Sách có tên gốc là "Phật Tổ Đồng Tham Tập" do thiền sư Đạo Nguyên biên soạn vào thời Tống, Ngài dâng sách này lên vua Tống Chân Tông vào năm đầu niên hiệu Cảnh Đức (1004) và được nhóm ông Dương Ức nhuận sắc lại trong một năm mới xong với tên gọi mới là Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Vì sách được trùng san nhiều lần (lần thứ nhất vào năm 1134, tức năm thứ tư đời Thiệu Hưng Nam Tống bởi tăng Tư Giám; lần thứ hai vào năm 1316, tức năm thứ ba Diên Hựu đời Nguyên bởi Hy Vị) qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh... nên ý dụng của sách chỉ còn trông chờ vào tâm cơ của độc giả.
Nhân đây mời bạn đọc xem lời cuối của sách để hình dung phần nào ý chỉ cùng tâm huyết của người xưa muốn nhắn gởi hàng hậu bối:
CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC HẬU TỰ
景 德 傳 燈 錄 後 序
Sách Truyền Đăng Lục khắc in và lưu hành đã lâu lắm rồi. Từ binh lửa nổi lên đến nay, bản gỗ đã thành tro bụi. Người mộ Thiền tông đều lo sợ không còn sách ấy. Có tăng Tư Giám, người Vụ Châu, lê giày gai tìm đạo đã 30 năm rồi, những muốn mọi người cùng ngộ diệu tâm Niết-bàn, nên nghĩ rộng quyên tiền của để khắc in lại sách ấy. Tăng tục tán thán, giúp đỡ thành toàn. Có người nói:
- Pháp tự tâm không hình, chẳng từ nơi người khác mà đắc. Từ lúc sơ Tổ Thích-ca Mâu-ni giáng hạ, chẳng có một Tổ sư nào không mặc khế mà tự chứng được. Cho nên Tổ sư Đạt-ma mới chỉ thẳng, chẳng lập văn tự, chỉ chín năm nhìn vách ở Thiếu Lâm mà thôi. Tuy nhị Tổ Huệ Khả đứng ở trong tuyết sâu chặt tay, nhưng Đạt-ma cũng chẳng nói một lời nào, để tránh đi cái nhầm lẫn của tri kiến, cho nên nhị Tổ mới đắc chánh tri kiến, khoát nhiên đại tỉnh ngộ. Thế thì nhị Tổ cũng chẳng theo ngôn cú của Đạt-ma mà ngộ nhập, chỉ là tự chứng vậy. Thế nên Bách Trượng cuốn chiếu, Tuyết Phong đá cầu, Lỗ Tổ nhìn vách, Thạch Củng buông tên, Đạo Ngô múa hốt, Ô Khòa rứt thổi sợi vải, Câu Chi đưa ngón tay… bậc cổ đức khai thị người như thế rất nhiều. Ấy là không tại chỗ lời lẽ vậy. Lời lẽ là như thế, huống chi là chữ nghĩa. Tâm tông (Thiền tông) cần ở tự tham, lời lẽ của Tổ sư đối với ta có dính gì đâu ?
Tôi nói: Không phải vậy. Tâm pháp tuy nói là không hình, nhưng lan rộng khắp nơi. Trúc biếc ấy chân như, hoa vàng là Bát-nhã. Giun ếch phát cơ, đàn sáo truyền tâm. Cho tới tường vách gạch ngói, chẳng không là thuyết pháp. Cho nên Linh Vân thấy hoa đào mà ngộ đạo, Huyền Sa do nghe tiếng én mà ngộ bàn sâu thật tướng. Thế thì sơn hà đại địa đều là cửa ngộ nhập. Ai không phải qua con đường ấy, huống là làm sáng lời lẽ tâm tông, huống tái làm trong sáng văn tự tâm tông. Nếu cả hai đối với tâm tông chẳng là gì cả, thì tại sao Tiên Phước Cổ nhờ đọc Vân Môn lục mà tỉnh ngộ. Hoàng Long vì sao đọc lời lẽ của Đa Phước mà ngộ. Bởi lời lẽ rỗng rang, chữ nghĩa tánh không, cũng là đạo ấy vậy. Nếu lời lẽ mà thấy được tánh tướng không tịch, thì đó cũng là nhất siêu mà trực nhập vậy. Tôi vốn biết sách này lưu bố, khiến người phát được tâm địa rất đông. Vả lại công việc mộ duyên của Tư Giám, người dân thường họ Chu trong huyện Ninh Hải nói rằng: ‘Đất nhà chúng tôi có cây lê to đã ba đời rồi. Luôn các năm gần đây, cả nhà tôi đều nằm mộng thấy trên cây ấy có lầu gác, đình miếu, có rất nhiều tăng nhân tới lui trong đó, nên luôn nghi ngờ, giờ hiểu ra là san khắc bộ lục ấy, liền đốn bỏ để làm bản gỗ, lại khuyến khích Tư Giám đem về nhà gọi người đến khắc bản. Khi đã khắc, họ Chu mộng thấy sáu vị tăng yêu cầu cho xem phần đã khắc xong. Chu hỏi Tư Giám rằng: ‘Đấy là tăng nào vậy?’. Giám đáp: ‘Đó là Tổ sư sáu đời được truyền y bát đặc biệt đến đây để chứng minh cho công việc đấy’.
Than ôi, sách này dùng làm một công việc lớn, tức phải cảm phát điềm lành để phấn phát tâm kẻ ngủ mê, cho nên tôi cũng liệt kê vô đây, ngỏ hầu người xem biết rằng đó không phải là cơ duyên nhỏ, để kiên định lòng tin của họ.
Ngày thượng nguyên năm thứ tư niên hiệu Thiệu Hưng tại am Đẳng Từ, thiện nam tử Tuy Dương Lưu Phỉ trọng kính đề lời hậu tự.