13:38 ICT Thứ ba, 05/11/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bác sơn

Hòa-thượng Bác Sơn (1575-1630), họ Sa, tên Đại Hy, tự là Vô Dị, người đời thường gọi là Ngài là Thiền-sư Vô Dị. Sư năm 16 tuổi phát chí xuất gia, đến chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng nghe giảng kinh Pháp Hoa, cảm khái than : “Cầu điều đó ngay nơi mình, há có thể đuổi theo câu văn mà được ư ?” Sư bèn bỏ đi...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Đại Huệ ngữ lục

Đại Huệ ngữ lục - thư giải đáp phần I

Thứ sáu - 29/03/2013 09:13 Xem: 1958
1. THƯ ĐÁP LÝ HIẾN THẦN I, 2. THƯ ĐÁP II, 3. THƯ ĐÁP III, 4. THƯ ĐÁP IV, 5. THƯ ĐÁP V, 6. THƯ ĐÁP VI, 7. THƯ ĐÁP HUỲNH BÁ THÀNH, 8. THƯ ĐÁP LA MẠNH BÁCH, 9. THƯ ĐÁP TỪ ĐÔN LẬP, 10. THƯ ĐÁP ĐẶNG TỬ LẬP, 11. THƯ ĐÁP LỮ THUẤN NGUYÊN, 12. NGỤY CÔNG THỈNH THĂNG TÒA, 13. THƯ ĐÁP TĂNG THIÊN DU, 14. THƯ ĐÁP I.


THƯ ĐÁP LÝ HIẾN THẦN I

-  Phật nói :

Nếu người muốn biết cảnh giới Phật.

Ý-căn thanh tịnh như hư không.

Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ.

Khiến Tâm khắp nơi đều vô ngại.

Cảnh giới Phật chẳng phải cảnh giới có tướng Phật bên ngoài. Ấy là cảnh giới của Thánh-trí-tự-giác vậy. Nếu muốn biết cảnh giới này, chẳng nhờ trang nghiêm tu chứng mà được, phải ở nơi ý căn tẩy sạch các thứ ô nhiễm phiền não từ vô thuỷ đến nay khiến cho trống rỗng như hư không, xa lìa những chấp thủ trong ý thức và những vọng tưởng hư ngụy chẳng thật. Ý-căn nếu như hư không thì Diệu-tâm vô công dụng này tự nhiên khắp nơi chẳng chướng ngại.  

II

Đã học Đạo này, trong mười hai thời, nơi tuỳ duyên tiếp vật không cho ác niệm tương tục, hoặc khi sơ sót khởi một niệm ác phải gấp kéo đầu trở lại. Nếu để mặc nó tương tục không dứt, chẳng những chướng Đạo, cũng gọi là người không Trí-huệ.

Khi xưa Quy Sơn hỏi Đại An :

-  Ngươi trong mười hai thời việc làm thế nào ?.

An nói :

-  Chăn trâu.

Sơn nói :

-  Ngươi chăn như thế nào ?.

An nói :

-  Một phen vào lúa mạ, liền kéo mũi trở về.

Sơn nói :

-  Ngươi là người chăn trâu chân thật.

Người học Đạo kiềm chế ác niệm nên như Đại An chăn trâu thì lâu ngày tự thuần thục vậy.

III

"Cung người ta chớ cầm, ngựa người ta chớ cưỡi, việc người ta chớ biết". Lời này dù tầm thường cũng có thể làm trợ duyên để đi vào Đạo. Hàng ngày thường nên tự kiểm điểm từ sáng tới tối đã làm việc gì tự lợi, lợi người ?. Nếu cảm thấy hơi thiêng một bên thì phải tự cảnh-sách, chẳng nên khinh thường. Xưa kia Thiền-sư Đạo Lâm kết Am trên cây tùng nơi núi Tần Vọng, người thời ấy gọi Ngài là Hòa-thượng "Ổ chim". Khi Bạch Cư Dị làm quan Thị-lang ở Tiền Đường có vào núi thăm Sư. Ông thưa :

-  Chỗ ở của Sư rất nguy hiểm.

Sư Nói :

-  Lão-tăng có gì nguy hiểm ? Thị-lang càng nguy hiểm hơn !

-  Đệ-tử trấn thủ giang sơn có gì nguy hiểm ?

-  Củi lửa lẫn lộn, Tánh-thức chẳng ngừng, há chẳng phải nguy hiểm ư ! ?

Dị lại hỏi :

-  Thế nào là đại ý Phật-pháp ?

Sư nói :

-  Việc ác chớ làm, việc thiện phụng hành.

-  Con nít ba tuổi cũng biết nói như thế.

-  Con nít ba tuổi dù nói được, ông già tám mươi hành chẳng được.

Dị liền lễ bái cáo từ.

Nay muốn ít phí Tâm-lực chớ màng đến con nít nói được hay nói chẳng được, ông già tám mươi hành được hay hành chẳng được, hễ việc ác chớ làm thì xong. Lời này tin hay không tin xin nghĩ kỹ !

*  

Vô-minh của người đời tuy đang hiện hành, nếu làm thiện thì phước dù chưa đến cũng hơn người không liêm-sĩ mang danh thiện mà làm ác. Trong Kinh nói : "Nhân địa chẳng chơn thì chiêu quả quanh co". Hể trực tâm trực hành, thẳng đến Vô-thượng Bồ-đề mới gọi là việc làm của Đại-trượng-phu chân thật. Việc từ trần sa kiếp chỉ ở hiện nay, nếu hiện nay hội được thì việc trần sa kiếp tức thời tan rã. Nếu hiện nay chẳng hội thì lại trải qua trần sa kiếp nữa, cũng chỉ như thế thôi. Cái pháp như thế xưa nay thường vậy, chưa từng có một chút dời đổi.

Việc trần lao trong thế gian như mắt xích nối nhau không dứt. Hễ giảm bớt được thì cứ bớt, vì tập-khí từ vô-thuỷ đã quá quen thuộc, nếu không ra sức chống lại thì lâu ngày bất tri bất giác lún đầu xuống sâu, đến khi lâm chung ắt tay chân rối loạn. Nếu muốn khi lâm chung không rối loạn thì phải từ cuộc sống hàng ngày hiện nay làm việc gì cũng phải không rối loạn mới được.

Có một hạng người sáng thì xem Kinh niệm Phật sám-hối tối thì tạo khẩu nghiệp chửi mắng người, hôm sau lễ Phật sám-hối như cũ. Từ đầu năm đến cuối năm, mỗi ngày làm thời khóa như thế, ấy thực là quá ngu si. Không biết chữ Sám là tiếng Phạn, chữ hối là tiếng Hán, nghĩa là phải đoạn dứt cái tâm tương tục. Hễ sám-hối thì dứt hẳn, chẳng còn tạo tội nữa. Theo ý Phật nên sám-hối như thế, người học Đạo phải biết đúng như vậy.

*  

Người học Đạo trong mười hai thời, tâm ý thức thường nên yên tịnh. Lúc bình thường cũng nên yên tịnh, khiến thân tâm chẳng buông lung. Tập lâu thành quen thuộc, tự nhiên thân tâm hướng về Đạo.

Nhưng yên tịnh Ba-La-Mật chỉ để trị bịnh vọng giác tán loạn của chúng sanh mà thôi. Nếu chấp ở nơi yên tịnh cho là cứu cánh thì sẽ bị lọt vào tà thiền Mặc-chiếu.

*  

Bát-nhã (tiếng Phạn) dịch là Trí-huệ. Chưa có người đã thấu rõ Bát-nhã lại còn tham - sân - si - ái, cũng chưa có người đã thấu rõ Bát-nhã mà lại còn độc hại chúng sanh, vì làm những việc này là trái nghịch Bát-nhã, đâu thể gọi là Trí-huệ.

*

Hằng ngày đem việc sanh tử thường để trong niệm thì Tâm-trí đã Chánh. Tâm-trí đã Chánh thì khi ứng dụng hàng ngày tùy duyên làm việc, chẳng phí sức buông bỏ tà ác. Chẳng tà ác thì Chánh-niệm độc thoát, Chánh-niệm độc thoát thì lý tùy sự biến, lý tùy sự biến thì sự đắc lý dung, sự đắc lý dung thì ít phí sức lực. Khi vừa cảm thấy ít phí sức lực tức là chỗ đắc được trong việc học Đạo này. Chỗ đắc được ít phí sức vô cùng. Chỗ ít phí sức là chỗ đắc lực vô cùng.

*

Việc này cho người thông minh lanh lợi gánh vác, nhưng nếu ỷ thông minh lanh lợi thì chẳng có phần để gánh vác. Kẻ thông minh lanh lợi dù dễ nhập Đạo mà khó nơi bảo-nhiệm, vì chỗ nhập cạn mà sức yếu. Vì người thông minh lanh lợi vừa nghe Thiện-tri-thức nói ra liền đem tâm ý thức lãnh hội ngay vậy. Nếu cứ lãnh hội như thế là tự làm chướng ngại, suốt kiếp không khi nào được ngộ, vì ma quỷ bên ngoài gây họa còn có thể trị, còn chính Tự-tâm mình chướng ngại thì vô phương trị.

Chứng Đạo Ca rằng :

"Tổn pháp tài, diệt công đức, tất cả đều do Tâm - Ý - Thức" là nghĩa nầy vậy. 

IV

Học-giả rộng xem nhiều sách vốn để nuôi dưỡng và lợi ích cho Tánh-thức. Nay ngược lại, chỉ nghi nhớ lời người xưa chứa trong bụng cho là sự nghiệp, dùng để đàm luận, mà chẳng biết ý thuyết Giáo của bậc Thánh. Cũng như suốt ngày đếm tiền của người khác, tự mình lại chẳng có được nửa xu. Xem đọc Kinh-giáo của Phật cũng vậy, nên nhìn thấy Mặt-trăng mà quên ngón tay, chớ nên y văn giải nghĩa.

 Cổ đức nói :

Phật thuyết tất cả Pháp.

Vì độ tất cả tâm.

Ta chẳng tất cả tâm.

Đâu cần tất cả Pháp.

Kẻ có chí khí xem Kinh đọc sách nên theo cách như thế mới thể hội được ít phần của bậc Thánh.    

V

Phật nói :

- Chẳng nên ở nơi một pháp, một việc, một thân, một Quốc-độ, một chúng sanh mà thấy Như-lai. Nên cùng khắp tất cả nơi mà thấy Như-lai.

Phật nghĩa là Giác, ở nơi tất cả chỗ thường giác. Nói thấy khắp nghĩa là thấy bổn nguyên Tự-tánh thiên chân Phật của chính mình, không có một lúc nào, một chỗ nào, một pháp nào, một sự nào, một việc nào, một thân nào, một cõi nước nào, một chúng sanh giới nào mà không khắp. Chúng sanh mê cái này mà luân chuyển trong ba cõi (dục, sắc và vô sắc giới), chịu các thứ khổ. Chư Phật ngộ cái này mà vượt khỏi ba cõi, thọ sự vui thù thắng nhiệm mầu. Nhưng khổ vui đều không có thực thể, chỉ vì có mê ngộ sai biệt mà có các đường khổ vui khác nhau đó thôi. Cho nên ngài Đỗ Thuận (Sơ-tổ tông Hoa Nghiêm) nói :

- Pháp-thân lưu chuyển trong năm đường (Trời, người, súc sanh, Ngạ-quỉ, Địa-ngục) gọi là Chúng-sanh. Lúc chúng sanh hiện thì Pháp-thân chẳng hiện vậy.  

VI

Thiện ác đều từ Tự-tâm sanh khởi. Thử nói xem : Lìa đi đứng ngồi nằm, suy nghĩ phân biệt ra, lấy cái gì làm Tự-tâm ? Tự-tâm từ đâu mà khởi ? Nếu biết được chỗ khởi của Tự-tâm thì vô biên nghiệp chướng nhất thời tan rã, các thứ thù thắng không cầu mà tự đến vậy.

Thêm nữa, biết được chỗ đi chỗ đến mới gọi là người học Phật. Biết kẻ sanh tử là ai ? Biết thọ sanh tử là ai ? Kẻ chẳng biết chỗ đi chỗ đến là ai ? Kẻ bỗng biết được chỗ đi chỗ đến lại là ai ? Khán-thoại-đầu này con mắt ngơ ngơ hiểu không được, trong bụng trồi lên hụp xuống, trong tâm giống như một đống lửa, lại là ai ? Nếu muốn biết, chỉ cần hướng vào chỗ hiểu không được mà nhận lấy. Nếu nhận được rồi mới biết sanh tử vốn chẳng dính dáng gì cả.

Lại nói, phàm xem Kinh-giáo và nhân duyên nhập Đạo của Cổ-đức tâm chưa sáng tỏ, cảm thấy mê muội, không mùi vị, giống như đang cắn cục sắt, ngay đó chính là lúc nên dụng công phu, không được buông bỏ, ấy là chỗ ý thức ngưng vận hành suy nghĩ chẳng thể đến, tuyệt phân biệt, bặt lý lẽ. Bình thường nếu có thể nói được Đạo-lý, phân biệt được chỗ hành, đều là việc bên tình thức. Nhiều người thường hay nhận giặc làm con, cần phải biết việc này vậy.  

 

THƯ ĐÁP HUỲNH BÁ THÀNH.

Cổ-đức nói :

Tìm trâu theo dấu tích.

Học Đạo phải vô tâm.

Dấu còn thì trâu còn.

Vô tâm Đạo dễ tìm.

Nói Vô-tâm chẳng phải như gỗ đá vô tri, ấy chỉ là gặp duyên thấy cảnh, tâm đều chẳng lay động. Đối với các pháp chẳng chấp thật, tất cả nơi trong sạch vô chướng ngại, chẳng chỗ ô nhiễm cũng không trụ nơi chẳng ô nhiễm. Quán xét thân tâm như mộng như huyễn cũng không trụ nơi cảnh hư vô mộng huyễn. Đến được cảnh giới này mới gọi là Chân-vô-tâm, chẳng phải cái Vô-tâm của miệng nói. Nếu chưa được Chân-vô-tâm, chỉ căn cứ theo lời nói thì so với tà thiền Mặc-chiếu đâu có khác gì ?!

Hễ được gốc, chớ lo ngọn. Tẩy sạch được tâm này là gốc, đã được gốc thì mọi mọi ngôn ngữ, mỗi mỗi trí tuệ hàng ngày tùy duyên tiếp vật. Thất điên bát đảo, hoặc giận hoặc vui, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thuận hoặc nghịch, đều là ngọn vậy. Nếu ở nơi tùy duyên được tự giữ Bản-giác thì chẳng thiếu chẳng dư.

Người học Đạo ứng dụng hàng ngày, cảnh không thì dễ mà tâm không thì khó. Nếu cảnh không mà tâm chẳng không thì tâm bị cảnh lôi kéo. Nếu tâm không thì cảnh tự không. Nếu tâm đã không mà còn muốn khởi niệm thứ hai để không cái cảnh, ấy là tâm này chưa không, lại bị cảnh đoạt. Nếu bệnh này chẳng trừ thì sanh tử không lý nào thoát ly được.

Như Bàng Uẩn trình kệ Mã Tổ rằng :

Mười phương đồng tụ hội.

Mỗi mỗi học vô-vi.

Đây là nơi tuyển Phật.

Tâm-không thi đậu về.

Tâm này đã không rồi thì ngoài tâm đâu còn vật gì để cần không nữa ?! Suy nghĩ kỹ đi.  

 

THƯ ĐÁP LA MẠNH BÁCH

Sự chướng Đạo của tâm-ý-thức còn quá hơn rắn độc, cọp dữ. Tại sao vậy ? Vì rắn độc, cọp dữ còn có thể trốn tránh, còn những người thông minh lanh lợi lấy tâm-ý-thức làm hang ổ, đi đứng nằm ngồi chưa từng có khoảnh khắc xa lìa nó, lâu ngày bất tri bất giác cùng nó kết thành một khối, cũng chẳng phải muốn thành một khối vì từ vô-thuỷ đến nay đã đi con đường này quá quen thuộc, dù bỗng khám phá được cái hại của nó nhưng muốn xa lìa cũng chẳng thễ được.

Cho nên nói : "Đối với rắn độc, cọp dữ còn có thể trốn tránh nhưng với tâm-ý-thức thực chẳng có chỗ để trốn tránh".  

 

THƯ ĐÁP TỪ ĐÔN LẬP

Bậc Sĩ-phu trí thức phần nhiều dùng cái tâm có sở đắc để cầu cái pháp vô sở đắc. Thế nào là tâm có sở đắc ? Đó là tâm thông minh lanh lợi, suy nghĩ tính toán. Thế nào là pháp vô sở đắc ? Đó là cái chỗ suy nghĩ chẳng đến, tính toán chẳng được, thông minh lanh lợi không có chỗ dùng.

Thấy chăng ? Phật Thích-ca trên hội Pháp Hoa, Xá-lợi-phất ba phen ân cần thưa hỏi mà khi đó Phật Thích-ca không có gì để mở miệng, rốt cuộc Ngài tận lực cũng chỉ có thể nói : "Pháp này chẳng phải suy nghĩ phân biệt có thể hiểu được". Đây là cây dùi để mở cửa phương-tiện, hiển thị chân thật tướng, là việc cùng tột của Phật Thích-ca. Xưa kia Thiền-sư Tuyết Phong cũng vì thiết tha về việc này mà ba phen đến Đầu Tử, chín lần đến Động Sơn. Vì nhân duyên không khế hợp, sau đến Thiền-hội Đức Sơn.

Một hôm Phong hỏi Đức Sơn rằng :

-  Tông-phong từ xưa nay dùng Pháp nào khai-thị người ?

Đức Sơn nói :

-  Tông ta không có ngữ cú, cũng chẳng có một pháp để khai-thị người.

Phong hỏi :

-  Việc trong Thiền-tông từ xưa nay, người học như con còn có phần hay không ?

Đức Sơn cầm gậy đánh xuống rằng :

-  Nói cái gì ?

Tuyết Phong ngay dưới gậy liền vỡ tung được thùng sơn đen (ngộ). Theo đó mà xem thì biết trong cửa này, thông minh lanh lợi, phân biệt tính toán một chút cũng dùng không được.

 Cổ-đức có nói : "Bát-nhã như đống lửa lớn, gần nó ắt bị đốt cháy mặt mày, tính toán suy tư ắt rơi vào ý-thức".

Chứng-đạo-ca nói :

Tổn pháp tài diệt công đức.

Tất cả đều do tâm-ý-thức.

Cho nên biết tâm-ý-thức chẳng những chướng Đạo, mà còn khiến người điên đảo làm điều thiện nữa. Nếu đã có tâm muốn thấu đáo Đạo này, cần phải có chí quyết định chẳng đến được chỗ đại thôi nghỉ, đại giải thoát thề suốt đời không lui sụt.

Thực ra Phật-pháp chẳng có nhiều, tu lâu khó đắc là vì việc trong trần lao của người đời như mắt xích nối nhau không dứt, kẻ ý chí hạ liệt thường cam chiụ làm bạn với chúng, chẳng hay chẳng biết bị chúng lôi kéo đi tuốt, ngoại trừ những người thực có huệ căn, có nguyện lực mới chịu dứt hẳn trần lao.

Chứng-đạo-ca nói : "Thực tánh của vô-minh tức là Phật-tánh, thân huyễn hoá này tức là Pháp-thân. Nếu Giác được Pháp-thân thì chẳng có một vật, bổn nguyên là Tự-tánh thiên chân Phật". Nếu suy nghĩ như thế, thình lình nhập vào chỗ suy nghĩ chẳng thể đến, thấy được cái "Vô nhất vật" của Pháp-thân, tức là chỗ ra khỏi sanh tử của hành giả. Đoạn trước nói : "Pháp vô-sở-đắc chẳng thể dùng tâm có sở đắc để cầu" là nghĩa này vậy.

Bậc Sĩ-phu trí thức trong cuộc sống, suốt đời suy lường tính toán, vừa nghe Thiện-tri-thức thuyết Pháp vô-sở-đắc trong tâm liền nghi hoặc, e sợ lọt vào Không. Diệu Hỷ (Đại Huệ) mỗi khi gặp thấy thì hỏi họ rằng : "Kẻ e sợ lọt vào Không này liệu có thể không như nó được chăng ?". Người đời thường trăm phần trăm mịt mù không rõ vì hàng ngày cứ đem suy nghĩ tình toán làm nhà cửa, chợt nghe nói không có chỗ để suy nghĩ thì cảm thấy hoang mang mịt mù, chẳng có chỗ dựa. Không biết ngay nơi chẳng có chỗ dựa đó tức là chỗ an thân lập mạng của chính mình. Đạo-hữu Đôn Lập trước kia gặp gỡ ở Di Môn; khi ấy tuổi trẻ khoẻ mạnh, đã biết có đại sự nhân duyên này (từ Nghi đến Ngộ) nhưng vì rộng học nhiều sách, nơi Kinh-sử đã nhập quá mức vào quá thâm sâu, thông minh quá lố, lý lẽ quá nhiều, định lực thì quá ít, bị việc làm hàng ngày lôi kéo, nên đối với việcdưới gót chân (tham thiền) chẳng thể đạt đến miên mật. Nếu Chánh-niệm hiện tiền mãi mãi, cái tâm thống thiết việc sanh tử không biến đổi, thì trải qua ngày tháng lâu dài ắt chỗ lạ tự quen, chỗ quen tự thành lạ vậy.

Lại chỗ nào là chỗ quen ? Ấy là thông minh lanh lợi, suy nghĩ tính toán. Chỗ nào là chỗ lạ ? Ấy là Bồ-đề Niết-bàn Chân-như Phật-tánh, chỗ suy tư cắt tuyệt, chỗ suy nghĩ đo lường chẳng thể đến, chỗ không thể dùng tâm sắp đặt.

Hễ khi thời tiết đến, hoặc ở nơi nhân duyên nhận đạo của Cổ-đức, hoặc khi đang xem Kinh, hoặc đang làm việc hàng ngày đối với những thiện những bất thiện, những thân tâm tán loạn, những cảnh giới thuận nghịch hiện tiền v.v...đang khi ấy nếu được tạm ngưng nghỉ, bỗng nhiên "Đập bể ống khóa" (kiến Tánh) cũng chẳng phải việc khó.  

 

THƯ ĐÁP ĐẶNG TỬ LẬP

Gần đây các Tòng-lâm thường đem lời vấn đáp kỳ lạ của người xưa làm nhân duyên sai biệt để mê hoặc học giả mà không căn cứ vào thực tế. Chư Phật thuyết Pháp chỉ e người nghe không hiểu, dẫu cho có thuyết lời vi ẩn cũng dẫn chứng thí dụ khiến chúng sanh dễ ngộ nhập.

Cũng như Tăng hỏi Mã Tổ :

- Thế nào là Phật ?

Tổ nói :

- Tức tâm là Phật.

Nếu ở đây ngộ nhập thì đâu có gì sai biệt. Nếu ở đây chẳng ngộ thì ngay câu "Tức tâm là Phật" này liền thành nhân duyên sai biệt. Người tham thiền xem Kinh-giáo và nhân duyên vào Đạo của Cổ-đức cần phải để rỗng rang cái tâm của mình, chẳng nên hướng lên trên danh tự nghĩa cú mà cầu huyền diệu, cầu ngộ nhập. Nếu khởi cái tâm này tức là tự chướng cái Chánh-tri-kiến của chính mình, thì suốt kiếp cũng chẳng có chỗ ngộ nhập.

Bàng Sơn nói : "Ví như dùng kiếm chém hư không, không kể trúng hay không trúng, hãy chú ý nhé".

Duy-ma-cật nói : "Pháp siêu việt nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý". Muốn triệt ngộ Pháp này, trước tiên cần phải ngăn trừ nơi cửa lục căn không để cho có chút lỗi lầm. Cái gì là lỗi lầm ? Đó là bị : Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp dính mắc mà không thể xa lìa, lại ở nơi ngôn cú của Cổ-đức và Kinh-điển cầu tri kiến, tìm giải hội. Nếu như có thể ở trong Kinh-điển và nhân duyên vào Đạo của Cổ-đức mà không khởi một niệm nào khác, ngay đó trở về Tự-tánh thì đối với cảnh giới mình, cảnh giới người đều như ý tự tại vậy.

Đức Sơn thấy Tăng vào cửa liền đập, Lâm Tế thấy Tăng vào cửa liền hét. Tôn-túc các nơi gọi đó là "Ngay đó nhắc nhở, trước mặt thẳng tay phó chúc". Nhưng Diệu Hỷ (Đại Huệ) lại gọi là dính sơn dính bùn, dẫu cho ngay nơi một gậy một hét mà toàn thân gánh vác được đã là một kẻ không phải là Đại-trượng-phu, bị họ tạt một gáo nước thối ngay đầu rồi, huống là ở nơi một gậy một hét mà cầu kỳ lạ, tìm diệu-hội ư ?! Ấy là kẻ trong xấu hổ lại thêm xấu hổ. 

 

THƯ ĐÁP LỮ THUẤN NGUYÊN

Xưa kia Đô-úy Lý Văn Hòa tham vấn Thiền-sư Thạch Môn Từ Chiếu, ngộ được tông-chỉ của Lâm Tế có làm bài Kệ rằng :

Học Đạo, tâm cứng như sắt,

Thẳng tay, trong lòng vững chắc.

Chụp ngay Vô-thượng Bồ-đề,

Tất cả thị-phi chẳng màng.

Lành thay lời này, có thể giúp cho học vấn sáng tỏ, phát ra đại dụng vậy. Còn bảo Phật là thuốc của chúng sanh, bệnh chúng sanh lành thì thuốc cũng vô dụng. Nếu bệnh lành còn giữ thuốc thì chỉ có thể nhập cảnh giới Phật mà chẳng thể nhập cảnh giới Ma, vẫn còn là bệnh. Bệnh này so với bệnh chúng sanh chưa lành đâu có khác. Hễ bệnh lành thì thuốc cũng bỏ, Phật, Ma đều quét thì mới có thể đối với đại sự nhân duyên có chút phần tương ưng.

Phật là kẻ đã liễu-sự trong cõi chúng sanh, chúng sanh là kẻ bất-liễu-sự trong cõi Phật. Muốn được như một thì phải đem Phật với chúng sanh buông xả một lượt, vậy mới không có sự-liễu với sự-bất-liễu.

Cổ Đức nói :

“Hễ ở nơi sự thông vô-sự.

 Thấy sắc nghe tiêng khỏi mù điếc”.         

 Con người dù biết được đạo lý thế gian hư vọng chẳng thật, song đến khi đối cảnh gặp duyên, sự thực bỗng hiện trước mắt, muốn không tùy thuận nó nhưng vẫn bị nó lôi kéo đi. Bởi vì tập-khí từ vô thủy đến nay, chỗ quen đã quá quen, chỗ lạ thì quá lạ, nên tuy tạm biết được rõ, song Đạo-lực chẳng thắng được nghiệp-lực.

Vậy thế nào là chỗ quen của nghiệp-lực ? thế nào là chỗ lạ của Đạo-lực ?

Thật ra Đạo-lực và nghiệp-lực vốn chẳng cố định, chỉ cần xem chỗ hiện hành hàng ngày có tham ái hay không mà thôi. Nếu có tham ái thì nghiệp-lực thắng Đạo-lực. Nghiệp-lực thắng thì khi gặp cảnh duyên liền bị kẹt, gặp cảnh duyên bị kẹt thì chỗ nào cũng dính mắc, chỗ nào cũng dính mắc, chỗ nào cũng dính mắc thì khổ-vui đều là khổ. Cho nên Phật Thích-ca nói với Di-lặc rằng : “Nếu ngươi cho sắc - không đoạt nhau (sanh diệt lẫn nhau) nơi Như-lai-tạng thì Như-lai-tạng tùy theo sắc - không mà cùng khắp thế giới, thế nên mới có những hiện tượng gió thổi thì động, hư không thì tịnh, Mặt-trời hiện thì sáng, Mặt-trời lặn thì tối. Vì chúng sanh mê muội, bỏ Bản-giác theo cảnh trần lao mà có tướng thế gian”. Ấy là nghiệp-lực thắng Đạo-lực.

LƯỢC GIẢI : Sắc, không đoạt nhau nơi Như-lai-tạng : Tại sao nói sắc, không đoạt nhau ? Như ban ngày thấy sáng khắp hư không, ban đêm thấy tối khắp hư không, đó là sáng tối tự sanh diệt đoạt nhau chẳng dính với hư không. Hư không chưa từng sáng tối. Hư không dụ cho Như-lai-tạng. Do nghiệp lực sanh khởi trần lao mới thấy có gió động tịnh, mặt trời sáng tối v.v.. lăng xăng đoạt nhau trong Như-lai-tạng mà chẳng dính dáng với Như-lai-tạng. Như-lai-tạng chưa từng dính mắc trần lao.

Phật Thích-ca lại nói : “Ta có cái Diệu-minh bất sanh bất diệt hợp với Như-lai-tạng thì Như-lai-tạng chỉ có Diệu-giác sáng tỏ chiếu khắp thế giới. Thế nên một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ, khắp mười phương cõi Đạo-tràng chẳng động, thân gồm mười phương hư không, nơi đầu sợi lông hiện Phật-sát, ngồi trong hạt bụi chuyển Pháp-luân”. Đây là chỗ hiện hành Đạo-lực thắng nghiệp-lực.

Dù nói như thế nhưng sự thật cả hai đều là hư vọng. Nếu bỏ nghiệp-lực mà chấp trước Đạo-lực thì tôi dám bảo rằng người này chẳng hội được phương tiện tùy nghi thuyết Pháp của chư Phật. Tại sao vây ? Như Phật Thích-ca nói : “Nếu chấp Pháp-tướng tức là dính mắc ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp Phi-pháp-tướng cũng dính mắc ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Do đó chẳng nên chấp Pháp cũng chẳng nên chấp Phi-pháp”. Đoạn trên tôi nói : “Đạo-lực và nghiệp-lực vốn chẳng cố định” là nghĩa này vậy.

Nếu là bậc Đại-trượng-phu, mượn Đạo-lực làm công cụ để phá trừ nghiệp-lực, nghiệp-lực đã trừ thì Đạo-lực cũng hư vọng. Nên nói : “Chỉ dùng giả danh tự dẫn dắt cho chúng sanh”. Lúc chưa khám phá thì khó lắm, còn sau khi khám phá rồi thì có gì khó dễ đâu !.

Bàng Uẩn nói :

Phàm phu chí lượng hẹp

Vọng nói có khó dễ

Lìa tướng, như hư không

Khế hợp như Phật-trí

Giới-tướng cũng như không

Kẻ mê tự tác trì

Gốc bệnh chẳng nhổ sạch

Chỉ là đùa hi hi.

Muốn biết gốc bệnh chăng ? Chẳng phải vật gì khác mà chỉ là cái chấp khó chấp dễ vọng sanh lấy bỏ đó. Cái gốc bệnh này nhổ không sạch thì phải chìm nổi trong biển sanh tử chẳng có ngày ra.

Xưa Tú-tài Trương Chuyết vừa bị bậc Tôn-túc điểm đúng căn bệnh, liền hội và nói :

Dứt trừ phiền não càng thêm bệnh

Hướng đến chân như cũng là tà

Tùy thuận thế duyên vô quái ngại

Niết-bàn sanh tử vốn không hoa.

Muốn được thẳng tắt, chẳng nghi Phật, Tổ, chẳng nghi sanh tử, chỉ cần để cho tấm lòng trống rỗng, việc đến thì tùy duyên ứng phó, mà tâm định như nước trong lặng, chiếu soi như gương sáng tỏ. Nếu tướng thiện ác, xấu đẹp nào đến, trốn một mảy may không được, vậy mới tin biết cái cảnh giới vô tâm tự nhiên bất khả tư nghì. 

 

NGỤY CÔNG thỉnh thăng tòa

Sư khai-thị :

- Muốn biết Pháp chăng ? Ấy là Bồ-đề, Niết-bàn, Chân-như, Phật-tánh. Muốn biết bệnh chăng ? Ấy là tham sân, tà kiến, vọng tưởng điên đảo. Mặc dầu như thế nhưng lìa vọng tưởng điên đảo thì chẳng có Chân-như, Phật-tánh; lìa tham sân, tà kiến thì chẳng có Bồ-đề, Niết-bàn. Như thế thì phân là đúng hay chẳng phân là đúng ? Nếu phân thì còn một bỏ một, cái bệnh càng nặng. Nếu chẳng phân thì Chân-như, Phật-tánh mơ hồ, rốt cuộc làm sao nói rỏ cái lý lẽ “Trừ bệnh chẳng trừ pháp”.

Có người vừa nghe những lời kể trên liền nói : “Tức pháp là bệnh, tức bệnh là pháp. Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải nghĩa thật. Nếu thuận theo Chân-như thì vọng tưởng điên đảo, tham sân tà kiến thảy đều là Pháp. Nếu thuận theo điên đảo thì Chân-như, Phật-tánh, Bồ-đề, Niết-bàn thảy đều là bệnh”.

Nếu có kiến giải như thế thì chẳng những không đủ tư cách mặc đồ tu, muốn làm nô lệ cho Tọa-chủ cũng không thể được. Tại sao ? Như Cổ-đức nói : “Nếu có một pháp hơn pháp Niết-bàn, Ta nói cũng như mộng huyễn”. Nếu được ở trong mộng huyễn : Như thực mà chứng, như thực mà giải, như thực mà tu, như thực mà hành. Dùng cái pháp như thực đó khéo tự điều phục, rồi khởi tâm đại bi làm mọi phương tiện để điều phục tất cả chúng sanh, mà chẳng có tư tưởng điều phục hay không điều phục, chẳng nghĩ đó là vọng tưởng điên đảo… Chẳng nghĩ đó là trừ bệnh chẳng trừ pháp phân hay chẳng phân.

Nếu chẳng có những suy nghĩ như thế thì được nhứt Đạo trong sạch, bình đẳng giải thoát. 

 

THƯ ĐÁP TĂNG THIÊN DU

Phụ thư hỏi :

Lúc Tôi ở Trường Sa được thư của Lão-sư Viên Ngộ nói : “Ông lúc già tham thiền sở đắc rất là kỳ vĩ”. Tôi nhiều lần nghĩ đến điều đó, nay đã tám năm rồi, thường hận chưa được đích thân nghe lời dạy bảo. Thật biết bao ngưỡng mộ !

Tôi từ ấu niên đã phát tâm tham lễ các bật tri thức, cúi đầu đảnh lễ hỏi đến việc này. Từ tuổi trưởng thành về sau, bị việc hôn nhân và quan chức sai khiến nên việc dụng công chẳng được thuần nhất. Từ đó đến nay, tuổi đã già, đối với điều chưa được học hỏi thường tự hổ thẹn, thở than, lập chí phát nguyện nếu chẳng ngộ thì thôi, bằng ngộ thì phải thân chứng đến chỗ đại thôi nghỉ của người xưa mới thôi. Tâm này tuy chưa từng có một niệm lui sụt nhưng tự biết công phu chưa được thuần nhất, có thể nói chí nguyện lớn mà lực lượng nhỏ vậy.

Trước đây tôi có thống thiết thỉnh cầu Lão-sư Viên Ngộ khai-thị. Lão-sư đã dạy cho tôi sáu đoạn Pháp-ngữ. Đoạn đầu tiên chỉ thẳng việc này, sau nêu ra hai Công-án “ Núi Tu-di” và “Buông Xuống Đi”(1) của Vân Môn và Triệu Châu. Ngài bảo suốt ngày âm thầm thường giữ nghi-tình, lâu ngày ắt được ngộ nhập. Tâm Ngài từ bi thiết tha đến thế, ngặt vì tôi quá ngu dại.

Nay may mắn các việc trần duyên của tư gia đều xong cả, rảnh rang không bận việc gì, cũng chính là lúc tôi thống thiết tự cố gắng để thỏa mãn đền đáp cái chí nguyện ban đầu. Nhưng còn hận chưa được gần gũi để nghe lời Ngài dạy bảo.

Một đời bê bối nay đã cặn kẻ trình bày, chắc Ngài có thể soi thấu được tâm này, ngưỡng mong nhận được lời răn nhắc.

Hàng ngày Tôi phải dụng công như thế nào, ngõ hầu chẳng lạc vào lối khác, ngay thẳng khế ngộ Tự-tánh ? 

(1) Công-án ‘Núi Tu-di’ : Có vị Tăng hỏi Vân Môn : Chẳng khởi một niệm có lỗi hay không ? Sư đáp : Lỗi bằng núi Tu-di.

- Công-án ‘Buông Xuống Đi’ : Có vị Tăng hỏi Vân Môn : Lúc một vật chẳng đem đến thì thế nào ?. Sư đáp : Buông xuống đi.

ĐÁP I

Theo như Ông đã trình bày, như thế rất hợp lòng Tôi. Đã là kẻ sĩ, những điều thế gian không ai tránh khỏi, cũng không phải là cái tội của Ông. Vì một chút tội nhỏ mà sanh lòng lo sợ lớn, nếu chẳng phải do nhiều kiếp từ vô thủy đến nay đã từng thân cận bậc Thiện-tri-thức chân chánh, huân tập sâu xa chủng Trí-bát-nhã thì đâu được như thế. Song, đã biết là pháp hư huyển chẳng phải cứu cánh mà hồi tâm vào trong cửa này, dùng nước Trí-bát-nhã (nghi-tình) rửa sạch cấu nhiễm, ngay dưới chân cắt đứt tất cả tâm phan duyên không cho tương tục nữa là đủ rồi, không cần nhớ trước nghĩ sau vậy. Đã nói hư huyễn thì lúc làm cũng huyễn, lúc thọ cũng huyễn, lúc mê cũng huyễn, lúc Giác cũng huyễn; quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều là huyễn. Hôm nay biết lỗi thì dùng thuốc huyễn để trị cái bệnh huyễn. Nếu bệnh lành ắt thuốc phải bỏ, người thì vẫn y như cũ, chỉ là người xưa kia thôi (1). Nếu đặt ra có người thật, có pháp thật, ấy là kiến-giải của tà ma Ngoại-đạo vậy. Mong ông hãy suy xét kỹ !

Ông chỉ cần tham mãi thì luôn luôn ở trong thắng tịnh. Chỉ cần trong tâm chân thật tham-cứu, việc đã qua không cần lo sợ, cũng không cần suy nghĩ. Vì suy nghĩ lo sợ đều là chướng Đạo vậy.

Chỉ cần phát đại thệ nguyện được gặp bậc Thiện-tri-thức, ngay dưới một lời liền dứt sanh tử, chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nối huệ mạng Phật, hầu đền đáp thâm ân to tát của chư Phật.

Nếu như thế lâu ngày, không có lý gì mà không ngộ. Phải biết Thiện Tài Đồng-tử lúc ở trước ngài Văn-thù phát tâm trải qua 110 thành, tham vấn 53 vị Thiện-tri-thức, sau cùng đến chỗ Đức Di-lặc, trong khoảnh búng ngón tay tức thì quên hết các Pháp-môn đã đắc từ trước (nghĩa là ngộ). Lại y theo lời Đức Di-lặc dạy, nghĩ muốn thân cận ngài Văn-thù. Ngay lúc ấy ngài Văn-thù từ xa duỗi cánh tay mặt qua 110 do-tuần đến xoa đầu Thiện Tài và bảo :

 “Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Nếu lìa Tín-căn thì tâm yếu kém, lo âu, ăn năn, công hạnh chẳng được đầy đủ, lui sụt sự cần mẫn tinh chuyên. Đối với một thiện căn tâm sanh trụ trước, được ít công đức bèn cho là đủ, là chẳng khéo phát khởi hạnh nguyện, chẳng được Thiện-tri-thức nhiếp hộ, cho nên chẳng thể biết rõ Pháp-tánh như vậy, chỉ thú như vậy, Pháp-môn như vậy, sở hành như vậy, cảnh giới như vậy. Đối với những năng lực như cái biết cùng khắp, cái biết đủ thứ, cái biết triệt để, thấu triệt thâm sâu; diễn giải, phân biệt, ngộ giải, chứng đắc, thảy đều chẳng được”.

Ngài Văn-thù dạy Thiện-tài như thế, Thiện-tài ngay dưới lời này thành tựu vô lượng Pháp-môn, đầy đủ vô lượng quang minh đại trí, vào cửa Phổ-hiền. Ở trong một niệm thấy hết các vị Thiện-tri-thức số nhiều như vi trần trong Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới và được cung kính, cúng dường, thọ giáo, được Trí-niệm chẳng quên, trang nghiêm giải thoát.

Nơi một lỗ chân lông đi một bước cho đến vào tất cả Quốc-độ bằng lỗ chân lông của ngài Phổ-hiền, siêu việt số thế giới cõi Phật nhiều như vi trần bất khả thuyết, bất khả thuyết, đồng như Phổ-hiền, đồng như chư Phật, cõi đồng, hạnh đồng và giải thoát tự tại cả thảy đều đồng, không hai không khác.

Lúc ấy, mới có thể chuyển ba độc tham, sân, si thành ba Tịnh-giới (2), chuyển sáu Thức thành sáu Thần-thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô-minh thành Đại-trí. Những điều kể trên chỉ ở tại một niệm chân thật cuối cùng của đương nhân mà thôi.

Như thế, Thiện-tài ở chỗ Đức Di-lặc trong khoảnh khắc búng ngón tay còn có thể bỗng quên Tam-muội sở chứng của các Thiện-tri-thức, huống là các ác nghiệp, tập-khí hư ngụy từ vô thủy ư ?

Nếu cứ cho các tội đã làm khi trước là thật thì cảnh giới trước mắt hiện nay cũng phải thật có, cho đến Quan-chức, phú quí, ân ái thảy đều là thật. Đã là thật thì Địa-ngục Thiên-đàng cũng là thật, phiền não vô minh cũng là thật, người tạo nghiệp cũng thật, người chịu quả báo cũng thật, Pháp-môn đã chứng cũng thật.

Nếu kiến-giải như thế thì đến tận đời vị lai cũng không có người nào Phật-thừa và các phương-tiện của chư Phật, chư Tổ trái lại trở thành vọng ngữ cả.

Theo lời Ông nói, lúc gởi thơ này Ông đã đốt hương lễ bái trước Phật - Tổ và từ xa hướng về Am này cúi lạy rồi mới gửi. Ông thành tâm chí thiết đến thế, chúng ta tuy cách nhau không xa mà chưa có dịp giáp mặt đàm luận, hôm nay sở dĩ ý tự nhiên nghĩ, tay tự nhiên viết, bất giác dông dài như thế này, đó chẳng qua là xuất phát từ lòng chí thành, chẳng dám có một lời một chữ dối gạt nhau. Nếu như Tôi dối Ông cũng là tự dối mình vậy.

Tôi còn nhớ Thiện-tài tham kiến Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh được ‘Chí thành’ giải thoát. Chư Phật, Bồ-tát quá khứ, hiện tại, vị lai đối với Vô-thượng Bồ-đề đã không lui sụt, sẽ không lui sụt, hiện không lui sụt; phàm hễ cầu điều gì cũng được thành tựu viên mãn là đều do ‘Chí thành’ mà được. Ông đã cùng với ghế trúc, bồ-đoàn làm bạn, chẳng khác nào Thiện-tài gặp Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh. Hễ tin nhau thì hãy thực hành công phu như thế, tương lai nhất định sẽ thành tựu viên mãn Vô-thượng Bồ-đề không sai vậy. 

(1) Bệnh là mê, hết bệnh là ngộ, ngộ rồi mà chẳng trụ nơi ngộ nên nói đồng như chưa ngộ, nghĩa là vẵn như người thuở xưa vậy.

(2) Ba Tụ Tịnh Giới : Nhiếp Luật Nghi Giới, Nhiếp Thiện Pháp-giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.

 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn