Thiền thất khai thị luc - phần VI
- Chủ nhật - 31/03/2013 19:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
33. KHAI THỊ: Ngày 19 tháng 11 (Thất năm ngày thứ sáu)
Theo quá trình công phu đại khái có ba thứ : Thứ nhất là cực lạ, thứ nhì là cực quen, thứ ba là phi phàm phi Thánh. Ba cái nầy bao gồm tất cả quá trình dụng công của các ông. Dù công phu dụng đến thế nào cũng không ngoài ba thứ nầy.
Công phu cực lạ các ông đều rõ thấy được rồi. Thoại-đầu tham không vô, muốn tham thoại-đầu thì các ông bị vọng tưởng ngăn chặn, đề một câu nữa thì vọng tưởng nổi mạnh lên, bị sức mạnh của vọng tưởng nổi lên cướp đoạt một hai cây hương, cho đến liên tiếp cả một ngày cũng không chấm dứt. Bất chợt nhớ lại câu thoại-đầu, đề lên được một hai lần thì hôn trầm lại nổi lên, ngủ quên cả nửa ngày mới biết, khi sực tỉnh đề lại câu thoại-đầu thì nghiệp chướng, âm thanh, sắc tướng và nhức ngứa trên người v.v... đều là nghịch cảnh làm cho câu thoại-đầu bị đánh mất. Đó là lý gì ? Bởi vì chúng nó quá quen thuộc còn công phu thì xa lạ quá; kỳ thực tham-thiền không có gì kỳ lạ, chỉ cần lấy câu thoại-đầu đề lên thường xuyên và khởi nghi-tình tham liên tục.
Hiện nay đã Đả được năm Thất rồi, không được bảo là cực lạ, nhất định phải có chút tiến bộ, dù chưa đạt đến chỗ cực quen, nhưng công phu đã dụng như vậy dẫu cho là lạ cũng cứ đề lên thoại-đầu, đừng buông thả, lâu dần trong một ngày thì có nửa ngày công phu, trong nửa ngày còn lại dù cho màu sắc, âm thanh, vọng tưởng làm đối nghịch, nhưng nửa ngày kia đã được nắm chặt lại trên công phu xét kỹ xem đắc lực hay chẳng đắc lực, cũng như "Niệm Phật là ai ?", không hiểu rõ phải hỏi nữa. Đáo để là ai ? Truy cứu không xong không thể bỏ qua, phải tự hỏi cho đến minh bạch mới buông tay.
Cứ như vậy mà hỏi thẳng, không minh bạch nhất định không ngừng nghỉ. Hỏi mãi như thế, khi quay đầu nhìn lại sẽ thấy công phu có phần đắc lực, lại tiếp tục kiểm điểm cái thân nầy còn có hay không ? Tựa như chuyện trong thân mình và ngoài thân mình đều không có liên hệ. Xét kỹ thêm một tí sẽ thấy hình như thân thể không có, vậy thân thể tôi không có thì âm thanh, sắc tướng, nhức ngứa làm sao có được.
Công phu hành trì thỉnh thoảng có lúc dẫu thấy trên thân thể không có nhưng hình như còn có một hai cái vọng tưởng nghiệp chướng thình lình xảy ra, vậy thì thế nào ? Vì tâm chưa bỏ được, cần ôm câu thoại-đầu, không được buông. Cứ tham mãi mãi vọng tưởng nổi lên không được thì hình ảnh của nghiệp chướng cũng mất tiêu luôn.
Chỉ có cái chỗ không minh bạch của câu thoại-đầu, đến được chỗ nầy rồi thì tâm cũng bất khả đắc, thân quên hẳn, tâm cũng quên hẳn; thân tâm đều quên dù cho sắc tướng đẹp thế nào, âm thanh hay thế nào, nếu không có thân thể thì nó dung thân ở đâu ? Tình ái sâu thế nào, nhiều đến đâu mà không có tâm thì nó nương vào đâu để an thân ? Thân tâm đều bất khả đắc có thể gọi là công phu hiện tiền còn gọi là công phu cực quen.
Cực lạ là phàm phu, nhưng cực quen không phải là hiền Thánh, cũng không phải đến chỗ phi phàm phi Thánh. Công phu hiện tiền là cảnh giới gì các ông tự mình đều cần đạt đến chỗ đó thì mới thấy được, ta nói mà các ông không đi đến thì cũng bằng không.
Thật tội nghiệp cho các ông, đối với việc dụng công mà không nắm chắc tí gì; nếu ta không nói sơ cho các ông biết một chút cũng không được. Sự công phu hiện tiền, tức câu thoại-đầu hiện tiền, dù đi đứng nằm ngồi, nổi vọng tưởng nổi nghiệp chướng đều là câu thoại-đầu, cũng như lúc cực lạ của các ông suốt ngày chỉ có nổi vọng tưởng, đi đứng nằm ngồi đều trong vọng tưởng, cử tâm động niệm ở trong vọng tưởng, mặc áo ăn cơm ở trong vọng tưởng, đề câu thoại-đầu cũng là vọng tưởng, sợ vọng tưởng, trừ vọng tưởng lại là thêm vọng tưởng.
Hôm nay, công phu hiện tiền tất cả chỗ nào cũng đều là công phu, dù nổi vọng tưởng nổi nghiệp chướng cũng đều là công phu, cái nầy tức là công phu hiện tiền cũng là cực quen, chưa được kể là xong việc, còn phải là lạ bất khả đắc, quen cũng bất khả đắc, lạ quen đều bất khả đắc mới được gọi là đến chỗ phi phàm phi Thánh.
Vậy thì trong khi công phu hiện tiền chỉ có câu thoại-đầu; các ông đừng tưởng sai lầm đi đến chỗ nầy rồi chỉ có chỗ không hiểu câu thoại-đầu, chỉ có cái không minh bạch, không cho có chỗ suy nghĩ, cũng không phải cái không minh bạch mơ mơ hồ hồ, cũng không phải cái không minh bạch cho qua loa; như thế mới thực là công phu hiện tiền. Đó là lý gì ?
Triệu Châu Thiền-sư nói : "Lão-tăng ba mươi năm chẳng tạp dụng tâm. Hễ biết mặc áo ăn cơm là chỗ tạp dụng tâm. Người trong Thiên-hạ ở chỗ minh bạch, chỉ có lão-tăng một mình không ở trong chỗ minh bạch". Đây là một bằng chứng xác thực.
Vậy đến đây gọi là đến đích chưa ? Chưa, chỉ có thể nói là cái bánh xe sanh tử ngưng lại rồi, không xoay chuyển chứ chưa đạt được đến cuối cùng, cần phải tiến thêm một bước, đến lúc ấy ta mới nói được chuyện bình thường trong gia đình, kể được việc trong nhà, nhưng việc đáng nói bây giờ không phải là việc trong mà mà coi là việc đang đi đường.
Các ông vẫn chưa hiểu được sự việc dưới cửa Thiền-tông, chuyện Phàm-phu thành Thánh-nhơn; đó không phải là việc cứu cánh, không phải là chỗ đặc biệt của Thiền-tông. Sao vậy ? Địa vị Thánh-nhơn là việc ở giữa đường, việc đến nhà vẫn còn cách xa một khoảng đường, các ông có hiểu tí nào không ? Nếu đi được đến chỗ nầy mới cho là đúng việc của Thiền-tông, là chỗ đặc sắc của Thiền-tông. Lời nầy chỉ có Thiền-tông được nói, ngoài ra không Pháp-môn nào được nói.
Vậy sau khi cực quen rồi dẹp từng lớp từng lớp mãi, dù nói các ông nghe đại khái không dễ gì lãnh hội được, chỉ là từ lạ chuyển thành quen, người ít thiện căn sẽ còn chút ít ngại khi nghe như vậy.
Ta nói thêm một thí dụ : Chúng ta ở trong Thiền-đường lâu ngày, nhiễu hương, tọa hương không còn lạ gì, bỗng có người nước ngoài lỗ mũi cao, mắt sâu, đầu tóc đỏ, thân to lớn, tất cả đều khác với chúng ta; ta nhìn nó, nó lại nhìn ta, ta thấy nó quái lạ, nó thấy ta cũng quái lạ. Mình đi vào, nó cũng đi theo vào; ra, nó cũng theo ra, mình không nói chuyện được với nó, nó cũng không nói chuyện được với mình. Một mình nó, nó không dám ngồi, không dám ăn cơm. Thời gian lâu mình nhìn nó mĩm cười, nó cũng nhìn mình cười; lâu hơn nữa trao đổi được một vài câu qua lại, dần dần quen rồi không còn quái lạ, lâu ngày cùng nhau tham-thiền. Lâu nữa, không xong ! Nó lại sanh khi dễ chúng ta, rồi mỗi cử động đều phải nghe nó chỉ huy. Lâu ngày ngược lại mình phải lễ lạy nó, các ông tưởng tượng xem trên thế gian có chuyện như vậy chăng ?
Tình trạng thông thường hiện nay cũng đều như vậy, sự công phu hạ thủ cũng giống vậy. Người ở trong Thiền-đường cũng như vọng tưởng, nghiệp chướng từ lâu đã quen thuộc, câu thoại-đầu như người nước ngoài xa lạ, khi hạ thủ dụng công đề lên câu thoại-đầu thì vọng tưởng xông lên cũng như các ông nhìn nhau với nó, lâu ngày quen thuộc đương nhiên cũng có thể tham được, lâu thêm nữa tham cũng được, không tham cũng được, nổi vọng tưởng cũng được, không nổi vọng tưởng cũng được, đó là cùng tham với nhau rồi, lâu nữa vọng tưởng đứng không yên vì câu thoại-đầu đã làm chủ, làm vua. Trên đời phải có cái lý như vậy, dụng công phu cũng là như vậy.
Các ông thật đáng thương ! Chỉ có một câu thoại-đầu đến nay vẫn có người không tin, có phải khổ không ? Chúng ta đều là người sáng suốt, ta khuyên các ông ở trên câu thoại-đầu dụng khổ công thêm một phen, chịu thêm nhiều oan ức, đối với sự Hành-đạo mới có thể có chút ít tương ứng nào đó, hãy tham đi !
34. KHAI THỊ: Ngày 20 tháng 11 (Thất năm ngày thứ bảy)
"Một niệm sai rồi trăm việc đều sai", ta nói một niệm sai không những trăm việc đều sai mà ngàn việc, muôn việc, tất cả đều sai. Tại sao vậy ? Cái căn bản sai thì cái chi nhánh làm sao không sai được ? căn bản tức là hiện tiền một niệm của chúng ta nếu một niệm nầy đúng thì ngàn muôn việc đều đúng, nếu một niệm sai thì ngàn muôn việc đều sai.
Lục-tổ dạy : Tự-tâm không rời cái giả, làm sao có chỗ nào Chân ? đủ có thể chứng minh cái niệm hiện tiền của chúng ta có thể đúng có thể sai, nếu cái niệm nầy của chúng ta đã sai đi rồi thì sẽ tiếp tục mãi không ngừng.
Phải biết từ vô lượng kiếp đã sai đến ngày nay, hôm nay được cái sắc thân nầy thì thực là khó lắm ! Trong kiếp xưa không biết đã chịu bao nhiêu khổ, nếu mở mắt ra xem thì phải khóc than biết bao nhiêu ? Cái sắc-thân ở trong Lục-đạo, Tứ-sanh, cái Sắc-thân nào mình chẳng có làm qua ? Cái đó đều do một niệm sai mới có.
Nầy các Thầy ! Nếu hôm nay không giải quyết chữ sai nầy đi thì cái khổ ở tương lai còn dài lắm, như nhắm mắt đi đường, một chân cao, một chân thấp, con đường đi nầy không phải dễ đi, thực là xa xôi vô tận ! E rằng cái câu xa xôi khó đến nầy cũng chẳng xong nữa ! Tại sao vậy ? Nếu các ông biết con đường nầy là xa xôi khó đến mới có thể nói là xa xôi khó đến. Căn bản con đường nầy không biết thì câu xa xôi khó đến ấy để vào đâu ?
Vậy thì chữ "Sai" nầy là không tốt, thì các ông phải quay đầu lại mới đúng. Đại khái đối với chữ "Đúng" này các ông không dễ gì hiểu được. Ta hỏi các ông : Tại sao nói rằng đúng là sự tốt ? Trong Thiền-tông thì không phải vậy, dù không phải vậy nhưng cũng là một con đường phải đi ngang qua.
Tại sao Thiền-tông nói không phải vậy ? Sai tuy không phải là việc tốt, đúng đối với sai mà nói cho là tốt. Nhưng Thiền-tông không cho lấy sai làm đúng cũng không cho lấy đúng làm đúng, đúng với sai đều không trụ mới là sự việc trong Thiền-tông. Đã là đúng sai đều không trụ thì về sau còn có việc gì không ? Có hay không, cần các ông phải tự mình lãnh hội, ta nói không được, tại sao vậy ?
Nếu ta nói hữu sự thì các ông sẽ hướng về cái hữu mà dụng công, hễ ta nói vô-sự thì các ông sẽ hướng trên vô sự mà dụng công, cũng như người xưa nói; "Như người uống nước lạnh ấm tự biết". Vậy thì làm một người như vậy cứu kính là người nào, cái người nầy ta có thể chỉ ra cho các ông : Các ông công phu đến chỗ nầy là rất thanh cao, có thể nói là "Không cùng với vạn pháp làm bạn". Một người không làm bạn với hữu tình, cũng không làm bạn với vô tình, thực hành được như vậy là từ chỗ nào làm đến được ? Là một niệm hiện tiền; cái một niệm nầy đúng thì toàn thể đều đúng, cái một niệm nầy sai thì toàn thể đều sai, cái nầy các ông sợ còn chưa được rõ, vậy ta cần phải nói qua cho các ông biết :
- Việc Thiên-hạ đều không đúng ! Chỉ có câu thoại-đầu mới là thật đúng.
Tại sao nói câu thoại-đầu là thật đúng ? Không những ta dám nói mà ta còn dám bảo đảm, các ông sợ còn có điểm không tin. Ta dám nói bảo đảm, không phải chỉ là nói suông thôi đâu, đương nhiên là cần phải có bình luận.
Người trên đời không đủ kể thí dụ : Phật Thích-ca, Phật quá khứ đều thỉnh đến đây ! Bất cứ vị nào nói chuyện với ta, ta hỏi :
- Tham câu thoại-đầu có đúng chăng ?
Nếu Phật trả lời : "Không đúng" thì tôi xin hỏi nữa :
- Nầy Phật Thích-ca ta nói câu thoại-đầu là đúng ấy là nói với người đúng, hay nói với người sai, hay nói với người lìa đúng lìa sai ?
Ta hỏi như vậy thì e rằng Phật Thích-ca trả lời không được. Tại sao vậy ? Tùy theo trình độ căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa, không như vậy không được. Nếu đối với người đã kiến Tánh mà nói như ta hỏi Phật Thích-ca thì đương nhiên Phật trả lời được. Ngược lại, Phật Thích-ca hỏi ta, ta cũng có thể đáp. Vậy nếu Phật Thích-ca không trả lời được thì còn ai có thể trả lời được nữa ?
Mặc dù biết tham câu thoại đầu là đúng, nhưng còn muốn các ông niệm niệm đều có nghi-tình, tâm tâm đều có nghi-tình thì mới có thể kể là đúng được; cái chữ "Đúng" nầy chúng ta nói đến đây là kết thúc.
Chúng ta dù nói niệm niệm có được tham, tâm tâm có được tham, muốn tham đến trạng thái nào mới nói được là niệm niệm có, tâm tâm có ? Nếu có thể lấy câu thoại-đầu để trên tâm mình thì chỉ là một cái không minh bạch mãi, không minh bạch thì không buông tay; cho đến độ người ta tọa hương, ông thì không biết ngồi; khi đánh dấu hiệu đi cầu mọi người đi cầu tiêu thì ông lại không biết hướng về chỗ nào đi,... đây gọi là đi mà không biết đi, ngồi mà không biết ngồi. Cái không biết nầy của ông không phải là cái không biết mơ hồ, không minh bạch, mà trong tâm lại minh minh bạch bạch. Người niệm Phật không biết là người nào cứ một mạch mà tham đi; cũng như tham niệm Phật là ai, niệm Phật là người nào niệm ? Đáo để là ai ? Cứu cánh là người nào ? Đều qui tựu vào chỗ không minh bạch, lấy đại-ngộ làm kỳ hạn, không ngộ thì cứ tham.
Các ông hãy phát tâm. Hãy tham đi !
35. KHAI THỊ : Ngày 21 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ nhất).
Người dụng công phu tưởng rằng công phu của mình tốt lắm, có thể nắm vững được rồi; lúc thân ngồi xuống, tâm cảm thấy nhẹ nhàng, công phu thì thanh thanh tịnh tịnh. Trong lòng cứ cho là : “Tốt lắm rồi ! Công phu của ta đã nắm được rồi”. Nhưng theo ta nói thì còn khổ não lắm ! Trong chiêm bao cũng còn chưa thể mộng thấy !
Đối với người có công phu để dụng thì còn có thể nói 'được ít cho là đủ', nhưng ông phải hành đến chỗ 'được ít' mới có thể nói như vậy được; chỗ ít còn chưa đến thì làm sao gọi được là đủ ? Cái hành này của ông chẳng được gọi là người dụng công phu thì nói gì đến đủ ?
Vậy thì phải làm sao mới là người dụng công phu ? Cần phải trong tịnh có công phu, lúc động cũng có công phu, động tịnh đều có công phu. Cái hành này phải thực hành ra làm sao vậy ?
Nếu mà muốn công phu ở trong tịnh cho tốt xong rồi mới bắt đầu dụng công phu ở trong lúc động thì như thế ba mươi năm, năm mươi năm cũng làm không tốt. Tại sao vậy ? Tại ông lấy động, tịnh chia làm hai phần riêng biệt thì làm sao cho tốt được ?
Lúc động, lúc tịnh, ở giữa động và tịnh công phu đều phải được nắm vững mới có thể nói là động tịnh không chướng ngại cho ông, ông cũng không bị động tịnh chướng ngại. Nếu không nắm vững được chỗ này thì khi tịnh dụng thì bị tịnh chuyển, khi động dụng thì bị động chuyển; làm sao ở giữa hai cửa động tịnh mà công phu không đánh mất thì mới có thể nói : Động cũng không động được ông, tịnh cũng không tịnh được ông; dù cho là đỏ, là xanh, là nam, là nữ đều không bị nó chuyển thì mới cho ông là động tịnh nhất như.
Mặc dù có công phu như vậy vẫn còn phải khảo sát một tí; một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ còn có thể dụng công hoàn toàn như vậy được không ? Giả sử không hoàn toàn dụng công được như vậy, xin hỏi : “Có mấy tiếng đồng hồ dụng công như vậy ?”. Nếu muốn có trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ có hai, ba tiếng không ở trong công phu thì ta không dám bảo đảm cho ông được liễu thoát sinh tử, cũng không nói được ông có hy vọng khai-ngộ.
Không những ta không dám bảo đảm mà Phật Thích-ca cũng không dám bảo đảm; dù cho Phật Thích-ca đứng ngay chỗ này mà các ông có hỏi Phật : “Công phu cần phải một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ dụng công không gián đoạn chăng ?”. Giả sử Phật Thích-ca nói : “Không cần ! Một ngày có mười tiếng để nghỉ ngơi, để nói chuyện”. Đúng lắm ! Ta muốn hỏi Phật : “Hai mươi tiếng dụng công là trồng cái nhân gì ? Năm, sáu tiếng nghỉ ngơi là trồng cái nhân gì ?” thì Phật Thích-ca có còn gì để mở miệng ? Cho nên ta nói công phu cần phải dụng như vậy ! Phật Thích-ca nhất định cũng nói phải dụng như vậy !
Vậy thì trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ công phu không gián đoạn, cái công phu này có thể kể được là đã đến nhà chưa ? Chưa được đâu, còn sớm lắm ! Mười phần công phu mới có được một phần.
Ta nói như thế các ông lại tưởng rằng : Công phu dụng đến chỗ này còn nói chỉ có một phần, việc trong Thiền-tông thực khó quá ! Đúng thế ! Bởi vì ông không có tri thức dụng công cho nên nói khó, nếu là người có ít trí thức đương nhiên không nói khó, cần phải dụng công như thế.
Tại sao cần phải dụng công như thế ? Tại sao nói mười phần chỉ có một ? Bởi vì suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ dù công phu của ông được thật đứng đắn, nhưng hễ có bệnh thì hỏng việc rồi ! Các ông nghĩ xem ! Lúc có bệnh đã dụng qua công phu chưa ? Công phu còn được đứng đắn không ?
Bệnh thì chúng ta đều đã có bị qua rồi, đang lúc bệnh thì có dụng công hay không ? Sợ ngay cả cái hình bóng cũng không có ! Chúng ta nghiên cứu thử xem : Trong khi bệnh có cần dụng công hay không ?
Nếu nói lúc bệnh không cần dụng công, các ông nói thì được chứ ta thì không dám nói. Theo ta, các ông muốn dụng công phu thì lúc bệnh cần phải dụng công phu đứng đắn hơn ngày thường chút ít mới được. Tại sao cần phải đứng đắn hơn ? Đau nhức không biết đau nhức, khổ không biết khổ, chết ta không hiểu được, công phu rõ ràng minh bạch, dù cho Trời có nóng hay là lạnh, ta một tí cũng không biết đến, chỉ biết sao công phu còn phải tốt hơn ngày thường, công phu ngày thường tuy là tốt nhưng không có thống khổ thì công phu vẫn chưa được cho là đắc lực. Vậy thì có thể nói : Động không đến ông, tịnh không đến ông, bệnh nặng cũng không đến ông mới gọi là tốt !
Công phu này được đến chỗ cực điểm chưa ? Cũng còn chưa đâu, chỉ mới có hai phần thôi. Nói như thế thì ra làm sao ? Thực làm cho người ta không biết làm sao mà rờ ! Thực khó thay ! Ta muốn nói cho các ông biết, muốn các ông được thấy đến nơi đến chốn mới đúng : Dù cho động tịnh nhất như, bệnh cũng không động đến ông, ông còn ngủ hay không ? Ngủ quên rồi lúc nằm chiêm bao thì công phu ra như thế nào ?
Các ông tưởng tượng xem : Công phu có được đứng đắn không ? Ta tuyệt đối không phải nói để làm khó cho các ông ! Chiêm bao mọi người đều có trải qua, nếu trong khi ngủ quên mà nằm chiêm bao thì không còn dụng công.
Ta cho các ông biết, người xưa có nói : Nghiệp-thức mênh mông, không chỗ căn cứ vào được. Hai câu này thế nào ? Cứ theo lời nói như vậy thì lúc nằm chiêm bao nhất định cần phải dụng công. Nếu được trong khi ngủ mà không biết có sự ngủ thì làm sao nằm chiêm bao được ?
Chiêm bao cũng là câu thoại-đầu, không kể ngủ hay không ngủ, tất cả đều không rời công phu mới cho là nắm vững được phần nào, nhưng vẫn chưa thể nói là được mười phần. Tại sao vậy ?
Người xưa có nói : “Lúc tịnh công phu được mười phần thì lúc động chỉ còn một phần, lúc động công phu được mười phần thì lúc ngủ quên nằm chiêm bao ngủ quên chỉ còn một phần, lúc chiêm bao có được mười phần thì lúc đủ thứ khổ đều tụ lại, sinh tử đến ngay trước mắt thì lại chỉ còn một phần”.
Đấy chẳng phải là lời ta nói ra đâu. Công phu tất cần phải dụng đến sự lâm nguy cuối cùng có nắm được mười phần, liễu sinh thoát tử mới có phần của ông.
Công phu dụng lúc sống không thể dụng thẳng đến sau khi chết, cho nên trước khi chết phải giải quyết cho xong sự sanh tử của chính mình. Ta nói như thế các ông cảm thấy sự việc trong Thiền-tông thực khó, thực khó muốn đến lắc đầu, hình như thực hành không được, thực khó lắm rồi ! Ta nói không phải vậy, các ông thấy có sự thâm sâu như thế nhưng chúng ta chỉ cần một câu thoại-đầu thì xong thôi ! Câu thoại-đầu ra sao mà lại có lực lượng to lớn như thế ?
Chúng ta thí nghiệm thử một tí xem : Đề lên câu thoại-đầu rồi thì nghi-tình còn, buông thoại-đầu xuống thì nghi-tình không còn nữa. Các ông làm như thế này thử xem : Đề cầu thoại-đầu lên đừng buông nó; trong lúc ấy các ông nghiên cứu thử xem, xem xét thử xem, động còn chướng ngại được nó không ? Tịnh còn chướng ngại được nó không ? Bệnh còn chướng ngại được nó không ? Chiêm bao còn chướng ngại được nó không ? Dù cho đủ thứ khổ tụ lại cũng đâu còn sợ gì ? Chỉ cần một câu thoại-đầu thì đưa ông đến được nhà. Ấy tức là “Nhất siêu trực nhập”. Mặc dù dễ như thế, trực tiếp như thế, rốt cuộc muốn các ông làm đến nơi : Đề khởi lên có nghi-tình, buông xuống cũng có nghi-tình. Công phu dụng đến chỗ này mới đúng. Hãy tham đi !
36. KHAI THỊ : Ngày 22 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ hai).
Trong lúc vận chuyển làm việc, công phu phải nắm cho vững, suốt cả ngày đêm công phu phải nắm cho vững. Nếu có được công phu như vậy thì mới có được một tí tương ứng với bổn phận của các ông.
Tại sao phải dụng công như thế ? Cần phải hiểu : Khi đang công phu có buông bỏ một tí tức là có một tí trống rỗng, cái trống rỗng này tức là kẽ hở thì sinh tử của chúng ta sẽ từ kẽ hở mà trỗi dậy, cái kẽ hở này tức là căn cứ địa phát sinh Lục-đạo luân hồi.
Các ông tưởng tượng xem : Trong khi công phu có một tí trống rỗng như vậy ấy là chỗ sanh ra sinh tử luân hồi; vậy thì há có lý nào ban ngày dụng công phu còn ban đêm thì khỏi dụng công ? Tọa hương thì dụng công, còn đi kinh-hành thì khỏi dụng công ? Lại nói đến ngủ quên khỏi dụng công thì lại càng không xong rồi; người có cái tri kiến như vậy cũng không phải là ít : Ấy là chỗ hiểu lầm lớn của các ông. Cái hiểu lầm này người lầm cũng không ít ! Thời gian lầm lẫn cũng không ít ! Ta thấy các ông cứ sai lầm mãi như vậy đến ngày nào mới dứt ?
Theo sự Đả-thiền-thất thì cần phải dụng công tinh tấn, nên sư Ban-thủ, sư Duy-na đều là những người giúp cho các ông nỗ lực tinh tấn, các ông lại không thèm để ý đến việc đi kinh-hành, cứ chạy như bay, mà không có nghi-tình, vậy gọi là sự tinh tấn của các ông sao ? Vậy còn muốn Đả-thiền-thất làm chi nữa ?
Nếu lúc đi kinh-hành mà không thèm để ý đi như thế nào, chạy như thế nào, vậy thì Hòa-thượng, Ban-thủ, Duy-na chẳng phải là vô dụng sao ? Như thế thì ta còn cho phép các ông làm như vậy được sao ? Theo Quy-củ : Kêu đi thì phải đi, kêu chạy thì phải chạy như bay, không được nhầm lẫn một chữ ! Ta chỉ dạy các ông dụng công phu, các ông dụng hay không dụng ta còn có thể tha thứ một tí chứ còn Quy-củ của ta các ông không được sai chạy một chữ nào cả.
Cứ theo như các ông : Kêu đi ông không đi, ông còn muốn sống không ? Cái thân xác của các ông còn muốn ở Thiền-đường thêm mấy ngày ? Hôm nay ta cho các ông biết : Từ nay về sau người Chức-sự kêu các ông đi thì các ông đi, kêu chạy thì phải chạy như bay. Sai suyển một chút mà ta thấy được thì phải đánh ba hương-bản, đánh cho ông gãy xương, có mất mạng hay không ta không cần biết. Các ông cần phải lưu ý cho kỹ !
Ta không nói trước cho các ông nghe thì khi hương-bản đánh xuống, các ông sẽ lấy làm lạ mà nói rằng : “Thực vô lý quá, phạm cái Quy-củ nhỏ này làm sao đến phải bị đánh hương-bản nặng như thế ? Thật lợi hại quá ! Quy-củ Thầy chưa nói cho tôi nghe, nếu Thầy đã nói cho chúng tôi nghe rồi, biết sự lợi hại của Quy-củ rồi, đương nhiên sẽ nghe lời gọi, bảo chạy thì chạy như bay, ấy cũng có gì đáng kể.” Đúng thế ! Các ông phải lưu ý cho kỹ.
Tại sao lại phải như thế ? Cần phải hiểu : Các ông từ đầu năm đến cuối năm chỉ hy vọng thời trong kỳ Đả-thiền-thất được liễu sinh tử. Trong thời kỳ Thiền-thất dụng công hoàn toàn nhớ cái tinh tiến. Tinh tiến dũng mãnh sợ còn không thể liễu được sinh tử, lười biếng thì làm sao hữu dụng được ? Ngày thường chỉ hy vọng trong thời kỳ Đả-thất, nay trong thời kỳ Thiền-thất mà không như vậy thì còn hy vọng thời kỳ nào nữa ? Vậy ta đem ông đem ông đánh chết thì còn có tội không ? Nhưng mà bảo ông chạy như bay, không phải chạy để chơi, phải làm sao bước chân nào cũng rời công phu, niệm niệm không rời công phu, nếu mà chạy không thì chẳng bằng không chạy ! Các ông phải lưu tâm ghi nhớ cho kỹ !
Hiện tại người dụng công phu đều phải nghiên cứu cho thuần thục, cũng như trâu rừng trên núi, muốn trâu rừng làm việc, trước hết phải dạy cho nó thuần thục rồi sau mới có thể dùng được. Các ông xem : Lúc ban đầu mới buộc, nó chạy bên Đông nhảy bên Tây không chịu theo khuôn phép tí nào. Hôm nay dạy nó, ngày mai cũng dạy thì dần dần có thể cùng ông lên đường được rồi; lâu nữa thì có thể theo ông mà chạy. Sau khi đã thuần thục thì khỏi cần buộc dây, nó còn có thể đi trước ông nữa.
Dụng công phu như thế, ban đầu câu thoại-đầu giống như trâu rừng, ông muốn dụng công nó không theo ông dụng, không chỗ này hỏng thì chỗ kia hỏng. Lâu đi rồi thì dụng được tốt thôi, thêm lâu nữa thì sẽ thuần thục, chỉ có một câu thoại-đầu cứ dụng thẳng đến. Trước kia thoại-đầu đề không được, tất cả là chỉ nổi vọng tưởng; hiện nay vọng tưởng nổi không lên, tất cả chỉ là câu thoại-đầu : Ban ngày ban đêm đều là công phu, muốn nổi một cái vọng tưởng cũng không được, nếu dụng công được như thế thì có thể gọi là thuần thục rồi.
Tại sao phải dụng như thế ? Công phu của chúng ta muốn được thành khối tất nhiên cần phải lên con đường này, theo con đường này mà chạy thẳng đi thì mới có thể đến được công phu thành khối; nếu không theo con đường này chạy đi thì công phu không được thành khối.
Thế nào là công phu không thành khối ? Thế nào là công phu thành khối ? Hai thứ công phu trên đường đi này, các ông phải thấy cho triệt để thì lúc dụng công phu mới được đúng. Hai chữ thành khối tuyệt không phải là có đồ vật gì, không phải là cục đất hay khúc cây gì, nếu hiểu như vậy thì là sai rồi ! Đừng có tưởng lầm.
Cái khối này, là khi tham thoại-đầu được đắc lực, tâm là thoại-đầu, nổi vọng tưởng cũng là thoại-đầu, nổi nghiệp chướng đều là thoại-đầu, trên thân thể đều là thoại-đầu, ở dưới chân là thoại-đầu, trong tay đều là thoại-đầu, nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân v,v… đều là thoại-đầu, ngay chỗ này, chỗ đứng cũng là thoại-đầu, ngước lên nhìn Trời, Trời cũng là thoại-đầu; tâm như vậy, thân như vậy, hư không cũng như vậy, tất cả cộng chung thành một thoại-đầu, tức là thành một khối, không phải khúc cây, cục đất là khối.
Cái khối của câu thoại-đầu này lan tới chỗ nào cũng là cái khối này, ông muốn đập nó, lấy miếng gỗ đánh nó một cái, miếng gỗ đó cũng thành thoại-đầu, lấy cục đá đập nó một cái, cục đá cũng thành thoại-đầu luôn. Ta nói như thế là một thí dụ, trong tâm của ông cần phải có một tí lĩnh hội mới được ! Công phu như thế tức là công phu thành khối.
Đối với công phu thành khối : Thoại-đầu đề lên, nghi-tình đắc lực, nghi-tình cũng là thoại-đầu, thoại-đầu cũng là nghi-tình; sơn hà đại địa là tự thân ta, tự thân lại là tâm, tâm cũng là thân, thân cũng là sơn hà đại địa; giả sử cho cục gạch, miếng gỗ đánh đập một cái, một tí động tịnh cũng không có. Nếu dụng công phu được như vậy là công phu thành khối và dễ đến được quê nhà.
Ta nói như thế, vậy công phu của các ông đã đến chỗ này chưa ? Không cần các ông nói ta cũng biết các ông còn chưa dụng công phu được như vậy, các ông chưa dụng đến nơi thì không cần giảng mới phải; nếu không giảng thì các ông khổ não quá ? Một tí tri thức dụng công cũng không có; dù cho các ông chưa dụng đến nơi, ta ở phía trước từ từ dẫn các ông đi, các ông cũng có thể theo đến, dù cho ông dụng công chưa đến được thì cũng gieo được một hạt giống Đạo.
Các ông người có chí hướng công phu này muốn làm cho đến cũng không khó gì, chỉ cần nhận thức là suốt ngày chẳng kể kinh-hành, tọa-hương, đi ngủ đều phải chiếu-cố đến công phu cho tốt, không cho nó bỏ trống chút nào, lúc đi phải nhận chân mà đi, bước nào cũng không rời câu thoại-đầu, đang lúc ngồi, nghi-tình rõ ràng trong sáng thì tương lai có thể đạt đến công phu thành khối, thành phiến. Hãy tham đi !
=> Thất thứ sáu tt