03:23 ICT Thứ hai, 02/12/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bá Trượng

Thiền sư Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ? Mẹ nói : Là Phật. Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật.  Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Lâm Tế Ngữ Lục

Lâm Tế Ngữ Lục - phần I

Thứ sáu - 29/03/2013 20:03 Xem: 6151
Ngữ lục của thiền sư Nghĩa huyền

Phần 1 (đang xem)
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Một hôm, Hoàng Bá phổ-thỉnh (phổ là phổ biến, thỉnh là mời, nghĩa là mời tất cả Tăng-chúng cùng nhau đi làm công tác trong Chùa) Sư đi theo sau, Hoàng Bá quay lại thấy Sư đi tay không bèn hỏi  : Cây cuốc đâu ?

Sư thưa : Có người đem đi rồi.

Bá nói : Đến đây, ta bàn với ngươi việc này.

Sư lại gần, Hoàng Bá dựng đứng cây cuốc bảo : Chỉ một cái này, tất cả mọi người trong thiên hạ đều nhấc lên không nổi.

Sư bèn giật lấy cây cuốc, đưa lên nói : Tại sao bây giờ ở trong tay ta.

Hoàng Bá nói : Hôm nay đã có người thay ta phổ-thỉnh rồi.

Liền trở về chùa.

*****

Sư đang cuốc đất, thấy Hoàng Bá đến bèn ngưng cuốc, đứng thẳng.

Hoàng Bá hỏi : Ông mệt phải không ?

Sư thưa : Cây cuốc còn chưa nhấc lên, mệt nỗi gì ?

Hoàng Bá liền đánh, Sư chụp cây gậy của Hoàng Bá xô ngã Hoàng Bá.

Bá gọi : Duy-na, Duy-na đỡ ta dậy !.

Duy-na chạy lại đỡ Bá dậy rồi nói : Sao Hòa-thượng tha cho thằng điên khùng vô lễ như thế.

Hoàng Bá vừa đứng dậy, liền đánh Duy-na.

Sư vừa cuốc đất vừa nói : Ở chỗ khác thì hỏa táng, còn ở đây người ta chôn sống.

*****

Một hôm, Sư đang ngồi phía trước Tăng-đường, thấy Hoàng Bá đến, liền nhắm mắt lại. Hoàng Bá làm bộ sợ hãi, liền trở về phương-trượng, Sư theo đến phương trượng lễ tạ. Thủ-tọa đứng hầu ở đó, Hoàng Bá bảo Thủ-tọa : "Tăng này tuy còn trẻ nhưng lại biết có việc này".

Thủ-tọa thưa : Lão Hòa-thượng này gót chân chưa chấm đất lại ấn-chứng cho thằng trẻ này.

Hoàng Bá tự vả miệng mình một cái.

Thủ-tọa nói : Biết thì được.

*****

Sư đang nằm ngủ trong Tăng-đường, Hoàng Bá vào thấy, lấy gậy gõ vào đầu giường một tiếng.

Sư ngó mặt lên thấy là Hoàng Bá, liền nhắm mắt ngủ tiếp.

Hoàng Bá lại gõ lần nữa rồi đi lên nhà trên gặp Thủ-tọa đang ngồi thiền.

Hoàng Bá bảo Thủ-tọa : Nhà dưới ông trẻ kia đang ngồi thiền ông ở đây vọng tưởng làm gì ?

Thủ-tọa nói : Lão-hán này làm gì vậy ?

Hoàng Bá lại gõ đầu giường một cái, rồi đi ra.

LỜI BÌNH PHẨM :

Qui Sơn kể việc này hỏi Ngưỡng Sơn : Ý của Hoàng Bá là thế nào ? Ngưỡng Sơn nói : Hai do một mà có.

*****

Một hôm, Sư đang trồng cây tùng.

Hoàng Bá hỏi : Trong núi sâu trồng nhiều cây tùng để làm gì ?

Sư thưa : Một là làm cảnh trang trí cho Sơn-môn, hai là làm tiêu biểu cho người đời sau.

Nói xong, Sư trở đầu cuốc đánh xuống đất ba cái.

Hoàng Bá bảo : Dù như thế, Ông đã ăn ba mươi gậy của ta rồi.

Sư lại dùng đầu cuốc đánh xuống đất ba cái nữa rồi cất tiếng hừ ! hừ !

Hoàng Bá nói : Thiền-tông ta đến ngươi sẽ đại hưng thịnh trên đời.

*****

Một hôm Hoàng Bá vào trong bếp hỏi : Phạn-đầu (người nấu cơm) làm cái gì ?

Phạn-đầu thưa : Lựa gạo cho Tăng-chúng.

Hoàng Bá nói : Một bữa ăn bao nhiêu ?

- Hai tạ rưỡi.

Hoàng Bá nói : Có phải quá nhiều chăng ?

- Còn sợ thiếu nữa.

Bá liền đánh Phạn-đầu.

Phạn-đầu kể việc này với Sư,

Sư nói : Ðể ta đi khám xét Lão-hán này cho ngươi.

Tới giờ đến hầu, Bá kể lại việc nãy,

Sư nói Phạn-đầu chẳng hội được ý, xin Hòa-thượng cho một chuyển-ngữ.

Hoàng Bá nói : Ngươi cứ kể đi.

Sư nói : Phải quá nhiều chăng ?

Bá nói : Ngày mai sẽ cho ăn một trận.

Sư nói : Nói gì ngày mai, hôm nay ăn liền.

Thế rồi Sư tới gần Hoàng Bá, tát Hoàng Bá một cái,

Bá nói : Thằng điên khùng này lại vuốt râu cọp nữa.

Sư hét lớn một tiếng rồi đi ra.

LỜI BÌNH PHẨM :

Qui Sơn đem việc này hỏi Ngưỡng Sơn : Ý của hai Tôn-túc này là thế nào ?

Ngưỡng Sơn nói : Hòa-thượng cho là thế nào ?

Qui Sơn nói : Có nuôi con mới biết lòng từ bi của người cha.

Ngưỡng Sơn nói : Không phải vậy !.

Qui Sơn nói : Ngươi cho là thế nào ?

Ngưỡng Sơn nói : Giống như tự khuyến khích trộm cắp phá gia tài.

*****

Lúc đương thời, Kỉnh Sơn có 500 Chúng nhưng lại ít người tham hỏi.

Hoàng Bá bảo Sư đến Kỉnh Sơn và hỏi Sư rằng : Ngươi đến chỗ kia sẽ làm sao ?

Sư thưa : Ðến chỗ ấy tự có phương tiện.

Khi Sư đến Kỉnh Sơn, gặp Kỉnh Sơn tại Pháp-đường, Kỉnh Sơn vừa ngước đầu lên Sư liền hét lớn, Kỉnh Sơn định mở miệng nói, Sư phất tay áo đi ra.

Một vị Tăng khác hỏi Kỉnh Sơn : Ông Tăng vừa rồi có lời nói gì mà hét Hòa-thượng.

Kỉnh Sơn đáp : Ông Tăng này từ Thiền-hội Hoàng Bá đến đây, ngươi muốn biết thì tự đi hỏi ông ấy đi.

Sau đó 500 Chúng ở Kỉnh Sơn tan rã hết phân nửa.

*****

Lúc đang Kiết-hạ, Sư lại lên núi Hoàng Bá gặp lúc Bá xem Kinh.

Sư bèn nói : Ta tưởng ông là người, lại vốn là lão Hòa-thượng đếm đậu đen.

Sư ở lại mấy ngày rồi cáo từ.

Bá nói : Ngươi phá Hạ đến nay sao chẳng hết Hạ rồi mới về ?

Sư nói : Con tạm đến lễ bái Hòa-thượng.

Hoàng Bá bèn đánh đuổi đi. Sư đi mấy dặm, nghi việc này rồi trở lại ở cho đến hết Hạ mới cáo từ.

Bá hỏi : Đi đâu ?

Sư đáp : Chẳng phải Hà Nam thì về Hà Bắc.

Bá bèn đánh một cái, Sư nắm gậy lại, cho Hoàng Bá một bạt tai.

Bá cười to, gọi : Thị-giả ! đem Thiền-bản, Kỷ-án của Tiên-sư Bá Trượng ra đây.

Sư gọi : Thị-giả ! đem lửa lại.

Hoàng Bá bảo : Không phải vậy, ngươi cứ đem đi, sau này ngươi sẽ dẹp sạch ngôn ngữ của mọi người trong Thiên-hạ.

*****

Sư đến Long Quang gặp Long Quang đang thượng Đường.

Sư bèn hỏi  : Không hiện ra kiếm bén thì làm sao chiến thắng ?

Long Quang ngồi im lặng.

Sư nói : Ðại Thiện-tri-thức há chẳng có phương-tiện ư ?

Long Quang nhướng mắt lên "Hê" một tiếng.

Sư dùng tay chỉ rằng : Lão-hán này hôm nay thất bại rồi.

 

Sư đến Tam Phong gặp Hòa-thượng Bình, Bình hỏi : Từ đâu đến ?

Sư đáp : Từ Hoàng Bá đến.

Bình lại hỏi : Hoàng Bá có dạy lời gì ?

Sư đáp : Con trâu vàng đêm trước bị thiêu đi, cho đến bây giờ chẳng thấy dấu tích. 

Bình nói : Gió thu thổi sáo ngọc, ai là kẻ tri âm ? 

Sư nói : Thấu thẳng muôn lớp cổng, chẳng dừng trong giữa đêm.

Bình nói : Lời hỏi của ông quá cao tột.

Sư lại nói : Rồng sanh con phụng vàng, đụng bể pha lê xanh.

Bình nói : "Hãy ngồi uống trà", rồi lại hỏi  : "Vừa từ đâu đến ?"

Sư thưa : Từ Long Quang đến.

Bình hỏi : Long Quang gần đây thế nào?

Sư bèn ra đi.

*****

Sư đi Phụng Lâm, giữa đường gặp một bà lão già, bà già hỏi : "Đi đâu vậy ?"

Sư nói : Đi Phụng Lâm.

Bà già nói : Vừa gặp Phụng Lâm, không có ở nhà.

Sư hỏi : Ði đâu vậy ?

Bà lão liền đi.

Sư kêu bà đứng lại, bà lão ngó lại, Sư bèn đi.

Chiều đến Phụng Lâm.

Lâm hỏi : Tôi có việc muốn hỏi thăm được chăng ?

Sư đáp : Sao lại tự xẻ thịt làm thương tích.

Lâm nói : Trăng biển lặng không bóng, cá lội tự làm mê.

Sư đáp : Trăng biển đã không bóng, cá lội đâu thể mê.

Lâm nói : Xem gió biết sóng dậy, chơi thuyền thả buồm trôi.

Sư đáp : Một vầng trăng chiếu non sông lặng, chợt kêu một tiếng đất trời thu.

Lâm nói : Mặt kệ biện tài luận Thiên-hạ, đối-cơ một câu thử nói xem.

Sư nói : Gặp đúng kiếm khách nên trình kiếm, Chẳng phải nhà thơ chớ trình thơ.

Phụng Lâm bèn thôi.

Sư có bài Tụng rằng :

Ðại Đạo tuyệt đồng

Mặc hướng Tây Ðông

Ðá nhoáng vẫn trễ

Ðiện chớp chẳng thông.

LỜI BÌNH PHẨM

Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn : Các bậc Thánh từ xưa lấy gì để độ người ?.

Ngưỡng Sơn nói : Ý của Hòa-thượng thế nào ?

Quy Sơn nói : Hễ có lời nói, chẳng phải nghĩa thật.

Ngưỡng Sơn nói : Không phải.

Quy Sơn nói : Vậy ông cho là thế nào ?

Ngưỡng Sơn nói : Nhỏ như mũi kim không cho lọt qua quan ải, lén lút thì cả xe lớn cũng thông qua.

*****

Sư đến Ðại Từ, Ðại Từ ngồi trong Phương-trượng.

Sư hỏi : Lúc đang ngồi ngay trong Trượng-thất là thế nào ?

Từ nói : Cây tùng ngàn năm một màu tuyết, Lão-già niêm hoa muôn cảnh xuân.

Sư nói : Trí-thể viên mãn siêu kim cổ, núi non phong tỏa vạn trùng quan.

Từ bèn hét !

Sư cũng hét !

Từ nói thế nào ?

Sư liền phất tay áo ra đi.

****

Sư đến Tương Châu Hoa Nghiêm, gặp Hoa Nghiêm đang dựa cây gậy làm thế ngủ.

Sư nói : "Lão Hòa-thượng tại sao buồn ngủ ?"

Hoa Nghiêm đáp : "Tác-gia Thiền-khách, rõ ràng chẳng động".

Sư bèn gọi : Thị-giả châm trà mời lão Hòa-thượng uống.

Hoa Nghiêm gọi : Duy-na sắp chỗ ngồi thứ ba cho Thượng-tọa này ngồi.

*****

Sư đến Thúy Phong, Thúy Phong hỏi : Từ đâu đến đây ?

- Từ Hoàng Bá đến. Sư đáp.

- Hoàng Bá có lời dạy gì ? Thúy Phong hỏi tiếp.

Sư nói : Hoàng Bá chẳng có lời nói gì.

- Tại sao không ? Thúy Phong hỏi.

Sư nói : "Giả sử có cũng không có chỗ để kể".

Phong nói : Cứ kể xem đi !

- Bắn một mũi tên đã qua khỏi Tây-thiên. Sư đáp.

*****

Sư đến Tượng Ðiền, hỏi : Bất phàm, bất Thánh xin Sư nói mau.

Ðiền đáp : Lão-tăng chỉ như thế này.

Sư bèn hét rằng : Bao nhiêu đầu trọc cứ ở đây tìm việc gì vậy ?

*****

Sư đến Minh Hóa, Hóa hỏi : Ðến đến, đi đi làm cái gì ?

Sư đáp : Chỉ mong dẫm mòn dép cỏ.

Hóa lại nói : Thật ra muốn gì đây ?

Sư nói : Lão-hán này, thoại-đầu cũng không biết.

*****

Sư đến Tháp Sơ-tổ Ðạt-ma, Tháp-chủ nói : Lễ Phật trước hay lễ Tổ trước ?

Sư đáp : Tổ và Phật đều chẳng lễ.

Tháp-chủ nói : Không biết Phật với Tổ có oán thù gì với Trưởng-lão ?

Sư bèn phất tay áo đi ra.

*****

Một hôm Sư đến Kim Ngưu. Ngưu thấy Sư đến bèn cầm cây gậy ngồi ngang trước cổng. Sư dùng tay gõ cây gậy ba cái rồi đến Pháp-đường ngồi đệ-nhất-tọa. Ngưu thấy bèn hỏi : "Chủ khách gặp nhau mỗi mỗi đều tỏ oai nghi, Thượng-tọa từ đâu đến mà quá vô lễ vậy ?"

Sư đáp : Lão Hòa-thượng nói cái gì ?

Ngưu định mở miệng, Sư bèn đánh một tọa cụ, Ngưu làm thế té xuống, Sư lại đánh thêm một tọa cụ nữa.

Ngưu nói : Hôm nay xui quá.

Rồi về Phương-trượng.

LỜI BÌNH PHẨM :

Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn : Hai vị Tôn-túc này có thắng bại hay không ?

Ngưỡng Sơn nói : Thắng thì cùng thắng mà bại thì cùng bại.

*****

Một ngày kia, Hoàng Bá bảo Sư mang thư đến Qui Sơn. Khi ấy Ngưỡng Sơn làm Tri-khách, nhận được thư do Sư trao, liền hỏi : "Cái này là của Hoàng Bá, còn cái nào của Sứ-giả đây ?"

Sư bèn bạt tai. Ngưỡng Sơn nắm tay lại nói : Lão-huynh biết việc này thì thôi.

Rồi hai người cùng nhau đi gặp Qui Sơn.

Qui Sơn hỏi : Hoàng Bá sư huynh có bao nhiêu Chúng ?

Sư đáp : Bảy trăm Chúng.

Qui Sơn hỏi : Người nào làm Quản-chúng ?.

Sư nói : Hồi nẫy đã đưa thư rồi.

Sư hỏi lại Qui Sơn : Hòa-thượng ở đây được bao nhiêu Chúng ?

Qui Sơn nói : Một ngàn năm trăm Chúng.

Sư nói : "Nhiều quá ha !"

- Sư-huynh Hoàng Bá cũng không ít. Qui Sơn đáp.

Sư từ giã Qui Sơn, Ngưỡng Sơn đưa ra cửa nói : Ngươi về sau đi hướng Bắc có chỗ ở.

Sư nói : Há có việc này ư ?

Ngưỡng Sơn nói : "Hãy đi đi, về sau có một người phụ tá cho lão-huynh, người này có đầu không có đuôi, có thủy mà không có chung". (Sau này, Sư đến Trấn Châu, Phổ Hóa đã ở đó trước Sư, Sư khai Đường kiến lập Tông-phong, Phổ Hóa phụ tá cho Sư, Sư trụ không bao lâu thì Phổ Hóa mất trước).

Khi Sư đến trụ trì chùa Lâm Tế, kẻ học Thiền đến rất đông. Một hôm, Sư nói với hai Thượng-tọa Phổ Hóa và Khắc Phù rằng : "Ta muốn ở đây kiến lập Tông-chỉ Hoàng Bá, hai ông hãy giúp ta". Hai vị lui ra.

Ba ngày sau, Phổ Hóa đến hỏi : Ba ngày trước Hòa-thượng nói gì ?

Sư bèn đánh.

Ba ngày sau nữa, Khắc Phù lại đến hỏi : Ba ngày trước Hòa-thượng đánh Phổ Hóa là sao ?

Sư cũng đánh, đến chiều tiểu-tham, Sư dạy Chúng :

- Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh; Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân; Có khi nhân cảnh đều đoạt; Có khi nhân cảnh đều không đoạt.

Khắc Phù hỏi : Thế nào là đoạt nhân không đoạt cảnh ?

Sư đáp : Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, Hài nhi tóc dài trắng như tơ.

Khắc Phù lại hỏi : Thế nào là đoạt cảnh không đoạt nhân ?

Sư đáp : Lệnh Vua đã ban khắp thiên hạ, Tướng-quân biên thùy chẳng thấy nghe.

Khắc Phù lại hỏi : Thế nào là nhân cảnh đều đoạt ?

Sư đáp : Hai Tỉnh ở biên giới bặt tin tức, Một mình ở một nơi.

Khắc Phù nói : Thế nào là nhân cảnh đều không đoạt ?

Sư đáp : Vua lên ngôi bảo điện, Lão ẩn dật ca ngợi.

Khắc Phù nghe xong, liền khai ngộ.

*****

Sư từng thị Chúng rằng : "Người học từ bốn phương đến. Sơn tăng ở đây phân làm ba thứ Căn-cơ để tiếp độ. Như người trung hạ căn đến thì ta đoạt cảnh họ mà chẳng trừ pháp họ; như người trung thượng căn đến thì ta cảnh pháp đều đoạt; như người thượng thượng căn đến thì ta cảnh, pháp, nhơn đều chẳng đoạt; như có kẻ kiến giải xuất cách (siêu việt ba thứ căn cơ) đến thì Sơn-tăng ở đây bèn toàn thể tác dụng, chẳng tùy căn cơ".  

LỜI BÌNH PHẨM : Ðại Huệ Tông Cảo Thiền-sư giải đáp "Tăng hỏi về Tứ-liệu-giản của ngài Lâm Tế".

Tăng hỏi : Lâm Tế thị Chúng rằng : "Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt".

Vậy thưa Hòa-thượng, thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh ?

Ðại Huệ đáp : Ngoài ba ngàn dặm tuyệt lầm lẫn.

Tăng hỏi tiếp : Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân ?

Ðại Huệ đáp : Nhổ đinh trong mắt.

Tăng lại hỏi : Ngài Lâm Tế nói : "Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, Hài nhi tóc dài trắng như tơ". Chẳng biết so với lời đáp của Hòa-thượng là đồng hay là khác ?

Ðại Huệ đáp : Ăn phẩn của người ta chẳng phải là con chó tốt.

Vị Tăng lại hỏi tiếp : "Khi lệnh Vua đã ban khắp thiên hạ, tướng quân biên thùy chẳng thấy nghe" là thế nào ?

Ðại Huệ đáp : Vừa rồi vẫn còn được, bây giờ lại bậy bạ. Việc này quyết định chẳng ở nơi ngôn ngữ.

Thế cho nên các bậc Thánh xưa tiếp tục ra đời, mỗi mỗi đều dùng phương tiện khéo léo nói đi nói lại cốt để người đời đừng bị kẹt nơi ngôn từ. Nếu ở nơi lời nói thì Ðại Tạng Giáo-điển năm ngàn bốn trăm tám mươi quyển thuyết Quyền, thuyết Thực, thuyết Hữu, thuyết Vô, thuyết Đốn, thuyết Tiệm, đâu phải không có lời nói. Tại sao Tổ Ðạt-ma phải đến Ðông-độ nói là trao truyền Tâm-ấn, bất lập văn tự, trực chỉ Nhân-tâm, kiến Tánh thành Phật. Vì sao chẳng nói truyền Huyền, truyền Diệu, truyền Ngôn, truyền Ngữ chỉ cần người đương-cơ, mỗi mỗi ngay đó ngộ tự Bản-tâm, thấy tự Bản-tánh nên bất đắc dĩ nói Tâm nói Tánh đã là quá dài dòng rồi.

Nếu thật muốn nhổ sạch gốc rễ của sanh tử, điều cần thiết nhất là chớ nên ghi nhớ lời nói của ta, dẫu cho niệm được một Ðại Tạng Giáo-điển như bình xả nước, cũng chỉ gọi là chở phẩn vào, không gọi là chở phẩn ra, lại bị những lời nói này chướng ngại làm cho Chánh-tri-kiến của mình chẳng thể hiện tiền, thần thông sẵn sàng của mình chẳng thể phát hiện, chỉ cứ chói lòa sáng bóng trước mắt cho là hiểu thiền, hiểu đạo, hiểu tâm, hiểu tánh, hiểu kỳ lạ, hiểu huyền diệu, giống như quăng gậy đánh mặt trăng, chỉ phí sức tinh thần, Như-lai nói là kẻ đáng thương xót vậy.

Người xưa phàm có một lời nửa câu làm phương tiện khéo léo để các học nhân nuốt vô cũng không được mà nhả ra cũng không xong, như nuốt phải viên kẹo có gai. Nếu là kẻ anh linh độc thoát, kẻ ra ngoài tình thức siêu việt lý tánh thì những gai góc này cũng chỉ là những đồ chơi, những thứ cơm trà lễ cúng Quỷ-thần. Chỉ vì ông chẳng thể niệm niệm duyên khởi vô sanh, cứ chỉ hướng vào tâm ý thức mà đoán mò, hễ thấy Tông-sư mở miệng liền hướng vào trong miệng của Tông-sư để tìm huyền, tìm diệu, lại bị Tông-sư đảo ngược một cái thì bổn mạng của mình vẫn chẳng biết lọt vào chỗ nào, dưới gót chân vẫn đen tối, mịt mù như thùng sơn đen; Cũng như vừa rồi Thượng-tọa hỏi về "Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh" v.v.. Chỉ biết đọc theo sách. Tôi đáp đúng như pháp mà họ cũng không hiểu được, cứ hỏi xong một đoạn lại hỏi một đoạn nữa, giống như người nhà quê truyền khẩu lệnh với nhau.

Nay ta chẳng tiếc khẩu nghiệp vì các ngươi mà dây dưa chú-giải một phen.

Một hôm Lâm Tế thị Chúng rằng : "Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt". Có lãnh hội chăng ? Ngài (Lâm Tế) im lặng giây lâu nhìn qua nhìn lại rồi xuống tòa. Sự kiện này tức là Bảo Kiếm Kim-cang-vương.

Lời nói của ta hôm qua là đem con rắn độc, con rít, con ngô công, đủ thứ độc đựng trong một cái lu, ông thử đem tay thọc vào mà lấy ra một con không độc xem, nếu được như vậy là có ít phần tương ưng ; nếu không được, là tại Căn-tánh của ông chậm lụt, xưa nay chưa có tu, trách ta chẳng thể được.

Lúc bấy giờ Lâm Tế nói những lời ngắn dài, này nọ, trăm điều vạn mục. Còn đây, chỉ vì ngươi không hiểu, xem không ra, nếu ngươi lãnh hội ý này thì những lời nói của chư Tổ như "Từ khi nước Hồ làm loạn. Ba mươi năm chưa từng thiếu muối tương" (1) hay "Tụng Kinh trên lầu chuông, trồng rau ở dưới chân giường".v.v... Thì khỏi cần hỏi đều mỗi mỗi tự biết. Người xưa đưa ra một phương tiện đâu phải là mở miệng bậy đâu, cần phải biết ở trong đất bùn có gai góc.

Lúc bấy giờ có đạo-giả Khắc Phù lãnh hội được ý Lâm Tế bèn ra hỏi :

"Thế nào là đoạt nhân bất đoạt cảnh ?".

Sư Lâm Tế đáp : "Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, hài nhi tóc dài trắng như tơ".

Các ngươi lãnh hội chăng ?

"Mặt trời phát sinh lụa trải khắp" là cảnh

"Hài nhi tóc dài trắng như tơ" là nhân

Hai câu này, một câu là tồn cảnh, một câu là đoạt nhân. Khắc Phù lại có bài Tụng rằng :

" Ðoạt nhân chẳng đoạt cảnh,Duyên tự dính lầm lẫn".

Ðại Huệ nói : "Có gì lầm lẫn mà muốn cầu huyền chỉ, suy lường để phản trách sao ?"

Nên tin người xưa, rủ lòng từ bi thì phải có pháp, mà chẳng có pháp nào không rủ lòng từ bi. Nếu kẻ Đạo-nhãn chưa mở, Đại-pháp chưa rõ thì đâu thể tránh khỏi hướng vào miệng của người khác tìm thiền, tìm đạo, tìm huyền, tìm diệu, tìm được rồi lại e sợ người ta biết đến, khi thuyết ra lại sợ thuyết hết rồi sau này lại không có pháp để thuyết. Phải biết cái này là cái pháp vô hạn lượng mà ông muốn dùng cái tâm có hạn lượng để truy cứu là sai lầm lớn, cũng như Thế-tôn trên hội Linh Sơn trước mặt cả triệu Chúng nói 'Chánh pháp nhãn tạng' (niêm hoa thị Chúng) mà chỉ có một mình Ca-diếp mỉm cười đón nhận. Vậy Thế-tôn đâu có sợ người ta biết, đâu phải ở trong phòng kín bí mật truyền thọ Tâm-ấn đâu.

Thiền của ta ở đây chỉ cho các ngươi nghe, không cho các ngươi hiểu, như những lời giải thích "Tứ-liệu-giản kể trên, các ngươi cũng nghe rồi, cũng hiểu rồi, nhưng ý của Lâm Tế quả nhiên là như thế chăng ? Nếu như tông-chỉ Lâm Tế quả là như thế thì há có thể truyền tới ngày nay chăng ? Nếu các ngươi nghe ta nói ra mà cho rằng chỉ là như thế, thì nay ta nói thật cho các ngươi biết, đây là ác khẩu hạng nhất, hễ còn ghi nhớ một chữ là còn nguồn gốc sanh tử. Các ngươi ở các nơi học được những huyền lại thêm huyền, diệu lại thêm diệu là phẩn thiền gì ?. Xưa nay cứ trong bụng cho là có việc thật.

Chớ sai lầm các Thượng-tọa ơi !  

Các ngươi nếu thật muốn tham-thiền thì nên đem những gì học được ở các nơi mà quăng hết ra ngoài thế giới khác, chỉ còn lại trăm điều chẳng biết, trăm điều chẳng hiểu, trống rỗng tâm, rồi mới đến đây cùng ta lý hội. (Hết phần bình phẩm của Ngài Ðại Huệ).

Cước Chú :

(1) Công-án "Ba mươi năm chẳng thiếu muối tương" :

Mã Tổ ngộ rồi, từ giã thầy là Tổ Hoài Nhượng về Giang Tây hoằng Pháp.

Năm sau, Hoài Nhượng sai Tăng đi khám xét thử, dặn Tăng ấy đợi khi Mã Tổ thượng Đường thì ra hỏi : "Làm cái gì ?".

Tăng vâng theo lời, khi đến hỏi thì Mã Tổ đáp rằng : "Từ khi nước Hồ làm loạn, ba mươi năm chẳng thiếu muối tương".

Tăng về trình lại. Hoài Nhượng rất khen ngợi.
 

=> Phần 2

 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn