. Như kinh Lăng Nghiêm nói : “Phật bảo A-nan : Hôm nay Như-lai nói thật với ngươi, những người cóTrí cần phải dùng thí dụ mà được khai ngộ”.
Chúng ta nên ghi nhớ rằng chúng ta học Phật-pháp là vì muốn phủ định sanh tử tiến vào Tuyệt-đối để rồi độ chúng sanh, chẳng muốn làm cho đầu óc mình bị hồ đồ thêm hoặc là cư trú trong màng lưới của Pháp-chấp cho là chỗ an thân lập mạng của mình.
Trong Đại Tạng Kinh có nhiều Kinh-điển hoàn toàn dùng phương thức ngụ ngôn viết thành như : Lục Độ Tập Kinh, Bồ-tát Bổn Sanh Kinh, Bá Dụ Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Đại Trang Nghiêm Kinh, Soạn Tập Bá Duyên Kinh, Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh, Tạp Bảo Tạng Kinh v.v... giá trị văn học rất cao.
Tổ-sư ngộ đạo Thiền-tông đối với ngụ ngôn trong Kinh đều dùng thái độ Tuyệt-đối để quét sạch nghi hoặc của con người. Hiện nay đề ra một chuyện để dẫn chứng : Như trong Thích-ca phả nói Thích-ca ra đời, Đông Tây Nam Bắc mỗi phương bước đi bẩy bước, mắt nhìn bốn phương một tay chỉ trời một tay chỉ đất rằng : “Trên trời dưới đất chỉ Ta độc tôn”, ấy là biểu thị Phật-tánh từ thể khởi dụng cùng khắp thời gian và không gian, cũng là tuyệt đối chẳng hai.
Kẻ không hiểu ý nghĩa ngụ ngôn thường cho là thần thoại do bày đặt mà ra, hoặc cho Phật Thích-ca là Chúa-tể kiêu mạn hoặc độc tài không có bình đẳng, kẻ ngu dại lại cho Phật Thích-ca là sinh ra có thần tánh đặc dị, ấy đều là không rõ cách diễn tả về văn học của ngụ ngôn Ấn-độ và trong đó có ám thị lý tuyệt đối.
Có người đem truyện trên hỏi Vân Môn Thiền-sư, Vân Môn nói : “Khi ấy nếu tôi gặp thấy, một gậy đánh chết cho con chó ăn để mong thiên hạ được thái bình”. Sau này Lăng Nha Thiền-sư bình phẩm Vân Môn về Công-án này rằng : “Hết lòng phụng sự vô số cõi, ấy mới gọi là đền ơn Phật”.
Vậy mới biết thái độ của Tổ-sư Thiền-tông đều là sáng tỏ chính xác mà không thoả hiệp với kẻ khác, bởi vì đã tiến vào Tuyệt-đối nên chẳng có kẻ nào làm lay động được (Phật Thích-ca ám thị nghĩa bất nhị, Vân Môn cũng ám thị nghĩa bất nhị).
Người nghiên cứu Phật-pháp chớ nên xem theo các thứ mầu sắc kỳ lạ của lớp áo ngoài. Lớp áo ngoài ấy chẳng qua là những đặc tính của dân tộc,... trải qua bao nhiêu không gian thời gian, nó kết hợp những hình thức mâu thuẫn như : Quan niệm truyền thống, phong tục tập quán mà thành. Trái lại nên cho ánh sáng con mắt thấu qua lớp áo ngoài mà nhìn vào tinh túy của Phật-pháp, ấy mới là chân lý của Tuyệt-đối không bao giờ biến đổi.
Các Tông Đại-thừa đều có một bộ áo ngoài của họ gồm đủ mầu sắc kỳ lạ khiến người xem cảm thấy kinh ngạc và chới với, Ông chẳng nên bị nó làm cho kinh sợ mà lui sụt. Ông nên xem rõ các công năng chính xác của nó chẳng qua là muốn từ tương đối đạt đến Tuyệt-đối, khi đến Tuyệt-đối rồi liền bỏ hẳn nó đi. (Trích trong Đại thừa Tuyệt-đối luận)